10 – Đường vào xứ tuyết

06/11/201611:10 SA(Xem: 9339)
10 – Đường vào xứ tuyết
ĐƯỜNG MÂY QUA XỨ TUYẾT
Nguyên tác: The Way of the White Clouds
Tác giả: Lama Anagarika Govinda.
Dịch giả: Nguyên Phong
Nhà xuất bản Hồng Đức

10 – Đường vào xứ tuyết

Có những ngọn núi chỉ là những ngọn núi nhưng có những ngọn núi linh thiêng khác hẳn những ngọn núi thông thường. Nếu một cá nhân sở hữu những cá tính nổi bật có thể ảnh hưởng đến người khác thì ngọn núi cũng vậy. Cá tính của một người là kết quả của một sự phối hợp hoàn hảo giữa tâm và ý, giữa tinh thần và thể xác. Một người có đời sống nội tâm dồi dào có thể ảnh hưởng đến những người chung quanh, nếu người đó có những ước vọng cao cả họ có thể trở nên một nhà lãnh đạo, một vị thánh. Nếu những điều này xảy ra cho một ngọn núi, người ta nói rằng ngọn núi đó linh thiêng vì nó tỏa ra những luồng từ điện có thể ảnh hưởng đến những ai đến gần nó.

Quyền năng của một ngọn núi vô cùng mãnh liệt nhưng ít người ý thức rõ rệt. Người ta không hiểu tại sao mình lại bị lôi cuốn đến nó như sắp bị nam châm thu hút. Có những người ở rất xa nhưng luôn luôn bị ám ảnh bởi một ngọn núi và họ đã trải qua nhiều cực nhọc mới tìm đến nơi. Khi đến cái trung tâm thần lực đó, họ bỗng có cảm giác ngây ngất như “đứa con trở về nhà”, bao nhọc mệt đều tiêu tan, bao não phiền dường như dứt sạch… Không ai có thể giải thích hiện tượng này nhưng không ai nghi ngờ nó, đa số đều cảm thấy như bị thu hút bởi một mãnh lực vô hình dường như không thể cưỡng lại được.

Những ngọn núi đặc biệt này cũng thu hút rất nhiều người Tây phương, nhưng tiếc rằng họ đã đến với nó với một tâm trạng khác hẳn. Người Tây phương cho rằng họ phải “chinh phục” cái nỗi thao thức trong tâm khảm này, thay vì đến với nó như “đứa con hoang trở về nhà cha mẹ”, họ đã trèo lên tận đỉnh núi, cắm cờ quạt và biểu ngữ rồi ngang nhiên tuyên bố rằng họ đã khuất phục được một kỳ quan của thiên nhiên.

Hai phương trời quả là hai thái cực. Một bên khiêm cung mở rộng tâm hồn chào đón nguồn thần lực thiên nhiên rót vào mình để tìm những mặc khải cao thượng trong khi bên kia kiêu căng hợm hĩnh phô trương tham vọng của mình qua sự chinh phục thiên nhiên.

Muốn thấy được sự cao cả của ngọn núi, người ta phải quan sát nó từ xa. Muốn hiểu nó, người ta phải đi chung quanh để rung động với nó. Muốn cảm thông nó, người ta phải sống với nó tự buổi rạng đông đến lúc chiều tà, trong cơn mưa phùn cũng như trời nắng gắt, mùa đông cũng như mùa hè… Khi đó họ sẽ hiểu được rằng những ngọn núi cũng có một đời sống không khác đời sống của chúng ta bao nhiêu. Núi được sinh ra, vươn cao lên rồi bị sói mòn, hư hại. Dĩ nhiên đời sống của một ngọn núi kéo dài nhiều thế kỷ, có khi hàng triệu năm. Cũng như đời sống của các sinh vật, núi thu hút những nguồn thần lực thiên nhiên từ môi trường chung quanh như sấm chớp, mây, mưa, điện lực cũng như từ trường. Nếu người ta đo lường được từ lực của ngọn núi, người ta sẽ thấy rằng núi cũng có những rung động, cảm xúc riêng nhưng dĩ nhiên sự rung động của núi gần gũi với thiên nhiên, vũ trụ chứ không phải những rung động bằng cảm xúc như con người.

Trong đời sống hàng ngày tại những đô thị ám khói, dưới vùng đồng bằng chật chội, con người hầu như đã quên đi sự liên hệ giữa họ và vũ trụ, do đó họ cần một biểu tượng gì để nhắc nhở, để thức động họ hướng tầm mắt lên cao hơn. Núi đã đóng vai trò này những tiếc rằng vì qúa bận rộn với những tham vọng tầm thường, nhỏ mọn của đời sống vật chất, không mấy ai cảm được sự giục giã âm thầm của những kỳ quan thiên nhiên. Thỉnh thoảng mới có người bất chợt cảm thấy một cái gì thôi thúc họ phải gạt bỏ những hệ lụy của cuộc sống để tìm đến một cái gì cao đẹp hơn. Họ bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, đi tìm sự liên hệ giữa họ và thiên nhiên, vũ trụ, như những đứa con hoang quay đầu tìm đường về nhà. Những người này đã tìm đến những rặng núi linh thiêng để chiêm ngưỡng, để rung động và để hòa nhập với luồng từ điện thiêng liêng toát ra từ ngọn núi như đứa bé con quay đầu ôm lấy bầu sữa mẹ.

Rặng Tuyết Sơn nằm chắn ngang Châu Á là một trong những rặng núi linh thiêng đó. Không một rặng núi nào trên thế giới có thể so sánh với nó. Hai nền văn minh cao cả của nhân loại là Trung Hoa và Ấn Độ đều bắt nguồn từ hai bên sườn của rặng núi này.

Trong rặng Tuyết Sơn, đỉnh Kailas được coi như trung tâm, nơi tập trung những luồng thần lực của rặng núi, Kallas hay Meru (còn gọi là Sumeru) tiếng Phạn có nghĩa là trung tâm hay trái tim. Nó còn có nghĩa là tiểu vũ trụ (microcosmic) so với đại vũ trụ bên ngoài.

Người Tây Tạng tin rằng các nguồn thần lực của vũ trụ rơi xuống địa cầu đều bị thu hút bởi rặng Tuyết Sơn, tập trung ở đỉnh Kailas rồi mới phân phối đi khắp thế giới qua những con đường vận hà nhất định, giống như mệnh lệnh được truyền từ bộ óc phân phối khắp cơ thể qua hệ thần kinh. Người Ấn tin rằng Kailas là trung tâm của một đàn tràng Mandala tối linh.

Tôi không muốn đi sâu vào những danh từ hay ẩn nghĩa vì phạm vi giới hạn của cuốn sách này. Tuy nhiên độc giả có thể nhìn vào bản đồ sau đây thì sẽ thấy rặng Tuyết Sơn vươn cao lên ở phía hai đầu, giữa là bình nguyên Chang Tang và xứ Tây Tạng. Phía giáp Ấn Độ là đỉnh Kailas và phía giáp Trung Hoa là đỉnh Côn Luân (Kwen Lun). Người ta tin rằng hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa đều liên hệ chặt chẽ với hai ngọn núi này vì những dòng sông quan trọng của Trung Hoa (Hoàng Hà, Dương Tử) đều bắt nguồn từ đỉnh Côn Luân và những dòng sông quan trọng của Ấn Độ (Bramaputra, Indus, Kamali Sutlej) đều bắt nguồn từ đỉnh Kailas.

Tôi đã tìm được một tài liệu cổ vẽ hình một luồng thần lực rất lớn từ bên ngoài vũ trụ trút xuống đỉnh Kailas, chứa đựng trong một bầu tròn rồi xoay quanh đỉnh Kailas bảy lần trước khi được phân tán ra thành năm con đường vận hà tỏa ra khắp nơi. Lúc đầu tôi không hiểu rõ lắm, những khi đối chiếu lại với bản đồ thì tôi mới vỡ lẽ rằng cái bầu tròn đó chính là hồ Manasarova nằm sát chân núi. Tuyết trên đỉnh Kailas tan ra đều chảy vào hồ này rồi theo những con rạch nhỏ uốn quanh ngọn núi bảy lần, sau đó lại tụ thành năm dòng sông lớn. Bốn dòng sông Bramaputra, Indus, Karnali và Stulej chảy xuống đồng bằng xứ Ấn. Giòng sông thứ năm Mêkong chảy qua nhiều nước khác như Miến Điện, Thái Lan, Việt nam.

Sự liên hệ giữa nguồn thần lực và những con sông ra sao vẫn còn là một bí mật nhưng theo sự dự đoán của tôi thì có thể những dòng sông chỉ là sự kết tinh của những luồng thần lực siêu nhiên xuất hiện dưới trạng thái nước.

Cách đây không lâu, người Tây phương vẫn tin rằng Hy Lạp đã mở đầu cho văn minh nhân loại cho các quốc gia như Trung Hoa, Ấn Độ chỉ là những xứ dã man, sống trong cảnh tối tăm ngu dốt. Họ đã lầm và lầm rất lớn, những di tích tìm được ở Ấn Độ và Trung Hoa cho thấy hàng ngàn năm trước khi người Hy Lạp rời khỏi hang đá, lập thành các bộ lạc thì tại hai bên bờ sông Hoàng Hà và Indus đã có những thành phố lớn, dân cư đông đúc, được tổ chức chặt chẽ và đặt dưới quyền cai trị của những bậc quân vương. Người dân nơi này đã sử dụng vật dụng bằng đất nung, biết đào cống rãnh, nhà vệ sinh và có một nền văn minh tiến bộ vượt xa Hy Lạp, ngay cả khi nền văn minh nay cực thịnh. Nếu người Tây Phương tin rằng các triết gia Hy Lạp đã sáng lập những tư tưởng mới lạ, đặt căn bản cho nền tảng văn minh ngày nay thì họ phải ngạc nhiên hơn nữa khi thấy những tư tưởng này đã được đề cập đến một cách sâu sắc, thâm thúy hơn nhiều trong các tài liệu cổ của Trung Hoa, Ấn Độ.

Tại sao nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa lại có những tư tưởng cao siêu, vượt thời gian như vậy? Tại sao hai xứ này lại sản xuất nhiều bậc hiền triết, thánh nhânảnh hưởng vẫn còn tồn tại đến ngày nay? Nếu nhận xét một cách vô tư thì người ta phải công nhận rằng tư tưởng Trung Hoa và Ấn Độ quả đã vượt xa những tư tưởng được coi là tiến bộ hiện nay. Hầu hết những vấn đề nan giải nhất của nhân loại ngày nay đều được các nhà hiền triết Trung Hoa, Ấn Độ đề cập từ lâu rồi và không những thế, họ đã tìm ra những câu trả lời, những giải pháp cho khó khăn hiện tại. Nếu người ta biết cách áp dụng những lời khuyên này thì có lẽ nhân loại đã không đau khổ như vậy…

Sự liên hệ giữa những nền văn minh này và nguồn thần lực thiên nhiên của vũ trụ ra sao? Phải chăng câu trả lời có thể tìm được trên rặng Tuyết Sơn, nơi những nguồn thần lực đó xuất phát?

Nói đến Tuyết Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất tại đây. Tuy nhiên nếu đỉnh này chỉ thấp xuống khoảng vài chục thước ghì không ai còn có thể phân biệt nó với những đỉnh núi khác nữa. Nó trở nên một đỉnh núi tầm thường như hàng trăm đỉnh núi vô danh khác trong rặng Tuyết Sơn.

Kailas không như vậy, nó đứng riêng rẽ, độc lập trên một bình nguyên bao la với một nét oai nghi hùng vĩ đặc biệt. Trông xa Kailas giống như một cái đền nóc úp (dome) nổi bật trên nền trời. Nếu những ngôi đền đều có những hồ chứa nước tinh thủy thì Kailas cũng có hai cái hồ thiêng nằm dưới chân nó: hồ Manasarova hình tròn giống như mặt trời và Raskatal hình lưỡi liềm trông như mặt trăng. Mặt trờimặt trăng là hai biểu hiệu vô cùng quan trọng tượng trưng cho hai thái cực Manas (chữ gốc của Manasarova) có nghĩa là ánh sáng hay sự giác ngộ, Raska (chữ gốc của Raskatal) có nghĩa là bóng tối hay vô minh.

Người Ấn Độ tin rằng thần Braham đã tạo ra hồ Manasarova để chứa sinh thủy (life-giving water) và trồng ở giữa hồ một cây cổ thụ gọi là Jambu hay cây kiến thức (Tree of Knowledge) mà mắt thường không thể trông thấy được. Chỉ những bậc đạo sư đắc đạo mới có thể nhìn thấy cây Jambu này. Trên mỗi lá cây Jambu đều có ghi chép những chân lý huyền diệu, linh thiêng. Cứ mấy ngàn năm cây Jambu mới kết hoa, trổ quả và khi quả Jambu rơi xuống hồ Manasarova, có biến nước hồ thành một loại thần thuỷ mà kẻ nào tắm gội trong nó sẽ rửa sạch tội lỗithấu triệt những điều huyền bí.

Theo các sách vở Yoga thì Manas và Raska là hai huyệt đạo quan trọng của hai đường kinh mạch nối liền từ tủy sống lên óc. Chỗ tiếp giáp giữa hai kinh mạch này là luân xa óc, nếu hành giả khai mở được hai huyệt đạo này để hai đường kinh mạch hợp lại thì luồng hỏa hầu sẽ chạy thẳng lên óc và phát động các quyền năng huyền bí. Người Ấn Độ tin rằng kailas tượng trưng cho luân xa não bộ của thế giới, nơi chứa đựng những luồng từ điện linh thiêng nhất.

Huyền thoại Tây Tạng kể rằng hoàng hậu Maya, mẹ của Đức Phật Thích Ca nằm mộng thấy mình đi dạo ngang hồ nước rất đẹp, thấy nước hồ trong vắt bà bèn xuống đó tắm. Sau khi tắm xong bà lên bờ ngồi nghỉ thì thấy từ trên đỉnh núi cao có một con voi trắng sáu ngài xông đến đâm vào hông khiến bà giật mình tỉnh dậy. Bà kể chuyện này cho các nhà chiêm tinh thì ai cũng đoán rằng bà sẽ hạ sinh một hoàng tử, một bậc thánh nhân hiếm có trong lịch sử nhân lại. Người ta tin rằng cái hồ trong mộng của hoàng hậu Maya chính là hồ Manasarova và đỉnh núi nơi con voi trắng xuất hiện chính là đỉnh Kailas.

Kailas nằm giữa một bình nguyên lớn được bao bọc bởi nhiều rặng núi trùng trùng điệp điệp như bức tường thành thiên nhiên bảo vệ cho miền này. Cũng vì lý do đó, chỉ những người chí tâm chí thành cầu đạo mới có đủ nghị lực băng rừng lội suối, vượt qua những rặng núi cao ngất để đến đây.

Muốn biết rõ sự mầu nhiệm của đỉnh Kailas, người ta không thể nghiên cứu nó qua cặp mắt một nhà thám hiểm, một nhà khảo cứu địa dư mà phải nhìn nó dưới nhãn quan của một tín đồ hành hương.

Hãy thử tưởng tượng một người từ bỏ nhà cửa êm ấm tại các đô thị an ninh, vượt qua hàng trăm dặm đường núi nguy trở, khi trèo đèo, lúc lội suối; khi đi qua những thung lũng nóng như thiêu, lúc trèo lên những đỉnh núi lạnh như đá; chỉ một xẩy chân cũng rơi xuống vực thẳm sâu hun hút, chỉ một tuột tay cũng ngã vào những tảng đá sắc bén như dao. Đường mòn thì nhỏ hẹp rong rêu phủ kín, lối đi là những vách đá gập ghềnh trơn trượt như mỡ. Thử tưởng tượng một người mò mẫm dọc theo những dốc núi khi đá từ trên cao có thể lăn xuống bất cứ lúc nào, hoặc di chuyển qua những rãnh sâu mà nước lũ có thể tuôn xối xả bất ngờ, lôi cuốn theo bất cứ thứ gì có thể nằm trên lộ trình của nó. Hãy tưởng tượng một người lầm lũi đi trong những vùng mà nhìn lên không thấy bầu trời, nhìn xuống cũng không thấy mặt đất, bốn bể chỉ có mây giăng bủa trắng xóa. Họ rụt rè bước qua những cầu treo đã mục nát, giăng trên miệng các vực thẳm không đáy. Họ run run rẩy dưới những làn gió lạnh thấu xương từ đỉnh cao xuống, thèm muốn một đống lửa hồng ấm áp nhưng vô ích vì khí hậu quanh đó cực kỳ ẩm ướt, không thể đốt bất cứ một thứ gì. Mọi vật dù gói kỹ cũng ẩm mốc, bộ quần áo mặc trên người lúc nào cũng ướt sũng và nặng chĩu vì nước muốn đông thành đá. Người ta đi như thế từ ngày này qua ngày khác, từ tuần này qua tuần kia, cam chịu mọi đói khát, khổ cực, vượt qua những rừng thiêng nước độc, đầy độc xà ác thú rình rập. Nếu không gặp thú dữ thì họ cũng có thể rơi vào tay những đảng cướp rừng đói khát, giết người không gớm tay chỉ để đoạt lấy một ít lương khô hay vài bộ quần áo đã rách nát. Nhưng dù biết vậy người hành hương vẫn kiên nhẫn tiếp tục cuộc hành trình cho đến một ngày nào đó, đám mây vẫn vũ bao phủ bốn bể bỗng vén lên để lộ ra một bầu trời quang đãng rồi một thung lũng cát vàng chói lọi xuất hiện dưới ánh mặt trời…

Người hành hương sẽ quên hết mệt mỏi, quên hết mọi gian nan hiểm trở vừa trải quabiết mình đã đến ngưỡng cửa bình nguyên Kailas. Từ đây họ sẽ bỏ lại thế giới bên ngoài để bước chân vào một thế giới mới lạ đầy những rung động thanh cao. Nếu lối đi cũ là những đường mòn nhỏ hẹp, trơn trượt, đầy rong rêu ẩm ướt thì con đường mới là những cánh đồng rộng rãi, khô ráo đầy kỳ hoa dị thảo. Có hàng ngàn các loại cây cỏ lạ lùng không đâu có, nhiều cây có những dược tính đặc biệt mà chỉ những y sư Tây Tạng mới biết cách bào chế và sử dụng. Không khí miền này lúc nào cũng dìu dịu một mùi hương kỳ lạ khiến người ta cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo lạ thường. Có nhiều dòng suối nhỏ nước trong vắt nhìn suốt đến tận đáy với những loại thủy tộc lạ lùng như một giống cá màu sắc chói lọi mà người Tây Tạng tin rằng có khả năng chữa bách bệnh. Dĩ nhiên không ai đến đây để bắt cá vì đa số các người hành hương đều kiêng cư sát sinh và dân chúng trong vùng thì tin rằng sinh vật nơi đây đều được che chở bởi các thần linh, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề. Thỉng thoảng sau những trận bão lớn, người ta mới dám đi nhặt xác cá bị sóng đánh bật lên bờ. Những xác cá này được pha trộn với một số rễ cây để làm thuốc và được coi là có nhiều công năng vô cùng hiệu nghiệm. Quanh hồ còn có nhiều loại chim lạ màu sắc rực rỡ nhưng đặc biệt nhất là một giống hạc trắng rất đẹp gọi là Hansa. Năm 1958, tôi đưa bức hình chụp loài chim này cho một giáo sư chuyên môn xem, ông này tra cứu sách vở mãi cũng không sao phân loại được chúng sau cùng ông kết luận rằng có lẽ các loài chim này chưa hề được nghiên cứu và phân loại.

Trong số những người hành hương Kailas có kẻ đi không trở lại. Có lẽ họ đã bỏ xác trong rừng sâu núi thẳm hoặc sau khi đến đây, họ quyết định tìm một hang động nào để ẩn tu chứ không muốn về nữa. Nhưng với những người đã trải qua muôn vàn khó khăn đến Kailas và trở về thì cuộc hành trình này qủa là một kinh nghiệm tâm linh cao quý không ngòi bút nào có thể diễn tả được. Cuộc đời của họ hoàn toàn thay đổi từ lúc đó, họ trở nên một người mới, một người sở hữu những sức mạnh lạ lùng được hun đúc bằng đức tin, bằng kiên nhẫn, và bằng cái kinh nghiệm tuyệt vời mà họ đã thu thập được trong chuyến hành hương tại đây.

Những ai đã từng đứng trên đèo Gurla nhìn xuống bình nguyên Kailas đều có một cảm giác lâng lâng khó tả như nhau. Mặc dù còn phải đi thêm mấy ngày nữa mới đến chân núi Kailas nhưng ai nấy đều như quên hết mệt mỏi, chân họ như mọc cánh, người họ như được trợ lực bởi một sức mạnh lạ lùng ở đâu rót vào. Người nào cũng đứng ngây ra, nước mắt ràn rụa: chính giữa bình nguyên xanh ngắt, một ngọn núi sừng sững vươn lên như một cái đền, đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng tinh khiết, tự nhiên trong một giây phút diễm ảo kỳ lạ nào đó, cái hình ảnh mơ hồ vẫn ám ảnh tâm tư họ bao lâu nay bỗng nhiên thành sự thật. Mộng và thực hòa nhập thành một, cái ước vọng thầm kín, cái cảm giác thiếu thốn trong nội tâm họ bỗng trở nên tràn đầy khiến họ như ngụp lặn trong một cảm giác an lạc tuyệt vời. Bắt đầu từ lúc này, cái cảm giác đó sẽ mãi mãi ngự trị trong tâm họ vì tâm đã chuyển hóa, đã được nâng lên một bình diện cao hơn. Họ sẽ nghỉ ở đây vài hôm trước khi tiếp tục cuộc hành trình nhưng họ không còn lo lắng gì nữa. Họ có thể ngả bất cứ chỗ nào vì nơi đâu cũng đầy những cây cỏ thơm ngát. Họ không lo uống phải nước độc như trước mà tự nhiên thưởng thức những làn nước trong lành trong những dòng suối quanh đó, chỉ vài ngụm là họ có thể thoải mái duỗi chân tay, quên tất cả mọi mệt nhọc của chuyến đi. Họ không cần nhặt những cành khô để sưởi ấm vì những tảng đá lớn sau một ngày phơi mình dưới ánh mặt trời đã tỏa ra những luồng hơi ấm áp đưa họ vào một giấc ngủ bình yên. Họ không lo gặp độc xà, ác thú vì quanh đây chỉ có những đàn hươu hiền lành thản nhiên gặm cỏ, những bầy ngựa Kyang lông đỏ chạy nhanh như gió cuốn và những chim chóc màu sắc sặc sỡ hòa tấu những điệu nhạc êm dịu.

Hầu như ai bước vào bình nguyên Kailas cũng đều cảm thấy ngay một rung động thanh khiết lạ lùng, không thể diễn tả. Không ai còn quan tâm đến những vặt vãnh cá nhân, những nhỏ mọn tầm thường của cuộc sống nữa. Tâm hồn người nào cũng bay bổng lên chín từng mây, hòa nhập vào vũ trụ bởi những luồng điện an lành phát ra từ ngọn núi trước mặt. Ngay lối vào bình nguyên Kailas có một đống đá khá cao chạy dài như một bức tường, trên mỗi phiến đá đều có khắc những câu thần chú mà khách hành hương đặt vào đó như một dấu hiệu, một bằng chứng của chuyến hành hương.

Khi cúi đầu đảnh lễ trước bức tường đá đó, tâm hồn ai cũng tràn ngập những niềm phục lạc vô biên. Họ thì thầm cầu nguyện: “Xin cho chúng con giữ gìn mãi mãi cái kinh nghiệm tâm linh cao cả này và xin để nó hướng dẫn con trong cuộc đời hiện tại cũng như những kiếp sống tương lai”. Họ nhặt một phiến đá bằng phẳng, khắc vào đó câu thần chú “Om Mani Padme Hum” rồi cung kính đặt nó lên bức tường. Từ đó cuộc đời họ đã bước sang giai đoạn mới đánh dấu bằng việc đặt lên bức tường một phiến đá thiêng như một viên ngọc sáng. Viên ngọc này sẽ mãi mãi chiếu soi trong tâm thức họ, hướng dẫn họ qua những nẻo tối tăm của vô minh để đưa họ đến bến bờ giải thoát.

Người Tây Tạng gọi bức tường đá này là bức tường ngọc (Mani wall) vì phiến đá sau khi được khắc câu thần chú đã trở nên một viên ngọc quí (Mani stone). Sau khi làm xong nghi thức đạt một phiến đá lên bức tường ngọc, khách hành hương tiếp tục cuộc hành trình dang dở nhưng họ không còn đơn độc nữa. Họ được ràng buộc bởi sợi dây liên hệ vô hình với những người hành hương khác. Có thể họ không cùng tôn giáo, không cùng tông phái, không chia sẻ quan niệm, giáo lý hai nghi thức nhưng họ đều trải qua những hiểm nguy, những thử thách thiên nhiên, cùng chia sẻ một kinh nghiệm tuyệt vời mà rặng Kailas mang lại, từ đó họ vĩnh viễn trở thành những huynh đệ đồng hành trên con đường khám phá chính mình.

Quanh Kailas có nhiều thung lũng nhỏ nhưng ở phía tây của rặng núi, nếu đi từ phía đèo Guria thì người ta sẽ thấy một thung lũng thấp với những sườn núi đá màu đỏ sáng rực. Người Tây Tạng gọi đó là thung lũng của Phật A Di Đà vì hầu như vật gì ở đây cũng tỏa ánh sáng chói lọi. Cạnh đó không xa là một ngọn đèo cao khoảng 18,600 feet gọ là đèo Quán Âm. Khách hành hương kể rằng họ vẫn thấy đức Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện nơi đây, có khi ngài đứng trên một đỉnh cao trong những hào quang rực rỡ, có khi ngài lại xuất hiện như một khách hành hương, tiếp xúc với mọi người, dạy cho họ niệm hồng danh chư Phật. Sau đó ngài biểu hiện thần thông, tạo nên những trận mưa trước khi biến mất. Trên đỉnh đèo còn có một hồ nhỏ, nước rất trong gọi là hồ Từ Bi (Thugie Chempoi Hso, Lake of the Compadonate ). Từ đây người ta có thể nhìn thấy hồ Manasarova ở phía đông (nơi mặt trời mọc) và hồ Rakastal ở phía tây (nơi mặt trời lặn). Quanh hồ Manasarova có nhiều tu viện, khách hành hương thường quy tụ quanh đây nhưng qua đây thì lại trống trơn không một bóng người. Người ta đồn rằng quanh hồ này có nhiều ma qủy, chỉ các đạo sĩ đạo mới đến đây luyện bùa phép mà thôi. Trong thời hành hương tại đây, tôi không nhìn thấy một người nào bén mảng quanh Rakastal cả nên sự thật ra sao cũng khó thể kết luận. Dù thế nào chăng nữa, sự liên hệ giữa các động lực tốt và xấu, lành và dữ, sáng và tối, mặt trờimặt trăng, ý thứcvô thức, âm và dương, không và có, bao giờ một mật nghĩa vô cùng huyền bí và chỉ những ai quán triệt được nó mới có thể hiểu được sự linh thiêng của đỉnh Kailas.

Trong hai hồ thì Raskatal nằm ở vị trí tương đối thấp hơn nên nước hồ Manasarova vẫn chảy vào đây theo một lạch nhỏ uốn cong theo chân núi. Phong cảnh Raskatal đẹp không thua gì Manasarova nên thât khó giải thích được sự khác biệt cho đến khi người ta đến sát ven hồ Raskatal. Vì một lý do gì đó tôi có cảm tưởng rờn rợn và khó chịu làm sao tuy không nhìn thấy một điểm gì khác thường. Phải chăng những người hành hương khác cũng cảm thấy vậy nên không dám bén mảng quanh đây khiến Raskatal đã trống trải lại còng vắng vẻ quạnh hiu hơn nữa. Theo ý tôi thì Raskatal là một trong những nơi đặc biệt chứa đựng những điều bí mật không ai hiểu tuy người ta vẫn cảm thấy có một cái gì kỳ lạ khác thường.

Sau khi nghỉ ngơi vài hôm để dưỡng sức, khách hành hương bắt đầu chuyến đi vòng quanh chân núi Kailas. Chuyến đi này được gọi là Parikrama hay “vòng luân hồi” vì nó được ví như chu kỳ một kiếp sống. Đây là mục đích chính của chuyến hành hương vì trong chuyến đi này, người ta sẽ nghiệm được những điều mà không sách vở nào có thể chỉ dạy.

Người ta luôn luôn bắt đầu đi từ phía nam ngọn núi và khởi hành đúng ngọ, vì nó tượng trưng cho giai đoạn giữa cuộc đời, khi con người đã hiểu biết, từng trải và ý thức rõ rệt hành động của mình. Phía nam của ngọn Kailas là những đồi cát thoai thoải chạy dọc theo bình nguyên vị trí những đồi cát này luôn luôn thay đổi bởi những luồng gió khiến người ta có cảm tưởng như đang bước vào một đàn tràng Mandala với những màu sắc, biểu hiện huyền bí. Tôi nghe nói rằng nếu biết trì tụng những bài thần chú khẩu truyền đặc biệt, người ta sẽ kinh nghiệm được những điều mà một người tu thiền phải trải qua nhiều năm công phu tu tập mới ngộ được.

Nếu tiếp tục đi cho đến xế chiều thì người ta sẽ bước chân vào một thung lũng hẹp với nhiều tảng đá đỏ sừng sững như những lâu đài, dinh thự. Chính giữa lối đi là những đồi cát vàng sáng chói: thung lũng của đức Phật A Di Đà, thường khi đó mặt trời đã lặn về phương tây chỉ còn để lại nơi cuối chân trời những giải mây đỏ rực làm tăng thêm vẻ đẹp của thung lũng. Có những làn gió nhẹ thổi qua khiến những giải cát di chuyển lăn tăn làm người ta liên tưởng đến sự vô thường của cuộc đời, đến sự luân hồi quay cuồng tái diễn mãi không thôi. Người hành hương được khuyên nên tập trung tư tưởng để suy ngẫm về cuộc đời, về những khổ đau, về sự chết, về thế giới bên kia và sự tái sinh. Họ suy ngẫm về nguyên nhân của luân hồi, tại sao con người lại bị ràng buộc vào vòng luân hồi v.v… Sau khi suy ngẫm một cách thấu đáo, có thể họ sẽ phát những hạnh nguyên rộng lớn như quyết tâm tu hành để được giải thoát ra khỏi vòng sinh tử.

Nếu tiếp tục lẫm lũi đi suốt đêm cho đến sáng thì người ta sẽ đến một đèo cao, ẩn hiện sau những giải mây trắng. Người hành hương ý thức rằng họ đang bước vào một thử thách cuối cùng. Họ đã suy nghẫm về sự chết, về vòng luân hồi, về những khổ đau cũng như nguyên nhân của đau khổý niệm về bản ngã. Muốn giải thoát, người ta phải biết cởi bỏ cái bản ngã này, nhưng cởi bỏ không phải từ bỏ không phải từ bỏ hay phủ nhận bản ngãtrái lại phải chuyển hóa nó. Nhưng phải chuyển hóa như thế nào? Giữa đường đèo có một phiến đá lớn bằng phẳng như một tấm gương người Tây Tạng gọi là gương Yama (Mirror of Yama). Yama vừa là thần chết, vừa có nghĩa là những sự bí mật, đôi khi Yama còn được coi như vị thần ghi chép tất cả mọi sự việc xảy ra trên thế giới này. Chính tại đây người hành hương bắt đầu ngồi xuống để hồi quang tự kỷ, để suy nghĩ về những hành vi qúa khứ của mình, để quán xét về hành động, lời nói hay tư tưởng của mình, để quán xét về hành động, lời nói hay tư tưởng của mình từ trước đến nay. Tại đây người hành hương quán xét về sự liên hệ của họ với những người chung quanh, người thân thuộc và những người không quen biết, người họ yêu cũng như người họ ghét và đào sâu vào nội tâm để tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ yêu, vì sao họ ghét, vì sao họ lại hành động như họ đã hành động. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, họ có thể kết luận rằng sở dĩ họ đã hành động như vậy vì thiếu ý thức, vì bản ngã hoặc một động năng nào đó v.v… Sau khi hiểu rõ được nguyên nhân, họ bắt đầu nghi thức sám hối, cầu nguyệntự hứa sẽ ăn năn, thay đổi. Người Tây Tạng tin rằng hành động sám hối có thể xóa sạch mọi tội lỗi nếu từ đó trở đi người ta không tái phạm nữa.

Một khi đã ý thức thật rõ rệt nguyên nhân của hành động trong qúa khứ và biết ăn năn tội lỗi thì cuộc đời của họ đã được chuyển hóa, đã vượt lên một bình diện khác không còn một mặc cảm tội lỗi nào nữa. Người ta thường để lại nơi đây một lọn tóc, một mảnh vải nhỏ xé từ áo ra hay một vật gì để tượng trưng cho việc dứt bỏ những việc đã qua. Sau đó họ bắt đầu leo lên những dốc núi thoai thoải cho đến khi lên đến đỉnh đèo thì sẽ thấy một hồ nước trong vắt: Hồ Từ bi. Khách hàng hương thường rửa mặt trong hồ này như một hành động xóa sạch những ưu phiền qúa khứ. Người Tây Tạng tin rằng nước hồ xuất phát từ tịnh bình của đức Quán Thế Âm nên có công hiệu xóa sạch mọi phiền não, khổ đau và an ủi những người còn sợ hãi.

Sau khi nghỉ ngơi nơi đâu ít lâu chờ mặt trời mọc khách hành hương bắt đầu đổ dốc để xuống bình nguyên Aksobhya chuyến đi này tượng trưng cho sự tái sinh trở lại thế gian nhưng lần này người hành hương không còn sợ hãi nữa. Họ đã hiểu biết chính mình, ý thức việc làm của mình và đã chuyển hóa lòng ích kỷ thành tình thương vị tha. Họ biết mình trở lại thế gian để phụng sự, để cứu độ chúng sinh, để tu hành, để thực hành những điều đã chứng ngộ, để áp dụng những nguyên tắc đã học hỏi chứ không phải trở lại một cách thụ động, để lặn ngụp trong sinh tử luân hồi nữa. Người Tây Tạng tin rằng quanh hồ Kailas có rất nhiều hang động của các vị Phật, Bồ Tát đang tu hành, do đó bình nguyên này đã thấm nhuần các luồng tư tưởng tốt lành mà trở nên thiêng liêng. Một người hành hương biết hướng tâm lên những điều cao thượng tốt lành sẽ được chư Phật, chư Bồ Tát chứng giám, sẽ nhận được sức gia trì của các luồng thần lực này.

Trước khi bước vào bình nguyên Aksobhya, người ta còn đi qua một hang đá lớn cây cối um tùm, nơi ngày trước vị thánh Tây Tạng đức Milarepa đã tu ở đó. Milarepa là một nhân vật lịch sử được người Tây Tạng vô cùng sùng kính. Có nhiều huyền thoại thêu dệt quanh cuộc đời vị này mà người ta có thể kể từ ngày này qua ngày khác như kể chuyện cổ tích vậy.

Người ta nói rằng một hôm Milarepa đang tu tại đây thì gặp một pháp sư đạo Bon đến thách thức. Vị pháp sư này khoe rằng ông luyện được phép khinh công tuyệt đỉnh và thách Milarepa chạy đua lên đỉnh Kailas. Milarepa nhận lời nhưng khi vị pháp sư kia quay mình phóng vùn vụt trên những vách đá dựng đứng thì Milarepa vẫn ngồi yên trong tư thế thiền định, không hề nhúc nhích. Khi chạy gần đến đỉnh nủi, vị pháp sư kia quay lại thì nhìn thấy Milarepa ngồi yên, ông này yên chí rằng mình đã thắng cuộc vì Milarepa dù tài giỏi đến đâu cũng không thể bắt kịp nữa. Lúc đó mặt trời vừa mọc, những tia nắng đầu tiên bắt đầu rọi trên đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng. Milarepa tập trung tư tưởng hòa mình vào luồng sáng nữa nên chỉ trong chớp mắt ông đã đứng sững trên đỉnh núi rồi. Thấy vậy, vị pháp sư kia kinh hãi suýt ngã nhào xuống vực nếu Milarepa không nhanh tay đỡ lấy ông ta. Cuộc đời của Milarepa là một tấm gương hy sinh, nhẫn nại, can đảm, chịu đựng phi thường để cầu đạo. Ông là một tu sĩ huyền thuật, có nhiều pháp thuật cao cường nhưng ông ý thức được hành động của mình nên đi tìm Marpa, một đạo sư Mật tông trứ danh để cầu đạo giải thoát. Trải qua nhiều biến cốthử thách, ông đã đạt đạo quả. Ông thu nhận học trò và làm rạng danh dòng tu Kargyupa. Phần lớn học trò của ông đều mặc áo rách (Repas), ẩn mình nơi chốn hoang vu, cô tịch để trì tụng những bài thần chú khẩu truyền, để quán tưởng hoặc trì niệm danh hiệu Lạt Ma Ajo mà tôi đã đề cập ở chương trước.

Người ta nói rằng vì Milarepa chỉ ăn rong rêu qua ngày nên da thịt của ông trở nên xanh xám như màu rêu. Ông thường nấu rong rêu trong một cái nồi bằng đất cho đến khi cái nồi này cũ qúa đã thủng cả đáy, không sử dụng được nữa. Thay vì ngồi tiếc cái nồi đất, ông đã cảm khái làm một bài thơ ngụ ý nói rằng ngay cái nồi thủng đáy đó cũng là một vị thầy của ông vì nhờ nó mà ông ý thức rõ hơn được rằng tất cả mọi vật trên thế gian đều vô thường, không có gì thể trường tồn mãi mãi, do đó người ta cần tận dụng mọi hoàn cảnh để lo tu hành hầu thoát khỏi tử sinh luân hồi. Người Ấn Độ tin rằng Milarepa chính là hóa thân của thần Shiva vì vị thần này cũng có thân thể màu xanh như vậy. Milarepa ngàn bài thơ, bài hát bất hủ. Hầu như người Tây Tạng nào cũng đều thuộc lòng nhiều bài thơ, bài hát của ông. Khi đi ngang qua hang động của Milarepa, nhưng người hành hương đã ngưng lại đó để ca hát hoặc ngâm lại những bài thơ của ông như để tán thán tinh thần phóng khoáng, vô úy của một bậc thánh.

Thung lũng Aksobhya có nhiều tảng đá màu sắc long lanh đẹp đẽ, hai bên thung lũng là ngọn đồi lớn, một ngọn đồi có nhiều cổ thụ thân rất to gọi là đồi của đức Bồ Tát Văn Thù; ngọn đồi kia tương đối bằng phẳng hơn với những thảm cỏ màu xanh biếc được gọi là đồi của đức Bồ Tát Phổ Hiền. Người Tây Tạng tin rằng một khi đã chuyển hóa, đã trở nên một con người mới, sau khi sám hối và gội rửa mọi phiền não trên đèo Quán Âm, người ta sẽ được hướng dẫn bởi hai Bồ Tát này. Một vị tượng trưng cho trí tuệ, một vị tượng trưng cho hạnh nguyện. Đây là hai động lực vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết cho những ai bước chân vào con đường đạo.

Sau khi vượt qua hai ngọn đồi này, người hành hương trở về khởi điểm là phía nam của rặng Kailas. Cuộc hành hương chấm dứt trước một bảo tháp bằng đá rất lớn thờ đức Di Lặc, vị Phật tương lai của thế giới. Tại đây những người hành hương làm lễ chiếm bái đức Di Lặc và chúc mừng nhau “Sukhe Bhavanthu” (Hẹn cùng nhau tinh tấn tu hành để trọn thành Phật đạo).

Trong khi hành hương tại bình nguyên Kailas, tôi nghe nói có lối tắt băng qua những rặng núi phía đông vào xứ Guge. Dĩ nhiên tôi rất mừng vì từ lâu tôi vẫn có ý định tìm đến Tsaparang. Sau khi thu tập các dữ kiện cần thiết, tôi nhập bọn với một đoàn khách hành hương đang đi về phương đông. Trải qua mấy ngày đường không thấy một làng mạc nào, chúng tôi đi ngang một tu viện nhỏ nằm khuất trong hẻm núi. Tu viện này được đục sâu vào lòng núi nhưng bức tường quanh nó được xây bằng đá trắng nổi bật giống như những ngôi đền Ai Cập. Người trưởng đoàn cho biết tu viện này mới được xây cất khoảng chục năm nay như những tu viện khác, tôi không thấy một tu sĩ nào ra đón tiếp, bốn bề yên lựng như tờ. Vì trời đã về chiều đoàn người dừng chân, ngả trại tại một cái đồi cát gần đó. Tôi bàn rủ vài người vào thăm tu viện nhưng không hiểu sao ai cũng từ chối. Vì đa số đều nói bằng tiếng thổ ngữ địa phương nên tôi không hiểu họ muốn nói gì, sau cùng tôi quyết định đi một mình.

Đó là một tu viện kiến trúc đặc biệt, khác hẳn những tu viện Tây Tạng mà tôi đã đến thăm viếng. Tôi ngạc nhiên khi không thấy một pho tượng Phật hay Hội Pháp nào trước cửa cũng như trong khuôn viên tu viện. Lối đi trải da trắng rất đẹp và sạch sẽ nhưng không hiểu sao bốn bề vắng lặng, không một bóng người. Sau khi đi qua một hàng hiện rộng, tôi nhìn thầyn bức tranh màu sắc sặc sỡ trên vách nhưng đa số tranh này đều lạ lùng, khác hẳn những bức tranh thường thấy. Phải nhìn kỹ lắm người ta mới thấy trên bức tranh đó có vẽ hình các vị Phật nhưng không hiểu sao người vẽ lại cố tình vẽ các ngài rất nhỏ như một nét thuộc mà thôi. Khi bước lên chánh điện, tôi không thấy một pho tượng Phật nào mà chỉ thấy một chiếc ngai to lớn kê sừng sững trên một bực cao. Có một tu sĩ già đang ngồi thiền trên ngai, ông này mặc quần áo may theo một kiểu kỳ lạ, không giống như y phục của các tăng sĩ thường thấy. Sau khi trao đổi vài câu xã giao, tu sĩ mời tôi dùng trà và hỏi tôi muốn gì. Tôi ngỏ ý muốn thuê một ít lừa ngựa và mướn người hướng đạo dẫn qua các hẻm núi xuyên sơn đến vùng Guge, tu sĩ nhếch miệng cười nhạt không trả lời. Trên nguyên tắc, người ta có thể từ chối nếu không thể giúp đỡ gì hoặc ít ra người ta có thể chỉ dẫn, tìm cho chúng tôi một người hướng đạo nào đó. Hành động cười nhạt không trả lời này làm tôi thấy có một điều gì bất ổn. Phải chăng ông này cho rằng tôi là một kẻ du hành bất hợp pháp? Tôi đưa ra giấy thông hành của sứ quán Anh và giấy chiếu khán có đóng dấu của chính quyền Lhassa như bằng chứng rằng tôi là một du lịch hợp pháp. Vừa nhìn thấy tấm giấy của chính quyền Lhassa, vị tu sĩ nổi giận cười gằn và nói rằng ông ta chẳng dính dáng gì đến chính quyền Lhassa và chính quyền này không thể bắt ông giúp đỡ tôi được. Tuy ngạc nhiên, tôi cũng năn nỉ ông nghĩ tình đồng đạo mà giúp đỡ cho nhưng ông ta khoát tay từ chối nói rằng ông không có dư lừa, ngựa cho thuê.

Thấy không khí có vẻ khẩn trương, tôi bèn đổi thái độ ngỏ lời khen ngợi những bức tranh trên vách và cách kiến trúc đặc biệt ít đâu có của tu viện này. Tu sĩ có vẻ hài lòng, ông đưa tôi đến chiếc tủ đựng kinh gần đó như có ý khoe về những bộ kinh mà ông sưu tập được. Tôi nhận ngay rằng đó là những bộ kinh rất lạ, chưa từng nghe thấy tên bao giờ. Vì không có thì giờ xem xét kỹ, tôi chỉ lật qua vài cuốn và ngạc nhiên khi thấy nó ghi chép những bài thần chú chưa từng nghe nói đến. Tôi tự hỏi tại sao giữa một vùng đồi núi hoang vắng lại có một tu viện kỳ lạ như thế này? Vì tu viện này chỉ mới xây cất khoảng vài chục năm nay thì những bộ kinh này phải được di chuyển từ đâu đến chứ không phải đã được lưu trữ từ nhiều thế kỷ như những tu viện xây cất lâu năm. Nếu tu sĩ này tỏ ra không kính trọng chính quyền Lhassa thì ắt ông ta phải có một điều gì bất mãn, chống đối chính quyền của đức Đạt Lai Lạt Ma. Dĩ nhiên một người vào vùng hoang vu để xây cất một tu viện to lớn phải có nhiều tiền bạc hoặc là một đạo sư nổi tiếngthế lực mới hoàn tất được công trình như vậy. Tôi ngỏ ý muốn được xem xét thêm tu viện để chụp vài tấm hình kỷ niệm thì tu sĩ cho biết rằng ông sẽ gọi quản gia đưa tôi đi xem thêm nếu tôi chịu khó chờ đến ngày hôm sau. Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời nhưng khi trở về kể cho nhóm khách hành hương thì người nào người nấy tỏ ra vô cùng sợ hãi. Người trưởng đoàn ra lệnh nhổ trại ngay tối hôm đó và ngỏ ý tiếc không thể cho tôi tháp tùng đi cùng nữa. Tại sao những người này lại có thái độ như vậy? Tại sao vị tu sĩ kia không mời tôi tạm trú trong tu viện như những tu viện khác, dù sao tôi cũng là một tu sĩ kia mà? Tại sao ông ta lại tỏ hằn học với chính quyền Lhassa?

Sáng hôm sau, một người quản gia to lớn, khoẻ mạnh bước đến lều đưa tôi đi coi tu viện. Tu viện này có hai lớp tường khá dầy và cao, một lối kiến trúc độc đáo chưa từng thấy. Thông thường các bức tường tu viện đều thấp chứ ít ai lại xây nó vừa cao vừa dầy như một chiến lũy như vậy. Giữa hai lớp tường có nhiều lối đi nhỏ vòng vo uốn khúc như những mê lộ. Có những tảng đá khắc những các biểu hiểu kỳ lạ bầy ra như một trận đồ bí mật và người ta phải di chuyển theo những cửa ra, cửa vào nhất định. Vị quản gia cho tôi biết lối đi này dành cho tín đồ hành hương sử dụng trong những ngày hội lớn và người ta phải di chuyển theo những lộ trình nhất định. Khi băng qua một cái sân nhỏ, vị quản gia đi ngược chiều quay của kim đồng hồ để qua sân phía bên kia. Đây là một điều bất ngờ vì các tu sĩ Tây Tạng đều được huấn luyện để ý thức từng bước đi, từng cử chỉ và họ luôn luôn di chuyển theo chiều quay của kim đồng hồ như một hành động thuận theo thiên nhiên. Thời gian sống ở Yih Gah Gholin, tôi đã được Kachenla hướng dẫn rất kỹ về cách làm chủ các cử chỉ, hành động này nên nó đã trở nên hành động tự nhiên quen thuộc. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy trừ khi tu viện này không phải là một tu viện Phật giáo như tôi vẫn nghĩ… Đến lúc đó tôi mới ý thức được rằng tôi đang đi trong một tu viện của các tu sĩ Bon Pa.

Bước vào một hang động khá lớn nằm ở cuối lối đi, điều nghi ngờ của tôi đã được xác nhận. Cửa hang có vẽ một chữ Vạn (Swastika) ngược. Chữ Vạn của Phật giáo quay về phía bên phải trong khi chữ Vạn của Bon Pa bao giờ cũng quay về bên trái. Trước khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, Bon Pa là một tôn giáo siêu hình. Sau khi Phật giáo truyền vào đây, Bon Pa trở nên suy yếudần dần biến mất nhưng ít lâu sau nó xuất hiện lại dưới một hình thức khác. Các tu sĩ Bon Pa đã thay đổi giáo lý của họ gần giống như Phật giáo. Họ đã sáng chế ra các “Phật, Bồ tát” riêng của họ như một hình thức cạnh tranh và lồng vào đó các tín điều, các phương pháp tu luyện chú trọng về huyền thuật. Dĩ nhiên các vị “Phật” này không phải những nhân vật lịch sử và có những tên nghe rất lạ. Một số lớn tu sĩ Bon Pa tự xưng đã tu hành thành Phật hay Bồ Tát. Do đó thay vì thờ Phật, họ thờ phụng cá nhân những tu sĩ này như những vị Phật của Bon Pa. cũng vì vậy trên chánh điện thay vì thờ Phật, họ khắc hình các tu sĩ còn sống này với những hào quang rực rỡ, đôi khi họ chỉ để những chiếc ngai lớn dành cho tu sĩ này ngồi để tín đồ qùy lạy xì xụp như một vị Phật sống. Biểu hiệu của Bon Pa là chữ Vạn ngược (giống như biểu hiệu của Đức Quốc Xã) và một bánh xe pháp nhưng bánh xe này có mười ba trục quay thay vì mười hai như của Phật giáo. Tín đồ Bon Pa cũng nhập thất tu thiền nhưng thay vì quán xét nội tâm, ý thức từng hơi thở, từng hành động, từng sự chuyển động của tâm thức để kiểm soát chúng thì họ lại được huấn luyện làm sao cho thần trí mê mệt, thụ động, không tự chủ được nữa để cho một đấng vô hình nào đó nhập vào làm chủ lấy họ.

Trong khi thăm viếng tu viện, tôi luôn miệng khen ngợi cách kiến trúc, các tranh ảnh vẽ rất công phu và nghệ thuật nơi đây nên vị quản gia có vẻ hài lòng lắm. ông cho biết vị trụ trì này có nhiều đệ tử khắp nơi, có người ở xa tận Ấn Độ và họ vẫn tụ tập về đây trong những dịp lễ lớn. Trước đó tu viện của họ xây ở vùng biên giới Ấn Tạng nhưng có những sự đụng chạm với người Hồi. Nhóm Hồi giáo qúa khích đã đốt phá các tu viện Bon Pa nên tu sĩ phải dời về thung lũng này. Công trình xây cất phí tổn rất cao vì phải vận chuyển các vật liệu từ xa vào đây nhưng tu sĩ này có nhiều đệ tử giàu có sẵn sàng ủng hộ nên ông đã hoàn tất được công trình xây cất này.

Khi trở về lều, tôi đang thu xếp hành trang thì thấy tu sĩ trụ trì bước lại. Lần này thái độ của ông khác hẳn, có lẽ ông đã được nghe vị quản gia kể về tôi. Ông hỏi cảm tưởng của tôi và tu viện này và một lần nữa, tôi cho biết đó quả là một công trình xây cất lớn lao, nhất là tại một vùng hoang vắng, không người cư trú như vậy. Tôi khen những tranh vẽ có đường nét sắc sảo, những pho tượng đúc bằng đồng vô cùng công phu và những chiếc ghế chạm trổ, sơn son thếp vàng trông như ghế dành riêng cho các vị vua. Vị trụ trì tỏ ra hài lòng, ông cho biết sẽ giúp tôi tìm một người hướng đạo vì đường đi tắt qua Guge là một con đường độc đạo hết sức khó đi và rất ít ai biết.

Hôm sau có hai người hướng đạo già dắt một bày trâu Yak tìm đến lều của tôi. Họ cho biêt đa số trai tráng đều bận việc đồng áng, chỉ còn những người già yếu không thể cày cấy mới chấp nhận làm hướng đạo. Họ đòi một giá khá đắt nhưng tôi không còn cách nào khác hơn nên đành nhận lời.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32379)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.