NHỮNG NGUYÊN TẮC BỀN VỮNG
Ajahn Lee Dhammadaro
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961), là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.
***
26 tháng Năm, 1958
Những người đang tu tập, đang rèn luyện tâm trí với hy vọng đạt được đạo quả dẫn đến Niết bàn, nếu chúng ta không học để hiểu các nguyên tắc cơ bản của thế gian, chúng ta có thể dễ dàng đi lệch đường. Hoặc là chúng ta sẽ cứ đi loanh quanh mà không bao giờ đạt được mục tiêu.
Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn chấm dứt khổ đau, chúng ta phải tự hỏi: thứ gì trong ta là nơi ta có thể thực sự nương tựa? Đây là loại câu hỏi mà chúng ta nên luôn luôn suy ngẫm. Khi chúng ta tụng niệm mỗi ngày: “Svakkhato bhagavata dhammo, sanditthiko akaliko — Giáo pháp được Thế Tôn thuyết giảng khéo léo, được thấy ở đây và bây giờ, là vô tận”. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn đạt được Niết-bàn, chúng ta sẽ có thể đạt được. Nếu chúng ta không muốn đạt được nó thì chúng ta sẽ không đạt được.
Nhưng chúng ta có đạt được nó hay không còn phụ thuộc vào các nguyên tắc căn bản, có hai loại: nguyên tắc lâu bền và nguyên tắc hỗ trợ. Nguyên tắc lâu bền, được gọi là dhamma-thiti, là những gì có bản chất bất biến. Các nguyên tắc hỗ trợ là sự đào tạo và giáo dục của chúng ta, có thể tốt hoặc xấu.
Đây là lý do tại sao sự thực hành của chúng ta lúc tiến, lúc lui, giống như cây đứng giữa cánh đồng rộng lớn, lung lay trong gió. Nếu không khám phá được các nguyên tắc bất biến bên trong, chúng ta sẽ không thể tìm được bất cứ điều gì để làm nơi nương tựa thực sự - vì sự rèn luyện và giáo dục của chúng ta chỉ đơn giản là những yếu tố hỗ trợ.
Đây là lý do tại sao chúng ta nên tiếp tục tự hỏi: “Chúng ta đã tìm thấy nguyên tắc nào nơi bản thân có thể coi là nơi nương tựa của chúng ta chưa?” Chừng nào ta còn tùy thuộc vào người, vào những thứ khác thì ta chưa có một nơi nương tựa thực sự. Sự đào tạo và giáo dục của chúng ta không gì khác hơn là những yếu tố hỗ trợ - giống như phân ta bón cho cây trồng. Khi hết phân bón, cây sẽ phải ngả đổ xuống đất và phân hủy. Đối với Đức Phật cũng vậy: khi thân Ngài cạn kiệt sức lực, nó biến thành tứ đại.
Pháp, khi không còn sức mạnh nữa, sẽ không là gì ngoài chữ viết trên giấy hoặc trên lá cọ, rồi tan rã. Còn Tăng đoàn, khi sức lực cạn kiệt, họ chết. Vì thế, khi chúng ta nương tựa vào những thứ này thì có gì khác hơn sự nương tựa vào những món ăn vặt, nhưng nhiều người hiểu lầm chúng là nơi nương tựa thực sự của họ.
Họ nghĩ rằng Phật, Pháp và Tăng sẽ mang hoặc kéo họ lên thiên đàng hay Niết-bàn. Ở góc độ này thì điều đó đúng nhưng ở góc độ khác thì nó lại sai. Nó đúng theo nghĩa là Phật, Pháp và Tăng bảo tồn truyền thống tốt đẹp mà chúng ta có thể nắm giữ và noi theo. Tuy nhiên, điều đó sai ở chỗ chúng không phải là những thứ sẽ khiến chúng ta đạt được đạo quả dẫn đến Niết-bàn. Việc đạt được Niết-bàn tùy thuộc vào hành động của chính chúng ta: sự thực hành của chúng ta.
Vì vậy chúng ta phải tự hỏi: "Ta muốn gì trong cuộc sống?" Nếu chúng ta thực sự muốn điều gì đó, chắc chắn ta sẽ thành công ở mọi mặt. Nhưng việc chúng ta không thành công là do chính chúng ta. Nếu muốn trở thành triệu phú, chúng ta phải trở thành triệu phú. Nếu muốn trở thành kẻ ăn xin, chúng ta sẽ trở thành kẻ ăn xin. Thành công và không thành công đều đến từ bên trong chúng ta - nói cách khác, là từ những yếu tố nhân quả nằm trong giới hạn lòng tốt của chính ta. Nếu chúng ta thực hành đúng, chắc chắn ta sẽ thành công.
Tất cả đều phụ thuộc vào những nguyên tắc lâu bền trên thế gian, cùng với các yếu tố hỗ trợ sẽ đưa chúng ta đi đúng hướng. Yếu tố hỗ trợ là những lời dạy do các bậc trí giả và hiền nhân biên soạn. Những nguyên tắc lâu bền – dhamma-thiti – đến từ những nguyên tắc tự nhiên. Để đạt được đạo và quả dẫn tới Niết-bàn cần phải có các nguyên tắc bền vững (dhamma-thiti).
Hãy lấy Đức Phật của chúng ta hay các chư Phật khác làm ví dụ: khi các Ngài sinh ra, không có Đức Phật nào dạy dỗ các Ngài. Nhưng trong kiếp quá khứ các Ngài đã gặp được thánh nhân, gặp được chư Phật nên sinh ra đã có những tính cách thúc đẩy các Ngài đến với tâm hướng thượng, nhìn thấy được các nhược điểm của thế gian đầy rẫy phiền não, tham ái, cộng với sinh, già, bệnh tật, và cái chết.
Vì thất vọng, các Ngài mong muốn được giải thoát khỏi mọi đau khổ này - vì chừng nào con người còn phải chịu sinh tử, thì dù có cánh để bay, chúng ta cũng không thể thoát khỏi khổ đau. Nhưng nếu chúng ta thoát khỏi sinh tử, thì dù có phải bò bằng bốn chân trên đất, chúng ta cũng không cảm thấy chút khổ nào. Đây là lý do tại sao Đức Phật rời bỏ cuộc sống gia đình, một mình đi vào chốn rừng sâu tu tập, phát triển giới hạnh, định lực và trí tuệ cho đến khi Ngài đạt được quả vị Phật viên mãn. Khi đã đạt được mục tiêu, Ngài lại có một tính cách khác - lòng đại bi - đã truyền cảm hứng để Ngài giảng dạy Giáo pháp cho quyến thuộc của mình và cho chúng sinh nói chung để họ cũng có thể thoát khỏi khổ đau.
Hành giới được coi là từ bi trong hành động của mình. Từ đó, ta có lòng bi mẫn trong lời nói và ý nghĩ. Khi Đức Phật hiển lộ lòng từ bi này, mọi người đáp lại Ngài bằng sự tử tế: họ yêu mến Ngài, kính trọng Ngài và sẵn sàng dành cho Ngài quyền lực. Lòng bi mẫn của Đức Phật thể hiện theo hai cách: vì hạnh phúc của thế gian (lokattha-cariya) và hạnh phúc của quyến thuộc (ñatattha-cariya).
Đối với thế gian, Đức Phật trải rộng thiện chí và lòng bi mẫn của Ngài đến chúng sinh trên cùng khắp thế gian, không hề có sự thiên vị bất kỳ nhóm hay cá nhân nào. Như bao người khác, Đức Phật cũng có cha mẹ, ông bà, anh chị em, và những người này lần lượt có con, cháu, bên chồng, bên vợ, và Ngài cũng quan tâm đến hạnh phúc của họ.
Lòng từ bi của Đức Phật lan tỏa theo tất cả các mối liên hệ này, được thể hiện qua hành động từ bi, lời nói từ bi và ý nghĩ từ bi. Lòng từ bi này lan tỏa từ một trái tim đã tìm được nơi trú ẩn đáng tin cậy bên trong. Đây là lý do tại sao Ngài có thể trải rộng lòng từ của mình để người khác cũng có thể trông cậy vào Ngài như thế. Bản chất của trái tim là khi nó có thể nương tựa vào chính mình, sự thiện lành của nó dần dần lan tỏa ra ngoài theo cách riêng của nó.
Nếu có bất kỳ sự kết nối nào - dù họ có là họ hàng hay không - nó cũng sẽ lan rộng theo những kết nối đó. Nó lan tỏa trong lời nói, khi bạn có thể giáo huấn và hướng dẫn người khác. Nó lan tỏa trong ý, khi sân hận, thù ghét hay ghen tị không có mặt. Đơn giản chỉ có tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì người khác. Khi Đức Phật có thể giúp đỡ người khác bằng tư tưởng của mình, Ngài luôn luôn truyền bá những tư tưởng đó.
Đức Phật đã thấy rằng đời sống tại gia không thuận tiện cho việc truyền bá điều thiện đi xa và rộng rãi, đó là lý do tại sao Ngài trở thành tu sĩ. Ngài đã thấy rằng việc thuộc thành phần của giới cầm quyền cao sang bao gồm cả thiện và ác, vì bản chất của người phàm tục là sự tự hào về dòng dõi, chủng tộc, giai cấp của mình, là thứ chia rẽ chúng ta thành phe phái và tạo ra sự bất bình đẳng. Khi những sự chia rẽ như thế nảy sinh trên thế giới, thật khó lan tỏa sự thiện lành. Đó là lý do tại sao Đức Phật rời bỏ người thân của mình, tách ra khỏi giai cấp và chủng tộc của mình.
Và đây là lý do tại sao, khi một người mới được thọ giới, thầy của họ sẽ hỏi: “Cha mẹ của con đã cho phép chưa?” và người thọ giới phải trả lời: "Dạ có." Người đó đã rời bỏ những hạn chế trong cuộc sống trần tục và giờ đây còn không thuộc về bất kỳ gia đình nào cả. Sau đó, khi đã xuất gia, người đó được dạy không được luẩn quẩn bên gia đình cũ của mình.
Vì vậy, khi Đức Phật xuất gia, Ngài đã tự mình đi tìm chân lý của Giáo Pháp. Không cần biết liệu Ngài có người khác hướng dẫn hay không, Ngài đã tự khám phá bản thân mà không phụ thuộc vào sự giàu có hay mối quan hệ gia đình cũ. Ngài dốc hết sức lực vào việc thực hành. Lúc đầu Ngài đã học với Sáu Vị Thầy, nhưng họ không thể thuyết phục Ngài với những lời dạy của họ.
Người thầy đầu tiên là Mắt. Vị này đánh lừa chúng ta bằng đủ mọi cách. Vị ấy cho chúng ta biết cảnh này đẹp, cảnh kia xấu, cảnh này tốt, cảnh kia tệ. Vị ấy thì thầm với tâm, khiến chúng ta vấp ngã, lầm lạc vì chúng ta không nhìn mọi thứ theo các nguyên tắc cơ bản của chúng - rằng mọi cảnh vật đều giống nhau.
Dù là chim, chuột, con người, động vật, cây cối, dây leo, bất cứ thứ gì, chúng chỉ khác nhau về đặc điểm. Trạng thái cơ bản của chúng giống nhau: sinh khởi, hoại diệt và rồi biến mất theo các nguyên lý tự nhiên.
Người thầy thứ hai là Tai. Lúc đầu, chỉ có hai vị, nhưng sau đó họ biến thành bốn, khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Nói cách khác, tai trái nghe âm thanh tốt, xấu, tai phải cũng nghe âm thanh tốt, xấu, dồn lại tất cả sẽ khiến nhận thức lệch lạc.
Chúng ta tưởng tượng điều tốt là xấu, điều xấu là tốt; điều đúng thành sai, điều sai thành đúng. Vậy thì Tai cũng là một vị thầy lừa lọc chúng ta. Do đó Đức Phật đã để lại cả thầy Mắt và Tai để học với:
Người thầy thứ ba: Mũi. Lúc đầu vị thầy này có hai lỗ mũi, nhưng sau đó chia thành bốn. Đôi khi nó thích mùi thơm, đôi khi nó không thích mùi thơm mà lại thích mùi hôi. Rồi nó thì thầm với tâm những điều khiến ta hiểu lầm mọi thứ. Nếu chúng ta có thể chụp ảnh tâm, chúng ta sẽ thấy đôi mắt to, lồi; đôi tai dựng lên như những cánh buồm khổng lồ, trong khi chiếc mũi rộng mở. Khi Đức Phật thấy rằng Ngài không cần đến ba vị thầy này nữa, Ngài tiếp tục quán sát:
Người thầy thứ tư: Lưỡi. Vị thầy này - mồm mép - lại càng táo tợn hơn. Nếu nó là một bộ phận của quân đội thì sẽ được gọi là lực lượng đa nhiệm. Một mặt, nó tiêu thụ thực phẩm; mặt khác, nó nói đủ điều. Đôi khi nó thích nói điều tốt, đôi khi lại nói điều xấu. Đôi khi nó không thích nói điều tốt mà lại thích nói điều xấu. Một cái lưỡi nhỏ nhưng cũng chia làm bốn. Khi không nói, nó ăn. Có khi người này được ăn, người kia không được ăn. Người này không có đủ ăn, người kia đói, trong khi người khác nữa lại dư thừa đồ ăn. Những hậu quả từ các vấn đề này cản trở đạo quả dẫn tới Niết-bàn. Thế là Đức Phật chuyển sang học với vị thầy thứ năm:
Vị thầy thứ năm: Thân. Vị thầy này được tạo thành từ sáu yếu tố, nhưng ngay khi các yếu tố mất cân bằng, nó trở nên sốt hoặc ớn lạnh, yếu hoặc trơ cứng. Khi gặp ma sát, nó bị mòn.
Vị thầy thứ sáu: Tâm. Vị thầy này suy nghĩ và lo lắng, tự lừa dối mình bằng đủ mọi cách. Chẳng hạn, giả sử mình sắp rời nhà để đến tu viện. Ngay khi chúng ta vừa ra khỏi cửa, nó bắt đầu lừa dối chúng ta: "Thật là khổ. Đi bộ xa quá. Lãng phí thời gian. Trời nóng quá." Khi chúng ta đến tu viện và bắt đầu ngồi thiền, nó lại bắt đầu lừa dối ta: "Ngồi quá lâu rồi. Mệt. Đau chân. Chúng tê cứng. Lưng tôi cũng cứng đờ." Rồi nó bóp chân, bóp tay, đập lưng, chọc vào bụng khiến chúng ta ợ chua, đau bụng. Khi bị tra tấn như thế, cuối cùng chúng ta cũng nhượng bộ. Đôi khi nó đến, thì thầm: "Sao không dừng lại? Sắp hết giờ rồi. Mở mắt ra đi." Vì vậy, chúng ta rời khỏi chiếu thiền, chấp tay cung kính và cúi lạy Đức Phật. Và thế là xong. Nếu bản chất chúng ta yếu đuối, chúng ta sẽ mắc phải điều đó.
Đây là lý do tại sao Đức Phật rời bỏ tất cả sáu vị thầy này, nhắm mắt, bịt tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không để tâm chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp. Ngài khép lại các giác quan để trốn tránh những điều này, chỉ để lại cánh cửa tâm trí, nơi Ngài tập trung vào điều tốt đẹp. Trong trường hợp này, Ngài không quan tâm đến bất kỳ giác quan nào khác. Ngài đến ngồi kiết già dưới gốc cây bồ đề vào ngày rằm tháng năm và phát khởi trí tuệ bên trong mình. Ngài tập hợp tất cả các ý nghĩ của mình sao cho chúng đúng, và không để chúng liên kết với bất cứ điều gì ngoài Giáo pháp.
Ngài bắt đầu thiền định, cắt đứt mọi liên hệ với quá khứ và tương lai, cắt đứt mọi liên hệ với các dây thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ngài tập trung vào hơi thở, làm cho nó ngày càng vi tế hơn, đến mức trạng thái của thân biến mất, chỉ để lại những đặc tính của sáu đại: ví dụ, thấy hơi thở thực sự chuyển động như thế nào, dừng lại như thế nào. Điều này được gọi là buddha-vijja, kỹ năng của các bậc giác ngộ. Kỹ năng này nhìn sự vật không phải theo đặc tính của chúng mà theo những phẩm chất cơ bản của chúng. Tính bất nhất là một đặc tính. Khổ và vô ngã — các gánh nặng, những gì không thể kiểm soát — đều là các đặc tính.
Ngược lại, các phẩm chất cơ bản là trung tính và bất biến, trong khi sự bất nhất nằm ở cấp độ của các đặc tính. Hãy thử làm một so sánh: miệng không thể biến thành mũi. Đó là vấn đề của những phẩm chất cơ bản. Nếu mọi thứ có thể thay đổi như vậy, chúng ta sẽ không thể sống được.
Thí dụ, nếu đêm nay tai của chúng ta biến thành mắt, chân trở thành cánh tay, hoặc mũi trở thành miệng: nếu điều này xảy ra, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Nếu chúng ta chỉ nhìn sự vật theo đặc tính của chúng thì đó là cái trí của sáu vị thầy. Tuy nhiên, tri thức chuyển dòng (change-of-lineage knowledge) nhìn từ cả hai phía, vừa là đặc tính, vừa là phẩm chất cơ bản.
Hãy thử một so sánh khác: chân của ta, kể từ khi chúng ta lên hai, đã là chân. Nó vẫn là chân khi ta 80 tuổi, đúng theo tính chất cơ bản của nó. Đây là sự bất biến. Dù nó là thế nào, nó sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi ta chết. Ai không thấu suốt các tính chất cơ bản này sẽ bị sáu vị thầy lôi kéo. Đây là lý do tại sao Đức Phật từ bỏ sáu vị thầy, để quán xét kỹ năng của bậc giác ngộ, để có thể thấy cả hai mặt, điều gì thay đổi và điều gì không. Ai có thể nhìn thấy cả hai mặt - vô thường và thường hằng - mà không bị mắc kẹt ở mặt nào, thì đó là trí chuyển dòng: biết các nguyên lý của thế gian và phẩm chất cơ bản của Pháp.
Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy, “"Sabbe sankhara anicca, sabbe dhamma anatta”: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường; mọi hiện tượng đều vô ngã”. Bất kể người ta có nói “thường hằng” hay “vô thường”, “khổ” hay “lạc”, “Có ngã” hay “Không có ngã”, Đức Phật vẫn không lay chuyển. Điều này được gọi là "Attahi attano natho": Những người có thể phát triển được kiến thức và kỹ năng này trong họ, có thể thực sự dựa vào bản thân.
Họ không dính mắc vào kiến thức về quá khứ, kiến thức về tương lai, kiến thức về hiện tại. Họ không bị mắc kẹt trong bất kỳ khung thời gian nào cả. Họ có thể buông bỏ các quy ước, các giáo lý hay chân lý tối thượng đã được hình thành. Họ có thể một mình buông bỏ nơi tự thân, biết nơi tự thân. Đây được coi là sự nương tựa thực sự nơi bản thân. Khi bạn đạt đến điểm này, sự tu tập của bạn vì lợi ích của đạo và quả dẫn đến Niết-bàn sẽ phải thành công đúng theo mục tiêu của bạn. Sẽ không có bất kỳ sự lang thang lạc lối nào.
Và bây giờ thế là đủ rồi.
***
sabbe satta sada hontu
avera sukha-jivino
katam punna-phalam mayham
sabbe bhagi bhavantu te
Cầu mong mọi chúng sinh sống hạnh phúc,
luôn thoát khỏi sự thù hận.
Mong mọi người chia sẻ phước lành
xuất phát từ việc thiện tôi đã làm.
Diệu Liên Lý Thu Linh
10/2023
(Chuyển ngữ từ ENDURING PRINCIPLES, sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu Từ Việc Nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới. Thiền sư Thanissaro chuyển ngữ từ tiếng Thái).