(PetroTimes) - Cách đây hơn 50 năm, vào năm 1963, một sự kiện tôn giáo độc nhất trong lịch sử Phật giáo nhân loại đã diễn ra tại Sài Gòn. Đó là việc Hòa thượng (HT) Thích Quảng Đức - một cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời đó đã phát nguyện tự thiêu để cứu Phật giáo đang trong thời Pháp nạn. Năng lượng Mới số 304 Kỳ I: Xuất hiện "trái tim bất diệt" Một điều đặc biệt kỳ diệu khác cũng diễn ra ngay sau sự kiện tự thiêu gây chấn động ấy; đó là trái tim của HT Thích Quảng Đức vẫn tồn tại nguyên vẹn hình hài, rắn chắc như một khối đá dù được thiêu trong lò với ngọn lửa lên đến hàng nghìn độ C. Trong khi đó, thi thể của Ngài đã hoàn toàn hóa thành tro bụi. Điều này khiến tất thảy người chứng kiến lấy làm kinh ngạc, trong đó có rất đông phóng viên quốc tế. Sự kiện tự thiêu và “Trái tim bất diệt” của HT Thích Quảng Đức nhanh chóng truyền tụng khắp thế giới. Và kể từ năm đó, trái tim trở thành một Pháp bảo linh thiêng của Phật giáo. Tuy nhiên, cũng có không ít thông tin bày tỏ sự hoài nghi và cho rằng đây là chuyện phi lý. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu bài điều tra của phóng viên nhân 50 năm sự kiện hoằng pháp này. Có thể nói, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, suốt 50 năm qua, hình ảnh HT Thích Quảng Đức tự thiêu giữa ngã tư đường để đấu tranh cứu nguy cho Phật giáo đã trở thành hình ảnh thiêng liêng nhất. Ngọn lửa tự thiêu của Ngài được ví như là ánh sáng của lòng từ bi, ánh sáng của chân lý trong tín ngưỡng Phật giáo nước ta. Hòa thượng Thích Quảng Đức viết thư tự thiêu Ở Bồ tát Thích Quảng Đức còn có một câu chuyện khác gây chấn động thế giới, đó chính là trái tim xá lợi của Ngài, hay còn được gọi là “Trái tim bất diệt”. Là một Phật tử tại gia, thường xuyên tham gia các Phật sự, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện với quý Tăng ni, Phật tử. Tôi được nghe kể nhiều về Bồ tát Thích Quảng Đức, về “ánh lửa nhiệm mầu” và “Trái tim bất diệt”; cũng như suốt 50 năm qua, Tăng ni, Phật tử và những người không tôn giáo đã tôn vinh Bồ tát Thích Quảng Đức. Song hầu như chưa có cuộc bàn thảo nào để giải thích vì sao là một người bằng xương bằng thịt lại không sợ hãi, ngồi kiết già trong khi ngọn lửa đang rực cháy? Vì sao một trái tim vật chất bình thường lại “hóa đá” dưới ngọn lửa hàng nghìn độ C? Và trái tim Bồ tát hiện còn tồn tại hay không, nếu còn thì đang được cất giữ nơi nào?... Cũng xuất phát từ rất nhiều bí mật chưa được hé lộ đó, tôi đã quyết tâm đi tìm hiểu về trái tim Pháp bảo! Có thể nói, tôi khá may mắn trong quá trình tìm hiểu trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là nhờ vào sự quen biết trong giới Tăng ni, Phật tử tại TP Hồ Chí Minh. Đầu tiên là từ một vị sư, Pháp danh là Thích Minh Phú - cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) hiện đang tu tại Tịnh xá Ngọc Chánh (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã cho tôi mượn một quyển sách cũ mang tên “Phật giáo tranh đấu”. Quyển sách này có viết sơ lược về Bồ tát tự thiêu và “Trái tim bất diệt”, được xuất bản vào tháng 2/1964. Quyển sách cũng chính là tập tài liệu và hình ảnh xác thực nhất trong các vụ Phật giáo tranh đấu từ tháng 5 đến tháng 11-1963 ở nước ta. Đặc biệt, sư Phú này đã tiết lộ một thông tin mà sư đã nghe được trước đó rằng, có một vị hòa thượng duy nhất còn tại thế trong 3 vị hòa thượng cất giữ “chìa khóa” để mở cánh cửa bí mật về “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Hòa thượng đó hiện đang là trụ trì một Tịnh xá tại TP HCM và giữ một chức vụ cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng Nhưng, trước khi đi tìm câu trả lời trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đang ở đâu thì chúng ta cần hiểu biết về câu chuyện tự thiêu cũng như sự kiện xuất hiện “Trái tim bất diệt” như thế nào! Qua một số tài liệu, sách cũ mà sư Phú cung cấp, tôi biết được có một vị HT khác là một nhân chứng sống của toàn bộ quá trình tự thiêu và sự xuất hiện của “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Đó chính là HT Thích Đức Nghiệp, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng cũng chính là người đã trực tiếp tổ chức lễ tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Khi đó Hòa thượng là một Đại đức, thành viên của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn. Có căn duyên và may mắn, chúng tôi tìm được và đã trò chuyện cùng HT Đức Nghiệp ngay tại chùa Vĩnh Nghiêm, ở quận 3, TP HCM. Khi tôi thỉnh cầu HT kể lại câu chuyện của hơn 50 năm trước, HT đã rất xúc động. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng những chi tiết về thời khắc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn in đậm trong tâm trí của HT như là chuyện vừa mới xảy ra. Ngược thời gian về hơn 50 trước, vào năm 1963, một Pháp nạn Phật giáo đã xảy ra dưới thời của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiều chùa chiền bị cảnh sát phong tỏa, các vị tôn túc Tăng ni, Phật tử bị bắt bớ, giam cầm; các cuộc biểu tình của giới Phật giáo tại Huế, Sài Gòn bị đàn áp… Khoảng 20 giờ ngày 10-6-1963, Thượng tọa Tâm Châu cùng Thiện Hoa ở chùa Xá Lợi (quận 3, TP HCM) cho xe vào chùa Ấn Quang (quận 10, TP HCM) mời HT Thích Đức Nghiệp ra chùa Xá Lợi bàn Phật sự gấp. Thượng tọa Tâm Châu nói với HT Đức Nghiệp rằng: Thầy về hỏi lại ý kiến tự thiêu của HT Thích Quảng Đức trước đó, nếu HT đồng thuận thì ngay sau khóa lễ cầu siêu ở Phật Bửu Tự ngày mai, trên đường về Xá Lợi, thầy tìm cách hiệu quả nhất để HT Quảng Đức được tự thiêu... Sau đó, HT Đức Nghiệp quay về chùa Ấn Quang gặp HT Thích Quảng Đức ở đấy. Sau khi nghe HT Đức Nghiệp trình bày sự việc, HT Quảng Đức mừng rỡ trả lời rằng: “Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn 5 nguyện vọng bình đẳng cho Phật giáo”. Xá lợi trái tim HT Thích Quảng Đức sau lễ Trà tỳ ở An Dưỡng Địa HT Đức Nghiệp kể lại rằng, ngay tối đó ông đến phòng của Thượng tọa Thiện Hoa xin ít tiền mua xăng và vải để viết biểu ngữ cho sáng hôm sau. Kế đến, ông còn phân chia công việc cho các thầy khác để chuẩn bị cho việc tự thiêu của HT Quảng Đức hôm sau. Về phần HT Thích Quảng Đức, cũng ngay trong tối hôm đó HT đã viết bản “Lời nguyện tâm huyết” với 4 nội dung chí nguyện của mình khi tự nguyện thiêu thân. Nội dung chính là mong chính quyền họ Ngô sáng suốt chấp nhận những nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo, đồng thời nguyện cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn. Sau này tôi có dịp tìm đến chùa Xá Lợi và trò chuyện với Thượng tọa Thích Đồng Bổn, hiện là Trụ trì chùa, Thượng tọa cũng là nhà nghiên cứu và nắm rất rõ về những thăng trầm lịch sử của Phật giáo Việt Nam; đặc biệt là giai đoạn Phật giáo đấu tranh và sự kiện tự thiêu của HT Thích Quảng Đức năm 1963. Thì ra, Thượng tọa Đồng Bổn cũng là một nhân chứng sống. Thượng tọa cho biết trước khi HT Thích Quảng Đức tự thiêu, Ngài xin giáo hội 3 lần nhưng không ai đồng ý, đến lần thứ ba HT có nói việc tự thiêu là tâm nguyện của bản sư, giáo hội không đồng ý thì Ngài cũng làm vì tự thiêu là truyền thống gia đình. Và lần này thì giáo hội đồng ý. “Mà thật, tôi về quê của HT mới biết đã có nhiều người trong gia đình Hòa thượng đều tự thiêu vì nhiều lý do khác nhau” - Thượng tọa Thích Đồng Bổn cho biết. Theo kế hoạch, khoảng 10 giờ sáng ngày 11/6/1963, cuộc diễu hành của các Thượng tọa, Tăng ni, Phật tử kéo đến ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (ngày nay là Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu). Khi ấy, HT Thích Quảng Đức bước xuống xe, bình thản ngồi kiết già giữa ngã tư đường, một vị sư đã đến tưới xăng ướt hết cả mấy lớp cà sa, y hậu của HT Thích Quảng Đức và sau đó HT đã tự tay mình châm lửa bằng hộp quẹt mà HT Thích Đức Nghiệp trao. HT Đức Nghiệp bùi ngùi kể lại: “Ngọn lửa bùng bùng bốc lên ngất trời, HT Quảng Đức vẫn an nhiên tĩnh tọa, gương mặt không hề biến sắc. Khi ấy các Tăng ni quỳ quanh HT chắp tay tụng kinh; các Phật tử đứng vòng ngoài ai cũng quỳ xuống. Lệ rơi và tiếng khóc vang trời!”. Ngay lúc đó, HT Đức Nghiệp đã yêu cầu 20 vị Tăng ni ra nằm chặn 4 đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào chỗ HT tự thiêu được. “Tôi vẫn nhớ, trong lúc diễn ra cuộc tự thiêu này, có cả đại diện Hãng thông tấn AFP của Pháp, AP của Mỹ và Đại tướng Mỹ Hankins cũng đến chỗ tự thiêu này. Ngoài ra còn rất nhiều ký giả trong nước và thế giới khác” - HT Đức Nghiệp cho biết. HT Thích Đức Nghiệp, người đã tổ chức lễ tự thiêu của HT Thích Quảng Đức Khoảng 15 phút sau, ngọn lửa thiêu ấy mới tàn và thi hài HT Thích Quảng Đức bắt đầu ngả về phía sau, Ngài nằm ngửa, trên tay vẫn còn kiết ấn Cam Lồ. Sau đó, thi hài Ngài được rước về chùa Xá Lợi trong một lá cờ Phật giáo lớn, dài khoảng 5-6m. HT Đức Nghiệp nhớ rõ là khi vừa về đến chùa Xá Lợi thì trời đổ cơn mưa, giông gió liên hồi. Liền sau đó, làn sóng người từ bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để chiêm bái vị Bồ tát thiêu thân, bất kể mưa gió và hàng rào kẽm gai của cảnh sát Sài Gòn đang bủa vây chùa. Đài phát thanh và báo đài khắp thế giới đều đưa tin về cuộc tự thiêu này. Riêng tại Việt Nam khi ấy, tất cả báo chí đều bị chính phủ Ngô Đình Diệm thâu tóm, kiểm soát và cấm không cho đăng bất cứ một thông tin nào về cuộc tự thiệu đó. Thông tin một vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam tự thiêu mình để đấu tranh đòi bình đẳng cho Phật giáo đã làm rung chuyển lòng người trên khắp địa cầu, năm châu bốn biển, đã làm cho cả một chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm phải lung lay. Vì thế, ông Diệm đã thúc giục hai bên, Ủy ban Liên bộ và Ủy ban Liên phái, sớm ngồi hội nghị và cùng ký bản thông cáo chung. Cũng chính nhờ công đức hy sinh cao cả của HT Thích Quảng Đức mà ông Diệm ra lệnh phải giải tỏa tất cả các chùa, đồng thời dùng máy bay dân sự đặc biệt để đón các vị HT, thượng tọa từ Huế vào Sài Gòn, để tiến hành gấp thủ tục và nhân sự cho phái đoàn Đại diện Ủy ban Liên phái, đi dự hội nghị cùng Ủy ban Liên bộ tại hội trường Diên Hồng, Sài Gòn, từ ngày 14 tới sáng ngày 16-6-1963. Kết quả hội nghị này là hai bên đã nhất trí đưa ra một bản thông cáo chung, trong đó có chữ ký của HT Thích Tịnh Khiết và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng sự thật thì chính quyền Ngô Đình Diệm ký thông cáo chung với Phật giáo chỉ là một kế hoãn binh để tạm thời xoa dịu khí thế của Phật giáo đang lên, được mọi người trong nước và ngoài nước tích cực ủng hộ về mặt ảnh hưởng và công luận mà thôi. Tác giả (người cầm bút) đang trò chuyện cùng Thượng tọa Thích Đồng Bổn Có nhiều ý kiến thắc mắc rằng, tại sao nhục thân của HT Thích Quảng Đức lại được đưa về chùa Xá Lợi mà không phải là Tổ đình Quán Thế Âm, ngôi chùa cuối cùng mà Ngài đang xây dựng dở dang? Theo tìm hiểu lịch sử chùa Xá Lợi, chúng tôi được biết rằng, chùa này chính là trụ sở chính thức của cư sĩ và cũng là Tổng hội Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài ra, chùa Xá Lợi còn là cơ quan đầu não của cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo. Một tuần lễ sau đó, cụ thể là vào ngày 17/6/1963, thi thể của HT Thích Quảng Đức được đưa từ chùa Xá Lợi tới An Dưỡng Địa (Phú Lâm, TP HCM) để làm lễ Trà tỳ (hỏa thiêu). Đây cũng chính là lần đầu tiên mà nhân dân Sài Gòn, Gia Định lúc bấy giờ tham dự một đám tang đặc biệt trọng thể. Từ sáng sớm đã có hàng trăm ngàn Phật tử từ các nơi kéo tới chùa để chuẩn bị đưa thi thể HT. Đầu mỗi con hẻm đều có bàn hương án, hai bên đường từ chùa Xá Lợi đến An Dưỡng Địa dài hàng chục kilômét đông nghẹt người đứng tiễn đưa Hòa thượng. Tới An Dưỡng Địa, thi thể Hòa thượng được đưa vào lò hỏa thiêu. Khi ngọn lửa nổi lên thì có một sự kiện huyền bí xuất hiện: ngọn lửa không thiêu được trái tim của HT Thích Quảng Đức, trong khi thi thể thì đều hóa thành tro trắng. Trong tro tàn xuất hiện một khối rắn chắc như đá với hình dáng rõ ràng của một trái tim. Thượng tọa Thiện Hòa là người chủ trì lễ Trà tỳ khi đó mới cho trái tim vào lò thiêu lại với nhiệt độ lên đến mấy trăm độ C nhưng vẫn không cháy. HT Đức Nghiệp cho biết đây là sự việc mà chính Hòa thượng cùng khoảng 50 ký giả trong nước và quốc tế đã chứng kiến. Thế là chỉ trong vòng 1 giờ sau, thông tin về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức lan truyền khắp nước và trên thế giới. Sau đó, trái tim được rước về chùa Xá Lợi để thờ. Chính quyền họ Ngô lập tức cử trùm mật vụ Trần Kim Tuyến đến chùa Xá Lợi khám nghiệm quả tim. Sau một hồi khám nghiệm bằng những hóa chất và phương tiện khoa học hiện đại thì bác sĩ này đành chắp tay vái lạy mà rút lui, sau đó có phúc trình với chính quyền về sự tồn tại kỳ diệu của quả tim. Theo Thượng tọa Thích Đồng Bổn tìm hiểu thì trước đó, giới khoa học Mỹ cũng đã đến kiểm nghiệm thực hư về trái tim đốt không cháy của HT Thích Quảng Đức vì họ không hề tin có chuyện này. Họ yêu cầu được tiến hành thiêu lại bằng công nghệ của họ, mà theo Thượng tọa Đồng Bổn cho biết là nhiệt độ thiêu lên đến hàng nghìn độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ đó cũng không thể nào làm tan chảy “trái tim bất diệt” của HT Thích Quảng Đức.
2 (PetroTimes) - Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức trở thành biểu tượng đấu tranh bất bạo động của Phật giáo nước ta và nhiều nước khác trên thế giới; một biểu tượng mà sau Thánh Gandhi thì trên thế giới không còn ai khác nữa. Từ đó, Phật giáo khắp nơi trong cả nước nổi lên đấu tranh, làm chính quyền hoang mang, lo sợ. Vì thế nhiều người đã muốn đánh cắp trái tim đó, như cách để dặp tắt ngọn lửa đấu tranh của Phật giáo lúc bấy giờ… Hé lộ nơi cất giữ trái tim Phật bảo Trong quá trình đi tìm bí mật “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, chúng tôi có tìm đến Tổ đình Quán Thế Âm trên đường mang tên của Bồ tát, đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TP HCM (50 năm trước, địa chỉ của Quán Thế Âm là 68 Nguyễn Huệ, Quận Phú Nhuận). Đây là ngôi chùa thứ 31 mà Bồ tát Thích Quảng Đức đã trùng tu, xây dựng trong suốt hành trình hoằng dương chánh pháp từ miền Trung vào miền Nam; Tổ đình Quán Thế Âm cũng chính là di tích cuối cùng Bồ tát Thích Quảng Đức làm trụ trì trước khi tự thiêu. Đây hiện là nơi duy nhất còn lưu giữ đầy đủ những hiện vật của Bồ tát khi tại thế, cũng như là nơi lưu giữ những hình ảnh, tài liệu quan trọng nhất về cuộc đời Bồ tát. Trụ trì của Quán Thế Âm kế vị Bồ tát Thích Quảng Đức chính là vị trưởng Pháp tử của Ngài, Hòa thượng Thích Thông Bửu. Nhưng, Hoà thượng Thích Thông Bửu cũng đã viên tịch mấy năm trước. Vị trụ trì đương nhiệm là Thượng tọa Thích Giác Trí. Ảnh ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức do một phóng viên nước ngoài chụp lại. Thượng tọa Giác Trí đón chúng tôi tại phòng làm việc. Sau khi chia sẻ thông tin về Bồ tát Thích Quảng Đức, ông đưa tôi đến phòng thờ Bồ tát, cũng là nơi đang cất giữ những hiện vật như giường ngủ, y, bát, tọa cụ, hình ảnh lúc sinh thời của Bồ tát... Nơi đây, Thượng tọa đã tìm và trao cho tôi một tài liệu quý của cố Hòa thượng Thích Thông Bửu viết về thầy của mình khi ông còn tại thế, vào khoảng 8 năm trước. Hòa thượng Thông Bửu kể lại trong tài liệu này rằng sau khi biết có “trái tim bất diệt” tồn tại, chính quyền mở chiến dịch “nước lũ” tấn công các chùa chiền, bắt Tăng Ni giam nhốt. Điểm trọng yếu của chiến dịch “nước lũ” này là tấn công chùa Xá Lợi, bắt toàn bộ lãnh đạo và cướp “trái tim bất diệt”. Đoán biết trước được âm mưu này nên các vị chư tôn đức giáo phẩm tại chùa Xá Lợi đã làm giả một trái tim khác bằng thạch cao để thờ. Còn trái tim thật của Bồ tát thì mang đi ký gửi vào ngân hàng Pháp tại Sài Gòn để bảo mật. Việc ký gửi có dán niêm phong chữ ký của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Từ Nhơn. Phóng viên trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, người đã tổ chức Lễ tự thiêu cho Bồ tát Quảng Đức năm 1963 Tuy nhiên, diễn biến cụ thể hơn về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức ở chùa Xá Lợi sau khi đưa từ An dưỡng địa về thờ thì có lẽ Thượng toạ Thích Đồng Bổn, trụ trì hiện tại của chùa là người hiểu rõ nhất. Ngài đã kể lại với chúng tôi rằng, trái tim được đưa về chùa Xá lợi và thờ tại đây khoảng hơn 3 tháng. Từ sau sự kiện tự thiêu và “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức xuất hiện, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở khắp các địa phương tỉnh thành trên cả nước bùng phát mạnh mẽ. Do trái tim đã trở thành biểu tượng đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, chính quyền rất lo sợ và tìm mọi cách đánh cắp trái tim để dập tắt phong trào đấu tranh này. Không những thế, một vài thế lực ngoại quốc cũng manh nha đánh cắp trái tim ấy. Nhưng ngay trong đêm mật vụ xong vào áp đảo nhà chùa để lấy đi trái tim thì nhà chùa đã được mật báo trước. Không những thế, Hòa thượng Trí Quang cũng dự đoán trước được tình hình nên khi có biến cố, ông đã ôm trái tim nhảy qua bên kia hàng rào vào Toà Đại sứ của Mỹ tại Sài Gòn và trốn thoát được. Còn về trái tim giả, hay còn gọi là trái tim mô phỏng thì hiện tại vẫn còn được lưu giữ tại Tổ đình Quán Thế Âm. Trái tim mô phỏng ấy được Thượng toạ Đồng Bổn miêu tả là rất khác với trái tim thật vì nó to lớn hơn. Trong khi trái tim thật sau nhiều lần nung thì chỉ còn to hơn hạt mít, màu nâu đen. Thế là “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức được cất giữ trong ngân hàng Pháp tại Sài Gòn từ khoảng tháng 09/1963 cho đến sau ngày 30/04/1975. Khi tủ sắt được mở ra, cố HT Thích Thông Bửu, người chứng kiến trực tiếp khi đó đã miêu tả lại rằng: Quả tim vẫn còn nằm trong chiếc hộp, trên hộp có bảo quản bằng một sợi dây bằng đồng hình chữ thập và có hai hàng chữ: “Lệnh niêm phong của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”. Hôm đó, dây niêm phong hình chữ thập chỉ bị cắt một góc, ba góc còn lại vẫn nguyên. Như vậy là trái tim chưa hề bị đưa ra khỏi hộp trước đó… Nhưng sau gần 40 năm kể từ lần ký gửi vào năm 1975 đó, trái tim liệu có còn tồn tại hay không và chính xác thì hiện nay đang được cất giữ nơi nào, sau nhiều thay đổi của lịch sử? Đó hiện vẫn là một câu hỏi lớn của rất nhiều Tăng Ni, Phật tử mong muốn được rõ; cũng như họ mong muốn được một lần chiêm bái Pháp bảo ấy của Phật giáo Việt Nam…
3 (PetroTimes) - Lại nhắc về câu chuyện vị Hòa thượng duy nhất còn tại thế trong 3 vị Hòa thượng nắm giữ “chìa khóa” bí mật về “trái tim bất diệt” mà một vị sư đã chia sẻ với tôi trước đó, không ai quá xa lạ, đó chính là Hòa thượng Thích Giác Toàn. Hòa thượng hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng ban Tài chính Trung ương – Thường trực lãnh đạo hệ phái Khất sĩ – Trụ trì Tịnh xá Trung tâm, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ngoài ra Ngài còn là Phó Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM và là Phó Tổng biên tập báo Giác Ngộ. Hòa thượng được nhiều Phật tử kính ngưỡng từ những bài Pháp thoại được đăng tải trên các trang mạng. Khi nghe tôi trình bày về nguyện vọng đi tìm “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng tỏ ra rất hoan hỷ khi một tờ báo của ngành Dầu khí lại quan tâm nhiều đến Phật giáo như thế. Hòa thượng đã sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn ngay hôm sau, tại tòa soạn báo Giác Ngộ. Tại cuộc gặp, Hòa thượng xác nhận rằng mình là nhân chứng duy nhất còn tại thế trong 3 vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra ký gửi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào lại một ngân hàng khác, vào một trưa Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1991. Và đó cũng chính là lần ký gửi trái tim sau cùng cho đến hiện tại. Hòa thượng Thích Giác Toàn – người duy nhất còn tại thế đại diện ký gửi trái tim Bồ tát vào ngân hàng. Trong cuộc trao đổi về “Trái tim bất diệt”, Hòa thượng có chia sẻ thêm một số chi tiết mà ít ai biết đến về quá trình cất giữ trái tim. Thật ra, tổng cộng đã có 3 lần Phật bảo được ký gửi vào ngân hàng trong vòng hơn 50 năm qua. Lần thứ nhất là vào năm 1963, lần thứ hai là vào năm 1981 và lần thứ ba vào năm 1991. Nhưng trong 3 mốc thời gian đấy có một số thay đổi địa điểm cất giữ trái tim. Cụ thể là vào thời điểm sau 30/04/1975, theo quy định chung thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) sẽ tiếp quản các ngân hàng tại Sài Gòn, trong đó có Ngân hàng Pháp, nơi cất giữ trái tim Bồ tát từ năm 1963. Thế nên NHNHVN đã tiếp nhận trái tim và chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội để lưu giữ, bảo quản. Đến năm 1981 thì đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cơ quan chức năng liên quan đã bàn ký gửi lại ngân hàng tại Hà Nội, đó là lần ký gửi thứ hai. Đến năm 1991, cơ quan chức năng mới chuyển trái tim Bồ tát về lại TP HCM cất giữ trong NHNNVN tại đây. Sau đó, đại diện NHNNVN và cơ quan chức năng đã mời đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tiếp nhận lại Pháp bảo này. Hòa thượng Giác Toàn vẫn nhớ rõ bên nhận lại trái tim khi đó gồm các chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội như: Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Từ Nhơn – Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Giác Toàn, khi đó là một Thượng tọa giữ chức vụ Ủy viên kiểm soát Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó ban trị sự Giáo hội Phật Giáo TP HCM. Phía môn đồ đệ tử Bồ tát Thích Quảng Đức thì có Trưởng Pháp tử là Hòa thượng Thích Thông Bửu. Các vị đại diện Giáo hội trên có trách nhiện đón nhận lại quả tim mà Ngân hàng và các cơ quan bàn giao lại. Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức Đó cũng chính là lần đầu tiên mà Hòa thượng Giác Toàn tận mắt chứng kiến trái tim Pháp bảo. Theo Hòa thượng miêu tả lại thì trái tim Bồ tát được giữ bên trong một tháp đồng, cao khoảng 0,5 mét, rộng khoảng khoảng 0,3-0,4 mét. Trên tháp đồng vẫn còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Từ Nhơn – hai đại diện đã đứng ra ký gửi trái tim vào ngân hàng năm 1963. “Sau nhiều năm qua không ai dám mở tháp ra để xem trái tim thế nào! Thứ nhất bởi vì đó là một Pháp bảo linh thiêng của Phật giáo. Thứ hai là vì trái tim đó cũng là một vật thể của con người bằng xương bằng thịt. Sau 50 năm qua, chưa có nhà khoa học nào kiểm tra xem trái tim thế nào nên không ai mà dám mở. Vì theo thông thường thì một vật thể bình thường của con người sau từng ấy năm gặp gió là tan” – Hòa thượng Giác Toàn chia sẻ. Tủ đựng các di bảo vật của Hòa thượng Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm Khi đó, đại diện NHNNVN cho biết đã cất giữ và bảo quản tốt trái tim kể từ sau ngày 30/04/1975 và nay muốn trao lại cho đại diện Phật giáo. Nhưng Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết là chư tôn đức giáo phẩm sau khi bàn bạc đã đi đến quyết định thống nhất là gửi trái tim lại cho NHNNVN bảo quản. Lý do chính là vì khi đó, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có bảo tàng nào để bảo quản và tôn trí “trái tim bất diệt” cho tương xứng nên các hòa thượng không ai dám nhận về. Thế là các vị chư tôn đức giáo phẩm đã làm thủ tục ký gửi trái tim Bồ tát lại ngân hàng. Đó là vào một buổi trưa những ngày cuối tháng 04 năm 1991, tại văn phòng làm việc của NHNNVN tại TP HCM. Đại diện bên gửi gồm có 3 vị là Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thượng tọa Thích Giác Toàn. Bên nhận gồm có ông Trịnh Thanh Tùng - Vụ phó Vụ phát hành kho quỹ NHNN, bà Trần Thị Kim Liên - Kế toán NHNN, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP HCM, ông Bùi Văn Hàn - Cục phó Bộ Nội vụ, ông Đỗ Quốc Dân - Phó Ban Tôn giáo TP HCM. “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức là một bảo vật vô giá, chẳng những của Phật giáo Việt Nam mà là của Tổ quốc Việt Nam. Do tính chất đặc biệt thiêng liêng ấy nên nghi thức ký nhận và bàn giao gửi được tiến hành một cách rất nghiêm cẩn với các thành phần được quần chúng hoàn toàn đặt niềm tin” – Hòa thượng Giác Toàn cho biết. Văn bản ký gửi trái tim lần thứ 3 này mang số 03.BB.TG, hiện Trung ương Giáo hội vẫn còn đang giữ. Thượng tọa Thích Giác Trí. Khi biết được thông tin về nơi đang cất giữ trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức tại NHNNVN chi nhánh TP HCM từ các vị Hòa thượng, tôi đã liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận thông tin. Tuy nhiên, một kết quả hoàn toàn bất ngờ đã xảy ra, đại diện NHNNVN Chi nhánh TP HCM đã trả lời bằng công văn rằng sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát kho quỹ và các chứng từ, tài liệu hiện đang lưu trữ thì cho thấy ngân hàng không lưu giữ bất kỳ hiện vật nào là “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Cũng như họ không lưu giữ bất kỳ tài liệu hay thông tin gì liên quan đến trái tim ấy… Thú thật, đó là một kết quả khiến chúng tôi quá bất ngờ và cảm thấy khá hụt hẫng khi nghĩ về một quá trình dài đi tìm hiểu về trái tim vừa qua! Chúng tôi liên hệ lại với Hòa thượng Giác Toàn để báo tin này, Hòa thượng cũng lấy làm bất ngờ và hỏi lại tôi rằng: “Anh có chắc đến đúng địa chỉ NHNNVN tại số 19 Bến Chương Dương không?”. NHNNVN Chi nhánh TP HCM thì tôi đã đến đúng, nhưng “Số 19 Chương Dương” mà Hòa thượng nhắc lại là địa chỉ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)! Hòa thượng cho biết chỉ nhớ là số đó, đường đó, nhưng không chắc chắn vì sự việc xảy ra cũng khá lâu rồi. Ngay sau đó, Hòa thượng có hỏi lại một vài vị tôn túc lãnh đạo khác của Trung ương Giáo hội thì biết chắc chắn là trái tim đang được giữ ở NHNNVN Chi nhánh TP HCM. Chùa Xá lợi, nơi nhục thân và trái tim của Hòa thượng Quảng Đức được lưu giữ Sau đó, một mặt chúng tôi trực tiếp liên hệ và gửi công văn đến Ngân hàng Vietcombank để xác nhận về thông tin cất giữ trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức. Bởi theo chúng tôi tìm hiểu thì ngân hàng này được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/1963, tức trùng khớp với khoảng thời gian diễn ra sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Hơn thế, ngân hàng Vietcombank còn có tiền thân là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên kết quả vẫn là không tìm thấy! Song song đó, chúng tôi cũng đã liên hệ trực tiếp đến Trụ sở chính của NHNNVN tại Hà Nội. Đại diện ngân hàng, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ có công văn xác nhận rằng: NHNNVN, Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại TP HCM đang lưu giữ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức! Như vậy, cuối cùng thì chúng tôi cũng xác định được chính xác nhất về sự tồn tại và nơi cất giữ trái tim Bồ tát, dù yêu cầu về việc được tiếp cận quan sát trái tim đã không được chấp nhận. Đại diện NHNNVN cho biết ngân hàng chỉ là nơi giữ hộ về hiện vật, không có thông tin cũng như thẩm quyền cung cấp thông tin. Lê Trúc (http://petrotimes.vn/) |