- 1. Đức Phật Thích Ca: Lịch Sử và Huyền Thoại
- 2. Giới Luật Theo Tinh Thần Phật Giáo
- 3. Tìm hiểu kinh “Thừa Tự Pháp”
- 4. Thấy Pháp là thấy Phật
- 5. Chúng ta học được gì từ bài kinh “Chữ Viết Trên Đá, Trên Đất, Trên Nước”
- 6. Tìm hiểu ý nghĩa kinh “Tâm Hoang Vu”
- 7. Tìm hiểu ý nghĩa bài kinh “Thanh Tịnh”
- 8. Tìm hiểu kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”
- 9. Tìm hiểu “Đại Kinh Xóm Ngựa”
- 10. Tìm hiểu chính mình
- 11. Tìm hiểu ý nghĩa Lễ Vu Lan
- 12. Tìm hiểu ý nghĩa Cầu An Cầu Siêu
- 13. Thế nào là “Phát Bồ-Đề Tâm” ?
- 14. Tìm hiểu Tứ Nhiếp Pháp
- 15. Lý Duyên Khởi - Pháp Duyên Sinh
- 16. Đời sống của người mới xuất gia
- 17. Sống tỉnh thức
- 18. Những quy luật chi phối nhân cách của con người
- 19. Trần gian là quán trọ
- 20. Cận tử nghiệp
- 21. Chìa khoá mở cửa hạnh phúc
- 22. Thời gian không chờ đợi ai
- 23. Tiểu Sử Tác Giả
ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION 2021
6
TÌM HIỂU Ý NGHĨA KINH
"TÂM HOANG VU"
I. DẪN NHẬP
Kinh "Tâm Hoang Vu" là bài kinh thuộc loại vô vấn tự thuyết, đức Phật giảng cho các vị Tỷ-Kheo tại vườn ông Cấp-Cô-Độc, rừng Kỳ-Đà, thành Xá-Vệ (Savatthi). Nội dung nhằm xách tấn các đệ tử xuất gia nếu muốn tiến bộ, lợi lạc trong đời sống tu học, thì phải đoạn trừ "năm tâm hoang vu" và "năm tâm triền phược". Hai loại tâm này gây chướng ngại cho công phu tu tập "Tứ Thần Túc", cản trở sự phát triển trí tuệ tâm linh. Bài kinh này là bài kinh thứ 16 được ghi lại trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya).
Theo lời dạy của đức Phật, người có "năm tâm hoang vu" là người có năm trạng thái tâm:
1) Nghi ngờ Phật.
2) Nghi ngờ Pháp.
3) Nghi ngờ Tăng.
4) Nghi ngờ các học giới do Phật thiết lập.
5) Bất mãn, chống đối, không hoan hỷ đối với các vị đồng Phạm hạnh.
Người có "năm tâm phiền trược" là người có tâm bị trói buộc, dính mắc bởi:
1) Mong cầu, khao khát với các dục vọng.
2) Tham ái, say đắm với tự thân mình.
3) Tham ái, say đắm với sắc pháp bên ngoài thân.
4) Ham ăn, mê ngủ.
5) Sống Phạm hạnh nhưng lại dính vào hữu lậu, mong cầu được sanh về cõi Trời nào đó...
Tỷ-Kheo nào không dính vào 10 sự kiện trên, tâm vị ấy sẽ hướng đến sự chuyên cần, nỗ lực, tinh tấn tu tập thiền Định... Nhờ vậy, vị ấy mới có thể tu tập thành công trong giáo pháp giác ngộ của đức Phật.
II. TÌM HIỂU Ý NGHĨA “KINH TÂM HOANG VU”
A. NGUYÊN VĂN KINH
"Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp-Cô-Độc). Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này chư Tỷ-kheo", - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:
-- Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ
- Hoang vu (Khila): Là tiếng tỉnh từ, chỉ trạng thái mênh mông, trống trải, không được chăm sóc, cây cỏ mọc tự nhiên. Thí dụ như: "Rừng rậm hoang vu" hay "Nơi đó còn hoang vu chưa được khai thác"
- Tâm hoang vu (Cetokhila): Ám chỉ tâm một người thiếu vắng niềm tin, phân vân, do dự, không định hướng... cho nên người này không thực hiện được bất cứ một nỗ lực nào để đạt mục tiêu giải thoát.
- Tâm triền phược: Triền là xoáy vòng, quay mồng mồng, không tiến được về phía trước. Phược là nặng nề, trói buộc, dính mắc. "Tâm phiền trược" là tâm bị trói buộc, dính mắc bởi những ham muốn khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần. Những dính mắc này cản trở sự phát huy trí tuệ, không đưa đến giác ngộ giải thoát.
- Trưởng thành: Đạt đến một sự toàn thiện, hoàn hảo trong quá trình phát triển của mỗi con người.
- Hưng thịnh: Phát triển, thịnh vượng, nổi lên, vươn lên. Trái ngược với suy tàn, suy vong.
- Pháp: Dịch từ tiếng Phạn là Dhamma (Pàli), Dharma (Sanskrit). Pháp có hai nghĩa. Khi xử dụng như danh từ số nhiều thì nó có nghĩa là hiện tượng thế gian là vạn pháp. Nếu là số ít thì Pháp là một trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng gọi chung là Tam Bảo. Pháp này là tập hợp những lời dạy của đức Phật về Giới-Định-Huệ để đưa đến giác ngộ, giải thoát.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đức Phật khuyến cáo những vị Tỷ-Kheo nào chưa đoạn trừ được "năm tâm hoang vu" và "năm tâm triền phược" thì con đường tu tập của vị ấy sẽ dậm chân tại chỗ không thể phát triển, để đạt được mục tiêu giác ngộ giải thoát.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn trừ? Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nghi ngờ bậc Đạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Đạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị nầy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được diệt trừ.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ
- Nghi ngờ: Ngờ vực, chưa tin hẳn vào một điều gì.
- Do dự: Chưa quyết định dứt khoát,
- Đạo Sư: Là vị Thầy dạy đạo, truyền pháp. Đạo Sư ở đây là đức Phật.
- Quyết đoán: Quyết định nhanh, dứt khoát, mạnh mẽ để giải quyết vấn đề nào đó.
- Tịnh tín: Niềm tin trong sạch, sâu sắc.
- Nỗ lực: Cố gắng hết sức mình để làm một việc gì có tính cách khó khăn và gặp nhiều trở ngại.
- Chuyên cần: Chăm chỉ, siêng năng làm việc, trái với lười biếng.
- Kiên trì: Là sự bền bỉ, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, quyết tâm vượt qua mọi thử thách theo đuỗi mục tiêu mà mình đã đề ra.
- Tinh tấn: Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp. Tấn là tiến về phía trước không thối lui. Tinh tấn là lúc nào cũng chuyên tâm nhất trí cố gắng không ngừng để đạt được mục đích một cách toàn thiện tốt đẹp.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Vị Tỷ-Kheo không vững lòng tin vào Đạo Sư của mình nên vị ấy do dự, không quyết định dứt khoát trong vấn đề tu tập. Tâm vị ấy không hướng đến sự chuyên cần, tinh tấn, nỗ lực, kiên trì. Đây là trạng thái "tâm hoang vu thứ nhất" trong số năm tâm hoang vu chưa diệt trừ, mà đức Phật đã đề ra.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ các học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ các học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ tư chưa được diệt trừ.
B. NỘI DUNG: Tỷ-Kheo nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng, nghi ngờ học giới của đức Phật thiết lập nên do dự, không quyết tâm hướng đến sự chuyên cần, tinh tấn, nỗ lực, kiên trì trong pháp học và pháp hành. Đức Phật cho rằng những vị này bị "ba tâm hoang vu" trói buộc. Do đó sẽ không thể nào kinh nghiệm thoát khổ giác ngộ giải thoát.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phẫn nộ đối với các đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm chưa được diệt trừ.
Như vậy là năm tâm hoang vu chưa được diệt trừ."
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ
- Phẫn nộ: Tức giận, không kiềm chế được.
- Phạm hạnh: Đời sống trong sạch, thanh tịnh của người xuất gia. Suốt đời hành giả nghiêm túc giữ giới, phòng hộ các căn, nuôi mạng thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác, tinh cần thanh lọc tâm, nhằm phát huy tuệ giác, phá tan chấp thủ ngũ uẩn. Nhờ những yếu tố thanh tịnh đó hỗ trợ nguyên tắc tu tập "Giới-Định-Huệ" đi đến thành tựu giải thoát.
- Tăng (hay Ni): Là người rời xa cuộc sống gia đình, xin gia nhập làm thành viên Tăng già hay Tăng đoàn, là đệ tử của đức Phật để tu học theo giáo pháp của Ngài. Họ giữ Giới và sống chung với nhau trong tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hài hoà. Bên cạnh Phật và Pháp, thì Tăng già (bao gồm Tăng và Ni) là một trong ba ngôi Tam Bảo của Phật giáo.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Tỷ-Kheo nghi ngờ Phật, nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng, nên không nỗ lực học tập, không nỗ lực hành trì, không phòng hộ các căn, không tinh cần thanh lọc thân tâm... nên mới dễ phẫn nộ sân hận đối với bạn đồng tu. Đây là "tâm hoang vu thứ năm" chưa đoạn tận.
Đức Phật nêu lên "năm loại tâm hoang vu". Bốn tâm đầu thuộc Nghi (Si) và tâm thứ năm thuộc Sân. Tâm hoang vu thứ nhứt, thứ hai, thứ ba, thứ tư... là bốn trạng thái tâm nghi ngờ không tịnh tín đối với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và cũng không tin vào các học giới do đức Phật thiết lập. Tâm hoang vu thứ năm, là tâm Sân, chống đối, phẫn nộ, không hoan hỷ, không hài hoà với các bạn đồng tu. Vì không tin tưởng vào Tam Bảo, không tin vào các phương thức tu học, lúc nào cũng khó chịu bực tức với các bạn đồng tu, nên đưa đến tình trạng biếng nhác, lơ là trên con đường tu tập. Đức Phật xác định những ai không hướng đến nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn trong Pháp học, Pháp hành, thì "tâm hoang vu" của người đó chưa được đoạn trừ, đồng nghĩa là người đó không thể lớn mạnh, tiến xa và trưởng thành trong giáo pháp của đức Thế Tôn.
III. LÀM SAO KHẮC PHỤC “TÂM HOANG VU"?
Muốn tiến bộ trên con đường tâm linh đưa đến giác ngộ, giải thoát. Hành giả nên thường xuyên quan sát xem tâm mình có bị rơi vào tình trạng hoang mang, trống trải, nhàm chán, đánh mất niềm tin, đánh mất phương hướng. Từ đó, không còn nhiệt tâm theo đuổi lý tưởng giác ngộ là mục tiêu cao quý mà hành giả đã phát nguyện lúc ban đầu. Hành giả phải tự mình phát hiện trạng thái tâm mất thăng bằng, mất bình ổn này để kịp thời khắc phục.
Là Phật tử tại gia hay xuất gia, xưa nay mọi người đều xem Phật, Pháp, Tăng là biểu tượng cao quý, vì ba ngôi Tam Bảo này tiêu biểu cho lý tưởng thoát khổ, giác ngộ, giải thoát. Họ quy ngưỡng cung kính ba ngôi Tam Bảo vì họ tin rằng đức Phật là người đã chứng ngộ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Suốt 45 năm dài Thế Tôn đã lặn lội khắp nơi hoằng pháp, với mục đích giúp chúng sanh được thoát khổ giác ngộ giống như Ngài. Cho nên ngôi báu thứ nhất chính là Phật bảo. Lời giảng dạy của đức Phật nhằm giúp chúng sanh hoàn thiện cuộc sống và phát triển tâm linh được xem là Pháp bảo. Còn chư Tăng là các thánh đệ tử của đức Phật đã lìa bỏ gia đình, xuất gia theo đức Phật tu hành. Họ sống chung với nhau trong một đoàn thể hài hoà thanh tịnh gọi là Tăng già. Ngày nay đức Phật không còn ở thế gian này nhưng Tăng già vẫn còn, đó là chư Tăng Ni, tiếp tục duy trì học Phật và phổ biến pháp Phật để độ chúng sanh, cho nên họ chính là Tăng bảo.
Một người xuất gia theo Đạo Sư để tu học, mà không tịnh tín nơi bậc Đạo Sư của mình, cũng không tin nơi giáo pháp của Đạo sư mình, lại còn không vui vẻ hài hoà khi sống chung trong tập thể, thì người đó làm sao còn tâm trí để học hỏi và hành trì những học giới của vị Đạo Sư đó thiết lập, nói chi là nỗ lực chuyên cần hay kiên trì tinh tấn!
Để không bị rơi vào tình trạng nghi ngờ nêu trên, đức Phật vẫn thường khuyên mọi người trước khi quyết định điều gì phải có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thật rõ rồi mới quyết định. Người muốn xuất gia cầu đạo cũng không ngoại lệ. Phải đến để thấy, để nghe, để có Chánh kiến và tư duy một cách đúng đắn rõ ràng về Phật, Pháp. Khi Chánh kiến có mặt thì tâm Nghi biến mất. Tâm Nghi biến mất, hành giả sẽ tin tưởng vào Phật Pháp, sẽ chuyên cần với pháp học và pháp hành.
- Bài kinh "Các Lễ Uposatha" (Bố Tát Trai Giới), trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật đã giảng "niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới" như là phương tiện giúp người xuất gia cũng như cư sĩ tại gia giữ được tâm thanh tịnh, trưởng dưỡng niềm tịnh tín đối với Tam Bảo, nguyên văn như sau:
- "Đây là Như Lai, bậc Ứng cúng A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ. Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Do vị ấy niệm Như Lai, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận".
- "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Do vị ấy niệm Pháp, tâm vị ấy tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận".
- "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay là phước điền vô thượng ở đời." Do vị ấy niệm Tăng, tâm vị ấy tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của Tâm được đoạn tận". (*)
Ngoài ra đức Phật cũng khuyên các Tỷ-kheo đừng quên niệm Giới: "Không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền Định". Vị ấy nhờ niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.
Tóm lại, nhờ pháp "Quán Niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới Luật" sẽ giúp hành giả sớm thoát khỏi "tâm hoang vu" mà hạ quyết tâm chuyên cần học tập, tinh tấn hành trì giáo pháp của Đức Phật theo con đường Giới-Định-Huệ. Từ đó mới có thể kinh nghiệm được trạng thái an lạc hân hoan trong cuộc sống của người xuất gia.
IV. TÌM HIỂU Ý NGHĨA “TÂM PHIỀN TRƯỢC”
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
"Thế nào là năm triền phược chưa được đoạn tận?
Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, đối với những dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào đối với những dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất chưa được đoạn tận.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ
- Dục: Ham muốn, mong cầu
- Ái luyến: Yêu thương, nhung nhớ, quyến luyến có tính cách vị kỷ.
- Khao khát: Thèm thuồng, mong muốn có được.
- Khát ái: Giống như khao khát
- Tham ái: Mong muốn có được giống như khát ái nghiêng về dục vọng.
- Nhiệt tình: Sốt sắng, hăng hái làm việc gì.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Tỷ-Kheo có lòng tham ái, khát ái, khao khát, nhiệt tình đeo đuổi, ham muốn điều gì đó... mà quên việc nỗ lực, chuyên cần, tinh tấn trong việc tu học của mình thì người đó bị "tâm phiền trược thứ nhất" trói buộc.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với tự thân không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với những dục, không phải không tham ái, không phải dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ hai chưa được đoạn tận.
B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đối với "tự thân" tức thân tâm của mình thì khởi lòng thương yêu, luyến ái, chiều chuộng phục vụ nó. Muốn thân mình được sung sướng chứ không chịu khổ. Muốn đẹp không muốn xấu. Muốn khoẻ chứ không muốn bệnh, cũng như muốn sống hoài chứ không muốn chết. Vì bận lo trau chuốt tấm thân nên tâm không hướng về nỗ lực tinh tấn tu hành. Đức Phật xếp người này đang bị "tâm triền phược thứ hai" trói buộc.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các sắc pháp không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào đối với các sắc pháp, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ ba chưa được đoạn tận.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA THUẬT NGỮ
- Sắc pháp: Hiện tượng thế gian trong đó có con người. Sắc pháp gồm 11 món: 5 căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân; và 6 trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đối với "sắc pháp" là những hiện tượng trên thân và ngoài thân, những gì mà giác quan tiếp xúc như: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là 6 trần, hay tài, sắc, danh, thực, thuỳ là ngũ dục thế gian. Khi tiếp xúc với những thứ này Tỷ-Kheo không dằn được lòng tham ái, khát khao, cầu mong có được nên tâm trí không còn hướng đến nỗ lực kiên trì tu học pháp giải thoát. Đức Phật nói rằng những người này bị "tâm triền phược thứ ba" trói buộc.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỳ-kheo nào ăn cho đến thoả thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc sàng toạ, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thuỵ miên. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào ăn cho đến thoả thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng toạ khoái lạc về ngủ nghỉ khoái lạc về thụy miên, tâm vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm phiền trược thứ tư chưa được đoạn tận.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ:
- Thoả thê (Thoả thuê): Bằng lòng, thoả mãn.
- Khoái lạc: Sảng khoái, thích thú. Sự vui sướng thoả mãn.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Ham ăn cho tới no nê, cho tới bụng chứa đầy, bao tử không còn chỗ chứa mới thoả mãn. Ăn no rồi thì buồn ngủ, khoái ngủ, không còn tỉnh táo hướng đến nỗ lực chuyên cần tu tập. Người này bị "tâm phiền trược thứ tư" trói buộc.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được làm chư Thiên này hay chư Thiên khác", tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận.
Như vậy là năm tâm triền phược chưa được đoạn tận.
B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Người xuất gia, sống đời phạm hạnh... chỉ với mong cầu sau khi thân hoại mạng chung được sanh về cõi Trời, cõi Phạm Thiên nào đó... Nuôi dưỡng tâm mong cầu như vậy, nên không chịu nỗ lực chuyên cần học Pháp và hành trì để khai mở trí huệ đi đến thoát khổ giác ngộ giải thoát. Đức Phật xếp tâm này là "tâm phiền trược" thứ năm.
Những vị Tỷ-Kheo nào vướng phải "năm tâm phiền trược" cũng như "năm tâm hoang vu" thì không thể nào hưng thịnh tiến xa trong sự nghiệp tu tập pháp giác ngộ giải thoát của Đức Phật.
V. LÀM SAO ĐOẠN TẬN "NĂM TÂM PHIỀN TRƯỢC"?
Đức Phật mô tả "năm trạng thái tâm phiền trược" trong bài kinh này nhằm vạch trần tâm khao khát mong muốn của người xuất gia đối với các dục tự thân và sắc pháp bên ngoài. Người tu giải thoát cần phải đoạn tận "tâm phiền trược" này thì mới có khả năng tiến xa trên con đường tu học.
- Muốn ngăn ngừa tình trạng tham ái, đắm say dục vọng nêu trên, hành giả phải luôn luôn làm mới lại "lý tưởng xuất gia" của mình. Hãy luôn nhớ nguyên do nào đức Phật rời bỏ cung vàng điện ngọc, sống đời không nhà không cửa, để cầu tìm pháp tu thoát khổ giác ngộ giải thoát. Hãy nhớ nỗi khổ lớn nhất của đời người là sinh, già, bệnh, chết. Con người có ai thoát khỏi sầu, bi, ưu, khổ, não. Vì muốn thoát ra khỏi bộc lưu đau khổ này mà mình đã từ bỏ đời sống gia đình, xin theo học pháp giác ngộ của bậc toàn giác?
- Hãy luôn nhớ lời đức Phật đã từng nói, để áp dụng cho chính bản thân mình: "Đời sống tại gia chật hẹp, nhiễm đầy bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì nếu ta sống ở gia đình có thể thực hành đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình". Đã chọn đời sống xuất gia thì nên nhớ nghĩ thường xuyên như vậy, để nuôi dưỡng ý chí và nghị lực hầu vượt qua những cám dỗ nguy hại của tham dục, khi định lực của mình chưa được vững chắc.
- Phải thường quán cái thân ngũ uẩn này, biết rằng nó không thực sự thuộc về mình. Nó muốn khoẻ giờ nào là nó khỏe. Nó muốn ốm đau giờ nào cũng là tự thân nó ốm đau. Mình, hay ta, hay ngã không thể nào điều khiển nó. Do đó mình cần "nhận thức rõ ràng tính chất vô thường, khổ, vô ngã của tự thân cũng như những thứ vật chất ngoài thân", để không bị các thói quen tham dục ích kỷ của "cái Ta" chi phối.
- Phải biết đời sống của con người hữu hạn, mà thời gian thì không chờ đợi ai. Đã là người xuất gia thì không thể sống buông lơi mặc cho dục vọng chiếm cứ tâm mình. Phải hết sức kiên trì nỗ lực học tập và thực hành theo lời dạy của đức Phật để sớm phát triển Tuệ Quán.
- Một phương thức khác có khả năng chế ngự và diệt trừ tâm phiền trược đó là thực hành Pháp Như Thật (Yathàbhùta). Phương thức này giúp hành giả kinh nghiệm được Tuệ tri Như Thật qua giác quan. Giác quan tiếp xúc với hiện tượng thế gian như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đối tượng như thế nào nhìn thấy, nghe, xúc chạm y như vậy. Khi đó tâm hoàn toàn yên lặng, bình thản. Tâm xúc cảm cũng yên lặng. Nhờ vậy mà tiêu diệt được lòng tham dục.
Tóm lại, dục vọng là sợi dây trói buộc khiến con người chịu nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Đối với người xuất gia, dục vọng là cánh cửa vô minh nhốt hành giả trong căn nhà lửa khổ đau. Hành giả cần phải đoạn tận tham dục mới có thể đi trên con đường tu học giải thoát của đức Thế Tôn. Ngày xưa đức Phật đã tự thắng mình, vượt thoát khỏi tham dục về tài, sắc, danh, thực, thuỳ... bằng lý trí, bằng lòng kiên nhẫn, bằng sự kiên trì sống khổ hạnh suốt 6 năm dài trong rừng sâu.
Đức Phật kể lại rằng nhờ "ly dục ly bất thiện pháp" mà trong tầng định thứ nhất tức sơ thiền, Ngài kinh nghiệm được sự hỷ lạc toàn thân. Sau đó nhờ tâm định vững chắc, mà sự hân hoan hỷ lạc này tràn ngập đẳm ướt khắp châu thân. Như vậy Thiền Phật Giáo có khả năng tạo niềm hân hoan hỷ lạc cho hành giả, đối trị với những thú vui khoái lạc, những ham muốn dục vọng thấp hèn của thế gian.
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
"Thế nào là năm tâm hoang vu đã được diệt trừ?
Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo không nghi ngờ bậc Đạo Sư, không do dự, quyết đoán, tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ bậc Đạo Sư, không do dự, quyết đoán, tịnh tín, thời tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất đã được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ Pháp, không do dự, quyết đoán, tịnh tín... (như trên) .... Nếu tâm của ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai đã được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ Tăng, không do dự, quyết đoán, tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba đã được diệt trừ.
Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ học pháp, không do dự, quyết đoán, tịnh tín, thời tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ tư đã được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không phẫn nộ đối với các vị đồng phạm, hoan hỷ, tâm tư không chống đối, cứng rắn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phẫn nộ đối với các vị đồng phạm hạnh, hoan hỷ, tâm tư không chống đối, cứng rắn, thời tâm vị này hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm đã được diệt trừ.
Như vậy là năm tâm hoang vu đã được diệt trừ.
B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đức Phật giảng những vị Tỷ-Kheo nào có lòng tịnh tín nơi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Họ sống vui vẻ hài hoà trong Tăng đoàn và hướng tâm nỗ lực chuyên cần tinh tấn, kiên trì trong vấn đề tu học theo đúng với đường lối đức Phật đưa ra như: Giới-Định-Tuệ, thì những vị này theo nhận xét của đức Phật đã đoạn trừ được "năm tâm hoang vu" .
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
"Thế nào là năm tâm triền phược đã được đoạn tận?
Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đối với những dục không có tham ái, không có dục cầu, không có ái luyến, không có khao khát, không có nhiệt tình, không có khát ái. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với những dục không có tham ái, không có dục cầu, không có ái luyến, không có khao khát, không có nhiệt tình, không có khát ái, tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất đã được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với tự thân không có tham ái, không có dục cầu, không có luyến ái, không có khao khát, không có nhiệt tình, không có khát ái.... (như trên)... tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ hai đã được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các sắc pháp không có tham ái, không có dục cầu, không có luyến ái, không có khao khát, không có nhiệt tình, không có khát ái... (như trên)... tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ ba đã được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không ăn đến thoả thê, cho đến bụng chứa đầy, sống không thiên nặng về khoái lạc sàng toạ, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thuỵ miên... (như trên)... tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ tư đã được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh, không mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với phạm hạnh này, sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác". Chư Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh, không mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với phạm hạnh này, sẽ được sanh là chư Thiên này hay chư Thiên khác" tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ năm đã được đoạn tận.
Như vậy là năm triền phược đã được đoạn tận.
Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đã đoạn tận năm tâm triền phược này, thời vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này có thể xảy ra.
B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đức Phật giảng các vị Tỷ Kheo nào đối với các dục, tự thân, sắc pháp không tham ái, mong cầu, nhiệt tình, khao khát. Đối với vấn đề ăn, ngủ không tham đắm mê say. Không dựa vào khổ hạnh hay giữ gìn Phạm hạnh, để mong cầu tái sanh về cõi Trời... Ngược lại, các vị ấy chuyên cần, nỗ lực, tinh tấn tu học phát triển trí huệ đi đến giác ngộ giải thoát, thì các vị đó đã đoạn tận "Năm Tâm Phiền Trược".
Các vị Tỷ-Kheo diệt trừ "Năm Tâm Hoang Vu", đoạn tận "Năm Tâm Phiền Trược" nỗ lực tu hành, thì mới mong đạt được sự lớn mạnh, trưởng thành và hưng thịnh trong sự nghiệp tu học của mình, đồng thời mới thực sự có đời sống thanh thản, an vui cùng với bạn đồng tu quanh mình.
VI. TU TẬP “TỨ THẦN TÚC”
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
"Vị này tu tập như ý túc câu hữu dục Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tâm Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tư duy Thiền định, tinh cần hành; với nỗ lực là thứ năm.
B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ
- Như Ý Túc: "Như ý" là được như ý mình mong muốn. Túc có nghĩa là "chân", "nương tựa" hay "đầy đủ".
- Tứ Như Ý Túc: Là 4 pháp hay 4 phương tiện là nền tảng giúp hành giả thành tựu mỹ mãn các công đức thiền định (Samàdhi) theo ý muốn của mình. Tứ Như Ý Túc còn gọi là Tứ Thần Túc, "thần" có nghĩa là "thành tựu đặc biệt, sự linh diệu thù thắng" hay là "thần thông". Nói chung muốn thành tựu công đức thiền định hành giả cần nương tựa vào 4 phương tiện này. Bốn Như Ý Túc gồm: (**)
1) Dục Như Ý Túc: Dục ở đây có nghĩa là "nhiệt tâm, hăng hái, mong muốn" một cách thiết tha thành tựu pháp tu thiền định, chứng các Thánh quả (Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán), thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Sự mong muốn này mạnh mẽ cho tới khi nào đạt được mục đích mới thôi.
2) Tinh tấn Như Ý Túc: Tinh tấn là lòng dũng mãnh kiên trì, chuyên tâm học hỏi hành trì miên mật cho đến khi thành tựu thiền định như ý. Không phải lúc thì nỗ lực quá sức, khi thì lơ là lười biếng hay gián đoạn một thời gian.
3) Tâm (Định) Như Ý Túc: Thông thường tâm con người lúc nào cũng lao xao vọng động hết suy nghĩ này, đến suy nghĩ khác, gọi chung là vọng niệm. Muốn tâm được hoàn toàn yên lặng hành giả tập chuyên chú vào một đối tượng duy nhất. Tâm yên lặng vững chắc thì đó là trạng thái tâm định. Trong kinh gọi là định Nhất tâm.
4) Tư Duy (Quán) Như Ý Túc: Tư duy ở đây là quán chiếu pháp tu bằng tuệ trí đưa đến kết quả định. Từ định phát huy trí huệ Bát Nhã.
- Câu hữu: Đi kèm, dính liền với...
- Tinh cần hành: Nỗ lực hành trì.
C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Khi "tâm hoang vu" và "tâm phiền trược" hoàn toàn diệt trừ, hành giả chuyên cần tu tập theo pháp "Tứ Như Ý Túc" và "nỗ lực thiền định" để thành tựu năm định như sau:
1) Dục thiền định: (Dục ở đây có nghĩa là nhiệt tâm, siêng năng). Nhiệt tâm tu tập thiền định cho đến khi nào thành tựu pháp tu mới thôi. Dục làm chủ để đắc định.
2) Tinh tấn thiền định: Dù tha thiết muốn tu thiền định mà không tinh cần nỗ lực sẽ không đạt được kết quả gì. Ở đây tinh tấn hành trì sẽ đạt được định.
3) Tâm thiền định: Tâm không xao động, không vọng tưởng, đạt được sự yên lặng vững chắc do Tâm làm chủ mà đắc định "Không Tầm không Tứ".
4) Tư duy (Quán) thiền định: Quán là dùng tuệ trí tư duy quan sát pháp mình đang tu. Nhờ nương vào sức mạnh của Quán mà định phát sanh. Từ định mà trí huệ tâm linh phát sáng. Bây giờ định-huệ đồng thời tức hiển lộ cùng lúc.
5) Tinh cần thiền định: Tâm hành giả luôn thường trụ trong "đại định" ở mọi nơi, mọi thời (đi, đứng, nằm, ngồi)... Hành giả thong dong gia nhập vào đời sống thế gian hoằng pháp cứu độ chúng sanh mà tâm không dao động. (Định trong Động; Tám gió thổi không động).
A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)
Chư Tỷ-Kheo, Tỷ-Kheo nào đầy đủ mười lăm pháp kể cả nỗ lực, thới có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn khỏi các ách phược.
Chư Tỷ-Kheo, như có khoảng tám, mười, hay mười hai cái trứng của con gà mái, những trứng này được con gà mái khéo ấp, ngồi lên trên, khéo ấp nóng, khéo ấp dưỡng, thời dầu cho con gà mái không khởi lên sự mong ước: "Mong rằng những con gà con của ta, sau khi đâm thủng vỏ trứng với móng chân nhọn của chúng, hay với mỏ của chúng, có thể thoát ra một cách yên ổn", những con gà con ấy, sau khi đâm thủng vỏ trứng với móng chân nhọn của chúng hay với mỏ của chúng, có khả năng thoát ra một cách an ổn. Chư Tỷ-Kheo, cũng vậy, Tỷ-Kheo đầy đủ 15 pháp, kể cả nỗ lực, thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn thoát khỏi các ách phược.
B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH NÀY: Đi đến kết luận, đức Phật đưa ra thí dụ một con gà mái ấp trứng đúng cách, không cần có ý niệm mong cầu, theo thời gian, gà con đủ lớn, sẽ tự chọc thủng vỏ trứng bằng móng chân nhọn hay mõ nhọn của chúng, mà chui ra khỏi vỏ một cách an toàn. Thí dụ này để so sánh với các vị Tỷ-Kheo. Nếu vị Tỷ-Kheo nào đạt được đầy đủ 15 pháp (5 tâm không hoang vu, 5 tâm không phiền trược, 5 loại thiền định) thì nhất định sau một thời gian kiên trì tu tập, tâm vị ấy sẽ tự đâm thủng màn vô minh, phá tan phiền não, thành tựu tuệ giác và đạt được tối thượng an ổn, thoát khỏi các ách phược tức đắc quả A-La-Hán.
VII. KẾT LUẬN
Tóm lại, bản kinh "Tâm Hoang Vu" ghi lại một thời pháp của đức Thế Tôn nhằm nhắc nhở các Tỷ-Kheo nên kiên trì tinh tấn trong vấn đề tu tập. Nếu hành giả đoạn trừ được "năm Tâm Hoang Vu, năm Tâm Phiền Trược" và thực hành pháp "Tứ Thần Túc" cùng "nỗ lực thiền định", thì hành giả sẽ có đủ khả năng khai mở trí huệ tâm linh và thành tựu Chánh Giác.
Bài pháp này mở ra một lộ trình giải thoát với phương thức rõ ràng, giúp người tu bắt đầu từ trạng thái Tâm Phàm Phu nhiều tham dục, nhiều phiền não khổ đau, dần chuyển sang trạng thái Niết Bàn an vui hạnh phúc. Tuy bài kinh đức Thế Tôn thuyết giảng cách đây gần hai mươi sáu thế kỷ, nhưng đến ngày hôm nay, bài Pháp vẫn còn giá trị sâu sắc dành cho bất cứ những ai hữu duyên muốn tu tập. Nếu vị nào ứng dụng đúng mức vào đời sống tu tập của mình, chắc chắn sẽ kinh nghiệm được thân tâm an ổn, lìa xa mọi khổ ách ngay trong đời sống hiện tại./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
October 25-2019
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- (*) Tăng Chi BK - (VII. Phẩm Lớn; 70. Các Lễ Uposatha.)
- (**) Phật Học Phổ Thông, HT. Thích Thiện Hoa. Bài thứ 8 "Đạo Đế: Tứ Như Ý Túc"