- Lời Giới Thiệu
- 01. Diện Mạo Và Tác Phong Của Ngài Huyền Trang
- 02. Huyền Trang, Nhà Chiêm Bái
- 03. Huyền Trang, Vị Học Gỉa
- 04. Huyền Trang, Nhà Thuyết Giáo
- 05. Huyền Trang, Nhà Hùng Biện
- 06. Huyền Trang, Nhà Dịch Thuật
- 07. Huyền Trang , Nhà Trước Tác
- 08. Huyền Trang, Nhà Thần Bí
- 09. Những Ngày Cuối Cùng Và Sự Viên Tịch Của Pháp Sư
HUYỀN TRANG - NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ
Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar
Nguyên tác Anh ngữ: HT. Thích Minh Châu-Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989
IV. HUYỀN TRANG, NHÀ THUYẾT GIÁONhưng pháp sư không chỉ là một học giả, một người nghiên cứu giáo lý. Ngay khi ở Trung Hoa, Ngài cũng từng lên diễn đàn giảng kinh và đã được mọi người thán phục, tăng già cũng như cư sĩ. Trong suốt cuộc hành trình sang Tây Vức, Ngài cũng đã nhiều lần được các vị vua và nhiều nhân vật danh tiếng thỉnh đến thuyết pháp. Sự học rộng cùng với mức hiểu biết sâu xa về chánh pháp khiến Ngài trở thành một trong những nhà thuyết giáo danh tiếng nhất.
Khi Pháp sư lưu lại chùa Thiên Hoàng ở Kinh Châu trước khi qua Tây Vức, những vị tăng và cư sĩ yêu cầu giảng giáo lý và Ngài đã giảng 3 lần Nhiếp đại thừa luận và Tỳ-đàm tập yếu. Thính giả gồm cả thái tử ở Hán Dương và quần thần cùng một giáo hội đông đảo vừa tăng sĩ vừa cư sĩ uyên bác. Khi thuyết pháp xong, từng người một chất vấn, Pháp sư đều trả lời thông suốt khiến ai nấy đều hài lòng và thái tử không ngớt ca tụng.
Khi Pháp sư ở Liang-chou (Lương Châu) hơn một tháng Ngài giảng kinh Đại-bát Niết bàn, Nhiếp Đại thừa luận và Bát nhã Tâm kinh cho tăng già và cư sĩ.
Ở Cao Xương, trên đường sang Tây Vức, vua nước này quá thích thú về sự uyên bác của Pháp sư nên đã cho dựng một hội trường lớn để Ngài giảng pháp. Mỗi thời thuyết pháp, vua thân hành cầm hương đưa Pháp sư đến pháp tọa và quỳ gối để thỉnh Pháp sư an tọa. Khi Ngài lưu lại Cao Xương thêm một tháng, Ngài giảng Bát nhã Tâm kinh.
Khi đến thành Tô Điệp (Tokmak), gặp người Đột quyết Thổ Nhĩ Kỳ (Hô-khả-hãn) mời Ngài đến trại, Pháp sư đã giảng Thập thiện dạy người nên có lòng từ bi đối với mọi loại chúng sinh và giảng các pháp Ba-la-mật đưa người đến giải thoát rốt ráo. Sau thời giảng, người Thổ Nhĩ Kỳ đảnh lễ Ngài và hoan hỉ nhận những lời giáo huấn.
Sau cuộc du hành về phía nam, Pháp sư trở lại tu viện Nalanda. Bấy giờ người ta không xem Ngài như một ngươi đi tìm học nữa. Ngài Giới Hiền yêu cầu Pháp sư giảng Nhiếp đại thừa luận và Thành duy thức luận cho các tăng sĩ. Ngài bác quan niệm của vị Pháp sư uyên bác là Simhaprabha (Sư tử Quang) cho rằng học phái Duy thức phải được tách ra khỏi tam tạng theo như luận Trung quán.
Trên đường trở về Trung Quốc, khi Pháp sư đến kinh đô xứ Vilasana (Tì-la-sang-noa) Ngài lưu lại 2 tháng và giảng bộ Du-già pháp-luận và bộ Đối pháp luận. Khi đến xứ Kustana, Pháp sư giảng bộ Du-già Sư-địa luận, Đối-pháp luận, Câu-xá luận và Nhiếp-đại-thừa luận. Ngài giảng 4 bộ kinh này trong một ngày một đêm, có chừng một nghìn thính giả gồm cả vua xứ Kustana và những vị tăng sĩ, cư sĩ uyên bác.
Khi Pháp sư trở về Trung Quốc dịch bộ Du-già Sư-địa luận ra tiếng Trung Hoa, Hoàng đế Trung Quốc hỏi Ngài về nội dung tác phẩm này. Pháp sư liền giảng 17 quả vị Bồ tát theo lời dạy của Bồ tát Di Lặc và những nét chính của tác phẩm, Hoàng đế nghe những lời giảng của ngài lấy làm thích thú nên về sau ông đọc kỹ bộ kinh ấy và thổ lộ những lời sau đây với đình thần:
"Trẫm đọc kinh Phật như ngắm trời dò bể không tài nào ước lượng bề sâu. Huyền Trang đã đem giáo pháp vi diệu này từ xa xôi về. Tiếc vì bận việc quân quốc rối ren, trẫm không thể nào đi tìm giáo lý Phật đà. Nay trẫm đã xem nguồn gốc của giáo lý ấy, trẫm nhận thấy rằng thật khó thể biết hết đựơc bề rộng của vẻ đẹp và hương thơm của nó. Khổng giáo, Lão giáo và chín học thuyết [Cửu lưu 9 học phái xuất hiện trong thời Tiên Tần, Trung Quốc (BT)], so với Phật giáo chỉ là một dải đất nhỏ trên đại dương mênh mông. Thật hoàn toàn sai lầm khi người ta nói tam giáo đều ngang nhau."
Sau đấy, Hoàng đế ra lệnh cho chép lại những kinh và luận vừa dịch xong thành 9 bản phân phát cho các châu Ung, Lạc, Tinh, Duyên, Tương, Kinh, Dương, Lương và Ích châu để Phật Pháp phổ biến cùng khắp.
Đọc Thêm:
Đường Tăng Thỉnh Kinh