Gặp Gỡ Giáo Sư Người Mỹ Gốc Việt Nghiên Cứu Về Bồ Tát Thích Quảng Đức

28/05/201112:00 SA(Xem: 22966)
Gặp Gỡ Giáo Sư Người Mỹ Gốc Việt Nghiên Cứu Về Bồ Tát Thích Quảng Đức
qd-title-2

GẶP GỠ GIÁO SƯ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT
NGHIÊN CỨU VỀ BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

Lưu Đình Long thực hiện

Từ Mỹ, Nguyễn Tri Ân, giáo sưc Đại học Bates (Bates Colleghe) đã nhiều lần về Việt Nam (kể từ năm 1991) để nghiên cứu về văn hoá, mỹ thuật Phật giáo. Ông tâm sự: “Mình không phải là nhà khoa học-công chức bàn giấy nên phải đi, đi thực tế để nghiên cứu, tìm hiểu”.

nguyentrianMới đây, ông có một chuyến về Việt Nam 3 tuần, tham dự Phật đản ở Huế, rồi đi đến tham cứu ở các chùa ở TP.HCM, Cai Lậy (Tiền Giang), Khánh Hoà để tìm thêm những “dấu tích” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Nghiên cứu về Bồ tát Thích Quảng Đức chính là 1/57 đề tài nghiên cứu được Hội đồng Hiệp hội Học thuật Hoa Kỳ - American Council of Learned Societies) chọn tài trợ nghiên cứu từ 1136 người nộp đề tài. Trước khi về nước GS Nguyễn Tri Ân đã dành cho Giác Ngộ một cuộc trò chuyện ngắn…

* Thưa GS, tại sao ông lại chọn đề tài về Bồ tát Thích Quảng Đức để nghiên cứu, trong khi trước đó đã có nhiều học giả nghiên cứu, viết sách về Ngài rồi?

GS Nguyễn Tri Ân: Có một số lý do để tôi chọn đề tài này, trong đó phải kể đến:

Thứ nhất, về Bồ tát Thích Quảng Đức thì tài liệu chủ yếu được công bố là do công sức sưu tầm của thầy Như Hoằng (chùa Thiên Tứ, Vạn Ninh, Nha Trang, Khánh Hoà) và các bài viết và công trình nghiên cứu của GS Lê Mạnh Thát đã xuất bản trong tập Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trái Tim. Tuy nhiên, các tư liệu chính được công bố hầu hết và chủ yếu là thời kỳ Bồ tát sống, hành đạo trong thời gian trước năm 1945.

Thứ hai, tôi là học giả, trước đó đã nghiên cứu nhiều về văn hóa Phật giáo, đặc biệt là ngành lịch sử phát triển của nghệ thuật Phật giáo Viêt Nam. Trong những năm gần đây tôi đã chuyển hướng về việc tìm hiểu về cuộc đờisự nghiệp hành đạo của Bồ tát Thích Quảng Đức, một Con Người đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt là hành động hy sinh thân mạng tự thiêu để bảo vệ chánh pháp, khiến thế giới rung động. Do vậy, tôi muốn tìm hiểunghiên cứu rõ thêm về con người đó, những động cơ và bối cảnh lịch sử như thế nào đã khiến ngài hy sinh thân mạng của mình cho đại cuộc.

Thứ ba, những tư liệu về Bồ tát Thích Quảng Đức bằng tiếng Anh thì vẫn chưa có nhiều, nếu có thì cũng chỉ là những tài liệu nói về cuộc tự thiêu và bối cảnh chính trị dưới chế độ ông Ngô Đình Diệm. Và hình như là không có một bài biết nào có bề sâu và bề dày nói về con người, hành hoạt của Bồ Tát. Các sách tiếng Anh hầu hết không tham khảo các sách vở và tư liệu Việt Ngữ. Do đó, nói chung thì thiếu một cái nhìn cụ thể, tổng quát và xác thực.

* Trong quá trình nghiên cứu, cho đến thời điểm này ông đã phát hiện được những tư liệu, tài liệu nào mới về Bồ tát Thích Quảng Đức?

- Bốn năm trước khi đi tìm tòi các tư liệu tại các ngôi chùa ngày trước Hòa Thượng Quảng Đức từng làm trụ trì, tôi phát hiện được những di cảo viết tay của Hòa Thuợng để lại. Các di cảo này đều viết bằng chữ Nôm, gồm có các bài diễn văn, một số bài giảng, và một cuốn sách của Hòa Thượng đang viết giở giang. Đặc biệt, trong các tư liệu này, tôi khám phá ra tên và tuổi thật của Ngài được chép trong phần cuối của bài thờ “Xuất Kệ Vân”, đó là bài thơ cuối trong năm bài thơ di bút của Bồ Tát Quảng Đức. Phần cuối bài của bài thơ có dòng chữ Hán do Bồ tát viết, đề rõ tên, ngày, tháng, năm sinh của Ngài. Thật thú vị khi đọc được chính thủ bút của Ngài ghi rõ các điểm quan trọng này, và đã giúp tôi xét đặt lại vấn đề khi viết về tiểu sử của Bồ Tát Quảng Đức. Ngoài ra di cảo bằng chữ Nôm, tôi đã tìm thấy hai bản di chúc chưa bao giờ được công bố, và trên mười tư liệu có niên đại từ năm 1958 đến năm 1963 liên quan đến hoạt động Phật sự của Ngài. Qua các tư liệu quý hiếm này đã soi sáng cho tôi hơn khi nghiên cứu con người, hành hoạt, và hạnh nguyện vị pháp thiêu thân của Ngài.

Khi đi nghiên cứuthăm viếng các ngôi chùa Ngài đã từng trụ trìxây dựng. Tôi rất ngạc nhiên vì vài ngôi chùa Ngài từng trụ trì một thời gian, nhưng bây giờ tại tổ đường không có bài vị hoặc di ảnh thờ Ngài.

Ngoài công trình điền dã thu thập thêm về tư liệu, tôi cũng liên lạc và xin tiếp xúc phỏng vấn với các vị từng sinh hoạt với Ngài. Thí dụ bác Tống Hồ Cầm, năm nay đã 95 tuối, người biết Hòa Thượng Quảng Đức khi Ngài trụ trì chùa Long Vĩnh. Cùng với cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng và người sáng lập Hội Phật Học Nam Việt, đã mời Hòa Thượng Quảng Đức về trụ trì chùa Phước Hòa ở khu Bàn Cờ khi hội còn đặt trụ sở ở đó. Tôi cũng đã gặp gỡ và phỏng vấn các vị Hòa Thượng trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo năm 1963. Điển hình là Hòa Thuợng Thích Đức Nghiệp, một trong những người đã tổ chức như cuộc tự thiêu lịch sử và đã nghe kể lại và các vấn đề chưa từng nói về tình hình Phật giáo lúc bấy giờ, và những nguyên nhân dẫn đến quyết định sự tự thiêu, cũng như các sự dàn xếp bên trong.

* Sau khi đề tài này được nghiên cứu thành công thì sẽ được sử dụng như thế nào về công tác giảng dạy, đóng góp gì cho lịch sử và khoa học xã hội..., thưa GS ?

- Vấn đề trước mắt là tôi sẽ viết một vài bài nghiên cứu ngắn dạng tiểu luận về cuộc đời của Ngài cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Đương nhiên công trình nghiên cứu của tôi trong vấn đề dài hạn sẽ là một tập sách nghiên cứu về con người, sự tự thiêuý nghĩa của nó. Khi nói về Ngài Quảng Đức, chúng ta phải đặt Ngài vào bối cảnh lịch sử, do vậy chúng ta không thể tách Ngài ra khỏi hai vấn đề: đó là bối cảnh lịch sử năm 1963 và cái nôi của Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng thiền Chúc Thánh đã sản sinh ra một bậc vĩ nhân của thời đại. Hi vọng, công trình của tôi sẽ giúp cho họ có cơ hội để tiếp cận một nhân vật của Phật giáo Việt Nam đã tạo tiếng vang lớn nơi lương tâm con người hồi thập niên 60 của thế kỷ trước!

Một vấn đề khác nữa đáng quan tâm là tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các vị Phật tử thiện tâm có tài có của nên xây dựng một Viện Bảo Tàng, hoặc một nhà lưu niệm để tập trung, lưu giữ và trưng bày các di bút, các hiện vật của Ngài Quảng Đức để lại. Qua công trình nghiên cứu điền dã, tôi biết Ngài Quảng Đức đã để lại rất nhiều hiện vật. Tôi cũng mong sao, hai năm nữa, tức là năm 2013, các vị lãnh đạo Phật giáo nên có một cuộc triền lãm và tổ chức một tuần lễ hội thảo văn hóa và sự đóng góp của HT.Quảng Đức nhân kỷ niệm 50 năm ngày Ngài tự thiêuĐạo pháp.

* Vâng, xin cảm ơn ông. Chúc cho ông hoàn thành tốt công trình ý nghĩa này nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu.

* Thưa GS, để được duyệt tài trợ cho đề tài nghiên cứu từ Hội đồng Hiệp hội Học thuật Hoa Kỳ có khó không? Và trong quá trình nghiên cứu đề tài này, đi thực tế nhiều như thế ông có gặp khó khăn?

- Ở Mỹ, một giáo sư đại học và vào ngạch đi dạy nhiều năm thì được nghĩ nửa năm (được lãnh lương), hoặc có thời gian 1 năm (lãnh ½ lương) để nghiên cứu khoa học. Trường đại học tôi dạy thì 6 năm được nghĩ một lần. Trong năm nay, tôi được nghỉ và xin được tài trợ của American Council of Learned Societies để ở nhà nghiên cứu, và muốn bổ túc thêm tư liệu cho cuốn sách nên tôi đã quyết định về Việt Nam tiếp tục kiếm thêm tư liệu về Bồ tát Thích Quảng Đức, người mà mình đã biết, có tìm hiểu trước đó, và đặc biệt kính nể. Việc được duyệt đề tài và trở thành 1 trong 57 người được chọn từ trên 1.000 công trình của các giáo sư khác là một vinh hạnh cho tôi, cho khoa và cho nhà trường. Điều đó càng ý nghĩa hơn khi tôi góp một chút công sức cho việc giới thiệu danh nhân Việt Nam đến Hội đồng khoa học, cũng như bạn bè thế giới.

nguyentrian

GS Nguyễn Tri Ân - Ảnh: L.Đ.L

Và bạn biết đấy, khi về Việt Nam, đến một số địa chỉ mà đâu phải ai cũng biết mình, và đâu phải người nào cũng nhiệt tình đón tiếp? Do vậy, đến mỗi nơi tôi đều có thư giới thiệu gửi tới trước, và có nhiều khi đến vẫn không gặp được người cần gặp. Đôi lúc phải cố gắng nhiều lần mới gặp được người cần gặp. Thế nhưng, bù lại, vẫn có những người bạn biết tôi trước đó qua một số bài báo đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật giáo và họ đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu!

Lưu Đình Long thực hiện
(Giác Ngộ)



Giáo sư người Mỹ gốc Việt được tài trợ nghiên cứu về HT Thích Quảng Đức
(Nguồn: VOA)


Thứ Ba, 11 tháng 5 2010

Trà Mi xin chào những người bạn của Tạp chí Thanh Niên trên đài VOA. Các bạn nào ở Sài Gòn nếu đi ngang qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8 quận Ba, hẳn có thấy một tượng đài tưởng niệm của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Các bạn trẻ Việt Nam ít nhiều gì chắc cũng đã nghe nhắc tới danh tánh của vị cao tăng được tôn vinh là Bồ Tát, người đã dũng cảm biến mình thành ngọn đuốc sống trong cuộc tự thiêu ngay tại góc đường này 47 năm về trước, để tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, chống lại sự đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, không mấy người trong thế hệ trẻ ngày nay biết rõ, hoặc lưu ý tìm hiểu về lai lịch, nguyên nhân, và ý nghĩa của sự kiện ngày 11/6/1963 từng làm rung động thế giới. Gần nửa thế kỷ sau, một giáo sư người Mỹ gốc Việt đã quyết định thực hiện một quyển sách bằng Anh Ngữ, nghiên cứu chi tiết về “vị thánh “tử vì đạo” này.

Trà Mi - VOA | Washington, DC

botatthichquangduc002
Tấm hình tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được tiến sĩ Nguyễn Tri Ân scan lại (tấm ảnh hiện được lưu giữ tại chùa Quan Thế Âm, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi di tích cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức)

Tiến sĩ Nguyễn Tri Ân sang Hoa Kỳ định cư đã 30 năm nay, và hiện đang giảng dạy bộ môn Văn minh-Mỹ thuật Châu Á tại đại học Bates của tiểu bang Maines. Ông vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 40 ngàn đô la dành cho công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, cũng như ảnh hưởng của sự kiện này trong công cuộc tranh đấu đòi quyền tự dobình đẳng tôn giáo tại Việt Nam.


Đến với chương trình hôm nay, giáo sư-tiến sĩ Tri Ân sẽ cho chúng ta biết ý nghĩa, nội dung cuộc nghiên cứu của ông về cố Hòa thượng Thích Quảng Đức. Xin mời giáo sư Tri Ân:

Giáo sư Tri Ân: Đây là một công trình tôi đã để tâm 10 năm nay. Hòa thượng Thích Quảng Đức là một người Việt Nam được nhiều người nước ngoài biết tới về hình ảnh tự thiêu của Ngài, nhưng rất ít sách báo cũng như giới chuyên môn viết về Hòa thượng Quảng Đức.

Trà Mi: Ông có thể cho biết thêm công trình nghiên cứu này sẽ kéo dài trong bao lâu, các phương pháp tiến hành khảo cứu ra sao?

Giáo sư Tri Ân: Tôi có đọc các sách báo xuất bản ở Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là tư liệu rất quý chưa bao giờ được công bố của giáo sư Lê Mạnh Thác. Cách đây 3 năm, tôi về Việt Nam đi thăm các ngôi chùa do Hòa thượng ngày trước trùng tu, trụ trì, hay xây dựnglưu trữ rất nhiều tài liệu của Hòa thượng, từ sách báo, các bài viết, pháp y áo, kinh sách của Hòa thượng để lại. Những tài liệu này chưa bao giờ được công bố, ngay cả ở trong nước. Nói chung, có ba phương thức. Thứ nhất, đi nghiên cứu thực tếViệt Nam qua một số công trình từ miền Trung, đến Sài Gòn, đến Cai Lậy. Thứ hai là đọc tư liệu. Ngoài ra, tôi cũng phỏng vấn một số nhân vật lịch sử liên quan. Nhanh nhất là một năm quyển sách sẽ hoàn thành, và cuộc nghiên cứu bắt đầu từ cuối mùa hè này.

Trà Mi:
Là một người đang giảng dạy tại Mỹ, quan tâm nghiên cứu đến một câu chuyện xảy ra cách nay gần 5 thập niên, giáo sư có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa cuộc nghiên cứu này, cũng như thông điệp mà ông muốn gửi gắm qua đó là gì?

Giáo sư Tri Ân: Qua một số báo chí, người Mỹ chỉ biết Hòa thượng là một hình ảnh tự thiêu rất hào hùng của thời đại chống chiến tranh Mỹ, nhưng người ta không biết là bên trong có một sự đàn áp tôn giáo. Một vấn đề khác mà người ngoại quốc ít biết đến là trái tim của Hòa thượng để lại. Nhục thân của Hòa thượng được đưa về an dưỡng địa thiêu trong suốt nhiều giờ. Lần thứ nhất, trái tim của Hòa thượng vẫn còn. Người ta phải thiêu lại lần thứ hai đến khoảng 4 ngàn độ, nhưng trái tim vẫn còn nguyên. Đó là một sự rất kỳ diệu. Chúng ta cần đặt lại vấn đề rằng điều gì làm Hòa thượng dấn thân. Một vấn đề khác mà tôi muốn đặt ra ở đây là thời đại bây giờ, có nhiều người đã mệnh danh tôn giáo gây ra những cuộc khủng bố, làm hại người và đem lại sự bất bình an xã hội. So sánh hai hình ảnh đó, ta thấy Hòa thượng Quảng Đức là một hình ảnh vừa cao quý, vừa đẹp, dám hy sinh thân mạng mang lại lợi ích cho người khác.

Trà Mi: Nói về trái tim của Hòa thượng, có một số ý kiến ngờ rằng không biết đây có phải là trái tim thật của Ngài hay không. Có tài liệu hoặc minh chứng nào để chứng minh cho điều này không?

Giáo sư Tri Ân: Đây là vấn đề tôi rất muốn biết. Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu, đệ tử cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức, cho biết trong năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm có tìm cách cướp trái tim của Hòa thượng, nhưng không được. Trái tim sau đó được gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ ở Việt Nam. Sau 1975, Hòa thượng Thích Thông Bửu và một số người khác đại diện để mang trái tim về, nhưng họ không cho. Hòa thượng Thích Thông Bửu có nói rằng ấn, cái phiêu giữ, và giấy tờ lưu giữ của trái tim vẫn còn nguyên.

Trà Mi:
Trái tim xá lợi của Hòa thượng Thích Quảng Đức hiện giờ đang được cất giữ tại địa điểm nào ở Việt Nam, thưa giáo sư?

Giáo sư Tri Ân: Cái đó tôi phải nghiên cứu thêm nữa.

Trà Mi:
Hồi nãy có một chi tiết giáo sư cho biết là khi trái tim được xin mang về không biết nguyên do vì sao không được phép, thưa giáo sư?

blankTiến sĩ Nguyễn Tri Ân, hiện đang giảng dạy bộ môn Văn minh-Mỹ thuật Châu Á tại đại học Bates của tiểu bang Maines

Giáo sư Tri Ân: Việt Nam, có nhiều vấn đề. Thứ nhất là vấn đề tổ chức giáo hội. Những gì liên quan đến hành xử hay công trình như thế nào đều có ý kiến của Ban Tôn Giáo. Trong bài viết về Hòa thượng Quảng Đức của thầy Thông Bửu, thầy chỉ đề cập đến mà thôi. Rất tiếc cách đây 3 năm khi tôi về Việt Nam muốn gặp lại thầy Thông Bửu để hỏi thêm ngọn ngành vấn đề, tôi rất muốn biết rõ vì sao chưa được phép mang về. Trong trường hợp được mang về thì mang về như thế nào. Tôi hy vọng trái tim của Hòa thượng vẫn còn. Bên cạnh đó, tôi có chụp được một số hình ảnh xá lợi xương của Hòa thượng trong một cái tháp bằng đồng.

Trà Mi: Xương xá lợi đó hiện giờ đang được lưu giữ ở đâu?

Giáo sư Tri Ân:
Một số ở Sài Gòn, và một số ở Nha Trang, nơi Hòa thượng sinh ra.

Trà Mi: Nghiên cứu về một sự việc xảy ra cách đây hơn 40 năm đối với Hòa thượng Thích Quảng Đức, một nhân vật được xem là dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, giáo sư có, hoặc sẽ, tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo trong nước hiện nay để có một sự so sánh, đối chiếu hay không?

Giáo sư Tri Ân: Ngành nghiên cứu của tôi là Lịch sử-Mỹ thuật Á Châu. Tôi không đi chuyên về lịch sử Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng khi chúng ta nhìn về các bài học lịch sử, dùng những bài học đó, nếu biết suy nghĩ và biết hành động thì chúng ta có thể học hỏiáp dụng.

Trà Mi: Nếu so sánh giữa nền văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ 20 với thế kỷ 21 đương đại hiện nay, từ ánh mắt một nhà nghiên cứu, ông có nhận xét ra sao?

Giáo sư Tri Ân: Đất nước Việt Nam trong mỗi thời đại, đời sống khác nhau, kinh tế, chính trị khác nhau, cho nên có những hướng đi thời đại khác nhau. Phật giáo Việt Nam nhìn chung được ví như nước. Nước có tính rất mềm, rất uyển chuyển, nhưng cũng có tính chất rất mạnh, rất hùng vĩ. Phật giáo Việt Nam gần 2 ngàn năm nhìn chung có 3 vấn đề là đức Bi, Trí, và Dũng. Nếu như họ thao thức đúng, hành động đúng thì những việc làm của họ sẽ đưa đến một kết quả tốt đẹp.

Trà Mi: Khi quan tâm đến một nhân vật đấu tranh cho tự do tôn giáo Việt Nam, không biết ông có quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo hiện nay tại Việt Nam hay không?

Giáo sư Tri Ân: Đây là một câu hỏi rất nóng bỏng. Thực tế thì tôi chỉ nghe và biết qua thôi, nhưng nó hơi ngoài đề tài nghiên cứu của tôi một chút.

Trà Mi: Thưa ông không nghiên cứu sâu rộng về lĩnh vực này, nhưng nhận xét cá nhân, với con mắt của một người có quan tâm đến vấn đề này, ông có sự so sánh nào không giữa tình hình tự do tôn giáo trong nước với tình hình tự do tôn giáo tại Mỹ, nơi đang cổ võ cho quyền tự do tôn giáo trên thế giới?

Giáo sư Tri Ân: Nước Mỹ được mệnh danh là một nước tự do tôn giáo. Họ đã có lịch sử tự do mở rộng về tôn giáo gần 500 năm nay. Sự tự do về tôn giáo phải dựa vào những yếu tố khách quan thực tế tại bản địa. Đây là vấn đề rất hay, nhưng đồng thời rất tế nhị.

Trà Mi: Giả dụ có một đồng nghiệp, một giáo sư nước ngoài quan tâm đến công trình nghiên cứu của ông, muốn tìm hiểu về một nhân vật tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam cách đây hơn 40 năm, có lẽ họ cũng thắc mắc không biết tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện nay ra sao, và ý nghĩa, thông điệp của cuộc nghiên cứu này đóng vai trò như thế nào đối với bối cảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam đương đại. Câu trả lời của giáo sư như thế nào?

Giáo sư Tri Ân:
Có người hỏi tôi vấn đề này thì tôi phải kiếm một người nào đó chuyên môn, hoặc quan tâm đến vấn đề đó để trả lời cho rõ ràng hơn. Chúng ta nghiên cứu lịch sử để thấy những bài học, và những lỗi lầm từ chính sách, chính trị, đến hành động thì cần tránh.

Trà Mi: Sau cuộc nghiên cứu này, ông có dự định thực hiện thêm những cuộc nghiên cứu khác cũng liên quan đến Việt Nam hay không?

Giáo sư Tri Ân: Tôi đang viết một cuốn sách về các hình tượng được thờ ở các chùa, đình, miếu. Công trình này được Fulbright tài trợ cách đây 5 năm, và tôi từng đi Việt Nam nghiên cứu gần 1 năm. Tôi sắp hoàn tất. Đó là công trình đầu tiên. Công trình thứ hai tôi đang để ý tới là định viết một quyển sách về lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Trà Mi: Là một người Việt đang đảm nhiệm vai trò truyền đạt văn hóa Châu Á, nói chung, cũng như giới thiệu những nét riêng biệt của Việt Nam, nói riêng, qua các cuộc nghiên cứu, các bài viết của mình tại một đại học Hoa Kỳ, có điều gì giáo sư thấy thú vị muốn chia sẻ với thính giả của VOA không?

Giáo sư Tri Ân:
Tôi thấy niềm vui nhất của tôi là giới thiệu những gì đẹp nhất, hay nhất của văn minh Á Châu với họ. Là một người Việt sinh sống ở xứ người 30 năm, nhìn về Việt Nam, bao giờ tôi cũng nhìn vào những nét rất kiêu hãnh để tự hào về văn hóa, văn minh Việt Nam.

Trà Mi: Có một số ý kiến cho rằng những nét đẹp văn hóa, những tinh hoa văn hóa, cũng như các môn học về văn hóa Việt Nam chưa thu hút sự quan tâm của nhiều người tại Việt Nam, đa số là giới trẻ. Giáo sư có lời nào muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ tại Việt Nam ngày nay?

Giáo sư Tri Ân: Tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chạy theo những phong trào như chat, internet, họ không thấy được những nét đẹp văn hóa Việt. Đôi lúc mình nghèo quá cũng khó mà nói về văn hóa lắm, cô ạ. Phải lo cái ăn, cái mặc thì ai nghĩ đến vấn đề văn hóa? Việt Nam hiện tại vẫn còn rất nghèo và không có những tài trợ, những hội này hội kia giúp đỡ nữa. Ở Mỹ, ví dụ như công trình của tôi khi chuẩn bị nghiên cứu, tôi viết đề nghị nộp nhiều nơi và một hội đồng họ xét thấy công trình của mình có sự đóng góp nào đó, họ tài trợ cho mình. So sánh hai xã hội, ở xã hội Mỹ, khi mình có tài, thì mình có cơ hội để vươn lên, phát triển khả năng đó. Ở Việt Nam, phương tiện không được đầy đủ hoặc không có cơ hội tốt để chúng ta phát triển. Tôi hy vọng có những người Việt Nam đầu tư và bảo trợ vào kiến thức, tương lai của người Việt Nam. Phải khuyến khích vấn đề đó.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn giáo sư đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này.

Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây. Hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong chương trình tuần sau.

Trà Mi - VOA | Washington, DC

Nghe: Giáo sư người Mỹ gốc Việt được tài trợ nghiên cứu về HT Thích Quảng Đức (2.65 MB) 11 phút

:

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 46865)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.