Được sống và chứng kiến hai mùa Đại lễ Phật đản ở hai thời điểm khác nhau, hai cách tổ chức cũng khác nhau, nhưng có điểm chung nhất là Đại lễ Phật đản trang nghiêm, hoành tráng, đầy niềm tự hào, thật không thể nào quên. Đó chính là mùa Phật đản PL.2508 (1964) tổ chức tại TP Sài Gòn và mùa Phật đản Vesak 2008, PL.2552 tổ chức tại Hà Nội.
Nếu như Phật đản PL.2507 (1963), Phật giáo Việt Nam ở miền Nam phải trải qua một pháp nạn. Đây là thời kỳ gian khổ, khốc liệt nhất. Tăng, Ni Phật tử đã hi sinh xương máu và nước mắt, nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã phải thiêu thân, tuyệt thực để bảo vệ chánh pháp. Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu tại TP. Sài Gòn ngày 11-6 -1963 (nhằm ngày 20 tháng 4 năm Quí Mão), tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn, - (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu TP HCM)- đã làm chấn động cả thế giới:
“…Đệ từ hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn 'ngốc'
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hởi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình…”
và tiếp theo là Tăng, Ni, Phật tử- những Thánh tử vì đạo vị pháp thiêu thân, để có được một mùa Phật đản PL.2508 – 1964, mà như những người đã chúng kiến đều nhận định “Đó là một Đại lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến nay” ở thời điểm ấy. Bởi lễ đài Phật đản năm 1964 được dựng trước đó cả tháng tại bến Bạch Đằng do Tăng, Ni, Phật tử cùng với sự hỗ trợ máy móc của mọi giới khắp nơi. Theo các chứng nhân từng tham dự Đại lễ Phật đản này kể lại, một lễ đài Phật đản mang tính sáng tạo được kiến thiết công phu theo hình hoa sen. Bệ lễ đài là một toà sen toả cánh chiếm trọn một công viên, trụ là một đại kỳ Phật giáo cao chót vót, giống như trụ đá của vua Asoka đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đản sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ, trên cùng bừng nở một đoá hoa Ưu đàm kim loại lấp lánh trong nắng như ánh sao sa. Tượng Đản sinh cao 8m, nặng 3 tấn được tôn trí ngay trên trụ dưới đoá hoa Ưu đàm, ngự trị cả một khoảng trời Bạch Đằng. Sự hiện diện sừng sững của lễ đài Phật đản khiến cho những toà nhà chọc trời xung quanh bỗng nhỏ lại, thấp xuống. Ban đêm, lễ đài rực rỡ trong biển đèn, chiếu át ánh đèn trong những cửa hiệu buôn bán ở khu trung tâm.
Đại lễ Phật đản 2508-1964 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng và mở ra một trang sử mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Với tất cả tâm tư tình cảm của người con Phật hướng về Đại lễ. Phật Đản 2508-1964 đã khẳng định vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống tinh thần của dân tộc, và một lần nữa khẳng định truyền thống gắn bó máu thịt của Phật giáo trong cuộc đồng hành cùng dân tộc.
Rồi sau năm 1975, Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Đại lễ Phật đản Vesak 2008- PL.2552 lại một lần nữa là một mùa Phật đản đầy ấp những kỷ niệm thật đáng trân trọng đối với người con Phật và những người tin, yêu đức Phật trên toàn thế giới. Vesak 2008 một trong những ngày lễ tôn giáo và văn hoá lớn của Liên hợp quốc đã được tổ chức trọng thể tại Việt Nam, một đất nước thanh bình, thân thiện, văn minh và mến khách. Tại đây, quan khách đã được gặp gỡ những người Phật tử Việt Nam giàu lòng vị tha, yêu đạo, yêu đời cùng với một kho tàng di sản Phật giáo đồ sộ từ chùa chiền cho đến kinh sách, văn bia… mà Phật giáo Việt Nam đã dày công xây dựng và tích luỹ được qua gần 2000 năm hình thành và phát triển.
Đại lễ Phật đản Vesak 2008 long trọng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Mỹ Đình (National Convention Center –NCC) đã quy tụ khoảng 100 quốc gia với 600 đoàn Phật giáo và hơn 50.000 người tham dự.
Ngoài những buổi hội thảo chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trong những ngày diễn ra Đại lễ sẽ có những hoạt động văn hoá văn hoá như triển lãm nghệ thuật, triển lãm thực phẩm và biểu diễn các đoàn xe hoa, những lồng đèn sẽ được thả nổi trên sông và trong không gian, lễ thả bong bóng…
Đặc biệt, tại Đại lễ có buổi hoà nhạc chào mừng do Đại đức Thích Minh Hiền chịu trách nhiệm thực hiện. Với đặc thù một chương trình nghệ thuật mang tinh thần Phật giáo của Việt Nam dành cho khán giả quốc tế, nên các ngôn ngữ trình diễn được sử dụng gồm múa và âm nhạc.
Tác phẩm giao hưởng - hợp xướng mang tên "Khai giác" của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo viết để trình diễn tại Đại lễ sẽ là một tác phẩm có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với sự tham gia biểu diễn của 450 ca sĩ, vũ công, nhạc công và 50 Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam.
Bản giao hưởng hợp xướng gồm 7 chương kéo dài 40 phút, dựa trên lịch sử 7 tuần thái tử Shiddarta giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại hòa bình và an lạc cho nhân loại.
Sau 3 ngày làm việc (từ ngày 14/5 – 16/5/2008), sau khi kết thúc Đại lễ đã có một buổi lễ thắp nến kỷ lục với sự tham dự của gần 20 nghìn người. 20.000 ngọn nến lung linh, huyền dịu đã được thắp sáng đêm 16/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình để cầu nguyện cho thế giới hòa bình mang theo thông điệp tình thương và tuệ giác của đức Phật.
Thật đúng là:
“Mỗi người mỗi nước mỗi nonKhi vào của Phật như con một nhàCùng nhau thực hiện lục hòaChúng sinh lợi lạc chan hòa Bắc Nam”