Thư Viện Hoa Sen

11. Tìm hiểu ý nghĩa Lễ Vu Lan

21/06/202110:12 SA(Xem: 5180)
11. Tìm hiểu ý nghĩa Lễ Vu Lan

ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION 2021

 

11

Ý NGHĨA NGÀY L VU LAN

 

DẪN NHẬP

          Nói đến Lễ Vu Lan, thì mỗi người trong chúng ta, ai cũng biết và cũng đã từng đến chùa tham dự đại lễ này. Lễ Vu Lan là một lễ lớn, hầu hết các chùa hay tự viện đều tổ chức Lễ Vu Lan hằng năm. Trong thời pháp đón mừng đại lễ Vu Lan, chúng tôi xin chia sẻ cùng quý vị đề tài: "Ý Nghĩa Ngày Lễ Vu Lan."

          Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm Lịch hằng năm. Năm nay lễ rơi vào ngày thứ Bảy 25/8/2018 đúng vào ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tuất. Các chùa khắp nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, tạo cơ hội cho các Phật tử về chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được khoẻ mạnh bình yên và cha mẹ bảy đời quá khứ được thoát khổ địa ngục, sanh về cõi Trời an vui. Cho nên hễ nói đến Lễ Vu Lan là người ta nghĩ ngay đó là ngày Lễ Báo Hiếu Cha Mẹ.

VU LAN BÁO HIẾU

          Không phải tự dưng cứ đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, Phật giáo long trọng tổ chức "đại lễ Vu Lan Báo Hiếu" thật trang nghiêm, từ hình thức cho đến nội dung nhằm mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh và văn hoá của con người. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh "Vu Lan Bồn".

          - Vu Lan:tiếng gọi tắt của "Vu Lan Bồn" được dịch âm từ tiếng Pàli là "Ullambana". Ullam: nghĩa là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Bana: nghĩa là "cứu giúp" dịch âm là "Bồn".

          Như vậy chúng ta có thể hiểu "Ullambana" hay "Vu Lan Bồn" có nghĩa là "giải đảo huyền" tức là giải cứu người bị tội treo ngược.

          - Báo hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công ơn đức sanh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiềncha mẹ nhiều đời nhiều kiếp quá khứ.

          Theo trong kinh thì Lễ Vu Lan của Phật giáo phát xuất từ thời đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận pháp này chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, Ngài là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của đức ThếTôn.

BỒ TÁT MỤC-KIÊN-LIÊN CỨU MẸ

THOÁT KHỎI KIẾP NGẠ QUỶ

 

          Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá tham sân, và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm hoá thành lửa. Tôn giả không có cách gì cứu mẹ nên Ngài liền quay về cầu cứu với đức Thế Tôn.

          Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

          - Nhưng bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?

          Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tâp trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó"

          Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: "Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.

          Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.

Ý NGHĨA BÔNG HỒNG CÀI TRÊN NGỰC ÁO

          Một nét đẹp trong ngày Vu Lan sau này là trong buổi lễ, có kèm theo chương trình "bông hồng cài áo". Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn mẹ sẽ được cài lên ngực một đoá hoa hồng, ai mất mẹ được cài lên ngực một đoá hoa trắng. Đó là thực hiện lòng thương kính mẹ hiền theo tích Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nhưng chúng sanh ra đời không chỉ có mẹ mà còn có cha nữa. Cho nên "Vu Lan Báo Hiếu" không phải chỉ báo hiếu riêng cho mẹ mà phải tri ân báo hiếu cả hai, đó là cả mẹ lẫn cha.

TẠI SAO LÀM CON PHẢI CÓ HIẾU?

          Mỗi người chúng ta có mặt trên cõi đời này là nhờ vào tinh cha huyết mẹ. Mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, nặng nhọc như đội núi, ngày đêm như bệnh nặng. Khi sanh nở thì gan ruột như bị xé rách đau đớn mê man. Khi con ra đời cha mẹ lo lắng nuôi dưỡng từ tấm bé cho đến ngày khôn lớn dựng vợ gả chồng. Công ơn sanh thành của cha mẹ kể sao cho xiết.

          Người ta thường nói trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Điều này khi ai đã trải qua mới thấm thía. Không có mẹ bên cạnh ai lo bú mớm, tắm rửa, bồng ẳm chăm sóc chúng ta? Không có cha bên cạnh ai lo tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi nấng dạy dỗ chúng ta?

          Lúc còn nhỏ, chúng ta cần cha mẹ mỗi phút nỗi giây, ngay lúc khoẻ mạnh cũng như lúc trái gió trở trời đau ốm. Khi lớn lên, chúng ta chạy đua theo đời, say mê sự nghiệp, bận lo lắng tô bồi cho hạnh phúc lứa đôi, hay bận lo chăm sóc con cái của riêng mình quên bẳng đi cha mẹ. Vì bận rộn nên chúng ta không cảm nhận rõ sự cần thiết cha mẹ bên cạnh chúng ta. Chỉ khi nào gặp cảnh ngộ không may, làm ăn thất bại, vợ bỏ, chồng bỏ, con hư, khi tám ngọn gió đời quật chúng ta nghiêng ngã, vùi dập chúng ta đến nỗi chúng ta không còn niềm tin đối với người xung quanh. Lúc đó, chúng ta mới chợt tỉnh ra rằng, chúng ta còn cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng là chiếc nôi ấm áp cho chúng ta quay về nương tựa. Cha mẹ đón nhận chúng tađiều kiện, dù chúng ta thành công hay thất bại, dù chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm cho đi bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của chúng ta?

          Cho nên, việc phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ thật khó mà đáp đền. Trong kinh Tăng Chi 1, Đức Phật dạy: "Có hai hạng người, này các Tỷ Kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm, cho đến khi các Người 100 tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa, và dẫu tại đấy họ có đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha".

          Hiếu đạo theo Phật giáo, không phải chỉ cung kính cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất là đủ, mà chúng ta còn cần phải khuyến hoá cha mẹ trở về với Chánh pháp để giúp cha mẹ thoát khỏi cảnh bị đoạ sau khi lìa đời. Đó mới là cách báo hiếu trọn vẹn. Trong Kinh Hiếu Tử có nói: "Cúng dường tiền bạc vật chất cho cha mẹ không bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hoá cha mẹ phụng trì Tam Bảo, thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo... người con phải hết sức ngăn cản mới gọi là con có hiếu"

           Đức Phật xác định trong Kinh Nhẫn Nhục: "Điều ác nhất không gì hơn bất hiếu"

KẾT LUẬN

          Tóm lại, Vu Lan Bồn là ngày Lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Riêng chúng ta là người con Phật chúng ta cần nhận thức sâu sắc lời Phật dạy, đối với cha mẹ ngày nào cũng là ngày Vu Lan, vì cuộc đời vô thường, ai biết được một ngày nào đó chúng ta mồ côi cha mẹ, hay chính chúng ta lại là người ra đi trước cha mẹ. Cho nên báo hiếu mẹ cha chúng ta báo hiếu hằng ngày chứ không chờ đến ngày Lễ Vu Lan.

          Tuy nhiên hôm nay mùa Vu Lan lại về, thời gian này ghi đậm trong tâm chúng ta là mùa báo hiếu vì thế chúng ta cùng nhau nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu, để báo đáp thâm ân của cha mẹ vậy./.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(August 16-2017)

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: