Dẫn Nhập

14/10/201012:00 SA(Xem: 17249)
● Dẫn Nhập

TRÍ TÁNH ĐỖ HỮU TÀI
NHƯ THỊ NGÃ VĂN
TỪ XA, NGHĨ VỀ VÀI VẤN ĐỀ CỦA PHẬT GIÁO TẠI NƯỚC TA 
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - 2008,
NHÀ XUẤT BẢN TÂN VĂN - 2008
Ấn Bản Điện Tử 2009 USA

NĂM LỜI THƯA TRƯỚC

1. Như thị Ngả văn, tôi nghe như vậy, là một thuật ngữ Phật giáo của ngài Anan, thị giả của Đức Phật, khi viết mở đầu một bản kinh do Phật thuyết giảng trong lúc Ngài còn sống. “Tôi nghe như vậy” nhằm xác định tính chân thực của tài liệu nguyên thủy đó trong quá trình kết tập thành kinh văn sau khi Đức Phật thị nhập Niết bàn

Đó là chuyện 25 thế kỷ trước. Còn chuyện bây giờ, như thị ngã văn mà quý độc giả đang đọc là một tập hợp những suy nghiệm của người viết về một số vấn đề của Phật giáo nước ta. Vì vậy, khi mượn của ngài Anan cụm từ đó để đặt tên cho cuốn sách nhỏ nầy, người viết xin thú nhận rằng phần “chân thực” may ra chỉ nằm trong tấm lòng người viết, còn dù đã cố gắng thì tính xác thực của sự kiện và tính đúng đắn của lý luận, khi đã “lập văn tự”, chắc chắn chỉ là tương đối. Rất tương đối.

2. Tại nước ta, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Đó là chân lý lịch sử bất di bất dịch. Đó là truyền thống văn hóa không thể đổi thay. Phật giáo và Dân tộc đã quấn quít chuyền trao máu thịt và trí tuệ cho nhau, chia sẻ vinh quang và tủi nhục với nhau. Nhưng trên cuộc trường chinh hơn hai ngàn năm đó, không phải lúc nào đạo Phật cũng sóng đôi với dân tộc mà có nhiều lúc lủi thủi bước gập ghềnh đi theo từ xa. Đó là những lúc Tăng đoàn mất thanh tịnh và không hòa hợp, đó là những lúc Phật tử lìa chánh pháp và làm bạn với ma quân. Nhưng dù ngay cả có lúc như vậy, thì suốt những chặng đường lịch sử, Phật giáo và Dân tộc lúc nào cũng như bóng và hình. Sáng lên chiều xuống chập chùng, dù có lúc bóng dang ra xa nhưng lúc nào cũng quấn quít dưới chân hình. Những suy tư của người viết là nỗ lực nhỏ nhoi đóng góp cho hành trạng bóng-hình đó. 

3. Là một Phật tử Việt Nam sống tại Mỹ, người viết chịu rất nhiều giới hạn khi chọn tình hình Phật giáo Việt Nam để chiêm nghiệm và trang trải những suy nghĩ của mình. Giới hạn về không thời gian, về những thông tin khả tín về hiện thực Phật giáo Việt Nam tại quê nhà, và nhất là giới hạn do sư cách biệt về tập quán tư duy được hình thành trong quá trình người viết tương tác với nền văn hóa bản địa ở ngoài quê hương. Nhưng có một điều chắc chắn là không có giới hạn về tình cảm gắn bó với quê hương và đạo pháp. Ngược lại là khác. Cho nên cũng chính vì là một Phật tử Việt Nam xa quê hương gần trọn nửa trái cầu, nên mới thao thức nhiều hơn về tương lai của Phật giáo Việt Nam, vốn là cái nôi đã cùng với văn hóa dân tộc đong đưa nuôi dưỡng người viết từ thưở ấu thơ theo anh đến chùa. 

4. Tuy mười lăm bài viết trong tập sách nhỏ nầy được viết lên trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2008, nhưng một số vấn đề mà người viết nêu lên có vẽ như vẫn còn tính thời sự nóng bỏng cho hôm nay và ngày mai. Nóng bỏng vì vẫn còn ngỗn ngang trăm mối trong lòng một số Phật tử Việt Nam. Trong số 15 bài viết đó, ba bài cuối cùng tuy không trực tiếp nhưng lại xa gần liên quan đến sinh mệnh Phật giáo Việt Nam: Một bài là chuyện của những người vừa đồng bào vừa đồng đạo tại hải ngoại, một bài là chuyện của những người xa lạ không muốn cho Phật giáo và Dân tộc đồng hành với nhau, và một bài nữa bàn về mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước. 

5. Nhân dịp hình thành cuốn sách nầy, người viết xin chân thành cảm tạ quý Thầy và quý Đạo hữu phụ trách tạp chí Văn hóa Phật giáo và Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo trong Thời đại mới, 2006, cũng như năm trang nhà điện tử Đạo Phật Ngày nay, Giác Ngộ, Giao Điểm, Phật tử Việt Nam và Thư viện Hoa sen, đã khuyến tấn, chỉnh sửa và phổ biến những bài viết nhiều khi “quá thẳng quá thật” dưới những bút hiệu và từ những vị trí khác nhau của tác giả. Một vài bài cũng đã được biên tập lại cả về nội dung lẫn dữ liệu cho rõ ràng hơn. 

Tuy nhiên, nếu còn có gì khiếm khuyết và sai lầm trong tập sách nầy, thì người viết, và chỉ một mình người viết, xin nhận lỗi và đê đầu sám hối

Từ bên kia đại dương xa xôi:

Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hởi, nhớ ai sao mờ 

Ngôi sao vô tri trong các dải thiên hà xa xăm mà còn mong nhớ huống gì là người, lại là người Phật tử Việt Nam.

Trí Tánh Đỗ Hữu Tài
California, 9-2008

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.