Động tức có khổ

19/08/20201:00 SA(Xem: 8669)
Động tức có khổ
ĐỘNG TỨC CÓ KHỔ
Chân Hiền Tâm

anh-minh-hoa-duc-phat-ngoi-thien-trong-rung
ảnh minh hoạ đức Phật ngồi thiền trong rừng
Dịch bệnh hiện nay đang lan tràn, chưa biết bao giờ mới chấm dứt, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Người nhiễm bệnh kinh hoàng. Người chết cũng không ít. 

Ở nhà vài ngày đối với một ai đó đang khỏe mạnh là việc khó có thể chấp nhận với cái nhìn của đa số. Không bệnh tật, không phải nằm yên một chỗ, thì đi đây đi kia là việc tất nhiên, không thể phí hoài. Nếu bạn dành thời gian cho việc ở nhà một mình, người ta liền nghĩ ngay đến bệnh trầm cảm, hay bạn đang gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống. Điều này không phải sai với một số người. Vậy mà bây giờ, có lệnh ngưng hết mọi sinh hoạt, từ việc làm cho đến vui chơi. Ngay cả những đại lễ mang tính quốc gia cũng phải ngưng. Thành phố trở nên vắng lặng. Mọi người hạn chế tiếp xúc… Đó không phải là việc dễ chịu với những ai đã quen động.  

Tôi nhìn thấy đâu đó tấm hình vẽ một con chó với cái bụng thật to, đang lim dim ngồi ngửa trên ghế, bên cạnh ghi dòng chữ: “Ở nhà mấy hôm nay, thân nhiệt bình thường, hô hấp bình thường, ăn uống bình thường, cân nặng dị thường, tinh thần thất thường”. Hoặc là vài tin nhắn vui vui: “Khuyến cáo từ bác sĩ tâm lý: Trong thời gian ở nhà chống dịch, việc bắt chuyện với cây cối, động vật, thậm chí với bát đĩa trong nhà là hoàn toàn bình thường, vì con người ai cũng có nhu cầu giao tiếp. Tuy nhiên, hãy liên hệ ngay với bệnh viện khi bạn thấy chúng trả lời. Xin cảm ơn!”. Những khoảnh khắc tiêu tiếu cho quên nỗi buồn ở nhà. Nhưng nó đã diễn tả khá đúng tâm trạng của hầu hết người đời bây giờ: Thân ở yên một chỗ khiến tâm thức không còn bình thường. Trạng thái thường gặp là stress. Sự thất thường đó là hậu quả của việc phải giam người trong nhà, dù là tự nguyện. Chỉ mới là kết quả của một sự giảm bớt, chưa phải là kết quả của một sự bất động hoàn toàn, vậy mà căng thẳng đã xuất hiện. Chỉ vì đi ngược với thói quen mà mình đã huân tập từ thời vô thỉ. 

Cội nguồn chân nguyên của tất cả muôn loài, là bản thể của mọi sự vật và hiện tượng, vốn chẳng động. Chỉ vì không tự tánh, không thể tự giữ mà vọng động. Động đó là do bất giác mà có. Bất giác, vì chẳng biết đúng như thật pháp chân như toàn nhất, tâm khởi mà có niệm1. Niệm này do bản giác vọng động mà có nên chẳng có tự thể riêng, thể của nó chính là chân như bản giác2. Tướng vọng động đó, luận Đại thừa khởi tín gọi là Nghiệp tướng, nói đủ là Vô minh nghiệp tướng. Nghiệp này do vô minh mà có, nên gọi là Vô minh nghiệp tướng. Tổ Hiền Thủ nói: “Đây tuy động nhưng động niệm này rất vi tế, duyên khởithành nhất tướng, năng sở chưa phân, chính là phần tự thể của thức A-lại-da3. Chỗ này năng sở chưa phân. Tức chưa có cái gọi là ta, người, thế giới, chúng sinh như hiện nay. Nương Vô minh nghiệp tướng này mà xuất hiện cái hay thấy, gọi là Năng kiến tướng. Nói hay thấy, không có nghĩa là phải có mắt mới thấy, chỉ là sự rõ biết cùng khắp của tâm thức, kinh Thủ Lăng nghiêm gọi chỗ này là Kiến tinh, là cái thấy còn tinh ròng, chưa bị nhiễm ô bởi phân biệt. Có năng thì nhất định có sở, nên Năng kiến tướng xuất hiện rồi liền có Cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng này, theo cái nhìn của Đại sư Hám Sơn là hư khôngtứ đại4. Quá trình biến khởi đó được mô tả khá rõ trong kinh Lăng nghiêm, bằng câu hỏi mở đầu của Tôn giả Phú-lâu-na: “Tánh bản nhiên thanh tịnh vì sao bỗng nhiên sinh ra núi, sông, đất liền cùng các thứ hữu vi thứ lớp dời đổi…?”. Sau khi trả lời chi tiết xong, Phật kết luận: “Đều do tánh rõ biết sáng suốt của giác minh. Nhân rõ biết mà phát ra tướng. Từ cái vọng thấy mà sinh ra núi, sông, đất liền cùng các tướng hữu vi thứ lớp dời đổi…”. Vọng thì không thật. Thế giới này chỉ là một trường đại mộng, do chúng sinh ngủ quên trong giấc ngủ vô minh mà có. Chúng sinh tự tạo ra thân cănthế giới quanh mình, rồi theo đó mà buồn, vui, sợ hãi, đau khổ. Tất cả không ngoài tâm mà có. Kinh Hoa nghiêm nói: “Nếu người muốn thấu tỏ/ Tất cả Phật ba đời/ Nên quán tánh pháp giới/ Tất cả chỉ tâm tạo/ Tâm như tay thợ vẽ/ Vẽ các thứ ngũ uẩn/ Tất cả trong thế gian/ Đều chỉ do tâm tạo5. Tất cả không ngoài tâm, nhưng không phải theo kiểu duy tâm của phương Tây, mà theo cách kinh Lăng nghiêm và luận Đại thừa khởi tín đã nói, rõ hơn với bộ luận Thành duy thức

Trong phạm vi xa nguồn hiện nay, cảnh giới mà một chúng hữu tình đang thọ nhận chính là Cảnh giới tướng. Tứ đạihư không đã có cảnh sắc và phần hạn rõ ràng. Như loài người thì Cảnh giới tướng là chỉ cho thế giới con người đang sống, trong đó có thân và các căn của loài người. Loài vật thì Cảnh giới tướng là những gì chúng đang thọ nhận bằng thân và căn của chúng. Còn Năng kiến tướng thuộc về tâm. Trong trường hợp này, quá trình trên không chỉ dừng lại ở ba tướng tế vừa mô tả trên, mà đã bị chi phối bởi sáu tướng thô kế tiếp: Trí tướngTương tục tướngChấp thủ tướngKế danh tự tướngKhởi nghiệp tướng, và cuối cùng là Nghiệp hệ khổ tướng. Quá trình đó được mô tả sơ lược như sau: Khi chân tâm đã phân năng sở, liền xuất hiện sự phân biệt6. Phân biệt rồi thì tâm thức khởi niệm tương tục không dứt, duyên niệm cảnh giới, duy trì sự khổ vui, tâm khởi dính mắc7. Y sự dính mắc đó mà phân biệt tướng danh ngôn hư dối, tìm danh thủ trước8, tạo mọi thứ nghiệp, đó là Khởi nghiệp tướng. Khởi nghiệp tướng này là nhân để có tướng cảnh giới thuộc sáu đường. Có cảnh giớisáu đường rồi thì cái gọi là làm chủ, tự tại… chỉ là trá hình của nghiệp lực. Nói Nghiệp hệ khổ tướng là vậy. Hệ diễn tả tình trạng lệ thuộc, trói buộc. Tất cả đều lệ thuộc vào nghiệp nhânchúng sinh từng gây ra trước đó. 

Đó là lý do vì sao có hai chữ định mệnh. Vì mạng sống và mọi việc của nhân sinh như đã được định sẵn. Có những thứ không muốn vẫn xảy ra. Có những thứ rất muốn vẫn không thể làm được. Vì tất cả đã có nhân từ trước, giờ đủ duyên chỉ sinh quả mà thôi.  

Với cái nhìn của Phật giáo, cái gọi là định mệnh chỉ đúng với những gì thuộc định nghiệp. Nhân đã có, duyên đã đủ, và giờ ra quả. Vẫn còn chút tự do với những loại nghiệp gọi là bất định, nhân tuy có mà duyên chưa đủ. Có thể tạo duyên giúp chuyển quả. Vì thế nhà Phật không công nhận thuyết định mệnhđời người thật sự bị trói buộc bởi các nghiệp mình từng gây tạo. 

Có một thực tế là, dù đều là người, nhưng không ai giống ai, từ hình dạng, thân thế, đến hoàn cảnh v.v… Có thứ giống nhau mà có thứ không giống nhau, phải nói là muôn hình vạn trạng ở thế giới này. Để giải quyết vấn đề đồng dị này, kinh Lăng nghiêm có nói đến hai từ đồng nghiệpbiệt nghiệp. Đồng nghiệp chỉ cho những tư tưởnghành vi giống nhau, kết quả nhận được từ chúng là như nhau, nên nói đồng, như cùng là loài người hay loài vật, cùng một màu da, cùng giai cấp v.v… Trong những thứ đồng đó, xuất hiện những thứ không đồng, là do tư tưởnghành vi không như nhau. Người từng tạo nhân bố thí nhiều thì giàu có. Người từng tạo nhân keo kiết mạnh thì sa cơ, thấp hèn v.v… Tóm lại, bản chất thật con người đang sở hữu thì không động, nhưng có mọi thứ như hiện nay là do động. Động đó tuy không thật nhưng giờ lại trở thành bản chất trong từng con người. Hỏi sao ở nhà chỉ vài giờ là không chịu được, vài ngày trở thành căng thẳng, vài tháng liền thành điên loạn? Ngọn nguồn là vì chúng ta đã làm quen với cái động quá lâu xa. Thật còn đó mà ẩn mất. Vọng giờ thành chủ. Mọi thứ đều được xây dựng trên nền tảng ấy, từ cái động vi tế do bất giác mà có, cho đến những cái động thô, là thói quen trong cách suy nghĩ, nhận thứchành vi của mỗi người, Phật giáo gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệpý nghiệp.  

Việc loạn động này đã được nhà toán học Pascal cảnh báo vào giữa thế kỷ XVII: “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”. Gần đây, câu nói này đã được soi tỏ bởi một thí nghiệm của Đại học Virginia ở Mỹ. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu ngồi một mình mười lăm phút, trong một căn phòng trống trơn, không có gì ngoài một nút bấm. Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật. Và tất cả đều được thử trước mức độ điện giật này. Ai cũng tuyên bố dù được trả tiền cũng không đụng đến9. Vậy mà, thay vì suy tưởng hay nghỉ ngơi chịu đựng cho qua mười lăm phút, họ đã bấm vào nút giật. Bởi ngồi yên, với họ là một cực hình, nó đáng sợ hơn bất cứ thứ gì trong hiện tại, cần có gì đó để làm, dù việc đó có hại đến bản thân chăng nữa.  

Thí nghiệm cho thấy con người bị chi phối bởi thói quen tương ưng với sự loạn động lớn lao thế nào. Thành chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy các bãi biển ở phía Bắc thành phố Sydney vẫn kín người, bất chấp mức phạt 11.000 AUD được áp dụng cho việc cách ly ở Australia. Đóng cửa các bãi biển, họ lại tụ qua chỗ khác. Chỉ cần một tin gì đó hơi bất thường xuất hiện là đã có sự tụ hội nhanh chóng. Việt Nam và các nước khác cũng không ngoại lệ. Các hội thánh, đền thờ, bãi biển, công viên v.v… đầy ắp người. Ngày 1-4 Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc, trong vòng mười lăm ngày, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, nhưng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn rất đông người. Lực lượng an ninhbảo vệ phải có mặt để tuyên truyền, động viên, giải tán… nhưng đến 7 giờ tối vẫn chưa xong. Lý do đơn giản là ở nhà cả ngày chán quá, ra đi bộ một lát cho thoải mái, vì tập thể dục quanh hồ vốn là thói quen không thể thiếu của đa phần v.v... Để thực hiện tốt việc cách ly này, Chính phủ đã phải “tăng cường kiểm tra, trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài, đều phải xử phạt”10. Hầu hết các quốc gia đều phải có những biện pháp mạnh đối với việc cách ly này, mới có thể duy trì tình trạng giúp người dân ở yên một chỗ. Thật là vất vả khi mọi thứ xảy ra trái với thói quen hằng ngày của mọi người.

Cũng chính vì đó mà nghe đến cách ly là sợ. Sợ phải đối diện với những gì trái với sinh hoạt cũng như thói quen của mình. Sợ tù túng, bó buộc. Sợ nên bị cách ly là la làng. Rồi khai gian, báo cáo láo, và nếu trốn được là trốn ngay, bất chấp sự kêu gọi cùng thỉnh cầu của các vị có trách nhiệm. Kết quả là dịch bệnh lan rộng toàn cầu, mức độ lây lan chóng mặt, người nhiễm vô số, người chết không ít. 

Ý thứccộng đồng hiện nay được nhắc đến rất nhiều. Hy vọng có thể phát huy được sự hiểu biết cũng như tính Phật trong mỗi người (dù nó đã lặng khá lâu từ thời vô thỉ), hy vọng lực ấy bùng lên để có thể ngăn bớt sự vọng động của con người. Một vài lần, tôi cũng đã ghi một câu gì đó dưới những trang tin, nói lên sự thiếu ý thức của con người. Không phải do tức tối hay muốn chửi bới. Một khi bạn đã hiểu nguyên do phát sinh, hiểu con người chỉ là nạn nhân của chính những gì mình từng huân tập, thì chẳng còn sự bực tức nào hiện diện nếu không nói là thương cảm. Chỉ là muốn góp phần ngăn bớt những tệ hại nhờ vào lực của số đông. Hy vọng họ thấy sợ hãi với việc chửi bới mà ý thức nhiều hơn với bổn phận và trách nhiệm mình cần có với cộng đồng, dùng hiểu biết và sự thương cảm thắng bớt những vọng động của bản thân.  

Sài thành bây giờ khá vắng vẻ. Đường sá thênh thang… là ước mơ của khá nhiều người khi phải chen nhau dưới cái nắng đổ lửa và trong không khí ngột ngạt xăng dầu cùng khói bụi. Nhưng tâm chưa nguôi vọng động nên cảnh vắng lặng không thể tự hiện, phải nương vào dịch bệnh mới có. Không có dịch bệnh như hiện nay, bao đời thành phố được vắng lặng? Thành dù thích thú, cũng đành chọn cái không thích thú để chân tay được thoải mái, còn kiếm tiền sinh nhai… Rất nhiều thứ cần phải giải quyết, không thể ngồi yên một chỗ mãi. Cái cần giải quyết trước mắttình trạng căng thẳngnhàm chán khi phải đi ngược với thói quen vọng động của mình.  

Tôi trước giờ vẫn không thích cái nắng của Sài thành, nắng trầy mình. Cũng không thích không khí ô nhiễm bụi bặm của Sài thành, thấy nghẹt thở mỗi khi ra đường, thích ở nhà nhiều hơn. Vậy mà chính nhờ cái nóng đó, dịch bệnh ở Việt Nam ít có điều kiện phát tán. 

Nắng và bụi, khẩu trang không thể không dùng. Người ta quen che kín từ đầu đến chân, không một ai thắc mắc. Cũng không ai thắc mắc vì sao trên mặt mọi người lại mang khẩu trang y tế. Can đảm bày mặt giữa khí trời oi bức mới là việc lạ của phố phường. Thói quen đó không ngờ lại thành tiện lợi cho việc chống dịch hiện nay, cần thì đeo, không thì thôi, dù việc đó hơi khó với một số người. Nhưng đa phần thì vô tư, khẩu trang cả ngày lẫn đêm vẫn được. Mới thấy, trong họa có phúc, chẳng nên chê thứ nào. Thành lỡ gây nghiệp nhân không mát mẻô nhiễm rồi thì nhận cái quả nóng bức bụi bặm trong vui vẻ cho an. Biết đâu chừng, để tồn tại trước đám nhiễm ô đó mà thân thể sản sinh được một loại kháng thể, nCov không thể đột nhập

Ở nước ngoài, đeo khẩu trang là việc cực kỳ khó, dù đó là phương tiện khá cần thiết để dịch bệnh không lây lan. Vì trước giờ, không có gì cần bảo vệ, việc đeo khẩu trang trở thành bất bình thường ở nước họ. Thiên hạ sợ khi thấy ai đeo khẩu trang, như thể là một loại bệnh truyền nhiễm cần tránh xa, dù người đeo không hề bệnh. Đã thấy sợ thì bản thân khó mà làm được những điều tương tự. Một bệnh viện thuộc thành phố Irving, tiểu bang Texas, không cho y bác sĩ mang khẩu trang, lý do khá ngộ nghĩnh, mang khẩu trang khi đi thăm bệnh là coi thường bệnh nhân, khẩu trang chỉ được dùng khi mổ. Trong bưu điện cũng vậy. Dù đã có người nhiễm nCov, quỵ ngay trong giờ làm việc, lãnh đạo vẫn yêu cầu nhân viên không được đeo khẩu trang, khi nào bệnh rồi hãy đeo. Một nhân viên da đen phản đối: “Nếu bệnh rồi thì làm gì còn ngồi đây mà đeo khẩu trang”. Nhờ đó, khẩu trang được trang bị cho mọi người, nhưng ai muốn thì đeo, không thì thôi. Không phải như Việt Nam, người dân tự nguyện đeo, ai không tự nguyện sẽ bị phạt. Vào chốn đông người mà không có khẩu trang, bạn sẽ được nhắc nhở. Hoặc là bạn ngoan ngoãn làm theo hoặc là bạn phải đối diện với sự phản ứng gay gắt của mọi người. Nhờ đó, dịch bệnh không có điều kiện lan tràn như ở các nước Âu Mỹ

Phải nói, khi một tư tưởng được hình thành và bám chặt, trở thành một loại định kiến kiên cố trên toàn xã hội, thì thật là nan giải cho một quốc gia khi cần một thay đổi mới. Cho nên, muốn tùy duyên được thì phải vô chấp. Vô chấp mới tùy duyên được. Tùy được, an bình mới sinh. Trúc Lâm Đại Đầu Đà có kệ “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Chẳng thể tùy duyên mang khẩu trang, cũng chẳng chịu yên ở tại nhà, cứ theo thói cũ mà đi mãi, mặt cứ đưa ra cũng có ngày... Nhiễm nCov là việc đương nhiên. Lây lan dịch bệnh là đương nhiên. Việc dừng mọi hoạt động vui chơi, cách ly giao tiếp, ở yên một chỗ v.v… là y cứ trên mặt hiện tượng y học mà giải quyết, hầu chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh, nhưng lại khá tương ưng với đạo. 

Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật dạy “Này thiện nam tử! Thế nào là hạnh anh nhi? Này thiện nam tử! Chẳng đứng dậy, chẳng dừng trụ, chẳng đến, chẳng đi, chẳng nói năng, gọi là anh nhi11. Như Lai cũng vậy. Chẳng đứng dậy, vì Như Lai chẳng khởi các pháp tướng. Chẳng dừng trụ, vì Như Lai chẳng trước tất cả pháp. Chẳng đến, vì Như Lai thân hành khôngđộng chuyển. Chẳng đi, vì Như Lai đã được Đại bát Niết-bàn. Chẳng nói năng, vì Như Lai tuy vì tất cả chúng sinh diễn thuyết các pháp mà thật không có sở thuyết…”. Không khởi, không dừng trụ, không lưu chuyển, không nói năng đều là tướng của pháp giới thanh tịnh, không bị nhiễm ô, không có tật bệnh. Nhưng chúng sinh, là chung lại mà khởi12, chung lại mà chuyển, khiến pháp giới thanh tịnh biến thành lục đạo luân hồi. Trong những khoảng luân hồi ấy, tha hồ mà nói năng và bám víu các pháp. Thân, khẩu, ý, nếu dừng được ở cửa thiện nghiệp, cõi giới an vui hạnh phúc hiện ra13. Thân, khẩu, ý nếu vướng vào cửa bất thiện, trầm luân khổ nạn trăm đường. Vượt hai ngưỡng ấy, chẳng khởi, chẳng trụ, chẳng đến, chẳng đi, cũng chẳng nói năng, là con đường trung đạo giúp nhập lại tánh thể Như Lai trong mỗi người. Đó là chỗ mà Trung luận nói “Thật tướng của các pháp/ Tâm hành ngôn ngữ đoạn/ Không sinh cũng không diệt/ Tịch diệt như Niết-bàn14. Chẳng động, tức chẳng có khổ. Chấm dứt hoàn toàn hai cái khổ sinh tử là Phần đoạn tử và Biến dịch tử. 

Cho nên,

Yên vị một chỗ tu hành, tương chao qua ngày v.v… chẳng phải là việc dễ làm. Yên được mới là việc khó. Yên tâm lại càng khó hơn. Chẳng phải là kẻ rỗi việc, không công. Nền tảng an bình chính là từ đó. Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định, giảm bớt tham dục v.v… chẳng phải tiêu cực, chẳng phải mê tín dị đoan, chính là giúp thân yên dần, giúp tâm bớt sinh, đó là tích cực gìn giữ bản thân, phòng lúc nạn tai, cứu người. Hoạn nạn tuy đồng, vẫn còn phước nghiệp bản thân.

Động tức có khổ… 
Vì quả chẳng lìa nhân15

Bà con bớt động cho đời an vui.  
_______________
(1) Đại thừa khởi tín luận - Bồ-tát Mã Minh tạo luận. Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích.
 (2) Như sóng lăn tăn từ nước mà có, thể của nó chính là nước.
 (3) Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký - Đại sư Hiền Thủ trực giải. Chân Hiền Tâm Việt dịch. Chanhientam.net 
(4) Đại thừa khởi tín luận trực giải - Đại sư Hám Sơn trực giải. Chân Hiền Tâm Việt dịch. Chanhientam.net 
(5) Kinh Đại phương quảng Hoa nghiêm.  
(6) Trí tướng
(7) Chấp thủ tướng
(8) Kế danh tự tướng
(9) Vẻ đẹp của người đứng một mình - Đặng Hoàng Giang. 
 (10) Báo mới. 
(11) 不能起住來去語言。是名嬰兒。Kinh Đại bát Niết-bàn. Kinh bộ 12. Kinh số 375. 
(12) Tâm, ý, ý thức chung lại mà khởi, là nghĩa của từ chúng sinh
(13) Nói “động tức có khổ”, sao loại thiện nghiệp này bắt nguồn từ động mà nói an vui hạnh phúc? Là do so với khổ đau của chúng sinh ở các đường mà nói. Còn so với loại thường-lạc-ngã-tịnh của tự tánh Như Lai bất sinh bất diệt, thì an vui đó vẫn không ngoài tâm sinh diệt, vẫn là vui trong cái khổ. Thiện nghiệp trời người vẫn chịu cái khổ của Phần đoạn tử. Thiện nghiệp của Thanh vănDuyên giác, đến quả vị tối cùng là La-hán và Bích Chi Phật vẫn còn chịu cái khổ vi tế của Biến dịch tử. 
 (14) Trung quán luận - phẩm Quán pháp - Bồ-tát Long Thọ
 (15) Luận Đại thừa khởi tín - Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích.









.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/09/2016(Xem: 10981)
13/04/2013(Xem: 53735)
02/07/2015(Xem: 16222)
18/03/2017(Xem: 9852)
08/03/2019(Xem: 27948)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.