- 1. Đức Phật Thích Ca: Lịch Sử và Huyền Thoại
- 2. Giới Luật Theo Tinh Thần Phật Giáo
- 3. Tìm hiểu kinh “Thừa Tự Pháp”
- 4. Thấy Pháp là thấy Phật
- 5. Chúng ta học được gì từ bài kinh “Chữ Viết Trên Đá, Trên Đất, Trên Nước”
- 6. Tìm hiểu ý nghĩa kinh “Tâm Hoang Vu”
- 7. Tìm hiểu ý nghĩa bài kinh “Thanh Tịnh”
- 8. Tìm hiểu kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”
- 9. Tìm hiểu “Đại Kinh Xóm Ngựa”
- 10. Tìm hiểu chính mình
- 11. Tìm hiểu ý nghĩa Lễ Vu Lan
- 12. Tìm hiểu ý nghĩa Cầu An Cầu Siêu
- 13. Thế nào là “Phát Bồ-Đề Tâm” ?
- 14. Tìm hiểu Tứ Nhiếp Pháp
- 15. Lý Duyên Khởi - Pháp Duyên Sinh
- 16. Đời sống của người mới xuất gia
- 17. Sống tỉnh thức
- 18. Những quy luật chi phối nhân cách của con người
- 19. Trần gian là quán trọ
- 20. Cận tử nghiệp
- 21. Chìa khoá mở cửa hạnh phúc
- 22. Thời gian không chờ đợi ai
- 23. Tiểu Sử Tác Giả
ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION 2021
8
TÌM HIỂU Ý NGHĨA
KINH "NHẤT DẠ HIỀN GIẢ"
(BHADDEKARATTA SUTTA)
"One fortunate attachment / Một dính mắc may mắn"
I. GIỚI THIỆU
Trung Bộ Kinh Nikaya (Majjhima Nikaya) có bốn bài kinh: 1) Nhất Dạ Hiền Giả (Bhaddekaratta Sutta), 2) Ananda và kinh Nhất Dạ Hiền (Anandabhaddekaratta Sutta); 3) Đại-Ca Chiên-Diên và kinh Nhất Dạ Hiền (Mahakaccanabhaddekaratta Sutta); 4) Lomasakangiya và kinh Nhất Dạ Hiền (Lomasakangiyabhaddekaratta Sutta). Cả bốn bài kinh này đều xoáy trọng tâm vào một bài kệ do đức Phật tổng thuyết và biệt thuyết nhằm khuyến tấn các đệ tử của Ngài hãy nỗ lực tu tập để phát huy tuệ quán nhận ra "cái đang là" của các pháp hiện tại và an trú trong bây giờ và ở đây.
Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa bài Kinh Nhất Dạ Hiền Giả mà xưa kia đức Phật đã thuyết giảng cho các vị Tỷ Kheo, tại thành Savatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ-Đà Lâm), nơi tịnh xá ông Anathapindika (Cấp-Cô-Độc).
Bài kinh tiếng Pàli, có tựa đề là "Bhaddekaratta Sutta" đã được cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch là "Kinh Nhất Dạ Hiền Giả". Bài kinh đó như sau:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
II. NỘI DUNG BÀI KINH "NHẤT DẠ HIỀN GIẢ"
Đại ý bài kinh này đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận; còn tương lai thì chưa tới. Đối với pháp hiện tại hãy quán sát bằng trí tuệ (Vipassati) để tâm được yên lặng, không bị dao động rung chuyển khi gặp những chuyện bất như ý. Phải tu tập tuệ quán ngay hôm nay vì không ai biết được vô thường tức sự chết đến lúc nào, mà cũng không ai có thể điều đình van xin khất hẹn với cái chết. Vị nào tu tập luôn an trú trong tuệ quán, tức an trú trong Tánh giác ngày đêm không mệt mỏi, thì vị ấy xứng đáng được gọi là bậc Thánh an tịnh trầm lặng.
III. Ý NGHĨA CHI TIẾT BÀI KINH "BHADDEKARATTA"
Bhaddekaratta là tập hợp của 3 từ: Bhadda, Eka và Ratta. Bhadda nghĩa là "may mắn". Eka nghĩa là "một", còn Ratta nghĩa là "dính mắc". Sutta nghĩa là "Kinh". Kinh là lời Phật dạy. Khi ghép từ "Bhadda" với từ "Eka", vì hai nguyên âm sát nhau nên bỏ bớt nguyên âm "a" viết là "Bhaddekaratta". Các học giả Tây Phương dịch tựa bài kinh này là: "One fortunate attachment" nghĩa là "Một Dính Mắc May Mắn".
Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pàli "Bhaddekaratta" qua tiếng Việt là: "Nhất Dạ Hiền Giả". Hiền giả là một bậc hiền triết, một bậc thánh hiền. Ở đây chúng ta tạm hiểu là một vị Thánh tăng tu tập an trú trong Tánh Giác được đức Thế Tôn tán thán là bậc an tịnh trầm lặng. Còn nhất dạ là một đêm.
Hoà Thượng Thích Thông Triệt thì cho rằng nội dung bài kinh này đức Thế Tôn dạy phương pháp "tu tập an trú trong Tánh Giác" và cho đây là "một dính mắc may mắn". Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao "dính mắc mà may mắn", trong khi từ trước đến giờ đức Phật khuyên bảo chúng đệ tử tu tập không được bám víu hay dính mắc với mọi thứ trên thế gian này. Chẳng hạn như sáu căn tiếp xúc sáu trần không được dính mắc với sáu trần, thì tâm mới được an ổn bình yên.
Chúng ta lần lượt tìm hiểu nghĩa bình thường và nghĩa rộng của bài kinh, mà đức Thế Tôn muốn nhắn nhủ chúng ta qua câu: "Quá khứ không truy tìm/Tương lai không ước vọng".
- Quá khứ: Là những chuyện đã xảy ra, đã qua rồi.
- Tương lai: Là những chuyện chưa xảy ra.
- Truy tìm: Là truy xét tìm tòi, lục lọi, bươi móc... tìm lại những gì đã mất. - Ước vọng: Là mong ước, vọng tưởng những gì mình chưa có.
Trong đoạn kinh này đức Phật dặn dò chúng đệ tử "không nên truy tìm lại quá khứ, cũng không nên ước vọng tới tương lai". Theo như Ngài dạy thì:
- Truy tìm về quá khứ: Có nghĩa là mình cố ý quay về tìm tòi những kỷ niệm hân hoan vui thích và muốn sống lại toàn bộ những hân hoan vui thích trong quá khứ, thì đó là mình truy tìm quá khứ.
- Không truy tìm quá khứ: Khi mình nhớ tới sự kiện xảy ra trong quá khứ, tâm mình vẫn bình thản, không bị kích động, không bị đắm chìm sống lại với niềm hân hoan vui thích hay khổ đau trong quá khứ. Đó là mình không truy tìm quá khứ.
- Ước vọng trong tương lai: Mong ước, vẻ vời hình ảnh tương lai không có thật. Ngày đêm mơ mộng tưởng tượng mình đang sống trong sự vẻ vời không thật đó. Như vậy là mình đang ước vọng trong tương lai.
- Tương lai không ước vọng: Sống trong cuộc đời cũng cần có những dự án cho tương lai. Khi đưa ra kế hoạch, thì tuần tự thực hành. Bản thân không mơ mộng, không đắm chìm trong ảo ảnh tương lai, thì đó là không ước vọng trong tương lai.
Đức Phật khuyên chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai vì Ngài cho rằng:
- Quá khứ đã đoạn tận/Tương lai thì chưa tới: Hai câu này, đức Thế Tôn giải thích nguyên do tại sao không nên dính mắc với quá khứ hay tương lai, là bởi vì quá khứ chấm dứt rồi, đừng mơ tưởng sống lại trong quá khứ để tìm niềm vui hạnh phúc trong quá khứ. Còn tương lai thì đừng tìm sự hân hoan vui thích, đừng tưởng tượng mình đang sống hạnh phúc trong tương lai vì tương lai chưa tới.
Thực ra nếu còn bám víu vào sự hân hoan vui thích tức là còn Tham. Nếu bám víu vào sự buồn khổ phiền muộn tức là còn Sân. Như thế là không tu tập theo Chánh pháp tức là còn Vô Minh.
Đức Phật dạy không nên để Ngũ uẩn (thân tâm) truy tìm quá khứ đã qua, cũng không ước vọng tương lai chưa tới. Vậy còn hiện tại thì sao? Đối với hiện tại Ngài dạy rằng: "Chỉ có pháp hiện tại/Tuệ Quán chính ở đây/Không động, không rung chuyển"
- Pháp hiện tại: Trong phần văn xuôi đức Phật dạy chúng sanh không nên để bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Pháp hiện tại ở đây có thể hiểu là con người hay ngũ uẩn.
Người không tu tập theo pháp của các bậc Thánh, bậc Chân nhân cho nên họ "quán ngũ uẩn là tự ngã, hay quán tự ngã có ngũ uẩn". Nghĩa là trong ngũ uẩn luôn có cái ngã, cái ta làm chủ. Đó là họ "bị lôi kéo vào pháp hiện tại". Nếu tu tập theo đúng Chánh pháp thì họ "không quán ngũ uẩn là tự ngã, không quán ngũ uẩn có tự ngã". Tức Ngũ uẩn là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn không phải là Ngã, là tự Ngã. Như vậy là "không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại".
- Tuệ Quán: Đối với pháp hiện tại (ngũ uẩn), đức Thế Tôn dạy hãy quán sát bằng trí tuệ để thấy rõ ba đặc tính: Vô thường, Khổ, Vô ngã. Khi nhận ra bản thân con người bị Vô thường, Khổ, Vô ngã chi phối, hành giả biết rằng cái thân Ngũ uẩn này tức pháp hiện tại không thực chất tính, nó luôn luôn thay đổi nên Vô thường, Khổ, Vô ngã. Vị ấy siêng năng tu tập an trú trong "bây giờ và ở đây" tức trú trong Tánh Giác.
- Không động không rung chuyển: Là nói đến Tánh Giác. An trú trong Tánh Giác là an trú trong "bây giờ và ở đây", tâm không bị dính mắc vào hiện tượng thế gian thì tâm đó là tâm "không động không rung chuyển".
Mấy câu đầu của bài kinh, đức Phật dạy chúng đệ tử không nên dính mắc vào quá khứ, hiện tại và tương lai, mà phải tu tập quán chiếu các pháp hiện tại bằng Tuệ trí để thấy "cái đang là" của pháp hiện tại "ngay bây giờ và ở đây" tức "an trú trong Tánh Giác". An trú trong Tánh Giác hay tâm bậc Thánh hoặc cao hơn là tâm Phật sẽ không bị lay động khi những ngọn gió đời bất ngờ thổi tới. Trong kinh gọi chỗ đó là tâm "không động không rung chuyển".
Đức Thế Tôn dạy tiếp: "Biết vậy nên tu tập / Hôm nay nhiệt tâm làm / Ai biết chết ngày mai? / Không ai điều đình được / Với đại quân thần chết."
- Nếu an trú trong Tánh Giác thì tâm yên lặng "không động không rung chuyển". Hiểu như vậy, thì hôm nay phải siêng năng tu tập liền, vì cái chết sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Có thể ngày hôm nay còn sống, nhưng ngày mai Vô thường cướp mất mạng sống của chúng ta mất rồi!
Nói về sự Vô thường, tức nói về cái chết thì trong kinh có kể lại câu chuyện như sau: Một hôm, đức Phật hỏi đệ tử: "Cuộc sống đời người kéo dài bao lâu?" Có người đáp: "Một năm". Có người đáp: "Một tháng". Có người đáp: "Một tuần" v.v... Nghe thế đức Phật quở: "Các ông chưa hiểu được Vô thường". Sau cùng có một vị thưa: "Cuộc sống của đời người chỉ trong hơi thở", thì đức Phật gật đầu khen: "Phải".
Câu chuyện trên cho thấy cuộc đời chúng ta sẽ gặp những bất ngờ xảy tới không ai lường trước được. Cho nên phải lo tu tập để có trí tuệ sáng suốt, cũng như có định lực vững chắc ngay từ bây giờ không chờ đợi đến ngày mai. Chính vì thế đức Thế Tôn mới bảo chúng ta: "Biết vậy nên tu tập / Ai biết chết ngày mai?". Không một ai có thể điều đình, van xin thần chết buông tha cho được sống thêm một thời gian nữa. Khi thần chết tức Vô thường đến thì đành bó tay chịu chết cho dù mình còn rất muốn sống!
Giảng dạy xong đức Thế Tôn khích lệ: "Trú như vậy nhiệt tâm / Đêm ngày không mệt mỏi / Xứng gọi Nhất dạ Hiền / Bậc an tịnh trầm lặng."
- Trú như vậy nhiệt tâm: Trú có nghĩa an trú hay an trụ trong Tánh Giác hay Tánh Nhận Thức không động không rung chuyển.
- Đêm ngày không mệt mỏi: Tu tập trong bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi. Lúc nào cũng phải tỉnh thức để mà sống trong cái bây giờ và ở đây.
- Xứng gọi Nhất dạ hiền / Bậc an tịnh trầm lặng: Người miên mật tu tập, tâm luôn yên lặng, trí tuệ sáng suốt, định lực vững chắc, được đức Phật ví như là một bậc Thánh an tịnh trầm lặng.
IV. TẠI SAO "DÍNH MẮC" lại "MAY MẮN"?
- Rốt cuộc tựa bài kinh "Một dính mắc may mắn" là dính mắc vào cái gì mà được đức Phật gọi đó là dính mắc may mắn? Xét lại mục tiêu của đạo Phật là tu tập để được Thoát Khổ, Giác Ngộ, Giải Thoát. Con người sở dĩ khổ đau là vì luôn sống trong Tâm Ba Thời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Tâm Ba Thời là tâm ích kỷ, đố kỵ, ưa ganh ghét, nó chứa đầy những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Người sống trong Tâm Ba Thời bị pháp thế gian tài, sắc, danh, thực, thuỳ… lôi cuốn. Những thứ dục này luôn khuấy động khiến bản thân phải sống trong phiền não khổ đau và làm cho người thân kẻ sơ liên hệ cũng khổ đau phiền muộn. Người sống trong Tâm Ba Thời là người sống trong "cái Biết Có Lời" tức trong tâm lúc nào cũng dính mắc với suy tư, phân biệt, so sánh, tưởng tượng tạo nhiều ý nghiệp, từ đó sinh ra khẩu nghiệp và thân nghiệp. Dính mắc với những thứ này là "dính mắc bất hạnh".
Trong bài kinh "Nhất Dạ Hiền Giả", đức Phật khuyên chúng đệ tử của Ngài hãy tu tập quan sát vạn pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã bằng cách nhìn hiện tượng thế gian qua con mắt Tuệ tức thấy "cái đang là" của đối tượng và an trú trong "Chánh Niệm bây giờ và ở đây", tức an trú trong Tánh Giác. An trú trong Tánh Giác thì tâm hoàn toàn yên lặng. Chức năng của Tánh Giác là sự tự biết, nghĩa là Thầm Nhận Biết trong yên lặng. Trạng thái Thầm Nhận Biết Không Lời vững chắc là trạng thái Định vững chắc (samãdhi). Định vững chắc thì bên trong tâm cô lập được lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tuỳ miên... bên ngoài "tám gió đời" (Lợi-Suy, Xưng-Cơ, Huỷ-Dự, Lạc-khổ) thổi tới, tâm vẫn "không động không rung chuyển". Như vậy, an trú trong Tánh Giác hay sâu sắc hơn là Tánh Nhận Thức Không Lời, thì đạt được mục tiêu Thoát Khổ, Giác Ngộ, Giải Thoát. Vì thế "dính mắc với Tánh Giác là một dính mắc may mắn". Nhận định này thật không sai!
V. KẾT LUẬN
Bài kinh "Bhaddekaratta" hay "One fortunate attachment" là "Một Dính Mắc May Mắn" mà Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch là "Kinh Nhất Dạ Hiền Giả", tuy ngắn gọn và đơn giản nhưng xét kỷ thì thật sâu sắc. Đức Phật đã nhắm đúng vào tâm trạng của chúng sinh luôn khổ để mà giảng bài kinh này.
Nỗi khổ con người không ngoài sự dính mắc với Tâm Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai. Người lớn tuổi hay dính mắc với quá khứ. Người trẻ tuổi hay dính mắc với tương lai. Thông thường mọi người hay dính mắc với hiện tại, vì bên dưới có những đam mê, lậu hoặc từ lâu đời ảnh hưởng.
Sinh lão bệnh tử là quy luật khách quan không ai tránh khỏi. Khi Vô thường đến, chúng ta đều phải ra đi. Khi ra đi tức khi chết, chúng ta bỏ lại tất cả tài sản gồm tiền bạc, của cải, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, danh thơm tiếng tốt, vợ đẹp, con ngoan. Chúng ta chỉ có thể mang theo một trong hai loại hành trang:
- Thứ nhất: Tâm đời mang theo lậu hoặc, nghiệp xấu và nghiệp tốt.
- Thứ hai là: Tâm linh mang theo trí huệ, công đức tu hành.
Cuộc sống của chúng ta tuỳ theo hơi thở. Còn thở thì sống. Ngưng thở thì chết. Cho nên khi còn sống trên đời này, dù gặp hoàn cảnh nào chúng ta cũng cố gắng sống một cuộc đời đáng sống dù dài hay ngắn. Sống một cuộc đời đáng sống là sống tỉnh thức, sống an vui, sống lợi ích cho mình và cho người.
Trong kinh, đức Thế Tôn dạy chúng ta phải tu tập ngay bây giờ, để làm chủ lấy tâm, hầu chuyển nghiệp trong giây phút bây giờ và ở đây, chứ không thể chần chờ.
Tu tập thì có thể tu theo Thiền Huệ: Thấy Biết Như Thật, Không dán nhãn đối tượng. Tu theo Thiền Định thì tu theo pháp Thở, Không Nói hay Không định danh đối tượng.
Tóm lại qua nội dung bài kinh Bhaddekaratta, chúng ta nhìn hiện tượng thế gian qua cái Tự Biết Không Lời của Tánh Giác để được an trú trong Tánh Giác, chuyển nghiệp từ từ đi trên con đường tâm linh. Đây chính là một dính mắc may mắn vậy!
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
September 16-2018
(Giảng tại chùa Địa Tạng, Montreal, Canana tháng 6-2016
và đạo tràng Thiền Tánh Không Houston, Texas, USA tháng 7-2017)
Tài liệu:
- Trung Bộ Kinh: (131) Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (Bhaddekaratta Sutta). Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt.
- Giáo trình giảng dạy của Hoà Thượng Thích Thông Triệt lớp Thiền Căn Bản.