- Bạn nên thiền khi nào và ở đâu ?
- Tự Nhiên Không Vội Vã Mà Mọi Việc Vẫn Thành Tựu
- Khám Phá “bản Ngã” Của Chúng Ta
- Tại Sao Cần Thiền Định?
- Đâu Là Hạnh Phúc Thực Sự?
- Chính Niệm Tỉnh Giác
- Điều Kỳ Diệu Của Sức Mạnh Nội Tâm
- Con Đường Tìm Kiếm Hạnh Phúc
- Điều Gì Khiến Tâm Chúng Ta Bất An?
- Bản Ngã Hời Hợt - Tự Tính Tâm Sâu Sắc
- Sức Mạnh Thay Đổi Cuộc Sống
- Phương Pháp Để Có Cuộc Sống Tràn Đầy Hạnh Phúc
- Năng Lực Kỳ Diệu Của Tâm An Lạc
- Ngôn Ngữ Của Tâm
- Kiếm Tìm Giá Trị Bản Thân
- Ba điều tâm niệm
- Thói Quen Tập Khí Ảnh Hưởng Đến Chúng Ta Thế Nào?
- Thực hành quán niệm Hơi thở hàng ngày (Phần 2)
- Thực Hành Quán Niệm Hơi Thở Hàng Ngày (Phần 1)
- Nguyên Nhân Của Khổ Đau Và Bất An
BẢN NGÃ HỜI HỢT - TỰ TÍNH TÂM SÂU SẮC
Thế giới quan quyết định tầm nhìn của mỗi chúng ta. Tất cả những ký ức, kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân hình thành nên một chiếc lăng kính, qua đó chúng ta sàng lọc mọi sự vật và hiện tượng xảy ra tại thời điểm và không gian ta đang sống. Như vậy, bạn cần hiểu điều quan trọng là nhận thức của chúng ta về thực tại vốn chỉ là cảm nhận; được tạo nên theo cách nghĩ của riêng mình. Điều này có nghĩa chúng ta có thể thay đổi một vài phương diện trong cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong thế giới này.
Tâm con người thường có xu hướng nhìn thế giới theo quan kiến “nhị nguyên”, qua đó tất cả sự vật, hiện tượng đều được mô tả bằng cách so sánh: tốt và xấu, hạnh phúc và khổ đau, đẹp và xấu, giàu và nghèo. Thế giới của chúng ta thường được cô đọng thành những khái niệm này. Tâm ta luôn bị giằng xé bởi tranh cãi không ngừng nghỉ xoay quanh chủ đề thích hay không thích, luôn khao khát sở hữu những gì mình chưa có, đánh giá mình đứng đâu trong thứ bậc hấp dẫn, thành đạt, giàu có,… tóm lại là cứ mãi luôn mải miết so bì.
Như vậy, chúng ta đang để những vọng tưởng tô vẽ lên hình ảnh về bản thân và những người khác, đồng thời gây ra sự phân biệt ta - người. Chúng ta nghĩ mình cần kiên định và giữ vững lập trường, có như vậy mới xác định được vị thế mình trong mối tương quan xã hội. Nhưng rồi ta nhận ra có những điều mình coi là vĩ đại, người khác lại thấy rất tầm thường; cũng như có những điều mình tin tưởng mạnh mẽ lại không được ghi nhận chia sẻ rộng khắp.
Đặc biệt ở các nước phương Tây, thậm chí tư tưởng nhị nguyên còn phân tách cả thân với tâm của một người: phần thân xác theo truyền thống tượng trưng cho khía cạnh hoang dã, yếu đuối và tội lỗi của con người, trong khi phần tâm trí lại phức tạp và đầy lý trí, tạo nên sự khác biệt giữa con người với các loài động vật khác. Chúng ta tạo ra ý thức về sự tách biệt giữa thân và tâm, nhưng thực chất, mọi thứ đều biến dịch và dễ dàng đổi thay, điều này hoàn toàn đúng với mọi quan niệm và niềm tin được chúng ta xây dựng và áp dụng giữa thân và tâm có sự gắn kết vô cùng nhuần nhuyễn, linh hoạt. Thân có thể mệt mỏi cũng giống như tâm có thể yếu đuối. Tâm vững vàng có thể giúp cho thân mạnh mẽ và ngược lại.
Theo triết học Phật giáo, niềm tin và cách nhìn nhận thế giới của chúng ta thể hiện các phương diện khác nhau của “bản ngã”, nằm ở bề mặt của tâm, trong khi “tự tính tâm” của chúng ta tồn tại siêu việt mọi khái niệm, nhãn mác và sự so sánh phân biệt. Chúng ta rất dễ nhận lầm bản ngã là tự tính tâm chân thực của mình bởi tiếng nói của bản ngã vốn luôn ồn ào và lấn át sự tĩnh lặng, sâu sắc bên trong của tự tính tâm. Chính bản ngã tạo nên sự bất an, nhưng do lười biếng nên nó thích chúng ta phải cứng nhắc, giữ nguyên quan điểm về bản thân và thế giới thay vì ứng biến linh hoạt và hướng tâm rộng mở ra bên ngoài. Tâm chấp ngã muốn có mọi câu trả lời mà chẳng cần phải đặt một câu hỏi nào về bản thân chúng ta; chúng ta tồn tại theo cách vốn có, và mọi người, kể cả bản thân chúng ta, phải chấp nhận điều đó.
Tâm chấp ngã có thể tạo ra ảo tưởng rằng nó đang khiến cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn. Chúng ta biết vị trí của mình trong xã hội. Chúng ta cho rằng ta biết mình là ai, có thể hành động và phản ứng theo những nhãn mác do chính chúng ta tự gán ghép hoặc được mọi người gán ghép cho – tức là sự mô tả về ta như: trầm tĩnh, nhút nhát, thành đạt, lập dị,… so với mọi người. Song nếu soi chiếu tâm chấp ngã, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra vì sao mình lại trở nên bất an.
Trước hết, tâm chấp ngã có ít không gian đến mức khiến chúng ta cảm thấy bị trói buộc tù túng. Chúng ta nghe theo sự sai sử của tâm một cách lặp đi lặp lại, giống như một đĩa nhạc bị vấp. Chúng ta cảm thấy nhàm chán vì cứ mãi đi theo lối mòn tư duy, không thể tìm ra điều gì mới mẻ. Tâm chấp ngã khắc sâu những thói quen của xúc tình, khiến chúng ta vẫn phản ứng như cũ đối với một vấn đề từng gặp. Điều này dường như vô hại trong một thời gian dài, nhưng trong lúc tâm trạng bất ổn, lối tư duy như vậy có thể khiến chúng ta vô cùng khó chịu về mình. Mọi nhãn mác tiêu cực khi đó sẽ càng trở nên tiêu cực hơn, thậm chí còn phóng chiếu ra bên ngoài đối với những người khác.
Mặc dù vậy, bản ngã không thích thay đổi; nó thích mọi thứ giữ nguyên trạng. Thế nên ngay cả khi tâm ta khát khao đổi mới, mỗi lần cố gắng làm lại từ đầu, chúng ta lại thấy những tập khí cũ trỗi dậy và đè bẹp chính mình. Rốt cuộc, thậm chí chúng ta còn phải cho rằng mình thuộc mẫu người không thích thay đổi. Cứ như thế, vô hình chung, chúng ta tự dựng nên quanh mình những bức tường, ngăn cản sự phát triển của vô số tiềm năng trong ta: bởi đôi khi chúng ta có thể bảo thủ, song cũng có lúc chúng ta đầy dũng khí và phiêu lưu. Tất cả những nhãn mác ta gắn cho bản thân chỉ khiến mình bị bó buộc, không thể phát triển cả về nội tâm lẫn bên ngoài cuộc sống.