- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI (Năm 578 trước TL)
- Sáu Nguyên Tắc Sống Hoà Hợp
- Hiền Giả Voi Và Khỉ
- Tình Trạng Tại Ghositārāma
- Đi Tìm Đức Phật
- Voi Chúa Sanh Thiên
- Thế Nào Là Pháp, Thế Nào Là Phi Pháp
- Xét Xử Chư Tỳ-Khưu Ghositārāma
- Bảy Phương Pháp Dập Tắt Các Cuộc Tranh Chấp (Satta-adhikaraṇa-samatha)
- Những Ông Tỳ-Khưu Hư Hỏng
- Thêm Một Vị Đại A-La-Hán
- Bánh Mè! Bánh Mè!
- Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍitasuttaṃ)
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI MỘT (Năm 577 trước TL)
- Với Đại Đức Nanda Và Sa-Di Rāhula
- Thế Gian Thanh Tịnh
- Như Lai Là Một Nông Dân
- Cho Xin Một Chiếc Lông
- Nhất Chỉ Thần Thông
- Mấy Ông Sư Quậy Phá
- Tám Trường Hợp “Úp Bát”
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI HAI (Năm 576 trước TL)
- Kệ Thơ Cảm Xúc Của Một Thi Sĩ
- Lại Ra Đi, Đến Khu Rừng Nimba
- Quả Là Vô Vị, Vô Ích, Vô Dụng!
- Nạn Đói Tại Verañjā
- Thỉnh Thị Một Bộ Luật Hoàn Hảo
- Chuyện Chim Cút, Chuyện Khỉ Vượn
- Người Cận Sự Nữ Dâng Thịt Đùi
- Sự Tích Cõi Trời Ba Mươi Ba
- Cuộc Chiến Với A-Tu-La Thiên
- Mối Tình Keo Sơn Chung Thuỷ
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BA (Năm 575 trước TL)
- Tiếp Độ Con Trai Nhà Đại Phú
- Trên Ngọn Đồi Đá Trắng
- Những Pháp Cần Có Của Một Hành Giả
- Màu Y Vàng Trên Núi Đá Trắng
- Đóa Hoa Vương Quốc
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL)
- Các Loại Cỏ
- Người Chăn Bò Khéo Giỏi
- Đàn Bò Sang Sông
- Khúc Gỗ Trôi Sông
- Trao Gia Tài
- Chỉ Có Pháp Hiện Tại
- Tuệ Quán Ở Đây Và Bây Giờ
- Người Ngu
- Cái Cán Cày!
- Hóa Độ Phạm Thiên Baka
- Chuyện Hối Lộ!
- Chuyện Cô Nữ Tu Xinh Đẹp
- Chuyện Kỹ Nữ Ciñcā-Māṇavikā
- Nhân Duyên Đẹp, Xấu, Quý, Tiện Của Người Nữ
- Trong Rừng Cây Xiêm Gai
- Cây Quạt Thốt Nốt
- Ngọn Lửa Trong Chiếc Ghè!
- Bỏ Đao, Ôm Bát!
- Những Hạt Đậu Ván
- Bữa Cơm Ngàn Vàng
- Bát Cháo, Mảnh Vải Thù Thắng
- Căn Nhà Năm Lỗ Hổng
- Chuyện Thánh Nữ Visākhā
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 4
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Ngọn Lửa Trong Chiếc Ghè!
Ngoại trừ sa-di Revata đắc thánh quả trong rừng cây xiêm gai từ hôm đức Phật và chư vị trưởng lão cùng đi thăm thì ai cũng biết; nhưng ba vị sa-di còn lại là Saṅkicca, Paṇḍita, Sopāka cũng được đức Phật gọi là “con trai” càng nổi lên một trận bàn tán nữa. Vì có người biết, có người chưa biết. Suốt mấy ngày liền, chư phàm tăng cứ đâm ra tò mò, tìm thăm các vị ấy, quan sát cách đi, cách đứng, cách ăn nói xem họ ra sao? Ôi! Cũng bình thường thôi mà sao họ là Thánh, có thần thông cực kỳ, còn mình thì ngu si, mù tịt?
Biết sự hoài nghi của mọi người, hôm kia, tôn giả Mahā Moggallāna xin đức Phật để kể lại hành trạng các vị sa-di ấy cho đại chúng nghe để họ được tăng trưởng thêm đức tin. Đức Phật im lặng nhận lời.
Rồi công hạnh của sa-di Paṇḍita, sau này được các vị kết tập sư thuật lại như sau:
“- Tôn giả Sāriputta có một thí chủ thường hay đặt bát cho ngài. Đã bảy năm về trước, khi nữ gia chủ mang thai, và cả sau này, lúc nào họ cũng mong tôn giả đến nhà. Có một hiện tượng lạ lùng mà không ai hiểu lý do, là từ khi đứa trẻ mới ở trong bào thai thì mọi người trong đại gia đình, dòng họ, hễ có ai dốt nát, điếc câm đều trở nên có óc, có trí, nói được và nghe được!
Mùa an cư vừa rồi, đứa trẻ đã được bảy tuổi; khi tôn giả Sāriputta được mời thỉnh đến nhà đặt bát, đứa trẻ cứ khăng khăng xin cha mẹ đi xuất gia theo gót chân của tôn giả.
Biết đây là nhân duyên nhiệm mầu, tôn giả cho xuất gia sa-di, đặt pháp danh cho trẻ là Paṇḍita(1) có nghĩa là “thông trí”! Sau khi gia đình hoan hỷ làm phước bảy ngày, đến ngày thứ tám, sa-di Paṇḍita muốn theo thầy ôm bát vào thành phố để khất thực. Thấy dáng dấp lóng cóng, vụng về, cách mang y bát còn xộc xệch chưa được tề chỉnh, trang nghiêm, tôn giả Sāriputta kêu lại, ân cần nói:
- Này con! Khoan đi đã! Con cần phải học hỏi, tập sự về cách đi, đứng, nằm, ngồi; cách mang y bát đi khất thực... Sáng nay, con hãy ở lại tịnh xá với ta làm một số công việc, sau đó ta sẽ chỉ dạy cho con trước khi vào thành phố.
Như thường lệ mỗi buổi sáng, tôn giả Sāriputta có phụ tá là Rāhula cùng một số sa-di khác, hôm nay có thêm Paṇḍita, cùng nhau đi quét rác trong khuôn viên tịnh xá; dọn những cầu tiêu, hầm xí; châm nước đầy vào những lu nước uống; sắp xếp lại những giường ghế ở những nhà ngang, nhà khách; thu lượm những vật dụng đây đó quăng liệng bừa bãi; dập tắt những đống than đang còn âm ỉ khói...
- Có một số các vị sao lại để lung tung, bừa bãi, lộn xộn vậy hở thầy?
- Hãy từ bi, thương xót đến họ, này con! Khi “cái tâm” của một chúng sanh chưa được thu xếp, không biết dọn dẹp, chưa được chăm sóc một cách chu đáo - nó cũng như vậy đó con!
Sa-di Paṇḍita chợt quỳ xuống bên chân tôn giả:
- Con đã hiểu điều này. Do vậy con sẽ biết cách thu xếp, điều chỉnh y bát, cách đi, cách đứng của con.
Thế là đã khá trưa, hai thầy trò mới dời chân khỏi Kỳ Viên tịnh xá.
Lần đầu tiên được đi theo thầy khất thực, lòng Paṇḍita rộn ràng sung sướng. Biết tâm của chú sa-di này muốn học hỏi nhiều điều, tôn giả gợi ý:
- Này con! Một kẻ vô văn phàm phu khi không học hỏi giáo pháp thì đối với nó cái gì cũng phi pháp. Còn một người ham hiểu biết, có tâm cầu học... thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là giáo pháp; cái gì mắt thấy, tai nghe, trí suy nghĩ thảy đều liên hệ đến giáo pháp!
- Thưa vâng!
Đi ngang ven lộ thấy một cái mương dẫn nước, Paṇḍita tự nghĩ: “Cái gì mắt thấy... đều liên hệ đến giáo pháp”. Bèn hỏi:
- Bạch thầy! Cái mương dẫn nước kia có lợi ích gì?
- Nước dâng tràn, lũ lụt có thể làm hại mùa màng, nhưng khi đã có con mương dẫn nó, điều chỉnh nó thì nó lại trở nên lợi ích cho ruộng vườn.
- Nước có hiểu biết gì không?
- Nó vô tri vô giác chớ có hiểu biết gì đâu!
- Vậy thì người ta có thể dẫn một vật vô tri vô giác đem đến lợi ích cho con người sao thầy?
- Đúng thế! Nếu biết làm những con mương cho khéo, người ta có thể dẫn nước đi đâu tùy ý, tùy nghi mà sử dụng.
Paṇḍita tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Một vật vô tri vô giác mà con người có thể hướng dẫn được nó, sử dụng nó như ý muốn. Vậy tại sao ta lại không thể hướng dẫn, nhiếp phục tâm ý mình đi theo con đường đến quả vị A-la-hán?”
Đến một quãng đường nữa, thấy những người thợ đang hơ tên trên lửa, nheo mắt ngắm để uốn tên cho thẳng; Paṇḍita hỏi:
- Bạch thầy, họ đang làm gì vậy?
- Họ đang ngắm để uốn những cây tên trên lửa cho thật thẳng.
- Mũi tên kia có lý trí chăng?
- Nó cũng là vật vô tình, vô giác, vô tri!
Paṇḍita lại nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Vật vô tri kia mà người ta còn biết cách uốn nắn cho thẳng. Còn ta, ta cũng có chút ít hiểu biết, sao không biết uốn nắn tâm ý mình cho ngay thẳng, chính trực?”
Sau đó hai thầy trò gặp một người thợ mộc đang đẽo bánh xe.
- Họ làm gì vậy hở thầy?
- Thợ mộc đẽo bánh xe.
- Gỗ không có chút hiểu biết nào chứ?
- Cũng như tên, như nước vậy! Gỗ vô tri mà người ta vẫn đẽo ra được bánh xe hữu dụng.
Paṇḍita tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Gỗ vô tri cũng đẽo thành bánh xe hữu dụng cho con người. Vậy sao ta không tự đẽo, gọt những cái xấu xa, tà vạy cho tâm ta được hữu dụng như cái bánh xe kia?”
Nghĩ đến đây, tự dưng Paṇḍita chợt trao bát cho tôn giả Sāriputta:
- Bạch thầy, thầy hãy đi bát giúp con.
- Sao vậy?
- Con muốn trở về!
Biết được tâm ý của đệ tử mình, tôn giả cầm lấy bát trên tay của Paṇḍita. Paṇḍita chào lạy tôn giả xong, quay lưng bước đi, còn quay lại dặn dò:
- Khi thầy đem thức ăn về cho con, xin thầy nhớ cho, là hôm nay con chỉ thích ăn những món thượng vị mà thôi! Món thường thường con không ăn đâu!
- Ở đâu ta có thể kiếm được thứ ấy cho con?
- Nếu thầy không thể kiếm được do phước báu của thầy thì thầy có thể kiếm được do phước báu của con.
Tôn giả mỉm cười, trao chìa khóa phòng rồi khẽ xoa đầu Paṇḍita, bảo:
- Hãy đi vào trong phòng của ta mà hành thiền, không được ngồi ở ngoài các khe suối, nơi các cội cây đâu nhé!
Sa-di Paṇḍita vâng lời, rảo nhanh về liêu thất, đóng phòng lại, chú bắt đầu thiền quán, cương quyết phải đạt cho được quả vị A-la-hán trong ngày hôm nay.
Tại cung trời Đao Lợi, Đế Thích thiên chủ tự nhiên cảm thấy ngai vàng rung động và nóng rực, ngài đoán chắc rằng ở dưới trần gian có tâm ý hướng thượng của ai đó cực kỳ uy mãnh, làm cho phước đức thiên cung chao đảo. Khi dùng thiên nhãn xem, Đế Thích biết rõ nguyện lực của chú sa-di nhỏ tuổi. Để trợ giúp cho Thánh hạnh của chú mau thành tựu, Đế Thích bảo Thần Mặt Trời đi chậm lại; lệnh cho Tứ Thiên Vương tức khắc xuống trần đứng canh gác bốn góc ở tịnh xá Kỳ Viên; và phải đuổi muông thú, chim chóc đi nơi khác đừng gây một tiếng động nhỏ. Do vậy, buổi sáng hôm ấy tịnh xá Kỳ Viên yên tĩnh một cách lạ thường...
Tâm của sa-di Paṇḍita nhờ chuyên nhất, nhờ an tịnh gia trì, mới thời gian chưa đến buổi trưa, chú lần lượt chứng Nhập Lưu, Nhị Quả, Tam Quả...
Trong khi ấy, tôn giả Sāriputta đi vào thành phố, vì thấy đã quá trưa, bèn ghé lại một thí chủ thân tín đã từ lâu chưa đến khất thực. Lạ lùng làm sao, khi họ mang ra dâng cúng thì đầy cả một bát món ăn thượng vị trân quý hy hữu! Tôn giả muốn để dành cho chú sa-di, hợp với sở thích của chú; nhưng gia chủ cứ khẩn khoản mong ngài độ thực cho hết và sẽ có một bát thứ hai cũng đầy đủ thượng vị y như thế.
Khi dùng xong, tôn giả nghĩ: “Buổi sáng này, chú sa-di đã làm việc nhiều, chắc giờ đã đói bụng rồi!”
Bèn đứng dậy, nói lời chúc phúc với gia đình rồi ôm bát vật thực trở về.
Bậc Đạo Sư, khi ấy ở tại hương phòng, nghe trong không gian có điều khác lạ; hướng tâm đến, ngài thấy Đế Thích như ông thần đứng canh cửa, Tứ Đại Thiên Vương như bốn ông tướng đứng gác bốn phương; và trong phòng của Sāriputta, sa-di Paṇḍita đã đắc tam quả, và hiện đang cương quyết đắc quả A-la-hán. Rồi đức Thế Tôn hướng tâm đến Sāriputta, biết ông thầy nầy quan tâm thương mến đệ tử, đang trên đường trở về, ôm bát vật thực thượng vị mà không biết trời đã qua ngọ.
Đức Phật nghĩ: “Vì không hướng tâm đến, nên Sāriputta không biết học trò của mình sắp đắc quả A-la-hán. Nếu vì Sāriputta không biết, trong lúc này mà về gõ cửa thì sẽ trở ngại tiến trình đạo quả của chú sa-di. Vậy ta hãy đón đường Sāriputta ngay từ ngoài xa, hỏi vài câu về Abhidhamma”.
Tôn giả Sāriputta đang trên ngã rẽ về liêu thất thì gặp đức Thế Tôn, ngài liền dừng lại đảnh lễ.
Đức Đạo Sư hỏi:
- Ông mang cái gì về đấy?
- Bạch đức Thế Tôn, “Sức nóng”.
- “Sức nóng” sinh cái gì?
- Bạch đức Thế Tôn! “Sức nóng” sinh “Sắc”.
- “Sắc” sinh cái gì?
- Bạch đức Thế Tôn! “Sắc” lại duyên “Xúc”.
- “Xúc” sinh cái gì?
- Bạch đức Thế Tôn! “Xúc” sinh “Thọ”(1).
Ngang đây, biết là Paṇḍita đã đắc quả A-la-hán, Đức Phật liền bảo:
- Này Sāriputta! Vậy thì ông hãy mang “Sức nóng” ấy vào cho chú sa-di của ông đi!
Tôn giả vâng lời, đi vào và gõ cửa. Sa-di Paṇḍita bước ra, đôi mắt như tỏa hào quang, trân trọng đỡ lấy bát vật thực trên tay tôn giả rồi để qua một bên. Chú lấy chiếc quạt thốt nốt, quỳ xuống và quạt mát cho ngài.
Đức Sāriputta nói:
- Hãy ăn đi con! Đúng là một bát thượng vị mà con hằng ưa thích đấy!
Paṇḍita hỏi:
- Bạch thầy, còn thầy thì sao?
- Ta đã dùng xong rồi.
Sa-di Paṇḍita sửa lại y áo cho ngay ngắn, ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực.
Thấy chú cẩn trọng nhai nuốt một cách biết mình, chẳng tỏ vẻ gì là say đắm món ăn thượng vị yêu thích; tôn giả hướng tâm đến, biết quả vị tối cao mà học trò mình đã đạt, ngài âu yếm nói:
- Giỏi lắm! Con quả thật xứng đáng là một thiện gia nam tử ở trên đời!
Sa-di Paṇḍita nhìn thầy, đôi mắt tỏa sáng, biểu hiện sự tri ân cao cả.
Khi đã ăn xong, rửa bát, dọn dẹp, cất đặt đâu đó xong xuôi, Paṇḍita đưa mắt nhìn ra bên ngoài, chú thật ngạc nhiên là trời đã quá ngọ từ lâu.
Mọi người trong tịnh xá Kỳ Viên ai cũng cảm thấy lạ lùng. Ai có thiên nhãn lúc ấy sẽ thấy giữa hư không, Tứ thiên vương rời bốn hướng canh gác, muôn chim trở về Kỳ Viên ca hát ríu rít, líu lo, Đế Thích thiên chủ rời vị trí canh cửa, hóa vầng ánh sáng bay lên cõi trời Đao Lợi.
Cả tịnh xá, mọi người huyên náo hỏi han nhau:
- Hôm nay sao lạ vậy? Buổi sáng thì dài cả ngày còn buổi chiều thì trôi qua trong chớp mắt? Chú sa-di Paṇḍita sao chỉ thích xơi món ăn thượng vị? Rồi bậc Tướng quân Chánh pháp - thầy của chú - sao lại mang về đúng là một bát thượng vị? Mà sao khi chú ấy đang dùng trưa thì đúng ngọ? Dùng xong thì trời đã qua ngọ từ lâu? Thiệt là kỳ quái!
Một số tỳ-khưu và sa-di quây quần quanh tôn giả Sāriputta mong được biết lý do.
Ngài nói:
- Này chư hiền! Đừng nôn nóng, đừng vội vã! Chỉ có đức Thế Tôn là biết lúc nào phải thời để vén bức màn quá khứ ấy!
- Thưa vâng! Một vị nói - nhưng tôn giả chỉ cần cho chúng con vài lời tóm tắt cũng đủ.
Chẳng đừng được, tôn giả Sāriputta bèn kể chuyện quá khứ cho họ nghe.
- Vào thời đức Phật Kassapa , tại thành Bārāṇasī có hai vợ chồng thật nghèo khổ, nghèo hết chỗ nói. Được một người bạn lành khuyến hóa, cả hai vợ chồng đồng tâm hợp lực làm công, mong kiếm được ít tiền để làm vật thực cúng dường cho một vị tỳ-khưu. Người chủ trì đi kêu gọi cổ phần mà quên bẵng hai vợ chồng nên hai mươi ngàn vị tỳ-khưu đã được phân phối hết. Người nghèo khổ khóc lóc, đấm ngực, bức tóc, xin cho bằng được một vị tỳ-khưu để cúng dường. Đức Thế Tôn Kassapa biết tâm trong sạch, cao thượng của người nghèo khổ, nên phút cuối, ngài trao bát cho anh ta. Thế rồi phước báu ấy được trổ quả hiện tiền do nhờ sự tiếp sức, bắt tay của trời Đế Thích. Sau đó, người nghèo khổ được nhà vua cho làm chức Đại thủ quỹ, đầy đủ danh vọng và phú quý. Vị Đại thủ quỹ cúng dường những món ăn thượng vị trân quý đến đức Phật và hai mươi ngàn vị tỳ-khưu trong suốt bảy ngày. Mệnh chung kiếp ấy, y được hạnh phúc qua các cõi trời. Kiếp này y chính là sa-di Paṇḍita vậy.
Tôn giả Sāriputta chấm dứt câu chuyện ngang đây, nhưng có vị hỏi tiếp:
- Bạch ngài! Xin ngài giải thích cho rõ hơn về nhân duyên món ăn trân quý?
- Đúng vậy! Không có gì là không có nhân duyên! Trong một kiếp quá khứ, người nghèo khổ kia suốt đời ăn mắm mút dòi... ngay một món ăn ngon, mà y nghĩ, có lẽ suốt đời cũng không nhìn thấy, huống hồ là được ăn! Tuy nhiên, sau đó, khi có tiền, sắm được món ăn ngon, y đã không dành lại cho mình một chút gì, mà đem dâng cúng hết cho các sa-môn, đạo sĩ...
- Thật là cao thượng! Một vị tỳ-khưu thốt lên.
- Nhờ cái tâm như vậy cho nên trong nhiều đời kiếp, y luôn luôn có những thức ngon vật lạ mà những kẻ giàu có khác không thể có. Cái quả trân quý là do đã từng cúng dường những món trân quý như vậy đó!
Nghĩ là phải thời để giáo giới vài điều đến Tăng chúng, tôn giả Sāriputta nói tiếp rằng:
- Này chư hiền! Nhân quả xưa nay là vậy. Ngay một thói quen nhỏ nhặt, một sở thích riêng tư hiện tại nơi chư hiền cũng không phải là điều ngẫu nhiên, nhất thời! Nó tồn tại, tương duyên, liên tục từ kiếp này sang kiếp khác; nó len sâu, ẩn kín trong dòng nghiệp, tưởng như vô hình nhưng nó tích cực tác động thân hành, khẩu hành, ý hành một cách rất vi tế và rất cụ thể. Như sở thích, mơ ước món ăn thượng vị, qua hằng trăm ngàn năm sau mà dường như vẫn còn nguyên vẹn sở thích, đeo níu ấy! Ngoài ra, một chút gieo duyên với Phật Đạo, với đức Thế Tôn, bao giờ cũng là cơ may ngàn đời hy hữu: Trước sau gì cũng nếm được đạo quả Vô sanh bất diệt!
Tăng chúng tán thán:
- Quả thật là hy hữu! Quả thật là kỳ diệu!
Thấy Tăng chúng còn một vài thắc mắc về những hiện tượng xảy ra trong ngày, tôn giả Sāriputta bèn kể cho họ nghe. Vì phước báu của chú sa-di Paṇḍita đã khiến cho thí chủ cúng dường món ăn thượng vị. Vì quyết tâm chứng đạo quả cao nhất trong ngày của sa-di Paṇḍita mà Đế Thích phải nóng nực, phải hiện xuống trần để giúp đỡ. Rồi Đức Phật cũng phải đích thân rời hương phòng đến trợ giúp cho sa-di Paṇḍita ra sao, tôn giả Sāriputta nhất nhất thuật lại.
Một số tỳ-khưu sau câu chuyện và sau lời giáo giới ấy, họ thấy biết như sau: “A! Thân này được tập khởi như vậy, bởi thói quen, kinh nghiệm, tâm niệm như vậy mà tạo nên những cá tính riêng, mẫu người riêng biệt. Những giới cấm của đức Đạo Sư là nhằm ngăn chặn những vọng động như vậy. Nhân như vậy thì đưa đến quả như vậy. Thấy rõ vọng động, làm yên lắng những vọng động thì giải thoát, an vui tối thượng chắc chắn sẽ đến như vậy...”
Nhờ tư duy đúng, họ không còn hoài nghi về con đường và cứu cánh. Một vài vị chứng quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, rất đông vị khác chứng quả Thất Lai!