Bậc Chư Thiên Ái Kính

07/08/20148:18 SA(Xem: 6519)
Bậc Chư Thiên Ái Kính

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 3

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Bậc
Chư Thiên Ái Kính


Rời vườn xoài, đức Phật nhắm hướng núi Linh Thứu, có một số đông tỳ-khưu tháp tùng. Chậm rãi từng bước một, ngài đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh núi non tịch lặng, thanh bình. Mùa xuân, cỏ cây tươi xanh, phơi phới, suối chảy róc rách, mây nước trong lành... Hóa ra có rất đông tỳ-khưu đã tìm đến đây ẩn cư trong các hang động hoặc các cốc liêu sơ sài, rải rác dọc theo các triền núi, bờ khe...

Buổi chiều, sau khi xuất định, đức Phật rời hang động, ngồi trên một tảng đá bằng phẳng nằm dưới tán cây che im mát, rồi giáo giới chư tỳ-khưu ở xung quanh đến thăm. Trong câu chuyện, đức Phật tỏ ý khen ngợi hạnh độc cư, an tĩnhnúi rừng để tu tập. Cuối cùng, đức Phật nhấn mạnh:

- Một vị tỳ-khưu có giới hạnh, tinh cần tu tập ở thành phố, thị trấn, dù hành trì rất tốt nhưng Như Lai vẫn lo ngại. Một vị tỳ-khưu độc cưnúi rừng, dẫu giải đãi, dẫu hay ngủ ngày nhưng Như Lai vẫn ít lo ngại hơn. Tại sao? Vì vị tỳ-khưu ở thành phố, thị trấn kia không biết sẽ sa ngã lúc nào do chốn phồn hoa có rất nhiều sự cám dỗ. Vị tỳ-khưu ở núi rừng dầu giải đãi, dầu ngủ ngày, nhưng nếu có tâm tu tập thì sự trong lành, an tĩnh của núi rừng cũng làm cho cho tâm y vắng lặng hơn; rồi một lúc nào đó, chán ngủ thì y sẽ hành thiền!

Sau buổi giảng, rất nhiều người nhắc đến những câu chuyện liên hệ đến tỳ-khưu Subhūti đang nổi danh về hạnh độc cư, ly dục, viễn ly phố thị - được rất nhiều chư thiên có oai lực ngưỡng mộ và quý kính. Subhūti(1) là ai?

Subhūti là em trai của trưởng giả Sudatta (Cấp Cô Độc), đã được đức Phật cho thọ giới cụ túc sau chuyến thăm Kỳ Viên đại tịnh xá lần thứ nhất. Rời Sāvatthi, đại đức được tháp tùng đức Phật trở lại Trúc Lâm. Sau khi được đức Phật giáo giới tóm tắt con đường của sa-môn hạnh, tỳ-khưu Subhūti xin phép ngài và xin phép vài vị thượng thủ của giáo hội đi vào núi rừng, tìm ẩn nơi các hang cốc để tu tập. Vốn là bậc thượng trí, thượng căn, tỳ-khưu Subhūti dễ dàng thu xếp nếp sinh hoạt tương xứng với phẩm hạnh của mình. Ngoài việc trì bình khất thực ở mấy xóm nhà ven chân núi cùng mấy ngôi làng thuộc ngoại thành của thành Vương Xá; tỳ-khưu Subhūti để dành hết thì giờ cho thiền địnhthiền quán. Thân như tường vách, tâm như mặt hồ tĩnh lặng; tỳ-khưu Subhūti tuần tự đi vào các tầng thiền định, từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao. Không nôn nóng, không vội vã; như con tằm thứ lớp dệt nên chiếc kén cho mình, tỳ-khưu Subhūti lần lượt thuần thục các định; đặc biệt, rất viên mãnđịnh tâm từ và định tâm bi. Khi tâm đã vắng lặng, trong suốt, vững chắc; ngài quay sang quan sát danh sắc, thấy rõ vô thường, dukkha, vô ngã của các pháp cấu tạo này, của danh sắc này; lần lượt đoạn trừ các kiết sử, chứng đắc các thánh quả. Kể thì nhanh, nhưng đấy lại là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài, tinh cần, công phu, khổ hạnh... Nắng cũng như mưa, nóng hay lạnh, ngày hay đêm, sớm hay chiều; tỳ-khưu Subhūti không mấy lưu ý! Tâm và trí ngài luôn gắn chặt với đề mục trong từng bước đi, trong từng hơi thở. Thân xác tuy có khô gầy nhưng đôi mắt thì sáng lấp lánh như hai ngôi sao, biểu hiện sức mạnh tinh thần đã được phát tiết cao độ.

Suốt mấy năm ròng rã, tỳ-khưu Subhūti thỉnh thoảng có về Trúc Lâm đảnh lễ các vị trưởng lão, ngoài ra, ngài không giao tiếp với ai. Khi vào thành khất thực, tỳ-khưu Subhūti thường bỏ qua các ngôi nhà, xóm nhà quá nghèo khổ; chỉ dừng chân và đứng bát nơi xóm nhà trung lưu hoặc giàu có. Và lúc nào ngài cũng trú định tâm từ. Những ai có cơ duyên đặt bát cho ngài đều cảm thấy mát mẻan lành suốt buổi.

Tin đồn về vị tỳ-khưu kỳ lạ này, tốt có, xấu có đến tai đức vua Bimbisāra. Tốt, là hạnh độc cư, ưa thích núi rừng, tu hành tinh tấn, có tâm từ vô lượng. Xấu, là không thèm giao tiếp với ai; chỉ đi bát hạng trung lưu và hạng giàu có, còn người nghèo khổ thì không! Cho người dò hỏi, tìm hiểu, chiều hôm kia, đức vua cùng vài quân hầu dong xe vào rừng. Tại nơi không còn đi được, bậc quân vương len lách qua những lùm bụi, mệt mề bước qua các dốc đá cheo leo rồi cũng tìm được nơi cần đến. Vị tỳ-khưu kia đang an tĩnh tọa thiền trên một tảng đá chênh về hướng Tây trong một hang động. Ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, không dám làm kinh động vị sa-môn, đức vua hiền thiện của chúng ta nhè nhẹ bước đến hang động. Hóa ra là chỉ có hai tảng đá nhỏ úp lại, nằm khuất dưới một lùm dứa dại có hai cây ổi rừng phủ bóng mát! Bên trong chỉ có một chiếc bát đất, một cây gậy, một ống tre đựng nước và vài vật dụng khác của thầy tỳ-khưu. Chẳng có giường chõng, vật nằm, vật đắp gì cả. Đức vua nghe cay cay lòng mắt. Nghèo khổ đến tận cùng. Vô sản, bần hàn cũng đã đến tận cùng. Đức vua còn biết được rằng, người thanh niên này, vốn là em ruột của trưởng giả Cấp Cô Độc, trước khi xuất gia cũng đã là một vị phú thương, một doanh gia, có một tài sản kếch sù! Vậy đấy! Khi đã phất tay rũ bỏ là rũ bỏ đến tận cùng! Ôi! Đáng kính, đáng trọng thay!

Tỳ-khưu Subhūti đã xả thiền. Đức vua bước đến tham vấn. Và họ có một đoạn đối thoại như sau:

- Trẫm là Bimbisāra...

- Tôi biết, tâu đại vương! Chẳng hay, hôm nay có việc gì mà bậc vương giả lại lặn lội đến chốn khỉ ho cò gáy này!

- Trẫm nghe được cái hạnh tinh tấn của đại đức...

Tỳ-khưu Subhūti mỉm cười:

- Gọi là sa-môn, là tỳ-khưu thì ai cũng phải tu tập tinh tấn như vậy cả, tâu đại vương!

- Đại đức còn nổi danh về hạnh độc cư, ưa thích núi rừng; đến đây, trẫm còn thấy rõ, đại đức còn sống đời thiểu dục, tri túc nữa!

- Cũng bình thường, chẳng có gì đáng để tự hào hay hãnh diện, tâu đại vương! Tôn giả Mahā Kassapa và đệ tử của ngài cũng sống như vậy với lạc thú thanh cao trong lòng mình, không có ngũ dục nào trên thế gian có thể lôi cuốn, cám dỗ họ được.

Đức vua đọc được thái độ khiêm nhu, vắng lặng trong thái độngôn ngữ của vị sa-môn ẩn sĩ nên tự nghĩ: Không còn một chút xíu nào là ngã ái, ngã niệm huống gì là ngã mạn nơi vị tỳ-khưu hiền thiện này!

- Nghe nói, đại đức chỉ đi bát nơi các hạng trung lưu hoặc gia đình khá giả mà không tạo cơ hội, duyên phước cho những người nghèo khổ?

- Cũng không hẳn là thế, tâu đại vương! Nó có một duyên sự như sau. Hôm kia, tôi đứng bát nơi một gia đình nghèo khổ. Tôi đứng như vậy, yên lặng và rải định tâm từ. Một người đàn bà chiên-đà-la vừa chuẩn bị xong một bát cháo loãng định cho con ăn. Thấy tôi, bà nhìn quanh một lát, rồi đưa tay lục tìm chỗ này, chỗ nọ... Có lẽ thấy không còn vật thực nào khác nữa, bà bước ra, đổ hết bát cháo vào bát của tôi. Đứa bé khóc ngăn ngắt. Tôi bàng hoàng cả người, nói với người đàn bà: “Thí chủ không còn gì! Cả cho mình và cho đứa trẻ. Thọ nhận thì tôi đã thọ nhận rồi. Vậy hãy lấy cháo này cho trẻ nó ăn”. Nói ba lần như thế, người đàn bà cũng không chịu, nói rằng: “Thân phận con thấp hèn. Thấy ngài, con cảm giác như cọng cỏ khô mà hớp được một chút sương; như giữa sa mạc, một mầm xanh nhỏ nhoi lại được nhú lên! Ngài đừng lấy đi chút hy vọng cuối cùng của con trên cuộc đời này!” Nghỉ hơi một chút, tỳ-khưu Subhūti nói tiếp - Thuở ấy, tôi mới tu tập sơ cơ, chưa có tuệ quán nên tôi đã chảy nước mắt và người đàn bà cũng chảy nước mắt. Quả thật, tôi đã không kham nhẫn được khi nhận vật thực nơi những người quá nghèo khổ; tôi có cảm giác như tước đoạt hoặc bớt xén vào cái phần vật thực đã quá ít ỏi của họ! Tôi không đành lòng, tâu đại vương!

Đức vua cúi đầu xuống, mắt ngài cũng hoen lệ:

- Đúng là vậy! Có lẽ trẫm cũng không đành lòng!

Nói thế xong, đức vua quay sang nói với hai quân hầu:

- Chút nữa, các ngươi hãy thưa hỏi đại đức, chỗ ngôi nhà của người nghèo khổ ấy. Trẫm sẽ ban thưởng xứng đáng, hậu hĩ; không chỉ là một giọt sương mà có thể là cả một cơn mưa rào!

Tỳ-khưu Subhūti hoan hỷ mỉm cười, chỉ chỗ xóm chiên-đà-la, chòi lá lụp xụp, thứ ba, phía trái con đường đất đầu tiên, phía ngoại thành như vậy, như vậy... Rồi, ngài trú định tâm từ, một năng lượng mát mẻ chợt tuôn tràn ra xung quanh... cố ý ban rải phước lành cho đức vua hiền thiện.

Khi chấp tay vái chào từ giã, đức vua nói:

- Sắp đến kỳ an cư mùa mưa rồi, trẫm sẽ sai người đến đây, dựng cho đại đức một liêu cốc tương đối, sắm sanh một vài vật dụng cần thiết cốt để giữ gìn sức khỏe thôi, xin đại đức cho trẫm được làm một chút phước sự nhé!

Ông vua có tâm tịnh tín đẹp đẽ này còn hứa một chuyện với bốn vị tỳ-khưu khác nữa.

Năm kia, tại khu vườn rừng cây bàng tại Kapilavatthu, bốn ông hoàng thuộc vương tộc Malla được xuất gia tỳ-khưu, sau đó nghe lời đức Phật, về Trúc Lâm để hành đạo. Đó là bốn vị tỳ-khưu Godhika, Subāhu, Valliya và Uttiya. Sau khi lắng nghe vị trưởng lão giáo thọTrúc Lâm giảng giải cặn kẽ lộ trình thiền định, thiền quán, cả bốn vị đều xin được vào ẩn cư trong rừng. Từ đấy, họ có một đời sống mẫu mực, phạm hạnh, rất được đông đảo cư sĩ kính trọng, tín mộ, nhiều nhất là giới hoàng gia. Vốn dòng dõi hoàng tộc Malla, trước đây, bốn vị đã có quen biết khá nhiều một số hoàng thân quốc thích triều đình Rājagaha nên thỉnh thoảng họ tới lui thăm hỏi, vấn an bốn vị. Chuyện dễ hiểu thôi, là đức vua Bimbisāra sau đó hay tin, tò mò tìm đến thăm viếng. Đến khu rừng, bên cạnh khu rừng của tỳ-khưu Subhūti, đức vua rất cảm động vì họ sống dưới những cội cây, những hốc đá, nắng mưa không có chỗ che thân. Đức vua tức tốc cho người làm bốn liêu thất để dâng cúng chư vị. Chuyện đang tiến hành, chưa xong, lại sắp đến mùa mưa, bốn vị tỳ-khưu, lúc này đã là bốn bậc A-la-hán, họ cũng không lấy thế làm điều. Họ không để tâm.

Thế là có hai lời hứa, một gần xong, một chưa thực hiện.

Về triều, đức vua nhận liên tiếp nhiều tin báo về sự bất ổn, bất an ninh từ các xứ ngoại biên. Việc thứ nhất, ranh giới giáp nước chư hầu Vaṃsā của tiểu vương Udena, quan tổng trấn ở đấy đã không quản chế được nhóm binh lính của mình ở biên trấn - chúng đã tràn qua biên giới để cướp bóc, nhũng nhiễu dân lành. Việc thứ hai, một bọn tướng cướp mấy trăm tên, bị càn quét, truy đuổi các nơi, bây giờ về núp trốn trong mấy cánh rừng giáp biên địa Campā, lâu lâu lẻn sang các thị trấn thuộc Māgadha để cướp bóc của cải, lương thực, săn lùng gái về làm tỳ thiếp, hầu hạ chúng! Đức vua đã cử hai vị tướng tài, có uy, có đức với hai đội quân thiện chiến, tinh nhuệ đi thảo phạt một tháng trường mới dẹp yên. Một vị sứ giả của triều đình sang Vaṃsā, nghiêm khắc răn đe vị tiểu vương (vốn hiếu chiến và đam mê tửu sắc) này, đã không quán xuyến được đất nước mình; phải biết cách xử lý, nghiêm trị thuộc hạ, cách chức viên tổng trấn. Vua Udena nhất nhất nghe theo, ra vẻ sợ hãi; sau đó, cử một đoàn sứ giả mang phẩm vật, lễ phẩm sang Vương Xá triều cống, tạ tội. Về phía Campā, đức vua thương các thôn làng này ở quá xa xôi, nghèo khổ, sau khi dẹp yên bọn cướp, đã cử một đại đội quân tình nguyện đến trợ cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, vải vóc, hạt giống cùng dụng cụ sản xuất. Rồi đại đội thiện chí này cùng ở với dân, vừa giữ gìn an ninh, vừa xây dựng nhà cửa và phụ giúp mọi người cày cấy, trồng trọt. Họ lại còn đắp những con đê, đào những con mương để dẫn nước vào ruộng, vào vườn... Nhân dân vui mừng không xiết kể, họ lạy trời, lạy đất, tạ ơn đức sáng của vua...

Việc thứ ba, liên hệ đến các nước cộng hòa Licchavī. Số là trong đợt cứu trợ nạn đói tại Vesāli, không kể hai ngàn tấn lương thực tặng không, còn có một ngàn tấn lương thực cho vay không lấy lãi - lúc nào đủ sức hãy trả! Thế nhưng, nhiều năm qua, các nước cộng hòa này luôn được mùa, lương thực dồi dào, nhưng cứ hẹn rày, hẹn mai, cứ khất nợ hoài. Năm nay, tại kinh thành, thời tiết chuyển đổi thất thường; có vùng, đang mùa mưa mà cả tháng nay lại không mưa; biết đâu đây là triệu chứng sẽ mất mùa, đói kém trong tương lai? Biết phòng xa, mặc dầu kho lẫm còn đầy, đức vua cho sứ giả sang Vesāli đòi nợ. Họ cũng lần khân không chịu trả! Cương quyết ra oai tạo áp lực, đức vua cho đổ những đội quân lớn, rầm rộ ngày đêm, vận chuyển quân nhu, khí giới đến trấn thành Pāṭaligāma, sát bờ bên này sông Gaṇgā. Tiếp theo, vua ra lệnh cho quan tổng trấn ở đây, rục rịch đóng thuyền bè, diễu binh, bắn tin hành lang là: “Đang chuẩn bị lực lượng quân bị chỉ để bảo vệ danh dựuy tín của quốc gia, không để cho bất cứ nước nào coi khinh, xem thường!”

Māgadha và Kosala vốn là hai cường quốc, thay nhau trấn thủ hai phương, bá chủ chư hầu, đặt nền thống trị và ban ân tứ cho cả hằng chục tiểu quốc. Nên khi Vesāli trông thấy con rồng thần kia đã nổi giận, không dám chậm trễ, ba vua nước cộng hòa và hội đồng tướng lãnh Licchavī tức tốc hội họp, cử đoàn sứ giả đến Vương Xá khấu đầu tạ tội, đồng thời trả một ngàn tấn lương thực mà họ nợ đã lâu.

Khi mọi việc quốc gia đã yên ổn trở lại, đức vua Bimbisāra đặt tay lên trán, suy nghĩ: “Cái đức của ta suy giảm rồi sao? Triều thần của ta chẳng lẽ đạo đức đã bắt đầu suy đồi rồi sao? Đức Thế Tôn có dạy rằng, hạn hán mất mùa, lũ lụt, đói kém, dịch bệnh, sâu rầy... xảy ra ở nước nào - thì cần phải xét đến đức hạnh của vị vua đương triều tại đấy! Ở kinh thành, tuy chỉ có một vùng, suốt một tháng không mưa, tuy chưa nguy hại gì - nhưng chắc chắn đã có dấu hiệu gì bất ổn! Vậy thì ta đã có làm gì bất kính với chư thiên, thiện thần? Ta đã có làm gì đụng chạm đến đức Thế Tôn cùng các vị thánh Tăng A-la-hán?” Nghĩ đến đây, đức vua Bimbisāra chợt giật thót mình: “Chết rồi! Phụ cấp vật liệu làm nhà, lương thực và một số tiền bạc cho người đàn bà nghèo khổ tội nghiệp - thì hôm đó, quân hầu đã làm ngay. Nhưng việc ta có hứa làm 4 cái thất cho 4 vị tỳ-khưu không rõ đã xong chưa? Rồi còn cái thất cho vị tỳ-khưu trong hang núi, vậy mà do công việc triều đình quá bận rộn, ta đã quên khuấy đi mất? Ta phải làm sao để chuộc lại lỗi lầm này! ”

Đang suy nghĩ như thế thì đột nhiên, trước mắt đức vua chợt sáng rực lên, tôn giả Mahā Moggallāna xuất hiện, mỉm cười nói:

- Có đúng một phần đấy, tâu đại vương! Sám hối là đúng! Chuộc lỗi là đúng! Một tháng trời không mưa, một vùng, ở xung quanh hang núi, nơi có năm bậc A-la-hán ngụ cư, là do tình cảm bất minh, thiên vị của một số vị trời có oai lực. Tôi sẽ kể hầu cho đại vương nghe đầu đuôi sự việc: “ Bốn cái thất cho bốn vị tỳ-khưu dòng dõi hoàng tộc Malla, tường vách thì xong nhưng chưa lợp mái, bạn bè thân hữu của bốn vị cho người lợp rồi, việc ấy không bàn nữa. Đặc biệt là tỳ-khưu Subhūti, một bậc thánh A-la-hán, người mà đại vương có hứa làm một cái thất để vị ấy an cư mùa mưa, có rất nhiều phẩm tính làm cho rất nhiều vị trời ái kính. Ngoài cái đức khả ái ly dục, khả ái độc cư, khả ái viễn ly đô thị, vị ấy luôn đầy tràn ra không gian xung quanh tâm từ, tâm bi... và cả tâm rỗng không giải thoát nữa! Chư thiên, sơn thần, thọ thần ở đấy luôn được hạnh phúc, an lạc. Vị ấy còn có cái hạnh lạ lùng là khi đã vào định rồi thì không ngại chuyện nắng mưa. Ngày này sang ngày khác, ngoài trời cũng như trong hang cốc, vị ấy vẫn điềm nhiên trú định, đi sâu vào định, hoặc để biến mãn tứ vô lượng tâm hoặc phát triển các thắng trí! Có những ngày trời mưa tầm tã, chư thiên rất nóng ruột, sợ vị tỳ-khưu mà mình kính mộ bị cảm hàn - họ bàn cùng nhau tìm cách ngăn mưa lại. Thế là từ đó, họ luôn làm việc ấy để che chở vị thánh Tăng suốt một tháng trời ròng rã. Đức Thế Tôn lúc ấy đang ở Kỳ Viên, tận Sāvatthi nhưng ngài biết chuyện này. Dùng thần thông, đức Phật dạy tôi - Tôn giả Mahā Moggallāna kể tiếp - lúc ấy đang ở tận ngoài nam đảo nước Avantī, hãy lên thông báo chuyện này cho trời Sakka (Đế Thích) rõ! Thiên chủ Sakka hoảng kinh, cho triệu tập Tứ đại Thiên vương, bảo phải đích thân điều tra sự việc, tại sao có vị trời nào dưới quyền, do thiên vị, do tình cảm thiếu trong sáng, đã ngăn một tháng không mưa, làm cho cả một vùng núi thuộc kinh thành Vương Xá suýt rơi vào thảm họa? Bây giờ, mấy vị trời phạm tội đã bị Tứ đại Thiên vương tìm biện pháp xử lý thích đáng! Vậy, đại vương hãy làm những gì theo với lời hứa của mình để chuộc lỗi, để cho vùng núi kia được yên ổn!”

Kể chuyện xong, tôn giả Mahā Moggallāna biến mất.

Đức vua Bimbisāra tóc dựng ngược trên đầu, cấp tốc cho người đến làm ngay một cái thất cho tỳ-khưu Subhūti cùng cung cấp một số vật dụng cần thiết. Khi vị tỳ-khưu này vừa an tọa trong mái che thì trời liền đổ mưa xối xả. Do không hướng tâm đến mọi việc xung quanh, vị tỳ-khưu này vẫn vô tư, thốt lên bài kệ rằng:

“- Am thất khéo lợp xiết bao

Bên ngoài ngăn chặn mưa rào, gió lay

Lạc an một cõi tâm này

Mưa thì cứ mặc, dẫu ngày hay đêm

Chừ ta tịnh định trú thiền

Rỗng không, giải thoát, vô phiền, vô lo!”

Thế là chuyện của tỳ-khưu Subhūti được đồn đãi, thêu dệt tràn qua cửa tai của mọi người, khắp kinh thành, đến quốc độ này sang quốc độ khác. Khen có, chê có, nói giễu có. Người ta khen hạnh độc cư thanh tịnh, biến mãn tâm từ, bậc xứng đáng được cúng dường, được chư thiên ái mộ. Người ta chê, đã là A-la-hán rồi, tại sao không biết chuyện, vì mình, vì an lạc định thiền của riêng mình, mà làm cho cả kinh thành mang họa theo? Người ta nói rằng, ông Mahā Kassapa, vị đại đầu-đà khổ hạnh, chỉ đi bát hóa độ cho người nghèo, tuy có tâm thiên vị, đánh mất tính bình đẳng nhưng tấm lòng ấy rất đáng cảm động, ái mộ! Còn tỳ- khưu Subhūti, chỉ đi bát để hóa độ cho người giàu! Người ta đã giàu, do có tâm bố thí, cúng dường bậc thánh vô lậu, biến mãn tâm từ, thì kiếp sau họ lại càng thêm cao sang, quyền quý hơn nữa, là tại làm sao hử? Người ta nói giễu, không phải đâu, đi bát người giàu là kiếm được thực phẩm thượng vị, loại ngon, loại ngọt, loại bổ, loại béo - chứ bọn nhà nghèo có gì? Nước cháo chua hoặc cơm tấm thiu lẫn với tro trấu bẩn tạp hay sao? Họa là đồ ngu! Ai dại gì!

Nói gì thì nói, tỳ-khưu Subhūti bình tâm như vại; ngài đi bát vẫn cứ rải tâm từ, độc cư, an tĩnhnúi rừng. Khi gặp duyên, thuyết pháp, ngài không nói nhiều, chỉ một câu duy nhất: “Hãy làm lành, lánh ác, giữ tâm trong sạch!” Rồi ngài trú định tâm từ, rải tâm từ như một năng lượng mát mẻ tràn ra xung quanh. Thỉnh thoảng, ngài trú tâm rỗng không, giải thoát. Và lúc nào, chư thiên cũng ái kính, ngưỡng mộ, rải hoa, tán thán, ca ngợi, âm vang xuyên thấu Tứ đại Thiên vương, Đao Lợi, Đẩu Suất... và đến cả cõi Phạm thiên.


(1) Theo các kinh điển Đại thừa, ngài Subhūti , tức Tu Bồ Đề được đặt vào một vị tríchức năng đặc biệtbiểu tượng ngài là Tuệ Tánh Không, lúc thuyết pháp - thuyết vô ngôn - không nói gì cả mà chư thiên ái kính rải hoa. Theo Nikāya thì ngài thường trú định tâm từ, thỉnh thoảng cũng trú tuệ không và chư thiên cũng rất ái kính, ngưỡng mộ. Có điểm giống nhau: Ngài chỉ đi bát, nhận vật thực từ người giàu và trung lưu, không nhận vật thực của người nghèo - ngại sớt bớt cháo cơm đã quá ít ỏi của cháu con họ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 3909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.