Bồ Tát Thích Quảng Đức, Cuộc ĐờiHạnh Nguyện, Nhìn Qua Các Văn Bản Và Khảo Cứu

22/05/202312:00 SA(Xem: 20393)
Bồ Tát Thích Quảng Đức, Cuộc Đời Và Hạnh Nguyện, Nhìn Qua Các Văn Bản Và Khảo Cứu
blank

BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

CUỘC ĐỜIHẠNH NGUYỆN
NHÌN QUA CÁC VĂN BẢN VÀ KHẢO CỨU
Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ

Nhân kỷ niệm đúng 50 Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu, người viết bài này xin đóng góp bốn vấn đề để làm sáng tỏ thêm cuộc đời và hành hoạt của Ngài.

Trong lịch sử cận đại, Hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, một vị tăng Việt Nam của thế kỷ 20 được xưng tụngca ngợi là một vị Bồ Tát xả bỏ thân mạng để cứu nguy dân tộc và đạo pháp cũng như làm rạng rỡ cho Phật Giáo Việt Nam. Sự tự thiêu của Ngài ở Saigon vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 chống lại chế độ độc tàiđàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm không những đã khiến cho người Phật tử Việt kính ngưỡng, mà cả thế giới đều ngạc nhiên và kính phục trước hành động khó nghĩ bàn đó. Trải qua gần nữa thế kỷ, tên tuổi của Ngài đã viết thành sách, và đã khắc trên đá. Phật giáo đồ đã, đang và sẽ xây dựng bảo tháp, công viên và nhiều tượng đài để tưởng niệm đến công ơn của Ngài. Nhiều ngôi chùa, tu việntrung tâm văn hóa Phật Giáo đã vinh danh ngài bằng cách dùng tên Quảng Đức để đặt tên cho cơ sở. Tên của Ngài đã được đặt cho tên một con đường tại quận Phú Nhuận nơi có ngôi chùa Quán Thế Âm, ngôi tự viện cuối cùng Ngài làm trụ trì.

Nhân kỷ niệm đúng 50 Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu, người viết bài này xin đóng góp bốn vấn đề để làm sáng tỏ thêm cuộc đời và hành hoạt của Ngài. Phần đầu là tìm hiểu lại tiểu sử bằng cách hiệu đính lại năm sinh, tên tuổi thật dựa vào các văn bản và tư liệu. Trong phần này cũng ghi thêm đôi chút về cha mẹ và người anh trai của Hòa Thượng. Phần thứ hai tóm tắt một số hoạt động Phật sự của Hòa Thượng trong hơn hai năm cuối trước khi Ngài tự thiêu dựa trên một số văn bản còn lưu trữ. Phần ba là phân tích năm văn bản quan trọng của Hòa Thượng viết trong thời gian hai tuần lễ trước ngày tự thiêu. Và phần cuối cùng là trích đọan một phần nhỏ của hai bài do Hòa Thượng viết bằng chữ Nôm, nay phiên âm ra tiếng Việt 13 di bút, sẽ được xuất bản trong năm nay.

bo_tat_quang_duc_01Bài khảo luận được dựa trên cơ sở ba nguồn tư liệu chính. Thứ nhất là các văn bản, các bài viết, các văn thư lưu trữ của Hòa Thượng để lại ở chùa Quán Thế Âm. Các tư liệu này được HT Thích Thông Bửu, đệ tử truyền chân của Ngài cất kỹ trong tủ kính đã gần nữa thế kỷ. Vào năm 2008, nhân dịp về Việt Nam thăm viếng, tôi đến chùa đảnh lễ di ảnh và thăm phòng lưu niệm của Hòa Thượng, nên có dịp xem và chụp lại các tư liệu và vật lưu niệm của Hòa Thượng được cất giữ ở đây. Đây là những tư liệu viết tay bằng chữ Nôm, các công văn giấy tờ, các quyển sổ chi thu, sổ quy y, và cầu an cầu siêu của Hòa Thượng để lại. Quý nhất là các văn bản bằng chữ Nôm gồm có các bài viết, 1 hoặc 2 trang, hoặc các bài viết dài từ 5 trang đến 23 trang. Đây là những tư liệu chữ Nôm rất quý và có giá trị, chưa bao giờ được phiên âm ra tiếng Việt và chưa bao giờ được công bố hay xuất bản. Các tư liệu và "nét bút pháp" như chữ của Hòa Thường viết trong bản di chúc, tạo nên một nền tảng để chúng ta tìm hiểu hành động, tư tưởng và hành hoạt của con người lịch sử này. Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể xem các thủ bút để lại của Hòa Thượng có thể đóng góp và làm giàu thêm một chút về di sản văn Nôm trong lịch sử cận đại của nước nhà. Phần tư liệu chữ Việt, ngoài công văn giấy tờ và các sổ sách chi thu của các chùa nơi Ngài từng trụ trì, Hòa Thượng còn để lại hai bản di chúc đánh máy có ký tên và đóng dấu. Nếu ta hợp chung hai tờ di chúc này với ba tư liệu đã được biết đến từ trước: Đơn Xin Tự Thiêu, năm bài thơ chữ Nôm, và bài Lời Nguyện Tâm Quyết, chắc chắn sẽ làm sáng tỏ thêm về tâm trí sáng suốt, về sự hiểu biết thời cuộc chính trị, về tâm nguyện tha thiết với đạo pháp, với Tăng Ni Phật tử, cùng các đệ tử xuất gia, tại gia, cũng như sự chuẩn bị chu đáo và cẩn trọng trước khi Ngài tự thiêu.

Để thấy sự hành hoạt của Hòa Thượng trong công việc hoằng pháp, tôi cũng đi thăm ba khu vực nơi có lưu vết tích của Hòa Thượng. Thứ nhất là tỉnh Khánh Hòa, nơi Ngài đã sinh ra, lớn lên tu họchành đạo cho đến năm 1945, khi Ngài phải lánh nạn chiến tranh, rời đất Khánh Hòa vì bị Pháp lùng bắt, rồi đi hành cước nhiều nơi, thay tên họ và ngày tháng năm sinh, và cuối cùng định cư tại miền Nam. Tại đây tôi cũng đã đi thăm và lấy tư liệu trên 15 ngôi chùa nơi ngài từng ở, từng xuất gia tu học, hành đạo, tại ba quận Vạn Ninh, Vạn Giả, và Ninh Hòa. Ngoài các ngồi chùa trong ba quận, tôi cũng đã đến thăm từ đường nơi thờ cha mẹ của Hòa Thượng tại làng Hội Khánh, nơi Hòa thượng đã sinh ra, và Phật Học Viện Nha Trang nơi có tháp mộ của sư Viên Minh vừa là anh cả vừa là sư huynh của Hòa Thượng. Khu vực thứ hai là tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) nơi Ngài đã làm trụ trì và địa điểm hoằng pháp sau khi Ngài rời Saigon cuối năm 1958 khi trụ sở của Phật Học Nam Việt dời chùa Xá Lợi mới được xây nguy nga tráng lệ, và mặc dù được ông Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học thỉnh Ngài trụ trì, nhưng Ngài đã từ chối. Trái lại, Ngài đã về vùng Cai Lậy nghèo nàn, dân cư lam lũ nhận lãnh hai chùa và hành đạo hai năm ở đây. Ở đây, Ngài đã nhận làm trụ trì chùa Thiên Phước, chùa Long Phước và được mời giảng dạy tại chùa Phật Ân, thành phố Mỹ Tho, trụ sở của Hội Phật Giáo tỉnh Định Tường. Thiên Phước là một ngôi chùa nhỏ, hẻo lánh, ngoài việc trùng tu và mở trường tư thục dạy học, Ngài lại có chút thời giờ nên các bài viết chữ Nôm quan trọng trong tập di cảo, dùng để giảng dạy ở chùa Phật Ân. Khu vực thứ ba là Thành Phố Hồ Chí Minh, gồm các chùa Long Vĩnh nơi Hòa Thượng làm trụ trì vào những năm đầu thời 1950. Chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là trụ sở cũ của Hội Phật Học Nam Việt, nơi Ngài làm trụ trì đến năm 1958. Chùa Quán Thế Âm, nơi di tích cuối cùng của Hòa Thượng, và là nơi có nhiều hồ sơ và vật kỹ niệm của Hòa Thượng. Chùa Xá Lợi, là văn phòng và cơ sở chính trong công cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo chống lại chế độ ông Diệm năm 1963, đây cũng là nơi Hòa Thượng chụp nhiều tấm ảnh kỹ niệm trước khi tự thiêu. Sau khi tự thiêu, nhục thân của Ngài đã quàng tại đây, và cũng là nơi trái tim bất diệt của Ngài được thờ cho đến cuối tháng 8 năm 1963 trước ngày ông Ngô Đình Nhu tổ chức chiến dịch Nước Lũ tổng tấn công chùa chiền bắt giam Tăng Ni. Chùa Ấn Quang nơi Hòa Thượng đã ẩn tu, trì tụng Kinh Pháp Hoathiền định 2 tuần lễ trước ngày tự thiêu. Đây cũng là nơi Ngài viết 5 bài thơ chữ Nôm, bài Lời Nguyện Tâm Quyết và hai tờ di chúc. Chùa Phật Bửu nơi Ngài dự lễ cầu siêu cho các vị thánh tử đạo vào buổi sáng trong ngày trọng đại lịch sử, ngày 11-6-1963, ngày Ngài hoàn thành hạnh nguyện bồ tát lợi tha. Điểm cuối ở Saigon là bảo tháp và công viên kỹ niệm nơi Ngài tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Thị Minh Khai và CMT8).

Nhìn chung, địa bàn hoạt động Phật sự của Hòa Thượng rất rộng lớn, từ xứ trầm hương Khánh Hòa, đến nơi đô hội phố thị Sài Gòn, đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phải đi thăm các nơi hành đạo của Hòa Thượng chúng ta mới thấy Ngài phải có một hạnh nguyện lớn, một khả năng ứng dụng tài giỏi, một vị tăng có uy đức không bị chính quyền địa phương làm khó dễ, cũng như Ngài phải có một sức khỏe dồi dào và bền bỉ mới làm được những việc này. Cũng đi thăm những vùng này, chúng ta mới thấy dân ở đây còn rất nghèo, rất ít hiểu biết Phật Pháp, do vậy Ngài lấy hạnh nguyện độ sanh, giúp người làm trọng điểm, như chúng ta thấy tuy Ngài có cầm bút viết một số bài bằng chữ Nôm. Cuối cùng hình như Ngài cảm thấy chuyện nghiên cứu viết lách không phải là sở trườngbản nguyện của Ngài, nên Hòa Thượng đã không hoàn thành tất cả các bài viết. Có đi thăm các nơi này chúng ta mới thấy trước hết Ngài phải hiểu biết phong tục tập quán, thổ âm và thổ ngữ địa phương mới hòa nhập vào con ngườinếp sống của từng vùng, rồi mới có dịp hóa độ họ được. Qua văn bản chữ Nôm chúng ta đọc được những chữ Ngài dùng theo cách phát âm địa phương, không có trong tự điển hoặc tự vị. Thứ hai là Ngài đã đem các phương tiện khéo léo ra giúp dân bản địa, như chữa bịnh, xem ngày tốt cho các việc cưới hỏi, đám tang, v.v. tụng kinh trì chú cầu nguyện cho người sống và kỳ siêu cho người chết, tổ chức trai đàn chẩn tế siêu độ, quy y cho Phật tử tại gia, tổ chức một ngày tu học theo hạnh Bát Quan Trai giới. Tất cả các điều này như là một phương tiện thiện xảo để giúp đỡ người dân. Các tư liệu và sách vở của Ngài để lại như tuyển tập các bài thuốc Bắc và thuốc Nam, sách địa lý Tả Ao, sách Lục Hạp, chú Phổ Am, vân vân, cho ta biết được những điều này.[1] Trong năm cuối Ngài đã đọc các toa thuốc bằng chữ Nôm ra chữ Việt cho đệ tử Thông Bửu chép lại trong 1 quyển vỡ.[2] Thứ ba Ngài phải có kiến thức tổng quát và dung hợp khéo léo mới tiếp xúc đủ các thành phần trong xã hội, từ người nghèo không biết chữ ở các vùng quê, đến từng lớp tri thức hay giàu có ở Sài Gòn. Bởi vì Ngài là một "itinerant monk" một hòa thượng vô sở trụ vì từ lúc nhập thế hoằng pháp (1933) Ngài chưa trụ trì một chùa nơi nào trên 5 năm. Như lời viết của Thượng Tọa Thiện Hòa (chức vụ lúc bấy giờ), Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trong văn thơ đề ngày 18-1-1962: "Thượng Tọa có đủ duyên tốt là đến đâu một thời-gian thì cảnh chùa ấy trở nên lành kín và vui vẽ, nhưng ở một lúc khai hóa rồi đặt người giao phó lại đi nơi khác, nhờ không trụ-trước ngã sở mà Phật-sự làm được nhiều." Vì bản nguyện xây dựngtrùng tu các ngôi chùa bị đổ nát, đem Phật pháp đến với kẻ nghèo và bình dân, làm chí nguyện độ sanh, và Ngài ít trụ một nơi nào thật lâu và thường đi, nên Ngài hầu như khôngđệ tử xuất gia, thỉnh thoảngđệ tử cầu pháp mà thôi. Thầy Thông Bửu là người đệ tử xuất gia vào cuối đời của Ngài và được kế thừa tâm pháp. Như thế chúng ta thấy Ngài phải có tâm ý tự tại, không chấp trước, đến và đi vô ngại, nên Ngài không bị phiền não vướng bận.

bo_tat_quang_duc_02

Ngoài các nơi chốn kể trên, có thể Hòa Thượng đã đến Lào và Cam Bốt. Theo lời kể của thầy đương kim trụ trì chùa sắc tứ Long Sơn (Phú Cang, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì Ngài đã đến hoằng pháp tại thủ đô Vạn Tượng (Vientiane), thành phố Luang Prabang và Savannakhet là ba nơi có rất nhiều kiều bào người Việt sinh sống. Tại Vạn Tượng Ngài có một vị đệ tử xuất gia chuyên chữa bịnh cho dân địa phương. Có thể điều này rất đúng vì tại chùa sắc tứ Thiên Tứ (Mỹ Trạch, Ninh Hà, Ninh Hòa), có một bức hình Ngài chụp với ba vị sư người Việt ở Lào năm 1946. Theo các văn tịch của chùa Thiên Ân nơi Hòa Thượng trụ trì từ năm 1933, thì năm 1945 chiến tranh, Ngài chạy lánh nạn. Có thể là Ngài đã lánh nạn qua Lào và ở đây một thời gian, rồi đã xuống Cam Bốt trước khi trở về Gia Định và Sài Gòn rồi thay đổi tên họ, năm sinh và định cư trên dưới 10 năm ở đây. Trong bài thơ Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia, có ba câu Ngài viết về chốn Ngài từng ở và sinh hoạt Phật sự: "Gia Định Sai-Gòn hỡi các con/Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn/Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu." Nói tóm lại, khi nghiên cứu về cuộc đời của Ngài, ta nên tìm hiểu thêm Ngài đã ở nơi nào tại Hà Tiên, Nam Vang và Núi Lớn vì vấn đề này chưa được sáng tỏ.

Ngoài các tư liệu, công trình khảo cứu điền giả, tôi cũng đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật lịch sử của Phật Giáoliên quan đến phong trào đấu tranh năm 1963. Danh sách khá dài, và có nhiều vị không muốn nêu danh nên không tiện liệt kê ở đây.

Từ những di cảo, thủ bút, công văn, sổ sách giấy tờ của Hòa Thương để lại, cũng như các tư liệu sưu tập ở các chùa trong khi đi khảo cứu, và tư liệu phỏng vấn, và đương nhiên là các sách vỡ báo chí viết về Ngài, và công cuộc chấn hưng Phật Giáo, và phong trào đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo trong thập niên 1960 có thể nói chúng ta có một hình ảnh rõ hơn về cuộc đời, cách làm việc và tư tưởng dấn thân của Ngài.

PHẦN TIỂU SỬ

bo_tat_quang_duc_03Tên và tuổi

Hoà Thượng Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tuất, sinh vào giờ tý, ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898). Vì Ngài sinh vào năm Tuất cho nên cha mẹ Ngài theo lối thông thường là sinh con năm nào thì đặt tên con của mình theo năm đó, cho nên đặt tên ngài là Tuất, chứ không phải là Tất hoặc Tức.[3] Tất cả các tư liệu và văn bản liên quan đến Ngài có niên đại từ năm 1933 đến năm 1945 trong thời gian Ngài hoạt động Phật sự và làm trụ trì các chùa sắc tứ Thiên ÂnLinh Sơn tại huyện Vạn Ninh đều nhắc đến thế danh của Ngài là Lâm Văn Tuất. Thêm vào đó trong các văn kiện pháp lý của chùa Thiên Ân có niên đại năm 1960 và 1961 nói các bô lão trong làng và vị thầy đương kim trụ trì làm lại giấy tờ sở hữu đất đai của chùa đều nhắc là Hòa Thượng Lâm Văn Tuất. Một vài văn bản khác ghi Hòa Thượng Quảng Đức, tục danh Lâm Văn Tuất.[4] Nói tóm lại, từ khi sinh ra cho đến lúc lánh nạn chiến tranh rời tỉnh Khánh Hòa năm 1945, tên thật của Ngài là Lâm Văn Tuất.

Cuối phần của bài Xuất Kệ Vân chữ Nôm, viết ngày mồng tám, tháng tư nhuận, năm Quý Mão (30-5-1963),10 ngày trước khi tự thiêu, Ngài đã ghi rất rõ đầy đủ tên họ và năm sinh của mình.

thich_quang_duc_16-content

Dịch nghĩa: Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm làm bài kệ vào ngày mồng tám, tháng tư nhuận, năm Quý Mão (30-5-1963). Tu sĩ Nguyễn Văn Khiết, pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, hiệu Nhân Tri, giác tánh (tên họ theo đạo giác ngộ) Thích Quảng Đức, tục danh Lâm Văn Tuất, sinh giờ tý, ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898).

Một thế danh khác của Ngài là Nguyễn Văn Khiết sinh ngày 15 tháng 10 năm 1890. Đây là tên họ và năm sinh theo thẻ căn cước do Ngài khai vào năm 1955. Theo như các tư liệu cũ nói là cha mẹ của Ngài không những cho Ngài xuất gia tu học theo cậu, mà còn cho hẳn làm con nuôi nên đổi họ theo ông cậu, từ Lâm qua Nguyễn. Vấn đề Ngài có tên là Nguyễn Văn Khiết do cậu ruột và cũng là bổn sư Hòa Thượng Hoằng Thâm chính thức đặt cho không có cơ sở vì như đã dẫn ở trên là các văn kiện trước năm 1945, không có một bản nào đề cập đến thế danh này.

Nói chung trên phương diện pháp lý từ năm 1955 về sau, cho đến ngày viên tịch, thế danh Nguyễn Văn Khiết, sinh năm 1890, đuợc dùng trong các giấy tờ. Thí dụ trong đơn cúng chùa Thiên Phước đề ngày 9 tháng 11 năm 1959 của ông Lê Văn Phòng, xã Phú Quý, tổng Hòa Lợi, quận Cai Lậy xin cúng chùa Thiên Phước cho Hòa Thượng Quảng Đức. Trong đơn có ghi tên họ, năm sinh của Hòa Thượng y cứ theo thẻ căn cước. Trong đơn ngoài chữ ký của chủ chùa, các vị đại diện bổn đạo, người tả đơn, đại diện hội đồng xã, cảnh sát, còn có chữ ký và con dấu của Hòa Thượng Đạt Hương, là Tri Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già tỉnh Định Tường, và ông Hội trưởng Chi Hội Phật Giáo Cai Lậy, chứng minh cho thầy Hòa Thượng Nguyễn-Văn-Khiết là thành viên của hội Phật Giáo tại địa phương và tỉnh nhà. Xin được trích đoạn trong tờ đơn cúng chùa:

“Hiện nay chúng tôi không đủ sức cai quản nữa, nên chúng tôi tình nguyện cúng đức [đứt]ngôi chùa nói trên cho: Ông Hòa-thượng Nguyễn Văn Khiết, tục danh Giác Tánh; pháp hiệu Quảng Đức, sanh năm 1890 tại Nha Trang, thẻ căn cước số N. I7 07/90 A.057954, cấp tại Saigon ngày 9/12/55.” Ở cuối đơn trong phần ký tên của người nhận chùa là: "Ông Hòa-thượng Nguyễn-VănKhiết, pháp hiệu Quảng Đức.”

Các tờ đơn xin đi đường, hoặc giấy phép cất tịnh thất đều ghi Ngài sinh năm 1890. Một số văn kiện khác có niên đại năm 1962 đều ghi rõ Ngài 72 tuổi, tức là sinh năm 1890. Thí dụ trong tờ đơn đề ngày 28-2-1962 gởi cho chính quyền quận Ninh Hòa về việc Ngài vào Nam xin xuất tịch có đoạn viết:

Nguyên tôi là Nguyễn-Văn-Khiết, Pháp Hiệu Quảng Đức, tục danh Giác-Tánh,72 tuổi, thẻ Kiểm-tra số 90 A 057954. Sanh chánh tại Nha Trang (Trung Phần) là một tu sĩ xuất gia tu học đã lâu. Vì sự hoằng hóa Đạo Pháp nên tôi đã vào Nam từ năm 1945, mãi đến năm 1955 tôi được chánh quyền miền Nam cấp thẻ Kiểm-tra và được coi như người dân bản xứ.

Trong một số giấy tờ pháp lý Hòa Thượng ghi: "Nguyên tôi là Nguyễn-Văn-Khiết . .. tục danh Giác Tánh" không biết Ngài có ngụ ý như thế nào khi viết tục danhGiác Tánh. Thông thường người đời chỉ có một tục danh. Nếu theo ý nghĩa của từ được dùng trong cuối bài Kệ Xuất Vân thì tâm tánh của Ngài đã giác ngộ dù còn mang tên thế tục.

bo_tat_quang_duc_04-contentPhụ mẫu

Hòa Thượng sinh ra trong một gia đình làm nông tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hội Khánh là một thôn nghèo nằm về phía biển đông bên phải đường quốc lộ số 1A, đi từ Nam ra Bắc, cách trạm xe lửa Tu Bông không xa. Thân phụ của Ngài là ông Lâm Hữu Ứng, pháp danhThị Cảm, quy y với tổ Hoằng Thâm ở chùa Long Sơn. Tuy rằng là một Phật tử nhưng ông vẫn theo tinh thần, đạo đức và mẫu mực đời sống của đạo Khổng, lấy gia phong, và thờ cúng ông bà tổ tiên làm trọng. Thân mẫu của Ngài là bà Nguyễn Thị Nương, xuất thân từ một gia đình Phật giáo, gốc người tỉnh Phú Yên và theo gia tộc dời vào xã Phú Cam, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa khoảng bán thế kỷ 19, nhập tịchlập nghiệp ở vùng này.[5] Ở đây gia đình họ Nguyễn đã gặp và làm sui gia với gia đình họ Lâm. Bà Nguyễn Thị Nương quy y cùng thầy với chồng có pháp danh là Thị Tùng. Bà có người anh ruột là ông Nguyễn Văn Giá xuất gia tu học với Hòa Thượng Thiên Quang ở tổ đình Linh Sơn. Sau khi trưởng thành ông về làm trụ trì chùa Long Sơn, thường gọi là Hòa Thượng Hoằng Thâm (1857-1921). Nói chung thì toàn thể gia đình cha mẹ anh em của Ngài Quảng Đức đều quy y cùng với Hòa Thượng Hoằng Thâm nên đều có pháp danh bắt đầu bằng chữ thị 是, như trong bài kệ truyền pháp của dòng Chúc Thánh: Minh thiệt pháp toàn chương, ấn chơn như thị đồng (明實法全彰 印真如是同).

Ngài là con út trong gia đình gồm bảy anh chị em. Năm anh chị em trên Ngài đều chết sớm, chỉ còn người anh cả Lâm Văn Quy, được cha mẹ cho đi tu với Hòa Thượng Hoằng Thâm lúc còn nhỏ tuổi. Lúc lên bảy tuổi Ngài cũng được cha mẹ cho đi tu theo chân ông anh cả. Theo ông Lâm Sâm, cháu gọi Hòa Thượng Quảng Đức bằng chú ruột, nói rằng ông bà nội nhờ cho hai người con trai đi tu nên mới khỏi bị chết yểu. Ông Sâm cũng nói rằng là khi còn ở nhà chú Tuất thường bị đau yếu luôn, và nhờ ở chùa và ơn Phật hóa độ nên sức khỏe của chú càng lúc càng trở nên mạnh khỏe và càng tráng kiện hơn.

bo_tat_quang_duc_05-contentĐó là một cách nói hay và dễ nghe. Sự thật thân thể của cậu Tuất tráng kiện hơn và tinh thần minh mẫn hơn sau một thời gian đi tu là nhờ nhiều yếu tố khác. Thứ nhất, là từ khi ở chùa cậu Tuất ăn uống đầy đủ hơn, không phải bữa đói bữa no như ở nhà. Long Sơn là một chùa có nhiều ruộng đất ở trong vùng, và có nuôi trên 10 con bò để cày và lấy phân bón. Do vậy thực phẩm không phải thiếu thốn như làng quê nghèo Hội Khánh. Thứ hai, Hòa Thượng Hoằng Thâm là người giỏi võ nghệ và đã truyền lại các bài quyền cước, các thế võ gốc Bình Định cho các vị để tử. Do vậy nhờ luyện tập võ nghệ nên thân thể của ngài tráng kiện hơn. Các vị bô lão trong hai quận về sau ngài trưởng thành và làm trụ trì đã chứng kiến và kể lại Ngài một mình tay không đã đánh bạt bọn quan lại và bộ hạ đã Ngài áp bức Ngài. Thứ ba, Hòa Thượng Hoằng Thâm biết về y học Đông phương và có một vị để tử lớn là Ngài Thị Thanh, hiệu Vô Vi, rất giỏi thuốc bắc. Sau này Ngài Thị Thanh kế truyền sư phụ làm trụ trì chùa Long Sơn, vừa làm nghề thầy thuốc chữa bệnh có tiếng trong vùng và rất giỏi cúng kiếng nghi lễ nên thường được mời thỉnh đi tụng kinh và chữa bịnh. Trong chùa cũng có phòng thuốc bắc. Một điểm khác là nước uống ở chùa trong sạchtinh khiết nhờ có giếng và mạch nước tốt ở vùng đồi núi. Còn làng Hội Khánh gần biển, và hơn nữa nhà cha mẹ của Ngài Quảng Đức ở trong vùng ruộng lúa thấp nên điều kiện nước trong sạch tinh khiết không bằng ở chùa.

bo_tat_quang_duc_06-contentPhụ mẫu của Ngài cả hai đều đẹp tướng. Theo tấm ảnh hình chân dung thờ ở từ đường, thân phụ của Hòa Thượng là một người có diện mạo quắc thước. Mặt vuông, trán rộng, mũi lớn, lông mày dày, nhân trung đầy đặn, mắt đen, sáng tỏa nét của một người tự tin và dễ chịu. Người ông cao, tướng thanh nhã, tuy là một nông dân nhưng có bàn tay đẹp, các ngón tay thon dài. Cũng theo bức ảnh chân dung, mẹ Ngài nổi bật nhất là vừng trán thật cao và rộng tỏa nét của một người thông minh, dù tuổi đã già nhưng tóc vẫn còn đen mướt và đôi chân mày rất đen đậm tỏ ra một con ngườisức khỏe tốt. Bà người nhẹ nhàng, chiều cao trung bình của một người phụ nữ Việt, dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp và cung cách tao nhã. Hai người con trai của ông bà cụ, sư Viên MinhHòa Thượng Quảng Đức, người nào cũng cao lớn giống cha mẹ. Trong hồ sơ pháp lý, Ngài Quảng Đức cao 1.66m. Cụ Lâm Sâm cũng rất cao lớn. Sau khi hai ông bà qua đời, sư Viên Minh, vị con trưởng, có lập bài vị thờ ở chùa Pháp Hải. Theo bài vị thì cụ ông qua đời ngày 28 tháng 7 âm lịch, cụ bà qua đời ngày 20 tháng 5 âm lịch.[6]

 

 

Huynh Trưởng Lâm Văn Quý, Viên Minh Hòa Thượng

bo_tat_quang_duc_07-contentHòa Thượng Quảng Đức có người anh cả tên là Lâm Văn Quý. Dựa trên thông tin nghi trên tháp một thì ông sinh tháng 5, năm Nhâm Ngọ (1882), lớn hơn chú em út Lâm Văn Tuất 16 tuổi. Các văn bản về chùa Long Sơn nơi ông từng xuất gia tu học và chùa Pháp Hải nơi ông trụ trì đến năm 1967, không nói ông đi tu năm nào. Các văn bản và tư liệu liên quan đến tổ Hoằng Thâm và Ngài Quảng Đức chỉ có một văn bản năm 1961, khi Hòa Thượng Quảng Đức xin giấy đi đường nói là ra chùa Pháp Hải thăm ông anh đang tu ở đó. Một điều chắc chắn là ông đã xuất gia với Hòa Thượng Hoằng Thâm, và có pháp danh Thị Cảnh, thọ Sa Dipháp tự Hạnh Phước, và thọ Tỳ Kheopháp hiệu Viên Minh. Theo lời Hòa Thượng Chí Tín trụ trì chùa Long Sơn ở Nha Trang thì sư Viên Minhthời gian ra đời về nhà lấy vợ và có con trai. Về sau ông đi tu trở lại.[7] Vào năm 2008, khi tôi tới thăm từ đường thờ cha mẹ của Hòa Thượng Quảng Đức tại thôn Hội Khánh có gặp và nói chuyện với cụ Lâm Sâm, con trai của ông Lâm Văn Quý. Ông Lâm Sâm sinh năm 1915, như thế vào năm 2008 cụ đã trên 93 tuổi, nhưng sức khỏe của cụ còn rất tốt, trí óc còn minh mẫn, và đã có cháu nội cháu ngoại trưởng thành. Cụ cao lớn, tướng đẹp, tinh thần còn quắc thước. Tôi đã hỏi cụ nhiều vấn đề và cụ đã trả lời rõ ràng, không bị bịnh lãng trí. Cụ còn hỏi lại tôi là ai, đến thăm cụ vào mục đích gì và còn khuyên tôi không nên lợi dụng cụ là cháu ruột của Hòa Thượng Quảng Đức để làm tiền.[8]

bo_tat_quang_duc_08-contentNếu tính theo năm sinh của cụ Lâm Sâm thì năm 1915 lúc đó Hòa Thượng Hoằng Thâm vẫn còn sống. Nếu nói rằng Ngài Quảng Đức đi tu lúc lên bảy tuổi (năm 1905), thì thầy Viên Minh lúc đó đã 23 tuổi. Có thể vì cả hai người con trai còn sống đều đi tu, nên cha mẹ của Ngài Quảng Đức đã xin với tổ Hoằng Thâm cho đệ sư Viên Minh xả giới về nhà lấy vợ để có cháu. Như thế chúng ta phải nhận rằng tổ Hoằng Thâm phải rất từ bi độ lượng mới cho đệ tử lớn vừa là cháu gọi bằng cậu hoàn tục lấy vợ. Nếu đã xuất gia rồi mà lại hoàn tục lấy vợ có thể xem như là tu chưa trọn đường. Nhưng nếu theo truyền thốngtinh thần Khổng Mạnh, việc lấy vợ sinh con được xem như là một nghĩa cử báo hiếu phụ mẫu để có người nối dõi phụng thờ cha mẹ lúc tuổi già và để hương khói sau khi cha mẹ qua đời. Không biết ông đã đi tu trở lại năm nào sau khi ông bà Lâm Hữu Ứng đã có cháu đích tôn. So với bào đệ Quảng Đức, thầy Viên Minh là một vị sư bình thường, đã có thời hoàn tục, lấy vợ, có con, rồi đi tu trở lại. Sư lại không có biệt tài, hoặc hy sinh cho đời cho đạo, nên ít người biết đến. Năm 1961 khi Ngài Quảng Đức về Ninh Hòa và xây dựng lại cảnh chùa Pháp Hải tại làng Lạc Bình xã Ninh Thọ, và làm trụ trì một thời gian ngắn, sau đó giao lại cho sư Viên Minh. Theo văn bản khắc trên tháp mộ thì sư mất ngày 5 tháng 2 năm Đinh Mùi (15-3-1967) ở Nha Trang, trụ thế 85 tuổi. Cũng theo lời Hòa Thượng Chí Tín, trong những năm 1964 đến 1967, dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu, sư Viên Minh thường bị ban an ninh của chính quyền làm khó dễ, cảnh sảt và mật vụ của tỉnh và quận thường tạo đủ thứ khó khăn và không cho một người nào được gần gủi sư để xuất gia tu học. Do vậy sư không có đệ tử xuất gia kế thừa. Dù là trụ trì chùa Pháp Hải, nhưng những năm cuối đời, sư bị chính quyền nghi kỵ này nọ và hạch hỏi đủ thứ, nên phần lớn sư không ở chùa tại làng Lạc Bình mà phải hành cước nhiều nơi, đôi lúc phải về tá túc tại Phật Học Viện Nha Trang. Do vậy sư đã mất ở đây và ngay việc tống táng cũng không có nhiều phật tử bổn đạo ở chùa Pháp Hải lo cho trọn tình nghĩa. Tưởng nhớ ơn đức Ngài Quảng Đức đã tự đốt thân mình để cứu nguy đạo pháp và dân tộc, nên Hòa Thượng Trí Tín, Hòa Thượng Thiện Bình, và chúng tăng Phật Học Viện Nha Trang đã lo vấn đề an táng và xây một ngôi tháp mộ nhỏ nằm trong khu vực tháp mộ của chư tăng, ở sau Phật Học Viện Nha Trang. Trên ngôi tháp mộ có ghi lại phả hệ, ngày tháng năm sinh và viên tịch, cũng như người xây tháp.

bo_tat_quang_duc_09

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Sau năm 1958, khi trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt dời về chùa Xá Lợi, và chùa Phước Hòa được truyền lại cho Hội Việt Nam Phật Giáo, trụ sở của Ni Bộ Bắc Tông (do chư Ni miền Bắc di cư vào Nam), thì Hòa Thượng hết làm trụ trì ở đây, và về hoạt động Phật sự tại Cai Lậy. Rất may kể từ năm 1959, khi Hòa Thượng thật sự có chùa riêng, không thuộc về chùa hội, hoặc chùa tư nữa, Ngài còn lưu giữ tất cả các sổ sách giấy tờ, cùng các văn bản pháp lý. Từ các tư liệu này giúp chúng ta biết chính xácrõ ràng hành hoạt của Hòa Thượng. Xin điểm qua các giai đoạn chính như sau. Từ năm 1958 đến đầu năm 1961, Hòa Thượng về họat động Phật sự tại Cai Lậy và Mỹ Tho. Ở đây Ngài đã nhận trù trì hai chùa, và dạy Phật Pháp ở chùa Phật Ân tại thị xã Mỹ Tho, mở trường tư thục Vạn Đức sơ đẳng tại chùa Thiên Phước để dạy lớp 1, 2 và 3 cho các trẻ em nghèo trong vùng.[9] Tháng 1 năm 1961, Ngài về thăm lại Khánh Hòa, sau chuyến viếng thăm đó Hòa Thượng chuẩn bị về trở về cố hương tu tậpan dưỡng tuổi già. Giữa năm 1961 Ngài về trùng tu chùa Pháp Hảitrụ trì chùa này một thời gian ngắn trước khi giao lại cho sư huynh Viên Minh. Tháng 9 năm 1961, ngài được cung thỉnh về làm trù trì chùa Long Phước (Ninh Quang), và cuối năm Ngài đã ở hẳn đây, rồi xây tịnh thất để tu thiền định. Giữa năm 1962 Ngài trở lại Gia Định nhận làm trụ trì và sửa sang lại chùa Quán Thế Âm ở Phú Nhuận. Cuối tháng 5, 1963 Ngài chuẩn bị tự thiêu và để lại 5 bản di văn.

Trở về Khánh Hòa

Mặc dù sống, hành đạotrụ trì các chùa ở miền Nam tại các vùng Sài Gòn, Gia Định và Cai Lậy trên 10 năm. Từ đầu năm 1961, lúc này Hòa Thượng đã 63 tuổi, Ngài chuẩn bị trở lại cố hương xứ Khánh Hòa để tu tập, hành đạo và gần gũi người thân. So với các gian đọan trước, thời gian này Ngài để lại rất nhiều thư văn, các tư liệu viết tay, đơn từ, một số bài diễn văn. Theo lá đơn xin đi đường của Hòa Thượng viết tại xã Long Khánh, quận Cai Lậy tỉnh Định Tường đề ngày 3 tháng 1 năm 1961, khi đó Ngài đang làm trụ trì chùa Long Phước, Ngài đệ đơn lên chính quyền địa phương xã và quận để xin cấp giấy phép cho Ngài được ra xã Phú Cam, quận Vạn Ninh để kỵ tổ và thăm tháp của thầy bổn sư tại chùa Long Sơn quận Vạn Ninh Hòa, và thăm ông anh là nhà sư đang ở chùa Pháp Hải, quận Ninh Hòa, và đến thăm tổ đình sắc tứ Linh Sơn tại Vạn Giả. Trong đơn Ngài cũng đề cập đến là nhân dịp này Ngài sẽ đi thăm chùa sắc tứ Thiên Ân, xã Phước Thuận, nơi Ngài từng trụ trì nhiều năm. Đọc kỹ chúng ta thấy đơn xin đường trước hết phải có chữ ký của liên gia trưởng, rồi ông trưởng ấp, sau đó của ông cảnh sát xã Long Khánh, rồi chữ ký của ông Chánh Tổng. Phải mất một ngày sau (4-1-1961) mới được ông Quận Trưởng quận Cai Lậy chứng nhận cho phép Hòa Thượng đi về miền Trung. Khi đến nơi Ngài cũng phải trình với với chính quyền địa phương, và phải có chữ ký và con dấu của chính quyền địa phương chứng nhận vào tờ đơn đi đường.

Giấy xin phép đi đường này đã cung cấp cho thấy lần này Ngài về giỗ tổ đức bổn sư là Hòa Thượng Hoằng Thâm tại tổ đình Long Sơn. Theo long vị tổ Hoằng Thâm thờ tại chùa, tổ sinh ngày 1 tháng 5, năm Đinh Tỵ (1857) và mất ngày 23 tháng 11 năm Tân Dậu (1921). Bên dưới tờ thứ hai của giấy phép đi đường, cạnh con dấu và chữ ký của ông Quận Trưởng quận Cai Lậy, có chữ ký của Hội Phật Giáo quận Ninh Hòa chứng nhận Hòa Thượng có ra dự lễ giỗ tổ chùa Long Sơn. Bên gốc trái cùng trang có chữ ký của ông đại diện xã Ninh Thọ ký chứng thật vào ngày 9-1-1961 ghi rõ là ông Nguyễn Văn Khiết có ở tại chùa Pháp Hải. Ngày 9-1 dương lịch tương đương với ngày 23 tháng 11 năm Canh Tý, đó là ngày giỗ của Hòa Thượng Hoằng Thâm tại chùa Long Sơn. Giấy phép cấp ngày 4 tháng 1 và giỗ ngày 9, như thế Ngài chỉ ra Khánh Hòa vài hôm trước ngày giỗ.

Qua tờ giấy đi đường này hé mở cho chúng thấy tình người, tình đạo, và cách hành hoạt của Ngài Quảng Đức cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền ông Diệm. Thứ nhất, khi Ngài về làm giỗ cho bổn sư chắc chắn Ngài đã gặp lại các vị pháp hữu khi Ngài từng giữ chức trụ trì các chùa nổi tiếng trong hai quận Vạn Ninh và Ninh Hòa. Cũng trong dịp này Ngài đã đi thăm một vài chùa ngày trước Ngài trụ trì, thăm các bổn đạo và đệ tử tại gia ngày trước đã quy y với Ngài. Gặp lại Ngài sau trên 10 năm xa cách, chắc chắn đã đem lại niềm vui cho nhiều bổn đạo và Phật tử ở một số làng đang bị đè nặng dưới sự cưỡng chế của chính quyền về mặt tự do tôn giáohành đạo. Đặc biệt trong chuyến đi này, Ngài đã đến thăm và ở lại chùa Pháp Hải với vị huynh trưởng là sư Viên Minh.

Một điểm khác cho chúng ta thấy chính phủ và guồng máy an ninh của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ kiểm soát rất gắt gao và chặt chẽ trong vấn đề đi lại của dân chúng, và càng gắt gao hơn cho các bậc tu sĩ Phật Giáo. Khi đi qua tỉnh khác phải xin giấy đi đường và phải qua 5 cấp chính quyền (từ liên gia trưởng, thôn trưởng, xã, tổng và quận) mới được chấp nhậncho phép đi. Khi đến nơi cũng phải xuất trình giấy tờ với chính quyền địa phương và người chịu trách nhiệm phải ký tên và đóng dấu vào tờ đơn.

Vấn đề kiểm soát của chính quyền ông Diệm và Nhu càng rõ ràng hơn qua biên bản buổi họp của thôn Thạch Thành (Ninh Quang, Ninh Hòa) đề ngày 26-9-1961 về việc thỉnh Hòa Thượng Quảng Đức về trù trì chùa Long Phước. Cũng nên nói rõ đây là ngôi chùa ở Khánh Hòa được Ngài trụ trì trong năm hai năm cuối và được ghi trong một vài văn bản, như Đơn Xin Tự Thiêu. Trong buổi họp gồm có 40 người, ngoài các Phật tử và bô lão trong làng, biên bản còn ghi là sự có mặt Trưởng đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, thôn bộ Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (đây là bộ phận tổ chức của Đảng Cần Lao Nhân Vị do hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thành lập để cai trị miền Nam chống lại chủ nghĩa Cộng Sản ở miền Bắc), cũng như nhân viên cảnh sát và công chính.

Qua các đơn từ này chúng ta thấy Ngài phải khéo léo và ẩn nhẫn lắm trong việc phiền toái chờ đợi "cửa quan" chỉ một việc nhỏ là xin giấy đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Trùng tutrụ trì chùa Pháp Hải

bo_tat_quang_duc_10Chùa Pháp Hải do Hòa Thượng Quảng Đức thành lập năm 1940, và có quả đại hồng chung do Ngài đúc năm 1942. Chùa rất linh ứng vì có thờ bức tranh vẽ Bồ Tát Quán Thế Âm đang đứng trên mây. Trong thời gian chiến tranh Pháp Việt (1945-1954), chùa bị máy bay pháp thả bom bắn phá hai lần, nhưng quả chuông và bức tranh Quán Thế Âm không bị hư hoại. Dân trong vùng cho đó là một sự linh thiêng mầu nhiệm. Sau chiến tranh Việt Pháp, bà con trong làng chỉ dựng lại chùa tranh để làm nơi nương tựa tinh thần, và có tiếng chùa chuông vang vọng sáng chiều, có Bồ Tát Quán Thế Âm để cầu nguyện bình an. Sau chuyến đi về thăm Khánh Hòa vào tháng 3 năm 1961, Hòa Thượng đã về lại Ninh Hòa vài lần nữa để vận động bà con Phật tử trong vùng xây dựng lại chùa Pháp Hải.[10] Sau nhiều tháng xây dựng, chùa đã hoàn thành (độ chừng khoảng tháng 8 vì tháng 9 Ngài đã về trụ trì chùa mấy tháng trước khi giao lại cho sư huynh Viên Minh), và Ngài đã tổ chức lễ khánh thành và lễ an vị Phật rất long trọng có mời chư tăng ni trong giáo hội tỉnh Khánh Hòa, chi hội Phật Giáo Ninh Hòa, hội đồng xã Ninh thọ và bà con Phật tử xa gần. Theo bài diễn văn chữ Nôm đọc hôm lễ an vị Phật và khánh thành chùa Pháp Hải, Ngài viết:

Chúng tôi thay mặt cho Ban Trị Sự chùa Pháp Hải, nam nữ Phật tử.

Tôi xin trân trọng kính chào quý Đại Đức giáo Hội Tăng Già tỉnh Khánh Hòa và chư sơn thiền đức tăng ni hoan hỷ quang lâm đến chứng minh buổi lễ thỉnh Phật hôm nay.

Quý quan khách nam nữ Phật tử đã bỏ thì giờ quý báu để đáp lại lời mời của chúng tôi đến dự lễ cung nghinh đức Phật được đông đảo như thế này làm cho buổi lễ hôm nay được thập phần long trọng. Chúng tôi vô cùng cảm tạ đạo tâm của quý vị.

. . . .

Ngôi chùa Pháp Hải này kiến tạo lần này là nhờ lòng đạo tâm tín ngưỡng của hai vợ chồng ông Nguyễn [Văn Chất] cúng một miếng đất để lập ngôi chùa, và có vợ chồng con gái ông Nguyễn Giả ủng hộ đắc lực. Vì trong nam nữ Phật tử có tấm lòng giúp đỡ, kẻ của người công, nên được như thế. Cũng nhờ sự đạo tâm của quý vị, cho nên ước nguyện của chúng tôi được sự viên thành.

Chúng tôi thay mặt cho Ban Trị Sự chùa Pháp Hải, nam nữ Phật tử.

Theo đơn cung thỉnh trụ trì của ông thôn trưởng và khuôn trưởng thôn Thạch Thành, thì tháng 9 năm 1961 Hòa Thượng đang trụ trì chùa Pháp Hải. Một tờ đơn khác do Hòa Thượng viết tay đề ngày 11-11-1961, tựa là ''Giấy xin phép đi đường" cũng cho biết lúc này Ngài đang làm trụ trì chùa Pháp Hải tại thôn Lạc Bình, xã Thọ Ninh, quận Ninh Hòa. Trong tờ đơn Ngài gởi cho ông Quận Trưởng quận Ninh Hòa xin phép vào Nam 20 ngày để đến chùa Ấn Quang ở Chợ Lớn, và chùa Phật Ân ở Định Tường về việc xin giấy xuất tịch về cư trú hẳn ở miền Trung. Trong đơn cũng nói là nhân dịp này Ngài sẽ ghé thăm chùa Thiên Phước ở Cai Lậy. Qua hai văn bản này cho ta thấy Hòa Thượng đang ở chùa Pháp Hải và đã quyết định về ở hẳn tại Ninh Hòa. Như thế là sau khi ngài được thỉnh mời làm trụ trì chùa Long Phước, Ngài đã quyết định trở về an dưỡng tu thiền ở đây.

Trụ trì chùa Long Phước, Ninh Quang, Ninh Hòa

Theo tấm biển đại tự sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán treo ở chánh điện, thì Chùa Long Phước là một ngôi chùa cổ được xây dưới thời nhà Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 17 (1757) và được đại trùng tu vào thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long 11 (1813). Chùa nằm trên một địa thế rộng rãi thoáng mát, cây trái xanh tươi, nhưng trải qua nhiều cuộc biến thiên thăng trầm của lịch sử đất nước, chùa không có thầy trụ trì và bị hư hao đổ nát cần được tái thiết. Khi được biết Hòa Thượng là bậc cao tăng đức độ, gốc người Khánh Hòa, đã từng làm trụ trì các chùa lớn ở trong vùng và có biệt tài xây dựng lại cảnh chùa hư hao đổ nát trở nên huy hoàng sáng lạng, nên toàn dân làng đã họp lại và cử hai vị đạo hữu có tài ăn nói đến chùa Pháp Hải cung thỉnh Ngài kiêm trụ trì chùa Long Phước. Ngài đã nhận lời. Gần cuối năm 1961, sau lễ nhận chức trụ trì và khánh thành chùa, ngày 13-12-1961 Ngài đã về thường trú tại chùa này và giao hẳn chùa Pháp Hải cho sư huynh Viên Minh. Trước khi làm lễ khánh thành chùa, Ngài đã vận động phật tử trong thôn và xã xây lại chùa đẹp hơn. Ngoài chánh điện để thờ Phật còn có hai dãy nhà bên phải và bên trái [đông lang và tây lang]. Trong bài diễn văn viết bằng chữ Nôm đọc hôm khánh thành chùa Long Phước, Ngài viết:

Đạo Phật truyền vào nước Việt Nam đã nhiều đời, cho nên có [người] khác đạo gọi Phật giáo là đạo ông bà [khiến] quý vị cũng rõ như chúng tôi. Hiển nhiên bằng chứng hiện thực là chùa Long Phước này tổ khai sơn ta sáng lập tự đời Cảnh Hưng đến nay tín sổ có bốn trăm năm dư.[11] Trong vũ trụ bất kỳ hình thái nào, mặc dù bước công laothành trụ hoại không, hưng vong xuy diệt là thế. Cho nên ngôi chùa Long Phước mấy năm trước chưa được khả quan, đông lang tây lang chưa thành tựu. May thay nhờ nhân duyên hoằng pháp Hội Phật Giáo Việt Nam khuôn hội Long Phước thành lập. Kỳ thật là nhờ sự ủng hộ của chính quyền xã thôn cùng toàn thể nhân dân hợp thành [nên] mấy cụm đông lang, tây lang đã được thành lập [] tương đối huy hoàng.

Ở đây chúng ta thấy Ngài dùng chữ đạo Phật là đạo “ông bà” thờ cúng tổ tiên. Ở một bài văn khác Ngài nói rõ hơn đối với người Việt, người nào thắng hương cúng ôn bà là người theo đạo Phật, là theo đạo nhà, là theo đạo của ông bà tổ tiên để lại và không bị mất gốc, không bị ngoại lai. Một điều khác chúng ta thấy ở đây là các thành viên trong thôn và xã có thể đều là Phật tử nên hết sức ủng hộ Ngài xây dựng lại ngôi chùa để có nếp sống tinh thần.

Một văn bản khác cũng làm cho ta sáng tỏ thêm vấn đề này. Đầu năm 1962, Ngài đã quyết định về thường trụ tại chùa Long Phước. Đơn xin xuất tăng tịch do Ngài nộp cuối năm 1961 cho Giáo Hội Tăng Già Nam Việt trụ sở ở chùa Ấn Quang phải đợi đến ngày 15-1-1962 mới được Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Tri Sự Trưởng của Giáo Hội cấp và cũng cho biết là Ngài Quảng Đức rời Khánh Hòa năm 1945 và hoạt động Phật sự tại miền Nam đến năm 1961, nay vì tuổi già sức yếu nên Ngài quyết định về cố hương tu dưỡng và xin dời tăng tịch về địa phương tỉnh Khánh Hòa để cấp trình với giáo hội và chính quyền địa phương.

Có lẽ là không khí an lành thanh nhã yên tịnh ở xứ trầm hương Khánh Hòa thích hợp cho vấn đề "tu dưỡng" của Ngài hơn. Nên khi đã về ở hẳn tại chùa Long Phước, Ngài chuẩn bị xây cất tịnh thất để tu thiền định. Trong tờ đơn xin cất tịnh thất tại chùa Long Phước đề ngày ngày 26 tháng 2 năm 1962, Hòa Thượng xin phép với chính quyền địa phương xây cất tịnh thất trong khuôn viên chùa cho việc tu tập thiền định, và "tu thiền định" là "bản nguyện" của Ngài. Trong đơn có đoạn viết: "Nguyên tôi là một tu sĩ xuất gia từ lâu, nay đương trụ trì tại chùa Long Phước, nhưng chùa này chưa có tịnh thất để tu thiền định. Bởi vậy cho nên tôi phát lời nguyện" xây tịnh thất để dễ nhập thất tu tập.

Sau khi đã có giấy phép xây cất tịnh thất ở trong khuôn viên chùa Long Phước, hai ngày sau (28-2-1962), Ngài đã làm đơn với chính quyền địa phương một lần nữa xin vào miền Nam xuất tịch (tức là dời hộ khẩu từ miền Nam ra Khánh Hòa). Trong đơn Ngài nêu rõ:

Tôi vì tuổi già sức yếu, nên phải trở về cố hương để tu dưỡng (có bản sao giấy Xuất Tăng Tịch đính hậu). Hôm trở về đến nay tôi được quý Hội Đồng cho phép cư trú; vì tôi đã nhận chức trụ trì tại chùa Long Phước thuộc quý địa phương. Để được hợp thức hóa, tôi định trở vào Nam—nơi đã cấp thẻ Kiểm Tra—để xin Xuất Tịch.

Nói tóm lại từ đầu năm 1961 Hòa Thượng Quảng Đức đã chuẩn bị rời Cai Lậy tỉnh Định Tường để trở về Khánh Hòa. Chùa Thiên Phước ở xã Phú Quý, Cai Lậy, Hòa Thượng giao cho đệ tử xuất gia là thầy Minh Tánh còn gọi là thầy giáo Ba (Bùi Văn Ba). Mùa an cư và mùa Vu Lan năm 1961 Hòa Thượng đã về trùng tu và làm trụ trì chùa Pháp Hải một thời gian ngắn. Sau đó Ngài giao chùa lại cho sư Viên Minh. Cuối năm 1961 Ngài về nhậm chức trụ trì chùa Long Phước và đầu năm 1962 Ngài đã dời Tăng Tịch và hộ khẩu về tại địa phương ở đây. Đồng thời Ngài cũng cho xây cất tịnh thất trong khuôn viên của chùa để chuyên tu thiền định vốn là bản nguyện của Ngài. Ở trong hoàn cảnh này chúng ta mới hiểu sâu hơn bài Xuất Kệ Vân Ngài làm trước khi tự thiêu:

Xuất Kệ Vân

bo_tat_quang_duc_11Nền Phật dò lần kiếp tẩy sang

Phủi tay rửa sạch nợ trần gian

Tránh đàng danh lợi tìm nơi tịnh

Niệm chữ từ bi lánh cửa quan

Chuỗi hột tay lần khuya với sớm

Kệ kinh tụng niệm vái rồi van

Một lòng thành kính lòng mình nguyện

Tịnh độ từ đây sẽ ở an

Tuế thứ Quý Mão niên, nhuận tứ nguyệt, sơ bát nhật, Quán Thế Âm tự, trụ trì Hòa thượng Thích Quảng Đức xuất kệ vân.

Tu sĩ Nguyễn Văn Khiết, pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, hiệu Nhân Tri, giác tính Thích Quảng Đức, tục danh Lâm Văn Tuất, nguyên sinh mậu tuất niên, cửu nguyệt, thập ngũ nhật, tý thời nhi sinh.

Thủ bút chữ Nôm và chữ Hán bài Xuất Kệ Vân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.

Phòng lưu niệm, chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, nơi di tích cuối cùng của Hòa Thượng.

Đứng trên mặt tục đế ta có thể nói là từ đây Ngài đã "phủi tay rửa sạch nợ trần gian" vì chùa nào Ngài cần giúp đỡ và trùng tu Ngài đã trùng tu, người nào đáng độ và có duyên để độ Ngài đã độ. Trong thời gian trùng tu các ngôi chùa từ thời trước 1945 cho được nguy nga tráng lệ và xin triều đình ban sắc tứ, Ngài đã làm hồ sơ nói về sự linh thiêng của các ngôi chùa cũng như công đức và sự đóng góp của ngôi chùa đối với người dân trong địa phương. Ngài đã xin triều đình ban sắc tứ cho ba ngôi chùa nơi Ngài làm trụ trì ở hai quận Vạn Ninh và Ninh Hòa. Khi Ngài bị chính quyền thực dân lùng bắt, có thể Ngài đã trốn qua Lào, rồi Cam Bốt và cuối cùng định cư ở Gia Định và Sài Gòn. Từ đó Ngài đã thay tên đổi họ từ Lâm Văn Tuất sang Nguyễn Văn Khiết; thay đổi ngày sinh từ 15 tháng 9, Mậu Tuất (29-5-1898) sang năm 1890. Phải đến năm 1955, khi đã làm trụ trì chùa Long Vĩnh, ngài mới được chính quyền chấp nhận như người địa phương mới cấp cho thẻ kiểm tra. Rồi những năm tháng dưới thời chính quyền ông Diệm, dù đi đâu và làm gì Ngài cũng phải xin phép với chính quyền. Thế nên khi trở về làm trụ trì chùa Long Phước và xây tịnh thất để tu thiền, Ngài thật sự đã "Tránh đàng danh lợi tìm nơi tịnh/Niệm chữ từ bi lánh cửa quan."

Thật sự vì một "niệm từ bi" nên Ngài mới chịu khó làm những chuyện này. Nếu như một vị sư khác không phải là Ngài, thì lúc đang làm trụ trì hai chùa ở Cai Lậy, nơi Ngài có nhiều thì giờ để viết lách và nghiên cứu thì Ngài đâu cần phải trở về cố hương. Hoặc trước đó, sau khi chùa Xá Lợi khánh thành, Ngài được cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền mời làm trụ trì, Ngài đã từ chối, và tìm nơi tĩnh mịch hẻo lánh ở Cai Lậy để độ chúng sanh. Khi đã trở về cố hương, đã giúp ông anh xây lại chùa, rồi cất tịnh thất cho mình, thật sự lúc đó như trong đơn xin cất tịnh thất Ngài đã nêu rõ là chuyên tu thiền định, như ý trong câu thơ: "Một lòng thành kính lòng mình nguyện, Tịnh độ từ đây sẽ ở an."

Một điều cũng cần nêu lên ở đây là khi đọc nguyên bản văn Nôm của bài Xuất Kệ Vân do Ngài viết vào ngày mồng tám, tháng tư nhuận, năm Quý Mão (30-5-1963), ta thấy khi phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, có một chữ mà các người trước phiên âm không được chính xác. Chữ "sẽ" thich_quang_duc_17 khiến câu thơ đổi nghĩa. Nguyên bản chữ Nôm đọc là "Tịnh độ từ đây sẽ ở an" và bản phiên âm cũ đọc là "Tịnh độ từ đây rất ở an."

Trụ trì chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận

Trở lại vấn đề "từ đây sẽ ở an" có thật sự như vậy không, hay là bởi tâm nguyện bồ tát độ đời độ người khiến cho Hòa Thượng chưa rời được cõi đời nơi cần sự giúp đỡ của Ngài. Quả thật Ngài chưa "ở an" vì Ngài còn trở lại nhận làm trụ trì chùa Quán Thế Âm ở quận Phú Nhuận, và cuối cùng Ngài tự thiêu để cứu nguy đạo pháp.

Theo lời thầy Thông Bửu, đệ tử truyền chân, thì Ngài vẫn còn duyên với chùa Quán Thế Âm ở quận Phú Nhuận nơi di tích cuối cùng của Hòa Thượng. Chùa Quán Thế Âm, theo lịch sử là do Hội Lính Thủy người Pháp thành lập năm 1920. Đến những năm cuối thập kỷ 1950 chùa đã tàn phế lắm và chuẩn bị xóa tên vì đây là chùa tư không có tăng hoặc ni thường trú tụng kinh bái sám, hướng dẫn Phật tử tu học. Cuối năm 1959 ông chủ chùa Lý Văn Lang thỉnh Ngài về làm trụ trì và mong Ngài với khả năng và tài đức có thể trùng tu ngôi chùa, nhưng phải đến năm 1962 khi việc trùng tu chùa Long Phước xong Ngài mới trở lại Gia Định, và vào nhịp Ngài làm lại thẻ Căn Cước tại Quận Tân Bình.

Dựa vào các văn bản và sổ sách giấy tờ, thật sự Ngài chính thức về trụ trì chùa Quán Thế Âm vào tháng 6 năm 1962. Trong thời gian gần một năm trụ trì ở đây, Ngài đã làm được ba việc chính. Thứ nhất là vận động tài chánh để trùng tu chùa. Thứ hai là tổ chức các buổi lễ chính như Vu Lan, lễ vía Bồ Tát Quán, lễ Đức Phật Thành Đạoan vị Phật. Theo các sổ thu chi, cầu an, cầu siêu và quy y còn lưu thì bắt đầu từ tháng 6 Ngài mới vận động bà con hỷ cúng trong việc trùng tu chùa. Trong gần ba tháng, tính đến ngày 15 tháng 8, chúng ta thấy có trên 300 người cúng tiền, người ít kẻ nhiều tùy theo hảo tâm. Phần đông Phật tử cúng 20 đồng là số tiền nhỏ nhất, nhưng cũng có nhiều người cúng 100 hoặc, 200 đồng. (Thời đó 1 chai beer 10 đồng, 1 cục xà phòng thơm 5 đồng, 1 gói thuốc lá ngon 10 đồng, dựa trên sổ chi của chùa Quán Âm do ban thủ quỹ ghi). Từ các khoản tiền này Ngài đã cho người mua các vật dụng từ cây búa, ổ khoá, gỗ làm thùng phước sương, cờ quốc gia, cờ Phật Giáo, chén bát dùng hằng ngày, bánh, trà, cà fê cho thợ sơn sửa chùa, vân vân. Mùa Vu Lan năm đó Ngài đã mời thầy về giảng pháp, tổ chức cúng chẩn tế. Nhân dịp này Ngài cũng đã làm lễ quy y cho nhiều Phật tử. Sau đó ba tháng Ngài đã in thiệp mời Phật tử về dự lễ "Vía Đức Phật Quán Thế Âm," và giảng pháp tại chùa.

Sau khi sơn sửa lại chùa, và tổ chức hai buổi lễ chính, Ngài đã vận động quyên góp được một số tài chánh tương đối. Từ trước đến năm 1962 chùa chỉ thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, do vậy khi làm trụ trì, Ngài đã vận động bà Phan Cẩm Lợi cúng một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni để thờ ở chánh điện. Trong dịp lễ an vị Phật vào ngày vía đức Phật Thích Ca thành đạo năm 1962, trong lời chào đón quan khách Ngài đã viết trong bản văn Nôm:

Chúng tôi thấy chùa Quán Thế Âm này vì còn thiếu một tượng đức giáo chủ Thích Ca để cho tín đồ chiêm ngưỡng lễ bái công phu tịnh độ, để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thập phương bá tánh, nam nữ Phật tử tăng long phước thọ, phát bồ đề tâm tăng trưởng. Cho nên, chúng tôi nhờ lòng hảo tâm những người lúc trước đã lập ngôi chùa này. Sau đó nhờ lòng đạo tâm của hai ông bà Lý Văn Lang có lòng xây dựng quỹ ngôi chùa. Nay có nhân duyên bà Phan Cẩm Lợi cúng một vị tượng Thích Ca Mâu Ni Phật để tôn thờ sùng bái tu học giáo pháp của Ngài cải tâm niệm của chúng sinh .. . Nhờ sự hảo tâm của chư thiện tín cho nên chúng [giúp]tôi Phật sự được viên thành.

Ngày nay sự hiện diện đông đủ của quý Ngài từ trong đạo cho đến ngòai đời,điều đó đã chứng minh sự khích lệ và ưu ái của quý vị đối với chúng tôi trên con đường phụng sự chánh pháp.

Cũng trong dịp lễ vía Phật thành đạo tại chùa Quan Thế Âm vào cuối năm 1962, Ngài đã có những nhận định thời cuộc lúc đó "hoàn cảnh khó khăn, nhân tâm tao loạn," và "Chúng ta hãy noi gương cao cả của đức Từ Phụ trọn đời hy sinh cho mọi loài." Tinh thần Bồ Tát của Ngài cũng đã được biểu lộ rất rõ ràng qua bài giảng ngày hôm đó:

Vậy chúng taPhật tử, chúng ta không nên nghĩ chỉ làm lễ kỹ niệm Ngài qua một hình thức thông thường cho có, mà cần phải nhận thức đời sốngđức Phật tinh thần, tu học theo chánh pháp. Cố gắng cởi mở bớt các nghiệp chướng phiền não, diệt trừ tam độc tham sân si, sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả, mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài. Chỉ có thực hành như thế mới khả dĩ gọi là kỹ niệm đức Phật mà thôi.

Tinh thần và bổn nguyện bồ tát của Ngài được biểu lộ qua các câu nói "trọn đời hy sinh", "sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài." Tinh thần này đã được Ngài đem ra áp dụng trong cuộc đời hành đạo, và nhất là việc tự thiêu thân mình gần nửa năm sau.

CHUẨN BỊ TỰ THIÊU

Đơn xin tự thiêu

bo_tat_quang_duc_12-contentSau vụ đàn áp Phật Giáo đẩm máu tại đài phát thanh thành phố Huế tối hôm lễ Phật Đản 1963, tình hình đấu tranh bất bạo động của Phật Giáo ở Huế càng ngày càng sôi động và căng thẳng. Giáo Hội đã đưa ra năm nguyện vọng của Phật Giáo đòi chính phủ phải thực thi. Tăng niPhật tử tiếp tục xuống đường và tuyệt thực nhưng không đến đâu, trái lại chùa Từ Đàm bị phong tỏa nặng nề. Tại Sài Gòn, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập, và công cuộc đấu tranh bằng cách xuống đường biểu tìnhbiểu ngữ, và tuyệt thực ở chùa Xá Lợi cũng không đưa tới một dấu hiệu khả quan và nhượng bộ của chính quyền. Trước hoàn cảnh đó chưa có một ai nghĩ tới là đem thân mạng tự thiêu để cứu nguy đạo Pháp. Hòa Thượng Quảng Đức đã nghĩ tới điều rất quen thuộc trong Kinh Pháp Hoa, bộ kinh Ngài thường hành trì và có thể nói Ngài đã thẩm thấu diệu ý của kinh văn. Trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Dược Vương

Bồ Tát có nói về Bồ Tát Dược Vương dùng các thứ hương hoa ngâm tẩm vào người rồi đốt thân mình làm đuốc cúng dường chánh Pháp.

Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam thế kỷ 11 thời Lý có hai vị sư Bảo Tính và Minh Tâm chuyên tâm trì tụng Kinh Pháp Hoa trên 15 năm tinh tấn không ngừng nghỉ và chưa từng xao lãng. Hai sư mỗi khi niệm đến phẩm Dược Vương đều phấn chấn tâm thầncảm động rơi nước mắt. Sau 15 năm trì kinh, hai sư đã nguyện thiêu thân. Rồi các Ngài đã mở hội giảng kinh. Đến ngày giờ đã định các Ngài ngồi lên dàn hỏa, dùng lửa tam muội thiêu đốt thân mình và di cốt kết thành thất bảo. Vua Lý Thái Tông sai dựng tháp cúng dường vả đổi niên hiệu là Thông Thụy.

Không biết Ngài Quảng Đức có đọc Thuyền Uyển Tập Anh và biết chuyện hai vị thiền sư triều đại nhà Lý không, nhưng chắn chắn Ngài đã noi gương Bồ Tát Dược Vương.

Sống trong thời đại mới, và nhất là dưới chế độ đàn áp tôn giáo, nhất là Phật Giáo. Trong thời gian đấu tranh đòi tự do tôn giáo, ở đâu cũng có công an mật vụ theo dõi, nên việc chuẩn bị tự thiêu phải tuyệt đối giữ bí mật. Đó là một việc chưa từng có trong lịch sử cận đại. Do vậy nếu muốn thực hiện được vấn đề thì phải hết sức thận trọng và nghiêm túc tiến hành qua nhiều giai đoạn. Theo lời thầy Thông Bửu thì sau khi xem các hình ảnh các thành viên gia đình Phật tử ở Huế bị xe tăng cán nát và bị thảm sát, thì Ngài đã nói với đệ tửphương pháp duy nhất có thể cứu vãn Phật Giáo lúc bấy giờ là tự thiêu.[12] Đối với cuộc tranh đấu nóng bỏng lúc bấy giời, Ngài đã nhận định rõ ràng trong Đơn Xin Tự Thiêu.

Mùa Phật Đản 2507 - 1963 tại cố đô Huế, một cảnh tang thương đã xảy ra cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng, và Phật Giáo nhân loại nói chung là máu Phật tử đã chảy, xương thịt Phật tử đã nát tan trước họng súng bạo tàn của kẻ độc ác vô nhân đạo. Thế là những sinh mạng đã ngã gục và những thân mạng thương tích trên mình, tất cả đều muốn phát lộ ý chí của người Phật tử: bảo vệ chánh pháp, bảo vệ đời sống, sự sống của con người tin đạo, bảo vệ lá cờ Phật Giáo quốc tế mà hơn một phần ba nhân loại tôn thờ. Ai có thể chối cãi được sự thật của nguyên nhân chính ấy là: Lá cờ Phật Giáo bị triệt hạ bởi công điện số 9195, phát xuất từ Phủ Tổng Thống ngày 6 tháng 5 năm 1963.

Trước sự kiện thảm thương ấy, Phật Giáo Việt Nam đã đến lúc bắt buộc phải đứng ra tranh đấu cho lý tưởng tự do tín ngưỡng của mình, được minh định rõ trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa và đường lối dân chủ pháp trị, cộng đồng, đồng tiến xã hội của chính phủ do Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ trương.

Với tánh cách ôn hòa, bất bạo động, kỷ luật trong sự tranh đấu hợp lý, người tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam cần phải có một ý niệm sáng suốt, tiêu biểu ý niệm chân chánh, trong giai đoạn không tiền khoáng hậu của lịch sử Phật Giáo dân tộc.[13]

Thế rồi thầy Thông Bửu đã đưa Ngài đến gặp Thượng Tọa Tâm Châu tại chùa Từ Quang ở Sài Gòn để bày tỏ ý nguyện. Thượng Tọa Tâm Châu lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đồng thời cũng giữ chức vụ Phó Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo rất kinh ngạcthán phục trước chí nguyện cao cả của Ngài Quảng Đức, nhưng vẫn còn đôi chút do dự, và không thể quyết định một mình. Nhất là trên mặt pháp lý vì đây là mạng sống của một con người, của một vị tu sĩ Phật Giáo miền Nam có đức độ. Do đó, Thượng Tọa Tâm Châu nói là thầy Quảng Đức phải viết Đơn Xin Tự Thiêu trình lên Ủy Ban Liên Phái. Ngày 27 tháng 5, Ngài viết xong đơn, và nhờ thầy Đức Nhuận ở chùa Giác Minh đọc lại bản thảo và đánh máy giúp. Sau đó Ngài Quảng Đức đã nộp lên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tại chùa Xá Lợi. Trong phần cuối của Đơn Xin Tự Thiêu Ngài viết rõ:

Tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh là Thị Thủy, pháp tựQuảng Đức, tu sĩ Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703 cấp tại Quận Tân Bình ngày 21 tháng 2 năm 1962, hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng:

  1. 1. Năm nguyện vọng tối thiểu nghi trong Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín đồ Phật Giáophản ảnh tinh thần chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.
  2. 2. Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình, bất bạo động của Phật Giáo đồ Việt Nam.
  3. 3. Triệt để tuân theoủng hộ các cấp lãnh đạo Phật Giáo.

Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân này nếu Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên Ngônphản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật Giáo đồ Việt Nam.

- Phật Giáo Việt Nam bất diệt !

- Lá cờ Phật Giáo không thể bị triệt hạ.

Và xin Quý Thượng Tọa chấp thuận chuyển tới toàn thể tín đồ lời nguyện ước cuối cùng của tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự giác, tự nguyện, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp, bảo vệ lá cờ Phật Giáo.

Như đã trình bày ở trên trong hai năm cuối, Ngài Quảng Đức kiêm trụ trì hai chùa, Long Phước ở Khánh Hòa, và Quan Thế Âm ở Phú Nhuận. Do vậy văn thơ này viết là Ngài: "Hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa." Thật sự khi đó Ngài mới ở Khánh Hòa vào sau khi nhận được điện thư của thầy Thông Bửu.

Trên nguyên tắc pháp lý, Đơn Xin Tự Thiêu của Ngài Quảng Đức bị Giáo Hội bác bỏ. Lá thư phúc đáp do Thượng Tọa Thích Tâm Giác, Phó Trị Sự Trưởng của Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, ký tên, đã nêu rõ vấn đề này.

"Với quyết tâm bảo vệ Phật pháp, Đại Đức nguyện hiến xã thân này bằng cách thiêu đốt thân xác để phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo với nhà cầm quyền và nêu tỏ thái độ hy sinh vì đạo cao cả mà mình đã tôn thờ.

Giáo Hội rất thông cảm trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc pháp lý (Luật Phật đã định cũng như luật pháp thế gian) Giáo Hội không thể chấp nhận điều nguyện thiêu đốt thân xác của Đại Đức được.

Vậy xin Đại Đức hoan hỷcầu chúc Đại Đức vô biên an lạc."[14]

Nhưng trong thực tế, hạnh nguyện bồ tát tự thiêu của Ngài đã được giáo hội hoan hỷchấp nhận bí mật không thành văn. Sau cuộc họp kín ở chùa Xá Lợi bàn về lá đơn, Ngài đã được chư tăng mời về chùa Ấn Quang để chờ cơ hội thuận tiện cho việc thực thi hạnh nguyện tự thiêu.[15] Trong thời gian an trú và chờ đợi ở chùa Ấn Quang, ngoài thì giờ trì tụng Kinh Pháp Hoatham thiền nhập định, Ngài cũng đã để lại bốn văn bản vô cùng quan trọng. Thứ nhất là năm bài thơ chữ Nôm viết vào ngày tám tháng 4 nhuận (30-5-1963); bài Lời Nguyện Tâm Quyết, cũng bằng chữ Nôm viết ngày 04-06-1963, Tờ Di Chúc cho vợ chồng ông chủ chùa và vợ chồng Ông Mười Dé và tất cả bổn-đạo nam nữ Phật-tử chùa Quán-Thế-Âm, không đề ngày tháng; và cuối cùngTờ Di Chúc, gồm có 10 điều làm trước ngày tự thiêu.

Trong bốn di bút này, năm bài thơ và bài Lời Nguyện Tâm Quyết, đã được công bố và xuất bản rất nhiều lần. Còn hai bài di chúc kia chưa bao giờ được công bố. Xin tóm tắt và bàn về nội dung của các văn bản này.

Năm bài thơ Nôm[16]

Năm bài thơ Nôm không có tựa đề của từng bài thơ một. Bốn bài đầu được xếp theo thứ tự trên từ chư Phật, các hiền thánh tăng, dưới đến các tín đồ Phật giáo gồm các hàng đệ tử tại giaxuất gia. Bài cuối có nhan đề là Xuất kệ vân như đã bàn ở trên. Bài cuối không biết có viết riêng rẽ không vì đây là bài duy nhất còn lại thủ bút chữ Nôm và Hán của Hòa Thượng. Tóm ý bốn bài thơ đầu. Bài thứ nhất Kính dâng Thập phương chư Phật bày tỏ hạnh nguyện bồ tát tự thiêu thân mình để làm ánh đuôc soi sáng nẻo vô minh, để cảnh tỉnh kẻ gian án, và phá vỡ mộng bành trướng tôn giáo, sự đàn áp kẻ khác đạo, và Ngài nguyện thiêu thân. Sau khi chết, thần thức của Ngài sẽ về giúp sinh linh san phẳng hố bất bình. Bài thứ hai Dâng chư Hiền, Thánh, Tăng đề cập sự hàm oan, sự giam cầm bắt bớ của Tăng Ni, và Ngài nguyện sự tự thiêu sẽ giúp chánh pháp được trường tồn. Quan trọng nhất là Ngài chúc Tăng Ni phải có được tâm dũng tiến mới bảo vệ Phật Giáo được. Bài thứ ba Cùng toàn thể tín đồ Phật giáo Ngài đã khuyến khích Phật tử nên vì đại cuộc, vì nòi giống Việt, vì lịch sử huy hoàng của Phật Giáo Việt Nam mà nên bỏ bản ngã, bỏ cái ta, và đem ba đức tính cao đẹp của đạo Phật là Bi, Trí và Hùng ra thực hành mới cứu nguy được đạo. Bài thứ tư Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gialời nói giả biệt của một vị thầy nhắn nhũ đệ tử. Ngài nhấn mạnh hạnh nguyện của Ngài đã tròn sau 30 năm hành đạo (kể từ năm 1933 khi Ngài xuống núi). Riêng bài Xuất kệ vân nói về hạnh nguyện tu tập của Ngài, và như một vị thiền sư tỏ ngộ làm kệ chứng đạo, hoặc kệ thị tịch. Bài này đã được đề cập ở trước.

Lời Nguyện Tâm Quyết

bo_tat_quang_duc_13Bài Lời Nguyện Tâm Quyết, được viết tại chùa Ấn Quang, sau năm bài thơ trên 4 ngày. Bài này ngắn gọn, lời lẽ tha thiết, ý chí hùng mạnh, và đầy sự quyết tâmnghị lực. Bài viết chứng minh Ngài rất sáng suốt và bình lặng: "Tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong." Vì vậy nên Ngài "vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo." Rồi Ngài cầu nguyện mười phương chư Phật chư Đại đức, Tăng, Ni chứng minh cho Ngài đạt thành bốn chí nguyện là: cầu nguyện Phật Trời gia hộ cho Tống Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt; nhờ ơn Phật gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt; mong hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức Tăng Ni, và Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác; cuối cùngcầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Ngài cũng nhắn nhũ hai điều rất thiết tha nhưng vô cùng quan trọng, đó là: Thứ nhất: "Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở;" và thứ hai: "Chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật Giáo."

Trong bài Lời Nguyện Tâm Quyết này lời lẽ rất rõ ràngchính xác. Đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một người Thiên Chúa Giáo, thì Ngài Quảng Đức dùng chữ là "mong ơn Phật Trời gia hộ"; và "nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân." Còn đối với Tăng Ni Phật tử thì Ngài dùng chữ "hồng ân đức Phật gia hộ." Còn đối với quốc dân Ngài cầu nguyện mà thôi.

Một điểm quan trọng cần chú ý là văn bản Nôm của Hòa Thượng viết, khi phiên âm ra tiếng Việt đôi khi vì cố ý, hoặc vội vã hay vô tình nên có những sai sót đáng kể. Đây là bản so sánh.

Bản chữ Nôm[17] Bản Việt ngữ,[18]

Lời Nguyện Tâm Quyết Lời Nguyện Tâm Huyết

Tôi Tỳ Kheo Thích Quảng Đức Tôi Pháp danh Thích Quảng Đức

Tôi vui vẻ phát nguyện Tôi vui lòng phát nguyện

Chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện Chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện

Mong ơn Phật Trời gia hộ cho Tổng thống Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống

Nên đoàn kết nhất trí để bảo tồn Phật Giáo Nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật Giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật

Tỳ Kheo Thích Quảng Đức thủ ký. Tỳ Kheo Thích Quảng Đức kính bạch.

Trong một bài văn Nôm ngắn gọn chỉ có 11 dòng gồm 302 chữ mà người phiên âm ra tiếng Việt hoặc vô tình, hoặc cố ý đã đổi chữ, hoặc đọc sai chữ, hoặc đọc thiếu chữ, hoặc đổi cả câu. Tất cả 8 lần. Thí dụ bài tựa đọc là Lời Nguyện Tâm Quyết phiên âm là Lời Nguyện Tâm Huyết. Hai chữ Tâm Huyết mới nghe qua có vẽ thuận tai và có ý nghĩa hơn, nhưng ý của Ngài là Tâm Quyết. Nói ngược lại cho thật nôm na là Quyết Tâm. Ở cuối bài, Ngài dùng câu Nam Mô A Di Đà Phật là một câu chào nhẹ nhàng và thân thiện cho các vị tăng niphật tử, nhưng có lẽ muốn cho tinh thần đấu tranh được mạnh mẽ phấn chấn lên, nên người phiên âm cố ý đổi thành Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật. Đương nhiên là nghe câu Nam Mô Đấu Chiến Thắng nghe có vẽ vừa thách thức vừa có vẽ tự hào hơn là Nam Mô A Di Đà. Cuối cùng chữ thủ ký nghĩa là chính tay Ngài ký tên, đổi thành kính bạch là kính trình thưa thỉnh lên bề trên. Phải chăng đây là sự thiếu cẩn trọng trong lúc dầu sôi lửa bỏng đầy lửa đấu tranh hay là một cách đổ thêm mấy thùng xăng vào ngọn lửa đang đấu tranh bấy giờ.

Hai tờ di chúc

bo_tat_quang_duc_14-contentHòa Thượng Quảng Đức để lại hai bản di chúc vô cùng quan trọng. Bản thứ nhất không có ghi ngày tháng, chỉ đề là Phật lịch 2507 (năm 1963), và ký tên là Hòa Thượng Quảng Đức (Nguyễn Văn Khiết) trụ trì chùa Quán Thế Âm, có chữ ký và đóng dấu son. Tờ di chúc này ngắn gọn, lời lẽ chân thành và tha thiết, Ngài di ngôn cho các bổn đạo biết Ngài "phát nguyện thiêu thân cúng dường để tranh-đấu 5 nguyện vọng cho Phật-giáo Việt-Nam," dặn dò và sắp xếp các việc có liên quan đến chùa Quán Thế Âm, đến ông bà chủ chùa, và một vài lời tâm huyết nhắn nhủ đến các bổn đạo. Trong di chúc Ngài cũng sắp xếp công việc ba chùa ở miền Nam là chùa Quán Thế Âm ở Phú Nhuận, chùa Long Phước ở làng Long Khánh và chùa Thiên Phước ở làng Mỹ Phú, tại Cai Lậy, đều do Thượng Tọa Từ Hạnh là đệ tử cầu pháp với Ngài nhận lãnh công việc lãnh đạo thay thế sau khi Ngài viên tịch. Còn thầy Minh-Bửu [Minh Phước - Thông Bửu] sẽ đứng ra chủ tang. Tóm lại, đây là tờ di chúc thứ nhất di ngôn cho hai vị đệ tử thân tín và các Phật tử chùa Quán Thế Âm

bo_tat_quang_duc_15-contentTờ Di Chúc thứ hai được đánh máy một bản vào ngày 16 tháng 4 (nhuần) năm Quý Mão (7-6-1963), và được ký vào đêm 19 tháng 4 nhuần, trước ngày Ngài thiêu. Bản di chúc này được Ngài đưa cho đệ tử truyền pháp là thầy Thông Bửu vào hồi 7 giờ sáng ngày 20 tháng 4 (11-6-1963), khoảng 4 giờ trước khi Ngài tự tay dùng lửa đốt mình. Như thế Hòa Thượng đã ký vào buổi tối khi được thầy Đức Nghiệp cho biết Ngài phải chuẩn bị để sáng hôm sau tự thiêu. Bản di chúc này gồm có 10 điều dặn dò các việc quan trọng. Điều 9 cho ta biết là Tờ Di Chúc chỉ đánh máy một bản vào ngày 16 tháng 4 nhuần và giao cho đệ tử hơn 4 giờ trước khi ngài về cõi Phật. Tờ Di Chúc này chưa bao giờ được công bốphổ biến dẫu rằng thỉnh thoảng vẫn được nhắc tới. Chúng ta có thể tóm tắt các vấn đề trong tờ di ngôn như sau. Về vấn đề tu học, Ngài chân thành dặn dò các đệ tử xuất gia cũng như tại gia hãy nghiêm trì giới luật, diệt bỏ cống cao ngã mạn, sám hối các tội lỗi, siêng năng tu họcchừa bỏ sự biếng nhác. Về 4 ngôi chùa Ngài trùng tutrụ trì, Hòa Thượng dặn sau này đều được lập làm nơi kỹ niệm Ngài, và phải nhập vào Giáo Hội. Riêng chùa Quán Thế Âm phải được trùng tu để làm di tích cuối cùng. Về việc hậu sự, Ngài di huấn cho đệ tử Thông Bửu làm trưởng-tử, đứng chủ tang và thờ di ảnh ở chùa Quán Thế Âm, còn xương và xá lợi sau khi tự thiêu phải do Giáo Hội phân định. Ngoài ra, thầy Thông Bửu phải chịu trách-nhiệm xuất bản những nét bút-pháp do Ngài để lại. Riêng đệ tử Thông Bửu Ngài dạy là không không được sớm xuất thân hành đạo mà phải chờ khi có trình-độ đại học. Ngoài các điểm kể trên, điều thứ 9 là Ngài dạy tờ di chúc này hiện tại phải cất kỹ, đợi khi chánh pháp thắng tà ngụy mới được phổ biến. Điều thứ 10 như là một lời tiên đoán về kết quả hy sinh của Ngài: "Trong lúc thiêu thân giả tạm, nếu tôi nằm ngữa là đạo-pháp trường-tồn vĩnh-viễn, tôi nằm sấp là chánh pháp suy đồi."

Đúng như lời Ngài tiên tri, xác thân Ngài đã nằm ngữa ra phía sau, sau 15 phút ngồi yên bất động tĩnh tọa trong ngọn lửa cháy rực và nóng bỏng. Chế độ và chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền ông Ngô Đình Diệm đã sụp đổ chưa đầy 4 tháng sau ngày Ngài tự thiêu. Đạo pháp đã được cứu nguy, Phật Giáo được thoát khỏi cảnh bị đàn ápcưỡng bức, Tăng Ni tín đồ bị giam cầm được thả tự do.

THAY LỜI KẾT

Trong phạm vi giới hạn của một bài khảo luận, chúng ta có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc đời của Bồ Tát Quảng Đức. Dựa trên các văn bản chữ Nôm và chữ Việt, cũng như tư liệu điền giả chúng ta biết rõ tên thật của Ngài là Lâm Văn Tuất, sinh vào giờ tý, ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898) tại một ngôi làng nhỏ ở Khánh Hòa. Cha mẹ của Ngài là Phật tử quy y, giữ giới nhưng ở trong xã hội Việt họ đều sống theo tinh thần tam giáo đồng nguyên, lấy kỹ cương phụng thờ tổ tiên, báo hiếu cha mẹ, và có người nối dõi tông đường và hậu sự như là một căn bản của gia đình. Bồ tát Quảng Đức đã có vị huynh trưởng đi tu và lấy hạnh hiếu thuận với cha mẹ làm đầu nên vị anh cả này đã gánh bớt trách nhiệm gia đình cho vị em trai út. Và trong đời sống hai anh đã hổ trợ lẫn nhau trong tình huynh đệpháp hữu. Năm 1945, Ngài đã tỵ nạn chiến tranh, trốn khỏi Khánh Hòa để khỏi bị chính quyền thực dân Pháp truy nã, và cuối cùng đã vào Nam. Tại đây Ngài đã thay tên đổi họ, thay đổi ngày tháng năm sinh khi làm thẻ căn cước năm 1955 tại Sài Gòn.

Bồ Tát Quảng Đức là một người tri hành hợp nhất, quả xứng đáng như những lời Ngài viết, là con người có một "nhận thức đúng đắn mọi sự, mọi vật" và "trí tuệ biết tùy thời tùy cơ, không bị mê ám rối trí trước nghịch cảnh" nên trong suốt cuộc đời hành đạo đã hết mình "sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả." Do vậy, trong công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, Ngài đã "không được thản nhiên hay miễn cưỡng trước cảnh khổ của kẻ khác mà phải xả thân cứu người ra khỏi biển khổ." Do vậy, Ngài đã "nguyện đốt mình làm đèn soi sáng nẻo vô minh". Và cuối cùng "thần thức của Ngài luôn giúp đạo nhà," và đã làm cho "Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia." Hạnh nguyện bồ tát của Hòa Thượng Quảng Đức đã được Ngài nói rõ qua hai câu đối Ngài viết ở chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, một năm trước ngày Ngài tự thiêu. Ngài nguyện xả bỏ cái thân mộng huyễn này là vì báo đáp ơn đức của Phật và vì muốn cứu giúp nhiều người ra khỏi hoạn nạn. Bời vì có xả bỏ thân hình giả tạm này một cách uy hùng và không thể nghĩ bàn được thì mới cứu giúp cho Phật Pháp được mãi mãi trường tồn. Và nếu làm như thế sẽ để lại tiếng thơm cho đời sau, không phải chỉ nơi này mà còn vang vọng khắp nơi.

佛恩以報誓捨幻身還渡恒娑衆

法藏長存誓成正覺流芳塵刹土

不思議!

Phiên âm:

Phật ân dĩ báo thệ xả ảo thân hoàn độ hằng sa chúng.

Pháp tạng trường tồn thệ thành chánh giác lưu phương trần sát độ.

Bất tư nghì!

Dich nghĩa:

báo ơn đức Phật nguyện bỏ huyễn thân để độ hết thảy chúng sanh,

chánh pháp trường tồn nguyện thành chánh giác để lưu tiếng thơm cho đời.

Không thể nghĩ bàn!

Trích dẫn một vài đọan viết của Hòa Thượng Quảng Đức

Trích đoạn sau đây là một hai phần nhỏ để giúp cho chúng ta hiểu rõ thêm tư tưởng của Hòa Thượng Quảng Đức. Phần đầu trích trong bài "Diễn Giảng" của Hòa Thượng Quảng Đức khởi viết từ ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Hợi (13-5-1959) tại chùa Thiên Phước, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Bài viết khá dài gồm có 18 trang, mỗi trang có 11 giòng chữ Nôm, và mỗi giòng trung bình có khoảng từ 28 đến 30 chữ. Nội dung trong lời mở đầu Ngài quan tâm tới việc đem Phật Pháp phổ thông dạy cho quần chúng Phật tử. Do vậy Hòa Thượng bàn các vấn đề quan trọng như đạo Phật là gì, mục đíchtôn chỉ của đạo Phật, bổn phận của người Phật tử, lợi ích của người tu học theo đạo Phật, giải thíchý nghĩa ba đức tính căn bản của đạo PhậtBi Trí Dũng. Bài viết nhấn mạnh về ý nghĩa và sự cần thiết của Tam Bảo, Tam Tạng kinh điển, ba phép quy y, lợi ích và sự quan trọng của sự quy y Tam Bảo, nhiệm vụ cần thiết của người theo đạo Phật. Quan trọng nhất là Hòa Thượng bàn về ba đức tín cao quý của đạo PhậtBi Trí và Dũng. Qua đó chúng ta thấy tâm nguyện Bồ Tát và sự hành hoạt của ngài. Xin trích ba đọan về Đạo Phật, Nhiệm vụ của người theo đạo Phật, và Tam Đức: Bi, Trí, Dũng. Phần thứ hai là lời mở đầu trong bài Sáu Phép Lục Hòa.

Đạo Phật

Đạo Phậtcon đường giác ngộ. Giác ngộ cho mình sáng suốtgiác ngộ cho người sáng suốt. Người đã tìm ra con đường giác ngộchỉ dẫn con đường đó cho ta là đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.

Đạo Phật đã cho ta một đời sống thanh thoát, đơn giản, không xa hoa, hiếu kỳ, lập dị, một tinh thần độc lập, tự chủ, không khuất phục trước quyền thế bất công, một tâm hồn cao thượng vị tha, không hẹp hòi cố chấp, một ý chí hùng mạnh quả cảm, quyết tranh đấu cho chân lý, một đầu óc tiến bộ, sáng suốt, nhanh nhẹn, không hủ lậu thái hóa, không mê tín dị đoan, không mù quáng trước bả lợi danh bất chính.

Đạo Phật là mạch sống vô tận, là nguồn hạnh phúc vô biên. Đạo Phật là đạo của hết thảy, của mọi thời gian và nơi chốn. Người ta cần ánh sáng và không khí thế nào thì cũng phải cần đạo Phật như thế ấy. Nhờ giáo lý của Phật Đà tâm ta rộng, trí ta sáng, ý chí ta hùng mạnh, ta làm những việc đáng làm, hy sinh những điều đáng hy sinh. Vậy ta phải quyết tâm tin theo đạo Phật, truyền bá chánh Pháp của Phật, cảm hóa mỗi người theo đạo Phật.

Lời Phật dạy: “Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không chịu vô đạo được giàu sang mà sống.”

Đạo Phật là nguồn sống cho loài người. Đạo Phậtđạo từ bi, giác ngộ. Đức Phật nói ta không được cậy khỏe bắt nạt yếu, không vì thông minh chê người ngu tối; không được ỷ giàu khinh nghèo; không được ỷ tài khéo chê kẻ quê vụng. Phải phế bỏ những tâm niệm độc ác hại người, hại vật, mặc dầu nó nhỏ bằng mũi kim hay ngọn cỏ. Ý nghĩ, lời nói, việc làm phải song song, phải hướng tới thanh tịnh, từ bi và trí giác, phải yêu thương giúp đỡ chúng sanh, bất luận người thân hay kẻ oán trong khi họ nghèo khổ.

Nhiệm vụ của người theo đạo Phật

Một, phát nguyện quy y Phật Pháp Tăng. Hai, cố gắng học hỏi những giáo lý cao rộng của Phật. Ba, truyền bá giáo lý của Phật cho khắp cả mọi người. Bốn, truyền bá mọi người theo đạo Phật. Năm, giản dị và điều độ trong đời sống của mình, không xa hoa cầu kỳ. Sáu, khiêm tốn với tất cả mọi người, không kiêu căng, tự cao tự đại. Bảy, giúp đỡ người hoạn nạn, không được gây phiền não cho người. Tám, nhân từ đối với loài vật, không được giết hại chúng nó. Chín, bình tĩnh lạc quan trước mỗi hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Mười, làm tròn bổn phận đối với gia đìnhxã hội.

TAM ĐỨC

1. Bi

Bi là từ bi, là cứu khổ ban vui, diệt trừ những nỗi thống khổ cho chúng sinh, đem mọi hạnh phúc đến cho muôn loài. Vì lòng từ bi khi thấy chúng sanh đau khổ Phật tử phải tìm cách cứu giúp khiến để được kiếp sống an lành, vì lòng từ bi Phật tử phải thường mang lại những niềm vui tươi cho hết thảy, không được làm đau khổ một ai, dù là đối với các súc vật. Vì lòng từ bi Phật tử không được thản nhiên hay miễn cưỡng trước cảnh khổ của kẻ khác mà phải xả thân cứu người ra khỏi biển khổ. Vì lòng từ bi Phật tử phải thường đem cái vui sướng của mình mà ban bố cho hết thảy người vui. Ta đừng hiểu lầm rằng từ bihiền lành nhu nhược, ươn hèn, trơ như gỗ đá. Ai bảo hay cũng ừ, bảo trái cũng gật, mũ ni che tai, sự [việc] ai không biết, mà từ bi phải có trí [quán sát] xác đáng việc gì nên làm hay nên bỏ. Từ bi là sức sống vô tận, là nguồn cảm động vô biên của loài người. Vậy từ bi là lòng thương không bờ bến đối với muôn loài chúng sinh. Từ biđạo đức then chốt của người theo đạo Phật. Người có lòng từ bi thì quỷ thần phải kính trọng, thú dữ phải quy hàng. Người tu hạnh từ bi thường xem hạnh phúcđau khổ của người cũng như [của] mình, thường ban vui cứu khổ cho người, mà không cầu báo, sống rộng rãi để nhịp nhàng vào bản thể vô biên của trụ vũ và hết thảy cả chúng sinh.

2. Trí

Trí là trí tuệ, là hiểu biết thông suốt, nhận thức đúng đắn mọi sự, mọi vật. Phật tử thường tin tấn học hỏi trau giồi việc hiểu biết cho mình và cho người. Những điều gì chưa biết Phật tử phải cố gắng tìm hiểu cho đến nguồn gốc. Đành rằng, điều hay nên học hiểu, nhưng điều dở cũng cần phải hiểu biết hơn. Điều hay ta theo, điều dở ta tránh. Có trí tuệ sâu rộng mới hướng dẫn mình và người, không bị lầm đường lạc lối. Người có trí tuệ mới biết tùy thời tùy cơ, không bị mê ám rối trí trước nghịch cảnh, không bị dục vọng thấp hèn lôi cuốn mới biết mưu sự lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Chư Phật là những người có đại trí tuệ hiểu biết cùng khắp.Vậy, trí tuệ là thanh gươm sắc bén chặt tan rừng vô minh phiền não, là chìa khóa để mở tung những ổ khóa bí mật huyền vi của trụ vũ và nhân sinh.

3. Dũng

Dũng là dũng tiến, là mạnh bạo, bền chí cố gắng không ngừng. Phật tử thường mạnh tiến hy sinh tính mạng mình mưu hạnh phúc cho người. Phật tử không bao giờ sờn lòng thối chí khi mục đích cao đẹp của mình đã quyết định. Phật tử thường oai hùng quả cảm quyết tiến không sợ sệt trước một sức mạnh nào. Phật tử hùng dũng lạc quan mọi thử thách gian lao trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại, vững chí tinh tiến trên con đường chính nghĩa.

Dũng tiến không phải là hăng hái nhất thời ngày nay làm cố hết ngày mai. Bởi hiểu lầm như thế nên nhiều người làm quá sức mình sinh ra mệt nhọc, trước tinh tấn bao nhiêu thì sau lại lười biếng bấy nhiêu. Vậy, dũng tiến có nghĩa là làm phải có chừng mực bền chí nhưng hùng dũng cương quyết tùy sức mạnh yếu của mình, không được thoái quá hay bất cập.

Ba đức Bi Trí Dũng phải nhịp nhàng với nhau. Nếu có bi tình thương mà không trí xác đáng thì bi ấy dễ bị sai lầm. Nếu có trí, lý trí không bi thì trí ấy bị viễn vong mơ hồ, lý thuyết suông. Bi trí có mà thiếu dũng thì bi trí không thể thực hiện được. Có dũng mà không có bi trí thì dũng ấy thành bất nhân, độc ác và sẽ rơi vào đường mê lầm trụy lạc.

Vậy, bi trí dũng ba đức là tông chỉ cơ bản của đạo Phật, thiếu một không thể được.

Sáu Phép Lục Hòa

Thương xót và giúp đỡ mỗi người bần khổ hoạn nạn để làm vơi bớt một phần nào khổ não của họ. Và chúng ta cũng nên nghĩ rằng sở dĩ chúng ta được giàu sang, phú quý, thọ hưởng mọi điều là nhờ chúng tatu phước bố thíkiếp trước thì ngày nay đối với việc giúp đỡ đồng bào nghèo khổ cùng góp công vận động một xã hội đạo đức, nhân từ, công bình, bác ái, ta há lại xao lãng để an vui đời sống riêng biệt ích kỹ sao? Tóm lại, pháp lục hòa từ trước đến nay sở dĩ không thực hành được trong đoàn thể chư tăng Phật giáo nước nhà nguyên do nước ta đã trải qua bao cuộc thăng trầm, mấy lần ngoại thuộc cái cảnh quốc phá gia vong này. Phật giáo chịu số phận suy tàn với nhân dân cùng khổ, nhất là thời Pháp thuộc, Phật giáo bị kềm hãm và chia rẽ, hoàn cảnh bị nô lệ trong chư Tăng. Cái tinh thần an phận, mạnh ai nấy lo cầu giải thoát. Vì thế ngôi Tam Bảo biến dần đến việc lo riêng, mất dần tính chất lục hòa. Ngày nay tuy biết rằng Phật pháp nếu được trùng hưng ắt nhờ nhiều cơ duyên phối hợp, nhưng phép lục hòa là một giáo điều vô cùng quan trọng đối với việc phục hưng Phật giáo. Phép lục hòa không những là một nền luân lý tốt đẹp của hàng Phật tử, mà còn là nền móng hòa bình, hạnh phúc chung cho nhân loại.

Lời cuối

Xin đón đọc tập sách về Bồ Tát Quảng Đức xuất bản năm nay nói về những năm học tập và giáo dưỡng của Ngài tại chùa Long Sơn, những năm nhập thất tu thiền tại núi Đất (Địa Sơn), các hoạt động Phật sự của Ngài trong từ năm 1933 đến năm 1945 ở tỉnh Khánh Hòa. Tập sách cũng sẽ trình bày những năm hoạt động Phật sự của Hòa Thượng tại Sai Gòn và Gia Định đến 1958, và hai năm hành sự tại vùng Cai Lậy. Các nghi vấn những năm tu họchoạt động Phật sự sau khi Ngài rời Khánh Hòa năm 1945, và mấy năm sau mới xuất hiện ở miền Nam. Quan trọng nhất là trên 12 di bút bằng chữ Nôm, và phiên âm Việt ngữ cũng sẽ được xuất bản trong tập sách. Qua đó chúng ta sẽ thấy rõ thêm về tư tưởng bồ tát vào đời, độ đời, nơi nào khó khăn và cần sự giúp đỡ Ngài sẽ đến. Xong việc rồi Ngài nhẹ nhàng ra đi không một vướng chấp nào cả.

==

Phụ Bản

CÁC TƯ LIỆU QUAN TRỌNG CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẨNG ĐỨC

ĐƯỢC LƯU GIỮ TẠI PHÒNG LƯU NIỆM CHÙA QUÁN THẾ ÂM

I. Tư Liệu Tiếng Việt

1. Đơn xin cúng chùa Thiên Phước, quận Cai Lậy của ông Nguyễn văn Phòng cho HT Quảng Đức. Đề ngày 9 tháng 11 năm 1959. Gồm có 8 tờ giấy. Hai tờ đầu là đơn xin lý do cúng chùa có các chữ ký. 6 tờ còn lại là liệt kê các tài sản của chùa.

2. Đơn xin đi đường, viết tại xã Long Khánh, quận Cai Lậy tỉnh Định Tường ngày 3 tháng 1 năm 1961, xin phép ra xã Phú Cam, quận Vạn Ninh thăm ông anh là nhà sư đang trụ trì chùa Pháp Hải, và đến thăm hai chùa Linh Sơn và Long Sơn ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. 2 tờ.

3. Biên bản đại hội của khuôn hội chùa Long Phước, thôn Thạch Thành ngày 26-9-1961. Nội dung là thỉnh thầy [HT Quảng Đức] Trụ trì và việc khánh thành chùa. 1 tờ.

4. Đơn cung thỉnh Hòa Thượng Quảng Đức về trụ trì chùa Long Phước, thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, quận Ninh Hòa, tỉnh Khán Hòa, đề ngày 30 tháng 9 năm 1961. Đơn do ông Thôn trưởng Trần Hưng và Khuôn trưởng Hồ Biểu cùng gởi có ông Đại diệnchứng nhận. 1 tờ.

5. Giấy xin phép đi đường. Hòa thượng đang làm chức trụ trì chùa Pháp Hải tại thôn Lạc Bình, xã Thọ Ninh, quận Ninh Hòa, làm đơn xin đi từ Ninh Hòa vào chùa Ấn Quang ở Chợ Lớn, và chùa Phật Ân ở Định Tường để xin xuất tịch. Nhân dịp thăm chùa Thiên Phước ở Cai Lậy. Đơn viết tay, đề ngày 11.11.1961. 2 tờ.

6. Giấy phép cho tổ chức lễ khánh thành chùa Long Phước, xã Ninh Quang, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, đề ngày 12-12-1961, do ông phó quận trưởng Ninh Hòa Huỳnh Văn Châu ký. 1 tờ.

7. Giấy chứng nhận công tác Phật sự cho Hòa Thượng Quảng Đức trong dịp Ngài xin xuất Tăng tịch tại Sài Gòn để về nhập tịch ở tỉnh Khánh Hòa. Thượng Tọa Thích Thiện Hòa ký ngày 18-1-1962, Hội Tăng Già Nam Việt, trụ sở ở chùa Ấn Quang cấp. 1 tờ.

8.Đơn xin cất Tịnh thất tại chùa Long Phước, thôn Thạch Thành. Đề ngày 26 tháng 2 năm 1962. Nội dung Hòa Thượng Quảng Đức muốn có tịnh thất để dễ việc tu tập thiền định nên Ngài làm đơn xin phép xã Ninh Quang cho phép Ngài được xây cây tịnh thất. 1 tờ.

9. Đơn xin trở vào Nam để xin xuất tịch vì HT đã trở về cố hương nhận làm trụ trì chùa Long Phước đề ngày 28 tháng 2 năm 1962. Nay xin chính quyền địa phương xã Ninh Quang, quận Ninh Hòa làm giấy giới thiệu để đi đường và xin xuất tịch.

10. Thiệp mời nam nữ Phật tử tham dự lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận vào ngày 19-9-1962, tức là ngày 17-10-1962. 1 tờ bản thảo viết tay trên giấy học trò. Ký tên Trụ Trì Thích Quảng Đức.

11. Giấy biên nhận tiền đặt cọc để làm một vị Phật Thích Ca ngồi tòa sen vàng của nhà điêu khắc Phúc Điền tại Chợ Lớn. Đề ngày 12-8-1962.

12. Tờ Di Chúc. Không đề ngày, chỉ đề Phật lịch 2507, gồm có 1 tờ đánh máy, có chữ ký và con dấu. Tờ di chúc này ngắn gọn, được gởi cho ông bà Mười Dé và bổn đạo Phật tử chùa Quán Thế Âm dặn dò các việc trong chùa.

13. Bản copy của Tờ Di Chúc, ký ngày 19 tháng 4 (nhuần) Quý Mão (tức là 10-6-1963). Gồm 1 tờ giấy đánh máy có đóng dấu và chữ ký. Tờ di chúc này có 10 điều quan trọng dặn dò các đệ tử những việc cần làm sau khi Ngài mất. Bản di chúc này được trao đệ tử truyền pháp Thông Bửu vào lúc 7 giờ sáng trước khi Ngài lên xe đi làm lễ và tự thiêu. Riêng điều thứ 10 là sự tiên đoán của Ngài về sự tồn vong của Phật pháp qua cách nằm ngữa hay nằm sấp sau khi thân ngài ngã xuống. Chưa bao giờ được công bố.

II. Tư Liệu viết bằng chữ Nôm

1. Lời Nguyện Tâm Quyết. Viết ngày 04-06-1963, 1 tờ. Nội dung là lý do tại sao Ngài phải tự thiêu để bảo vệ Phật giáo, và có lời khuyên Tổng Thống và nhắc nhở tăng ni và Phật tư. Bài này đã công bố nhưng có một vài chi tiết trong bản dịch Việt ngữ không được chính xác.
2. Bài thơ Kệ Xuất Vân. Đây là bài cuối trong năm bài thơ chữ Nôm Ngài viết để lại trước khi tự thiêu.Cuối bài thơ có phần chữ Hán ghi rõ ngày tháng năm sinh, họ tên thật và các đạo hiệu của Hòa Thượng. Đây là một chi quan trọng giải mã cho vài nghi vấn quan trong. Viết trên 1 tờ giấy nhỏ.
3. Diễn văn lễ thỉnh Phật và làm lễ an vị Phật chùa Pháp Hải, xã Ninh Thọ, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, gồm 2 tờ, không đề ngày tháng. Nội dung của văn bản là Hòa Thượng chào đón chư đại đức tăng ni trong tỉnh, quận, xã cũng như chính quyền địa phương và Phật tử xa gần đến dự lễ cung nghinh đức Phật và làm lễ an vị. Hòa Thượng cũng cám ơn các thí chủ người cúng đất kẻ cúng tiền để tạo dựng ngôi chùa mới. Phần cuối có ghi tên của hai Phật tử hỷ cúng. Trong bài diễn văn Hòa Thượng nhấn mạnh sự quan trọng của Tam Bảo, vì lập chùa là để phụng thờ Tam Bảo và nền tàng căn bản cho Phật tử chiêm ngưỡng tượng Phật, tung kinh, tu họccầu nguyện cho quốc thái dân an.

Dựa trên đơn viết tay, đề ngày 11.11.1961, xin phép vào Nam thì lúc đó Hòa Thượng đang làm chức trụ trì chùa Pháp Hải tại thôn Lạc Bình, xã Thọ Ninh, quận Ninh Hòa. Như thế Hòa Thượng làm lễ An Vị Phật khoảng giữa năm 1961, vì cuối năm 1961 Ngài về làm nhậm chức trụ trì và làm lễ khánh thành chùa Long Phước, cùng quận.

4. Diễn văn lễ khánh thành chùa Long Phước, Ninh Quang, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, gồm1 tờ. Viết ngày 6 tháng 11 năm Tân Sửu, tức là ngày 13-12.1961.

5. Diễn văn lễ an vị Phật chùa Quán Thế Âm, 1 tờ. Không ghi rõ ngày tháng, nhưng dựa theo các sổ thu chi của chùa thì lễ an vị Phật được tổ chức vào lễ Trung Nguyên năm 1962.

6. Bài giảng lễ Đức Phật thành đạo tại chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định, 2 tờ. Theo tư liệu các quyển sổ chi và thu thì Ngài làm lễ Đức Phật thành đạo tại chùa Quán Thế Âm vào năm 1962.

7. Diễn giảng, đề ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Hợi (13-5-1959) tại chùa Thiên Phước, quận Cai Lậy. Gồm có 10 tờ. Nội dung đạo Phật là gì, mục đíchtôn chỉ của đạo Phật, trích dẫn các lời Phật dạy, giải thích về tam đức Bi Trí Dũng. Nói về ý nghĩa và sự cần thiết của Tam Bảo, giải thích về Tam Tạng, ba phép quy y. Bài viết chưa hoàn tất, đang bỏ dở dang ở phần cuối.

8. Phật học phổ thông, không đề ngày tháng và nơi viết. Gồm có 23 trang. Nội dung nói về ưu tư cho một chương trình học phật bằng chữ Việt. Các bài viết gồm có nhiều khóa của cấp sơ đẳng. Bài một nói về đạo Phật. Bài hai là lược sử đức Phật Thích Ca từ giáng sanh đến thành đạo. Bài ba lược sử đức Phật Thích Ca từ Thành Đạo đến nhập Niết Bàn. Riêng bài ba mới viết xong phần dàn bài và lời giới thiệu. Trong lời giới thiệu Hòa Thượng định viết bốn bài, nhưng việc viết lách của Hòa Thượng bị ngưng.

9. Lược Sử Đức Phật A Di Đà và 48 Lời Nguyện, gồm có 8 trang viết giấy mặt bên trái không có chữ in của cuốn nông lịch người Trung Hoa in ở Chợ Lớn. Nội dung nói Phật tử tu pháp môn niệm Phật phải biết lịch sửhạnh nguyện của đức Phật A Di Đà. Bài viết giải nghĩa A Di Đà và tóm lược đức Phật A Di Đà qua bốn chuyện tiền thân. Trong dàn bài nhắc ở phần kết luận là nói rằng nhân địa hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà do nhờ Phật Thích Ca chỉ dạy. Khuyên Phật tử noi theo gương Phật mà phát nguyện độ sanh. Bài viết cũng ghi lại 48 đại nguyện của Phật A Di Đà. Rất tiếc là chỉ ghi đến nguyện 22. Còn thiếu 26 lời nguyện và phần kết luận. Theo lời các thầy ở chùa Quán Thế Âm có thể một số trang bị mất trong thời gian Hòa Thượng Thông Bửu ở tù, hoặc trong thời ngôi chùa bị tịch thu và làm tăng xá cho Viện Phật Học.

10. Bài viết Bát Quan Trai Giới, gồm có 4 tờ, viết trên bề tróng của cuốn Nông Lịch. Nội dung giảng về sự quan trọng của sự giữ giới, và giải thích về ý nghĩa của tám giới. Rất tiếc bài viết chỉ giải thích giới thứ nhất là không sát sanh. Còn 7 giới còn lại chưa đề cập tới mặc dù dàn bài ghi rất rõ ràng.

11. Bài viết về Phép Thọ Bát Quan Trai Giới, gồm có 6 trang, viết trên giấy học trò. Nội dung ghi lại nghi thức truyền thọ Bát Quan Trai giới cho Phật tử tại giagiải thích sơ lược qua về 8 giới.

12. Bài viết về “Sáu Phép Lục Hòa.” Phần lớn bài viết mất cả chỉ còn lại trang cuối phần kết luận về sự quan trọng và lợi ích của phép lục hòa trong đạo Phật cần được phải áp dụng.

13. Bài nghề Ủ Nấm Rơm, gồm có bốn trang, viết trên quyển tập lớn loại chi thu. Đây là một bài viết dạy về phương phápkinh nghiệm là nấm rơm rất chi tiết, từ phương pháp lựa đất chọn chỗ làm mô nấm, đến cách ủ nấm, cách săn sóc mô nấm, và cuối cùng là cách thâu hoạch nấm. Bài này có thể viết vào năm 1959, khi Hòa Thượng trụ trì chùa Thiên Phước, quận Cai Lậy.


[1] Về các sách vở liên quan đến sự học tập, giáo dưỡng và hành trì của Hòa Thượng, xin xem thêm Lê Mạnh Thát chủ Biên. Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trá Tim, NXBTH Tp Hồ Chí Minh, 2005, trang 50-51. Đại Đức Thích Như Hoằng, trụ trì tổ đình sắc tứ Thiên Ân (Mỹ Trạch, Ninh Hà, Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đi các chùa nơi Hòa Thượng trụ trì và sưu tập rất nhiều sách vỡ, và các bản khế ước Hòa Thượng để lại. Ngoải ra, tại tủ lưu niệm ở chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, Hòa Thượng cũng để lại các sách vỡ vừa đề cập ở trên.

[2] Cuốn vở ghi lại một số các toa thuốc Nam và thuốc Bắc vẫn còn giữ trong tủ kính tại phòng lưu niệm Hòa Thượng Quảng Đức, chùa Từ Quang. Các bản nguyên văn bằng chữ Hán và Nôm hiện lưu giữ tại chùa Thiên Tứ, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

[3] Thí dụ Bia Ghi Công Đức Bồ Tát Thích Quảng Đức được dựng tại công viên mới thành lập năm 2009 ghi ở trong đoạn mở đầu: "Bồ Tát Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tức sinh năm 1897 (năm Đinh Dậu tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa . . " Ở đây chúng ta thấy tên và năm sinh của Hòa Thượng khác với những gì mà Ngài đã tự ghi ở cuối bài Kệ Xuất Vân.

[4] Về các điểm này, xin tham khảo thêm vác văn kiện số 2 (trang 39-41), số 5 (trang 53-55), số 11 (trang 68-69), và số12 (trang 69-71) chỉ đề cập tới tên thật của Hòa Thượng Quảng Đức là Lâm Văn Tuất. Lê Mạnh Thát, sđd.

[5] Lê Mạnh Thát, sđd, trang 79.

[6] Ở bàn tổ chùa Pháp Hải có một cái linh vị làm bằng gỗ rất đẹp để thờ phụ mẫu của Hòa Thượng Quảng Đức. Nguyên văn chữ Hán. "Phụng vị hiển khảo Lâm Hữu Ứng, Pháp Danh Thị Cảm, hương linh chi vị. Thất nguyệt nhị thập nhật chánh kỵ. Phụng vị hiển tỷ Nguyễn Thị Nương, Pháp Danh Thi Tùng, hương linh chi vị. Ngũ nguyệt tam thập nhật chánh kỵ"

[7] Phỏng vấn Hòa Thượng Chí Tín, tháng 5, 2008.

[8] Tác giả phỏng vấn cụ Lâm Sâm tháng 5, 2008.

[9] Trong các tư liệu còn cất giữ tại chùa Quán Thế Âm có cuốn sổ ghi Hòa Thượng Quảng Đứcđệ tử giáo viên Nguyễn Văn Ba khai giảng trường tư thục Vạn Đức ngày rằm tháng 9 năm Đinh Dậu (1957).

[10] Xin xem thêm Hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hóa chùa Pháp Hải. Tài liệu được viết năm 2009, của Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải có một bản lưu. Khi viết tập hồ sơ này, tác giả không có các tư liệu gốc chữ Nôm và các đơn từ của Hòa Thượng Quảng Đức để lại cho nên nói là chùa được trùng tu năm 1957, thật sự Hòa Thượng về trùng tu chùa năm 1961.

[11] Chính xác mà nói thì chỉ có 204 năm vì từ niên hiệu Cảnh Hưng 17 (1757) đến năm 1962. Trên 400 năm thì nhiều quá.

[12] Sa Môn Thích Thông Bửu. "Bồ Tát Quảng Đức" trong tập Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trá Tim, trang 183.

[13] Toàn văn bản Đơn xin tự thiêu được in lại trong tập Phật Giáo Việt Nam 1963, do Quốc Tuệ sưu tập, trang 99, Saigon, 1964, trang 94-96. Cũng cần nên so sánh bản vài sự khác biệt nhỏ của Đơn xin tự thiêu trong tập sách của Quốc Tuệ với văn bản được in trong tuyển tập Đại Lễ Kỷ Niệm 36 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu và Hiệp Kỵ Chư Thánh Tử Đạo, do Tổ Đình Quán Thế Âm, Phú Nhuận in năm 1999.

[14] Toàn văn bản lá thư phúc đáp được in lại trong tập Phật Giáo Việt Nam 1963, trang 99.

[15] Xin đọc thêm Thích Đức Nghiệp, "Hồ ký đặc biệt: Vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức" trong tập Đạo Phật Việt Nam, Thành Hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh, 1995, trang 196-197.

[16] Năm bài thơ chữ Nôm nổi tiếng của Hòa Thượng được in đi in lại rất nhiều lần. Xin xem Quốc Tuệ, Phật Giáo Việt Nam 1963, trang 103-105; Lê Mạnh Thát, sđd, 27-28.

[17] Bản văn chữ Nôm được thầy Thông Bửu xuất bản trong Tập Sử Liệu Thức năm 1964, hoặc trong các tập kỹ yếu tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức do Tổ Đình Quán Thế Âm, Phú Nhuận in.

[18] Các bản phiên âm Việt Ngữ xuất bản năm 1964, được tìm thấy Tập Sử Liệu Thức (không có ghi số trang), trong Phật Giáo Việt Nam 1963, trang 100-101. Bài văn được in lại trong tuyển tập Bồ Tát Quảng Đức Ngọn Lửa và Trái Tim, trang 25-26. Vào năm 1999, Hòa Thượng Thông Bửu đã cho người dịch lại chính xác hơn, nhưng chỉ lưu hành nội bộ được in trong tập Đại Lễ Kỷ Niệm 36 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu và Hiệp Kỵ Chư Thánh Tử Đạo.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 46865)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.