Những Sự Kiện Quan Trọng Trong Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca

29/05/20233:58 SA(Xem: 5833)
Những Sự Kiện Quan Trọng Trong Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca

NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG
TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA

Tuệ Thiện

duc phat thich ca           
            Là Phật tử chúng ta không thể nào không tìm hiểu về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, để tỏ lòng kính mộ, để đền đáp công ơn và để học hỏi gương lành. Ngài là một nhân vật lịch sử, đã có mặt thực thụ trên quả địa cầu này trong vòng 80 năm nhưng đã ghi dấu đậm đà trên lịch sử nhân loại. Khi học hỏi về giáo pháp do Ngài để lại chúng ta không thấy được khía cạnh thân giáo, tức là sự dạy dỗ bằng chính cuộc đời, bằng kinh nghiệm sống của Ngài.

            Có nhiều khuynh hướng nghiên cứu lịch sử Đức Phật. Có khuynh hướng chỉ ghi nhận những gì được rút ra từ kinh tạng Pali và theo những điều tự thuật của chính Đức Phật. Khuynh hướng Duy Linh ghi lại tất cả những điều được mô tả chung quanh Đức Phật ; bao gồm cả những huyền thoại khó tin : như việc thái tử sinh ra từ bên nách của mẹ và liền bước đi 7 bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen… Khuynh hướng Duy Vật chỉ chấp nhận những dữ kiệnchứng tích lịch sử, như những trụ đá có ghi khắc các dòng chữ, hoặc các di tích khảo cổ học, những sách sử xưa còn tồn trử tại các quốc gia lân cận. Theo thiển ý cá nhân, chúng ta nên chấp nhận khuynh hướng trung dung tổng hợp, bởi vì giác quan con người nhiều khi không bằng giác quan của loài thú vật, có những thực tại vượt khỏi tầm tay con người thì làm sao chỉ có thể trông cậy vào mắt, tai, mũi, lưởi, thân mới tin được những sự kiện siêu nhiên.

            Cuộc đời Đức Phật Thích Ca đã được các nhà sử học ghi lại từng bước chân từ lúc sanh ra cho đến khi tịch diệt. Thái tử ra đời năm 623 trước Tây Lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini, nay là Rummeidei) cách kinh đô Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) khoảng 30 cây số về hướng Đông dưới cội cây Vô Ưu đang trổ đầy bông hoa xinh đẹp.

            Ngài là con của Tịnh Phạn Vương, vua của một nước Cộng Hòa nhỏ, thuộc dòng họ SAKYA, hiện nay thuộc vùng đất bị phân chia bởi biên giới hai nước Népal và Ấn Độ. Lumbini và Kapilavastu hiện nay thuộc nước Népal.

            Mẹ Ngài là hoàng hậu Maha Maya, là con gái của vị tiểu vương Anjana, thuộc dòng họ KOLIYA ở phía đông nam nước Kakya, cách nhau bởi con sông Rohini (ngày nay là sông Rowai), hai nước này thường thông gia với nhau.

            Ba ngày sau khi sanh, có một đạo sĩ ẩn tu trên núi Hy Mã Lạp Sơn tên A Tư Đà (Asita) hạ sang, xin được vào thăm hoàng tử do thấy điềm lạ trên trời. Đức vua lấy làm hân hoan cho bồng thái tử ra đảnh lễ đạo sĩ. Nhưng lạ thay, thái tử bổng nhiên quay về phía đạo sĩ và đặt chân lên đầu tóc của ông. Đang ngồi trên ghế, đạo sĩ Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào hoàng tử và tiên đoán hoàng tử sẽ trở thành vĩ nhân cao quí nhất của nhân loại. Đức vua cũng làm theo đạo sĩ, xá chào hoàng tử. Trong khi xem tướng, đạo sĩ tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng sau khi xem tướng xong thì ông òa lên khóc nức nở. Mọi người điều ngạc nhiên trước những cảm xúc vui buồn lẫn lộn của ông thì ông giải thích rằng ông không còn sống được đến lúc đó để được thọ giáo với bậc trí tuệ siêu việt.

            Năm ngày sau khi sanh, lễ đặt tên được tổ chức long trọng với sự tham dự của 8 vị đạoBà la môn lỗi lạc. Sau khi quan sát các đặt tướng của hoàng tử, bảy trong tám vị này đưa lên hai ngón tay và giải thích có hai con đường:

            - Một là hoàng tử sẽ trở thành bậc Chuyển luân Thánh Vương (Cakravarti), vị hoàng đế vĩ đại nhất trên thế gian, nếu Ngài muốn trị vì thiên hạ.

            - Hai là, nếu xuất gia đi tu, Ngài sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Phật (Sammasambuddha).

            Nhưng vị đạo sĩ trẻ tuổi và thông thái nhất trong tám vị, tên Kiều Trần Như (Kondanna) chỉ đưa lên một ngón tay và quả quyết rằng sau nầy hoàng tử sẽ xuất giađắc đạo quả Phật.

            Thái tử được đặt tên, Sĩ Đạt Ta (Siddhatta), có nghĩa là «người thành tựu nguyện vọng». Họ của Ngài là Cồ Đàm (Gotama). Biệt hiệu của Ngài là Thích Ca Mu Ni (Sakya Muni), nghĩa là Bậc Trí Tuệ của dòng dõi Thích Ca.

            Bảy ngày sau khi sanh hoàng tử thì hoàng hậu Maha Maya thăng hà, và được tái sanh lên cõi trời Đấu Suất (Tusita). Thái tử được dì ruột là thứ hậu Pajapati Gotami nuôi dưỡng như con ruột, con của bà là hoàng tử Nanda thì được giao cho người khác trông nom.

            Trong thời thơ ấu, một sự kiện lạ lùng xảy ra cho Thái tử Siddatta sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập sau này khi thái tử quyết tâm đi tìm đạo. Sự kiện này cũng là cái chìa khóa mỡ đường cho Ngài tiến đến đạo quả Toàn Giác. Nhân ngày lễ hạ điền,trong lúc mọi người đang theo dõi những trò chơi vui nhộn của cuộc lễ thì thái tử lúc đó tuổi còn nhỏ, ngồi tréo chân theo lối kiết già, niệm hơi thở, định tâm trên đó và đắc sơ thiền, Sơ thiền là mức đầu tiên của thiền chỉ tịnh trong đó trạng thái tâm có đầy đủ năm chi thiền : Tầm, Sát, Hỉ, Lạc và Định.

            Thái tử được nuôi dưỡng để trở thành bậc vua chúa, cho nên việc giáo dục của Ngài được giao phó cho những danh sư nổi tiếng. Thuộc giai cấp Chiến sĩ (Sát Đế Lị) Ngài cũng được dạy võ nghệ, sử dụng cung kiếm, vũ khí, cỡi voi, cỡi ngựa…

            Là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, rất thông minh, học một biết mười. Các vị thầy văn võ đều bái phục, vì sau một thời gian ngắn, Ngài đều học hết văn chương, chữ nghĩa và võ nghệ của các vị thầy.

            Tính tình nhân áinhạy cảm. Thích trầm tư tỉnh lặng, không màng đến thế tục và việc triều chính, quân sự. Do đó vua cha rất lo ngại Ngài sẽ không cáng đáng nổi việc triều chính sau này. Vua Thiện Giác (Suppabuddha), cha của công chúa Da Du Đà La (Yasodhara), phải thách thức thái tử nếu muốn cưới con gái của ông thì phải tranh tài về võ thuật đối với những công tôn, thái tử khác trong triều đình của ông. Sau cùng thái tử thắng tất cả các bộ môn kiếm, bắn cung và đô vật, đã vật ngả ba lần Đề Bà Đạt Đa, anh ruột công chúa Da Du Đà La, người cũng nổi tiếng võ nghệ cao cường.

            Khi được 16 tuổi, theo phong tục thời bấy giờ, Ngài kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodhara), một người em cô cậu, là em gái của Đề Bà Đạt Đa, cùng tuổi với Ngài, con vua Thiện Giác (Suppabuddha) và hoàng hậu Pamita.

            Mười ba năm sau ngày lập gia đình, Ngài sống cuộc đời hoàn toàn trong nhung lụa, không thiếu gì những lạc thú trần gian. Vua cha tìm cách bưng bít không cho thái tử nhìn thấy những cảnh khổ của trần gian, ông cung ứng cho Ngài tất cả những tiện nghi sang trọng nhất.

            Bẩm tánh trầm tư, mặc tưởnglòng từ bi vô lượng, không để yên cho Ngài an hưởng thú vui tạm bợ của đời vương giả. Một ngày kia, khi ra khỏi hoàng cung, tình cờ Ngài được mục kích bốn hiện tượng bất thường:

            1- một người già lụm cụm, rung rẩy chống gậy.

            2- một người bệnh quằn quại rên rỉ vì vết thương lở lói.

            3- một tử thi sình ươn, hôi thúi.

            4- một sa môn trang nghiêm, thanh tịnh.

            Hình ảnh sau cùng này đã gây cho thái tử một cảm xúc thiêng liêng, Ngài chợt nghĩ có lẽ đây là con đường duy nhất để vượt thoát khỏi những thống khổ của đời sống con người và dẫn đến hạnh phúc chân thật.

            Chí nguyện đi tu trổi dậy trong lòng vị Bồ Tát.

            Năm thái tử Siddatta được hai mươi chín tuổi, Ngài quyết chí ra đi, để lại sau lưng ngai vàng, vợ đẹp, con thơ. Lúc đó La Hầu La, con ngài mới ra đời không bao lâu. Ngài ra đi với chí nguyện tìm con đường giải thoát cho mình, cho nhân loại khỏi những thống khổ sanh, già, đau, chết, rồi lại tái sanh để tiếp tục bị sanh, già đau, chết… triền miên tái diễn luân hồi

Ra đi tìm đạo

            Sau khi rời khỏi hoàng cung trong đêm tối cùng với Xa Nặc (Channa), người đánh xe và con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka), đi suốt đêm và vượt qua sông Anoma (Neranjara). Bên bờ sông, Ngài tự cạo râu tóc, trao hết xiêm y cho Xa Nặc, rồi khoác lên mình tấm vải vàng, nguyện sống đời khất sĩ và sẵn sàng chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất, Ngài không ở một nơi nào lâu dài. «Chân không giày đẹp, đầu không mũ nón, Ngài đi trong ánh nắng nóng bức và trong sương gió lạnh lùng. »

            Ngài đi dần về hướng Vương Xá thành (Rajagaha, nay là Rajgir) kinh đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha) của vua Bình Sa Vương (Bimbisara) vì nơi đây có hai vị thiền sư nổi tiếng trí tuệ siêu phàm.

            Đầu tiên Ngài đến thọ giáo với vị thầy Alara. Không bao lâu thái tử học hết giáo lý của thầy và chứng ngộ mức thiền mà thầy đã chứng ngộ tức là thiền Vô Sở Hữu Xứ, mức thứ ba của thiền Vô sắc. Vị thầy tuyên bố : « Tôi thật hoan hỉ có được một người bạn đồng tu đáng kính như đạo hữu. Giáo lýđạo hữu trực giác chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy, chính tôi cũng đã trực giác chứng ngộ và sống trong ấy. Vậy đạo hữu hãy ở lại đây, chúng ta cùng nhau hợp sức dẫn dắt nhóm đạo hữu nầy. »   

            Ít lâu sau, Ngài tự nhận thấy tâm chưa diệt tận ái dục, vẫn còn những phiền não ngủ ngầm, đây chưa phải là thực chứng Niết Bàn, chưa phải là mức độ giải thoát cuối cùng. Ngài từ giả đạo sư để tiếp tục ra đi tìm chân lý và đến thọ giáo với vị Đạo sư Udakkha Ramuputta ở cách đó khoảng 160 cây số về hướng Nam

            Được sự hướng dẫn của vị thầy, ít lâu sau đạo sĩ Cồ Đàm chứng đắc mức thiền Phi Tưởng, Phi Phi Tưởngmức thiền Vô Sắc cao nhất vào thời ấy, không còn ai tu chứng cao hơn. Tâm thức trở nên tế nhị, đến nổi không thể nói là có hay không có tâm; không còn tri giác, cũng không phải không còn tri giác.

            Vị thầy yêu cầu Ngài ở lại đạo tràng của ông để dẫn dắt nhóm đệ tử, vì ông đã quá già, không còn ở thế gian này bao lâu nữa. Nhưng Ngài quyết chí ra đi tìm sự giải thoát, vì cảm thấy chưa chấm dứt các hành nghiệp vi tế làm nhân cho các phiền não khổ đau. Đến đây Ngài nhận thấy không còn ai có khả năng để dẫn dắt mình ra khỏi sự luân hồi.

 

Sáu năm khổ hạnh

Thời bấy giờ ở Ấn Độ có khuynh hướng đi tìm sự giải thoát trong lối tu khổ hạnh. Người ta tin rằng sự hành xác sẽ tạo ra năng lượng tâm linh, và năng lượng này được tích trữ có thể đến một lúc nào đó sẽ bừng sáng trong sự giải thoát. Năng lượng này được gọi là Tapas, khi tích tụ nhiều có thể giúp chứng đắc thần thông. Cùng tu với Ngài có nhóm Kiều Trần Như (Kondanna), Bhaddiya, Vappa, Mahanama, Assaji.

            Có nhiều phương pháp hành xác :

            - không mặc quần áo, để thân thể lõa lồ chịu đựng nắng mưa, nóng lạnh.

            - suốt ngày ngâm mình dưới nước, hoặc treo người trên cây.

            - đứng suốt cả ngày, đứng một chân cho đến khi cây leo mọc quanh mình.

            - ngồi cả ngày, không nằm nghỉ, không ngủ, hoặc chỉ nằm trên giường đầy gai, đinh  nhọn.

            - nín thở, nhịn ăn đôi khi đến chết.

            Bồ Tát đã áp dụng ít nhiều tất cả những phương pháp trên trong sáu năm trời. Một thời gian cũng khá dài cho sự tu luyện. Ngài cảm thấy sức tàn, hơi cạn, tâm thức lu mờ. Ngài đã tự thuật như sau trong một đoạn kinh:

«Khi muốn sờ da bụng, thì tôi đụng nhằm xương sống, xương sống tôi như một xâu chuổi dựng lên và uốn cong, khi muốn sờ xương sống thì tôi lại đụng nhằm da bụng.Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống và lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ chân tay để làm cho thân mình sống lại, than ôi lúc đập như thế thì lông trên mình tôi lả tả rơi xuống đất vì đã chết gốc.»

            Rồi Ngài suy nghĩ: «Dù các đạo sĩ khổ hạnh khác đã chịu đựng những nhức nhối, đau đớn cùng tột như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa được. Ta đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, kiệt lực, đã suýt chết mấy lần mà vẫn không đạt được điều chi tốt đẹp, trí tuệ vẫn không được cải thiện còn u tối thêm. Vậy chắc chắn phải có một con đường nào khác dẫn đến Chứng Ngộ Tột Cùng chăng?»     

 

Thành đạo

            Ngài từ bỏ con đường khổ hạnh, ăn uống lại từ từ để lấy lại sức. Năm vị đạo sĩ cùng tu khổ hạnh tưởng Ngài bỏ cuộc, nên từ bỏ Ngài, ra đi về hướng Isipatana (Sarnath).

            Ngài nhớ lại thuở nhỏ theo cha dự lễ Hạ Điền, Ngài đã nhập được sơ thiền, thân tâm an lạc biết là dường nào. Sau đó theo hai vị thầy Kalama và Udakkha Ramaputta Ngài đã đắc tới tột cùng của thiền Vô Sắc giới. Giờ đây Ngài trở lại con đường thiền định.

            Sau bửa cơm sữa của nàng Sujuta, Bồ Tát xuống sông Ni Liên (Neranjara) tắm mát và trở lên ngồi dưới bóng cây Bồ Đề phát nguyện : « Dầu chỉ còn da, gân và xương, máu thịt khô cạn ta nguyện không xê dịch khỏi chỗ này cho đến khi chứng ngộ toàn giác. »

            Đêm ấy vào ngày trăng rằm tháng tư âm lịch, Ngài ngồi thiền định, chú tâm trên hơi thở, để thanh lọc và ổn định thân tâm.

            - Tâm dần dần xa lìa mọi ái dục và mọi bất thiện pháp, chứng nhậpan trú vào Sơ thiền, một trạng thái tỉnh lặng có đầy đủ năm chi thiền: Tầm, Sát, Hỉ, Lạc và Định.

            - Nhưng không để cho cảm giác phỉ lạc đã sanh khởi chi phối tâm, Ngài diệt Tầm và Sát, gom tâm vững vàng vào một điểm duy nhất, Ngài chứng nhậpan trú vào Nhị thiền, một trạng thái tỉnh lặng có ba chi thiền: Hỉ, Lạc và Định.

            - Nhưng không để cho cảm giác phỉ lạc đã sanh khởi chi phối tâm, Ngài từ bỏ Hỉ an trú vào Xả, gom tâm vững vàng vào một điểm duy nhất, Ngài chứng đạt và an trú vào Tam thiền, một trạng thái thân an lạc, tâm định xả, có ba chi thiền: Lạc, Định và Xả.

            - Nhưng vẫn không để cho cảm giác an lạc đã sanh khởi chi phối tâm, Ngài từ bỏ an lạc của thân và những thích thú hay ưu phiền của tâm, chứng nhậpan trú vào Tứ thiền, một trạng thái thanh tịnhXả và Định làm thiền chi.

            Vào cuối đêm đó, với tâm định tỉnh, thanh tịnh, trong sáng như mặt gương được lau chùi bóng láng, Ngài hướng tâm hồi nhớ những kiếp sống quá khứ và đắc Túc Mạng Minh, là tuệ giác nhớ được nhiều kiếp sống quá khứ. Đó là tuệ giác đầu tiên mà Ngài chứng ngộ trong đêm thành đạo.

            Tới canh hai, cũng với tâm định tỉnh, sáng suốt như trên, Ngài hướng tâm về hiện tượng sanh diệt của chúng sanh và Ngài chứng đắc Thiên Nhãn Minh,tuệ giác thấy chúng sanh chết từ kiếp nầy, tái sanh vào một kiếp khác như thế nào trong tam giới. Ngài thấy rằng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp, người xấu, kẻ hạnh phúc, người khốn khổ, tất cả đều do hành vi tạo tác thiện hoặc ác của mỗi người. Đó là tuệ giác thứ nhì mà Ngài chứng ngộ trong đêm thành đạo.

            Tới canh ba, cũng với tâm định tỉnh, sáng suốt như trên, Ngài hướng tâm về tuệ giác chấm dứt các lậu hoặcchứng đắc Lậu Tận Minh, là trí tuệ hiểu biết sự vật đúng như thật sự nó là vậy. «Đây là khổ. Đây là nguyên nhân sanh khổ. Đây là sự chấm dứt khổ. Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ».

            Cùng như thế ấy Như lai biết đúng như thật: Đây là những lậu hoặc (Asava hay những bợn nhơ trong tâm, là những ô nhiễm ngủ ngầm trong dòng trôi chảy của nghiệp từ vô lượng kiếp luân hồi). Đây là nguyên nhân sanh các lậu hoặc. Đây là sự chấm dứt các lậu hoặc. Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt các lậu hoặc. Nhận thức đúng như vậy, tâm như lai thoát ra khỏi Dục Lậu (ô nhiễm liên quan đến ái dục), thoát ra khỏi Hữu Lậu (ô nhiễm liên quan đến sự bám níu vào sự tồn tại, hiện hữu dưới mọi hình thức), thoát ra khỏi Vô Minh Lậu (ô nhiễm liên quan đến vô minh).

            «Khi tự thân đã giải thoát như vậy, Như lai hiểu biết là «Ta đã giải thoát». Như lai trực giác chứng ngộ: «Không còn sanh nữa, phạm hạnh đã thành, những việc phải làm đã làm, sau đời sống hiện tại, không còn đời sống nào khác nữa.» (Trung bộ kinh, 36, Maha Saccaka Sutta).

            Màn vô minh đã được giải tỏa và trí tuệ phát sinh. Ánh sáng chân lý đã bật soi cho Ngài những bí ẩn của đời sống. Cuộc chiến thắng tinh thần vô cùng vinh quang rực rỡ này đã biến Đạo sĩ Gotama thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, đấng Chánh Biến Tri, Toàn năng Toàn giác.


Lòng hiếu thảo của Đức Phật

 

            Trong bài kinh Thi-ca-la-việt (Trường bộ II, số 31), Đức Phật dạy cho chàng thanh niên Sigalaka phải coi cha mẹ như vị trời Phạm Thiên trong nhà. Cha mẹ có công nuôi dưỡng và dạy dỗ con tới khôn lớn, con cái phải có những bổn phận sau đây với cha mẹ :

            1- Nuôi dưỡng cha mẹ khi các vị tuổi già sức yếu.

            2- Làm bất cứ cái gì cha mẹ cần làm.

            3- Giữ danh dự cho gia đìnhtiếp nối truyền thống gia đình.

            4- Làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

            5- Bảo vệ tài sản thừa tự.

            Bây giờ chúng ta hãy xem đức Phật đối xử với cha mẹ ngài như thế nào .

            Sau khi Phật đắc Chánh Đẳng Giác ngài không vội về thăm vua cha và gia đình vì ngài hiểu tâm lý dòng dõi Sakya, rất tự cao ngã mạn, nhất là cha ngài, mặc dầu rất thương nhớ con nhưng sẽ không bằng lòng khi thấy ngài đi khất thực xin ăn. Quả thật vậy, khi nghe tin đức Phật về đến thành Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ), vua nhìn thấy từ xa, Đức Phật dẫn đầu, tay ôm bình bát theo sau có hàng ngàn vị tăng, mặc y vàng thanh đạm đang đi khất thực trước nhà dân. Vua Tịnh Phạn rất thất vọng, buồn tủi cho con ngài, một vị Hoàng tử mà ngày nay đi chân đất, ăn ngủ vất vả, không mặc y phục oai phong, không đeo đồ hộ vệ, và phải mang bát đi xin ăn nơi dân chúng.

            Đức vua bèn đi thẳng tới Đức Phật và nói :

            «- Bạch Thế Tôn, ngài làm cho trẫm hổ thẹn với nhân dân. Tại sao Ngài đi khất thực? Có lẽ ngài nghĩ rằng: bấy nhiêu vị tỳ khưu đây trẫm dâng bát, cúng dường không nổi chăng?

Đức Thế Tôn đáp:

            -Tâu Đại vương, sự khất thực là phận sự của Như Lai.

            -Bạch Thế tôn, có phải chúng ta là dòng vua chăng? Đã là dòng vua chúa không ai đi xin ăn cả.

            -Tâu Đại vương, sự thật dòng vua là dòng của Đại vương, còn Như Lai thuộc dòng Phật, khi chứng quả Chánh Đẳng giác thì dòng hoàng đế khong còn trong thân hình của Như Lai nữa, vì Như Lai đã trở thành dòng Phật rồi. Tất cả chư Phật trong quá khứ đều nuôi sống mạng bằng cách xin ăn»

            Thừa dịp nầy Đức Phật mới thuyết kệ ngôn «người không nên coi rẻ vật thực xin ăn, nên hành theo thiện pháp sẽ được hưởng sự an vui»Vừa dứt câu kệ đức vua Tịnh Phạn đắc quả Tu Đà Hườn. Vua liền xin dâng bát đến Đức Phật và thỉnh chư Tăng vào hoàng cung thọ thực.

            Qua ngày thứ nhì Đức Phậtchư Tăng được thỉnh vào hoàng cung thọ thực. Nhân dip nầy ngài thuyết pháp cho bà kế mẫu Gotami nghe; sau khi dứt thời pháp bà đắc quả Tu Đà Hườn, còn đức vua đắc quả Tư-Đà Hàm.

            Như vậy Đức Phật đã hóa độ cho Vua cha và bà kế mẫu vào dòng Thánh. Và nhân dịp vào hoàng cung ngài cũng hóa độ cho bà Gia Du Đà La, người vợ mà ngài đã bỏ để đi tu, được đắc quả Tu Đà Hườn.

            Bằng cách nào Đức Phật hóa độ được thân mẫu ruột của ngài?

            Bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ Tát Sĩ Đạt Ta, hoàng hậu Maha Maya qua đời và được tái sanh lên cung trời Đấu Xuất.

            Vào mùa an cư kiết hạ thứ 7 (năm 583 trước Tây lịch), Đức Phật được 41 tuổi, ngài ẩn cư trên núi gần làng Samkassa (Sankissa), ngài bổng nghĩ tới công ơn Phật mẫu đã mang nặng đẻ đau không có chi đền đáp được. Ngài dùng nhãn thông để tìm mẹ thì biết bà đang ngự tại cung trời Đấu Xuất. Nếu lên trời Đấu Xuất thuyết pháp thì độ rất ít chư thiên, nên ngài dừng chân ở cung trời Đạo Lợi và nhờ vua trời Đế Thích mời chư thiênthỉnh Phật Mẫu từ trời Đấu Xuất xuống nghe Pháp.

            Trong ba tháng hạ ngài chọn lựa Vi Diệu Pháp là pháp cao thượng và thù thắng nhất để giảng cho xứng đáng với công đức của mẹ ngài. Vi Diệu Pháp giúp chúng ta định nghĩa và phân loại các pháp: tục đế, chân đế/ hữu vi, vô vi/ sắc pháp, danh pháp/ tâm, sở-hữu-tâm/ cõi, cảnh/ thiện, bất thiện, vô nhân/Niết Bàn… nhờ đó Vi Diệu Pháp giúp con người hiểu rõ mình hơn, biết chỗ đứng của mình trong vũ trụ không gian (cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới) và trong tiến trình tiến hóa tâm linh (cảnh: hiệp thế, siêu thế). Vi Diệu Pháp giúp ta hiểu được sự vận hành và phận sự của tâm, phân biệt được những trạng thái của tâm (thụ động), hành động của tâm (chủ động) hay tính cách vô ký của tâm...

            Sau 3 tháng Phật mẫu Maya đắc Tu-đà-hườn cùng nhiều chư thiên vô số kể.

            Vào thế kỷ thứ III trước tây lịch, Hoàng đế Asoka có dựng 1 trụ cột bên trên có hình 1 con voi đánh dấu nơi đức Phật thị hiện giáng trần tại cổng làng Samkassa.

Đức Phật trả hiếu lần cuối cùng cho vua cha.

            Vào mùa an cư thứ 5, Đức Phật nhập hạ ở rừng Mahavana gần thành Vesàli. Năm đó dức vua Tịnh Phạn lâm trọng binh, tất cả lương y nổi tiếng được triệu hồi chữa bịnh cho ngài, nhưng bịnh không hề thuyên giảm, ngài đau đớn vô cùng, không nằm yên được vì chứng bịnh hành hạ. Ngài bỗng nhớ đến Đức Phật và mong muốn có Đức Phât, ngài Anan và cháu nội đích tôn Ra-hầu-la ở bên cạnh.

            Đồng thời khi ấy Đức Phật dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên lành để Ngài độ. Ngài thấy phụ vương đang lâm trọng bịnh, đau đớn, nằm không yên. Đức Phật cùng chư Thánh Tăng và 80 vị đại đệ tử khác cùng đi về thành Ca Tỳ La vệ, vào ngay cung vua đang ngự. Đức Phật và chư vị tụng kinh, dùng hết năng lực tinh thần rải đến đức vua Tịnh Phạn; sự đau đớn và căn bịnh thuyên giảm ngay. Đức Phật biết rằng vua hết cơn đau bịnh, nhưng tuổi thọ của ngài chỉ còn được bảy ngày nữa thôi và ngài có duyên lành đắc quả A-la-hán trong kiếp nầy. Đức Phật liền thuyết pháp cho vua cha nghe trong bảy ngày liên tiếp.

            Sau bảy ngày, đức vua Tịnh Phạn đắc A-la-hán quả. Với thần thông, ngài dùng trí tuệ minh sát thấu rõ Niết Bàn, biết mình đã thoát khỏi luân hồi và tuổi thọ không còn bao lâu nữa, nên xin đảnh lễ đức Phật và xin Phật tha thứ những lỗi lầm nào do thân, khẩu, ý phạm đến đức Thế Tôn rồi xin từ giã nhập Niết Bàn. Dứt lời ngài nằm xuống long sàng nhập đại định rồi tịch diệt luôn.

            Đức Phật cùng chư tăng tổ chức lễ hỏa táng. Chính Đức Phật tự tay tắm gội cho thân xác vua cha. Đức Xá Lợi Phất là người múc nước xối, còn đức Phật là người kỳ rửa và tẩn liệm long thể của vua cha. Cũng chính Đức Phật là người châm lửa để hỏa táng đức vua Tịnh Phạn.

Phật nhập Niết-Bàn

            Sau 45 năm châu du khắp miền châu thổ sông Hằng để thuyết giảng giáo phápcon đường giải thoát, Đức Phật đã 80 tuổi: thân thể yếu mòn, mệt mỏi. Ngài cảm thấy cái chết gần kề và chọn nơi để rời bỏ thế gian: Ngài chọn thành Kusinara, trong vườn cây salas của tiểu vương Mallas. Nếu Ngài chọn một vương quốc lớn, chắc chắn rằng việc phân chia xá lợi sẽ gặp khó khăn vì họ sẽ không chia cho những nước nhỏ.

Từ Vesali đến Kusinar đi bộ cũng khá xa, Ngài phải dừng chân 28 lần vì bịnh hoạn và đuối sức.

            Trong nhiều chặng đường, ngày nọ Đức Phật đến thành Pava, vào tạm trú trong vườn xoài của người thợ rèn tên Cunda (Thuần Đà). Người chủ vườn đến chào đón Đức Phật và thỉnh ngài cùng chư tăng đến nhà thọ thực. Đây là bữa cơm cuối cùng trước khi ngài nhập diệt. Sau khi thọ thực, Đức Phật bị trúng độc vì ăn phải loại nấm Sukara-maddara. Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, Cunda chỉ dâng món ăn ấy đến ngài mà thôi, còn lại bao nhiêu phải đem chôn hết, sẽ không có ai khác dùng đến.

            Đức Phật biết mình sẽ chết sau bữa ăn do Cunda cúng dường; sợ rằng có người buộc tội và làm cho ông Cunda ăn năn hối hận suốt đời; Ngài bảo ông Anan đến khuyên lơn ông Cunda như sau: «Này Cunda, vật thực cuối cùngđức Thế Tôn thọ dụng do chính tay ông dâng cúng. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả cho ông trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, được hưởng phước báo trong các cõi trời và trong cảnh quyền quí cao sang»

            Khi đến Kusinara, Đức Phật đã kiệt sức. Ngài Anan vội vả trải y trên tảng đá giữa hai cây Long thọ (salas) đang trổ hoa, mặc dù không phải mùa. Đức Phật nằm xuống, mình nghiêng bên phải, tay mặt lót đầu làm gối, đầu hướng về phương Bắc. Bông Sala rớt trên mình ngài như mưa, và từ không trung nhạc trời reo trổi.

            Đức Phật nói với ngài Anan và các tỳ kheo tụ họp xung quanh: «không phải dâng hoa, lễ báitôn trọng, làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất cứ vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hay Thiện nam, Tín nữ nào an trú trong chánh Pháp, thực hành đúng Giáo Pháp, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chơn chánh là người tôn trọng, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai. Con hãy tận lực tinh tấn để đạt cho được mục đích tối thượng của chính mình (vì ngài biết là Anan chưa đắc quả A-La-Hàn)». Anan quá cảm động, bước ra ngoài, dựa vào gốc cây than khóc. Đức Phật thấy vắng Anan, liền cho gọi vào an ủi «Nầy Anan, đừng đau khổ than khóc nữa: Như Lai đã từng nói rằng ở thế gian nầy có lúc phải xa lìa nhân vật yêu mến; có sanh phải có diệt, không sao tránh khỏi». Sau đó ngài ca ngợi tánh tình, công đức và tài tổ chức sắp xếp khôn khéo của đại đức Anan. Đây cũng là cách Đức Phật cám ơn sự tận tâm phục vụ ngài của Anan.

            Tin buồn được loan báo cùng khắp kinh thành, dân chúng thương tiếc kéo nhau đến vườn Sala bái yết Đức Phật. Đến cuối canh một mới rảnh khách, nhưng bổng có một Đạo sĩ tên Subhadda đến xin yết kiến đức Phật; ngài Anan từ chối 3 lần để cho Phật được an nghỉ vì  ngài mệt nhọc lắm. Nhưng Đức Phật bảo ngài Anan để cho ông vào.

            Đến trước Đức Phật, ông đảnh lễ, tỏ lời viếng an rồi xin phép hỏi đạo: «Bạch Thế-Tôn, các vị Lục Sư tự xưng là bậc Trí Tuệ cao thượng, nên được nhiều người sùng bái; xin ngài cho biết họ thật sự là bậc Trí Tuệ cao thượng chăng »

- «Subhadda này, chẳng nên bàn luận đến giáo pháp của người khác. Nếu ông muốn nghe giáo lý của Như-Lai thì Như Lai sẽ giảng cho ông»

- «Này Subhadda, đạo của Như Laiphương pháp thực nghiệm có tám chi (Bát Chánh Đạo), con đường duy nhất đưa người đến sự tận diệt phiền não. Người nào hành đúng theo thì chắc chắn sẽ chứng quả Tứ Thánh. Ngoài con đường Bát Chánh, chẳng có Bốn hạng Thánh nhân ấy»

Ông Subhadda xin Phật cho xuất gia. Chẳng bao lâu sau, ông đắc quả A-La-Hán. Ông là người đệ tử cuối cùng của Đức Phật.

Rồi Đức Phật day qua hỏi Tăng chúng: «Này các thầy Tỳ khưu, các thầy còn hoài nghi điều chi về Giáo pháp của Như Lai, các thầy cứ nói đi Như Lai sẽ giải thích cho». Hỏi ba lượt, không có một ai trả lời; Đức Phật nói tiếp : «Như Lai thường dạy các thầy rằng trong đời có sanh thì phải có diệt; vậy các thầy hãy cố gắng tu hành đến nơi giải thoát, chớ nên dễ duôi» Đó là lời giáo huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

            Sau đó Đức Phật im lặng nhập định từ Sơ Thiền Sắc giới đến Tứ Thiền Vô Sắc, đến Diệt-thọ-tưởng-định kế trở lần xuống Sơ Thiền Sắc-giới, rồi trở lên đến Tứ Thiền Sắc-giới, rồi cuối cùng nhập Vô dư Niết Bàn.

Lúc ấy trời vừa rạng đông, nhằm sáng ngày rằm tháng Vesakha (tháng 4 âm lịch)

 

Bài học rút từ khoảng đời tu tập của thái tử Sĩ-Đạt-Ta

            Xuyên qua quảng đời từ lúc sanh đến khi thành đạo, chúng ta đúc kết được rất nhiều bài học.

            I- Trước hết là công trình thực hiện Bồ Tát Hạnh của Ngài cho thấy muốn đạt thành chánh quả phải có ba điều kiện :

            - Hạnh nguyện giải thoát để tự giác, giác tha.

            - Quyết tâm thực hiện chí nguyện này.

            - Tròn đủ ba la mật.    

            a- Trên con đường thực hiện hạnh nguyện này, Ngài không bằng lòng với bất cứ những thành quả nào mà không đem lại sự giải thoát, vậy thì giải thoát mang ý nghĩa nào và giải thoát cái chi:

            - giải thoát khỏi những ràng buộc dính mắc (tham)

            - giải thoát khỏi những đau khổ sầu não (sân)

            - giải thoát khỏi những quan kiến sai lầm (si)

            - giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Hai vị thầy đầu tiên bằng lòng với sự chứng đắc của mình: Vô-Sở-Hữu Xứ và Phi-Tưởng Phi- Phi-Tưởng Xứ, là hai bậc thiền cao nhất nhì thời bấy giờ, không còn ai chứng đắc cao hơn. Nhưng với kinh nghiệm tu tập nhiều đời nhiều kiếp và với trí tuệ siêu việt Ngài hiểu biết rằng đây chưa phải là mục tiêu cuối cùng.

            b- Sự quyết tâm thực hiện chí nguyện tự giác, giác tha, cho ta thấy được những đức hạnh của một vị Bồ Tát. Những đức hạnh này trong Phật giáo Bắc Tông có 6 là Lục độ Ba la mật: Bố Thí, Trì Giới, Tham Thiền, Tinh Tấn, Nhẫn Nại và Trí Tuệ. Trong Phật giáo Nam TôngThập Độ: Bố Thí, Trì Giới, Từ Bỏ (xuất gia), Tinh Tấn, Nhẫn Nại, Trí Tuệ, Chân Chánh, Quyết Định, Từ Bi, An Xả.

            Nhờ những đức hạnh này mà Bồ Tát đeo đuổi đến cùng chí nguyện cao cả của mình.

            Đối với người bình thường như chúng ta, mình cũng phải tự hỏi tu là thế nào: tu là sự dấn thân trên con đường thực hiện một hạnh nguyện nào đó. Đối với một tu sĩ chúng ta chỉ cần hỏi chí nguyện của vị đó là chi và cách thực hiện chí nguyện đó như thế nào là chúng ta có thể hiểu đó là một bậc chân tu hay một kẻ giả tu. Thật ra không có đến 84.000 pháp tu đâu. Người ta thường viện dẫn con số trên chỉ để ngụy biện thôi. Bồ Tát chỉ cần thực hiện sáu hay  Thập Độ là đủ để thành Phật rồi.

            c- Thế nào là tròn đủ Ba la Mật: Ba la Mật tiếng Pali gọi là Parami có nghĩa là sức mạnh của một con tâm trong sạch, có thể đưa con người đến chỗ giác ngộ. Một khi tâm ta không bị chi phối bởi Tham, Sân, Si nó sẽ tích tụ một năng lực, đến một lúc nào đó năng lực này sẽ bùng nổ làm cho dòng tâm thức chuyển tánh từ phàm sanh thánh.

            II- Bài học thứ nhì là Thiền Chỉ Tịnh thuộc Vô Sắc giới không đưa đến giải thoát.

            Như ta đã thấy thái tử Sĩ đạt Ta đã theo học với hai vị thầy Kalama và Ramaputta, đã chứng đắc mức tột đỉnh của thiền chỉ tịnh là Phi-Tưởng Phi-Phi-Tưởng. Đã được hai vị thầy mời ở lại để cùng dạy dổ tín đồ, vị thứ hai muốn nhường luôn cả ngôi vị trưởng môn, nhưng thái tử đã từ chối vì hiểu rằng môn thiền này không đưa đến giải thoát. Sau nầy khi dạy dỗ chư tăngtín đồ, Phật đã đưa ra phương pháp do chính Ngài khám phá ra và vào thời buổi đó chưa ai biết đến môn thiền này. Đó là thiền Tứ Niệm Xứ hay còn gọi là Thiền Minh Sát, thiền Tuệ Quán

            III- Bài học thứ ba là: Sự khổ hạnh không đưa đến giải thoát mà chỉ có con đường trung đạo mới đưa đến sự giải thoát.

Đức Bồ Tát đã mất 5 năm trời theo đuổi con đường khổ hạnh, ép xác vì lúc bấy giờ phương pháp này rất thịnh hànhẤn Độ. Người ta nghĩ rằng khi hành hạ thân xác thì phần tâm thần sẽ phát tiết ra tinh anh và đưa đến sự giải thoát. Đức Bồ Tát đã suýt chết nhiều lần vì phương pháp này mà vẫn không thấy tiến bộ một tí nào về phương diện tâm linh và sau cùng Ngài phải từ bỏ nó.

            Với kinh nghiệm bản thân Ngài đưa ra Con Đường Trung Đạo, chủ trương rằng không coi thường thân thể này, nuôi dưỡngvừa đủ để không làm hại đến tinh thần. Ngược lại không cung phụng lợi dưỡng nó để làm trì trệ, mờ tối tâm linh. Phải có sự quân bình giữa thân và tâm. Không như chủ trương của các nhà Duy Vật thời bấy giờ (như phái Lokayata, Thuận thể luận): « Hãy sống hạnh phúc, bao lâu ta còn sống, cứ ăn uống thỏa thích, cho dù ta có vỡ nợ. Mọi sinh hoạt tâm linh chỉ là kết quả của những tác động hổ tương giữa tứ đại, không có linh hồn, không có thượng đế, thiện nghiệpác nghiệp không đưa lại quả báo về sau. Một khi thân xác được thiêu rụi trên dàn hỏa, kẻ ấy không còn tái sanh nữa ».

            Cho nên đối với Đức Phật không phải sự lợi dưỡng, cũng không phải sự hành xác, mà chỉ có Con Đường Trung Đạo mới đưa tới giải thoát.

            IV- Đức Phật chứng đắc như thế nào?

            Thật không dám nghĩ bàn tới sự chứng đắc của Đức Phật, chúng ta không đủ trình độ tâm linh lẫn tri thức để nói tới sự kiện này, nhưng chúng ta chỉ ghi nhận những gì Phật kể lại trong bài kinh Đại Saccaka, Trung bộ kinh 36.

            Trong canh một (tức là từ 21 giờ đến 24 giờ) của đêm thành đạo, Ngài ngồi thiền gom tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra và lần lượt chứng đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiềntứ thiền.

            Sau khi đắc tứ thiền, thân tâm Ngài ở trong trạng thái xả niệm thanh tịnh, có XảĐịnh làm chi thiền, Ngài dùng chánh niệm giác tỉnh để bước qua Thiền Quán, một trạng thái được ngài diễn tả như sau: «với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền nảo, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm, hướng tâm tới Túc Mạng Minh ngài hồi nhớ những kiếp sống quá khứ và nhớ lại hơn hằng trăm ngàn kiếp quá khứ .Tới canh hai Ngài chứng đắc Thiên Nhãn Minh, là trí tuệ thấy rõ sự sống chết của chúng sanh đều do hành nghiệp của họ; sang canh ba ngài chứng đắc Lậu Tân Minh, là năng lực trí tuệ thiêu đốt sạch sẻ mọi phiền não lậu hoặc đã tích trử trong bao nhiêu kiếp luân hồi. Trong khi chứng đắc Ngài thấy rõ sự thật đúng như nó là như vậy: «Đây là khổ. Đây là nguyên nhân sanh đau khổ. Đây là sự chấm dứt đau khổ. Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ». Đó là Tứ Diệu Đế

            Phải chăng điều kiện cần và đủ để chứng đắc quả vị Phật là thấy rõ «Tứ Diệu Đế» và «con đường Bát Chánh».

            Trong Tạng Kinh sự chứng đắc quả vị Thinh văn giác được mô tả là phải trải qua sự thấu rõ Tứ Diệu ĐếBát Chánh Đạo.

            V– Thế nào là Quả vị Toàn giác, Chánh đẳng giác, Chánh Biến Tri?

- Bậc Toàn giác là bậc có 3 Ân đức:

            1- Tịnh Đức: là ân đức trong sạch hoàn toàn của Thân, Khẩu, Ý.

            2- Bi Đức: là ân đức bi mẫn, thương xót mọi người, mọi loài, không phân biệt người               thân hay kẻ thù.

            3-Tuệ Đức: là trí tuệ xuyên thấu thời giankhông gian.

- Bậc Toàn giác là bậc có 8 cái MINH :

            1 – Túc Mạng Minh: là tuệ giác nhớ được cách thức tái sinhchi tiết của nhiều kiếp sống quá khứ.

            2 – Thần Thông Minh: là trí tuệ biết các pháp thần thông, biến hóa.

            3 – Thiên Nhãn Minh: là tuệ giác nhìn thấy tất cả chúng sanh trong tam giới.

            4 – Thiên Nhĩ Minh: nghe được âm thanh, tiếng nói xa hoặc gần của Người, Trời hoặc Thú.

            5 – Tha Tâm Minh: biết rõ tư tưởng, tâm hành của kẻ khác.

            6 – Lậu Tận Minh: là trí tuệ thấu rõ và diệt tận tất cả phiền não lậu hoặc.

            7 – Hóa Tâm Minh: biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sanh để hóa độ.

            8 – Minh Sát Minh: trí tuệ biết rõ chân tướngnhân duyên của sự vật.

Kết luận

            Chúng ta có thể dùng cuộc đời Đức Phật như một bản đồ, một kim chỉ nam, những gì tìm được trong kinh sách mà không phù hợp với cuộc đời Đức Phât, hoặc không thể đặt được trong bối cảnh không gian, thời gian của thời ấy, chúng ta có thể nghi ngờ do ngoại đạo thêm thắt vào với một dụng ý nào đó hoặc do người đời sau đặt điều dựng đứng câu chuyệnngã mạn để làm tăng phần quan trọng của lời nói mình. Có tìm hiểu cuộc đời Đức Phật, chúng ta mới cảm thấy thương kính vô cùng một con người như tất cả chúng ta đã sinh ra dưới một cội cây, đã tự lực giác ngộ dưới một cội cây và viên tịch dưới bóng một cội cây khác. Ngài không màng đến chùa cao, đền rộng. Bốn mươi lăm năm hoằng pháp là bốn mươi lăm năm nhiệt thành tích cực để cứu độ, dẫn dắt chúng sinh ra khỏi vòng đau khổ luân hồi. Đêm chỉ nghỉ 4 tiếng, ngày không ngừng châu du thuyết giảng, đến giờ phút cuối mặc dù hơi tàn, sức kiệt, vẫn cố gắng cứu độ người đạo sĩ xa lạ cuối cùng. Thật là một tấm gương hy sinh đầy cảm động.

Thư liệu

1- Đức PhậtPhật Pháp, Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh, Phúc Tuệ Tịnh Môn,

2 - Hành hương xứ Phật, Phạm Kim Khánh

3 - Dẩn lối về nguồn, Trà Giang Tử, NXB Tôn giáo, 2000

4 - Trên đường hoằng pháp của Phật Tổ Gotama, Trùng Quang, Phật Bảo Tự, 1997

5 - Sự tích Đức Phật Thích Ca, Trần hữu Danh, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2007

7 - Lịch Sử Đức Phật Tổ Cồ Đàm, Maha Thong kham Medhi Vong, TPPGHCM, 1996

8-  Le Bouddha historique, Hans Wolfgang Schumann, Sully, 1999

9-  Recherches sur la biographie du Buddha, André Bareau, Presse de l’EFEO, 1995

10- En suivant Bouddha, André Bareau, Philippe Lebaud, 2000

11- Histoire du Bouddhisme Indien, Etienne LAMOTTE, Institut Orientaliste Louvain-la-Neuve, 1976

12- Đại Kinh Saccaka, Mahàsaccaka sutta, Trung Bộ kinh 36

13- Kinh Đại Niết Bàn, Maha Parinibbana, Trường bộ 16

                                                                        Tuệ Thiện (23/05/2023)

                                                                                    



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/05/2021(Xem: 8735)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.