Thư Viện Hoa Sen

Đức Đạt Lai Lạt Ma Sinh Nhật Thứ 90 | Phan Tấn Hải

05/07/20253:12 SA(Xem: 110)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Sinh Nhật Thứ 90 | Phan Tấn Hải

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA SINH NHẬT THỨ 90
Phan Tấn Hải



DALAI LAMA 1
Hình từ phim "10 Questions for the Dalai Lama"

Ngài tự nhận trọn đời ngài chỉ là một nhà sư đơn giản, nhưng sóng gió tiền định đã đưa ngài vào ngôi vị Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 để gánh vác chức lãnh đạo cả đạo và đời cho dân tộc Tây Tạng từ khi ngài còn thơ ấu.

Ngài từ những ngày mới lớn, miệt mài tu học theo lời Đức Phật dạy về hạnh từ bitrí tuệ, nhưng từ khi chưa đủ tuổi thành niên đã chứng kiến khắp trời khói lửa chinh chiến để tới lúc phải đào thoát, vượt nhiều rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để xin tỵ nạn tại Ấn Độ.

Nhưng cũng từ đây, cơ duyên này như dường đã hoàn thành một lời tiên tri: khi nào chim sắt bay trên mây, Phật giáo Tây Tạng sẽ lan truyền ra khắp thế giới. Từ đó, những chiếc phi cơ, những con chim sắt của thế kỷ hiện đại, chở nhiều học giả Tây phương tới vùng đồi núi phía Bắc Ấn Độ để học pháp với Ngài và rồi ngọn đèn chánh pháp lại được truyền đi tới nhiều nơi thật xa, tận cùng thế giới.

Chủ Nhật tuần sau, ngày 6 tháng 7, sẽ là sinh nhật thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14. Những người vận động cho quyền tự trị Tây Tạng đã có một ngày lễ mừng trước, vào hôm Thứ Năm 26/6/2025 tại Quốc hội Hoa Kỳ. Một liên minh lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tham gia cùng những người Mỹ gốc Tây Tạng, những người ủng hộ và những người ủng hộ quốc tế đã tụ họp tại Đồi Capitol để vận động hành lang ủng hộ Tây Tạng, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 sắp tới của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tái khẳng định cam kết chung về lòng từ bi, khát vọng tự donhân quyền cho Tây Tạng, theo Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng (ICT: International Campaign for Tibet) có trụ sở tại Washington cho biết vào ngày 26 tháng 6.

Trong Ngày vận động hành lang Tây Tạng (Tibet Lobby Day) thường niên, được tổ chức vào năm nay trong hai ngày 24-25 tháng 6, có hơn 200 người từ 25 tiểu bang cộng với Quận Columbia (thủ đô Hoa Kỳ) đã đến thăm hơn 100 văn phòng quốc hội để trình bày quan điểm của họ về mời gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Tây Tạng.

Sự kiện năm nay, lần thứ 16, đã lên đến cao điểm trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma do các Dân Biểu Michael McCaul (R-TX) và Jim McGovern (D-MA) chủ trì và có sự tham dự của Chủ tịch Hạ viện danh dự Nancy Pelosi (D-CA), Dân Biểu Nicole Malliotakis (R-NY) và Dân Biểu Michael Baumgartner (D-WA).

Một cách chính thức, người dân Tây Tạng lưu vong sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào tuần tới, một sự kiện bị lu mờ bởi sự bất định về tương lai của vai trò này và ý nghĩa của nó đối với phong trào đòi tự trị của họ. Vị Lạt ma, người tự nhận chỉ là một nhà sư đơn giản, cũng là người mà người Tây Tạng nói là sự tái sinh lần thứ 14 của một vị Bồ tát, được tin là Hóa thân Quan Âm, giữ ngôi từ 600 năm tuổi, tuần sau sẽ tiết lộ với báo chí rằng liệu sẽ có Đức Đạt Lai Lạt Ma nào khác sau ngài hay không. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã được trao Giải Nobel Hòa Bình vào ngày 10 tháng 12/1989. Ngài được vinh danh vì cam kết không ngừng nghỉ đối với các giải pháp hòa bình dựa trên lòng khoan dungtôn trọng lẫn nhau, đặc biệt trong nỗ lực bảo tồn văn hóadi sản Tây Tạng. Sẽ có Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15? Vị đó sẽ tái sinh trong hay ngoài Tây Tạng?

Theo tiểu sử ngắn gọn trên trang Dalailama.com, tiểu sử ngài như sau. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, tự mô tả mình là một nhà sư Phật giáo giản dị. Ngài là nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài sinh ngày 6 tháng 7/1935, trong một gia đình nông dân, tại một ngôi làng nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Khi được hai tuổi, đứa trẻ, khi đó được đặt tên là Lhamo Dhondup, được công nhận là sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 trước đó, Thubten Gyatso.

Người ta tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Mahiện thân của Quán Thế Âm hay Chenrezig, Bồ tát của Lòng từ bi và là vị thánh bảo trợ của Tây Tạng. Bồ tát là những chúng sinh giác ngộ được truyền cảm hứng từ mong muốn đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh, những người đã nguyện sẽ tái sinh trên thế giới để giúp đỡ nhân loại.

Giáo dụcTây Tạng: Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu giáo dục tu viện của mình khi mới sáu tuổi. Chương trình giảng dạy bắt nguồn từ truyền thống Nalanda, bao gồm năm môn chính và năm môn phụ. Các môn học chính bao gồm logic, mỹ thuật, ngữ pháp tiếng Phạn và y học, nhưng trọng tâm lớn nhất được dành cho triết học Phật giáo, được chia thành năm loại nữa: Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật, Trí tuệ qua bờ kia); Madhyamika (Trung quán luận); Vinaya (Giới luật); Abidharma (A tỳ đàm, tức siêu hình học); và Pramana, logic và nhận thức luận. Năm môn học phụ bao gồm thơ ca, kịch, chiêm tinh, sáng tác và từ đồng nghĩa.

Năm 23 tuổi, ngài tham dự kỳ thi cuối cùng của mình tại Tu viện Jokhang ở Lhasa, trong Lễ hội cầu nguyện lớn hàng năm (Monlam Chenmo) vào năm 1959. Ngài đã vượt qua kỳ thi với danh dự và được trao bằng Geshe Lharampa, tương đương với bằng tiến sĩ cao nhất về triết học Phật giáo.

Năm 1950, sau khi Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao toàn bộ quyền lực chính trị. Năm 1954, ngài đến Bắc Kinh và gặp Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, bao gồm Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Cuối cùng, vào năm 1959, sau cuộc đàn áp tàn bạo cuộc nổi dậy của người Tây Tạng tại Lhasa của quân đội Trung Quốc, ngài đã buộc phải trốn đi lưu vong. Từ đó ngài sống ở Dharamsala, miền bắc Ấn Độ.

Có một điểm ghi nhận: trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, khuôn mặt hầu hết là “nghiêm và buồn” như dường những nổi đau của nhân loại đã hằn lên nét mặt của họ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 lúc nào cũng có nụ cười dịu dàng, thân mật với mọi người tới gặp ngài. Cách hoằng pháp của ngài cũng đa dạng, ngài nói những chuyện phức tạp với các nhà trí thức phức tạp, nhưng khi gặp Phật tử Quận Cam trong các buổi thuyết pháp đông người, ngài sử dụng ngôn ngữ đơn giản, nói đơn sơ về các đề tài thực tiễn của đời sống đời thường của họ. Khi các phái đoàn nhà sưPhật tử từ Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn tới Bắc Ấn Độ thăm ngài, ngài thường khởi đầu bằng lời mời tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh trong ngôn ngữ riêng của các nước. Bản Tâm Kinh đó thường chung nhất, chỉ gồm 260 chữ, âm vang không khác nhau trong các ngôn ngữ Châu Á dị biệt.

Chúng ta cũng thường thấy báo chí Mỹ đưa ra những chuyện vui để giỡn với ngài. Điều giỡn cợt này rất hiếm hoi, nếu bạn nghĩ tới các vị lãnh đạo tôn giáo khác, không mấy ai dám giỡn, dĩ nhiên, đặc biệt là với Hồi giáo. Câu chuyện đùa nổi tiếng nhất thường được kể như sau.

Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào một cửa hàng pizza và nói, "Bạn có thể làm cho tôi một cái với mọi thứ không?"

(Ghi chú: "Can you make me one with everything?" có hai nghĩa. Câu này có thể hiểu là làm một bánh pizza với đủ thứ rau, nấm, vân vân... Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa tôn giáo là: làm cho tôi là một với khắp pháp giới này. Vì không thấy có “tự ngã tôi” và không thấy có “tự ngã người” cho nên không thấy dị biệt, tất cả là một pháp.)

Hay là, câu khác:

Tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma không thể hút bụi dưới ghế sofa? Bởi vì ngài không có thứ gì bám vào.

Câu đùa trên là dựa vào pháp tu của Phật giáo rằng con đường giải thoát là không nắm giữ, không bám víu, không để bất cứ thứ gì trên cõi này dính vào, bám vào mình. Tức là, buông xả hết, thì lấy bụi đâu nữa mà hút bụi.

Rồi tới tranh hí họa lấy chủ đề là Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay các ca khúc nhạc rap của các nhạc sĩ nổi tiếng như Shotgun Willy và Killa Fonic, chủ yếu lấy vui là chính. Nghĩa là, các nghệ sĩ nghĩ tới Đức Đạt Lai Lạt Ma như một người không chấp nhất, không phiền não, bất kể bị giỡn cợt thế nào. Hoàn toàn không có chuyện “nghiêm và buồn” – bởi vì, đó là khi tu hành trong chùa.

Người ta có thể tìm thấy rất nhiều sách, một số phim tài liệu về cuôc đời ngài Đạt Lai Lạt Ma. Bộ phim nổi tiếng nhất về ngài Đạt Lai Lạt Ma có lẽ là "Kundun" (1997), do đạo diễn Martin Scorsese thực hiện. Phim kể lại cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 từ thời thơ ấu cho đến khi ngài phải lưu vong khỏi Tây Tạng sau cuộc xâm lược của Trung Quốc. Với hình ảnh đầy chất thơ, âm nhạc huyền bí của Philip Glass, và cách kể chuyện mang đậm tinh thần thiền định, "Kundun" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là một trải nghiệm tâm linh sâu sắc. Phim này bây giờ có thể xem miễn phí trên YouTube (search: Kundun).

Bạn có thể tìm thấy 10 Phim Tài Liệu Hàng Đầu Về Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây:

https://www.factualamerica.com/belief-in-focus/top-10-documentaries-about-the-dalai-lama

Trong khi đó, ở thể loại tài liệu, bộ phim "10 Questions for the Dalai Lama" (2006) được chú ý đặc biệt. Phim ghi lại cuộc phỏng vấn giữa đạo diễn Rick Ray và ngài Đạt Lai Lạt Ma, xoay quanh các chủ đề như hạnh phúc, bất bạo độngtruyền thống.

Một nét độc đáo văn hóa Tây Tạng là một vở kịch đặc biệt mang tên "The Buddha Prince" đã được dàn dựng ở Minneapolis (Minnesota) để tôn vinh cuộc đờigiáo lý của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Đây là một dạng "walking play", tức là khán giả sẽ cùng di chuyển qua các cảnh diễn ngoài trời, tạo cảm giác như đang đồng hành trên hành trình của ngài từ thời thơ ấu đến khi trở thành lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng.

Vở kịch kết hợp âm nhạc Tây Tạng truyền thống, múa, mặt nạ và múa rối, do nghệ sĩ Tenzin Ngawang và đạo diễn Markell Kiefer đồng sáng tạo. Nó không chỉ kể lại lịch sử mà còn truyền tải những thông điệp phổ quát như lòng từ bi, sự thậtlòng nhân ái—những giá trị cốt lõi trong giáo lý của ngài. Mô hình vở kịch đi bộ cùng với nhân vật là một thể loại kịch rất mới, trong khi chất liệu là văn hóa Tây Tạng. Có vài trích đoạn, và mô phỏng trên YouTube, có thể tìm qua nhóm chữ “The Buddha Prince.”

Một trong những bài thơ nổi tiếng và thường được ghi là sáng tác của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là “The Paradox of Our Age” (Nghịch Lý Của Thời Đại Chúng Ta). Dù có nhiều tranh cãi về tác giả thực sự—bài thơ vẫn thường được chia sẻ như một thông điệp phản tỉnh sâu sắc về xã hội hiện đại, rất phù hợp với tinh thần thiền quántừ bi mà ngài Đạt Lai Lạt Ma truyền dạy.

Trang Craftdeology giới thiệu bài thơ bằng nghi vấn: “Nguồn bài thơ này ghi là có nhiều người sáng tác khác nhau. Một số người nói rằng nó đến từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, George Carlin, Jeff Dickson, một sinh viên chứng kiến ​​vụ thảm sát và một người vô danh. Ngoài ra, có những nguồn khẳng định mạnh mẽ rằng tác giảTiến sĩ Bob Moorehead. Nếu bạn biết người sáng tác thực sự, vui lòng sửa cho tôi.” (Nguồn: https://www.craftdeology.com/a-must-read-poem-the-paradox-of-our-age )

Nơi đây, chúng ta dịch ra tiếng Việt bài thơ dài này những câu đầu là:

 

Nghịch lý của thời đại chúng ta trong lịch sử

Chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng sự điềm tĩnh ngắn hơn

Đường xa lộ rộng hơn, nhưng quan điểm lại hẹp hơn

Chúng ta xài nhiều hơn, nhưng chúng ta có ít hơn

Chúng ta mua nhiều hơn, nhưng vui hưởng ít hơn

 

Chúng ta có những ngôi nhà lớn hơn, nhưng gia đình lại nhỏ hơn

Nhiều tiện nghi hơn, nhưng ít thời gian hơn

Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, nhưng ít ý nghĩa hơn

Nhiều kiến ​​thức hơn, nhưng ít phán đoán hơn

Nhiều chuyên gia hơn, nhưng nhiều vấn đề hơn

Nhiều thuốc hơn, nhưng ít sức khỏe hơn... (ngưng trích dịch)

  

Có một bài thơ tiếng Anh nổi bật của ngài -- “It’s Called Calm” (Nó được gọi là tĩnh lặng) -- được lan truyền rộng rãi gắn liền với triết lý sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14. Nơi đây, chúng ta dịch phần đầu của bài thơ, từ bản đăng trên Psychology Spot.

 

Nó được gọi là tĩnh lặng và đưa tôi vượt qua nhiều cơn bão.

Nó được gọi là tĩnh lặng và khi nó biến mất… Tôi lại tìm kiếm nó lần nữa.

Nó được gọi là tĩnh lặng và dạy tôi cách thở, cách suy nghĩ và cách ngẫm nghĩ lại.

Nó được gọi là tĩnh lặng và khi cơn điên cám dỗ, nó lại phóng ra những cơn gió hung hăng khó chế ngự.

Nó được gọi là tĩnh lặng và nó đến cùng với những năm tháng khi tham vọng tuổi trẻ, cái lưỡi buông thả và cái bụng lạnh nhường chỗ cho tịch lặng và trí tuệ nhiều hơn.

Nó được gọi là tĩnh lặng khi chúng ta học cách yêu thương, khi ích kỷ nhường chỗ cho hiến tặng và sự thiếu kham nhẫn phai nhạt để mở rộng trái tim và tâm hồn, để đầu hàng hoàn toàn với bất kỳ ai muốn nhận và cho đi.

Nó được gọi là tĩnh lặng khi tình bạn chân thành đến mức mọi chiếc mặt nạ đều rơi xuống và mọi chuyện đều có thể được kể lại.

Nó được gọi là tĩnh lặng và thế giới trốn tránh nó, bỏ mặc nó, phát minh ra những cuộc chiến mà không ai có thể chiến thắng... (ngưng trích dịch)

 Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không làm thơ nhiều. Những bài thơ của ngài chủ yếu là có chủ đề, phù hợp với nếp sống của một tu sĩ, không hề lãng mạn, cũng không thấy hình bóng “mình hạc xương mai” nào trong thơ của ngài. Trọn tất cả những gì ngài viết, đều nhằm hoằng pháp và cổ vũ những lý tưởng hòa bình, và thăng hoa nhân loại. Có những tác phẩm ngài viết rất dễ hiểu, như khi viết hồi ký, hay kể về các nhân vật ngài gặp. Khi còn nhỏ, ngài rất thích tháo ráp và sửa chữa các vật dụng cơ khí, đặc biệt là đồng hồ. Trong tự truyện của ngài và các bài viết về cuộc đời ngài, ngài kể lại những ký ức thời thơ ấu ở làng Taktser, tỉnh Amdo, Tây Tạng. Ngài thường tò mò về các thiết bị cơ khí và thích khám phá cách chúng hoạt động. Ngài thân thiện với thiên nhiên. Ngài từng kể rằng khi còn là một cậu bé, ngài thích chơi với động vật, như ngồi trong chuồng gà và giả tiếng gà.

Bài viết nhan đề "Dalai Lama at 90: The Succession Battle That Will Shape Tibet’s Future" (Đức Đạt Lai Lạt Ma ở tuổi 90: Cuộc chiến kế vị sẽ định hình tương lai của Tây Tạng) của Saransh Sehgal trên báo The Diplomat ngày 30/6/2025 nói về một viễn ảnh bất định của dân tộc Tây Tạng.

Bài viết của The Diplomat nêu bật cuộc tranh giành quyền kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma trong bối cảnh ngài sắp bước sang tuổi 90. Truyền thống Tây Tạng quy định việc tìm kiếm hóa thân chỉ bắt đầu sau khi vị Lạt Ma hiện tại viên tịch, nhưng lần này, ngài Tenzin Gyatso dự định chỉ định người kế vị khi ngài còn tại thế. Ngài tuyên bố người kế vị sẽ sinh ra “trong thế giới tự do”, không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Đây là phản ứng trực tiếp trước việc Bắc Kinh khẳng định họ có quyền quyết định người kế vị và chính quyền TQ đã tự phong một vị Ban Thiền Lạt Ma. Bài viết cho thấy cuộc kế vị không chỉ là vấn đề tâm linh mà còn là một cuộc đối đầu địa chính trị sâu sắc giữa người Tây Tạng lưu vong và nhà nước Trung Quốc.

Trong khi đó, bài viết từ Religion News Service hôm 24/6/2025 nhan đề "Will the next dalai lama be a machine?" (Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể tái sinh làm một cỗ máy không?) (https://religionnews.com/2025/06/24/will-the-next-dalai-lama-be-a-machine/ ) của học giả Elaine Lai nêu lên một vấn đề mới của nhân loại trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo. Bài viết kể lại một phát biểu mang tính hài hước nhưng sâu sắc của Đức Đạt Lai Lạt Ma cách đây gần hai thập niên: nếu máy móc trở nên đủ mạnh, ngài có thể tái sinh thành một cỗ máy. Dù nghe như lời đùa, phát biểu này mở ra một suy tư triết học về đạo đức, kỹ thuật và bản chất của tái sinh trong thời đại trí tuệ nhân tạo.

Tác giả Elaine Lai, một học giả Phật giáo tại Đại học Stanford, cho rằng lời nói của ngài thách thức hai quan điểm phổ biến về AI: lạc quan cực đoan (AI sẽ cứu nhân loại) và bi quan cực đoan (AI sẽ hủy diệt nhân loại). Cả hai đều trao quyền lực quá mức cho khoa học kỹ thuật và các đại công ty đứng sau nó. Thay vào đó, phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 gợi ý một cách nhìn khác: nếu AI thực sự có thể phục vụ chúng sinh, thì việc tái sinh vào hình thức đó không phải là điều phi lý. Bài viết cũng liên hệ đến khái niệm Bồ Tát trong Phật giáo—người nguyện tái sinh dưới bất kỳ hình thức nào để cứu độ chúng sinh. Trong bối cảnh đó, việc tái sinh thành một cỗ máy có thể là biểu tượng cho sự thích nghi tâm linh với thời đại mới, ít nhất cũng là một lời nguyện chân thành từ Bồ Đề Tâm.

Theo Wikipedia, trong mục từ "Succession of the 14th Dalai Lama" ngài cũng từng gợi ý rằng tương lai ngài có thể tái sinh làm phụ nữ. Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố vào năm 2007 rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp có thể là một phụ nữ, “Nếu một phụ nữ thể hiện mình hữu ích hơn thì vị Lạt Ma rất có thể sẽ được tái sinh dưới hình dạng này.” Vào ngày 24 tháng 9/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến sự tái sinh của mình, đưa ra những dấu hiệu chính xác về cách thức nên chọn người tiếp theo, nơi tái sinh và rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma do Trung Quốc chỉ định không đáng tin cậy. Chưa hết, vào năm 2015, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tuyên bố (với giọng đùa giỡn) rằng ngài có thể được tái sinh thành một người phụ nữ tóc vàng tinh nghịch. Thế rồi vào năm 2019, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói rằng nếu một Đức Đạt Lai Lạt Ma nữ đến, vị nữ Lạt ma ấy sẽ quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn không có thì giờ đọc nhiều, bạn có thể quy về một bài thơ do ngài để lại, nhan đề "Training the Mind" (Luyện Tâm). Chỉ riêng tu theo bài thơ gồm tám bài kệ này là đủ để giải thoát. Và tận cùng là quy về hai dòng thơ, chỉ hai dòng là tóm gọn cốt tủy của Phật pháp. Hiểu là dễ, nhưng tu mới là khó. Bài thơ này được ngài để trên trang dalailama.com. Trang này cũng có bản Việt dịch đầy đủ cả tám bài kệ là “Rèn luyện Tâm thức.”

Trong bài Kệ số 8, Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu lên tầm quan trọng hai câu cuối bài Kệ này và ghi chú rằng, dòng đầu nói về chứng ngộ Tánh Không, và dòng kế tiếp là sau đó, người tu đi vào đời sẽ không còn bị vướng gì nữa. Bản tiếng Việt trên trang web của ngài trích như sau:

 

Hai dòng cuối cùng viết:

Nguyện con nhận ra mọi thứ đều hư huyễn,

Tâm chẳng buộc ràng, thoát khỏi luyến trần gian!

Những dòng này thực sự chỉ ra sự thực hành thiền định về việc phát triển trí tuệ hiểu biết về bản chất của thực tại, mà trên bề mặt - chúng dường như biểu thị cách mà nó liên quan đến thế giới trong các giai đoạn sau thời thiền định. Theo Giáo lý của Phật giáo về bản chất tối hậu của thực tại, được phân biệt thành hai khoảng thời gian đáng kể; một là khi thiền định thực sự về tánh Không, và thứ hai là giai đoạn sau buổi thiền định khi bạn tham gia tích cực vào thế giới thực, như nó đã là. Vì vậy, ở đây, hai dòng này đề cập trực tiếp đến cách mà nó liên quan với thế giới sau những thời thiền định về tánh Không của một hành giả. Đây là lý do tại sao bản kinh văn nói đến việc đánh giá bản chất huyễn ảo của hiện thực, bởi vì đây là cách mà ta nhận thức về các pháp hiện tượng khi ta phát khởi từ thiền định nhất tâm về tánh không.” (ngưng trích) (https://vn.dalailama.com/teachings/training-the-mind/training-the-mind-verse-8)

Dòng thơ nguyện nhận ra mọi thứ đều hư huyễn, chính là trực nhận Sắc chính là Không: chính là nhận ra tất cả những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được  chạm xúc, được suy nghĩ tư lường đều là hư ảo, đều không có thực tánh, đều do duyên mà thành, đều tan rã không ngừng trong dòng chảy vô thường bất tận và đều là tịch lặng vô ngã.

Dòng thơ kế tiếp là bước vào thế gian với tâm không ái luyến, với tâm không buộc ràng. Nghĩa là, không thấy có một cái gì để vướng bận, bất kể là người tu đang bước vào đời để gánh vác Chánh pháp, để hoằng truyền lời dạy của Như Lai. Bước vào thế gian chính là từ Không bước vào Sắc. Vì từ trực nhận hư huyễn, khởi lòng từ bi, không thể ngồi hoài nơi góc rừng để tự an vui, nên từ cõi tịch lặng bước vào nơi náo nhiệt. Người tu bấy giờ đi giữa những trận mưa tham sân si mà lòng vẫn tĩnh lặng, chuyển hóa tất cả những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được suy nghĩ tư lường trở thành những trận mưa hoa chánh pháp.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 là một vị như thế. Bất kể ngài có tái sinh như thế nào, ngài cũng đã là, đang là, và sẽ là những trận mưa hoa trong cõi này.

 

 

DALAI LAMA 1Hình từ phim "10 Questions for the Dalai Lama"

DALAI LAMA 2Hình từ Dalailama.com

Tạo bài viết
14/05/2015(Xem: 15901)
26/04/2021(Xem: 5927)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.