Trong
lúc ở tại Saigòn và Đà nẵng bắt đầu có những cơ sở
ăn chơi trụy lạc hay kinh tài mờ ám dính líu đến một vài
người có thanh thế của chế độ, thì ở tại Huế một
phong trào bắt đầu hướng về đạo Phật được coi như
là để chống đối chế độ. Những người sinh viên, tiểu
chức và giới buôn bán nhỏ, trước đây quá lắm đi chùa
mỗi năm một lần do sự thúc dục của người mẹ hay vợ
thì nay bắt đầu tham gia hàng loạt những tổ chức Phật
giáo như Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, Tiểu thương
Phật tử v.v…Như thế chính nhà cầm quyền vô tình
đã thúc đẩy một sự đối lập có tổ chức.
Một
số lớn quần chúng Huế từ lâu đã tìm thấy trong đạo
Phật một định hướng tinh thần. Trong những năm 30 một
phong trào chấn hưng đạo Phật đã khởi đầu từ chùa Từ Đàm, lan tràn khắp miền Trung và ra tận đến đồng bằng
Cửu long. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và bác sĩ Lê
đình Thám đã phát họa những nền tảng lý thuyết và thực
hành của phong trào chấn hưng này. Phật giáo cần được
tổ chức một cách thống nhất trên toàn quốc, do đó một
Tổng hội Phật giáo Việt nam đã được thành lập. Đồng
thời các tu sĩ không còn phải học thuộc lòng những kinh
kệ để cúng tế hay làm phù phép, mà phải tu dưỡng theo
con đường tu hành trong sáng của đức Phật và đem truyền
bá những điều đó đến các đệ tử hay những người quen
biết. Hội Phật học tại Saigòn cũng được thành lập
trong tinh thần đó. Trong những chùa chiền mới được xây
cất, các hình tượng của những vị thần linh hay ma quỷ
không còn được trưng bày, còn tại các ngôi chùa cũ thì
không được đem thêm vào nữa. Các tu sĩ trẻ tuổi được
gởi đến học tại các trường trung hay đại học. Sự thành
lập các trường học, cô nhi viện và nhà hộ sinh chứng minh
một sự tham dự vào các hoạt động xã hội và từ thiện
mà từ nhiều thế kỷ qua Phật giáo đã vắng bóng.
Hiện
tượng dấn thân và về nguồn này cũng làm trỗi dậy trong
những tín đồ và tu sĩ Phật giáo tinh thần dân tộc yêu
nước. Họ khám phá ra rằng chính một người Á đông đã
rao truyền một lối sống tâm linh và đạo đức đã được
toàn thế giới kính phục và đồng thời cũng là một con
đường đem lại hòa bình và hạnh phúc cho con người. Họ
cảm thấy rằng “con đường trung đạo” của đức Phật
Thích Ca thích hợp với tâm tính người Á đông hơn là đạo
Thiên Chúa được nhập cảng từ phương Tây với lối truyền
giáo thô bạo đi cùng với sự xâm chiếm của giới thực
dân và xa lạ đối với những nguyên tắc đạo đức truyền
thống của dân tộc. Từ những nhận định đó, họ đã xích
lại gần với đòi hỏi phải có một Đông Nam Á mang tính
chất Phật giáo, độc lập đối với Tây phương về các
phương diện chính trị và văn hóa. Họ nổ lực theo đường
hướng này, đúng ngay vào lúc mà người Mỹ có chính sách
ủng hộ Tổng thống Diệm chống lại Mặt trận Giải phóng,
mà người Mỹ xem như là một tranh chấp quốc tế để “đẩy
lùi lại Trung Cọng”. Nhưng người Phật tử thì lại xem
như là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Những người học
trò đầu tiên của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và bác sĩ
Lê đình Thám càng ngày càng cổ võ cho một nền văn hóa dân
tộc mang tính chất Phật giáo và một sách lược chính trị
trung lập. Người ta có thể tìm đọc cơ sở lý luận của
khuynh hướng này trong những bài viết của Thượng tọa Thích
Trí Quang, vị lãnh đạo có uy tín chống chế độ Ngô đình
Diệm và những chính phủ quân nhân sau này của các tướng
Khánh, Kỳ và Thiệu.
Tất
cả những điều này tôi chỉ biết được một cách mù mờ
vào tối ngày mồng 7 mà thôi. Trước đó chỉ có một lần
sau khi đến Huế vài tuần, tôi có dịp tiếp xúc với giới
tăng già Phật giáo, khi được mời tham dự một buổi chiêu
đãi dùng cơm chay nhân dịp có một vị sư người Anh đến
ghé thăm một chùa nhỏ tại ngoại ô. Sau đó vào buổi tối
tôi tháp tùng Hòa thượng Thích Mật Nguyện đến dự lễ
đón tiếp chính thức vị sư người Anh tại chùa Diệu Đế
nằm bên kia sông Hương và tôi có dịp làm quen với sự trang
nghiêm của nghi lễ Phật giáo. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi
thấy rất nhiều người trẻ tham dự với một thái độ thư
thái và hớn hở. Trên khuôn mặt của họ, tôi không thấy
vết tích của một sự chán đời nào. Ngược lại người
ta có thể cảm nhận một sự tích luỹ của sức mạnh và
ý chí, để được sử dụng vào một ngày nào đó. Rất có
thể ngày đó là ngày hôm nay.
Trên
đường trở về lại nhà, chúng tôi gặp Orje va Hans (2). Tôi
kể sơ lược cho họ nghe về các biến cố ngày hôm nay. Họ
liền nói ngày mai họ muốn quây phim đoàn rước Phật lên
chùa Từ Đàm cũng như buổi lễ trịnh trọng trước bàn thờ
vĩ đại đã được bày trước chùa. Họ cũng muốn đem theo
máy ghi âm vì thế nào cũng có một lời tuyên bố của một
vị lãnh đạo Phật giáo về những biện pháp kỳ thị của
nhà cầm quyền và về những cuộc biểu tình đã xảy ra ngày
hôm nay.
Sáng
ngày hôm sau tôi thức dậy trễ nên không theo dõi được phần
đầu của đoàn rước, và chỉ có thể đứng nhìn đoàn người
đi qua từ lầu thượng căn nhà tôi ở. Tôi không thấy có
gì đặc biệt đáng để ý, ngoài những biểu ngữ thông thường
chào mừng ngày đức Phật đản sanh. Đến trưa, Orje và Hans
về kể lại cho tôi nghe rằng Thích Trí Quang (đây là lần
đầu tiên tôi nghe tên vị sư này) đã lên án những biện
pháp kỳ thị Phật giáo, cũng như những hành vi nhục mạ
các biểu tượng tôn giáo của cảnh sát và tuyên bố rằng,
các phật tử sẽ không khoanh tay ngồi yên trước những khiêu
khích đó. Sau đó là những lời hoà hoãn và Thích Trí Quang
đã nói lời cám ơn viên tỉnh trưởng đã ngưng thi hành lệnh
cấm treo cờ. Buổi lễ được chấm dứt trong không khí hòa
bình và nhất trí, và mọi việc có thể được xem như tạm giải quyết ổn thỏa.
Fred
đã lấy máy bay trở lại Saigòn lúc buổi trưa và Tuân và
Phương thì muốn đi ngủ sớm. Do đó tôi quyết định đi
xem xinê, vì đinh ninh rằng sẽ không có gì xảy ra nữa đâu.
Buổi tối hôm đó trời thật nóng bức; khí trời dường
như đã biến thành một khối nặng nề và đứng yên một
chổ khiến người bộ hành khó bước xuyên qua được. Nơi
một góc đường ở trước tòa Đại biểu chính phủ, tôi
thấy một đoàn người đông đảo đi không dứt và đổ xuống
từ hướng chùa Từ Đàm và di chuyển về con đường lớn.
Tôi tự hỏi, buổi lễ hôm nay sao chấm dứt sớm vậy. Nhưng
tôi để ý thấy rằng rất nhiều người bước đi một cách
vội vàng. Chắc có chuyện gì đang xảy ra. Tôi bỗng nghe một
người nào đó gọi tên tôi. Đó là Tý (3), một người học
trò của tôi, mà tôi đã để ý ngay đầu năm học vì sự
khôi hài và lanh lợi của anh ta. Tý hỏi tôi muốn đi cùng
đến nghe phát thanh lại bài nói chuyện sáng hôm nay của Thích
Trí Quang, bài này sẽ được phát đi trong vòng vài phút nữa
và sẽ được truyền ra bên ngoài bởi những loa phóng thanh
đặt trước trụ sở Đài. Anh ta muốn phiên dịch cho tôi
bài nói chuyện đó. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt
để biết biến cố ngày hôm qua đã được giải quyết êm
thắm hay chưa.
Trong
khuôn viên của Đài Phát thanh Huế nằm bên đầu cầu Trường
tiền bắc ngang qua sông Hương, một đám đông quần chúng
đã tụ tập ở đó. Mỗi phút lại thêm nhiều người đổ
xô đến, đứng chật ních lan ra đến hàng rào và ngã tư
đường trước Đài. Lúc 9 giờ tối số người lên đến
khoảng 6000. Sau đó có một tin đồn truyền miệng nói rằng
buổi phát thanh đặc biệt hằng năm nhân ngày Phật đản
nay đã bị cấm vào giờ phút chót. Quần chúng Phật tử đã
tụ tập đông đảo trước đài phát thanh vì họ chỉ nghe
trong máy thu thanh phát đi những bản quân nhạc thay vì tiếng
nói của Thích Trí Quang và dự đoán sẽ có những chướng
ngại mới sau lệnh cấm treo cờ ngày hôm trước, và để
sẵn sàng phản đối nếu cần thiết. Sinh viên, học sinh,
người già và trẻ con đứng xen lẫn bên nhau. Rất nhiều
người còn dắt theo xe đạp. Lại có không khí như một ngày
lễ hội giống như ngày hôm qua. Mọi người nói chuyện với
nhau mặc dù chưa quen biết bao giờ.
Và rồi những phát đạn đầu tiên được bắn ra từ nòng súng ca nông của xe thiết giáp ; chúng tôi nghe khoảng 10 phát súng nổ kêu vang và khô khan. Như những người chung quanh, Tý và tôi nằm rạp xuống đất. Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đầu ngọn lửa phát ra từ họng súng của hai chiếc xe án ngự nơi bồn tròn nằm phía đầu cầu Trường tiền. Sau tiếng súng là một chập im lặng. Với một vài bước nhảy, Tý và tôi băng qua con đường lớn để vào núp nơi một con đường nhỏ bên cạnh. Những người chung quanh chúng tôi cũng làm như thế. Từng nhóm từ mười đến hai mươi người vung tay lên bày tỏ sự bất bình của mình. Đúng vào lúc đó một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn. Một chiếc thiết giáp bắt đầu tìm cách phân tán những đám nhỏ này.
Chúng
tôi tìm cách trốn bỏ đi và cuối cùng chạy về được đến
nhà của Orjes và Hans chỉ nằm cách chỗ tai biến khoảng 150
mét. Hans đang đứng trước nhà. Tôi kể cho anh ta nghe những
gì đã xãy ra. Tiếng súng sau đó đã ngưng. Hans hỏi, có ai
chết hay bị thương không. Chúng tôi không biết. Câu
hỏi này làm chúng tôi bất an, rất có thể người ta cần
sự cứu thương. Cho nên chúng tôi ba người đi trở lại Đài
phát thanh. Giữa đường, trước khách sạn dành riêng cho cố
vấn quân sự Mỹ, tôi gặp Paul Miller, một người Mỹ trẻ
làm việc trong Văn phòng trường Đại học. Anh ta kể rằng
'họ đã đi qua đây'. Thiếu tá Đặng Sỹ, người cầm đầu
đoàn quân, đã bảo anh ta phải lánh mặt đi chỗ khác. Sắp
có màn phải giết người, vì ông ta đã nhận được lệnh
từ cấp trên đến dẹp tan vụ bạo loạn tại Đài phát thanh
với bất cứ giá nào. Ngay cả Paul cũng không biết có người
chết hay không. Anh ta đã trải qua trận bắn phá trong khách
sạn “Cố vấn”. Nhưng anh ta biết rằng Thiếu tá Sỹ là
một người Ki tô quá khích và là một người thân tín của
Tổng giám mục Thục (4).
Ngã
tư đường trước Đài phát thanh giống như một bãi chiến
trường giờ đây hoang vắng. Vô số chiếc xe đạp cong queo
và dày dép đủ màu nằm ngổn ngang trên đường giờ đây
đã vắng bóng người; chỉ có một nhóm nhỏ thanh niên Phật
tử cầm cờ năm màu đi về hướng phía bên kia chiếc cầu,
theo sau là một chiếc thiết giáp, thỉnh thoảng bắn đuổi
theo sát trên đầu người. Có hai viên cảnh sát đứng ở
đó, nhưng chắc cũng không rõ tại sao họ có mặt. Chúng tôi
hỏi các người cảnh sát, có gì trầm trọng không. Họ nói
không biết gì và khuyên chúng tôi nên vào nhà thương xem thử
sao.
Trong
khu nhập viện có khoảng 20 người bị thương đang nằm. Không
có ai bị thương trầm trọng cả. Họ chỉ bị trầy xước
va trẹo xương vì trong lúc hỗn loạn, họ đã bị đè bẹp
và dẫm lên người. Họ đang được chăm sóc bởi bác sĩ
Tô đình Cự, trưởng phòng mỗ của bệnh viện. Ông ta có
vẻ hốt hoảng khi thấy chúng tôi xuất hiện. “Các ông hãy
về đi, đây không phải là chuyện của các ông. Chỉ có một
vài vết thương nhẹ, một mình chúng tôi cán đáng được
rồi”, ông ta nói như vậy. Khi chúng tôi sắp sửa ra về,
thì có một người y tá trước đây làm trong khu Tâm thần
ra dấu kêu tôi lại. “Ông hãy vào xem trong nhà xác”, ông
ta nói khẻ bên tai tôi như vậy.
Nhà
xác nằm bệnh cạnh nhà thương điên và do những lao công
của nhà thương này canh gát. Không có ánh đèn điện. Dưới
ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy
có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám
nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể họ còn nguyên
vẹn. Nhưng năm cái xác – tất cả là trẻ em- thì không còn
đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn bắn
vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu
các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của
Đài phát thanh và nhô đầu ra trước. Nếu như các em khôn
ngoan như người lớn, tức là nằm xuống dưới đất lúc
súng đạn bắt đầu nổ, thì có lẽ các em đã không hề
hấn gì.
Cha
mẹ của những người tử nạn đang thút thít khóc. Người
cha của một em bé gái đã chết yêu cầu chúng tôi chụp hình
những xác chết. Nhưng chúng tôi không có mang theo máy hình.
Hans và Tý đi về kiếm Orje, vì anh ta có đem về Huế đầy
đủ máy móc. Khi tôi muốn quay đi không muốn nhìn cảnh thê
thảm này nữa, thì tôi chợt thấy bên cạnh cánh tay của
một xác trẻ em không đầu một con mắt dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán. Trước nhà xác tôi
gặp một vị sư trẻ tuổi của chùa Bảo quốc và đang theo
học tiếng Phạn tại Đại học. Ông ta đã trốn vào nhà
thương vì sợ bị bắt giữa đường. Tôi đưa ông ta về
lại chùa, tọa lạc chỉ cách căn phòng tôi ở vài bước
(5).
Khi
về đến khu cư xá giáo sư đại học tôi vội bước lên
các tầng cấp để đến căn phòng của gia đình Giáo sư Krainick. Tình cờ lúc đó bà Krainick đang đọc vào máy ghi
âm bức thư gia đình hỏi thăm các người con. Trong sự hốt
hoảng lúc bà và ông chồng nghe tôi kể lại những biến cố
vừa xãy ra, bà đã quên tắt máy. Do đó mà có được lời
tường thuật đầu tiên ghi lại chỉ không đầy một giờ
đồng hồ sau các biến cố trên ; cuộn băng nhựa ghi âm này
đã được dùng làm bằng cớ vào tháng chín năm 1963 trước
Ủy ban Việt Nam của Liên hiệp quốc, kèm theo với lời khai
danh dự chứng thật nguyên bản của Giáo sư Krainick.
Sau
đó cũng vào khoảng 11 giờ 30 đêm, tôi đến đánh thức ông
bạn Tuân và cũng kể những gì đã xảy ra. Tuân tức thời
hiểu được tầm quan trọng chính trị của biến cố. Tuân
nhận định rằng những cuộc biểu tình khắp toàn quốc của
các giới Phật tử sẽ làm giảm uy tín của ông Diệm, và
cuối cùng người Mỹ phải bỏ rơi ông ta. Quân đội vì sợ
cúp viện trợ sẽ tìm cách lật đổ ông ta. Tôi cần phải
đi vào Saigon để thông báo cho Miên và Quát (6) biết, đồng
thời tìm cách đưa tin cho các hãng thông tấn Mỹ để họ
khai thác biến cố này. Có một sự trùng hợp là Giáo sư Krainick và tôi đã dự định từ lâu sẽ vào Saigon trong các
ngày tới để gặp ông bộ trưởng bộ Giáo dục và vé máy
bay đã được mua sẵn rồi. Đây là một cơ hội tốt để
về thủ đô mà không ai để ý.
Sáng
hôm sau vào lúc 7 giờ vị sư trẻ mà tôi đã đưa về chùa
tối hôm qua đến gặp tôi và đưa hai bức thư nhờ chuyển
đến Thượng tọa Thích Minh Châu hiện đang du học tại Ấn
độ và Tổ chức Phật giáo quốc tế. Tôi được yêu cầu
tìm cách chuyển ngầm hai bức thư này ra khỏi nước. Trước
khi chúng tôi lên đường ra phi trường Phú bài, Orje xuất
hiện và giao cho tôi cuộn phim chụp tối hôm qua. Nửa giờ
trước khi cảnh sát cấm không cho ai vào nhà xác , anh ta đã
chụp được tất cả xác những người chết. Giáo sư Krainick
bỏ cuộn phim vào túi quần của ông ta – để phòng trường
hợp cảnh sát đã ngửi biết được sự có mặt của tôi
tại nơi xãy ra tai biến và sự lục lọi sau đó của chúng
tôi tại bệnh viện. Nhưng ở Phi trường Phú bài hay tại
Saigòn không ai để ý gì đến chúng tôi. Chắc hẳn đối
với mật vụ của ông Diệm, các biến cố đã xãy ra một
cách quá bất ngờ và không ai tính đến chuyện sẽ có những
nhân chứng ngoại quốc.
Cùng
với ông Krainick tôi thuê một căn phòng tại khách sạn. Tôi
tìm đến Miên (7) liền và đánh thức ông ta ra khỏi giấc
ngủ trưa. Ông ta mở cửa cho tôi mà đang còn ngáy ngủ và mặt mày nhăn nhó. Nhưng bộ tịch ông ta thay đổi liền sau
khi hiểu được vấn đề. Thái độ tính toán của ông ta
là một gáo nước lạnh vào sự phẩn uất và nóng lòng
của tôi. Giống như Tuân, ông ta chỉ nhìn thấy nơi những
xác chết những con bài sáng giá có được một cách bất
ngờ trong công cuộc vận động chống chế độ độc tài.
Trong lúc Tuân chống chế độ độc tài vì chịu không nổi
những bất công thì đối với Miên, đây chỉ là một mưu
toan phản loạn. Miên thay áo quần và chúng tôi kéo đến nhà
Quát. Ông này cũng được đánh thức ra khỏi giấc ngủ
trưa. Sự điềm tĩnh và trịnh trọng thường lệ của
ông ta bỗng chốc đã biến thành một sự kích động sau khi
đã nghe tôi kể chuyện. Phải tạo một thế liên minh tức
khắc với Phật giáo, trước khi người khác cùng có ý tưởng
này. Sự việc đã có nhiều người chết chỉ là chuyện bên
lề đối với ông ta. Ông ta nhận lấy cuộn phim từ tay tôi
và hứa sẽ nhờ người thân tín sang ra khoảng 12 bản trong
vòng 24 tiếng đồng hồ. Sau đó chúng tôi trở về lại khách
sạn, vì lúc 5 giờ chiều Giáo sư Krainick và tôi có hẹn với
ông bộ trưởng giáo dục.
Nội
dung của buổi tiếp kiến này chỉ còn lưu lại trong trí nhớ
của tôi một cách rời rạc. Dự thảo xây dựng những trung
tâm lâm sàn cho trường đại học đã được bàn đến. Ông
Krainick và tôi đã chiết tính phí tổn xây cất và bảo quản,
kê những dụng cụ cần thiết cần mua và những đề nghị
xin tài trợ. Đó là một trong những đồ án phát triển toàn
hảo về mặt kỹ thuật, nhưng nếu xét về các mặt chính
trị, kinh tế và tâm lý thì là hảo huyền, mà bất cứ một
người cộng tác viên ngoại quốc nào đầy thiện chí đều
đưa ra trong những năm đầu tiên đến nơi quốc gia mình muốn
giúp. Trong lúc nói chuyện, thật tình hồn vía của tôi để
chỗ khác. Những giọng nói của Giáo sư Krainick, của ông
Bộ trưởng, và ngay cả của chính tôi đã xa rời thực tại,
tất cả đối với tôi như tiếng phát âm ngây ngô của những
người gỗ được lên giây cót; những cử chỉ buồn cười
của ông bộ trưởng, những cúi đầu thái quá của ông Krainick
và ngay khuôn mặt dài thòn ra của chính tôi đã khiến tôi
muốn bật cười. Lúc cuộc nói chuyện kết thúc, tôi
có cảm tưởng giống như một người điên được thả ra
lầm trước cửa nhà thương điên.
Buổi
tối hôm đó Raoul mời tôi ăn chung với hai nhà báo, phóng
viên người Mỹ Neel Sheehan và người Úc Nick Turner. Lúc
tôi kể cho họ nghe về những gì đã xảy ra ở Huế, họ
nghi ngờ không tin tưởng chút nào lời kể của tôi. Chuyện xảy ra đối với họ quá động trời, nên họ không muốn
đụng chạm đến nếu không có một đảm bảo nào. Sau khi
tôi đưa cho họ xem các ảnh do người của ông Quát sang, họ
nhẩy đẩy lên và lôi giấy bút ra để ghi chép. Ngay trước
nửa khuya họ đã chuyển đi bằng máy viễn ký những bản
tin đến khắp thế giới. Vì Turner làm việc cho hãng thông
tấn Reuter, Sheehan cho hãng UPI, tôi hy vọng sẽ đọc được
những hàng chữ lớn trên báo chí khắp năm châu. Một sự
lầm to, một sự ngây thơ làm sao! Sau 48 tiếng đồng hồ,
tôi phải nhận ra rằng, ngoại trừ đài Hà nội, không một
đài phát thanh nào đưa tin, ngay cả những tờ báo lớn như
Le Monde, New York Times đều im bặt.
Không
chịu bó tay, tôi quyết định lấy máy bay qua Phnom Penh. Chính
quyền Campuchia trong thời gian qua đã bị chính quyền ông Diệm
đả kích dữ dội vì đường lối ngoại giao trung lập. Vào
cuối những năm 50, cơ quan phản gián Mỹ CIA với sự cọng
tác của một vài điệp viên Việt nam đã tìm cách lật đổ
chính quyền của hoàng thân Sihanouk, nhưng đã bị thất bại.
Chính Miên và một người lanh lợi khác tên là Đặng đức
Khôi đã điều khiển công tác này. Ở Lào thì họ thành công
hơn. Tướng Phoumi Nosavan đã lên nắm quyền với sự giúp
đỡ của họ và CIA. Thái độ không thích chế độ ông Diệm
của hoàng thân Sihanouk làm tôi hy vọng có thể đạt được
một kết quả nào đó trong việc báo động của tôi. Từ
nơi đó, tôi cũng có thể viết thư cho một vài tờ báo Tây
Đức kèm theo với những hình ảnh do Orje chụp và gởi lá
thư mà vị sư trẻ người Huế nhờ tôi chuyển đến
Thượng tọa Thích Minh Châu. Ngoài ra cuộn phim có những âm
bản chụp những xác chết làm tôi không yên lòng chút nào.
Chừng nào những âm bản này chưa ra khỏi Việt Nam, thì tôi
còn lo lắng cho an ninh của ngay chính bản thân tôi…
BS
ERICH WULFF
Minh Nguyện (Dịch để tưởng niệm 8 vị Thánh tử đạo đêm 8/5/1963 tại Đài Phát thanh Huế).
(bổ
túc tháng 4/2007)
Chú
thích của người dịch:
(1) Vì bài tường thuật được phổ biến lần đầu tiên năm 1968 tại Tây Đức trong lúc chiến tranh đang xãy ra dữ dội tại Việt Nam và để tránh những hệ lụy không tốt cho các nhân vật trong bản hồi ký, tên thật của rất nhiều người bạn của tác giả đã được ghi dưới một tên khác, như Tuân tức là Giáo sư Bùi tường Huân, sau này sẽ làm bộ trưởng và thượng nghị sĩ, Miên tức là Đại sứ Bùi Diễm, Quát tức là Thủ tướng Phan huy Quát sau này v.v..
(2)
Tức hai Giáo sư Raimund Kaufmann và Hans Hoelterscheid. Xem Ký ức
của BS Wulff được phổ biến trên trang nhà Khuông Việt số
7:
http://www.khuongviet.com/kv-archive/PD63/Kyuc_Wulff.htm
http://www.thuvienhoasen.org/qd-tuongniem-14.htm
(3) Tức anh Tôn thất Kỳ, sinh viên y khoa .
(4) Theo sự tiết lộ của GS Trần Hữu Thế, cựu bộ trưởng Giáo dục đối với GS Vũ văn Mẫu trong quyển sách „Sáu tháng pháp nạn“ (Giao Điểm xuất bản 2003), chính TGM Ngô đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá Đặng Sỹ phải „dẹp“ đám đông phật tử tại đài Phát thanh Huế tối 8/5/1963. Trích:
“Chính tối hôm Phật đản cũng đã có một bữa tiệc tại nhà Ngô đình Cẩn với sự hiện diện của TGM Thục, một số bộ trưởng và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ. Đang giữa bữa ăn thì Tỉnh trưởng Nguyễn văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Đặng Sĩ hốt hoảng xin vào trình bày tình hình rất căng thẳng vì mấy ngàn Phật tử đang tụ họp trước Đài Phát thanh. Vì phụ trách các vấn đề an ninh, Thiếu tá Đặng Sĩ xin chỉ thị để đối phó.
Ngô đình Cẩn ngồi yên không nói gì, hay không muốn nói có lẻ vì đã đoán trước được ý kiến của ông anh Ngô đình Thục thế nào cũng chống đối thái độ hòa hoãn của ông ta trong vụ này. Sau báo cáo của Đặng Sĩ, TGM Ngô đình Thục đang ăn bổng ngưng lại, giơ tay ra hiệu cho Thiếu tá Đặng Sĩ “Dẹp…!”. Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng lãnh chỉ thị lui ra. Sau đó thì các sự việc xãy ra như bác sĩ Erich Wulff đã tường thuật rõ ràng các điều mắt thấy tai nghe tại chỗ” (tr.215-216).
(5) Vị sư trẻ này chính là Thầy Lê Mạnh Thát, theo sự xác nhận của Thầy với người dịch vào tháng 7/2006 tại Sai Gòn. Thầy cũng là người đã đặt câu hỏi với tác giả về triết gia Trần Đức Thảo.