Tạm Kết

26/04/20191:52 CH(Xem: 4780)
Tạm Kết
Hòa Thượng THÍCH NHƯ ĐIỂN
MỐI TƠ VƯƠNG CỦA
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
(Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần)
Phật lịch 2.562 – Mậu Tuất 2018
Viên Giác Tùng Thư
TẠM KẾT

 

Sáng hôm nay ngày 23 tháng 5 năm 2017 sau thời tụng kinh Lăng Nghiêm và tọa thiền, tôi trở lại thư phòng ở chùaViên Giác để viết lời kết cho quyển sách có nhan đề là “Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công chúa” (phóng tác lịch sửtiểu thuyết vào cuối đời Lý, đầu đời Trần). Đây là tác phẩm thứ 65 của tôi viết bằng tay kể từ năm 1974 đến nay suốt trong 43 năm như vậy. Tôi bắt đầu viết quyển sách nầy vào ngày 16 tháng 2 năm 2017 tại Tu Viện Viên Đức ở miền Nam nước Đức. Nếu tính trung bình thì sau 100 ngày tôi đã viết xong tác phẩm nầy, nhưng trên thực tế thì trong 100 ngày ấy không phải ngày nào tôi cũng viết, vì có bao nhiêu việc Phật sự phải đảm đương vào cuối tuần và có ngày phải đọc sách, đọc kinh, nên thời gian 100 ngày ấy chỉ là thời gian tổng quát để hình thành một tác phẩm dày 414 trang viết tay như thế nầy và tôi nghĩ khi đánh máy xong in thành khổ A5 số trang cũng sẽ tương đương như vậy. Nếu ngày nào tôi quyết tâm chỉ viết không thôi thì sẽ được từ 20 đến 22 trang viết tay, với 36 dòng chữ nguệch ngoạc của mình. Tôi có một thói quen, không biết là có ai có không? Đó là tất cả các tác phẩm và dịch phẩm từ ngôn ngữ nầy sang ngôn ngữ khác, tôi chỉ viết tay chứ không tự đánh máy, vì lẽ nhiều lúc đánh máy lỡ quên hay đụng vào một nút nào đó, những gì đã được suy nghĩ bị xóa mất đi, nên tôi chọn viết tay cho chắc là vậy. Nếu có sai hay thiếu chữ nào thì sửa lại dễ dàng hơn, còn việc đánh máy và xem lại lỗi chính tả đã có những vị thư ký lo dùm.

Cái tật của tôi khi viết là không bao giờ xem lại những trang đầu, chờ cho xong trang cuối mới xem và sửa lại lần cuối. Do vậy chắc chắn có nhiều đoạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Kính mong quý độc giả hoan hỷ cho điều nầy vậy. Ngoài ra tôi nghĩ sao thì viết vậy chứ không chải chuốt câu văn, nên có thể có nhiều vị không hài lòng mấy, nhưng nếu nói như người xưa rằng: “Xem văn để biết người”, thì tôi là con người mộc mạc như thế đó. Ngay cả việc giảng pháp cũng vậy, cho đến nay tôi đã giảng trên 1.000 băng giảng, nhưng hầu như không nghe lại băng nào, vì nghĩ rằng cái gì nó đã qua rồi thì hãy cho nó qua đi. Suy nghĩ lúc đó, không phải là bây giờ. Do vậy níu lại quá khứ để làm gì cho bận tâm. Có thể đây là một việc dở, sai, ít phục thiện, nhưng cách riêng của tôi là vậy.

Quyển sách nầy có tất cả 13 chương và chỉ có 4 chương là viết tại Ấn Độ cũng như Thái Lan, còn 9 chương kia thì viết tại Viên Đức và Viên Giác. Từ ngày 16 tháng 3 năm 2017 đến ngày 30 tháng 4 năm 2017 vừa qua chúng tôi trongPhái Đoàn Hoằng Pháp Âu-Mỹ đã hành hương và tổ chức tu học tại các nước Á Châu như: Ấn Độ, Népal, Thái Lan, Lào, Đại Hàn và Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng: Nếu có thì giờ rảnh thì sẽ viết trong thời gian ấy, nhưng thực ra trong gần một tháng rưỡi ấy hầu như ngày nào cũng bận, nên chỉ viết được 4 chương mà thôi. Sau khi về lại Đức phải lo tham dự lễ Phật Đản 2651 tại Chùa Viên Giác và các nơi, mãi cho đến sau ngày nhập hạ an cư 11 tháng 5 năm 2017 tôi mới có thì giờ nhất định trong mỗi ngày để hoàn thành tác phẩm nầy.

Thông thường đồng hồ reo vào 5 giờ 30 sáng, nhưng ở tuổi gần 70 nầy, tôi đã tự thức dậy lúc 4 giờ 30, sau đó xem xét một số công việc trong ngày sau khi đã làm vệ sinh cá nhân và 5 giờ 45 sáng là tôi đã có mặt tại Hậu Tổ để lễ Tổ cùng Đại chúng. Tại Phật điện chúng tôi tĩnh tọa 15 phút, sau đó là trì tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm cũng như kinh hành và lễ bái Hồng Danh chư Phật cùng chư Bồ Tát. Độ 7 giờ 10 phút là xong mọi lễ nghi tại Phật điệnmọi người về liêu phòng của mình. 

Từ khi thành lập Niệm Phật Đường Viên Giác năm 1978, rồi chùa Viên Giác từ năm 1981, kế đến là Tổ Đình chùaViên Giác cho đến năm 2017 nầy là gần 40 năm như vậy, hầu như không có buổi sáng nào là không có thời Kinh Lăng Nghiêm cả. Đây là một dấu ấn khó phai mờ với chư Tăng Ni tu học tại đây cũng như những Phật tử về chùa công quả.

Sau khi từ Chánh điện xuống, phần tôi lo tập thể dục theo 7 động tác của Tây Tạng trong 15 phút, kế đó xem thư từ và 8 giờ sáng là giờ dùng sáng của Đại chúng, tôi có mặt tại trai đường. Sau khi dùng sáng xong từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 là giờ tôi đi dạo sang Vô Học Cốc bên cạnh chùa. Từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 sáng là giờ viết sách, đọc kinh, đọcĐại Tạng. Từ 11:30 đến 12:30 là giờ quá đườngkinh hành nhiễu Phật. Từ 12:30 đến 14:00 là giờ nghỉ trưa. Từ 14:30 đến 16:00 là giờ viết sách, dịch kinh hay đọc Đại Tạng. Nghỉ giải lao 30 phút xong, tôi bắt đầu lại phần cuối trong ngày là từ 16:30 đến 18:00 lại là giờ viết sách hay xem bài vở, đọc Đại Tạng Kinh và sau đó dùng chiều nhẹ. Từ 19:00 đến 20:00 là giờ tôi xem phim ảnh Phật giáo và từ 20:00 đến 21:40 là giờ lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ 2 Phẩm Ca Diếp. Mỗi tối lạy chừng trên dưới 300 lạy trong 3 tháng an cư kiết hạ, sau đó ngồi thiền. Khi về lại liêu phòng đã gần 22:00 giờ và bắt đầu cho một giấc ngủ kéo dài đến 4:30 sáng hôm sau. Cứ thế và cứ thế, ngày lại tháng qua vẫn thế từ thứ Hai đến thứ Sáu và cuối tuần thì tôi đi tham dự Phật sự các nơi ở Đức hay Âu Châu. 

Giờ giấc trong mùa Hè của 3 tháng An Cư Kiết Hạ là như vậy, nhưng giờ giấc của 9 tháng còn lại trong năm thì hơi khác đi một tí. Đó là 12:00 dùng trưa; 18 giờ dùng chiều và buổi tối trong 9 tháng nầy quý Thầy Cô tại chùa Viên Giáchành trì riêng với pháp môn tu của mình chứ không lễ bái kinh. Mỗi buổi chiều từ 17:00 đến 18:00 giờ trên Chánh điệnđều có cúng Thí Thực Cô Hồn, phần nầy quý Thầy, Cô, Chú mới tập sự tham dự, còn phần của tôi thì không.

Nếu không bắt đầu viết thì trong 100 ngày ấy tôi cũng đã chẳng có tác phẩm thứ 65 nầy gồm 414 trang viết tay và nếu không lạy Phật hằng đêm trong mùa An Cư Kiết Hạ thì những kinh như: Ngũ Bách Danh, Tam Thiên Phật Danh, Vạn Phật sẽ không xong lạy nào từ năm 1984 đến nay, để từ đó tôi phát tâm lạy kinh Pháp Hoa rồi Kinh Đại Bát Niết Bànmỗi chữ mỗi lạy. Cho đến nay sau hơn 33 năm những việc thực hành của tôi sắp viên mãn và thời gian còn lại của đời nầy chỉ chuyên tâm niệm Phậtcầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc mà thôi. Khi viết đến chương cuối thứ 13 nầy tôi đã xem cuộn phim về cuộc đời của Đức Phật tập thứ 44 cũng tương hợp với những gì về “Tám Pháp Trọng” mà Ni CôHương Tràng đã thọ trì, trước khi chấm dứt phần lịch sử tiểu thuyết nầy. Đó cũng là một điều ngẫu nhiên nhưng thật là có ý nghĩa.

Trong khi viết tác phẩm nầy, tôi cũng đã liên lạc với Đạo Hữu Giác Đạo Dương Kinh Thành, người đã soạn tuồng cải lương “Chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng” trước đây mấy năm và đã được Đạo Hữu đồng ý sẽ soạn thành một tuồng cải lương khác với nhan đề nầy. Hy vọng trong tương lai gần quý Đạo Hữu khắp nơi trên thế giới sẽ có sách nầy để xem và tuồng cải lương để nghe. Chỉ tiếc rằng Nghệ sĩ Út Bạch Lan đã về với Phật năm rồi, nếu không, bà sẽ giữ vaiThái Hậu Khâm Từ, mẹ của Huyền Trân Công chúa thì hay biết mấy. Tuồng cải lương “Chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng” bà đã giữ vai Thái Hậu, mẹ của Hoàng Cô rất là tuyệt vời. Sau khi sách và phim ra mắt độc giả khắp nơi đã được nhiều người khen thưởng, tuy cũng có một vài chỉ trích; nhưng theo Sầu Nữ Út Bạch Lan, bà đã nhận định rằng: “Dầu với tính cách lịch sử, chưa đúng hẳn, nhưng những lời thoại trong phim đã giúp cho những người nữ đi chùa sẽlưu tâm hơn và đặc biệt là những Tăng Ni trẻ sẽ lấy đó làm bài học sống đạo cho chính mình”. Lời nhận định nầy chắc rằng sẽ không sai, dầu cho bà đang ở tận một cảnh giới nào đi chăng nữa, thì những việc làm của bà đã cống hiếncho đời cũng như cho đạo vẫn mãi còn vang vọng nơi hậu thế nầy.

Lúc còn nhỏ cũng như khi đã lớn và nhất là ở tuổi già, tôi rất thích đọc và nhớ về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sửcủa thế giới. Do vậy mà những sách nào liên quan về sử, nhất là lịch sử Phật giáo thì tôi lại tìm tòi đọc, nghiên cứunhiều hơn. Trong đó có những quyển như: “Lược sử Phật giáo Việt Nam” của Hòa Thượng Thích Mật Thể. “Phật giáoViệt Nam Sử Luận I, II, III của Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh). “Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I, II” của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát. “Phật giáo Đàng Trong” của Nguyễn Hiền ĐứcBác sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ ở Pháp cũng đã viết về lịch sử Việt Nam ở ngoại quốc, nhất là phần cuối Lý đầu Trần với Hoàng tử Lý Long Tường tại Triều Tiên. Vua Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát và nhiều sách văn học lịch sử khác. Gần đây thì phương tiện tra cứu dễ dàng hơn, nên chỗ nào không rõ thì tôi lên Internet, gõ vào Google để tìm về Huyền Trân Công chúaTuệ Trung Thượng Sĩ, Vua Trần Nhân Tông, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhất là Phổ Hệ Nhà Trần và Huyền Trân Công chúa thì tôi phải dựa vào trang Wikipedia tiếng Việt truy cập để viết, cho hợp với thời gian cùng năm tháng của những sự kiện lịch sử đã xảy ra, nhưng chưa chắc cũng đã đúng hoàn toàn. Những câu hay đoạn nào trong ngoặc kép hay ngoặc đơn đều là những phần trích dẫn của những sách đã nêu trên và “Tự Điển Toàn Thư Mở” đã giúp cho tôi hoàn thành tác phẩm nầy. Ngoài ra bài “Chúc thư chính trị của một danh tướng” do Trần Gia Phụng ở Canada viết, đã đăng trên báo Viên Giác số 216 xuất bản vào tháng 12 năm 2016 vừa qua đã giúp cho tôi rất nhiều để viết về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Xin niệm ân tất cả.

Khi đọc sử Việt Nam nếu ai đó có quan tâm sâu sắc thì mới nghĩ đến những khía cạnh của Phật giáo đã đóng góp được những gì cho Dân Tộc và Đạo Pháp qua hơn 2.000 năm dựng nước và giữ nước, còn đa phần những sử gia bình thường họ ít quan tâm về việc nầy. Do vậy khi đọc và nhớ về lịch sử cả Đời và cả Đạo, tôi mong muốn làm sao có được sự kết hợp hài hòa đó và mọi người dân phải biết công lao của các vị Thiền sư và các vị Quốc Sư đã giúp cho Phật giáo và đất nước những gì, chứ không phải chỉ riêng những người Phật tử mới cần biết đến. 

Ví dụ như Vạn Hạnh Thiền sư đã ảnh hưởng vai trò của mình như thế nào với Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ). 

Rất nhiều người biết Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã giúp cho Vua Trần Nhân Tông 2 lần đại thắng quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288; nhưng ít người biết rằng Hưng Đạo Vương vừa là cậu (bác) ruột của Vua Trần Nhân Tông và cũng là Quốc trượng (nhạc gia) của Vua nữa. 

Ngay cả là người Phật tử đi nữa nhưng họ cũng chẳng biết Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiên Cảm Hoàng hậu (vợ Vua Trần Thánh Tông) là anh em ruột với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. 

Cũng chẳng ai biết rằng Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung đã giúp cho em mình là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chiến thắng 2 lần quân Nguyên Mông. 

Cũng ít người biết rằng, Khâm Từ Hoàng Thái Hậu, con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vợ Vua Trần Nhân Tông, chính là mẹ của Huyền Trân Công chúa v.v…và v.v…

Dĩ nhiên là còn nhiều việc tế nhị của lịch sử nữa, nhưng chỉ xin nêu ra một vài việc tiêu biểu như vậy mà thôi.

Khi nói đến Huyền Trân Công chúa thì đã có nhiều sử gia viết rồi, ngay cả kịch, cải lương v.v… cũng đã có trình chiếu lâu nay, nhưng riêng tôi muốn xây dựng cái nhìn về Huyền Trân Công chúa ở nét Đạo Học và Phật Học Đông Phương, hơn là thêm mắm giặm muối cho cuộc tình Chiêm-Việt cũng như giữa nàng và Trần Khắc Chung có nhiều điều nghi ngờgiả sử nên tôi đã lướt qua việc nầy, vì tôi nghĩ rằng là một Phật tử chân chánh không có ai phạm giớithứ ba khi chồng mình vừa chết, con mình bị thất lạc và trong lúc cư tang, làm sao có thể vui riêng với những bậc đáng bằng cha chú mình trong thời gian trên thuyền trở lại Thăng Long năm 1308 được. 

Tôi không viết sử, nhưng dựa theo những sự kiện lịch sử để tôi phóng tác thành một lịch sử tiểu thuyết để chúng ta có một cái nhìn đứng đắn hơn về Huyền Trân Công chúa theo như tác phẩm “Am Mây Ngủ” của Thiền sư Nhất Hạnh đã viết. 

Điều tôi muốn thăng hoa ở nàng Công chúa ấy không phải ở sắc đẹp hay tài giỏi, mà là ở khía cạnh Phật giáo khi trở lại quê hương Đại Việt bà đã làm gì. Từ năm 1311 cho đến khi bà mãn phần năm 1340 suốt gần 30 năm như vậy, vớicuộc đời của một Tỳ Kheo Ni không lẽ không có một dòng chữ nào viết về bà? Đa phần lịch sử chỉ chấm dứt khi nắp quan tài đã đậy lại, nhưng một hành trạng suốt ba thập niên như vậy, mà chẳng thấy ai đả động đến gì cả nên sau khitìm hiểu mọi sử liệu, nhất là những sử liệu Phật giáo về triều Lý và triều Trần tôi nhất định viết quyển “Phóng tác lịch sử tiểu thuyết” nầy để lại cho đời, vì biết rằng một ngày nào đó sẽ có những người tìm tòi đến lịch sử, có tài liệu để mà nghiên cứu hay trích dẫn. Điều đặc biệt của tôi mong mỏi là nối kết chất liệu và những sự kiện của Phật giáo với các nhân vật trong khoảng thời gian lịch sử nầy để ngày sau mọi người đều rõ biết, tri ân, chứ không phải chỉ nói thoáng qua về khía cạnh tâm linh nầy. Đây là những lý do cần quan tâm đến.

Lý do thứ nhất là tuổi của Thượng Tướng Trần Khắc Chung bằng tuổi với Ông Ngoại của Huyền Trân Công Chúa là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nên một Ông lão, không thể có tình riêng với người con gái 20 tuổi, đáng tuổi con cháu của mình, dầu cho thời gian đi trên thuyền có bao nhiêu lâu đi chăng nữa cũng không thể xảy ra sự việc yêu thương ấy được. Hơn nữa trên thuyền lúc ấy còn có nhiều người khác.

Lý do thứ hai khiến chúng ta phải suy tưởng đến là vấn đề đạo đức của một xã hội trong thời Tam Giáo Đồng Quynhư dưới Triều Trần, thì sự việc “Tam tòng tứ đứcTam cương ngũ thường” là điều cần thiết cơ bản cho đạo đức mà người dân được giáo dục. Do vậy khi chồng mới chết, dẫu là người tầm thường dân giả đi chăng  nữa cũng chẳng thể, hà huống gì một bậc mẫu nghi thiên hạ lại đi tục huyền hay tư thông với người khác phái sớm như thế? Làm sao họ có thể dám vượt qua vòng lễ giáo trong hoàn cảnh như vậy?

Thêm một vấn đề nữa  là qua “Ngọa Vân Am” chúng ta được biết, sau khi Huyền Trân Công Chúa về lại Thăng Long, nàng đã xin Vua Anh Tông đi thẳng vào núi Yên Tử gặp Phụ Hoàng Trần Nhân Tông để trình bày những sự kiện đã xảy ra khi làm dâu ở Chiêm Quốc và đặc biệt là lúc Chế Mân băng hà. Điều quan trọng hơn nữa là Huyền Trân Công Chúa đã Quy Y Tam Bảo, sau đó thọ Bồ Tát Giới tại gia với Đạo Hiệu là Hương Tràng năm 1308 và trong năm nầy Thượng Hoàng Trần Nhân Tông cũng đã băng hà. Sau nầy nhân gian xưng tụng Ngài là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Và một hai năm sau tức năm 1309-1311, Huyền Trân Công Chúa đã chính thức xuất gia tại chùa Nộn ở Bắc Ninh và sau đó trở thành một vị Tỳ Kheo Ni rất lịch lãm trong chốn sơn môn suốt hơn 30 năm như thế, mà lịch sử cũng nhưchính sử chẳng đá động gì về cuộc đời và hành trạng tu tập của Bà cho đến năm 1340 Bà đã ra đi vĩnh viễn để theo dấu chân của Ni Trưởng Diệu Nhân thời Nhà Lý.

Trên đây là 3 trong nhiều lý do quan trọng để tôi cố gắng biên tập nên tác phẩm nầy. Dĩ nhiên khi đã viết thành sách, dựng thành Phim sẽ có nhiều lời khen chê khác nhau, nhưng xin thưa cái gì của lịch sử xin trả về lịch sử nguyên thủycủa nó, là điều mà người viết quyển tiểu thuyết nầy rất mong muốn vậy. Có người sau khi xem xong sách nầy qua lời kết, có đề nghị với tôi rằng: “Thầy nên chỉ viết là lời tạm kết mà thôi, vì biết đâu Thầy sẽ còn viết tiếp chuyện nầy hay chuyện khác nữa”. Tôi đồng thuận với quan điểm nầy, vì tôi muốn lắng nghe tất cả và biết đâu trong tương lai sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn tác phẩm nầy của tôi, thì tôi cũng chỉ xin nguyện làm một nhịp cầu để nối kết những gì đã xảy ra hơn 712 năm (1306-2018) về trước. Dầu thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn nguyện như ngày nào là: “Con xin nguyện làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”.

Tôi đã định là không còn biên thêm cuốn tiểu thuyết nào có liên quan về Phật giáo nữa, nhưng sau khi xem sách và băng Video về “Chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng” nên nhiều người có ý mong mỏi tôi viết thành tác phẩm “Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa” để gởi đến quý độc giả khắp nơi, biết đâu rằng có những người nhân đọc sách nầy hay xem tuồng cải lương sẽ bổ sung thêm nhiều sự kiện lịch sử tích cực, thì đó là điều vạn hạnh cho người cầm bút nầy. 

Vào ngày 7 đến 17 tháng 4 năm 2017 vừa qua tôi đã có dịp sang Đại Hàn và gặp quý Phật tử Việt Nam đang sinh sống tại đó cũng như một số quý Thầy, quý Cô và Phật tử từ Việt Nam sang đây để thăm tôi và dự khóa tu học cũng như hành hương, trong đó có một Thầy nói một câu mà tôi rất cảm động. Đó là: “Con nhờ đọc quyển Giai Nhân vàHòa Thượngdo Sư Ông viết, mà con phát tâm đi xuất gia đó”. Như vậy hóa ra những tác phẩm như thế nầy đâu phải là vô bổ cho mọi người, nên tôi vẫn tiếp tục viết và dịch sách là vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có sở thích riêng, không ai giống ai hết, nhưng nếu chúng ta chỉ phê bình mà không đóng góp gì cả cho việc chung thì nhiều người sẽ bịthiệt thòi.

Tháng 4 năm 2017 vừa qua báo Khánh Anh xuất bản tại Pháp có trích in một số câu chuyện rất hay như sau:

“Có một chàng sinh viên sau khi tốt nghiệp hội họa, Thầy giáo bảo rằng: Anh vẽ cho tôi một bức tranh và sau đó đem để chỗ nhiều người qua lại và ở bên dưới bức tranh nên viết hàng chữ như thế nầy: “Xin đánh dấu những chỗ nào mà bạn thấy sai”. Sau một tuần lễ, người sinh viên vừa tốt nghiệp ấy với dáng điệu tiu nghỉu đến trước vị Thầy của mình cùng bức tranh và thưa với Thầy rằng: “Bức tranh hầu như chỗ nào cũng sai”. Thầy giáo yên lặng và bảo anh ta rằng: “Anh hãy vẽ một bức tranh khác, giống hệt như bức tranh vừa rồi và đề bên dưới bức tranh là:“Xin vẽ lại những chỗ bị sai”; thì cả một tuần sau không có ai vẽ sửa được gì trên bức tranh.

Điều nầy có nghĩa là: Phê bình thì rất dễ, nhưng khi làm thì không phải ai cũng làm một cách dễ dàng được. Từ đó tôi thấy rằng: Câu chuyện nầy có lý và việc mình, mình cứ làm trong khả năng của mình, còn chuyện chê khen vốn là chuyện của thế gian lâu nay mà. Tục ngữ Trung Quốc cũng có một câu rất hay là: “Anh có thể tự bịt hai lỗ tai của anh lại, nhưng anh không thể bịt miệng của người ta được”. Việc của người ta nói, đó là chuyện của người ta, còn mình có muốn nghe hay không, lại là một chuyện khác nữa.

Có người hỏi tôi rằng: “Làm sao để viết được nhiều?” Câu trả lời rất đơn giản là: “Hãy đọc thật nhiều kinh, sách, thì sẽ viết được nhiều thôi!”. Nhưng bạch Thầy, ở hãng mỗi ngày làm từ 8 đến 10 tiếng, khi về nhà chỉ lo tắm rửa, ăn cơm, xem tivi đã hết giờ rồi, còn sức đâu mà đọc. Khi về hưu thì mỏi mệt rồi, mắt mờ, tai điếc, cháu nội, cháu ngoại cần đến mình, mình lại bận rộn hơn khi đi làm nữa. Thế là không đọc xong được một tác phẩm nào cả. Âu đó cũng là một việc chung của xã hội năng động ngày nay. Phương tiện thì có quá nhiều, nhưng con người thì luôn bị động trước nhữngphương tiện đó. Bởi vì ta không tự làm chủ được chính mình. Khi nào mình tự biết mình là ai và cần làm gì thì lúc ấyta sẽ chiến thắng được chính mình.

Tôi vẫn thường hay nói rằng: Hãy đừng nên tự cao, tự đại, tự mãn, tự ái, tự hạ mình mà hãy tự tin nơi mình để mình còn có thể bước xa hơn như thế nữa, và tôi cũng hay khuyên chính mình hoặc đệ tử của mình rằng: “Hãy đừng lợi dụng người khác về tiền tài, vật chất, tình yêu, giờ giấc v.v… mà hãy lợi dụng thời gian của ta có được trong 24 tiếng đồng hồ của mỗi ngày để chúng ta làm được một cái gì đó, thì việc nầy lại mang một ý nghĩa to lớn vô cùng. Hãy bắt đầu ngay vào một việc gì đó từ bây giờ mà bạn nghĩ là ta cần phải làm cho mình và cho người khác”.

Tôi chấm dứt viết tác phẩm thứ 65 nầy với niềm Pháp lạc vô biên trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm Đinh Dậu 2017 nầy. Vì mỗi tháng chúng tôi được Bố Tát tụng giới Tỳ Kheo hai lần vào sáng ngày Mồng Một và ngày Rằm sau thờicông phu khuya. Có như vậy người xuất gia mới biết được rằng: Đâu là điều cần phải làm và đâu là điều cần phảitránh. Một lễ Phật, một cành hoa dâng Phật, một nén hương thơm, một cử chỉ trân trọng v.v… tất cả đều là những nét đẹp của cuộc đời và nơi cửa chùa. 

Xin trân trọng được gởi đến tặng quý vị khắp nơi khi có cơ duyên đọc đến tác phẩm nầy. Dầu hay dầu dở, đó cũng là đứa con tinh thần của tác giả và người viết tác phẩm nầy cũng xin niệm ân những ai giúp chỉ cho những chỗ cần phảiđiều chỉnh lại để lần sau, nếu tác phẩm nầy có được tái bản, sẽ hoàn chỉnh hơn.

Xin cảm ơn Chú Sanh, Anh Như Thân, Thầy Hạnh Bổn đã miệt mài đánh máy, Layout, sửa đổi cách trang trí cho thích hợp với người đọc và cô Thanh Phi ở xa tận bên Melbourne, Úc Châu cũng đã xem lại và sửa lỗi chính tả cho toàn văn quyển sách nầy, cũng như góp thêm nhiều ý kiến hay trong một số đoạn văn. Đạo hữu chủ bút báo Viên Giáccùng những cây bút nữ của báo đã trợ duyên cho tôi không ít trong việc hoàn chỉnh tác phẩm này. Đạo Hữu NguyễnHiền Đức xa xôi tận Hoa Kỳ cũng đã đóng góp cho nhiều ý kiến rất tích cực. Như vậy người đọc đỡ phân tâm hơn khi phải đọc một cuốn sách có nhiều lỗi. Và cuối cùng xin cảm ơn tất cả quý độc giả ủng hộ cho tác phẩm nầy được phát hành rộng rãi khắp năm châu. Nếu không có người đọc thì tác phẩm nầy cũng không có giá trị. Nên độc giả chính làsức mạnh và sự tồn tại của Văn Học Phật giáo nước nhà qua sự thẩm định của quý vị về tác phẩm nầy. Nếu có đượccông ích nào đó.

Tất cả những tác phẩm của tôi viết và dịch ra tiếng Việt từ những ngôn ngữ khác, đều không giữ bản quyền, vì mục đích chính là làm lợi lạc cho mọi người ở mọi thời đại, nên khi quý vị muốn tái bản để phát hành, chỉ cần liên lạc qua địa chỉ Chùa Viên Giác để được sự đồng ý của chúng tôi như vậy đã quá đủ rồi. Kính xin quý vị an tâm.

Viết xong sách nầy vào trưa ngày 23 tháng 5 năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác, Hannover - Đức Quốc

             Tác giảHòa Thượng Thích Như Điển

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.