11 – Cuộc du hành vào xứ Guge

06/11/201611:10 SA(Xem: 8500)
11 – Cuộc du hành vào xứ Guge
ĐƯỜNG MÂY QUA XỨ TUYẾT
Nguyên tác: The Way of the White Clouds
Tác giả: Lama Anagarika Govinda.
Dịch giả: Nguyên Phong
Nhà xuất bản Hồng Đức

11 – Cuộc du hành vào xứ Guge

Theo dự tính thì chúng tôi sẽ đi về hướng đông nam để đến Kojomor, cửa ngõ vào bình nguyên Langchen Khambab rồi từ đó đến Tholing, thủ đô xứ Guge. Tuy nhiên người ta khó định hướng một cách rõ rệt như khi di chuyển trên đồng bằng mà phải len lỏi qua những khe núi hẹp, nhiều nơi ánh sáng mặt trời không hề rọi đến và nhiệt độ thì lạnh đến mức khủng khiếp. Chỉ nửa ngày sau hai người hướng đạo đã bất đồng ý kiến va cãi nhau ầm ĩ, người thì nói phải rẽ trái, người cho rằng phải đi thẳng mới đúng. Điều này làm chúng tôi vô cùng bối rối không biết phải xử trí như thế nào.

Đường mòn thì quanh co với hàng trăm lối rẽ dọc ngang không biết đâu mà đi, hai người hướng đạo vừa đi vừa tìm kiếm những dấu vết chi đó, nhiều lúc chúng tôi đi vào những ngõ cụt phải lộn trở về chỗ cũ để rẽ vào một lối khác nhưng chỉ ít lâu sau cũng tôi lại thấy mình đang đứng trước những vực thẳm sâu hun hút không thể đi được nữa.

Chiều hôm đó chúng tôi đi ngang một bình nguyên hẹp với hàng ngàn tảng đá to lớn nằm rải rác như bị một bàn tay khổng lồ nào đó bóp nát rồi rải ra một cách bừa bãi. Bốn bề yên lặng không một tiếng động, tuyệt nhiên không thấy một sinh vật nào, ngay cả các loài chim. Hai người hướng đạo giơ tay kêu trời và một lần nữa đổ lỗi cho nhau đã làm lạc đường. Tôi qúa mệt mỏi vì cuộc hành trình nên không còn hơi sức nào cãi vã với họ nữa. Đang định quay trở lại lối cũ thì tôi thấy hai bóng người từ xa đi lại, đó là một tăng sĩ du hành và một đứa bé hành khất. Gặp chúng tôi họ mừng rỡ xin nhập bọn vì họ cũng đang lạc lối. Tất cả quyết định căng lều tạm trú để chờ sáng mai sẽ tìm đường ra khỏi bình nguyên này. Đêm hôm đó nhiệt độ xuống đến mức không thể chịu nổi, ai nấy co ro trong chiếc chăn dầy mà răng còn đánh vào nhau lập cập, lạnh đến độ không thể há miệng ra nói được nữa. Những bình nước dự trữ mang theo đều đông thành đá, chiếc lọ nhỏ chứa một ít nước thiêng múc ở hồ Manasarova cũng đông cứng làm nứt cả bình chứa. Tôi biết rằng nếu không tìm được một làng mạc nào để hỏi phương hướng thật rõ rệt thì khó có thể tiếp tục kéo dài chuyến đi này.

Trời vừa tảng sáng vị tăng sĩ du hành đã thức dậy sớm để chuẩn bị các nghi thức cầu nguyện. Trong khi chúng tôi lạnh run, không ai đủ can đảm chui ra khỏi tấm chăn dầy thì vị tu sĩ thản nhiên bầy các khí cụ và xếp bằng ngoài trời để đọc kinh cầu nguyện. Đến lúc đó tôi mới biết vị du tăng và đứa bé hành khất mỗi người chỉ có độc một tấm chăn thô sơ đắp trên mình chứ không được diễm phúc có những tấm nệm ngủ dầy như của chúng tôi. Tiếng đọc kinh trầm trầm cùng tiếng mõ đều đặn làm tôi thấy tỉnh táo hơn, tôi thu hết can đảm ngồi dậy và bắt đầu đọc kinh theo. Sau buổi lễ chúng tôi quyết định nhổ trại lên đường, tôi băn khoăn không biết có nên trở lại lối cũ hay không, nhưng sau cùng một động năng nào đó đã thúc đẩy tôi tiếp tục dấn bước.

Thật khó có thể diễn tả được cái cảm giác đi mà không rõ mình sẽ đến đâu. Hai người hướng đạo luôn luôn cãi nhau, nhờ thế ngồi mới biết rằng họ cũng chỉ nghe nói đến lối đi tắt này thôi chứ chưa hề có kinh nghiệm thực sự. Họ nghĩ rằng nếu đã có đường đi thì họ có thể tìm được những dấu vết. Tuy nhiên người ta không thể trông cậy vào khả năng tìm dấu vết hay một thức giác quan thứ sáu nào đó mãi được nên họ cứ tiếp tục bất đồng ý kiến và chúng tôi cứ lầm lũi đi mãi trong những khe núi hẹp, không sao định được phương hướng nữa. Vị du tăng cho biết ông muốn tìm đến một ngôi chùa cổ trong vùng nhưng lạc lốiquanh quẩn trong thung lũng đã mấy hôm nay. Đứa bé hành khất thì theo chân một đoàn khách thương với hy vọng sẽ được hưởng ít cơm thừa canh cặn, nhưng sau khi đi được vài hôm, đoàn người đã lợi dụng lúc nó ngủ say bỏ nó ở lại.

Chúng tôi vừa đi vừa để ý tìm những dấu vết của đoàn khách thương nhưng vô ích, khắp nơi đều tĩnh lặng, vắng vẻ, tuyệt nhiên không có một dấu vết gì. Vượt qua một đỉnh núi khá cao, chúng tôi bắt đầu đổ dốc để xuống một thung lũng cây cỏ xanh rì. Càng đi, lối mòn càng trở nên dốc hơn, chúng tôi phải bỏ lừa đi bộ vì vách núi gần như dựng đứng. Dần dần chúng tôi đi như chạy vì bị lôi cuốn bởi độ nghiêng của vách núi. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì chỉ xẩy chân là người ta có thể ngã lộn xuống vực sâu hun hút. Đã thế nếu bị trẹo chân hay gẫy xương thì chỉ có nước chết vì không ai có thể cõng một người khác đi trên vách núi dựng đứng như vậy. Về sau tôi mới biết đây là điều tối kỵ của những người leo núi vì một khi đã xuống đến đáy thung lũng, người ta không thể trở lại lối cũ được nữa. Dĩ nhiên một người hướng đạo giỏi không bao giờ hướng dẫn đoàn người đi một cách liều lĩnh như vậy vì đâu ai biết vách núi sẽ dựng đứng đến mức nào mà mạo hiểm trèo xuống, nhưng như tôi đã nói, hai người hướng đạo tôi thuê đều là những người không hề có kinh nghiệm. Chúng tôi hy vọng có thể đi dọc theo những dòng suối nhỏ dưới đáy thung lũng để tìm lối ra, nhưng khi xuống đến nơi mà chúng tôi tưởng là đáy thung lũng thì tôi mới biết mình đã lầm. Đó chỉ là một bình nguyên hẹp nhô ra trên sườn núi mà thôi. Trước mặt chúng tôi là một vực sâu không đáy với vách đá dựng đứng 90 độ, không ai có thể leo xuống được. Tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi đứng lặng người không biết nói sao, hai người hướng đạo cũng quá mệt để tiếp tục cãi nhau.

Đang lúc thất vọng, tôi bỗng thấy một người chăn cừu dẫn đoàn cừu ở đâu xuất hiện. Chúng tôi mừng rỡ hò hét vang nhưng cổ họng người nào người nấy đau buốt, không ai thốt lên được tiếng nào mà chỉ ú ớ nói không ra lời. Nhờ người chăn cừu chỉ lối, chúng tôi mới tìm ra được một lối đi hẹp dẫn xuống đáy thung lũng nằm khuất sau một tảng đá lớn. Hơn lúc nào hết tôi nhận thức rằng người ta không thể mạo hiểm đi trong những rặng núi hiểm trở như thế này mà không có người hướng đạo giỏi. Nếu không gặp người chăn cừu thì dù có tìm cả tháng chúng tôi cũng chưa chắc thấy được lối đi này và tất nhiên người ta không thể sống sót trên một bình nguyên hẹp nằm chơ vơ trong rặng Tuyết Sơn như vậy. Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu phép mầu nào đã giúp tôi đi từ Kailas đến Langchen Khambab với hai người hướng đạo chập chững vào nghề, không kinh nghiệm như hai người này.

Gần đáy thung lũng có một cây cầu treo mong manh bắc ngang một dòng suối nước chảy khá siết, căng bằng hai sợi dây thừng lớn đu đưa trên bờ vực. Cây cầu không có chỗ vịn và chòng chành như muốn đứt. Đến khi đó tôi mới thấy hai người hướng đạo này hữu dụng một chút. Họ thong thả dỡ hành lý và thay phiên nhau khuân qua bờ bên kia. Nhìn họ thản nhiên đi trên cầu mong manh tôi mới bắt đầu khâm phục sự bình tĩnh của họ. Dĩ nhiên lũ trâu Yak không thể đi trên cây cầu căng bằng hai sợi dây thừng như vậy nên họ tiếp tục lùa bầy trâu xuống đáy thung lũng rồi xua trâu lội qua suối bằng cách vừa ném đá vừa hò hét. Mặc dù nước chảy xiết nhưng lũ trâu khoẻ mạnh cũng lội qua được. Sau cùng đến lượt tôi run rẩy leo qua cầu vừa đi tôi vừa lẩm bẩm cầu nguyện. Khi đó tôi mới ý thức lý do tại sao người Tây Tạng thường treo cờ quạt có viết những bài thần chú lên những cây cầu. Người dân xứ này tin tưởng vào sức mạnhhiệu lực che chở của những bài thần chú này còn hơn sự vững chắc của cây cầu. Sống giữa thiên nhiên, họ ý thức rõ rệt sự nhỏ bé, bất lực của con người nên họ đã hoàn toàn đặt sinh mạng mình dưới sự kiểm soát, che chở của các quyền năng thiêng liêng.

Phía bên kia cầu là một thung lũng tuyệt đẹp, cây cối xanh tươi, khí hậu ôn hoà. Vì nằm sâu trong khe núi nên thung lũng này được che chở, không gặp những luồng gió lạnh. Tiếng chim chóc ca hót vang lừng làm chúng tôi quên cả nhọc mệt. Thật khó có thể tưởng tượng giữa những rặng núi gập ghềnh lại có một thung lũng tuyệt đẹp như vậy, bên cạnh những hàng thông xanh rì là những cây Sơn Lựu (Rhododendron) trổ hoa đủ màu sắc. Có những đại thụ hàng ngàn năm, thân to bằng chục người ôm cao ngất. Vượt qua khu rừng đại thụ là một bình nguyên rộng với những ngọn đồi thấp trồng trà, từng đoàn người vừa hái trà vừa hát những bài dân ca, âm thanh du dương vang lừng trong gió. Khí hậu nơi đây ẩm ướt nên không gian mờ mờ ảo ảo như được che chở bởi một màn sương mỏng. Trong cuốn tiểu thuyết Lost Horizon, văn sĩ James Hilton đã nói về một thung lũng mà ông gọi là Sangri La, nơi chứa đựng nhiều sự huyền bí lạ lùng, người sống tại đó kéo dài tuổi thọ đến cả trăm năm… Tuy chỉ là truyện giả tưởng và sự thật thì James Hilton chưa bao giờ qua Tây Tạng, nhưng với trí tưởng tượng vô cùng phong phú ông đã diễn tả gần đúng cảnh tượng trước mặt mà tôi đang chiêm ngưỡng. Về sau tôi được biết trong rặng Tuyết Sơn có rất nhiều thung lũng nằm khuất sâu trong các hẻm núi nên khí hậu ôn hòa, đất đai mầu mỡ thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi mà rất ít ai biết đến.

Chúng tôi tạm trú trong một làng nhỏ gần đó để nghỉ ngơi và dò hỏi đường đi Tholing. Vì có một đoàn khách thương buôn trà ghé ngang trên đường đi Kojomor nên hai người hướng đạo của tôi vội vã tháp tùng họ để trở về làng cũ. Dĩ nhiên tôi không trông mong gì ở hai người hướng đạo như vậy nên vui vẻ trả công cho họ. Vị du tăng và thằng bé hành khất cũng từ giã tôi để theo một lộ trình khác. Chúng tôi tạm dừng chân nơi đây thêm ít hôm để đi Li Gotami có dịp nghỉ ngơi và chụp một số ảnh làm tài liệu. Sau đó chúng tôi theo một đoàn khách thương khác đi về hướng Tholing.

Đoàn khách thương chỉ đưa chúng tôi đến Dawa Dzong, một làng nhỏ không xa Tholing bao nhiêu. Đây là một làng gần như bỏ hoang nằm sát chân một ngọn núi lớn. Dân cư nơi đây thưa thớt nghèo nàn, đa số sống bằng nghề chăn nuôi. Hầu hết nhà cửa trong làng đều đổ nát xiêu vẹo, nhiều căn chỉ còn trơ lại cái nền bằng đất với những cột kèo mục nát. Vì một lý do gì không rõ, dân chúng tại đây đều sống chui rúc trong những đám gạch vụn đó, không ai chịu xây cất lại hay xếp đặt cho tươm tất hơn. Phần lớn căng lều dựa vào những bức tường gạch còn sót lại hoặc đào những cái hố dưới lớp gạch đá đổ nát ngổn ngang làm chỗ trú. Không khí nơi đây ảm đạm một cách lạ lùng, mọi người không tỏ ra thân thiện như những nơi tôi đã từng ghé qua. Họ yên lặng một cách chịu đựngthản nhiên tiếp tục công việc hàng ngày không buồn chú ý đến hai người khách lạ vừa ghé ngang. Tôi có cảm tưởng dường như có một áp lựcđè nặng lên cuộc sống nơi đây, một áp lực xuất phát từ qúa khứ, một thứ qúa khứ vàng son đã qua nay chỉ còn những dư âm đầy nuối tiếc. Rải rác đó đây là những ngọn tháp cổ xây bằng đá bám đầy rong rêu, phải chú ý thật kỹ người ta mới đọc được những hàng chữ ngoằn ngoèo khắc trên đó, nhờ thế tôi được biết những ngọn tháp này đều được xây cất từ thế kỷ thứ 14. Sát chân núi có một ngôi chùa cũ tường xiêu vách nát, duy chỉ có một chiếc mái tương đối còn nguyên vẹn nhô cao lên. Bước vào chùa, tôi thấy có nhiều căn phòng nhỏ vuông vức xây dọc hai bên những hành lang dài, đó là những mật thất dành riêng cho các tăng sĩ tĩnh tu. Dĩ nhiên các phòng đều bỏ trống từ lâu, rong rêu bám đầy, quang cảnh tiêu điều đổ nát.

Chiều hôm đó trong khi đang đi thiền hành quanh sân chùa thì một vị Lạt Ma già khuôn mặt khắc khổ đầy những vết nhăn ở đâu xuất hiện. Ông ta chỉ khẽ gật đầu đáp lại lời chào hỏi của tôi rồi im lặng nhìn tôi thong thả đi quanh chùa mà không nói thêm lời nào. Khi thấy tôi đi ngang qủa chuông quay vừa niệm chú vừa lấy tay đẩy nhẹ quả chuông, ông mới lên tiếng:

Phải chăng ông cũng là một Lạt Ma? Tôi trông ông không giống như người xứ này nhưng nếu là một Lạt Ma liệu ông có thể đọc kinh sách được không?

Dĩ nhiên tôi đọc được chứ.

Vị Lạt Ma nhặt một quyển sách cũ nát nằm cạnh bàn thờ giơ ra trước mặt tôi:

– Nếu vậy ông đọc thử đoạn này xem sao?

Tôi cầm lấy quyền sách và bắt đầu đọc lớn:

– Muốn học đạo Bồ Tát, việc đầu tiên là phải biết phát các hạnh nguyện rộng lớn rồi tìm cách thân cận với các bậc thiện tri thức để học hỏi. Những ai muốn thực hành Bồ Tát đạo, tự nguyện đi trên con đường phục vụ chúng sinh thì tâm phải rộng, trí phải sáng, phải biết chiến thắng các chướng ngại, gột sạch tâm hồn, vượt ra ngoài vòng sai biệt ước lệ để trở thành một con người mới. Khi tâm đã thanh tịnh trông thấy được chư Phật. Khi trí tuệ đã thanh tịnh thì cơ thể biết rõ được mọi công đức không thể nghị bàn của chư Phật. Khi tai đã thanh tịnh thì nghe rõ được các điệu âm của chư Phật chuyển pháp luân trong tam thế. Khi tâm không còn phân biệt thì thấy rõ chư Phật xuất hiện ở khắp các đạo tràng, chẳng còn tùy thuộc vào không gian hay thời gian….

Khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ của vị lạt ma bỗng trở nên rạng rỡ, ông run run nắm chặt lấy tay tôi như vừa gặp lại một người thân:

– Này ông bạn, chúng ta cùng đi trên một con đường.

Chúng tôi yên lặng nhìn nhau, không ngôn ngữ nào có thể giải thích được cái cảm giác lạ lùng mà chúng tôi chia sẻ với nhau trong lúc đó. Tại ngôi làng hoang vu đổ nát với những người dân chập chờn sống như những cái bóng, trong bầu không khí tĩnh mịch đến lạ lùng này, tôi đã gặp và chia sẻ kinh nghiệm với một người bạn. Cho đến không bao giờ tôi quên được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đầy những vết nhăn của vị Lạt Ma vô danh đó.

Rời Dawa Zong, chúng tôi phải vượt qua mấy ngày đường nữa mới đến Tholing. Lúc đầu tôi lo ngại rằng nơi đây có thể không được như điều tôi nghĩ, biết đâu nó chẳng đổ nát điêu tàn như Dawa Zong? Nhưng tôi đã lầm. Vượt qua một hẻm núi, tôi thấy trước mặt là một bình nguyên rộng rãi với nhà cửa san sát, sừng sững trên ngọn đồi nhỏ là một tu viện đục sâu vào lòng núi: Tsaparang.

Dưới ánh sáng mặt trời rạng rỡ, Tsaparang đã đến với tôi như một giấc mơ. Thật khó có thể diễn tả cái cảm giác ngây ngất của tôi khi đứng trước cảnh tượng này. Từ lâu nay tôi vẫn ao ước có dịp đến Tsaparang, nơi Hòa thượng Tomo nhận thức được sứ mạng linh thiêng cao quý của mình, nơi câu chuyện về bông hoa sen vô danh mà ngài kể vẫn hằng in trong ký ức tôi. Tôi im lặng chiêm ngưỡng cảnh vật mà lòng dâng lên một nỗi niềm khôn xiết. Tại đây không người cư ngụ nhưng dù sao nó cũng là thủ đô của xứ Guge với những đại lộ to lớn bên cạnh những đền đài, cung điện. Dĩ nhiên tất cả đều đổ nát hoang tàn vì cuộc nội chiến từ nhiều thế kỷ trước. Dấu vết cuộc chiến vẫn còn rõ rệt qua những vết đạn thủng lỗ chỗ trên những bức tường đá, những căn nhà bị cháy rụi còn trơ lại những cây cột nám đen.

Con đường mòn dẫn lên đồi Tsaparang bị cỏ mọc kín, cổng tam quan cũng chỉ còn là một vài cây cột xiêu vẹo nhưng ngôi chùa tương đối vẫn còn nguyên vẹn. Hình như nó đã được trùng tu lại chút ít nhưng rồi người ta lại bỏ dở công trình này vì Hòa thượng Tomo quyết định sẽ đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp chứ không nhận lời trụ trì tại đây. Chúng tôi dừng chân trên đường lên đồi, trời đã về chiều, chúng tôi muốn tìm một chỗ tạm trú qua đêm trước khi bước chân vào chùa. Tôi cần một thời gian để tĩnh tâm và chuẩn bị các nghi thức cần thiết trước khi bước chân vào một nơi linh thiêng như vậy. Nghĩ lại cuộc hành trình đầy gian nan suốt hai năm qua và hơn mười năm chuẩn bị để đến đây, tôi thấy toàn thân rung động bởi một cảm giác lạ lùng khó tả. Chúng tôi tìm được một căn lều nhỏ của người chăn dê gần đó. Người này vui vẻ đón tiếp chúng tôi và sẵn sàng cho chúng tôi tạm trú ít lâu.

Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều tà, một buổi chiều không thể quên được, tôi đã đặt bút viết vào cuốn nhật ký dòng chữ mà tôi ao ước từ bao lâu này: “Ngày 2 tháng 10 năm 1948, chúng tôi đã đến Tsaparang, giấc mơ ấp ủ từ bao lâu nay đã thành sự thật”. Mục đích chuyến đi của tôi là sưu tầm các di tích văn hóa truyền thống tôn giáo Tây Tạng còn sót lại trong những nơi hoang vu như tại đây. Trải qua nhiều trở ngại như điều kiện địa dư, thời tiết, tình hình chính trị, hoàn cảnh địa phương, nhưng tất cả đều có thể vượt qua nếu người ta bền chí. Theo tôi sự khó khăn hơn cả vẫn là những sự chỉ trích, chế nhạo của moi người xung quanh. Đa số cho tôi là một kẻ mơ hồ dựa trên những truyền thuyết và huyền thoại. Nhưng tôi luôn luôn biết rằng mình không lầm, và đến bây giờ khi giấc mơ đã thành sự thật thì tôi mới hiểu rõ về một linh ảnh khác trước đây.

Lúc đó tôi còn ở Tích Lan, một hôm trong lúc thiền định tôi bỗng thấy mình đứng trước mọt ngôi chùa đổ nát, vách tường cũ kỹ loang lổ mà tôi không rõ là nơi nào. Tôi đang ngậm ngùi trước cảnh tượng đó thì bỗng thấy một vị Phật hiện ra hào quang rực rỡ, trên tay ngài cầm một cây bút lông và một lọ mực. Tôi còn ngơ ngáo chưa biết phải phản ứng như thế nào thì ngài đã nói “Con hãy tiếp tục bảo tồn công trình của ta”. Tự nhiên người tôi bỗng rung động mãnh liệt, tôi ý thức rằng đó là con đường mà tôi phải đi nhưng khi đó tôi không hiểu tại sao ngài lại cầm cây bút lông và lọ mực. Tôi nghĩ rằng sứ mạng bảo tồn Phật pháp là việc dịch thuật các kinh điển từ Pali ra ngoại ngữ chứ không bao giờ tôi nghĩ rằng mình bảo tồn Phật pháp qua ngành hội họa. Chỉ khi đặt chân đến Tây Tạng, nhìn thấy những tác phẩm hội họa, điêu khắc đang bị thời gian phá hủy tôi mới nảy sinh ra ý nghĩ sưu tầm, bảo tồn những tác phẩm này bằng cách họa lại chúng để lưu trữ trong các viện bảo tàng cho người đời sau nghiên cứu. Vì lý do này mà tôi tìm vào những nơi hoang vu, đến những ngôi chùa đổ nát để sưu tầm các tranh vẽ, tác phẩm điêu khắcdĩ nhiên không tại đâu các tác phẩm này lại có nhiều như tại Guge.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm làm các nghi thức hành lễ chu đáo trước khi bước chân vào chánh điện chùa Tsaparang. Tôi cảm thấy ngay một rung động thanh cao không thể diễn tả được khi đứng trong chánh điện đối diện với những bức tranh lớn họa trên vách. Phần lớn những bức tranh này đều còn nguyên vẹn mặc dù thời gian đã bắt đầu gây tác hại. Mái chùa bị dột và nước mưa chảy qua đó thấm vào vách tường làm mờ đi nhiều nét vẽ… Tôi miên man theo dõi những đường nét tuyệt tác của các bức họa trên vách. Mặc dù các bức tranh chiếm trọn nhiều bức tường lớn nhưng chúng được vẽ với những chi tiết hết sức tỉ mỉ. Chỉ một trong một khoảng lớn bằng bàn tay của bức tranh cũng đã chứa hàng trăm nét vẽ li ti vô cùng độc đáo. Đối với những tranh ảnh hai hình chìm nổi, chúng tôi có thể dùng những tấm giấy đặc biệt dán lên đó rồi tô lại bằng bút chì (pencil tracing). Với những bức họa bằng sơn, chúng tôi phải vẽ lại bằng cách dán những tờ giấy mỏng lên trên rồi họa lại (copy) bằng bút lông và mực.

Khi bắt đầu lần theo những đường nét trên bức họa và lẩm nhẩm đọc bài thần chú khẩu truyềnHòa thượng Tomo truyền dạy thì tôi bỗng cảm thấy rung động vì tế lan truyền khắp châu thân. Chỉ trong thoáng giây tôi thấy mình đang có những rung động cùng nhịp với vị họa sư khuyết danh sáng tác nên bức tranh này từ nhiều thế kỷ trước. Tim tôi dường như đập cùng một nhịp với người đó, tôi thấy mình đang kinh nghiệm một cảm giác chân thành, sùng kín và kính cẩn phát xuất từ nội tâm dồn dào của vị họa sư kia. Dường như có một sức cuốn hút mãnh liệt nào đó lôi kéo khiến tôi sống lại cái cảm giác sáng tạo của một người khác. Thời gian dường như ngừng lại, mọi vật đều tan biến vào trong một không gian tĩnh lặng, tai tôi vang vang những điệu âm thần bí. Tôi như người đang ở trong trạng thái mê hoặc (trance) chập chờn sống trong một thế giới huyền bí lạ lùng nào đó. Tôi nhận thức rằng cái cảm giác rung động sâu xa nội tại, cái cảm giác siêu duyệt của một người tu đã chứng đắc có thể được phô diễn ra bên ngoài qua những nét bút của người đó, người đó có thể rung động theo và chứng ngộ được những điều mà vị họa sư này đã chứng ngộ. Nhờ tập trung tư tưởng vào việc làm, nhờ trì tụng những bài thần chú khẩu truyền mà tôi nghiệm được sự hòa nhập tâm thức mình vào tâm thức của những họa sư trong qúa khứ. Tôi thấy mình đang tan biến vào một cái gì tĩnh lặng uyên nguyên. Tôi không ý thức gì về mình nữa mà chỉ thấy những đường nét bay nhảy của các chủng tự huyền bí. Tâm thức tôi như bị thu hút vào một biển ánh sáng bao la tràn ngập khắp nơi với những điệu âm tuyệt vời…

Đến khi đó tôi mới thực sự hiểu được rằng người Tây Tạng đã biết sử dụng tranh ảnh, nghệ thuật điêu khắc để chú giải những kinh điển tối mật, những triết lý mầu nhiệmngôn ngữ thông thường không thể diễn tả được. Theo ý kiến của tôi, những người am tường về hội họa, điêu khắc và thư pháp có thể quán triệt được nhiều bí quyết về Mật tông hơn những bậc học giả chỉ chú trọng về văn tự, nghĩa lý. Điều này có thể giải thích qua sự khác biệt giữa Mật tông và các tông phái khác. Theo các tông phái khác (Đại Thừa hay Tiểu Thừa) thì pháp thân của đức Phậtthể tánh nên không hình danh sắc tướng, không thuyết pháp. Theo Mật giáo thì đức Phật hóa thân thuyết pháp, tự thân đã là pháp thân và có đủ hình danh sắc tướng. Trong khi thuyết pháp, ngoài lời nói (khẩu) của Phật đã được ghi chép lại thành kinh điển, các cử chỉ, tâm ý của đức Phật (Thân, Ý) cũng rất quan trọng. Mật tông chú trọng đến cả ba điều này (Tam Mật) nên các phương pháp tu tập thường sử dụng Ấn quyết (Thân), chân ngôn (Khẩu) và tĩnh tâm để nhập vào đại định Sammadhi (ý). Mật tông tin rằng qua phương pháp tu tập này mà người tu có thể ứng hợp được với cảm ứng toàn vẹn của chư Phật và nhờ phương tiện dẫn độ này mà được thần lực gia trìtu hành chóng thành đạo quả.

Trong suốt ba tháng liền, ngày nào tôi cũng dậy sớm thực hành những nghi thức hành lễ và trì tụng những bài thần chú khẩu truyền trước khi khởi công họa lại những bức tranh trên vách. Mỗi ngày tự rung động của tôi đối với những đường nét càng trở nên mẫn cảm hơn, tôi có thể phân biệt rõ nét vẽ của họa sư này với một người khác. Tôi khám phá rằng đa số các bức tranh đều là công trình tập thể của nhiều người chứ không phải của riêng một. Đây là một điều khác thường đối với quan niệm của người Âu. Phần lớn những nghệ sĩ Tây phương đều sáng tác riêng rẽ, đa số các tác phẩm nghệ thuật đều là những công trình cá nhân nhưng người Tây Tạng thì không như vậy. Khi muốn hoàn thành một tác phẩm vĩ đại, họ tụ họp nhiều người, đa số là những vị Lạt Ma dầy công phu tu hành để làm việc đó. Những người này sẽ thiền định, tập trung tư tưởng vào các tác phẩm mà họ sẽ hoàn tất, có thể một vị trưởng lão sẽ đưa ra quan niệm về hình thức hay đề tài của bức tranh như vẽ lại sự tích của đức Phật chẳng hạn, để những người khác suy ngẫm. Khi khởi công, mọi người đều tự động vẽ ột phần của bức tranh. Vì tâm ý họ đã tương thông nên họ không cần phải phân công, chia việc hay đưa ra những đường nét phác họa chung nữa mà tự động hoàn tất những phần riêng để ráp nối vào một công trình chung. Vì họ đều nhập định (samadhi), trì tụng thần chú, những cử chỉ của họ đều là những ấn quyết nên nét vẽ của họ giống nhau vô cùng, không thấy mấy ai có thể phân biệt. Nói tóm lại, họ không hành động như những cá nhân riêng rẽ mà tất cả đều là một khối chung. Tôi đã sống trong một trạng thái gần như bị “thôi miên” bởi những đường nét sắc sảo tuyệt vời này.

Ngày này qua ngày khác, tôi say mê công việc bất kể thời tiết giá lạnh, bất kể ngày đêm và chỉ tiêu thụ một số lương thực tối thiểu. Nhưng rồi thời tiết trở nên khắt khe hơn, những luồng gió lạnh từ bên ngoài thổi vào làm đông cứng những lọ mực, tay tôi trở nên tê cứng mỗi khi giơ ra chạm vào những vách tường lạnh buốt. Chúng tôi phải đặt những lọ mực dưới chiếc lò sưởi duy nhất đốt bằng phân khô nhưng nó cũng không chịu nổi, chỉ vài nét bút mức đã đông đặc lại ngay. Vì bức tranh qúa lớn, chúng tôi phải dùng những chiếc thang dài leo lên sát nóc nhà để tô lại, và càng gần nóc nhà khí hậu càng lạnh buốt không thể chịu nổi. Cứ sai vài nét họa, tôi lại phải leo xuống đi qua đi lại một lúc cho máu lưu chuyển đều.

Li Gotami cũng gặp khó khăn trong việc chụp lại những hình ảnh trong chùa. Vì ánh sáng tại đây không được phân phối đều, thiếu những ngọn đèn rọi sáng nên mặc dù là một hội viên nổi tiếng của hội nhiếp ảnh Hoàng gia, Li Gotami cũng đành bó tay. Khi đó phim ảnh chưa được tối tân như ngày nay, chụp một tấm ảnh bằng chiếc máy Kadak số 1 series 3 vừa nặng nền vừa mất công. Dưới ánh sáng lờ mờ của những ngọn đuốc, chúng tôi đã cố gắng làm những gì có thể làm vì mục đích của chúng tôighi nhận một cách trung thực những chi tiết, đường nét của những tác phẩm này vào việc nghiên cứu chứ không phải để tạo ra những tấm ảnh nghệ thuât. Có tất cả hơn hai trăm bức tranh tại đây, bức nào cũng là một tuyệt phẩm được giữ gìnbảo tồn từ nhiều thế kỷ trước. Chúng tôi làm việc ngày đêm vì một linh cảm rằng chúng tôi là những người cuối cùng từ bên ngòai được diễm phúc chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt vời này. Trong tình trạng chính trị lúc đó, người Tây Tạng không cho phép bất cứ ai đột nhập lãnh thổ của họ chứ đừng nói đến việc vào những nơi thiêng liêng để họa lại những di tích nghệ thuật mà họ cho là tối linh này.

Mặc dù tôi nghĩ sẽ có đủ thời giờ để sưu tầm, họa lại những tác phẩmtài liệu cất giữ nơi đây nhưng tôi vẫn phập phồng lo sợ những bất trắc có thể xảy ra. Sự hiện diện cuả những người lạ mặt tại một đô thị bỏ hoang này có thể tạo nghi ngờ cho chính quyền địa phương. Biết đâu họ chẳng cho rằng chúng tôigián điệp Hòa thượng cho Trung Hoa, hoặc những con buôn đến để khai quật mưu toan những điều gì mờ ám. Người Tây Tạng chấp nhận việc những di tích hủy hoại bởi thời gian không bao giờ chấp nhận việc người người lạ mặt bén mảng đến những nơi chốn thiêng liêng này.

Điều lo sợ của tôi thành sự thật. Khoảng hai tuần sau khi chúng tôi đến đây thì một ni sư ở đâu xuất hiện. Về sau tôi biết vị này có họ hàng thân thích chi đó với viên quan địa phương. Vị ni sư lập tức chất vấn chúng tôi về lý do mà dù giải thích cách nào bà ta cũng không thể hiểu. Bà đe dọa rằng nếu cũng tôi không lập tức rời khỏi nơi đây thì bà sẽ cho gọi quan quân trong vùng đến ngay. Mặc dù tôi đã đưa tất cả giấy tờ chứng minh nhưng bà vẫn khăng khăng cho rằng không ai có thể bảo đảm những triệt son trên tấm giấy cũ nát đó là xác thực.

Guge là một xứ rộng lớn, hoang vu cách xa với Lhassa nên dĩ nhiên”phép nước phải thua lệ làng”. Trước thái độ quyết liệt của vị ni sư, tôi bèn nghĩ đến Hòa thượng Tomo. Nếu ngài đã hướng dẫn tôi bước vào con đường đạo, đã giúp đỡ tôi vượt qua bao chướng ngại thì hẳn ngài sẽ không từ chối lời cầu xin hiện nay của tôi. Tôi không tin vị ni sư sống tại một vùng hoang vu có thể biết tên Hòa thượng Tomo nhưng dù sao tôi cũng giải thích rằng tôi là đệ tử của Hòa thượng và đến đây chỉ với mục đích sưu tập những tài liệu mà thôi. Vừa nghe đến đó, nét mặt vị ni sư bỗng dịu hẳn lại, bà ta đổi thái độ:

– Tôi đã nghe Hòa thượng Tomo thuyết pháp, đã có lần tôi ghé qua tu viện Dungkar.

Tôi nhắc đến tên một số tăng sĩ tại Dungkar, vị ni sư vội vã hỏi thăm ngay về những người bà ta quen biết. Tôi yêu cầu Li Gotami đem ra những bức ảnh chụp tại Dungkar với các vị này như bằng chứng rằng chúng tôi đã từng tu tại đó. Vị ni sư gật đầu lia lịa, bà kể cho chúng tôi nghe về cuộc du hành đến Dungkar trước đó ít năm và vui vẻ mời chúng tô nếu có dịp ghé qua am thất của bà ta cách đó không xa. Khi đó tôi mới đưa ra pho tượng PhậtHòa thượng Tomo đã trao cho để đeo trên ngực. Vị ni cung kính vái lạy pho tượng rồi ngỏ ý xin lỗi đã làm rộn chúng tôi.

Sau việc này chúng tôi tiếp tục công việc một cách gấp rút vì tôi linh cảm đây chỉ là một dấu hiệu rằng sẽ có những trở ngại khác. May thay, trong suốt mấy tuần lễ sau không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Vì Tholing không nằm trên trục lộ giao thông chính nữa nên những đoàn khách thương chỉ ghé qua thung lũng Lanchen Khambab cách đấy khoảng 150 dặm trên đường đi Lhassa chứ không mấy ai lặn lội vào tận miền này. Dù sao tôi vẫn hết sức cẩn thận mỗi khi nghe thấy tiếng động bên ngoài. Tôi sợ rằng nếu có người nhìn thấy chúng tôi làm việc họ có thể lầm việc dán giấy lên những bức tranh Phật rồi lần theo những nét vẽ để tô lại. Đối với người Tây Tạng, việc đụng chạm đến những bảo vật có tính thiêng liêng như tranh ảnh, tượng Phật là một hành động vô cùng bất kính.

Một ngày đẹp trời, chúng tôi ghé ngang cung điện của vua xứ Guge, nơi cách đây nhiều thế kỷ, đạo sư Atisha đã đến truyền dạy Phật phápthuyết giảng về kinh Bát Nhã cho các vị tăng sĩ xứ này. Cách đó không xa là một ngôi chùa nhỏ mà Riichen Zangpo đã cho xây cất. Người ta kể rằng ngôi chùa đã hoàn toàn sụp đổ từ lâu, không một bức tranh hay tượng Phật nào còn nguyên vẹn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn đến đó để văn cảnh và chụp hình kỷ niệm. Đúng như điều đã kể, chúng tôi chỉ thấy một cái nền bằng đá còn trơ lại, các vách tường đều sụp đổ từ lâu nên không một tranh ảnh, tài liệu gì còn sót lại. Tuy nhiên gần đó có một ngôi tháp cao tương đối nguyên vẹn, cửa vào ngôi tháp được khóa lại từ bên ngoài và ống khóa đã rỉ sét từ lâu. Tại sao người ta lại khóa nó lại như vậy? Chắc hẳn nó phải chứa đựng một cái gì. Chúng tôi đi vòng quanh ngọn tháp và phát hiện một cửa sổ nhỏ. Tôi bèn trèo lên đó để nhìn vào trong. Tôi suýt nhẩy nhổm người lên khi nhìn thấy pho tượng khổng lồ của một hung thần đầu trâu mặt ngựa vô cùng dữ tợn: Yidam Yamankata (Thần chết). Mặc dù đã nhìn thấy nhiều pho tượng tương tự nhưng không tại đâu người ta có thể tạo ra những nét dữ dội, ghê gớm như pho tượng này. Không ai có thể nhìn nó mà về nhà không mất ăn, mất ngủ. Khi nghe kể về pho tượng, Li Gotami nhất định đòi chụp ảnh cho kỳ được.

– Đây là một cơ hội hiếm có. Rất ít ai được chứng kiến khuôn mặt vị thần này. Hầu như tại những nơi khác, người ta luôn luôn trùm lên mặt thần chết một miếng vải dầy.

Trước khi tôi có dịp phản đối, Li đã nhanh nhẹ cậy luôn ổ khóa cũ kỹ trước cửa. Chúng tôi đứng yên nhìn pho tượng to lớn sừng sững trước mặt. Toàn thân pho tượng nửa người nửa thú này là một công trình điêu khắc vô cùng tinh xảo với những đường nét nổi bật trông rất sống động. Vì pho tượng không được trùm mặt như những pho tượng khác, tôi khám phá ra một khuôn mặt được khắc một cách lờ mờ trên trán pho tượng này và tôi nhận ra ngay khuôn mặt của bồ tát Văn Thù.

Đối với người Tây Tạng, Yamankata tượng trưng cho hai trạng thái của con người. Con người có phần thân xác, bản năng, dục vọng không khác chi loài thú nhưng ngoài ra nó lại sở hữu một phần tinh thần đồng thể với những động lực thanh cao trong vũ trụ. Nếu con người để thể xác làm chủ thì những ham muốn sẽ phát sinh, họ hướng dẫn nó bằng phần tinh thần, con người sẽ quán triệt được những chân lý của vũ trụ và vươn lên cao hơn, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cũng vì lý do đó mà khuôn mặt của Yamankata trông dữ dội như một con thú nhưng trên trán lại được khắn khuôn mặt của bồ tát Văn Thù tượng trưng chi trí tuệ.

Chúng tôi vội vã chụp liền mấy bức rồi rời ngayngọn tháp sau khi khóa cửa lại cẩn thận. May mắn thay, vừa hoàn tất việc này thì có tiếng chân người dồn dập. Một nhóm quân sĩ đại phương ở đâu xông đến, cầm đầu là một sĩ quan ăn mặc oai vệ. Trong thoáng giây, chúng tôi đã bị vây chặt. Viên sĩ quan (Dzonpon) hầm hầm nét mặt hỏi chúng tôi từ đâu đến và làm gì ở đây. Sau khi xem xét kỹ lưỡng giấy tờ thông hành có đóng triện của chính quyền Lhassa, ông ta lắc đầu;

– Tôi phải phối kiểm việc này với chính quyền trung ương vì tôi không biết giấy tờ này là thật hay giả. Tôi sẽ cho người thông báo về Lhassa và nếu các ông sử dụng giấy tờ giả thì các ông sẽ biết…

Nhưng như vậy sẽ mất khoảng bao lâu?

Thường chỉ mất hai đến ba tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn vì đã vào mùa đông, đường xá không thuận tiện như trước.

– Như vậy cũng được, chúng tôi sẽ chờ đợi tại đây cho đến khi các ông phối kiểm giấy tờ.

– Theo giấy tờ này thì các ông được phép nghiên cứu những tu viện xây cất bởi đại sư Rinchen Sangpo, nhưng tu viện Taparang không phải do đại sư Sanggpo xây cất và các ông đã vi phạm điều này.

Tôi ngạc nhiên kêu lên:

– nhưng theo tài liệu thì chính tay đại sư Zanggpo xây cất Tsaparang, ông đã soạn thảo rất nhiều kinh điển tại nơi này kia mà.

– Các ông dựa vào đâu mà nói như vậy?

Tôi biết ngay viên sĩ quan này đang dồn tôi vào bẫy trừ khi chứng minh được rằng Tsaparang được xây cất bởi đại sư Zanggpo, họ có thể trục xuất chúng tôi khỏi nơi đây tức khắc. Lúc đó tôi không mang theo cuốn sử liệu về những triều đại vua chúa miền Guage, cuốn sách này đề cập rất rõ về công trình phục hưng Phật giáo của đại sư Zanggpo. Tôi bèn đánh nước liều:

– Chính cuốn Dep ther sgon po của học giả Zon nud Pal Idan cũng nói rõ điều này.

Zon Nud Pal Idan là một học giả nổi tiếng rất được kính trọng tại Tây Tạng. Điều này khiến viên sĩ quan khưng lại. ông trầm ngâm một lúc rồi ngần ngại:

– Vậy ư? Tôi cần nghiên cứu lại việc này. Thôi được tôi cho phép các ông tạm trú để nghiên cứu tài liệu trong khuôn viên chùa Tsaparang nhưng cấm các ông không được ra phía sau núi.

Câu nói vô tình này làm tôi giật mình. Khi chúng tôi theo Lạt Ma Phiyang trở về lều thì gặp ngay quan Thống đốc tỉnh Rudok và đoàn tùy tùng đi tới. Đây là một võ quan to lớn, vạm vỡ có giọng nói rổn rang như tiếng chuông đồng. Ông tỏ ra tò mò về việc du hành của chúng tôi nhưng ông còn tò mò hơn nữa khi nghe kể về đời sống tại những xứ khác. Khi Li Gotami đưa ra những tấm ảnh chụp được trên đường du hành thì ông tỏ ra vô cùng thích thúđặc biệt chú ý đến những tấm ảnh chụp các thiếu nữ Tây Tạng trong những bộ y phục cổ truyền. Ông nhất định đòi giữ một ít tấm kỷ niệm. Li Goatami phải giải thích rằng những tấm ảnh đó đều là tài liệu khảo cứu chứ không phải những bức ảnh sưu tập dành cho đàn ông chuyền tay nhau xem.

Sáng hôm sau, Lạt Ma Phiyang đến từ giã chúng tôi để lên đường. Tuy chỉ mới quen biết vị tăng sĩ này một thời gian ngắn nhưng chúng tôi rất có cảm tình và chỉ muốn được gần gũi, học hỏi thêm với ông ta. Chúng tôi đưa tặng Lạt Ma Phiyang một tấm ảnh chụp pho tượng Phật tại chùa Sarnath làm kỷ niệm nhưng ngài từ chối, nói rằng ngài luôn luôn giữ những bức ảnh đó cho tài liệu nghiên cứu sau này. Thật khó mà diễn tả được cảm giác bịn rịn của chúng tôi khi từ biệt Lạt Ma Phiyang. Không bao giờ tôi ngờ sẽ có dịp gặp lại ngài một lần nữa tại Poo, một làng nhỏ gần biên giới Ấn Tạng.

Sau khi từ giã Lạt Ma Phiyang, chúng tôi vội vã bắt tay ngay vào công việc còn dở dang. Hơn lúc nào hết, chúng tôi ý thức rằng mình đang chạy đua với thời gian. Bất cứ lúc nào công việc nghiên cứu, sưu tầm cũng có thể bị ngăn trở và chúng tôi có thể bị trục xuất khỏi nơi đây nếu chính quyền địa phương nghi ngờ một điều gì.

Chúng tôi thức dậy khi tia sáng đầu tiên vừa ló dạng trên nền trời và tiếp tục cho đến tận khuya. Nhiệt độ mỗi ngày một lạnh hơn trước, những lọ mực, những chai nước đều đông thành đá dù đã được sưởi bằng những ngọn nến nhỏ. Khi trời trở lạnh những người chăn dê bắt đầu di chuyển đến những thung lũng ấm áp kín đáo hơn, nguồn tiếp tế lương thực của chúng tôi vì thế bắt đầu cạn dần. Khi trước chúng tôi còn mua được sữa dê và bột mì, nhưng về sau khi người chăn dê cuối cùng đã ra đi thì miền này thực sự trở thành một thành phố bỏ hoang. Chúng tôi không nấu nướng gì nữa, ăn uống thật giản dị để tiết kiệm lượng thực và để tranh thủ thời gian. Điều chúng tôi lo sợ đã xảy ra. Khoảng giữa tháng 12, một nhóm quân sĩ võ trang kéo đến, cầm đầu là một gã chột mắt, cử chỉ vô cùng hung hăng. Gã này cho biết việc phối kiểm với chính quyền trung ương tại Lhassa chưa có kết quả nhưng viên sĩ quan chỉ huy miền này không muốn phải chờ đợi lâu hơn nữa. Ông được lệnh phải đi kinh lý đèo Skipi và không muốn có điều gì đáng tiếc xảy ra khi ông vắng mặt nên ông tự ý quyết định rằng chúng tôi phải rời khỏi Tsaparang ngay. Để chắc ăn, ông còn hạ lệnh cho quân sĩ niêm phong chặt chẽ chánh điện ngôi chùa để không ai có thể ra vào nơi đây nữa.

Vì công việc còn dở dang, tôi thảo ngay một lá thư trình bày tự sự và yêu cầu vị này nên xét lại, dĩ nhiên tôi không hy vọng gì ở lá thư này nhưng mục đích của chúng tôi là kéo dài thời giờ chừng nào hay chừng đó. ..

Tôi lách qua lách lại trong khe hở đó được một lúc thì thấy hình như nó dẫn lên cao hơn thì phải nhưng tôi không có thì giờ suy nghĩ nữa, tôi tiếp tục chuồi người lên phía trước như bị một sức mạnh nào đó lôi cuốn. Sau một lúc khá lâu mò mẫm trong vách đá tối om, tôi nhìn thấy một tia sáng chói lọi trước mặt. Chỉ vài bước tôi đã chui ra khỏi hốc đá và thấy mình đang đứng trên đỉnh Tsaparang. Từ chỗ đứng tôi có thể nhìn thấy toàn xứ Tholing phía dưới, cả đỉnh Khabab phủ đầy tuyết trắng nổi bật trên nền trời xanh biếc.

Tôi đứng yên, tim đập rộn ràng, không biết vì mệt hay vì cảm động. Chính tại đây nhiều thế kỷ trước, đại sư Rinchen Zanggpo đã dựng một am thất nhỏ và bắt đầu việc phiên dịch các kinh điển mang từ Ấn Độ về. Chính tại chốn này, Phật giáo đã du nhập trở lại Tây Tạng sau một thời gian dài bị cấm đoán. Làm sao người ta có thể diễn tả được cái cảm giác tuyệt vời khi được hiện diện tại một chốn linh thiêng như vậy. Đỉnh núi không lớn lắm nhưng chung quanh có rất nhiều tảng đá khá lớn nhô cao lên như để che chở, và đến lúc đó tôi mới nhận ra Tsaparang không phải là một đỉnh núi tầm thường mà chính là một tràng Mandala vô cùng linh thiêng được sắp xếp thành một bông hoa sen nhiều cánh. Những tảng đá khổng lồ bao quanh đỉnh núi chính là những cánh hoa sen và đỉnh núi chính là trung tâm điểm của đàn tràng với những sự phối hợp của màu sắc thiên nhiên vô cùng khéo léo.

Một sự an tĩnh lạ lùng không thể diễn tả bao trùm khắp không gian, tuy tôi vẫn đứng yên nhìn ngắm phong cảnh chung quanh nhưng tôi ý thức rằng cả không gian lẫn thời gian đều tan biến vào một thực tại vĩnh cửu. Ánh mặt trời phản chiếu vào những tảng đá như cánh hoa sen tạo thành những luồng ánh sáng lung linh huyền ảo, khắp thân thể tôi run lên bởi một cảm giác tê tê nhưng đang thấm nhuần một luồng từ điện ở đâu rót vào. Chính giữa đỉnh núi hay trung tâm đàn tràng Mandala này là một am thất nhỏ còn nguyên vẹn. Thì ra những lời đồn đại đã không đúng. Cái am mà đại sư Rinchen Zangpo tự tay dựng lên vẫn còn nguyên.

Tôi đẩy nhẹ cánh cửa gỗ vừa dầy vừa nặng, ánh sáng tràn vào căn phòng làm tôi bỗng thấy chói mắt bởi những hình ảnh lạ lùng chạm trổ khắp nơi trên vách. Tôi biết ngay rằng mình đang đứng trong căn phòng mà trước đây nhiều thế kỷ, đại sư Zangpo đã dùng để phiên dịch những bộ kinh điển qúy nhất mang từ Ấn Độ qua. Nhưng tôi còn ý thức được rằng đây không phải là một căn phòng bình thường mà nó chính là một trong những nơi chốn linh thiêng nhất mà người Tây Tạng gọi là “Dpal Hkhor Dem Chog”, nơi những bậc tu chứng được làm lễ điểm đạo (Initiation chamber).

Khi đó tôi mới ý thức rằng chính Hòa thượng Tomo đã hướng dẫn tôi đến đây, diệu âm quen thuộc mà tôi nghe văng vẳng đâu đây chính là âm thanh những bài thần chú khẩu truyền mà ngài đã chỉ dạy cho tôi. Nhờ trì tụng những bài này mà tôi mới giao cảm được với những rung động linh thiêng phát ra quanh đây và chính sự giao cảm đã ứng hiện để giúp tôi nhìn thấy kẽ đá nhỏ, tìm được lối đi bí mật dẫn lên đỉnh đồi Tsaparang. Ý thức được điều này tô bỗng thấy ngây ngất, choáng váng trong một cảm giác lâng lâng kỳ lạ. …Tôi nhìn thấy dưới chân núi có những bóng người đang di chuyển, tôi nhận ra Li Gotami và một nhóm quân sĩ đang đi qua đi lại, có lẽ họ đang tìm tôi.

Chiều hôm đó, sau khi đưa tiền cho nhóm quân sĩ đi mua thực phẩm tại một thung lũng gần đó, chúng tôi trở lại đỉnh núi với chiếc máy ảnh và tất cả số phim dự trữ. Chúng tôi mở tung cánh cửa gỗ để ánh sáng bên ngoài tràn vào. Dĩ nhiên chúng tôi không thể chụp hết được mọi hình ảnh nhưng chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm… (Ghi chú của tác giả: Những bức ảnh này hiện được lưu trữ tại thư viện Dharamsala và Đông kinh, Giáo sư Ono, một học giả nổi tiếng của Nhật đã khởi sự nghiên cứu những lời chú giải kinh điển bằng tranh ảnh này từ nhiều năm).

Ngày hôm sau chúng toi rời Tsaparang, gã chột mắt nhất định bắt chúng tôi phải vượt qua rặng Himachal Pradesh vào giữa mùa đông. Có lẽ hắn định đưa chúng tôi đến một chốn hoang vu nào đó rồi bỏ mặc cho chúng tôi muốn ra sao thì ra. Hắn nói rằng các đường đèo đều phủ đầy tuyết nên chỉ có cách đi quanh co men theo những rãnh núi sâu đó mà thôi. Chúng tôi đã học một bài học vô cùng đắt giá khi vượt qua những rãnh núi sâu đến đây và dĩ nhiên không muốn phải học lại bài học đó nữa. Một lần nữa, tôi ý thức được rằng đã có những sự thu xếp huyền bí nào đó khiến chúng tôi gặp hai người hướng đạo kém cỏi trên chuyến du hành đến đây để chúng tôikinh nghiệm hơn. Tôi cương quyết đòi đi theo những con đường chính, những con đường mà các đoàn khách thương vẫn sử dụng. Sau một hồi bàn cãi rất lâu, gã chột mắt đành chấp nhận nhưng vẫn hăm he rằng nếu gặp bão tuyết thì sẽ bỏ mặc cũng tôi đương dầu với mưa bão.

Nếu Tsaparang vào tháng chạp đã lạnh nhiều thì vượt qua những ngọn đèo cao còn lạnh hơn nhiều nữa. Chiếc hàn thử biểu mang theo đã hư hỏng từ lâu nên tôi không thể đo lường một cách chính xác, nhưng tôi ước đoán nhiệt độ trung bình mỗi ngày vào khoảng 20 đến 30 độ dưới Zêrô độ bách phân. Chiếc lều vải của chúng tôi đông cứng thành đá gần như không thể căng lên được nữa. Mặc dù đã mặc nhiều lớp áo dầy nhưng chân tay chúng tôi đều bị sưng phồng lên vì lạnh, mỗi cử động đều đem lại sự đau đớn vô cùng. May thay dọc đường đèo có nhiều làng mạc nhỏ nên chúng tôi đã tận dụng mọi cơ hội để có thể được ngủ dưới một mái nhà bên cạnh lò sưởi ấm áp. Mỗi khi ghé qua những làng mạc, nhóm quân sĩ hộ tốn thường đánh bạc, uống rượu và say li bì nên tôi phải mướn thêm một người hướng đạo cho chắc. Người hướng đạo tên Sherab này là một thanh niên khoẻ mạnh, thông thạo đường lối, nhiều kinh nghiệm và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Vì tuyết phủ đã kín ngọn đèo trên đỉnh Khabab, chúng tôi đành phải lặn lội qua một khe núi hẹp. Thực ra đó chính là một con sông nhỏ nước chảy xiết nhưng nhiệt độ mùa đông đã biến nó thành một con đường bằng phẳng như gương vô cùng trơn trượt. Dĩ nhiên lừa ngựa không thể đi trên băng đá nên chúng tôi phải mướn người khuân vác hành lý. Nhóm quân sĩ hộ tống rất ngại phải đi trên dòng sông đóng băng này vì nếu băng vỡ thì đoàn người chỉ có nước chết. Không ai có thể bơi lội gì trong làn nước lạnh giá được. Sau một hồi bàn luận sôi nổi, tên chỉ huy chột mắt ra lệnh cho đám quân sĩ quay về để mặc chúng tôi và nhóm phu dưới sự chỉ huy của Sherab mạo hiểm tiếp tục cuộc hành trình. Việc di chuyển trên “tấm gương phẳng” này đòi hỏi một sự cố gắng liên tục, chỉ một xảy chân người ta có thể trượt ngã ngay và biết đâu sự va chạm đó có thể làm băng vỡ lôi cuốn theo nhiều người khác. Hằng đêm chúng tôi tìm lên những tảng đá lớn nhô ra hai bên bờ sông để dựng trại. Vì nằm dưới một độ sâu tương đối kín gió nên khí hậu dễ chịu hơn được một chút.

Cứ thế, chúng tôi tiếp tục men theo dòng sông đóng bằng này để đi ra phía ngoài. Hầu hết những dòng sông, suối tại đây đều đổ vào những dòng sông lớn và chảy vào đồng bằng xứ Ấn nên chúng tôi cứ men theo dòng nước mà đi. Nhóm phu khuân vác hành lý của chúng tôi đều xuất thân từ những làng mạc nằm trên cao, họ quen chịu đựng thời tiết giá lạnh nên nhiệt độ “ấm áp” của thung lũng khiến họ trở nên vui vẻ, hăng hái hơn. Đây cũng là dịp để họ du lịch xuống miền thấp. Vì ở trên độ cao, cây cối gần như không mọc được nên rất ít người được nhìn thấy rừng cây, họ reo vui vẻ như trẻ con được quà. Họ dẫn ngay một cây lớn làm củi, đốt một đống lửa to rồi quây quần quanh đó ca hát thâu đêm. Chưa bao giờ tôi thấy thoải mái như chuyến đi này, một phần vì điều ao ước đã hoàn tất, phần nữa vì Sherab là một người hướng đạo giỏi, chỉ huy nhóm phu khuân vác một cách hữu hiệu.

Sau hai tuần lễ đi dọc theo bờ sông, chúng tôi đến làng Tyak. Đây chính là quê hương của đại sư Rinchen Zangpo, người đã qua Ấn Độ thỉnh kinh và phiên dịch những bộ kinh điển quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Sau khi nghỉ ngơi ít hôm, chúng tôi mua thêm lừa, ngựa và đi theo đường chính đến Poo, một làng nhỏ nằm sát biên giới.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32377)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.