Ý Nghĩa Thực Tiễn Kinh Giải Thoát Giáo (ovādapātimokkha)

25/02/20211:00 SA(Xem: 6478)
Ý Nghĩa Thực Tiễn Kinh Giải Thoát Giáo (ovādapātimokkha)
Ý NGHĨA THỰC TIỄN KINH GIẢI THOÁT GIÁO
(OVĀDAPĀTIMOKKHA)
Samādhipuñño Định Phúc

ram thang gieng 2
Trăng tròn tháng Giêng là ngày lễ Thượng nguyên hay còn gọi là tết Nguyên tiêu ở một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam nữa. Ngoài ý nghĩa lễ theo truyền thống dân gian, lễ hội Rằm tháng Giêng còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn trong một năm và đánh dấu những sự kiện trong cuộc đờisự nghiệp hoằng pháp của đức Thế Tôn. Bắt đầu là lễ hội Rằm tháng Giêng (Māghapūjā), lễ hội Rằm tháng Tư (Vesākhapūjā), lễ hội Rằm tháng Sáu (Āsaḷhapūjā) và một số ý nghĩa lễ hội khác vào tháng Chín.

Māghapūjā – lễ hội Rằm tháng Giêng, kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Ovādapātimokkha (Giải thoát giáo) trong sự kiện đại hội Thánh Tăng tại Tự viện Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra); và một sự kiện khác vào cuối cuộc đời của Ngài, là Ngài khả hứa với ma vương sẽ viên tịch sau ba tháng nữa. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn khảo sát về tính thiết thựcý nghĩa cốt yếu nội dung kinh Giải thoát giáo (Ovādapātimokkha) mà Thế Tôn đã thuyết giảng trong đại hội Thánh Tăng duy nhất này.

Đại hội Thánh Tăng 1.250 vị.

Vào khoảng thời gian đầu của năm thứ hai sau khi giác ngộ, khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Tự viện Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra) trong thành Vương-xá (Rājagaha) do đức vua Bimbisāra (Bình-sa vương) dâng cúng, khi ấy, 1.250 vị Tỳ-khưu đệ tử đã vân tập về đảnh lễ Thế Tôn, đúng vào ngày trăng tròn tháng Māgha của Ấn Độ (tức là ngày rằm tháng giêng âm lịch Việt Nam). Các vị ấy là những vị đệ tử xuất gia Tỳ-khưu với Thế Tôn và đều là các vị Thánh A-la-hán.

Sự kiện đại hội Thánh Tăng không phải là một sự hội họp thông thường mà đòi hỏi phải hội đủ bốn điều kiện đặc biệt và trong thời kỳ Giáo pháp của đức Phật Gotama chỉ có duy nhất một kỳ đại hội Thánh Tăng mà thôi:

– Đúng vào ngày trăng tròn của tháng Māgha.
– Các vị Tỳ-khưu tự vân tập đến, không ai mời thỉnh.
– Tất cả đều là những vị xuất gia Tỳ-khưu bằng hình thức “Ehi Bhikkhu[1]!”.
– Tất cả đều là bậc A-la-hán chứng đắc lục thông[2].

Nhân dịp này, đức Phật đã thuyết kinh Giải thoát giáo – Ovādapātimokkha đến chư Tỳ-khưu. Nội dung kinh Giải thoát giáo cô đọng lại cốt lõi, tinh yếu nội dung của Giáo pháp cũng như là phương thức căn bản của cuộc sống tu tập để các vị thinh văn đệ tử lấy đó làm tôn chỉ thực hành trong quá trình hoằng truyền Chánh pháp.

Theo lịch sử ghi lại, những vị Phật Toàn Giác trong quá khứ thì số Tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với thời kỳ đức Phật Gotama của chúng ta. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Điển hình như là:

– Đức Chánh giác Vipassī có ba Tăng hội: một Tăng hội 68.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 100.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh giác Sikhī có ba Tăng hội: một Tăng hội 100.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 70.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh giác Vessabhū có ba Tăng hội: một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 70.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 60.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh Giác Kakusandha có một Tăng hội 40.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh giác Konāgamana có một Tăng hội 30.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh giác Kassapa có một Tăng hội 20.000 Tỳ-khưu.
– Đức Chánh giác Gotama có một Tăng hội 1.250 Tỳ-khưu.[3]

Nội dung kinh Giải thoát giáo (Ovādapāṭimokkha).

Một kỳ đại hội duy nhất trong thời kỳ Giáo pháp của đức Thế Tôn Gotama thì hẳn nhiên những lời giảng dạy trong cơ hội này chắc chắn cũng phải đặc biệt hơn nhiều. Và chính trong dịp này, Thế Tôn đã thuyết lên nội dung kinh Giải thoát giáo (Ovādapātimokkha). Vậy Giải thoát giáo là gì?

Có lẽ, cụm từ Ba-la-đề-mộc-xoa (pātimokkha) thì người học Phật nào cũng từng nghe qua và ít nhiều cũng biết về ý nghĩa của từ này. Pāṭimokkha thường được gọi là giới bổn hay biệt giải thoát giới, gọi chung cho các học giới của Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni[4]. Ngoài việc chấp trì các học giới, mỗi nửa tháng chư Tăng Ni phải họp mặt một lần để trùng tụng và lắng nghe giới bổn như một cách ôn tập và duy trì sự đoàn kết (samaggī) trong Tăng chúng. Nhưng ở đây, pātimokkha lại có hai loại, đó là Giải thoát giáo còn gọi là huấn từ giới bổn (ovādapātimokkha) và điều học giới bổn (āṇāpātimokkha). Vào thuở sơ thời của Phật giáo, khi các học giới chưa được hình thành trọn vẹn, giới bổn được trùng tụng mỗi nửa tháng chính là nội dung kinh Giải thoát giáo mà Thế Tôn thuyết giảng trong kỳ đại hội Thánh Tăng này. Sau khi toàn bộ học giới được đức Thế Tôn ban hànhquy định, thì mỗi nửa tháng, chứ Tăng Ni lấy những học giới ấy trùng tụng. Buổi đầu, việc trùng thuật giới bổn là việc của vị trưởng lão trong Tăng chúng, có một thời gian dài chính đức Phật đảm trách việc này, nhưng dần dần về sau và đến nay thì việc này có thể giao cho một vị Tỳ-khưu có khả năng[5]. Và nội dung toàn bộ kinh Giáo giới Ba-la-đề-mộc-xoa (ovādapātimokkha) được Thế Tôn thuyết như sau:

Sabbapāpassa akaraṇaṃ, kusalassa upasampadā;
Sacitta­pari­yo­dapa­naṃ, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch, Chính lời chư Phật dạy.[6]
Khantī paramaṃ tapo titikkhā,
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā;
Na hi pabbajito parūpaghātī,
Na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
Chư Phật thường giảng dạy, Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Níp-bàn, quả tối thượng, Xuất gia không phá người,
Sa-môn không hại người.[7]
Anūpavādo anūpaghāto, Pātimokkhe ca saṃvaro;
Mattaññutā ca bhattasmiṃ, Pantañca sayanāsanaṃ;
Adhicitte ca āyogo, Etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
Không phỉ báng, phá hoại, Hộ trì giới căn bản,
Ăn uốngtiết độ, Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm, Chính lời chư Phật dạy.[8]

Toàn bộ nội dung cốt lõi, tinh túy của Giáo pháp được thuyết giảng một cách ngắn gọn, cô đọng trong ba kệ ngôn chính là tôn chỉ của Phật giáo. Với mười ba nguyên tắc căn bản, Thế Tôn đã những nguyên tắc thiền môn dành cho các thành viên Tăng đoàn như là một phương pháp tu tập từ căn bản đến nâng cao. Và trên thực tế, mười ba nguyên tắc này như là một chiếc la bàn để người tu học lấy đó căn cứ mà tu tập.

Những nguyên tác ấy được giảng giải tóm gọn với ý nghĩa như sau:

Sabbapāpassa akaraṇaṃ – không làm các điều ác.
Sabba (tất cả) + papa (việc ác, điều ác) + akaraṇa (không làm, không tạo tác, không làm sinh khởi) nghĩa là không làm, không hành động với bất cứ việc ác nào mà đem đến khổ đau cho người khác cũng như bản thân mình. Người sơ cơ mới bước chân đến với Phật giáo thường được hướng dẫn giữ giới. Đối với cư sĩ tại gia thì năm giới, tám giới, Sa-di thì mười giới, rồi xuất gia thọ Cụ túc giới (upasampadā) thì thọ trì 227 giới dành cho Tỳ-khưu và 311 giới dành cho Tỳ-khưu-ni. Trong Phân tích đạo (Paṭisambhidāmagga) giải thích: giới là sự cố ý, tức tư tâm sở (cetanācatasika); là sự thu thúc (saṃvara); sự không vi phạm (āvītikkama)[9]. Giữ giới là để ngăn ngừa những điều ác, những điều tội lỗi, vì chúng là nhân làm cho chúng sanh rơi vào khổ thú (duggati) như địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la và súc sanh. Cho nên, công năng của giới còn giúp chúng ta không rơi vào hầm sâu đau khổ, mà giới trở thành hàng rào ngăn cản sự nguy hiểm cho chúng ta.

Những điều ác là những việc làm thuộc về bất thiện, điều tội lỗi, nhân đem đến quả khổ đau cho chúng sanh. Những hành động thuộc về thân, khẩu và ý bất thiện hay còn gọi là bất thiện nghiệp đạo (akusalakammapatha) đều được gọi là những việc ác. Có mười việc ác thuộc về thân, khẩu, ý cần nên tránh, không nên làm, như là: sát sanh (pāṇātipāta), trộm cắp (adinnādāna), tà hạnh trong dục lạc (kāmesu micchācārā), nói dối (musāvāda), nói ly gián (pisuṇāvācā), nói độc ác (pharusavācā), nói chuyện phiếm (samphappalāpa), tham lam (abhijjhā), sân hận (byāpāda) và tà kiến (micchādiṭṭhi)[10]. Trong mười điều đó: thân ba, miệng bốn, ý ba. Bước đầu của người tu Phật là phải ngăn chận dòng tội lỗi. Không gây tạo tội lỗi là bước thứ nhất trên đường tu. Người tu theo Phật giáo mà không chịu giữ giới là người không biết tu. Cho nên, nguyên tắc đầu tiên là đức Phật dạy đệ tử phải tránh xa, không làm những việc ác.

Pāpañce puriso kayirā, Na naṃ kayirā punappunaṃ;
Na tamhi chandaṃ kayirātha, Dukkho pāpassa uccayo.
Nếu người làm điều ác, Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác, Chứa ác, tất chịu khổ.[11]

Kusalassa upasampadā – thành tựu các việc lành.

Tránh xa các việc ác, không làm những điều tội lỗi, người tu học còn phải biết vun bồi thiện hạnh, tạo những việc lành (kusala). Upasampadā nghĩa là thành tựu, chứng đắc (paṭilābho), đạt được. Cho nên, ở câu này, nên hiểu là mình phải cố gắng tu tập, vun bồi, tạo tác nhiều thiện pháp. Trái ngược với mười bất thiện nghiệp đạo chính là mười thiện nghiệp đạo (kusalakammapatha) mà người tu học cần phải vun bồi: không sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī), không trộm cắp (adinnādānā veramaṇī), không tà hạnh trong dục lạc (kāmesu micchācārā veramaṇī), không nói dối (musāvādā veramaṇī), không nói ly gián (pisuṇāya vācāya veramaṇī), không nói độc ác (pharusāya vācāya veramaṇī), không nói chuyện phiếm (samphappalāpā veramaṇī), không tham lam (anabhijjhā), không sân hận (abyāpāda), chánh kiến (sammādiṭṭhi)[12]. Đem đến cho người khác sự an vui cũng chính là làm lành. Không não hại, đánh đập chúng sanh; không phá hoại gia cang người khác… cũng chính là tạo việc thiện. Thấy người ta đói khát, cho họ cơm nước; giúp đỡ quần áo mặc hoặc hỗ trợ thuốc men trị bệnh cũng là tạo thiện hạnh. Vừa tạo an vui cho họ mà cũng chính là tạo an lạc cho chính mình. Bởi, lo cho mình nên mới tạo nhân tốt đẹp, gieo nhân tốt để sau này thân hoại mạng chung thì mình được hưởng quả tốt đẹp ấy. Thương người tức là thương mình; thương mình nên phải thương người. Cho nên chúng ta phải cố gắng làm tất cả điều lành.

Tañca kammaṃ kataṃ sādhu, yaṃ katvā nānutappati;
Yassa patīto sumano, vipākaṃ paṭisevati.
Và nghiệp làm chánh thiện, Làm rồi không ăn năn,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng, Hưởng thọ quả dị thục.[13]

Sacitta­pari­yo­dapa­naṃ – thanh lọc tâm của mình.
Sacitta (tâm của mình, tâm chính mình) + pariyodapana (pari – xung quanh + odapeti (√dā) – lau chùi ⇒ sự thanh tịnh, thanh lọc) nghĩa là thanh lọc nội tâm của mình cho được thanh tịnh. Thế Tôn dạy nên trau dồi, thanh lọc tâm cho trong sạch là nên cố gắng diệt tận các phiền não (kilesa) và các pháp ngủ ngầm trong tâm (anusaya)[14] là những điều làm cho tâm bị vẫn đục, bợn nhơ và khiến chúng sanh phải sa đọa mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Những phiền não ấy chia ra hai hạng: phiền não thô và phiền não vi tế. Phiền não thô như là tâm muốn sát sanh, tham muốn của cải người khác để làm của mình… thì có thể diệt trừ được bằng sự trì giớithiền định. Phiền não vi tế, khó mà nhận thức được, là căn nguyên làm cho phát khởi các phiền não khác, có thể diệt tận được bằng thánh tuệ. Cho nên chúng ta phải thực hành thiền định, nhất là thiền quán Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna)[15] để chặt đứt mọi phiền não dù là tế hay thô. Mọi phiền não trong thế gian đều do tâm dể duôi mà ra, tâm chạy theo cảnh, phang duyên với trần cảnh. Khi buông bỏ, không để tâm chạy theo các cảnh trần, để tâm vắng lặng. Tâm được vắng lặngthanh tịnh khi chúng ta diệt trừ được những triền cái (nīvaraṇa)[16] và các phiền não (kilesa)[17] che mờ làm cho tâm trí trở nên u tối, không được sáng suốt. Mọi hành động do thân, khẩu và ý đều được ghi nhận, chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajañña) thì sẽ buông bỏ hết mọi tạp niệm xấu xa, nội tâm sẽ được thanh lọc cho được thanh tịnh.

Yo ca vassasataṃ jīve, dussīlo asamāhito;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, sīlavantassa jhāyino.
Dầu sống một trăm năm, Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày, Trì giới, tu thiền định.[18]
Khantī paramaṃ tapo titikkhā – nhẫn nại, chịu đựng là sự khổ hạnh tối thượng.

Kham nhẫn (khanti) là sự chịu đựng (titikkhā) sự đau khổ do người khác gây ra, nhẫn nại trước sự phỉ báng hoặc điều bất toại nguyện, tha thứ cho ai gây tổn hại cho mình, khoan dung hoặc không chống trả, bền chí làm việc lợi ích cho người, biết chấp nhận, tâm vững chãi, không mong cầu sự đền đáp, không tranh giành danh vọng, tiền tài. Dân gian Việt Nam có câu “Một câu nhịn chín câu lành” hay “Chữ nhẫn là chữ vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Ông bà ta ngày xưa đúc kết những bài học bổ ích bằng kinh nghiệm sống. Nhẫn là chính là “nhịn” và cũng là “nhường” trong tiếng Việt. Chữ nhẫn được biểu hiện trang trí bằng chữ Hán, chữ Việt treo trong nhà, nơi tiệm ăn, nhà khách, để họ trực diện chiêm nghiệm ngỏ hầu thấm nhuần trong lối ăn cách nghĩ. Người có kham nhẫn là người sẽ dễ dàng sống ở bất cứ trú xứ nào dù là khó khăn, vật thực ít ỏi, thời tiết khắc nghiệt, nơi nhiều muỗi mòng, rắn rết. Vì chỉ có những chướng ngại chỉ có thể vượt qua bằng kham nhẫn, chứ không có pháp nào khác. Và đức Phật đã khuyên giảng cho chư Tỳ-khưu phải học tập như sau:

Chư Tỳ-khưu, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỳ-khưu các ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỳ-khưu, các ông cần phải học tập như vậy.[19|

Tapa dịch là khổ hạnh nhưng còn có nghĩa khác nữa là thiêu đốt (tapati). Thuở xưa tại xứ Ấn Độ, người ta có quan niệm rằng: nếu mình ép xác, sống một cách khổ hạnh, khắt khe thì chắc chắn sẽ thiêu đốt được phiền não, sẽ được giải thoát cho nên rất nhiều người sống và tu tập theo phương pháp này như là sống lõa thể, nhịn ăn, nhịn uống, phơi sương, phơi nắng, thậm chí là nhịn thở[20]. Trong Phật giáo, đức Phật dạy các đệ tử cách thực hành trung đạo (majjhimapaṭipadā) nghĩa là từ bỏ hai cực đoan (anta): khổ hạnh (attakilamathānuyoga) và lợi dưỡng (kāmasukhallikānuyoga)[21]. Tuy nhiên, ở đây, Thế Tôn dạy một cách cao quý nhất (tối thượng – parama) trong các sự khổ hạnh hoặc thiêu đốt phiền não, đó chính là sự kham nhẫn (khanti) và chịu đựng (titikkhā). Người có được đức tính kham nhẫn, chịu đựng được trong mọi hoàn cảnh trái ý nghịch lòng thì sẽ có được năm lợi ích: quần chúng ái mộ, ưa thích; không có người hận thù; không có nhiều người tránh né; khi mạng chung, tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới.[22]

Nibbānaṃ paramaṃ – Níp-bàn là tối thượng.

Níp-bàn (nibbāna)[23] là tối thượng, là hạnh phúc cao quý nhất. Không có pháp nào khác cao quý hơn Níp-bàn, bởi vì các pháp khác sinh khởi do duyên, chúng chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và rồi diệt đi hoàn toàn. Danh pháp và sắc pháp sinh khởi bởi các duyên tương ứng trong một khoảnh khắc và rồi diệt đi. Đức Phật nói rằng Níp-bàn là pháp tối thượng, là pháp mà qua đó các phiền não được tận diệt hoàn toàn không bao giờ sinh khởi trở lại.

Níp-bàn là một thực tại chỉ được nhận thức qua thánh trí gồm bốn tâm đạo (maggañāṇa), bốn tâm quả (phalañāṇa). Ta chỉ có thể nghĩ về Níp-bàn bằng cách hình dung rằng khi các phiền não (kilesa) được chấm dứt một phần hay chấm dứt toàn bộ thì sự khổ tâm của vị thánh nhân cũng giảm bớt một phần hay chấm dứt toàn bộ. Sự an lạc (pīti) và thanh tịnh (santi) của một người đã chấm dứt phiền não tuyệt không thể giải thích bằng ngôn ngữ phàm phu được. Mỗi người trong chúng ta phải tự trải nghiệm Níp-bàn mới mong hiểu được nó. Một trong các định nghĩa phổ biếnnổi tiếng nhất về Níp-bàn theo Tam Tạng Pāli là “Ái tận tức Níp-bàn[24]”. Hễ còn một tí tham ái (taṇhā) thì ta còn có chỗ để tái sinh và do vậy còn phải già chết. Khi tham ái được chấm dứt hoàn toàn rồi thì hẳn nhiên không còn bất cứ một mối lo nào nữa. Do đó, Níp-bàn là pháp tối thượng nhất, cũng chính là mục tiêu của người tu Phật.

Na hi pabbajito parūpaghātī – kẻ có sự hãm hại người khác không phải là bậc xuất gia.
Bậc xuất gia (pabbajito) là người đã tách rời khỏi đời sống thế tục, nếp sống gia đình để hướng đến một đời sống phạm hạnh, thoát tục thanh cao. Người xuất gia là người “khéo tu phạm hạnh (sādhu dhammacariyā), khéo tu tịnh hạnh (sādhu samacariyā), khéo hành thiện nghiệp (sādhu kusalakiriyā), khéo hành công đức nghiệp (sādhu puññakiriyā), khéo giữ không hại chúng sanh (sādhu avihiṃsā), khéo có lòng từ đối với chúng sanh (sādhu bhūtānukampā)[25]”. Cho nên người xuất gia không bao giờ làm hại người, não hại người; nếu ai còn làm những việc đó thì hẳn nhiên không phải là người xuất gia.

Parūpaghātī[26] nghĩa là người giết hại, làm tổn hại người khác. Hành động làm não hại người khác, tổn thương đối phương tức là bằng thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp và ý ác nghiệp. Với người có những sở hành như vậy thì không xứng đáng là một người xuất gia. Mà người xuất gia phải luôn có thân nghiệp từ (mettākāyakamma) là cộng trú với nhau trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết; khẩu nghiệp từ (mettāvācīkamma) là giữ gìn lời nói cho được ôn hòa, nhã nhặný nghiệp từ (mettāmanokamma) là dù trong chỗ đông người hay vắng người thì chúng ta vẫn phải có ý hòa hiệp, vui vẻ trong khi chung sống với nhau. Bất kể là với người khác hay với bất cứ chúng sanh nào, kể cả các loài động vật lớn nhỏ, xa gần, thấy hoặc không thấy thì người xuất gia phải nuôi dưỡng trong lòng sự từ ái đến với vạn loài chúng sanh.

Apādakehi me mettaṃ, mettaṃ dvipādakehi me;
Catuppadehi me mettaṃ, mettaṃ bahuppadehi me.
Ta hãy có từ tâm, Với các loài không chân,
Ta hãy có từ tâm, Với các loài hai chân,
Ta hãy có từ tâm, Với các loài bốn chân,
Ta hãy có từ tâm, Với các loài nhiều chân.[27]
Na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto – kẻ ức hiếp người khác không phải là Sa-môn.

Sa-môn (samaṇo) là người xuất gia (pabbajito), người rời bỏ gia đình, sống đời sống viễn ly: ly dục, ly bất thiện pháp; là người thực hành giới, định, tuệ. Sa-môn được phiên âm từ chữ Pāli “samaṇa” có nghĩa là tịnh giả, bậc thanh tịnh, bậc trong sạch, bậc yên lặng phiền não (kilesehi sametī’ti samaṇo). Cũng giống như ở nguyên tác trên, vị Sa-môn thì không thể nào ức hiếp, hãm hại kẻ khác được.

Này các Tỳ-khưu, như thế nào, Tỳ-khưu là Sa-môn? Vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu là Sa-môn.[28]

Vị Sa-môn đúng nghĩa thì không thể nào có hành động ức hiếp kẻ khác, dù bằng hành động, lời nói hay suy nghĩ đi nữa cũng không đáng có. Ông bà ta có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” thì ở trong kinh điển Pāli cũng có một câu nói tương tự như vậy “đầu trọc không hẳn là Sa-môn”. Cho nên, những ai nhận mình là Sa-môn, đứng trong hàng ngũ của bậc xuất gia thì phải tự nhắc nhở mình cố gắng trao dồi phạm hạnh, thanh tịnh hóa nội tâm và làm đúng những pháp của vị Sa-môn cần phải có.

Na muṇḍakena samaṇo, abbato alikaṃ bhaṇaṃ;
Icchālobha­samā­panno, samaṇo kiṃ bhavissati.
Đầu trọc, không Sa-môn; Nếu phóng túng, nói láo.
Ai còn đầy dục tham, Sao được gọi Sa-môn?
Yo ca sameti pāpāni, aṇuṃthūlāni sabbaso;
Samitattā hi pāpānaṃ, “samaṇo”ti pavuccati.
Ai lắng dịu hoàn toàn, Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp, Được gọi là Sa-môn.[29]

Anūpavādo – không phỉ báng.

Không tìm kiếm lỗi lầm của người khác, tức là không nói xấu, không xuyên tạc, không nói những lời đâm thọc gây sự chia rẽ với người khác. Và hẳn nhiên không nguyền rủa hoặc sỉ vả người khác. Thay vì tìm kiếm lỗi lầm của người khác, mỗi chúng ta nên tự nhìn lại những lỗi lầm của chính mình. Ở đây, nguyên tắc này chủ yếu muốn nhắc vị hành tu giả tu về khẩu nghiệp. Ông bà ta từng nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” nghĩa là bệnh tật đi vào bằng đường miệng, tai họa cũng từ miệng mà ra. Con người ta có bệnh tật chủ yếu là do ăn uống và hít thở những nguồn lây bệnh. Có thể do ăn không điều độ hoặc do ăn phải thực phẩm có chứa nguồn bệnh hoặc nọc độc mà sinh bệnh thậm chí dẫn đến cái chết.

Có nhiều người chỉ vì lời nói thiếu suy nghĩ hoặc bông lơn đùa cợt mà mang vạ vào thân, thậm chí phải vào tù ra tội. Như vậy lời nói là rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Khẩu nghiệp sẽ biểu lộ bản tính của người nói, nó quyết định sự thành công hay thất bại của công việc, thậm chí nó quyết định đến vận mệnh con người, vận mệnh một dân tộc hay quốc gia, nó có thể gây ra tai họa do những lời nói không đúng đắn theo pháp, không đúng chỗ và không đúng lúc. Trên thực tế, người ta nhiều khi đã dùng những lời nói khó nghe, dẫn đến sự bất hòa, tạo nên sự ganh ghét lẫn nhau trong các mối quan hệ đến đời sống xã hội. Trái lại con người ta thường thích nghe những lời nói dễ nghe, êm ái, dịu dàng, chân thànhrộng lượng đầy tính nhân văn. Do đó, phải tập tu ở cái miệng, tập nói những lời hiền thiện, ái ngữ, không nên nói lời phỉ báng, chửi rủa. Muốn nói gì cũng nên suy nghĩ cho kỹ, “uốn lưỡi bảy lần” rồi hãy nói, xem thử xem lời mình nói ra, nó đúng thời hay phi thời, chân thực hay không chân thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm[30].

Anūpaghāto – không giết hại, không làm tổn hại.

Sống trong một tập thể, một tổ chức thì mỗi người một tính, một ý khác nhau. Cũng giống như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn thì người cũng có người này, người nọ, không ai giống ai. Hẳn nhiên chúng ta không thể nào tránh khỏi những mâu thuẫnxích mích nhau khi sống trong một tập thể. Chính đức Phật đã nói rằng: “Này Pessa, rối ren thay, như loài người! Cởi mở thay, như loài thú vật![31]”. Lòng người rất khó đoán, thậm chí bản thân mình còn không biết mình thế nào thì nói chi là đoán này nọ nơi người khác. Chính vì thế, hội chúng nào cũng có nhiều vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, sống trong môi trường tu tập, cùng nhau tu học, đức Thế Tôn khuyên dạy không nên làm tổn hại lẫn nhau, không nên hận thù, oan trái lẫn nhau. Hành động tha thứ lỗi lầm lẫn nhau là một việc làm của sự khoan dung, bác ái, không chấp nhất, bám chấp lỗi lầm của người khác. Nếu chất chứa sự thù hằn trong tâm đến khi bộc phát thì người đó trở thành nguy hại không những cho chính bản thân họ mà còn cho mọi người xung quanh. Mặt khác khi con người sống với phương châm không gây tổn hại thì hoà bình và an lạc chắc chắn sẽ được thiết lập trong hội chúng, tập thể ấy. Đó cũng chính là tinh thần bất bạo động (ahiṃsa) trong Phật giáo.

Ahiṃsakā ye munayo, niccaṃ kāyena saṃvutā;
Te yanti accutaṃ ṭhānaṃ, yattha gantvā na socare.
Bậc hiền không hại ai, Thân thường được chế ngự,
Đạt được cảnh bất tử, Đến đây, không ưu sầu.[32]
Pātimokkhe ca saṃvaro – thu thúc trong giới bổn Pātimokkha.

Như đã giải thích ở trên, giới bổn Pātimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) là những điều học (sikkhāpada) do đức Thế Tôn ban hành được ghi lại trong Luật tạng (Vinayapiṭaka) như là một phép tắc sinh hoạt dành cho chúng Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni. Ngoài ra, với người tại gia cư sĩ thì ngũ giới hoặc bát quan trai giới cũng chính là giới luật căn bản của họ. Dù ở vai trò nào, mình phải cố gắng thu thúc trong vai trògiới luật mình đã thọ trì cho được trong sạch trọn vẹn. Nếu thấy chỗ nào bị khuyết điểm thì phải sửa chữa ngay tức khắc. Ví như căn nhà bị dột, mình phải sửa chữa lại ngay, chớ để lâu ngày thì mưa gió sẽ làm mái nhà bị hư nặng thêm. Vị Tỳ-khưu giữ gìn giới được trong sạch và đầy đủ là do nhờ có đức tin đầy đủ trong sạch nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng, thì việc giữ gìn giới được coi trọng hơn việc giữ gìn sinh mạng. Do đó, giới được giữ gìn trong sạch và đầy đủ.

Yo ca vantakasāvassa, sīlesu susamāhito;
Upeto damasaccena, sa ve kāsāvamarahati.
Ai rời bỏ uế trược, Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chơn thực, Thật xứng áo cà-sa.[33]
Mattaññutā ca bhattasmiṃ – biết đủ về vật thực.

“Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā – Tất cả chúng sanh có sự tồn tại nhờ vào vật thực[34]”. Vấn đề ăn uống từ ngàn xưa đã là nhu cầu thiết yếu của chúng sanh. Không có vật thực, chúng sanh đã bị diệt vọng cho nên việc ăn uống cũng rất nhiều vấn đề phải bàn đến. Thật ra, nhiều tôn giáo khác cũng xem vấn đề ăn uống rất trọng nhưng đa phần người ta nặng về hình thức, nhất là việc tế lễ này nọ và ăn uống ra sao. Với đức Phật, Ngài dạy chúng đệ tử ăn uốngtiết độ, xem thực phẩm là cái gì để nuôi thân, và khi thọ dụng thực phẩm không phải là chúng ta ăn món này ăn món kia thì chúng ta sẽ giải thoát, mà chính là thái độ của sự ăn uống làm cho chúng ta trở nên một con người khác hơn.

Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn.[35]

Đức Phật dạy ở đây là điều hòa ở trong ẩm thực. Xa hơn thế nữa, trong việc sử dụng các nhu yếu phẩm hằng ngày trong đời sống thường nhật, chúng ta cần phải có sự tiết độ, sự điều độ, biết đủ. Khi chúng ta không ham muốn tài sản của người khác, hài lòng với cái mình đang có, chia sẽ cho người khác những cái thuộc về mình thì đó mới đúng là tinh thần đúng của Phật giáo.

Asubhānupassiṃ viharantaṃ, Indriyesu susaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ, Saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro, Vāto selaṃva pabbataṃ.
Ai sống quán bất tịnh, Khéo hộ trì các căn,
Ăn uốngtiết độ, Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được, Như núi đá, trước gió.[36]
Pantañca sayanāsanaṃ – nằm ngồi chỗ thanh vắng.

Đức Phật dạy chúng ta phải an trú ở những nơi viễn ly, thanh vắng, an tịnh; nghĩa là đừng để bản thân bận rộn với những điều không cần thiết. Bất kỳ khi nào và nơi đâu chúng ta sinh sống, hãy cố gắng sống trong tĩnh lặng và an lạc. Tìm một nơi vắng vẻ và yên tĩnh để sống và hành thiền thì rất quan trọng. Khi sống một mình, nên là người sống ẩn dật thực sự, tránh suy nghĩ điều này điều kia, tránh tham gia vào các hoạt động liên quan đến thế tục, vì đó không phải là phận sự của chúng ta. Nếu chúng ta tu tậpchúng ta thích ở chợ, ở nơi thị tứ, ở nơi đông đảo thì thật sự chúng ta chưa đạt được tinh thần căn bản của một người tu Phật. Chúng ta hiểu rằng một người xuất gia tu tập thì ở nơi nào thật sự thích hợp để cho sự phát triển thiền định, thiền quán thì ở nơi đó mới chính là nơi thích hợp. Và nơi thích hợp ấy không đâu khác chính là nơi thanh tịnh, vắng lặng. Do đó, Thế Tôn dạy đệ tử phải thường xuyên quán xét bản thân rằng: “Ta có cố gắng hoan hỷ trong ngôi nhà trống không hay không?[37]” để tự mình cố gắng trở thành một người sống viễn ly, cố gắng tĩnh lặng trong hành động, lời nói, ý nghĩ và không dính mắc đến các cuộc tranh luận.

Adhicitte ca āyogo – chuyên chú vào sự tăng thượng tâm.
Tăng thượng tâm (adhicitta) tức là tâm hướng thượng. Tăng thượng tâm ở đây gồm rất nhiều nghĩa kể cả tâm thiền, tâm thiện, những tâm mang phẩm chất cao quý ở trong đời sống. Ở đây muốn nói đến một tâm thức không còn bị những chướng ngại ngăn cản và đang ở một tầng nhận thức cao hơn. Thực tập Tăng thượng tâm với mục đích diệt trừ các lậu hoặc, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi thì cần phải từng bước nỗ lực thanh lọc tâm tư của mình cho thật trong sáng thanh tịnh; phải kiên trì hành Thiền để thanh lọc nội tâm.

Yogā ve jāyatī bhūri, ayogā bhūrisaṅkhayo;
Etaṃ dvedhāpathaṃ ñatvā, bhavāya vibhavāya ca;
Tathāttānaṃ niveseyya, yathā bhūri pavaḍḍhati.
Tu thiền, trí tuệ sanh, Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả, Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực, Khiến trí tuệ tăng trưởng.[38]

Mười ba nguyên tắc tu tập được đức Phật đúc kết lại, cô đọng trong ba bài kệ trở thành kinh Giải thoát giáo (ovādapātimokkha) như là một bản tuyên ngôn trong kỳ đại hội Thánh Tăng duy nhất. Không chỉ thế, những lời huấn thị này được kết luận bằng: “Etaṃ buddhāna sāsanaṃ – chính lời chư Phật dạy” như tuyên bố rằng, không chỉ có đức Phật của chúng ta trong hiện tại mà chư Phật khác, các vị Thế Tôn khác trong quá khứ đã thuyết giảng như vậy; rồi các vị Thế Tôn trong tương lai cũng sẽ thuyết giảng như thế.

Kết luận.

Mặc dù đối tượng thuyết giảng là chư Thánh Tăng vô lậu, nhưng lời dạy của Thế Tôn là muốn đem đến cho tất cả hàng đệ tử, không phân biệt xuất gia hay tại gia, người nào thực hành theo những nguyên tắc trên thì sẽ đem đến an lạc cho tự thân. Nếu biết khéo tu thì sẽ đạt được cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi. Nếu chưa giải thoát sanh tử, thì ít ra cũng tránh được các đường dữ, sanh trong các cõi lành. Nếu mỗi cá nhân tự nguyện theo con đường tu học thế này chắc chắn sẽ thiết lập một thế giới đầy đủ sự an bình, đáng sống. Đó chính là ý nghĩa thiết thực của bài kinh Giải thoát giáo (ovādapātimokkha).
Đầu xuân Đinh Dậu.
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc
_________________________________
[1] “Ehi Bhikkhu! Svākkhato dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya – Con hãy đến với Như Lai, con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện! Chánh phápNhư Lai đã khéo thuyết; con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”. Sau khi đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì người nam ấy trở thành vị Tỳ-khưu có đầy đủ tám thứ vật dụng của Sa-môn và có Tăng tướng trang nghiêm, ngũ căn thanh tịnh như một vị Tỳ-khưu sáu mươi hạ lạp.
[2] Lục thông là : Biến hoá thông (iddhividhi), Thiênnhĩ thông (dibbasota), Tha tâm thông (cetopariññāṇa), Túc mạng thông (pubbenivāsānussati), Sinh tử thông  (cutūpapātaññāṇa) và Lậu tận thông (biết rõ mọi ô nhiễm đã diệt tận) āasavakkhayaññāṇa).
[3] Trường bộ kinh, kinh Đại bổn (DN.14).
[4] Theo truyền thống Nam truyền Theravāda, giới bổn của Tỳ-khưu gồm 227 học giới và của Tỳ-khưu-ni là 311 học giới.
[5] “Này các Tỳ-khưu, giờ đây kể từ nay về sau Ta sẽ không tiến hành lễ Uposatha, sẽ không tuyên đọc giới bổn. Này các Tỳ-khưu, giờ đây kể từ nay về sau chính các ngươi sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Này các Tỳ-khưu, việc này không hợp lý không có cơ sở là việc đức Như Lai có thể tiến hành lễ Uposatha, có thể tuyên đọc giới bổn Pātimokkha ở hội chúng không thanh tịnh” – Phật tự thuyết, phẩm Soṇa, kinh Uposatha (Ud.51).
[6] Pháp Cú, kệ 183 (Dhp.183).
[7] Pháp Cú, kệ 184 (Dhp.184).
[8] Pháp Cú, kệ 185 (Dhp.185).
[9] Phân tích đạo, phẩm Chính yếu, giảng về Trí, phần Trí về yếu tố tạo thành giới (Ps.i.46).
[10] Tăng chi bộ kinh, chương Mười pháp, phẩm Jānussoni, kinh Cunda (A.v.263f)
[11] Pháp cú, kệ 117 (Dhp.117).
[12] Trường bộ kinh, kinh Thập thượng (D.iii.290).
[13] Pháp cú, kệ 68 (Dhp.68).
[14] Pháp ngủ ngầm (anusaya) còn gọi là pháp tiềm miên, gồm có bảy pháp: dục ái ngủ ngầm (kāmarāgānusaya), hữu ái ngủ  ngầm (bhavarāgānusaya), phẫn nộ  ngủ ngầm (paṭighānusaya), ngã mạn ngủ ngầm (mānānusaya), kiến ngủ ngầm (diṭṭhānusaya), hoài nghi ngủ ngầm (vicikicchānusaya), vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya). (A.iv.8)
[15] Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna) là bốn đề tài thiền quán gồm: thân quán niệm xứ (kāyanupassanā satipaṭṭhāna), thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna), tâm quán niệm xứ (cittānupassanā satipaṭṭhāna), pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā satipaṭṭhāna). (D.ii.290)
[16] Triền cái (nīvaraṇa) là những pháp chướng ngại hay cản trở, ngăn che cho sự chứng đắc thiền định và đạo, quả, Níp-bàn. Có năm triền cái: dục dục cái (kāmāchandanīvaraṇa), sân độc cái (byāpādanīvaraṇa), hôn thụy cái (thīnamiddhanīvaraṇa), trạo hối cái (uddhaccakukkuccanīvaraṇa), hoài nghi cái (vicikicchānīvaraṇa). (A.iii.62)
[17] Phiền não (kilesa) gồm có mười thứ là: tham (lobha), sân (dosa), si (moha), mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), hôn trầm (thīna), trạo cử (uddhacca), vô tàm (ahirika), vô quý (anottappa). (Vbh.391)
[18] Pháp cú, kệ 110 (Dhp.110).
[19] Trung bộ kinh, kinh Ví dụ cái cưa (M.i.130).
[20] Trung bộ kinh, Đại kinh Saccaka (M.i.240f).
[21] Khổ hạnh là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân; lợi dưỡng là sự say đắm về dục lạc trong các dục. Trong bài kinh Chuyển pháp luân, Thế Tôn đã tuyên bố hai cực đoan này là hai pháp tầm thường, không cao thượng và không đem đến lợi ích. (Tạng luật, Đại phẩm, chương Trọng yếu, Tụng phẩm thứ nhất – Vin.i.9).
[22] Tăng chi bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm Mắng nhiếc, kinh Không kham nhẫn (A.iii.254).
[23] Nibbāna phiên âm là Níp-bàn (Sanskrit thì viết là Nirvāṇa, phiên âm là Niết-bàn) được chiết tự từ tiếp đầu ngữ nir (thoát ra, không có, mang ý nghĩa phủ định) + vāna (tham ái) có nghĩa là trạng thái không còn tham ái. Vì ái tham chính là tập khởi của khổ thủ uẩn, do vậy khi chấm dứt được ái tham cũng có nghĩa là chấm dứt toàn bộ khổ uẩn (dukkhakhandha).
[24] Vānato nikkhantanti nibbānaṃ – vượt thoát khỏi ái dục gọi là Níp-bàn (DA.ii.465).
[25] Trường bộ kinh, kinh Đại bổn (D.ii.30).
[26] Para (khác) + upa + √han (giết hại, làm tổn hại) ⇒ Parūpaghātī (giết hại, não hại kẻ khác).
[27] Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Vua các loài rắn (A.ii.72).
[28] Trung bộ kinh, Đại kinh xóm ngựa (M.i.280).
[29] Pháp cú, kệ 264-265 (Dhp.264-265).
[30] Trung bộ kinh, kinh Ví dụ cái cưa (M.i.130).
[31] Trung bộ kinh, kinh Kandaraka (M.i.341).
[32] Pháp cú, kệ 225 (Dhp.225).
[33] Pháp cú, kệ 10 (Dhp.10).
[34] Tiểu tụng, Các câu hỏi dành cho thiếu niên (Kp.2).
[35] Tăng chi bộ kinh, chương Sáu pháp, Đại phẩm, kinh Các lậu hoặc (A.iii.387).
[36] Pháp cú, kệ 8 (Dhp.8).
[37] Tăng chi bộ kinh, chương Mười pháp, phẩm Mắng nhiếc, kinh Các pháp (A.v.88)
[38] Pháp cú, kệ 282 (Dhp.282).


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/06/2014(Xem: 23551)
14/12/2014(Xem: 12205)
15/02/2019(Xem: 9588)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.