LỜI GIỚI THIỆU
“Giới Bồ-tát cho người xuất gia” do Thượng tọa Thích Nhật Từ dịch từ nguyên tác Hán văn “Phạm võng Bồ-tát giới kinh” (梵網 菩薩戒經), gọi tắt là “Phạm võng kinh” (梵網經), mang số hiệu T.1484 trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh. Đây là một trong 5 quyển Luật1 mang dấu ấn đặc biệt của Phật giáo Đại thừa.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được cá nhân Tôn giả nào hoặc tập thể tác giả của một trường phái Phật giáo Đại thừa nào đã có công soạn thuật Giới bổn này vào thời kỳ nào. Chỉ biết rằng Giới bổn này được ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) học thuộc lòng bằng bộ nhớ siêu việt của mình và dịch sang tiếng Hán vào giai đoạn Phật giáo đang hình thành và phát triển rực rỡ ở Trung Hoa.
Tại Việt Nam, bên cạnh thọ trì giới luật theo truyền thống Phật giáo Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka), các Tăng Ni của Phật giáo Đại thừa đã có truyền thống thọ trì Giới bổn này từ rất lâu, như là một sự bổ trợ giới pháp một cách chi tiết và ứng với thời duyên thực hành Bồ-tát đạo.
Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và thọ trì giới luật bằng ngôn ngữ thuần Việt, từ lâu các nhà dịch giả như Trưởng lão Thích Trí Tịnh, Trưởng lão Thích Trí Quang đã dịch Giới bổn này sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi trong chốn thiền môn, tự viện để ứng dụng hành trì.
Phật giáo Khất sĩ, một trong những tông phái Phật giáo nội sinh do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập tại miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1945-54, đã sử dụng bộ Luật này ngay thuở mới thành lập Hệ phái (lúc bấy giờ gọi Đạo Phật Khất sĩ). Mặc dù việc thọ trì là điều tự nguyện, không có quy định bắt buộc phải thọ trì khi đăng đàn thọ giới Cụ túc, nhưng từ rất lâu, Giới bổn này được tụng đọc trang trọng như Giới bổn Thanh văn tại các tịnh xá mỗi tháng một lần. Lệ này trở thành một truyền thống tốt đẹp của Hệ phái Khất sĩ.
Cụ thể hơn, trong 69 chủ đề Phật pháp do Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết giảng từ năm 1946-54, mà về sau đó được biên tập thành bộ Chơn lý, có quyển “Giới Phật tử”2 thật chất là bản dịch của Giới bổn này. Ngày nay, quyển “Giới Phật tử” được in trong cuốn “Luật nghi Khất sĩ”, cuốn Luật gối đầu giường của các hành giả khi mới bước chân vào giáo pháp Khất sĩ.
Giống như các tác phẩm trước trong tùng thư về Luật học Phật giáo, ngoài văn phong tiếng Việt trong sáng, bản dịch này còn đóng góp nhiều chú thích ngay dưới mỗi trang sách, giúp người nghiên cứu và người học có thể hiểu nghĩa lý của từng điều giới trong Giới bổn này, cũng như những điểm tương đồng với quyển Giới Bồ-tát cho người tại gia (優婆塞戒經, Ưu-bà-tắc giới kinh), một dịch phẩm khác được Thượng tọa Nhật Từ trong các sách về Luật học Phật giáo.
Tôi trân trọng giới thiệu Giới bổn này đến với các Tăng Ni và Phật tử. Rất mong các Tăng Ni ứng dụng Giới bổn này vào đời sống, làm hành trang cho sự nghiệp tu tập và nhập thế độ sanh, với tinh thần của vị Bồ-tát “hộ quốc an dân, lợi đạo ích đời, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân sinh.”
Mùa An cư, năm Tân Sửu, 2021.
HT. THÍCH GIÁC TOÀN
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam)
___________________
1 Năm Giới bổn của Phật giáo Đại thừa gồm: (i) Bồ-tát Anh Lạc bổn nghiệp kinh (菩薩 瓔珞本業經), (ii) Phạm Võng kinh Bồ-tát giới bổn (梵網經菩薩戒本), (iii) Du-già Bồtát giới bổn (瑜伽菩薩戒本), (iv) Bồ-tát Địa Trì kinh (菩薩地持經), (v) Bồ-tát Thiện giới kinh (菩薩善戒經), (vi) Ưu-bà-tắc giới kinh (優婆塞戒經).
2 Được đánh số thứ tự là “Chơn lý 55”, nghĩa là chủ đề thứ 55 trong 69 chủ đề của bộ “Chơn lý” được đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã biên soạn và giảng giải cho các đệ tử của mình.
LỜI NÓI ĐẦU
1. XUẤT XỨ CỦA GIỚI BỒ-TÁT XUẤT GIA
Giới Bồ-tát xuất gia được quy định trong “Kinh Phạm võng Bồ-tát giới” (S. Brahmajāla Bodhisattva śīla Sūtra, 梵網菩薩戒經), đang khi giới Bồ-tát tại gia được ghi chép trong “Kinh Ưu-bà-tắc giới” (優 婆塞戒經). Đây là hai bản kinh quan trọng về quy phạm hành vi (行為規范) của người tu học theo Phật giáo Đại thừa nhằm hoàn thiện đạo đức trọn vẹn, một trong ba trụ cột tâm linh cốt lõi của Phật giáo. Hai trụ cột tâm linh còn lại là trí tuệ và thiền định.
Kinh Phạm võng Bồ-tát giới (梵網菩薩戒經), gọi tắt là Kinh Phạm võng (梵網經), còn gọi là Kinh Bồ-tát Ba-la-đề-mộc-xoa (菩薩波羅提木叉經), hay Bồ-tát tâm địa giới bổn (菩薩心地戒 本), hay Phạm võng Lô-xá-na Phật thuyết Bồ-tát tâm địa giới phẩm đệ thập (梵網經盧舍那佛說菩薩心地戒品第十), tạm dịch là “Chương đức Phật Lô-xá-na Phạm võng nói về giới đất tâm của Bồ-tát, phẩm thứ 10.” Kinh Phạm võng được ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch, thuộc Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh (大正藏), quyển 24, với mã số T.1484.1
Kinh Phạm võng (梵網經) là kinh giới có tính quán triệt về kinh luật Đại thừa (通契諸部經律) quan trọng nhất, thể hiện tinh thần Đại thừa (大乘精神) về nhập thế độ sinh. Về đối tượng thọ trì, khác với giới bổn Tỳ-kheo dành riêng cho các Tỳ-kheo và giới bổn Tỳ-kheo-ni dành riêng cho các Tỳ-kheo-ni, Kinh Phạm võng dành cho Tăng Ni và Phật tử đồng học và đồng tu (僧俗共學共修).
2. KHÁI QUÁT NỘI DUNG KINH PHẠM VÕNG
Về nội dung, Kinh Phạm võng giới thiệu khái quát các cấp bậc tu đạo (菩薩修道階位), các giới nặng và giới nhẹ (重輕戒相). Trong quyển thứ nhất, đức Phật Thích-ca hỏi, theo đó, đức Phật Lôxá-na (S. Locana Buddha, 盧舍那佛) giới thiệu về bốn mươi cấp bậc tu tập của Bồ-tát bao gồm: mười phát thú (十發趣, thập phát thú), mười tâm trưởng dưỡng (十長養心), mười tâm kim cương (十金剛心) và mười địa vị Bồ-tát (菩薩十地).
Mười phát thú là cách phát khởi mười thứ tâm cao lớn, hướng về đạo mầu bao gồm: (i) Tâm buông xả (捨心), (ii) Tâm giới hạnh (戒心), (iii) Tâm kiên nhẫn (忍心), (iv) Tâm tinh tấn (進心), (v) Tâm thiền định (定心), (vi) Tâm trí tuệ (慧心), (vii) Tâm phát nguyện (願心), (viii) Tâm hộ trì (護心), (ix) Tâm hoan hỷ (喜 心), (x) Tâm tuệ giác tối cao (頂心).
Mười tâm trưởng dưỡng (十長養心) bao gồm: (i) Tâm tình thương (慈心), (ii) Tâm bi cảm (悲心), (iii) Tâm hoan hỷ (喜心), (iv) Tâm buông xả (捨心), (v) Tâm bố thí (施心), (vi) Tâm lời tốt (好語心), (vii) Tâm lợi ích (益心), (viii) Tâm đồng nhất (同心), (ix) Tâm thiền định (定心), (x) Tâm trí tuệ (慧心).
Mười tâm kim cương (十金剛心) bao gồm: (i) Tâm chánh tín (信 心), (ii) Tâm chánh niệm (念心), (iii) Tâm hồi hướng (迴向心), (iv) Tâm thông đạt (達心), (v) Tâm viên mãn (圓心), (vi) Tâm không lùi (不退心), (vii) Tâm Đại thừa (大乘心), (viii) Tâm vô tướng (無相 心), (ix) Tâm trí tuệ (慧心), (x) Tâm bất hoại (不壞心).
Mười địa vị Bồ-tát (菩薩十地) bao gồm: (i) Thể tánh bình đẳng địa (體性平等地), (ii) Thiện huệ địa (善慧地), (iii) Quang minh địa (光明地), (iv) Nhĩ diệm địa (爾焰地), (v) Huệ chiếu địa (慧照地), (vi) Hoa quang địa (華光地), (vii) Mãn túc địa (滿 足地), (viii) Phật hống địa (佛吼地), (ix) Hoa nghiêm địa (華嚴 地), (x) Nhập Phật giới địa (入佛界地).
Quyển thứ hai của Kinh Phạm võng giới thiệu cuộc đời đức Phật Thích-ca, mười địa điểm thuyết pháp (十處說法) và giảng giải về giới Đại thừa của tất cả đức Phật (一切佛大乘戒) gồm 10 giới quan trọng (十重戒) hay còn gọi là 10 ba-la-đề-mộc-xoa (十波羅 提木叉) và 48 giới nhẹ (四十八輕戒).
Một trong các giá trị cốt lõi của giới Bồ-tát là nhấn mạnh tâm từ bi và hành động từ bi trong cuộc sống thực tiễn. Giới cấm ăn thịt (禁食肉) giúp người thọ giới Bồ-tát không làm đứt mất hạt giống Phật tính và đại từ bi (斷大慈悲佛性種子). Giới cấm dùng 5 loại thực vật cay nồng (禁五辛) nhằm giúp người thọ giới Bồ-tát giảm tối đa các thức ăn tạo ra phản ứng hormone tính dục, vốn rất cần thiết cho người xuất gia tu hạnh thánh thanh tịnh. Hai giới này tóm lược tư tưởng của các Kinh Lăng-già (楞伽經), Kinh Thủ-lăngnghiêm (首楞嚴經) và Kinh Đại-bát niết-bàn (大涅槃經).
Để phát triển tâm từ bi, nhằm nhập thế năng động hơn, độ sinh hiệu quả hơn, giới Bồ-tát khuyên chúng ta quán niệm: “Tất cả người nam đã từng là cha ta. Tất cả người nữ đã từng là mẹ ta” (一切男 子是我父,一切女人是我母). Do vậy, giết chúng sanh được xem là giết cha mẹ trong các đời trước; ăn thịt chúng sanh là ăn thịt cha mẹ trong các kiếp trước. Đồng thời, khích lệ mọi người phóng sanh (放 生), làm thiện (追善), cúng dường (供養), làm phúc (修福) song song với việc tu trí tuệ (修慧), vốn là đặc sắc của giới luật Đại thừa.
Ngoài việc đề cao tâm từ bi, giới Bồ-tát nhấn mạnh “tâm hiếu thuận” (孝順心), vì hiếu thảo được xem là đạo đức (孝名為戒) nhằm khích lệ sự hiếu thuận đối với cha mẹ, Tam bảo, Tăng đoàn (孝順父母三寶師僧), hoặc gọn hơn là hiếu thuận với cha mẹ và Tăng đoàn (孝順父母師僧).
Ngoài ra, giới Bồ-tát còn khuyến khích gieo trồng ruộng phước, cứu độ chúng sanh, kêu gọi mọi người cúng dường xây tăng phòng, vườn tược (建立僧房、山林園田) cung cấp nơi tu tập cho mọi người (供人修行), xây tháp thờ Phật (立作佛塔) giúp nhiều người quy ngưỡng, chiêm bái (供人瞻禮). Về việc chia sẻ chân lý Phật, giới Bồ-tát kêu gọi đệ tử Phật siêng học Phật pháp (習學佛戒), năng động trong việc giáo hóa chúng sanh (化眾生戒), nhấn mạnh truyền bá kinh luật Đại thừa (為一切眾生講說大乘經律), khai mở từ bi và trí tuệ, giúp mọi người vượt qua nỗi khổ, niềm đau.
3. BA NHÓM GIỚI BỒ-TÁT
Theo Phật giáo Đại thừa, giới Bồ-tát còn gọi là “giới Phật tính” (佛性戒) vì mục đích chính của giới này là nhằm khai mở “tính giác ngộ như Phật” (佛性) vốn có trong mỗi chúng sanh, trên nền tảng phát triển tâm từ bi (慈悲心) và tâm bồ-đề (菩提心), theo đó, cứu độ tất cả chúng sanh (普度眾生).
Giới Bồ-tát có ba nhóm giới thanh tịnh (S. tri-vidhāni śīlāni, 三 聚淨戒, tam tụ tịnh giới), còn gọi là “tam tụ viên giới” (三聚圓 戒), ba nhóm giới trọn vẹn, hay đơn giản hơn “tam tụ giới” (三聚 戒) tức ba nhóm giới. Ba nhóm giới Bồ-tát (菩薩三聚戒, Bồ-tát tam tụ giới) bao gồm như sau.
Nhóm giới thứ nhất là nhiếp luật nghi giới (S. sajvara-śīla, 攝 律儀戒) còn gọi là “giới tự tánh” (自性戒, tự tánh giới) hay “tất cả giới Bồ-tát” (一切菩薩戒, Nhất thiết Bồ-tát giới) gồm 10 giới nặng và 48 giới nhẹ, có chức năng dứt trừ tất cả điều ác.
Nhóm giới thứ hai là giới bao quát các điều thiện (S. kuśaladharma-sajgrāhaka-śīla, 攝善法戒, nhiếp thiện pháp giới), còn gọi là “giới tiếp nhận pháp lành” (受善法戒, thọ thiện pháp giới), nghĩa là tu tập tất cả pháp lành (修習一切善法) gồm sáu ba-lamật (六波羅蜜). Nhóm giới thứ ba là giới làm lợi lạc hữu tình (S. sattvārtha-kriyāśīla, 饒益有情戒), còn gọi là “giới nhiếp tất cả chúng sanh” (攝眾 生戒, nhiếp chúng sanh giới) hay “giới lợi ích chúng sanh” (眾生 益戒) bao gồm các việc lợi ích (諸饒益事).
Ví dụ, dựa vào tinh thần của ba nhóm giới Bồ-tát thì giới không được cố giết mạng sống (故殺戒) thuộc giới nhiếp luật nghi (攝律 儀戒), đang khi “nên thường xuyên khởi tâm từ bi, tâm hiếu thuận” (應起常住慈悲心、孝順心) thuộc nhóm giới bao quát các điều LỜI NÓI ĐẦU xiii thiện pháp (攝善法戒) và “dùng phương tiện cứu độ tất cả chúng sanh” (方便救護一切眾生) thuộc giới làm lợi ích hữu tình (饒 益有情戒).
Về phân loại trong ba nhóm tịnh giới của Bồ-tát, dựa vào Kinh Phạm võng, có thể khẳng định rằng trong 48 giới nhẹ thì 30 giới nhẹ đầu thuộc về “giới nhiếp thiện pháp” (攝善法戒); 10 giới kế tiếp (giới nhẹ 31-40) thuộc “giới nhiếp chúng sanh” (攝眾生戒). Đang khi trong Kinh Ưu-bà-tắc giới thì 28 giới nhẹ, phần lớn thuộc về “giới nhiếp thiện pháp,” tức các giới nhấn mạnh việc lợi sinh (利生戒).
4. SỐ LƯỢNG GIỚI BỒ-TÁT
Về số lượng điều giới, giới Bồ-tát dành cho người xuất gia trong Kinh Phạm võng gồm có 10 giới trọng (十重) và 48 giới nhẹ (四 十八輕戒), đang khi giới Bồ-tát dành cho người tại gia trong Kinh Ưu-bà-tắc giới (優婆塞戒經) chỉ có 6 giới trọng (六重) và 28 giới nhẹ (二十八輕戒).
Lý do có sự khác biệt về số lượng giới Bồ-tát giữa người xuất gia và người tại gia là do người tại gia bận rộn gia duyên, nghiệp chướng nhiều, không thể dành toàn bộ thời gian, tâm huyết, công sức và lý tưởng để trọn vẹn tiếp nhận giới pháp và nhập thế năng động như quý Tăng Ni trong chùa.
Mười giới trọng của Bồ-tát trong Kinh Phạm võng bao gồm: (1) Không giết hại (殺戒), (2) Không trộm cắp (盜戒), (3) Không dâm dục (淫戒), (4) Không nói láo (妄語戒), (5) Không bán rượu bia (酤酒戒), (6) Không nói lỗi của bốn cộng đồng tu Phật (說四眾過戒), (7) Không khen mình chê người (自贊毀他戒), (8) Không cố tình bỏn xẻn (故慳戒), (9) Không cố tình sân hận (故瞋戒), (10) Không phỉ báng Tam bảo (謗三寶戒). Sáu điều giới đầu trong danh mục trên cũng chính là 6 giới trọng trong Kinh Ưu-bà-tắc giới (優婆塞戒經).
48 giới nhẹ trong Kinh Phạm võng bao gồm: (1) Không khinh thầy, bạn, (2) Không uống rượu bia, (3) Không ăn động vật, (4) Không ăn 5 loại thực vật cay nồng, (5) Không dạy sám hối, (6) Không thỉnh cầu pháp, (7) Không đi nghe pháp, (8) Không phản Đại thừa, (9) Không bỏ người bệnh, (10) Không giữ hung khí, (11) Không làm sứ giả, (12) Không được buôn bán, (13) Không được vu khống, (14) Không được phóng hỏa, (15) Không dạy pháp ngoài, (16) Không đảo kinh luật, (17) Không cậy quyền thế, (18) Không được chưa hiểu mà đi làm thầy, (19) Không lưỡi đôi chiều, (20) Không bỏ sự sống, (21) Không trả thù hận, (22) Không khinh người, pháp, (23) Không khinh mới học, (24) Không bỏ kim cương, (25) Không hiểu sai người, (26) Không nhận riêng mình, (27) Không nhận mời riêng, (28) Không thỉnh Tăng riêng, (29) Không sống nghề tà, (30) Không phạm giới cấm, (31) Không bán hình tượng, (32) Không tổn hại người, (33) Không nghe nhìn ác, (34) Không rời tâm giác, (35) Không lười phát nguyện, (36) Không được không phát thệ nguyện, (37) Không vào hiểm nạn, (38) Không ngồi loạn xạ, (39) Không lười tu tập, (40) Không thiên vị chọn, (41) Không giả làm thầy, (42) Không truyền người xấu, (43) Không hủy chánh giới, (44) Không khinh kinh luật, (45) Không bỏ giáo hóa, (46) Không bỏ nghi lễ, (47) Không diệt Tam bảo, (48) Không phá giáo pháp.
Trong các Kinh giới của Đại thừa, số lượng các giới trọng khác nhau tùy theo giới bản Bồ-tát (菩薩戒本) khác nhau. Chẳng hạn, Bồ-tát địa trì kinh (菩薩地持經) có bốn giới không thuộc nhóm giới trùng (不共重戒) gồm giới “hủy hại” (毀), giới “bỏn xẻn” (慳), giới “phẫn nộ” (忿) và giới “hủy báng” (謗). Quyển Kinh Bồ-tát thiện giới (菩薩善戒經) có 8 giới trọng tương đồng phần lớn với các giới Tỳ-kheo, trong đó, 4 giới phổ quát gồm giới “giết hại” (殺), giới “trộm cắp” (盜), giới “dâm dục” (淫) và giới “nói láo” (妄). Đang khi Kinh Phạm võng giới thiệu 10 giới trọng, được xem là giới kinh quy định nhiều giới trọng nhất trong các kinh giới của Đại thừa.
Về số lượng giới nhẹ (輕戒) trong các bản văn kinh giới Bồ-tát thì Kinh Bồ-tát thiện trì (菩薩善戒經) có 50 giới, đang khi Kinh Phạm võng chỉ có 48 giới. Về nội dung trùng lặp giữa Kinh Phạm Võng và các kinh khác thì các giới Bồ-tát xuất gia như giới không ăn thịt (giới nhẹ 3), giới không ăn 5 loại thực vật cay nồng (giới nhẹ 4), giới nhận thỉnh mời riêng (giới nhẹ 27), giới nuôi phi pháp (giới nhẹ 32), giới thấy nghe làm ác (giới nhẹ 33), giới giữ tâm kiên trì (giới nhẹ 34) và giới không tự phát nguyện (giới nhẹ 36) rất giống với phẩm tịnh hạnh (聖行品) trong Kinh Đại-bát niết-bàn (大般 涅槃經). Các giới phụ khác như giới cố ý thỉnh riêng Tăng đoàn (giới nhẹ 28), giới cố tình bỏ giới cấm (giới nhẹ 43) giống với Kinh Tỳ-kheo ưng cúng pháp hành (比丘應供法行經). Đang khi giới nói pháp trái với oai nghi (giới nhẹ 46) và giới chế định giới một cách phi pháp (giới nhẹ 47) giống với nội dung của phẩm chúc lụy (囑 累品) trong Kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã ba-la-mật (仁王護 國般若波羅蜜經).
Về nội dung của 48 giới nhẹ trong Kinh Phạm võng và 28 giới nhẹ trong Kinh Ưu-bà-tắc giới thì sự tương đồng nguyên văn là không nhiều. Về sự tương đồng, có các giới như giới “không uống rượu” (飲酒戒, giới nhẹ 2) trong Kinh Phạm võng tương đồng với giới “không chìm đắm trong uống rượu” (耽樂飲酒戒, giới nhẹ 2) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới; giới “không nghe kinh luật” (不聽經律 戒, giới nhẹ 7) trong Kinh Phạm võng tương đồng với giới “không đến nghe pháp” (不往聽法戒, giới nhẹ 8) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới. Tương tự, giới “khinh thường sư trưởng” (輕慢師長戒, giới nhẹ 1) trong Kinh Phạm võng tương đồng với giới “không đón tiếp, lễ bái tôn trưởng” (不承迎禮拜尊長戒, giới nhẹ 5) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới. Giới “cố đi đến chỗ hiểm nạn” (故人難處戒, giới nhẹ 37) trong Kinh Phạm võng tương đương giới “đi một mình ở chỗ hiểm nạn” (險難獨行戒, giới nhẹ 11) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới.
Về các giới nhẹ trong Kinh Phạm võng có nội dung bao gồm các điều giới nhẹ trong Kinh Ưu-bà-tắc giới có thể dẫn chứng tiêu biểu: Giới “không quan tâm chăm sóc bệnh nhân” (不瞻病苦戒, giới nhẹ 9) trong Kinh Phạm võng bao quát giới “không chăm sóc bệnh nhân” (不瞻病苦戒, giới nhẹ 3) và giới “đi đường thấy người bệnh mà bỏ đi” (行路見病捨去戒, giới nhẹ 28) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới. Giới “không phạm giới cấm” (違禁行非戒, giới nhẹ 30) trong Kinh Phạm võng bao gồm giới “không giữ 6 ngày trai” (不持 六齋戒, giới nhẹ 7) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới. Giới “không tổn hại người” (蓄作非法戒, giới nhẹ 32) trong Kinh Phạm võng bao gồm giới “không nuôi mèo, cáo” (蓄貓狸戒, giới nhẹ 15) và giới “mua bán cân đo không đúng” (販賣斗秤不平戒, giới nghẹ 19) trong Kinh Ưu-bà-tắc giới.
Các giới nhẹ không có trong Kinh Ưu-bà-tắc giới, mà chỉ có trong Kinh Phạm võng, bao gồm: Giới “không phát đại nguyện” (不發大 願戒, giới nhẹ 35), “không ăn thịt” (食肉戒, giới nhẹ 3), giới “ăn 5 loại thực vật cay nồng” (食五辛戒, giới nhẹ 4), giới “không dạy sám hối” (不舉教懺戒, giới nhẹ 5), giới “không kính thỉnh pháp” (不敬請法戒, giới nhẹ 6), giới “phản chánh hướng về tà đạo” (背正向邪戒, giới nhẹ 8), giới “cất giữ hung khí” (畜諸殺具戒, giới nhẹ 10), giới “vào trong quân trại” (通國入軍戒, giới nhẹ 10), giới “buôn bán, tổn giảm tâm từ” (傷慈販賣戒, giới nhẹ 12), giới “vu khống vô căn cứ” (無根謗人戒, giới nhẹ 13), giới “phóng hỏa thiêu hủy” (放火損燒戒, giới nhẹ 14), giới “giáo hóa ngược tông chỉ” (法化違宗戒, giới nhẹ 15), giới “bủn xỉn về chia sẻ kinh luật” (惜法規利戒, giới nhẹ 16), giới “cậy quyền quan phủ mà cố xin” (依官強乞戒, giới nhẹ 17), giới “không hiểu biết mà làm thầy” (無 知為師戒, giới nhẹ 18), giới “không tranh đấu, vu khống, lừa gạt Thánh hiền” (斗謗欺賢戒, giới nhẹ 19), giới “không thể cứu sự sống” (不能救生戒, giới nhẹ 20), giới “không tâm từ, trả oán” (無 慈酬怨戒, giới nhẹ 21), giới “khinh người và pháp” (慢人輕法 戒, giới nhẹ 22), giới “khinh người mới cầu học” (輕新求學戒, giới nhẹ 23), giới “quay lưng pháp lớn, hướng về pháp nhỏ” (背大 向小戒, giới nhẹ 24), giới “cố thỉnh Tăng riêng” (故別請僧戒, giới nhẹ 28), giới “nghề ác làm hại cuộc sống” (惡伎損生戒, giới nhẹ 29), giới “thấy nguy không cứu” (見厄不救戒, giới nhẹ 31), giới “nghe nhìn việc xấu ác” (觀聽作惡戒, giới nhẹ 33), giới “vững tâm [bồ-đề] bền chắc” (堅持守心戒, giới nhẹ 34), giới “không tự phát thệ nguyện” (不自作誓戒, giới nhẹ 36), giới “ngồi không đúng chỗ ở giữa mọi người” (眾坐乖儀戒, giới nhẹ 38), giới “đáng giảng không giảng” (應講不講戒, giới nhẹ 39), giới “tụng giới sai chỗ” (非處說戒戒, giới nhẹ 42), giới “không kính kinh luật” (不 敬經律戒, giới nhẹ 44), giới “không giáo hóa chúng sinh” (不化 眾生戒, giới nhẹ 45), giới “thuyết pháp ngược với nghi thức” (說 法乖儀戒, giới nhẹ 46), giới “quy định trái pháp” (非法立制戒, giới nhẹ 47), giới “tự phá giáo pháp” (自壞內法戒, giới nhẹ 48).
5. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, CÁCH THỨC THỌ GIỚI VÀ ĐỌC GIỚI BỒ-TÁT
Về đối tượng thọ giới Bồ-tát: Đối tượng có thể tiếp nhận giới Bồ-tát rất đa dạng và thoáng mở, bao gồm các Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), quốc vương (國王), hoàng tử (王子), thủ tướng (宰相), đại thần (大臣), trăm quan (百官), thường dân (庶 民), nô tỳ (奴婢), người giới tính thứ ba (黃門), người có hai bộ phận riêng (二根), dâm nam (婬男), dâm nữ (婬女), thần kim cương (金剛神), long thần bát bộ (八部鬼神), súc sanh (畜生) và người biến hóa (變化人). Dĩ nhiên, trong các loại chúng sanh nêu trên, chỉ có con người là thuận lợi nhất, nghe hiểu được sự truyền giới của giới sư nên việc thọ giới Bồ-tát đối với con người là thích hợp nhất.
Về điều kiện thọ giới Bồ-tát: Người muốn tiếp nhận giới Bồtát không được vi phạm 1 trong 7 tội ngăn che (七遮障罪) mới được giới sư truyền giới Bồ-tát (若無七遮者,得與受戒). Bảy tội ngăn che bao gồm: Giết cha (殺父), giết mẹ (殺母), giết A-lahán (殺阿羅漢), làm thân Phật ra máu (出佛身血), phá hoại việc chuyển xe pháp của Tăng đoàn (破僧輪), giết Hòa thượng (殺和 尚), giết A-xà-lê (殺阿阇梨).
Về trình tự thọ giới Bồ-tát: Người thọ giới Bồ-tát không nhất thiết phải trải qua việc nương tựa ba ngôi tâm linh (三皈), năm điều đạo đức (五戒). Trời hay người, Tăng Ni hay Phật tử (人天 僧俗), thân phận thuộc nhân đạo (人道), thiên đạo (天道), quỷ thần đạo (鬼神道) hay súc sanh đạo (畜生道) đều được thọ giới Bồ-tát. Chỉ cần nghe hiểu được lời của pháp sư truyền giới thì đều được tiếp nhận giới Bồ-tát (但解戒師語者,盡受得戒).
Về cách thọ giới Bồ-tát, Kinh Phạm võng đề cập hai cách tác pháp thọ giới Bồ-tát gồm tự phát nguyện thọ giới (自誓受) và thọ giới với Tăng đoàn (從師受). Về việc tự thọ giới, Kinh Phạm võng quy định rằng trong phạm vi 1.000 dặm (tương đương 1.600km), nếu không có giới sư (若千里內無受戒師), chỉ cần thành tâm phát nguyện trước ảnh tượng Phật và Bồ-tát, sám hối với đức Phật trong 7 ngày, thấy được các tướng tốt xuất hiện thì đắc giới. Đây là cách tự tiếp nhận giới trước tượng Phật và Bồ-tát (佛菩薩形像前 受戒). Về việc thọ giới với Tăng đoàn thì người tiếp nhận giới Bồtát không cần phải thấy tướng hảo, chỉ cần thành tâm lắng nghe, lặp theo nguyên văn của giới sư (戒師), tâm tương ứng với đạo (與道 相應) là đắc giới.
Về việc đọc giới Bồ-tát: Kinh Phạm võng dạy rằng mỗi nửa tháng vào ngày bố-tát (P. Uposatha, S. upavasatha, 布薩日), người mới thọ giới Bồ-tát (新學菩薩) phải đọc giới pháp của Phật (自 誦諸佛法戒) gồm 10 giới trọng và 48 giới nhẹ (十重四十八輕) đối với người xuất gia, hoặc 6 giới nặng và 28 giới nhẹ đối với cư sĩ tại gia theo Kinh Ưu-bà-tắc giới. Nếu 1 người bố-tát thì 1 người tụng. Nếu nhiều người bố-tát thì thỉnh cử 1 người đọc tụng, số người còn lại ngồi lắng tâm nghe. Ngày nay, do giới bản được ấn tống nhiều nên tất cả cùng đọc tụng giới Bồ-tát thì càng tốt. Thông thường để tôn kính giới, người đọc giới ngồi ở tòa cao hơn, người nghe giới ngồi theo thứ tự giới phẩm và tuổi hạ ở vị trí thấp hơn (誦者高 座,聽者下座).
Về việc sám hối do phạm giới Bồ-tát: Đối với người phạm giới Bồ-tát, Kinh Phạm võng quy định rằng người phạm 10 giới trọng (hay 6 giới trọng trong Kinh Ưu-bà-tắc giới) phải sám hối trước tượng Phật và Bồ-tát, ngày đêm sáu thời, đọc tụng tất cả 58 giới (đối với người xuất gia) hoặc 34 giới đối với cư sĩ được quy định trong Kinh Ưu-bà-tắc giới). Trong quá trình thành tâm sám hối trước hàng ngàn Phật trong ba đời, nếu người phạm giới Bồ-tát nhìn thấy các tướng hảo như đức Phật đến xoa đầu (佛來摩頂), hoa ánh sáng (光 華) v.v… thì biết rằng tội đã thuyên giảm và dần dần tội sẽ kết thúc.
6. ẤN TỐNG VÀ TÁN DƯƠNG CÔNG ĐỨC
Để giúp quý Tăng Ni trong tổng số khoảng 56.000 Tăng Ni trên toàn quốc có thể đọc tụng Giới bổn Bồ-tát xuất gia trong những ngày bố-tát tại các chùa, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay của chùa Giác Ngộ ấn tống hàng chục ngàn quyển Giới bổn này. Quý tôn đức tổ chức các Đại giới đàn tại 63 tỉnh thành cũng như Trụ trì các chùa và quý Tăng sĩ muốn có sách ấn tống này, vui lòng liên lạc với Chùa Giác Ngộ theo địa chỉ bìa sách, hoặc đăng ký trực tiếp trên trang www. quydaophatngaynay.com.
Để hoàn thành ấn phẩm này, tôi tán dương và tri ân đệ tử của tôi là Ngộ Tánh Hạnh đã tận tụy trợ giúp tôi trong việc đối chiếu, dò bản, biên tập bản thảo. Cảm ơn TT. Giác Hoàng đã đọc bản thảo và chỉnh sửa chính tả. Tôi tán dương các Phật tử đã phát tâm cúng dường để ấn bản này được phổ biến rộng rãi, giúp quý Tăng Ni giữ gìn giới luật, tu tập hạnh thánh, trở thành các vị chân sư có giá trị và hữu ích qua sứ mệnh: “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo” và “sáng soi đạo pháp, hộ quốc an dân.
Xin hồi hướng công đức của việc ấn tống quyển giới bổn Bồ-tát xuất gia này đến sự thanh tịnh, hòa hợp và lớn mạnh của cộng đồng Phật giáo tại Việt Nam và trên toàn cầu, nhờ đó, Phật giáo được hưng thịnh, góp phần mang lại phúc lợi và an lạc cho con người.
Chùa Giác Ngộ
Tháng 7, 2021
THÍCH NHẬT TỪ
_______________
1 Truy cập [tháng 5/2021] tại: https://cbetaonline.dila.edu.tw/zh/T1484
Giới Bồ-Tát Cho Nguời Xuất Gia
.
- Từ khóa :
- Giới Bồ Tát Cho Người Xuất Gia