Chương Tám: Thiền Phái Tào Động

29/05/20214:44 SA(Xem: 2220)
Chương Tám: Thiền Phái Tào Động
Như Hùng
TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Văn Học Phật Việt 2020 | Thư Viện Hoa Sen 2021

Chương Tám

THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG

 

1. SỰ CÓ MẶT CỦA THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

 

Vào thế kỷ thứ 17 Việt Nam lại đón tiếp thêm một nguồn suối thiền tâm linh vi diệu nữa, đó là thiền phái Tào Động. Thiền phái này do Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807 – 869) và Tào Sơn Bản Tịch (840 – 901) sáng lập. Tào Động là lấy tên đầu của hai vị thiền sư ghép lại thành. Tào Động tông chủ trương ngũ vị: năm địa vị, giữa thẳng (chính), và nghiêng (thiên), vốn là của Động Sơn. Nhưng được Tào Sơn sắp xếp trình bày những ý niệm này như sau: “thẳng biểu tượng về tuyệt đối, là nền tảng quan yếu của muôn loài. Tuyệt đối này không thể dùng quan niệm hiểu được, nó vượt ra ngoài mọi phạm trù của ngữ ngôn.” Còn cái nghiêng tượng trưng cho tương đối, tương quan giữa sự vật. Sự tương quan giữa thẳng và nghiêng tạo thành năm địa vị như sau:

 

1* “Cái thẳng đi vào cái nghiêng (chánh trung thiên). Vì tuyệt đối nằm trong tương đối, nên ta có thể hiểu được cái tuyệt đối qua cửa ngõ của tương đối. Động Sơn có nói: “trong cái tuyệt đối đã có cái tương đối rồi, nếu không thì hóa ra cái tuyệt đối có trước cái tương đối sao?”

2* “Cái nghiêng đi vào cái thẳng (thiên trung chánh): Tương đối có là do cái tuyệt đối, cho nên trong tương đối phải xáp mặt cho được cái tuyệt đối. Động Sơn lại nói: “Cái tương đối đã có trong cái tuyệt đối rồi nếu không thì hóa ra cái tương đối có trước cái tuyệt đối sao?”

3* “Cái thẳng trong tự thân của nó (chánh trung lai): Đây là cái tuyệt đối trong tư thế tuyệt đối với chính nó, không dùng quan niệm mà có thể nhận thức được. Đây là pháp thânchân như, là như như bản thể”.

4* “Cái nghiêng trong tự thân của nó (thiên trung chí): Đây là cái tương đối trong tư thế tương đối của nó. Động Sơntrường hợp này giống như hai người đang đấu kiếm với nhau, không bên nào áp đảo được bên nào. Kẻ nào đạt được vị trí này là đã thâm nhập vào thế giới pháp thân và từ đây trở ra tung hoành trong thế giới hiện tượng”.

5* “Cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính (kiên trung đáo): Đạt được vị trí này thì tất cả mọi phân biệt giữa tuyệt đốitương đối, chân như bản thểhiện tượng đều đổ vỡ”.

 

Những biểu tính do Động Sơn khai mở, là nhắm đến việc hiển bày cái tuyệt đối (giác ngộ) bằng vào cửa ngõ của tương đối (cuộc đời). Tương đối là nhịp cầu tương quan giao tiếp, giữa cuộc đời khổ đau và niết bàn hạnh phúc. Trong cái tuyệt đối vốn đã ẩn chứa cái tương đối, vì tuyệt đối được hình thành là do tương đối mà lập. Nó không thể đơn phương tựu nên nếu không có cái gọi là tương đối thẩm định phán quyết.

 

Vì vậy muốn đạt được cái tuyệt đối (thẳng) hẳn nhiên không thể tách rời tương đối (nghiêng). Sự giác ngộ (thẳng) sẽ không đến từ bên ngoài của khổ đau, của cuộc đời, của những lầm than tìm kiếm trong thế giới hiện tượng. Muốn quật tung điều này ta phải quật thẳng vào những hiện tượng đó, chính từ nơi hiện thực đó, vượt thoát ra ngoài mọi sự phân biệt đối đãi dù đến từ đâu do đâu mang lại.

Tào Động Tông truyền ở miền Bắc (Đàng Ngoài) do Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu Thông Giác (1636 – 1704) đi tham cứu du học ở Trung Hoa đem về. Khi còn tham học với ngài Trí Giảo, có lần ngài Trí Giảo hỏi:

Chỗ an thân lập mạng của ông là chỗ nào?

- Thủy Nguyệt Thiền sư đáp:

Trong gió lửa nổi dậy

Trên sóng nước an nhiên”

- Ngài Trí Giảo liền hỏi tiếp:

Đêm ngày ông giữ gìn nó ra sao?

- Thủy Nguyệt Thiền sư đáp:

Đừng ngó trăng sao hiện

Nửa đêm mặt trời hồng”

- Ngài Trí Giảo nói:

Chuyện an thân mạng như thế được rồi, còn chuyện mặt mũi xưa nay của ông như thế nào?

- Ngài Thủy Nguyệt đáp:

Quơ sào trên bóng cỏ

Tên nhọn sẽ bay xa”.

- Ngài Trí Giảo khen:

Con rắn hai đầu ấy, đừng để nó chạy thoát! Hãy xỏ mũi nó! Cẩn thận! Ngươi là con cháu xứng đáng của ông Tào Động. Ta cho ông pháp hiệu là Thông Giác.

 

Bài kệ giác ngộ của Tổ Thủy Nguyệt

Núi sông dệt gấm vẽ tranh

Từ nơi suối ngọc chảy thành sửa thơm

Trên bờ oanh hót hoa vàng

Dưới sông cá lội từng đàn thẫn thơ

Ông chài ngủ dưới trăng mờ

Nong tằm phơi nắng hè trưa nực nồng”.

Thiền sư Thích Thích Nhất Hạnh dịch

(Sơn chức cẩm thuỷ hoạ đồ

Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô

Ngân thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ

Ba trung bích thuỷ diệp quần hồ

Nguyệt bạch đường đường ngư phủ tuý

Nhật hồng cảnh cảnh kiển bà phô).

 

Vậy thì, chỗ an thận lập mạng là chỗ nào chốn nào, sống chết ra sao mà ngài Trí Giảo đem ra hỏi? Có phải nơi ấy là vùng đất lầy lội gió mưa, hoặc nơi hoang vu của tính địa bản tâm? Sự nhận thức mở ra đóng lại nhập vào thế giới hiện tượng, hay là sự nỗ lực toàn triệt an nhiên tắm gội trong dòng suối thiền vi diệu? Một là đi vào nơi an bình cao cả vui với gió nội mây ngàn, không vướng bận nhọc lòng không phiền não khổ đau. Hai là chết chìm trong những trạng huống phiền não đau khổ, ta thường xuyên đối diện đuổi bắt chạy theo níu kéo, trong từng sát na phủ ngập thống khổ lụy phiền.

 

Hình ảnh của gió và sóng Thiền sư Thủy Nguyệt đề cập, cũng đủ để cho ta thấy ngay từ trong tâm thức của ta lúc nào cũng cuồn cuộn nổi lên những bất an xáo trộn biến động, nhưng cũng từ đó ta tìm thấy sự an tịnh lắng đọng. Điều hẳn nhiên, ta không thể kiếm tìm đâu đó từ bên ngoài để thế vào, cần nhất là phải khai quật từ bên trong nội tâm ta. Để có được sự an nhiên tự tại đích thật, để cho mặt trời tuệ giác sáng soi khắp cùng, ta cần phải quét sạch màn đêm vô minh tăm tối, và đó cũng chính là chỗ an thân lập mạng đúng nghĩa ta một lòng hướng đến.

 

Tổ Thủy Nguyệt còn có hai bài thi kệ giác ngộ tuyệt vời được ghi lại trong dịp Thiền sư Tông Diễn đến tham vấn.

 

Bài thứ nhất Tổ đề cập đến có không, hiện tượng của tâm thức, đã có gọi là có thì cái gì cũng có, cho dù nhỏ như vi trần cát bụi. Nếu là không gọi là không, thì điều gì vật gì dù to lớn như hư không cũng sẽ là không vì chẳng có thật tướng.“Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt.” Dù không hay có chẳng có chẳng không hay là cái gì đi nữa, nhưng khi còn chấp còn bám còn dựa dẫm thì vẫn phải triền phược dính mắc.  Chỉ khi mặt trời tuệ giác đỏ hồng soi tỏ, lúc đó tất cả sẽ rơi rụng tức thì.

 

Bài thi kệ sinh diệt cũng là vấn đề của có và không nhưng lại trực tiếp nổi trội và rõ ràng hơn, vì chạm thẳng vào chính chúng ta. Vạn pháp vốn dĩ như thế, hễ có sinh ắt có diệt có còn ắt có mất, cũng bởi có sinh nên mới có diệt, nhưng nếu không sinh thì lấy gì diệt? Đó chính là sự vận hành tự nhiên đến đi  của các pháp, khi thấu hiểu như vậy thì có gì còn gì để ta phải lo sợ. Pháp cũng do tâm tạo muôn pháp đều do tâm sinh, nhưng nếu pháp không sinh thì lấy pháp nào để diệt có không còn mất? Một khi ta nhận chân ra được bản chất như thật đến đi của các pháp, thì pháp có còn là sinh là diệt là có là không, hay tự bản chất các pháp là vậy? Một khi tâm ta hoàn toàn tịch nhiên vắng lặng, muôn pháp về không hoàn không, thì có gì còn gì để không trở về với chân không diệu hữu. Đến được chỗ tận cùng đạt được rốt ráo thì sinh diệt có không, tất cả đều mất lối bặt tăm, pháp tánh chân như thường hằng chẳng sinh chẳng diệt bao giờ. Có phải đó là điều Thủy Nguyệt Thiền sư nhắn bảo?

 

* Thiền Sư Tông Diễn - Chân Dung (1640 – 1711)

 

Vị tổ thứ hai của Tào Động Tông Việt Nam, được Thiền sư Thủy Nguyệt truyền tâm pháp đó là Thiền sư Tông Diễn.

Lần đầu khi Ngài tới tham vấn gặp lúc Thủy Nguyệt Thiền sư đang nghỉ ngơi.

- Ngài Thủy Nguyệt nói: “tôi đang nghỉ ngơi, chẳng biết lúc nào mới có tin tức”?

- Tông Diễn Thiền sư đáp:

Giờ dần mặt trời mọc, giữa ngọ trời đứng bóng”

- Thiền sư Thủy Nguyệt liền đọc kệ:

Đã có gì cũng có

Khi không gì cũng không

Khi có không nhào xuống

Mặt trời mọc đỏ hồng”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch

(Ưng hữu vạn duyên hữu

Tùy vô nhất thiết vô

Hữu vô câu bất lập

Nhật cảnh bổn đường bô)

Thủy Nguyệt Thiền sư bước xuống và nói với ngài Tông Diễn “Dòng Tào Động chủ trương Ngũ Vị Quân Thần nhà ngươi đúng là người thừa kế môn phái này”. Nói xong ngài trao cho Thiền sư Tông Diễn bài kệ:

Không có pháp nào sinh

Không có pháp nào diệt

Sen nở trên lưỡi người

Chuyện tương truyền tự biết”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch

(Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Uẩn không liên đầu thiệt

Phật phật tổ tổ truyền).

 

Thiền Sư Tông Diễn trở về Đông Sơn, ra sức xiểng dương tông Tào Động. Học giả bốn phương nghe tiếng tìm tới tham học đông đảo. Ngài viên tịch vào năm 1711, thọ 71 tuổi.

 

Bài thi kệ của Thiền sư Tông Diễn

Hoa nở xuân mới đến

Lá rụng liền biết thu

Đầu cành sương đọng ngọc

Trên lá tuyết thành châu

Buổi sáng trời quang vẫy rồng hiện

Xế trưa mây tạnh có voi chầu

Vằn cọp ngoằn ngoèo một thứ

Phượng bầy thể tính như nhau

Pháp của Đạt Ma có gì lạ?

Lênh đênh mặt biển cánh hoa lau”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch

(Hoa khai xuân phương đáo

Diệp lạc tiện tri thu

Chi đầu sương oánh ngọc

Ngạc thương tuyết liên châu

Thánh thần vân tán sản long giác

Bạch nhật hà quang lõa tượng khu

Báo văn tụy kiến nhất

Phụng chúng thể toàn câu

Đạt Ma tây lai truyền hà pháp?

Lô hoa thiệp hải thủy phú phù).

 

Ngoài tuệ lực giác ngộ cao dày thâm sâu, Thiền Sư Tông Diễn còn là một nhà thơ với những vần thi kệ siêu thoát. Điều đặc biệt Ngài còn là một người con hiếu thảo, tấm gương hiếu hạnh rạng ngời còn lưu lại trong thiền sử. Một người hết lòng thực hiện trọn vẹn bốn ân đức (ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân bạn hiền tri thức, ân quốc gia xã hội chúng sinh) to lớn rộng sâu như núi cao biển cả. Tương truyền chùa Hòe Nhai còn có tên Hồng Phúc Tự ở quận Ba Đình Hà Nội hiện còn lưu giữ bức tượng “vua sám hối” độc đáo, do nhờ công chuyển hóa của Thiền Sư. Vua Lê Hy Tông (1663-1716) lên nắm quyền vào năm 1675 vua ra lệnh cho tất cả Sư sãi rời khỏi chùa lên núi rừng ẩn cư, ai không nghe lệnh sẽ bị khép vào trọng tội và xử trảm. Trước thảm cảnh đau lòng như thế Thiền sư Tông Diễn tìm cách về kinh thành Thăng Long, Ngài cải trang giả vờ dâng lên vua một viên ngọc quý, nhưng thực chất trong đó là một tờ sớ chứa đầy tâm huyết của Thiền sư tâu trình giải bày với vua. Sau khi vua đọc xong lòng nghi ngờ không còn, nhận thấy chổ sai của mình, liền cho người tạc bức tượng vua đang mặc triều phục qùy mọp xuống trên lưng cõng bức tượng Phật để tỏ lòng ăn năng sám hối.

Tâm Phật là tâm hiếu hạnh Phật là hạnh hiếu, tâm nguyện cao cả của Ngài cho đến tận hôm nay con người đó, tấm gương hiếu hạnh tuyệt vời đó, tuệ giác Thiền sư vẫn đêm ngày sáng soi tỏa hương thơm ngát lồng lộng. Tấm lòng hiếu hạnh không bến bờ, nhắc nhở bao thế hệ cháu con ra công gắng sức tu tập để đáp đền bốn ân trọng nghĩa sâu.

 

Trong công cuộc hoằng hóa và phát triển Phật Giáo ở Đàng Ngoài, còn có một vị thiền sư đã có những đóng góp vô cùng to lớn và nổi bật, cũng như có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm, đó là Thiền Sư Chân Nguyên, con người của thế kỷ thứ 17.

 

* Thiền Sư Chân Nguyên (1647 – 1726)

Chân Nguyên Thiền Sư, một trong những cây đuốc sáng rực và là nhà tư tưởng lớn trong Phật Giáo ở thế kỷ thứ 17. Sư họ Nguyễn tên Nghiêm tên chữ là Đình Lân, sinh năm Đinh Hợi 1647, tại làng Tiền Liệt huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, không rõ tên cha của ngài, chỉ biết mẹ mang họ Phạm. Sư là người rất thông minh, hạ bút thành văn. Năm 16 tuổi nhân đọc cuốn Tam Tổ Thực Lục đến tổ thứ ba là Thiền Sư Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống gì ta là một chú học trò", rồi phát nguyện đi xuất gia.

 

Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, Quảng Ninh, xin xuất gia với Thiền Sư Tuệ Nguyệt – Chân Trú và được ban cho pháp danh Tuệ Đăng. Sau khi Thiền Sư Tuệ Nguyệt viên tịch, Sư cùng bạn đồng tu là Như Niệm phát nguyện tu theo hạnh Đầu Đà, đi du phương tham vấn Phật Pháp, về sau Như Niệm đổi ý, trở về Trụ trì chùa Cô Tiên, Thanh Hóa. Còn Sư đi đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương, Bắc Ninh xin tham học với Thiền Sư Minh Lương, đời thứ 35 phái Lâm Tế và được ban cho pháp hiệu Chân Nguyên. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Chân Nguyên với Thiền Sư Minh Lương.

- Sư hỏi:

Bao năm dồn chứa ngọc trong đẫy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?

- Thiền Sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại chợt cảm ngộ, sụp xuống lạy.

- Thiền sư Minh Lương bảo:

Dòng thiền Lâm Tế nay trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.

 

Thiền Sư Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệuChân Nguyên và trao bài kệ phú pháp:

Ngọc quý ẩn trong đá

Hoa sen mọc từ bùn

Nên biết chỗ sinh tử

Ngộ vốn thật Bồ Đề”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ứ nê

Tu tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức Bồ-đề.)

 

Cũng chính từ chỗ “nhìn nhau” giác ngộ này, về sau Sư có biên soạn quyển “Trần Triều Thiền Tông Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” trong đó bảy lần đề cập đến: “Tứ mục tương cố” (bốn mắt nhìn nhau) như sau:

Đoạn I:

Tứ mục tương cố nhãn đồng

Thầy tớ trao lòng, đăng chúc giao huy”.

(Bổng đầu cử nhãn ấn tri

Cơ quan thấu được thực thì tri âm).

Đoạn II:

Tam thế chư Phật Tổ sư

Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ”.

Đoạn III:

Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm

Tứ mục tương cố chẳng tâm thời gì“?

(Tâm nguyên không tịch vô vi

Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai).

Đoạn IV:

Bát tự đả khai bằng nay

Tứ mục tương cố lộ bày viên dung

Ấy là mật ấn tâm tông

Tổ đã truyền lòng chớ có hồ nghi”.

Đoạn V:

Tam thế chư Phật Như Lai

Tứ mục tương cố muôn đời chứng thân”.

Đoạn VI:

Bảo thực cứu cánh cho hay

Tứ mục tương cố thực rày ấn tâm”.

Đoạn VII:

Hóa Phật thọ ký vô biên

Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông”.

 

Trong bài “Ngộ Đạo Nhân Duyên” có đoạn Sư viết:

Một ngọn đèn tâm mắt Phật sinh,

Truyền nhau “bốn mắt ngó” phân minh.

Ngọn đèn mãi nối sáng vô tận,

Trao gởi thiền lâm dạy hữu tình”.

(Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh,

Tương truyền tứ mục cố phân minh.

Liên phương tục diệm quang vô tận,

Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình).

 

Sau khi nhận được tâm ấnthọ giới Tỳ Kheo. Một năm sau Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) chứng đàn, thọ Bồ Tát giới và đốt hai ngón tay cúng dường, phát nguyện thực hành hạnh Bồ Tát. Về sau Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của thiền phái Trúc Lâm.

Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên HoaThiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc.

Năm 1692, lúc 46 tuổi Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dường áo ca-sa cùng những pháp khí để thừa tự.

Năm 1722, lúc 76 tuổi, Sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng.

Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp như sau:

 

Bài kệ truyền pháp của Thiền Sư Chân Nguyên

Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,

Đây là tự tánh mặc phô bày.

Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,

Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay”.

(Hiển hách phân minh thập nhị thì,

Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

Lục căn vận dụng chân thường kiến,

Vạn pháp tung hoành chánh biến tri).

Nói kệ xong, Sư liền bảo đại chúng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật.” Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, sáng ngày 28 thì viên tịch thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá-lợi chia ra thờ ở hai tháp, chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động. Học trò của Sư có rất đông người xuất sắc, vượt trội hơn cả là Như Hiện, Như Sơn và Như Trừng.

 

Những tác phẩm của Thiền Sư Chân Nguyên

1. Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới

2. Nghênh Sư Duyệt Định Khoa

3. Long Thư Tịnh Độ Văn

4. Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt Hậu Tự

5. Tịnh Độ Yếu Nghĩa

6. Ngộ Đạo Nhân Duyên

7. Thiền Tông Bản Hạnh

8. Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh

9. Thiền Tịch Phú

10. Đạt Na Thái Tử Hạnh

11. Hồng Mông Hạnh

12. Kiến tánh thành Phật.

 

Chúng ta đọc vài đoạn Thiền Tịch Phú bằng chữ Nôm của Thiền Sư Chân Nguyên dưới đây, được trích từ sách Thiền Sư Việt Nam, của Thiền Sư Thích Thanh Từ.

 

Thiền Tịch Phú

Vui thay tu đạo Thích !

Vui thay tu đạo Thích !

Lọ phải thành đô,

Nào nề tuyền thạch.

Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,

Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích,

Đâu cũng dòng phước đức trang nghiêm.

Đây cũng vốn tu công thiền tịch.

Trước án tiền, đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não, xa cừ;

Trên thượng điện, thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san-hô, hổ phách.

Thần Bát bộ Kim Cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;

Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.

Tả A-nan đại sĩ vận sa hoa sặc sỡ vân vi;

Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.

Am thờ Tổ, ngói rập gỗ dăm,

Nhà trú tăng, vách vôi tường gạch.

Mấy bức kẻ chữ triện mặc rời,

Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.

Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm Nam-mô,nhẹ tiếng boong boong.

Lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khu tang cách cách.

Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phất phới nhởn nhơ;

Dù bóng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhu thì thích.

quân tử cấy trúc ngô đồng,

Đệ trượng phu trồng thông tùng bách.

Trăm thức hoa đua nở kề hiên,

Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.

Ngào ngạt mùi xạ lan,

Thơm tho hương trầm bạch.

***

Sãi chưng nay

Mộ đạo tu hành

Xả đường kinh lịch.

Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,

Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch.

Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh;

Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch.

Chỉn chuộng một bề đạo đức,

Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;

Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.

Khi dưa giấm chua lòm,

Bữa canh suông lạt thếch.

Mũ viền sô nhuộm mực đen sì.

Quần áo vải nâu sòng cũ rích.

Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa;

Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch.

Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;

Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.

Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu cong queo;

Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch.

Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;

Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản dá ken thưa thếch.

Chơi rừng Nho len lỏi suối khe,

Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch.

Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm;

Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.

Quả bồ-đề ăn ngọt sớt, muôn kiếp hằng no;

Hoa Ưu-bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch.

Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,

Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch.

từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;

Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách.

Sãi chưng nay

Khuyên đấng đại thừa,

Bảo loài tiểu chích.

May gặp được minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;

Phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.

Thích-ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết Sơn, khô khẳng gầy gò;

Di-Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch.

Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường,

Tổ Đạt-ma cửu niên diện bích,

Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê, mặt ngó đăm đăm;

Ca-Diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ, miệng cười hệch hệch.

Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa;

Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch.

Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước không, sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng;

Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ, quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích”.

 

Tư tưởng thiền học của Chân Nguyên Thiền Sư đạt đến mức cùng tuyệt. Bài kệ truyền pháp của thiền sư nói lên nội lực giác ngộ cao thâm sâu dày, một khi chứng ngộ thâm đắc thì muôn sự có bày biện hay lặng thinh thì tự tánh vẫn y nguyên không khởi diệt biến động, thấu suốt tận cùng nguồn cơn bản thể, một sự phổ cập đủ đầy trên từng hiện hữu.

 

Bài thi kệ dưới đây phá vỡ mọi bế tắc đập tan thói quen lầm chấp, những quán tính tai hại trong mỗi chúng ta, đưa ta trở về với giác ngộ với chân tính thường tại sáng tỏ.

 

Ngộ tính không tịch thì thôi

Chẳng lạ chỉ lời vấn đáp tiêu hao

Cơ quan thuận nghịch thấp cao

Những sự huyễn trí chiêm bao đặt làm

Đại vi thuyết pháp chỉ nam

Cho ta ngộ đảo kẻ đàm kinh lâu”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch

 

Ngôn ngữ thiền tung bay trên muôn lối, lặng thinh bất tận cứ thế điềm nhiên bất động, giương mắt nhìn chân mày chẳng nhíu, nhập vào tỉnh giác chánh niệm. Như con sư tử một khi gầm thét vang dội cả núi rừng, người khôn hiểu đạo tự tánh tức thì bừng dậy.

Hoặc là nghiễm tọa vô vi

Hoặc là thuấn mục, giương mi giao thuần

Hoặc hiện sư tử tấn thân

Quát thét một tiếng xa gần vang uy

Ai khôn xem đấy sá nghì

Hội ngộ tự tính, tức thì chứng nên”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch.

 

Đề cập đến việc xử dụng ngôn ngữ Chân Nguyên Thiền sư viết: "Sử dụng ngôn thuyết là việc bất đắc dĩ phải dùng phương tiện để đối trị vọng tưởng của chúng sinh. Nếu không tùy trường hợpđối trị những vọng tưởng ấy, tức là không thể có giáo pháp. Mà không có giáo pháp nghĩa là không có Phật cũng không có Tăng. Tam Bảo đã không thì không có người thuyết pháp, cũng không có pháp được thuyết. Giáo pháp đã từ nhân duyên mà có thì cũng chỉ là phương tiện để làm trẻ con nín khóc mà thôi, đâu có chân thực. Người ngu phu thì cần nhiều kinh điển, nhiều giáo pháp; bậc thượng trí thì chỉ cần một tiếng hét hay một nụ cười cũng có thể đốn ngộ tự tính".

 

Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng chẳng xong

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch

(Hữu thuyết giai thành báng

Vô ngộ diệc bất dung

Vị quân thông nhất tuyến

Nhật xuất lĩnh đông hồng).

 

Bài thơ ở trên là bài thơ hay nhất và tuyệt vời nhất, ở đó ngôn ngữ không còn là ngữ ngôn, mà là tuệ hương đêm ngày tung bay lan tỏa, là suối nguồn giác ngộ len lỏi qua từng không. Những thinh âm bất tận “Đèn tâm mắt Phậtsoi sáng cõi nhân sinh xóa mờ mê lộ, vượt ra ngoài suy tư luận bàn vỗ cánh tung bay về miền tịch lặng. Từng lời thiền thi cứ thế ung dung phổ nên giai điệu hằng sa bất tuyệt, thong dong về chốn không cùng. Đâu đó, vô ngôn hữu ngôn thị ngôn thị thuyết, chìm khuất nẻo về vô tận hương giác ngộ thơm lừng một cõi sắc không.

 

3. Thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704) và Tông Tào Động ở miền Trung (Đàng Trong)

 

Người đầu tiên truyền bá Tào Động Tông ở Đàng Trong có thể là Thiền sư Hương Liên, đã từng được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm Quốc sư. Ngài trú trì chùa Thiên ThaiNgũ Hành Sơn, Non Nước, tỉnh Quảng Nam, ngài là đệ tử của Hòa Thượng Thạch Liêm.

 

Thiền Sư Thạch Liêm hiệu là Đại Hán, quê ở Giang Tây, Trung Hoa. Ngài xuất gia thời còn niên thiếu, học vấn uyên bác, tinh thông kinh sử, sở trường về thiên văn địa lý, toán số, hội hoạ và thi phú. vv...Ngài làm giảng sư ở chùa Trường Thọ tỉnh Quảng Đông. Khi vị trụ trì qua đời, ngài kế thế trụ trì chùa Trường Thọ. Nhờ tài hội hoạ, kiến trúc điêu khắc, chùa Trường Thọ trở thành nơi danh lam thắng cảnh ở Quảng Đông.

 

Thiền sư Nguyên Thiều được lệnh chúa Nguyễn về Quảng Đông thỉnh các bậc cao tăng sang Đại Việt. Nghe tiếng ngài nên đến chùa Trường Thọ để thỉnh, không biết ngài có cùng đi với Thiền sư Nguyên Thiều không? Vì trước đó Chúa Nguyễn đã hai lần thỉnh mời ngài. Thiền sư Thạch Liêm đến Đại Việt năm 1695, trú tại chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa.

 

Công tác hoằng hóa quan trọng nhất trong khoảng thời gian Thiền sư Thạch Liêm cư trú ở Đại Việt, đó là tổ chức đại giới đàn truyền thọ giới pháp. Thiền sư Liễu Quán đã từng đắc pháp Sa Di tại giới đàn này. Điều đặc biệt, những giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ Chúa.

 

Thiền Sư Thạch Liêm, còn được kể như một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực. Sở trường của Ngài bàng bạc trong thi văn, thủ công, mỹ nghệ, hội họa. Mao Tế Khả người đã đề tựa cho tập thơ Ly Lục Đường của Thạch Liêm, ông viết. “Trượng nhơn là bậc bát nhã khôi kỳ, càng sở trường về thi ca, cho đến các môn như tinh tượng, lịch luật, diễn xạ, lý số, triện lê, đơn thanh, môn nào cũng siêu việt.”.

 

Trong những năm hành đạo tại Đại Việt, Thiền Sư Thạch Liêm đã được đông đảo mọi tầng lớp, từ trí thức vua quan cho đến bình dân đều tỏ lòng mến mộ. Dưới đây, là những lá thư Ngài trao đổi xuyên qua đó ta có thể tìm thấy ít nhiều tư tưởng đặc biệt của ngài.

Đặng Long Hầu cho người cầm thơ đến hỏi: “Thiền đạo là giống gì? Giác ngộ là lý làm sao?”

Trong thư lại tiếp rằng: “Thiền đạo ta vốn rất ưa chuộng nhưng chưa biết đạo là việc gì? Thiền là giống gì, ngộ là lý làm sao? Trước đây nghe nói đến cứu cánh lòng rất lưu luyến nhưng mỗi khi nghe nói đến chữ “Phật” trong lòng liền chẳng ưa, không hiểu vì sao? Xin nhờ Hòa Thượng cao minh bảo rõ cho biết?”

 

Thiền sư Thạch Liêm phúc đáp như sau:

“Lão tăng đọc xong thơ vụt miệng than rằng “hay lắm thay! Nếu chẳng phải người có tâm Phật rõ rệt ắt chẳng hỏi được như thế” nhưng chưa biết “Phật” mà cư sĩ chẳng ưa ấy là Phật nào? Lấy chữ tăng mà nói, vốn có người đáng ngờ, đáng ghét, kẻ lão hủ này xin biểu đồng tình với ngài mà chẳng ưa vậy. Phật là bản tâm đồng có ưa có ghét của chúng ta, tức là tấm lòng “nghe cứu cánh mà lưu luyến” của ngài nói trong thơ vậy. Vả lại tự mình chẳng ưa tự mình hay sao? Vả lại học đạo vốn cầu vô sự, ngài chẳng nghe nói: “cần ở trên chỗ hữu sự đạt đến vô sự” hay sao? Tham thiền vốn chẳng nương tựa vào một vật nào, ngài chẳng nghe nói “bản lai không có một vật nào” hay sao? Nếu lấy sự vật cầu thiền đạo, tức chẳng phải thiền đạo vậy. Vì phỏng bao, người sinh ở đời có công danh phú quý, có vợ chồng con cái, được thì mừng, mất thì lo, chết đi sống lại, đều là “sự” cả, sao bảo là vô sự? Trong đời đất núi cũng là vật, biển cũng là vật, mặt trăng mặt trời các vì tinh tú đều là vật, lục phàm tứ thánh cũng đều là vật, một ngàn bảy trăm nguyên tắc công án cái gì lại chẳng phải là vật. Người tham thiền phải tiêu quy từng sự từng vật, bảo chẳng nương cứ vào sự vật được sao. Nên biết rằng thiền đạo quý tự mình tham cầu, tự mình giác ngộ, chẳng phải do ở người khác, do ở sự vật vậy. Chẳng thấy Bàn Công hỏi Mã Đại Sư rằng: “Cái người chẳng làm bạn cùng vạn pháp ấy là người thế nào?Đại sư nói rằng: “Bao giờ người uống một hơi hết cả nước Tây Giang ta sẽ nói với ngươi.” Lời nói ấy, có phải là câu trả lời chăng? Hãy rỏ ra một cơ vi mầu nhiệm gì khác chăng? Hãy chỉ thẳng cái người chẳng cùng vạn pháp làm bạn chăng? Hay có cái bí mật chẳng truyền, ngụ ở trong ấy chăng? Thử đem ra suy gẫm từng lẽ, tìm cho đến cứu cánh chẳng khá xuyên tạc một cách cưỡng ép, đem ý thức riêng mà giải nghĩa quậy qua, lại, chẳng nên nhất thiết bỏ qua, nên làm sao trong bận rộn cũng cứu cánh như thế, nhàn hạ cũng cứu cánh như thế, đâu gặp cảnh nghịch bế tắc chẳng thông cũng cứu cánh như thế, mặt kệ chỗ sống gần chín, chỗ chín gần sống, lại chớ bàn đến “con người đi đến cứu cánhcâu chuyện cứu cánh” ấy, là một là hai, là có là không, là phàm là thánh, là lý là tình, đó là phép Phật, dụng tâm đến đó, rồi bỗng nhiên trong trí bỗng nhiên mở mang rộng rãi, đại giác ngộ và cười xòa lên.

Đến như nói một chữ “ngộ” (biết giác ngộ). Ví dụ: “như người kia có việc sanh tử tương quan với người khác, hẹn nhau đến một chỗ nào đó thương lượng, mới có thể ổn thỏa được. Đường lúc mới mờ mờ sáng, ngủ dậy rửa mặt, chải đầu, lấy bít tất mang vào, trong lúc bối rối cấp bách, mang bít tất vào một chân rồi, còn một chiếc nữa chưa thấy, bèn tìm khắp trong tủ, trong rương, lục soát hết khắp gian buồng dưới giường trên vách, không chỗ nào không tìm, tìm đâu chẳng thấy, tức quá ngồi lại suy nghĩ. Nghĩ mãi nghĩ hoài, moi óc nghĩ đến chỗ sâu sắc, vẫn nghĩ chẳng ra, bổng cúi đầu ngó xuống, thấy hai chiếc tất mang vào một chân! Bèn lột ra, mang qua chân khác và vô cùng khoái khoái. Mới biết chiếc tất ngay ở chân mình, biết “ngộ” thì dễ dàng như thế. Cho nên người ta bảo rằng: “giày sắc bước mòn tìm chẳng thấy, tìm ra chẳng phí chút công phu”. Tuy căn tính có kẻ bén người lụt, giác ngộ có kẻ sớm người chày. Nhưng phải cẩn thận, giữ lòng mình chớ cho sai lệch, chớ mới hơi thấy biết chút đỉnh, đã cho đúng phải mười phần, rồi chạy theo lầm lối sai đường, ba lầm bảy lạc, thà như cư sĩ đến nay chưa hiểu biết chi, còn hơn cái quang cảnh “thua ba theo bốn” vậy. Nếu cầu đến cứu cánh thì phải cứu cánh cho đến đầu đến đuôi, hầu khỏi lầm đường lạc lối. Ví bằng chẳng xua đuổi ngày thường nghe thấy, nửa phải nửa chẳng để gia tâm tham cứu một cái chỗ đại định, thì chỉ thành một tấm gương lờ mờ, mà tự mình cho là sáng lắm, có thể thấy được nước ao trong trẻo, không sóng không mòi, trăng sáng giữa trời, không mây không bụi. E trong kinh tạng đức Như Lai của ta không có cái pháp như thế. Nếu chẳng trừ bỏ hết cái tập khí trước kia, cho rằng “đã thấy được thông suốt không còn gì chẳng phải” thì cho người thực đến địa bộ ấy, cũng chỉ như ao nước tù chẳng có rộng mở, tức còn mơ màng trong sạch tự luân hồi vậy. Cái bịnh tối kỵ của kẻ tham thiền học đạo, ở cả trong chữ “minh” (sáng) nằm che trước mắt, rồi lầm nhận “bệnh” làm “thuốc” vậy. Nếu biết lấy việc bón phân làm việc cần kíp mặc kệ thiền đạo sự lý, lòng lưu luyến, ưa với chẳng ưa, chỉ chuyển mình cái thì thiền đạo sự lý, lòng lưu luyến, ưa ghét, tự nhiên trên mặt quét sạch một từng mây, chẳng bị sáng mờ, chướng ngại. Chẳng thế thì một chữ “Phật” ta cũng chẳng ưa nghe. Vân Môn nói được, cư sĩ nói chẳng được, phải cho đến khi thấy rõ một chân mang hai chiếc bít tất, lột ra mang lại, tự do thẳng bước tiến lên mới tin lời của lão tăng nói chẳng sai vậy. Chẳng thế cũng ví như ngồi ở bên giỏ cơm mà cứ kêu đói bụng vậy. Xin chớ chấp mấy lời đường đột. Thong thả sẽ còn thư sau tiếp theo”.

 

Tư tưởng thiền của ngài Thạch Liêm còn ẩn mang ba khuynh hướng tổng hợp: Thiền với Tịnh độ, Nho với Phật, Lâm TếTào Động. Ta có thể tìm thấy sự kết hợp thiền và tịnh là khi ngài Thạch Liêm dự định về nước, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là bà Tống Thị thiết cơm cúng dường, ngài khuyên bà một lòng niệm Phật: “Sự hội họp chia lìa của con người không phải ở nơi hình hài. Nếu quốc mẫu thường xuyên làm việc lànhnhất tâm niệm Phật không chút gián đoạn thì đó là thầy trò được gần gũi mãi mãi. Còn nếu tâm niệm thường theo đuổi việc trần thì dù lão tăng có ở đây hằng ngày đối diện cũng là xa cách ngàn dặm, rốt cuộc không có ích gì”.

 

Thiền sư Thạch Liêm quả là một con người tài ba lỗi lạc, cuộc đờicông nghiệp hoằng hóa độ sanh của Ngài đã lưu lại dấu ấn rực rỡ trên mọi phương diện. Một vị Thiền sư trác việt cho đến bây giờ hương thơm tuệ giác vẫn tung bay lan tỏa chưa hề phai nhạt.

 

Cũng trong sự nghiệp hoằng hóa Phật Pháp ở Đàng Trong, còn có một vị thiền sư mà những đóng góp cũng rất quan trọng, chúng ta không thể không nhắc đến, đó là Thiền sư Hương Hải.

 

* Thiền Sư Hương Hải (1628 – 1715) một khuôn mặt nổi bật trong sự nghiệp truyền bá Phật Pháp ở miền Trung (Đàng Trong).

 

Thiền Sư Hương Hải được kể như một nhân vật vượt trộinổi bật có những đóng góp vô cùng to lớn cho Phật Giáo ở Đàng Trong. Ngoài công nghiệp lẫy lừng Thiền sư Hương HảiThiền Sư Chân Nguyên còn có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm. Năm 1652, khi vừa 25 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tri Phủ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong thời gian này ngài theo học Phật Pháp với hai vị Thiền sư người Trung Hoa là: Lục Hồ - Viên Cảnh và Đại Thâm - Viên Khoan.

 

Thiền Sư Hương Hải, tổ tiên gốc người Áng Độ, huyện Chân Phúc tỉnh Nghệ An. Về sau tổ tiên của ngài theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam. Sư không rõ tên thật, sinh năm 1628 cư ngụ ở làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa nay là tỉnh Quảng Nam. Năm 1655 từ quan, xin xuất gia với thiền sư Viên Cảnh, được ngài ban cho pháp danh Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Thời gian sau Sư tìm đến Thiền sư Viên Khoang để tham học. Sau đó cùng với đệ tử dong thuyền ra đảo Tiêm Bút La, tên gọi bây giờ Cù Lao Chàm dựng am để tu hành, nay thuộc Tân Hiệp, Hội An Quảng Nam.

 

Trấn thủ dinh Quảng Nam là Thuần Quận Công (không rõ họ tên), có người vợ bị bệnh đã lâu, nghe tiếng Sư bèn nhờ người đón về để làm lễ cầu an cho vợ, nhân dịp này cả nhà cùng quy y với Sư. Tổng thái giám Hoa Lễ Hầu (không rõ họ tên) mắc bệnh lao phổi 3 năm, cũng cho thuyền ra đảo đón Sư về làm lễ cầu an cho ông. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) nghe tiếng Sư liền cho người đi mời về phủ đàm đạo, và chúa Nguyễn cho lập Thiền Tĩnh Viện trên núi Quy Sơn để Sư ở tu và hoằng đạo. Quốc Thái phu nhân và ba công tử cùng các quan và dân chúng cũng đến xin quy y có đến cả ngàn người. Thiền Tĩnh Viện trở thành một trung tâm tu học Phật Giáo nổi tiếng ở Đàng Trong.

 

Trong số những người đến quy y có Thị nội thái giám Gia quận công, người làng Thụy Bái, huyện Gia Bình, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Trước đây, ông đầu quân cho Trịnh, theo vào đánh Thuận Hóa, bị quân của Chúa Nguyễn Phúc Tần bắt sống, nhưng sau đó được tha và cho vào dạy học trong phủ chúa. Do ông thường đến học Phật tại Thiền Tĩnh Viện, nên có người ganh ghét dèm pha và tâu với Chúa rằng ông và Thiền sư Hương Hải, đang âm mưu trốn ra Bắc. Chúa Nguyễn Phúc Tần lập tức sai người bắt Sư và ông đem ra tra khảo. Tuy không có bằng chứng để kết tội, nhưng vì nghi ngờ nên Chúa Nguyễn liền đưa Sư về lại Quảng Nam. Do vì sự đối đãi kèm theo lòng nghi kỵ nên Thiền sư Hương Hải mới quyết định ra Bắc thật.

 

Năm 1682 Sư cùng với khoảng 50 đệ tử vượt biển ra Đàng Ngoài đến Nghệ An, Sư vào trình diện với quan trấn thủ, viên quan ấy liền báo về triều. Chúa Trịnh bèn cho Đường Quận Công mang thuyền vào đón thầy trò về Thăng Long, Chúa cho tạm ngụ ở công quán. Sau khi điều tra lý lịch Sư xong, Chúa Trịnh cho mời Sư vào triều thăm hỏi và phong cho chức Vụ Sứ, ban cho 300 quan tiền, và mỗi năm còn cấp cho: 24 bồ thóc, 36 quan tiền, 1 tấm vải trắng. Sau đó, Chúa Trịnh bảo Sư vẽ bản đồ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Sư vẽ rất rõ ràng, được chúa thưởng.

 

Năm 1682 Chúa Trịnh sai người đưa thầy trò Sư về ở công quán Sơn Tây. Sau đó Chúa Trịnh Căn đưa thầy trò Sư về cư ngụ ở Sơn Nam. Năm 1683 Chúa Trịnh ra lệnh cất am cho Sư tu, lúc bây giờ Sư đã được 56 tuổi, suốt 17 năm sau này Sư chuyên tu và lo việc sáng tác, dịch thuật.

 

Năm 1700 Sư rời trấn Sơn Nam về mở đạo tràng ở chùa Nguyệt Đường, ở An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, để phục hưng thiền phái Trúc Lâm. Vua Lê Dụ Tông, có lần đón Sư về kinh, để lập đàn cầu tựthuyết pháp, lúc bây giờ Sư đã 78 tuổi. Nhà Vua rất tôn kính sư, thường hỏi về phương pháp tu.

- Trẫm nghe Lão sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.

- Sư tâu:

- Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh

Trong mộng tìm chi người tri thức

Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

(Phản văn tự kỷ mỗi thường quan

Thẩm sát tư duy tử tế khan

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức

Tương lai diện thượng đổ sư nhan).

Vua lại hỏi:

- Thế nào là ý của Phật?

- Sư liền đáp:

Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không ý để dấu

Nước không tâm lưu bóng”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

(Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.)

- Vua khen ngợi:

- Lão sư thông suốt thay.

Tiếng tăm của Sư vang dội, học trò theo học rất đông, Sư sai làm danh sách đặt pháp hiệu, được bảy mươi vị là pháp tử, dự vào hàng đệ nhất Thượng tọa. Các pháp tử đặt pháp hiệu cứ theo thứ tự của những chữ mà Sư đã cho sẵn, như Viên Thông, Chân Lý v.v... Còn các pháp điệt (cháu trong đạo) thì đông không thể kể xiết.

Sư thường đọc lại những câu kệ xưa để dạy đồ chúng như:

1.

(Sư tử quật trung sư tử

Chiên-đàn lâm lý chiên-đàn

Nhất thân hữu lại càn khôn khoát

Vạn sự vô ưu nhật nguyệt trường).

Dịch:

Sư tử trong hang sư tử

Chiên-đàn trong rừng chiên-đàn

Một thân nhờ có trời đất rộng

Muôn việc không lo ngày tháng dài”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

2.

(Long đắc thủy thời thiêm ý khí

Hổ phùng sơn xứ trưởng uy nanh

Nhân qui đại quốc phương tri quí

Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh).

Dịch:

Được nước rồng càng thêm ý khí

Gặp non cọp mới trổ oai hùng

Người về đại quốc thành cao quý

Nước đến Tiêu Tương một sắc trong”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

Trên chỗ Sư thường ngồi có treo ba bài tụng:

1

(Phu tử bất thức tự

Đạt-ma bất hội thiền

Huyền diệu vô ngôn ngữ

Thiết mạc vọng lưu truyền).

Dịch:

Khổng Tử không biết chữ

Đạt-ma chẳng hội thiền

Huyền diệu không lời nói

Cốt đừng dối lưu truyền”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

2

(Tầm ngưu tu phỏng tích

Học đạo quý vô tâm

Tích tại ngưu hoàn tại

Vô tâm đạo dị tầm).

Dịch:

Tìm trâu phải noi dấu

Học đạo quý vô tâm

Dấu còn trâu nào mất

Vô tâm đạo dễ tầm”.

3

(Sanh tùng hà xứ lai

Tử tùng hà xứ khứ

Tri đắc lai khứ xứ

Phương danh học đạo nhân).

Dịch:

Sanh từ chỗ nào đến?

Chết sẽ đi nơi nào?

Biết được chỗ đi đến.

Mới gọi người học đạo”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

Khi nhàn hạ Sư thường ngâm hai bài kệ như sau:

1

(Thành thị du lai ngụ tự triền

Tùy cơ ứng biến mỗi thời nhiên

Song chiêu nguyệt đáo thiền sàng mật

Tùng tiếu phong xuy tĩnh khách miên.

Sắc ảnh lâu đài minh sắc diệu

Thanh truyền chung cổ diễn thanh huyền

Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể

Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên).

Dịch:

Dạo qua thành thị nghỉ chùa chiền

Tùy cơ ứng biến lẽ đương nhiên

Trăng dòm cửa mở giường kê sát

Gió thổi thông cười khách ngủ yên.

Lầu đài rực rỡ mầu đẹp đẽ

Chuông trống vang rền tiếng diệu huyền.

Ba giáo nguyên lai cùng một thể

Xoay vần đâu có lẽ nào thiên”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

2

(Thượng sĩ thường du Bát-nhã lâm

Trần cư bất nhiễm liễu thiền tâm

Liêm Khê Trình Thị minh cao thức

Tô Tử Hàn Văn khế diệu âm.

Vạn tượng sum la cao dị hiển

Nhất biều tạo hóa mật nan tầm

Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát

Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm).

Dịch:

Thượng sĩ thường chơi cảnh tùng lâm

Phong trần không vướng hội thiền tâm

Liêm Khê, Trình Hiệu người thông suốt

Tô Tử, Hàn Văn hiểu diệu âm.

Muôn ngàn cảnh vật bày dễ thấy

Tạo hóa một bầu khó truy tầm

Nguồn Nho thăm thẳm lên càng rộng

Bể Thích trùng trùng xuống lại thâm”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

 

Sư thường thuật lại pháp ngữ của các bậc cao tăng để dạy chúng, những đoạn trích dẫn dưới đây từ sách Thiền Sư Việt Nam, của Thiền Sư Thích Thanh Từ.

“Muốn cần thấy Phật cứ nhận nơi chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sanh. Ngộ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật, mê tự tánh của mình thì Phật là chúng sanh. Giữ được tự tánh của mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật, để tự tánh mình gian hiểm thì Phật là chúng sanh. Tâm ta sẵn có Phật, còn tìm Phật nơi nào? Nên kinh nói: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt.” Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là bồ-đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là Phật. Niệm trước chấp cảnh là phiền não, niệm sau ly cảnh là bồ-đề.

Chân tâm tự có thể, không phải do ta bịa đặt ra. Nó trong suốt như hư không, như tấm gương trong sạch tròn sáng. Không thể lấy cái có cái không, nơi này chốn nọ mà xét tột được chỗ u huyền của nó. Cũng không thể lấy trí khônngôn ngữ mà bàn đến chỗ huyền diệu của nó. Chỉ có ai ngộ được chân tâm thì hiểu ngay ở nơi mình. Ví như muôn thứ hương thơm, chỉ đốt một lò là hiểu hết mùi thơm. Như vào bể cả tắm, chỉ cần hớp một hớp nước là biết hết toàn vị của bể cả.

Chốn chân thật thâm sâu lặng lẽ, giác ngộ thì bụi trần lắng sạch tâm thể trong ngần; dứt hết mối manh danh tướng của ngoại cảnh, sạch hết những năng sở ở trong tâm. Bởi ban đầu bất giác, bỗng khởi ra vọng động, chiếu soi lại tự tâm, theo cái chiếu soi ấy mà sanh ra tâm trần. Như gương hiện hình tượng, thoắt có thân căn. Từ đó, chân tâm bị dời đổi, căn tánh bị sai lạc, chấp vào tướng đuổi theo danh, chứa mãi những vọng trần ứ đọng, kết mãi những sóng thức liên miên. Đem túm bọc chân giác vào giấc mê đêm, đắm chìm mê muội trong tam giới. Làm mù lòa con mắt trí ở trong ngõ tối, khúm núm cúi lòn trong chín loài. Ở trên cõi chẳng đổi dời, bỗng dưng luống chịu kiếp luân hồi. Trong pháp vô thoát, mà tự chuốc sự trói buộc nơi thân. Như con tằm mùa xuân làm kén tự giam mình, con thiêu thân mùa thu tự nhào vô đèn thiêu xác. Đem những sợi dây mê mờ buộc lấy nghiệp căn khổ sở, dùng đôi cánh của lòng tham mù quáng toan dập tắt vòng lửa tử sanh.

Lại có những kẻ tà căn ngoại nhập, cùng những kẻ tiểu khí mưu mô. Chúng không hiểu rõ nguồn bệnh của sanh tử, không biết gốc chung của ngã nhân (ta người). Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng cái tướng, tách từng mảnh bụi của mọi vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế, tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lý không, nhưng không biết đó cũng là cái lối làm chôn vùi chân tính lấp mất chân giác. Thế chẳng khác nào kẻ thấy ngọn đèn có những tia sáng xanh đỏ, muốn không thấy những tia ấy bèn đi tắt ngọn đèn; kẻ trông thấy bóng theo dõi mình dưới bóng mặt trời, bèn chạy ra ngoài trời cho tránh khỏi bóng. Như thế, chỉ lao nhọc tinh thần, tốn hao sức lực. Chẳng khác gì gánh nước đổ vào đống băng, vác củi vất vào đám lửa đang cháy. Có biết đâu những tia sáng trong ngọn đèn kia là do mắt bệnh, bóng đuổi theo mình vốn ở thân mình. Nếu chữa khỏi bệnh lòa ở mắt thì những tia sáng tự mất, diệt thân huyễn chất này thì bóng nọ không còn.

Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. Ta phải lấy lưỡi dao khôn ngoan của tâm tự giác cắt đứt những mối dây triền phược trong lòng để biến nó thành tâm châu. Phải dùng mũi giáo tuệ của chân như chặt tan những lớp bụi trần kết thành kiến võng (Kiến võng: Trần cảnh làm mờ mắt chúng ta chẳng khác nào lưới che mắt.). Ấy chính là cái tông chỉ cùng tâm, cái chân truyền đạt lý đó vậy”.

Sư lại nói:

“Vọng thân tới gương soi bóng, bóng với vọng thân giống nhau. Chỉ muốn để thân bỏ bóng, thì thân có thực đâu nào! Thân vốn không khác gì bóng, một không, một có được sao? Nếu muốn lấy một, bỏ một, hằng cùng chân lý cách xa. Lại mến thánh ghét phàm, nổi chìm trong biển sanh tử. Phiền não nhân tâm nên có, tâm không phiền não ở đâu? Chẳng nhọc phân biệt lấy tướng, tự nhiên được đạo chóng mau.

Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí làm mờ ám, ngoại cảnh làm ngăn trở, khiến ta tự mê đi. Nếu trong lòng ta được vô tâm là Phật quá khứ. Trong lặng lẽ mà khởi tác dụngPhật vị lai. Tùy cơ ứng vật là Phật hiện tại. Ta thanh tịnh không nhiễm ô lục trần là Phật Ly Cấu. Ta ra vào không gì làm trở ngại là Phật Thần Thông. Đến đâu cũng an vui là Phật Tự Tại. Một tâm trong sángPhật Quang Minh. Tâm đạo bền chắc là Phật Bất Hoại. Ta biến hóa vô cùng chỉ do một chân tánh mà thôi”.

“Chí đạo gốc ở tâm pháp, tâm pháp gốc ở vô trụ. Cái bản thể của tâm và chân tướng của tánh, vốn lặng lẽ chẳng phải có, chẳng phải không; không có sanh cũng không có diệt. Ta tìm nó thì không thấy, bỏ nó vẫn chẳng rời. Nếu ta mê cái hiện lượng của nó thì khổ sở lầm lẫn lăng xăng, nếu ngộ được chân tánh của nó thì tinh thông sáng suốt. Tuy tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng mới biết.

Song còn chấp có chứng, có biết thì mặt trời trí tuệ rơi vào đất có. Nếu tâm mờ mịt không chiếu không sáng thì đám mây hôn trầm đã che lấp cửa không. Chỉ có tâm không sanh một niệm thì không còn ngăn cách trước sau; chân tánh đứng riêng thì ta người nào khác. Nhưng mê đối với ngộ, ngộ trông vào mê, vọng đối với chân, chân nương nơi vọng. Nếu ta cầu chân mà bỏ vọng, như người chạy trốn bóng luống nhọc hình. Nếu ta nhận chân chính nơi vọng, như người vào chỗ mát thì bóng mất. Nếu tâm không vọng chiếu thì vọng lự tự hết. Từ cái tịch tri mà khởi dụng thì các thiện hạnh phấn khởi. Thế nên, cái ngộ tịch mà không tịch, cái chân tri dường như vô tri. Lấy tâm nhất trí không phân chia tịch và tri, hợp với lẽ huyền diệu dung thông nhau. Có và không đều không chấp không mắc, phải quấy đều quên, năng sở cũng dứt. Cái dứt ấy cũng bặt luôn thì hoa bát nhã liền nở, mỗi tâm đều thành Phật, không tâm nào chẳng phải tâm Phật; chốn chốn đều là đạo thì không chỗ nào chẳng phải cõi Phật.

Thế nên, chân với vọng, vật với ngã đều do ở một tâm ta, Phật với chúng sanh cũng đều chung nhau một tâm ấy. Nếu mê thì người theo sự vật, sự vật thì vô vàn nên người chẳng giống nhau. Nếu ngộ thì sự vật theo người, người đem một trí mà dung hòa muôn cảnh. Đến đây thì hết chỗ nói năng bặt đường tư tưởng, còn gì mà nói nhân trước quả sau? Tâm thể rỗng lặng, còn gì là người này giống, kẻ kia khác? Chỉ còn một tâm trong sáng, tăng giảm chan hòa. Như tấm gương sáng, tuy không có hoa mà bóng hoa hiện, gương vẫn vô tâm, tuy thấy ảnh tượng chiếu trong gương, mà ảnh tượng vẫn hằng không vậy”.

Sư thường đọc những bài kệ này dạy chúng:

1

(Cô viên khiếu lạc thiên nham nguyệt

Dã khách ngâm tàn ngũ dạ đăng

Thử cảnh thử thời thùy hội đắc

Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng).

Dịch :

 

Vượn lẻ hú rơi trăng ngàn núi

Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya,

Cảnh ấy người đây ai biết được

Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, Thiền Sư Việt Nam

2

(Nam đài tĩnh tọa nhất lô hương

Chung nhật ngưng nhiên niệm lự vương

Bất thị tức tâm trừ vọng tưởng

Chỉ duyên vô sự khả tư lương).

Dịch:

Đài nam tĩnh tọa một lò hương

Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không

Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng

Chỉ vì không việc đáng đo lường”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch,

3

(Khô mộc nham tiền sai lộ đa

Hành nhân đáo thử tận tha đà

Lộ loan lập tuyết phi đồng sắc

Minh nguyệt lô hoa bất tợ tha.

Liễu liễu liễu thời vô sở thiểu

Huyền huyền huyền xứ diệc tu đa

Ân cần vị xướng huyền trung khúc

Không lý thiềm quang yết đắc ma)?

Dịch :

Cây khô trước núi dễ lạc đàng

Người đi đến đó thảy mơ màng

Tuyết trong cò trắng đâu đồng sắc

Trăng sáng hoa lau chẳng giống màu.

Liễu, liễu, liễu rồi không thiếu sót

Huyền, huyền, huyền đó cũng thênh thang

Ân cần hát khúc “huyền trung” ấy

Ánh sáng trong không bày được sao”?

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam

4

(Nhất dước, dước phiên tứ đại hải

Nhất quyền, quyền đảo Tu di sơn

Phật Tổ vị trung lưu bất trụ

Hựu xuy ngư địch bạc La loan).

Dịch :

 

Một nhảy, nhảy khỏi bốn bể cả

Một đấm, đấm nhào núi Tu di

Trong ngôi Phật Tổ mời chẳng ở

Lại thổi sáo chài thẳng La loan”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

5

(Phản vọng quy chân vạn lụy không

Hà sa phàm thánh bản lai đồng

Mê lai tận thị nga đầu diệm

Ngộ khứ phương tri hạc xuất lung.

Phiến nguyệt ảnh phân thiên giản thủy

Cô tùng thinh nhậm tứ thời phong

Trực tu mật khế tâm tâm địa

Thủy ngộ bình sanh thùy mộng trung).

Dịch :

Bỏ vọng về chân muôn lụy không

Thánh phàm ức triệu xưa nay đồng

Mê đi cả thảy ngài vào lửa (ngài: là con thiêu thân)

Ngộ lại mới hay hạc sổ lồng.

Một mảnh bóng trăng phân ngàn suối

Thông côi reo mãi bốn mùa rung

Cần phải thầm thông tâm địa ấn

Mới ngộ bình sinh một giấc nồng”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

6

(Tâm pháp song vong du cách vọng

Sắc không bất nhị thượng dư trần

Bách điểu bất lai xuân hựu quá

Bất tri thùy thị trụ am nhân).

Dịch :

Tâm, pháp đều quên còn cách vọng

Sắc, không như một vẫn thừa trần

Trăm chim chẳng đến, xuân cứ tiến

Nào biết là ai người trụ am” ?

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

 

Năm 1715 đời vua Lê Dụ Tông, Sư ngồi kiết già viên tịch thọ 88 tuổi.

Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Thiền Sư Hương Hải đã chú giải các kinh, dịch và sáng tác bằng chữ Nôm hơn ba mươi tác phẩm truyền lại cho đời. Nhiều tác phẩm của Sư chưa tìm lại được.

 

Tác phẩm của Thiền Sư Hương Hải gồm có:

1. Giải Pháp Hoa Kinh

2. Giải Kim Cương Kinh Lý Nghĩa

3. Giải Sa Di Giới Luật

4. Giải Phật Tổ Tam Kinh (3 quyển)

5. Giải A Di Đà Kinh

6. Giải Vô Lượng Thọ Kinh

7. Giải Địa Tạng Kinh

8. Giải Tâm Kinh Đại Điên

9. Giải Tâm Kinh Ngũ Chỉ

10. Giải Chân Tâm Trực Thuyết

11. Giải Pháp Bảo Đàn Kinh (6 quyển)

12. Phổ Khuyến Tu Hành (1 quyển)

13. Bảng Điều Nhất Thiên

14. Cơ Duyên Vấn Đáp Tinh Giải

15. Lý Sự Dung Thông

16. Quán Vô Lượng Thọ Kinh Quốc Ngữ

17. Phổ Khuyến Tu Hành

18. Bảng Điều Nhất Thiện

19. Cơ Duyên Vấn Đáp Tinh Giải

20. Sự Lý Dung Thông

21. Thơ v.v...

Những sáng tác của Thiền sư Hương Hải rất dồi dào phong phú đã đi vào kho tàng văn học nước nhà. Những bài văn những bài thơ thi kệ, ngoài việc chứa đựng nội tâm giác ngộ cao siêu, còn thể hiện quan điểmtình hình văn học thời bấy giờ. Tư tưởng của Thiền sư Hương Hải tròn đầy rộng sâu, mênh mông bát ngát, Sư chịu ảnh hưởng của Lục tổ Huệ Năng, tư tưởng kinh Kim Cang Bát Nhã, Pháp Bảo Đàn. Bên cạnh đó còn có sự ảnh hưởng về phương pháp tu tập Thiềngiáo lý Tịnh Độ của thiền phái Trúc Lâm. Hơn nữa trong Sư vẫn còn phảng phất phong thái của một nhà Nho trong việc muốn kết hợp cả hai tư tưởng Nho và Phật. Nội tâm giác ngộ đó, con người thiền sư siêu việt đó, phủ trùm lên từng tâm thức lưu lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người mãi tận hôm nay.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.