Tùy bút: thi ca của mẹ, thủ bút của cha

10/07/20193:29 SA(Xem: 2417)
Tùy bút: thi ca của mẹ, thủ bút của cha

Tùy bút

THI CA CỦA MẸ, THỦ BÚT CỦA CHA


blank

          Trong lúc lục soạn trong bọc thư từ, giấy tờ cũ xưa mà Mẹ đã giao lại cho tôi gìn giữ, tình cờ phát hiện một bài thơ của Mẹ được viết trên giấy vở học trò mà nét chữ chính là của Cha tôi.

          Từng chữ nghiêng nghiêng mà vững chãi, từng hàng nắn nót thắm yêu thương.
          Chữ của Cha thật đẹp nhìn là thấy rồi, nhưng tôi còn có thể nhìn và cảm thấy được thêm niềm vui và sự trân trọng của người hạ bút trước một tác phẩm thi ca của người mà Cha trân quý.

          Cha cũng viết văn, cũng làm thơ, cũng vẽ tranh, nhưng Cha luôn thu bóng, bước lùi ra phía sau lưng của một nữ thi nhân, lặng thầm đứng đó mà dõi mắt theo để bất cứ thời khắc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức cho những vần thơ thăng giáng uyển chuyển giữa dòng Đời lung linh pháp Đạo.

         Bài thơ này tôi chưa thấy được in trong các tập thơ của Mẹ bao giờ. Xin trân trọng giới thiệu cùng chư vị yêu thi ca:

blank

NGOẠN CẢNH ĐÊM NGUYÊN TIÊUGIÀ LAM NĂM 1980

Đêm nguyên tiêu Già Lam ngoạn cảnh
Dòng chuông ngân song sánh dòng trăng
Sư già hay khách thi nhân
Đang thời Bát Nhã hay Xuân Thúy Kiều?
Ai vừa mới buông chèo cập bến
Từ cung trăng uyển chuyển lên bờ
Sen vàng bước bước nở hoa
Cá theo đảnh lễ Phật Bà Quan Âm
Vườn Già Lam thưởng trăng nhân thế
Mõ chuông dồn giục kệ nhập thơ
Tùng xuê trúc hóa la đà
Mười bông sứ trắng đốm ngà ngọt sao…
Hương nguyên tiêu ngọt ngào vương giả
Cúc phương phi đại đóa tròn gương
Se se trăng vấn màn sương
Màn sương buông xuống Già Lam ảo huyền
Phật Tam Thế tòa sen di động
Cuộc dạ du vắng lặng tròn đầy
Quán Âm tà áo tung bay
Nghiêng mình cung kính mở tay rước mời
Lầu chuông tiếng chuông rơi thánh thót
Giục trăng lên eo óc canh gà
Giấc thiền sực tỉnh Sư già
Đầy mình trăng sáng ngỡ là ban mai.

                     Ghi chú của TKVH: Già Lam trong thơ chính là Tu Viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp- Sài Gòn).


blank

       

               Và thêm đây nữa: "HƯƠNG ĐẠO HẠNH" , là tên của tập thi ca Phật giáo mà tôi còn lưu giữ trong tủ sách.
               - Thượng tọa Thích Thiện Siêu giới thiệu
               - Sư bà Thích Nữ Diệu Không đề tựa
               - Lời bạt của Dương Chi
               - Tranh bìa của Nguyễn Uy
               - Trình bày: Hồ Trường An
               - Tất cả đặc biệt in trên giấy Bạch Hạc, có chữ đề tặng & ấn triện son của tác giả. Hoàn tất ấn loát vào Mùa Kiết Hạ năm Giáp Dần.


               Đây cũng là tập thơ tôi mua được ở một xe đẩy bán sách cũ bên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám vào năm 2000, với giá thật mềm mại chỉ 5.000 đồng. Tôi mang về dâng tặng Mẹ món quà tinh thần bất ngờ này, Mẹ rất vui, cảm động, vì chính Mẹ là tác giả Tâm Tấn, đã từ lâu không còn giữ được bản nào trong nhà.
               Chừng 5 năm sau, Mẹ bàn giao lại những tập thơ, quyển sách, thư từ... của Mẹ để tôi đưa về thư phòng tư thất mà lưu giữ cho anh chị em con cháu.
                Khi nhận lại tập thơ HĐH từ Mẹ, lật giở bên trong, tôi rất ngạc nhiênxúc động khi thấy có đính kèm bên trong một trang giấy pelure được đánh máy chữ, là bản sao của "Giấy Phép" xuất bản "Hương Đạo Hạnh" cấp vào năm 1973.
              Giấy phép này của Ban Kiểm Duyệt Quân Khu 2, Đại diện Dân Vận kiêm Chủ tịch Ủy Ban Kiểm Duyệt QK2 là ông Ngô Đình Hoán đóng dấu ký tên vào ngày 08/8/1973.

blank
              Đáng lưu ý là phần kiểm duyệt có ghi rõ "Xóa bỏ toàn bài Tiếng Nói Của Người Điên nơi trang 30 & 31 của bản thảo." Bài thơ này chắc là tác giả mượn người điên để cất lên tiếng lòng đã "động chạm" vào vấn đề nhạy cảm giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc. Tôi lưu tâm, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa tìm thấy bản thảo nguyên văn thi phẩm bị duyệt bỏ này, hỏi Mẹ thì Mẹ cũng quên, và không nhớ bản thảo đang nằm ở đâu trong các tập thơ, giấy tờ.
Xem kỹ, sẽ thấy "Giấy Phép" được cấp cho Đại đức Thích Đức Chơn, là Giám đốc của Nhà In Hoa Sen, Văn phòng đặt tại 120 đường Độc Lập -Nha Trang. Sau năm 1975, thầy vô Sài Gòn, an trú tu hànhTu Viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp), và viên tịch vào năm 2017.
https://phatgiao.org.vn/tieu-su-co-hoa-thuong-thich-duc-cho…

blankblank
                Thêm một chi tiết thú vị nữa, đó là "Giấy Phép" xuất bản này chỉ là một Bản Sao, được công chứng bởi Tòa Thị Chính Tỉnh Khánh Hòa, được chứng ngày 31 tháng 5 năm 1974, do Phó Trưởng Ty Hành Chính ký tên & đóng dấu: Bửu Đáo.
                Cha kính yêu của tôi đó!
               Tất cả những kỷ vật này sẽ được tôi gìn giữ cẩn thận, truyền lại cho thế hệ con cháu, như những vật gia bảo.

                                                                           Tâm Không - Vĩnh Hữu



                          




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Là một Phật tử dù đức tin có vững vàng đến đâu mà những hình ảnh, tin tức xấu xí về Phật giáo hàng ngày cứ đập vào mắt mình như thế, tôi cảm thấy rất đau lòng!
Những ngày gần đây lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Xem qua nhiều clip và đọc một số bình luận thấy có người khen kẻ chê, người tán dương, kẻ dè bỉu.. Nhưng nói chung tôi thấy Thầy được cung kính nhiều hơn. Xin có những thiển ý như sau qua hiện tượng này.
Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau :