Mùa Hoa Ưu Đàm Nở

30/06/20234:11 SA(Xem: 1320)
Mùa Hoa Ưu Đàm Nở

blank
MÙA HOA ƯU ĐÀM NỞ

Hoa Lan

 

Nhắc đến hoa Ưu Đàm, một loài hoa huyền thoại chỉ 3000 năm mới nở một lần và lần xuất hiện độc đáo báo tin một vị Chuyển luân Pháp vương sắp ra đời, cách đây đã 2.647 năm. Loài hoa mang nhiều may mắn, biểu tượng cho những điềm lành có tên tiếng Phạn là Udumbara, trắng nhỏ li ti, mong manh và mềm mại lại mang một mùi hương rất đặc biệt, nở từ 7 đến 10 ngày. Tuy hình dạng nhỏ bé tựa như những chiếc chuông nhỏ, nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt, mọc trên vách đá, kim loại sắt, đồng... tượng trưng cho hình ảnh kiên cường, không chịu khuất phục và luôn vươn lên. 

Một loài hoa mọc ở trong hư không với sắc trắng tinh khiết, không nhiễm bụi trần. Loài hoa có duyên mới gặp! 

Tuy chưa có duyên với hoa Ưu Đàm, nhưng hôm nay tôi lại có duyên với Mùa Phật Đản - PL 2567 tại Tổ Đình Viên Giác ở Hannover, tổ chức từ ngày 2 đến 4 tháng 6 năm 2023. Cái duyên được tận mắt chứng kiến cảnh cung thỉnh các bộ Thanh Văn Tạng thuộc Đại Tạng Kinh Việt Nam từ văn phòng xuyên qua cổng Tam quan vào trong Chánh điện. Cái duyên tiếp theo là được tham dự buổi đấu giá các vật lạ để lấy tịnh tài xây dựng một Học Viện Phật Giáo ngay trong khuôn viên của Tổ Đình Viên Giác

Hai dữ kiện trọng đại ấy chưa xuất hiện trong dự tính tham dự Đại lễ Phật Đản kỳ này trong tôi, chỉ biết rằng sau ba năm Covid cách ly, tôi cần nhìn lại ngôi Tam Bảo thân thương, nơi đã cưu mang tôi trong những tháng ngày giông bão, nơi đã cho tôi những buổi tụng Kinh Lăng Nghiêm đầy thần lực mà tôi chỉ ngồi lắng nghe cho lời kinh tiếng kệ chạy khắp cả toàn thân vì đuổi theo không kịp tiếng tụng kinh như điện chớp của các Thầy. Và phần khác không kém quan trọng là được gặp lại các bạn Đạo, bạn bè sau bao ngày xa cách, xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?

Khoảng cách giữa chỗ tôi ở đến Chùa chỉ gần 300 cây số, nếu đi xe lửa tốc hành như mọi lần chỉ cần hai tiếng đồng hồ. Nhưng khổ nỗi lần này tôi dùng vé 49 Euro một tháng, chỉ được đi xe lửa đường làng chậm hơn rùa và đổi tàu đến 4 lần mất hết 7 tiếng đồng hồ quý giá. Nhưng khi đã quyết tâm đến Chùa thì đổi cả chục lần tàu cũng chẳng sợ huống gì chỉ bốn năm lần. 

Đến Chùa việc đầu tiên tôi phải làm là đi tìm chỗ ngủ cho 3 ngày, cái phòng bên cạnh phòng Tổ là nơi lý tưởng cho tôi "an cư lạc đạo". Mọi người đang tụng Công Phu Chiều trong Chánh điện nên không khí rất yên ắng chẳng một bóng người. Muốn gặp Hòa Thượng Sư Phụ để chào chỉ có thể chờ mọi người hồi hướng chấm dứt thời Kinh. Người gặp đệ tử phương xa đến Chùa thì nở nụ cười tươi và dẫn vào Phòng Tổ đố tài nhận xét của tôi về những đổi thay. Tôi cố đảo mắt một vòng nhìn thật kỹ các di ảnh những vị Tôn Túc được thờ trên tường rồi reo to khi nhìn về bên trái:

-  Ô! Có di ảnh của các Ni Trưởng, Sư Bà, Ni Sư... quá vãng. Một cuộc cách mạng trong tư tưởng của ngôi Chùa Tăng! 

Chợt nghĩ đến "Bát Kỉnh Pháp" là phương tiện để Đức Phật đưa địa vị của người nữ cao hơn trong xã hội, một cuộc cách mạng trong tư tưởng, nâng vị trí người nữ đến mức quan trọng nhất ngang hàng với nam giới. 

Chuyện mới xảy ra trong thời đại 4.0 này đây, tranh vẽ Hai Bà Trưng, hai vị nữ tướng trong lịch sử của Việt Nam, cưỡi voi vô cùng tinh xảo dưới nét vẽ của họa sĩ nổi tiếng André Martinez. Bức tranh này được vẽ tay trên một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ của hãng Christophe Claret, mang tên Legend trong bộ sưu tập đồng hồ mới của hãng. Ông chủ hãng Christophe Claret đã bày tỏ lòng tôn kính tới Hai Bà Trưng là anh hùng dân tộc của Việt Nam vào thế kỷ thứ I. Họ đã đứng lên khởi nghĩa chống nhà Hán trong 3 năm. 

Bây giờ Hòa Thượng Sư Phụ tôi có làm cuộc cách mạng nào đó để lợi lạc cho hàng Ni Chúng thì chúng ta cũng phải tán thán ủng hộ cho Người! Ngẫm lại chuyện xưa của ngài A Nan, đã giúp đỡ vun đắp cho Ni Đoàn của Di Mẫu Kiều Đàm Di như thế nào, để hàng Ni Chúng mãi mãi muôn đời phải khắc ghi?

Mục tiêu chính của tôi trong kỳ này là lấy lại hương xưa, những cảm giác kỳ diệu cảm nhận được khi tham dự Đại Lễ tại Chùa, mà ba năm Covid tưởng chừng như đã cách xa. Được ăn những món ngon của Chùa, hủ tiếu, bánh cuốn, chè, bánh... đủ loại, sợ không đủ sức để nếm thử hết! Được gặp bạn cũ trò chuyện, nói cười không dứt và tình cờ gặp được bạn Đạo cùng tần số, cùng chung Sư Phụ thì kéo nhau vào một góc uống trà rồi đàm đạo, chia sẻ những tư tưởng ngộ ngộ, mà ai không cùng chung một tần số sẽ cho là lơ lửng bay bay!

Các hàng quán đều tập trung trong những gian hàng của chùa Viên Giác, không còn đa dạng của nhiều Chùa như thuở xa xưa. Và hệ thống thanh toán tiền nong rất hiện đại, không lấy tiền mặt mà phải ra quầy mua những Chip giống như vào Casino ở Las Vegas, Chip màu vàng hình chữ nhật giá 4€, màu đỏ hình tròn giá 1€. Gian hàng bán chạy nhất là quầy Hủ Tiếu nước của các đầu bếp đến từ Nuernberg, mỗi tô giá một Chip màu vàng và 2 Chip màu đỏ. Ngon đến độ định sáng mai ra ăn tiếp thì tối nay đã hết sạch! 

Ngày thứ bảy mùng 3 tháng 6, chương trình khá phong phú từ sáng tới tối khuya vẫn chưa xong vì văn nghệ. Có người đến Chùa chỉ vì thích đi xem hát, nhất định đến Chùa để nghe và nhìn cận cảnh chụp hình lưu niệm với một giọng hát nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ của một trung tâm ca nhạc nào đó. Nhưng thôi, chuyện này để tối hẵng kể, còn nhiều chương trình trọng đại cần phải tường trình, chẳng hạn như buổi Lễ Tiếp nhận và Cung thỉnh Thanh Văn Tạng thuộc Đại Tạng Kinh Việt Nam tại Chùa Viên Giác, dưới sự hiện diện của 50 Vị Chư Tôn Đức Tăng Ni và 400 Phật tử ngồi chật cả Chánh điện. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Bhante Olande Ananda người Hòa Lan, Bhante Sukkhacitto người Đức.

Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một màn rước Kinh Sách đầy ấn tượngcảm động đến như thế! Các em Gia Đình Phật Tử mặc đồng phục, thay mặt thế hệ trẻ tiếp nối trong tương lai, Oanh Vũ thì vừa đi vừa rắc hoa, hàng Thanh và Thiếu trong áo dài lam, đầu đội khăn vàng trên để quyển Kinh thật nặng, đi giữa các hồi trống Bát Nhã hùng hồn, hòa trong tiếng niệm Phật của đại chúng, từ từ tiến vào Chánh điện. Và thứ tự từng người đặt những quyển Kinh trên bàn được trang hoàng bằng những giỏ hoa thật lộng lẫy. 

doi kinh
Hòa Thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển Lâm Thời từ 2 năm nay, đã trình bày sơ qua các quá trình thành lập Hội đồng phiên dịchthành quả hôm nay là các Bộ Thanh Văn Tạng được in ấn thật công phuđẹp mắt. Người không quên cám ơn một Cư Sĩ đã góp công rất nhiều làm cầu nối trong công tác chuyết văn, ấn hành trong suốt hai năm qua, đó là Cư Sĩ Nguyên Đạo! 

Thầy Hạnh Giới giữ vai trò MC bằng hai thứ tiếng Đức Việt. 

Buổi lễ trong Chánh điện phải đến 16 giờ mới xong, khiến tôi phải chạy nhanh ra thư viện Chùa tham dự buổi họp của Chi Bộ và Hội Phật Tử do Thầy Hạnh Định hướng dẫn. Các đại diện của từng Chi Hội tự giới thiệu và trình bày ngắn gọn các hoạt động của mình tại địa phương. Ôi thôi, tình hình sinh hoạt vô cùng bi đát, một số các Chi Hội phải ngừng hoạt động với trăm nghìn nỗi khó khăn, nhưng bù lại sinh hoạt của Chùa trực thuộc Chi Hội ấy lại phát triển rất mạnh. Thầy Hạnh Định cười thật tươi và kết thúc buổi họp bằng một lời phát biểuai nấy nghe xong cũng thấy "đúng đúng" làm sao! Thầy bảo, Chi Hội được thành lập với mục đích yểm trợ cho Chùa, nếu Chùa đã vững mạnh thì vai trò của Chi Hội sẽ nhạt nhòa. 

Đến giờ phút này mọi việc đều ổn cả, mọi người hân hoan chờ đợi một đêm văn nghệ Mừng ngày Đản sanh thật đặc sắc. Các màn múa, các màn kịch đều do các em trong Gia Đình Phật Tử tại Đức dàn dựng và trình diễn thật công phu. Ca hát đã có các ca sĩ của Âu Châu về đóng góp thật hùng hậu, hay không kém gì các ca sĩ nổi danh đến từ Hoa Kỳ. Với tôi, ấn tượng nhất vẫn là tiếng hát và lối diễn xuất của ca sĩ Ngọc Huệ đến từ Muenchen, với dòng nhạc thính phòng như Tình Ca của Phạm Duy, Dòng sông xanh như gió lướt... đã đưa tôi trở về thời xa xưa ấy! 

Cao điểm của buổi văn nghệ là màn bán đấu giá các hiện vật quý lạ để gây quỹ xây dựng Học Viện Phật Giáo ngay trong khuôn viên của Tổ Đình Viên Giác, do ca sĩ Ân Thiên Vỹ đến từ Việt Nam điều khiển. Chàng ca sĩ này là đệ tử thuần thành của Ni Sư Hương Nhũ, người có tài giảng Pháp vạn người mê. 

Tác phẩm đầu tiên được đưa ra là chiếc tàu Cap Anamur làm bằng gỗ, cắt dán thật tinh xảo, do Cư sĩ Đỗ Văn Thông, biệt danh "Táo Viên Giác" với các bài Sớ Táo Quân đầu năm không thể thiếu trong Báo Viên Giác, cặm cụi trong vòng 2 tháng mới hoàn thành. Giá đầu tiên đưa ra là 350 Euro, tôi nhớ lời chị Mừng Chi dặn dò nhớ ủng hộ cho Chùa một thước đất, nên định bụng sẽ theo chiếc tàu định mệnh này đến giá 1500 Euro thì ngừng. Ai dè vợ chồng bác sĩ Thiện Niệm và Thiện Vũ, đệ tử yêu quý của Hòa Thượng mới từ bên Florida sang thăm Sư Phụ, đã giơ tay lên với giá 10.000 USD. Cả hội trường im phăng phắc, không ai dám đuổi theo, phần tôi đã từ bỏ ngay ý định theo đuổi chiếc tàu và thầm ngưỡng mộ hai vị Sư Huynh và Sư Tỷ. MC Ân Thiên Vỹ hô to tiếng thứ nhất, rồi tiếng thứ hai thì bàn tay chị Thiện Vũ lại giơ lên với giá 15.000 USD. Thôi thế là hết! Chiếc tàu đã có chủ mới, nhưng họ không muốn mang về Mỹ mà tặng lại cho Hội đoàn Tỵ nạn thuyền nhân tại Đức. 

 

pic 2


Món đấu giá số hai còn đặc biệt hơn nữa vì vô giá. Đó là hai bức tranh vẽ gắn trên khung, một bức là Đức Phật  Bổn Sư ngồi thiền định màu vàng đất và bức kia là Bồ Tát Quán Âm ngồi bắt ấn trắng tinh khiết. Hai bức tranh đẹp và vô giá này lọt vào tay một đệ tử của Hòa Thượng ở Đức Quốc, chị Thiện Giới đã trả với giá 2.500 Euro để thỉnh hai bức tranh về nhà thờ lạy hàng ngày. 

 

pic 3

 

Người viết có chạy theo chị Thiện Giới phỏng vấn, hỏi lý do tại sao lại kết hai bức tranh này? Câu trả lời chỉ một chữ Duyên. Chị nói, lúc bức tranh Đức Phật được đưa ra trên sân khấu, một bóng đèn đỏ tình cờ chiếu vào chỗ trái tim nhấp nháy, phập phồng sau lớp cà sa màu nâu đỏ, khiến chị bị say nắng bức tranh. Thế còn bức Quán Âm? Chị tâm sự, ngày thường chị hay mong mỏi mình được làm nhân viên của Ngài Quán Âm, nhưng chưa biết Ngài có nhận mình không? Hôm nay nhìn bức tranh Ngài một tay bắt ấn, một tay cầm văn bản cuộn tròn giống như hợp đồng giao kết giữa hai bên. Thế là chị quyết tâm thỉnh về. Người viết chúc phúc cho chị và đoán chắc tối nay chị sẽ có một giấc ngủ ngon với hai bóng hình tôn quý!

Sáng chủ nhật mùng 4 tháng 6, Đại Lễ Phật Đản - PL 2567 tại Chùa Viên Giác bắt đầu lúc 10 giờ sáng, vẫn các vị Chư Tăng Ni từ các nơi về tham dự, có sự hiện diện của Hòa Thượng Minh Giác Chùa Vạn Hạnh Hòa Lan, vẫn các nghi thức dâng hoa, tụng kinh Khánh Đản và Lễ Tắm Phật như hằng năm trước thời Covid. Nhìn không khí trang nghiêm và đông đảo trong Chánh điện, chẳng ai còn nhớ đến thời kỳ Covid đảo điên của ba năm về trước. Một kiếp nạn đã trôi qua, ta nên trân quý những gì ta đang cảm nhận: Một Mùa Phật Đản đầy yêu thươngbình an trong mỗi con người

Hôm nay là ngày 28 tháng 6 năm 2023, ngày sinh nhật thứ 75 của Hòa Thượng Sư Phụ tôi. Nhìn lại những công trạng của Người đã cống hiến cho Đời cho Người trong suốt bao năm qua, tôi ví Người như những cánh hoa Ưu Đàm huyền thoại, sắc trắng tinh khiết, không nhiễm bụi trần. Tượng trưng cho hình ảnh kiên cường, không chịu khuất phục và luôn vươn lên. 

Hoa Lan.

Mùa Phật Đản - PL. 2567.

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/05/2021(Xem: 7544)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.