Bát Chánh Đạo

30/12/20215:57 SA(Xem: 1941)
Bát Chánh Đạo

CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA 
LIFE OF THE BUDDHA
LÊ SỸ MINH TÙNG
2021

Bát Chánh Đạo (Eightfold Path)

Khi Đức Phật còn tại thế, giáo lý giải thoát của Ngài là con đường Trung đạo hay Bát Chánh đạo. Trung đạo không phải là con đường nằm giữa hai thái cựccon đường vượt lên hai thái cực. Trung đạo có nghĩa là bất nhị, là tuyệt hết đối đãi, là đạo trung hòa không thiên lệch bên này bên kia. Đức Phật đã giải thích con đường Trung đạo như sau:

-Từ bỏ hai cực đoan đó, Như Lai đã chứng ngộ “Trung đạo” (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan (cakkhu), tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu (abhinnaya), giác ngộ (sambhodhaya) và Niết bàn.

Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật xác định rằng con đường Trung đạo cũng chính là Bát Chánh đạo. Đức Phật lại dạy rằng:

-Hỡi này các Tỳ kheo! Con đường Trung đạoNhư Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, trí tuệ cao siêu, giác ngộ, Niết bàn là gì?

-Đó chính là Bát Chánh đạo: là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệmChánh định. Hỡi này các Tỳ kheo! Đó là “trung đạo” mà Như Lai đã chứng ngộ.

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên vào ngày rằm tháng sáu. Ngài Đại đức Kiều Trần Như (Koṇḍanna) chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật cho phép Ngài xuất gia thọ Tỳ-khưu đầu tiên. Ngay khi ấy, Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo trọn vẹn đầu tiên xuất hiện trên thế gian.

Trong tám nhánh của Bát chánh đạo, tất cả đều liên hệ với nhau, bồi đắp cho nhau rất mật thiết. Nhánh nào cũng làm nhân và đồng thời làm quả cho bảy nhánh kia vì thế tuy có tám nhánh nhưng tựu trung cũng quyện tròn thành một, đó là độc lộ giải thoát

1)Chánh kiến (Complete or Perfect Vision or Right View): Kiến là cái nhìn, cái thấy và chánh là ngay thẳng. Chánh kiến dựa theo định nghĩa thông thường của cuộc đời là cái thấy biết đúng đắn về thực tại, về vạn pháp, về những gì đang xảy ra bên trong và bên ngoài thân, tâm của mình. Sự thấy biết chính xác hay sai lệch ảnh hưởng rất lớn đến cách sống vì thấy biết sai lầm sẽ làm cho suy nghĩ và hành động sai lệch theo.

Tuy nhiên, muốn thấy biết thật đúng đắn về mình và những gì chung quanh mình thì cái thấy biết đó bây giờ phải thâm sâu hơn rất nhiều, cái thấy biết mà người bình thường không bao giờ biết đến, nghĩ đến. Cái thấy biết chẳng những thay đổi cuộc sống con người trở thành hạnh phúcan lạc nhiều hơn trong khuôn khổ của nền tảng đạo đức nhân bản mà có thể đưa họ đến giải thoát, tự tại viên mãn. Chánh kiếnĐức Phật muốn nói ở đây là cái thấy biết đúng, chân thật về đạo đức của cuộc sống, về vô thường, vô ngã, về nhân duyên, về Niết bàn và về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổcon đường thoát khổ.

Nhân duyên là mối tương quan mật thiết cho sự hình thành và sự sống còn của nhân sinh vạn vật bởi vì cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Tất cả mọi vật thể trong thế gian này là do sự kết tập bởi biết bao nhân duyên cho nên chúng không có tự thể (tự tánh) vì thế tất cả đều là vô ngã. Muốn hiểu vô ngã hay không có tự tánh thì trước hết phải hiểu thế nào là ngã hay tự tánh. Ngã là bản chất để tự nó có thể phát triển và sinh tồn mà không cần đến sự giúp đỡ bởi những nhân duyên khác. Nếu hạt lúa có ngã thì tự nó lớn lên rồi trở thành cây lúa, nhưng hạt lúa không thể tự nó phát triển được nếu không có những trợ duyên như đất, nước, phân bón, ánh sáng…vì thế tự tánh của hạt lúa là vô ngã hay nói một cách khác là hạt lúa không có tự tánh. Bất cứ vạn pháp nào trên thế gian nầy mà muốn sinh tồn hay phát triển được đều cần phảitrợ duyên. Cái xe là sự tổng hợp của biết bao sắt, kim loại, plastic và công phu của bao nhiêu người thợ…Cái nhà chúng ta đang ở là do cây, gỗ, gạch, ngói và công thợ tạo thành mà chính cây, gỗ, gạch, ngói không thể tồn tại bởi chính nó cho nên toàn bộ cái nhà không thể nào tồn tại được vì thế cái nhà cũng là vô ngã  nghĩa là cái nhà nầy một ngày nào đó sẽ trở về với cát bụi vì phải chịu ảnh hưởng bởi luật vô thường sinh, trụ, dị, diệt. Ở đây, giáo lý vô ngã cho chúng ta một cái nhìn rộng lớn về sự sinh tồn của nhân sinh vũ trụ. Không có một vật thể nào, từ nhỏ như hạt bụi hay to lớn như trăng, sao hoặc vĩ đại như những dãy thiên hà trong vũ trụ thì không có vật thể nào tự nó có thể sinh tồn được mà chúng cần có trợ duyên. Con người thì cũng thế, sự sống còn của chúng ta là do sự đóng góp của biết bao công sức của những con người khác ngoài chúng ta. Vì thế con người cần phải tương quan, tương trợ, tương kết để phục vụ và cùng nhau sống trong an bình, an vui và trật tự.

Bây giờ thân, tâm của chúng ta có được là do sự kết tậpvận hành của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Vậy thử xem thân, tâm có vô ngã không?

-Sắc uẩn là sự tập hợp của đất, nước, gió, lửa mà trong đó có hàng triệu, hàng tỷ tỷ nguyên tố biến đổi từng sát na. Muốn những nguyên tố đó tồn tại hay muốn bảo tồn sự sống thì thân cần ngoại duyên cho nên thân là vô ngã. Trong Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta Nikàya), Đức Phật dạy rằng: “Nầy chư Tỳ Khưu, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ không phải là tự ngã. Cái gì không phải tự ngã ắt không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Khi sắc thật sự sanh khởi, ta phải phân biện nó với Chánh Kiến như vậy”.

-Thọ uẩn là nhóm những cảm thọ do sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Gặp thuận duyên thì cảm thấy lòng hân hoan vui sướng, gặp nghịch cảnh thì lo lắng, buồn phiền, đau khổ. Nhưng có vui, có buồn cũng do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sinh ra cảm thọ, chớ cảm thọ không tự nó có được vì thế thọ uẩnvô ngã.

-Tưởng uẩn là nhóm nhớ về quá khứ, mơ ước những chuyện tương lai, nhưng muốn có những ký ức, kinh nghiệm để nhớ đó thì cần có ngoại duyên đã xảy ra hoặc đang xảy ra trong tiềm thức cho nên tưởng uẩn cũng là vô ngã.

-Hành uẩn là nhóm tác ý khiến cho thân, khẩu, ý thực hành mà tạo ra thân, khẩu, ý nghiệp. Khi con người có những tư tưởng xấu ác, lời nói hung dữ hay hành động tàn ác thì trong tâm phải có tác ý bất thiện đó. Ngược lại nếu chúng ta có những tư tưởng tốt, lời nói hài hòa, hành động nhân ái thì đây là những tác ý thiện. Nói chung tập hợp của tất cả “tác ý” thiện hay bất thiện được thể hiện bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì gọi chung là hành uẩn. Nhưng sự tác ý là do tâm duyên với đối tượng bên ngoài cho nên hành uẩnvô ngã.

-Thức uẩn là nhóm nhận thức từ những đối tượng bên ngoài do sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo thành sáu cái tâm tức là sáu thức. Vì là do duyên từ bên ngoài nên thức uẫn cũng là vô ngã.

Thân, tâm là do sắc, thọ, tưởng, hành, thức cấu tạo mà thành, nhưng mỗi uẩn là vô ngã cho nên toàn khối ngũ uẩnvô ngã nghĩa là thân, tâm của chúng tavô ngãBát Nhã Tâm Kinh gọi là Ngũ uẩn giai không.

Do đó, nếu chấp Thân là Ta, chấp Thọ là Ta, chấp Tưởng là Ta, chấp Hành là Ta, chấp Thức là Ta thì một người mà bây giờ có tới năm cái Ta hay sao? Ngay cả sắc uẩnvô ngã thì làm gì có cái Ta trong đó vì thế Đức Phật dạy rằng “Ai cho rằng sắc uẩn là Ta, là Của Ta, là tự ngã Của Ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn, vấp ngãtai nạn”. Các uẩn còn lại cũng thế. Thế thì thân, và tâm là vô ngã cho nên không có gì gọi là Ta hay là cái của Ta. Nhưng vì còn sống trong vô minh bất giác nên chúng ta thường ngộ nhận cho rằng đây là thân của tôi và tư tưởng, ý nghĩ hay lời nói cũng là của Tôi. Khi vui thì cho rằng Tôi vui và khi đau khổ thì nói là Tôi đau khổ. Thật ra tôi đâu có vui hay tôi làm gì biết đau khổ mà chỉ có cái vui hay cái đau khổ, nhưng tuyệt đối không có người vui hay người đau khổ trong đó. Vì ngũ uẩn luôn vận chuyển không ngừng từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong, từ sinh lý đến tâm lý cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức hoạt động liên tục. Cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt cho nên toàn bộ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sinh khởi liên tục tạo ra những cảm giác vui buồn, những biến đổi trong thân và tâm…mà chúng ta lầm lẫn ngộ nhận những cảm thọ đó là Tôi hay là của Tôi… Thí dụ có người đánh vào mặt thì chúng ta kêu “Tôi đau quá” hay có người khen thì chúng ta hãnh diện là “Tôi sung sướng quá”. Thật ra nếu bị đánh thì thân đau, thân bị chảy máu chớ đâu có dính dáng gì đến Tôi. Bởi vì sau đó thân hết đau thì nói “Tôi không còn đau”. Nếu thật sự có cái Tôi thì chỉ một cái Tôi duy nhất hoặc là “Tôi đau quá” hoặc là “Tôi sung sướng quá” nhưng cái Tôi cứ tuần tự thay hình biến dạng theo cuộc sống thì làm sao gọi đó là cái Tôi được. Sự biến đổi liên tục theo thời gian đó chỉ là vận hành của ngũ uẩn chớ không phải là Tôi hay là cái của Tôi. Thế thường khi chúng ta làm chủ được một cái gì thì cố nắm giữ rồi vội cho đó là của Tôi. Chưa có thì cố sức tìm cầu để có và có một thì muốn có mười và cứ thế cái của Tôi cứ tăng trưởng cho nên bản ngã cũng phải tăng trưởng theo. Con người là một hợp thể cấu thành bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức tồn tại trong thế gian này chỉ khi nào các hợp thể khác ở chung quanh cùng tồn tại bởi vì tất cả các pháp đều nương tựa vào nhau mà tồn tại. Vì thế cái Tôi chỉ là ảo giác trong tâm của con người chớ không có thật vì các pháp luôn luôn biến đổi, không bao giờ cố định. Cái tôi đã không có thì làm gì có cái của Tôi, tài sản của Tôi, công danh của Tôi, những người thương yêu của Tôi…mà đã khổ công gầy dựng và giữ gìn. Con người thì không chấp nhận như thế, họ cho thế gian là thật, thân này thật, những gì họ tác tạo là vĩnh viễn thuộc về họ cho nên Đức Phật gọi họ là những người chạy theo ảo ảnh, nắm bắt ảo ảnh để chuốc khổ vào thân. Cũng do si mê chấp ngã cho nên không có cái Tôi mà vẫn tìm cho Tôi, giữ cho Tôi. Không có cái của Tôi mà con người vẫn nắm giữ, bám níu, chấp chặt, ôm khư khư vào lòng của cải thế gian thì làm sao tránh khỏi lo lắng, buồn rầuđau khổ.

Sau cùng thực hành Chánh kiến rốt ráo là thấu hiểu rõ ràng “Bốn Sự Thật” tức là chân lý Tứ Diệu Đế. Trọng tâm của giáo lý Phật Đà nằm trong Tứ Diệu Đế (Cattàri Ariyasaccani)(Four Noble Truths) mà Đức Phật tuyên dương ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên (Chuyển Pháp luân) cho năm người bạn tu khổ hạnh cũ ở vườn Lộc uyển, gần thành Ba-la-nại (Benarès). Giáo Pháp (Dhamma) là thực tướng, là phương tiện để giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau. Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Đức Phật dạy rằng:

"Dầu chư Phật có thị hiện trên thế gian hay không, nầy các Tỳ Khưu, có một sự kiện, một nguyên tắc nhất định, một định luật thiên nhiên, là tất cả các vật cấu tạo đều Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha) và tất cả đều không có gì trường cửu (Vô ngã, Anatta). Như Lai đã chứng ngộthấu triệt điều ấy. Như Lai quảng bá, truyền dạy, tuyên bố, xác định, phân táchchỉ dẫn rành mạch rằng tất cả các vật cấu tạo (hữu lậu) đều vô thường, khổ và vô ngã".

Và sau cùng Đức Phật đã khẳng định trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) rằng: "Như Lai chỉ dạy một điều: đau khổ và sự chấm dứt mọi đau khổ".

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.