CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA
LIFE OF THE BUDDHA
LÊ SỸ MINH TÙNG
2021
8. PHÁT HUY TINH THẦN BÌNH ĐẲNG
Ngoài lòng từ bi vô bờ bến, tinh thần bình đẳng là một đức tính cao quý khác mà Đức Phật đã phát huy ngay từ khi còn thơ ấu. Đối với Ngài thì không có sự khác nhau giữa người nghèo với kẻ sang hoặc người thông minh với kẻ chậm tiến. Nhắc lại thời bấy giờ trong xã hội Ấn Độ, sự phân chia giai cấp được coi là rất thịnh hành. Bất cứ nơi nào cũng có mấy chục giai cấp khác nhau từ hạ tiện đến giàu sang. Người hạ tiện thì không được phép giao du với cấp cao hơn và ngược lại kẻ giàu sang thì càng không muốn gần gủi kẻ khốn cùng.
Điển hình là khi Ngài xin nước của một người thuộc giai cấp hạ tiện nhất Ấn độ, người nầy sợ làm ô uế cho Ngài, Đức Phật dạy rằng:”Không có giai cấp, vì mọi người trong máu đều đỏ như nhau và trong nước mắt của ai cũng mặn cả”. Nhưng đặc biệt nhất là lời tuyên ngôn của Đức Phật rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới từ ngàn xưa cho tới ngày nay, cách cửa giải thoát lúc nào cũng mở rộng cho tất cả mọi người không phân biệt nam, nữ; da trắng, da đen, da vàng hay da đỏ, từ thiên tử đến chí dân, ai ai cũng đều có cơ hội thực hành và trở thành Phật giống y như Phật. Bằng chứng là vào thời Đức Phật còn tại thế đã có 1,250 vị A la hán chớ đâu phải chỉ riêng có Đức Phật. A la hán (vô sanh) là quả tối thượng của Phật giáo và chính Đức Phật cũng là vị A la hán bởi vì Đức Phật là người chứng thánh quả A la hán đầu tiên dưới cội Bồ đề và là vị thầy của tất cả các vị A la hán cho nên danh vị Phật chỉ dành riêng cho Ngài chớ tuyệt đối không có Hóa thành hay Bảo sở như Kinh Pháp Hoa đã nói.
Ngay cả trong giáo hội của Ngài, Ngài đã thu nhận cả những người thuộc giai cấp hạ tiện. Chẳng hạn như ông Ưu Bà Ly, một người thuộc giai cấp hạ tiện, làm nghề thợ cạo, nhưng sau đó trở thành một đệ tử rất nổi tiếng về phương diện giới luật của Phật giáo. Sự thâu nhận nầy đã làm cho một số vua chúa bất mãn. Điển hình là vua Ba Tư Nặc đã bạch Phật rằng:”Ngài thâu nhận kẻ hèn hạ vào hàng tông đồ như vậy, không sợ rằng đá sỏi lẫn lộn với châu ngọc làm mất giá trị của chúng Tăng sao?
Đức Phật dạy rằng:”Người hèn hạ mà biết Phật tâm Bồ đề, xuất gia tu hành, chứng được Thánh quả, thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ bẩn mà vẫn tinh khiết thơm tho”.
Không có tôn giáo nào trên thế giới từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi mãi về sau phát huy tinh thần bình đẳng như đạo Phật. Hãy lắng nghe Đức Phật nói với quốc vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala khi Ngài thu nhận Sunita, người làm nghề hốt phân vào tăng đoàn cách nay trên 2500 năm trong một xã hội có quá nhiều kỳ thị giai cấp:
“Đại vương! Trong đạo lý giải thoát, không có sự phân biệt giai cấp và chủng tính. Trước con mắt người giác ngộ, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người. Ta phải tìm cách để mọi người có cơ hội đồng đều và vươn tới và thực hiện hoài bão của mình cũng như hoàn thành nhân phẩm của mình, vì vậy cho nên tôi đã đón nhận Sunita vào giáo đoàn khất sĩ”.
Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng để san bằng mọi bất công và xóa tan mọi đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Chỉ có đạo Phật nâng cao nhân phẩm của con người và khuyến khích họ phát triển tiềm năng trí tuệ của mình đến chỗ tột cùng. Ngày nay, ở những quốc gia văn minh tiến bộ, có rất nhiều khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, học giả, triệu phú, tỷ phú…xuất thân từ những hoàn cảnh cơ hàn, thiếu thốn, nhưng với ý chí vươn lên cộng thêm sự nỗ lực tích cực phấn đấu và sau cùng với cánh cửa rộng mở rất bình đẳng của xã hội, họ đã thành công và đạt được những ước mơ to lớn trong cuộc đời của họ.