Mùa Phật Đản Nghĩ Về Định Thức Giáo Hóa Của Đức Phật Qua Các Nguồn Thư Tịch Khả Tín

08/05/202211:00 SA(Xem: 3570)
Mùa Phật Đản Nghĩ Về Định Thức Giáo Hóa Của Đức Phật Qua Các Nguồn Thư Tịch Khả Tín

MÙA PHẬT ĐẢN
NGHĨ VỀ ĐỊNH THỨC GIÁO HÓA CỦA ĐỨC PHẬT
QUA CÁC NGUỒN THƯ TỊCH KHẢ TÍN
Chúc Phú

kinh sachCó một sự tương đồng đặc thù trong phương thức giáo hóa của Đức Phật được ghi nhận trong nhiều nguồn kinh, luật, luận khả tín, từ Hán tạng cho đến Nikāya. Do vì phương thức đó mang tính cô đọng, đồng nhất và thống nhất trong từng nguồn thư tịch, dù đối tượng có khác nhau nhưng phương thức giáo hóa đều như nhau, thế nên được xem như định thức.

Mặc dù định thức này thể hiện bằng những cú ngữ khác nhau trong nhiều nguồn thư tịch, thế nhưng chúng tôi chỉ tập trung khảo sát về định thức này qua Bốn bộ A-hàm, Năm bộ Nikāya và một số tác phẩm kinh, luật, luận khả tín.

1.   Trong bốn bộ A-hàm

Trong Kinh Trường A-hàm, định thức giáo hóa của Đức Phật được gọi là: Thị, giáo, lợi, hỷ (示,教,利,喜). Trong 30 kinh Trường A-hàm thì định thức này xuất hiện trong bảy bản kinh, gồm: Kinh Đại bổn 大本經 (T. 01. 0001.1. 0009a07); Kinh Du hành 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012b04); Kinh A-nậu-di 阿㝹夷經 (T.01. 0001.15.  0069a25); Kinh A-ma-trú 阿摩晝經 (T.01. 0001.20. 0088a15); Kinh Cứu-la-đàn-đầu 究羅檀頭經 (T.01. 0001.23. 0099c27); Kinh Sa-môn quả 沙門果經 (T.01. 0001.27.  0109b19) và Kinh Thế ký, Đao Lợi thiên phẩm 世記經,忉利天品 (T.01. 0001.30.8. 0136a21).

Trong Kinh Trung A-hàm, định thức này được gọi là: Khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu, hoan hỷ (,渴仰,成就,歡喜), gồm có 29 kinh. Trong 222 kinh Trung A-hàm thì định thức này xuất hiện ở những kinh theo số thứ tự sau: 9, 16, 27, 28, 36, 38, 39, 40, 62, 63, 68, 71, 72, 74, 79, 84, 87, 104, 128, 132, 133, 145, 146, 151, 161, 173, 184, 185, 217.

Trong Kinh Tạp A-hàm, định thức này được gọi là Thị, giáo, lợi, hỷ (,,利,喜) hoặc Thị, giáo, chiếu, hỷ (示,教,照,喜), gồm có 53 kinh. Trong 1.362 kinh Tạp A-hàm thì định thức này xuất hiện ở những kinh theo số thứ tự sau: 57, 92, 93, 96, 99, 104, 107, 108, 110, 253, 276, 482, 506, 549, 554, 556, 564, 566, 567, 569, 570, 571, 592, 622, 714, 815, 860, 974, 980, 1023, 1025, 1030, 1031, 1032, 1033, 1034, 1036, 1038, 113, 1144, 1158, 1176, 1178, 1179, 1180, 1195, 1196, 1212, 1224, 1225, 1265, 1306, 1323.

Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, định thức này không nhất quán, xuất hiện trong một số kinh với những mệnh đề khá đa dạng như: Tăng. 增 (T.02. 0125.23.1. 0609a22) với cú ngữ Thâm pháp, khuyến lạc, linh hỷ (深法,勸樂,); Tăng 增 (T.02. 0125.24.2. 0616b19) với cú ngữ Vi diệu pháp, khuyến linh hoan hỷ (微妙法,勸); Tăng. 增 (T.02. 0125.37.2. 0709c21) với cú ngữ Vi diệu chi pháp, khuyến linh hoan hỷ (微妙之法,勸); Tăng. 增 (T.02. 0125.37.10. 0717b05) với cú ngữ Vi diệu pháp, sử linh hoan hỷ (微妙法,使); Tăng. 增 (T.02. 0125.38.10. 0725b07) với cú ngữ  Vi diệu chi pháp, sử linh hoan hỷ (微妙之法,使); Tăng. 增 (T.02. 0125.44.9. 0768b24) với cú ngữ Cực diệu chi pháp, khuyến phát, linh hỷ (極妙之法,勸發,); Tăng. 增 (T.02. 0125.52.1. 0823b15) với cú ngữ Vi diệu chi pháp, khuyến linh hoan hỷ (微妙之法,勸).

Như vậy, trong Bốn bộ A-hàm, định thức giáo hóa của Đức Phật đã thể hiện trong nhiều mệnh đề với từ ngữ, kết cấu khác nhau, thế nhưng cú ngữ Thị, giáo, lợi, hỷ (,,利,喜) là một cú ngữ được kinh Trường A-hàmTạp A-hàm thống nhất sử dụng. Đây có lẽ là một sự trùng hợp đặc thù.

2.   Trong Năm bộ Nikāya

Trong kinh điển Nikāya, có một định thức tương tự như Hán tạng, được sử dụng thống nhất trong nhiều bản kinh và chỉ có một vài biến đổi ở hậu tố tùy theo ngữ cảnh. Đó là định thức sandasseti samādapeti samuttejeti sampahaṃseti.

Cú ngữ này xuất hiện trong cả năm bộ Nikāya. Bao gồm:

 Kinh Trường bộ: D.04, Soṇadaṇḍa Sutta (Kinh Chủng Đức); D.05, Kūṭadanta Sutta (Kinh Cứu-la-đàn-đầu); D.16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn); D.27, Pāthika Sutta (Kinh Ba-lê); D.33, Saṅgīti Sutta (Kinh Phúng tụng).

 Kinh Trung bộ: M.27, Cūḷahatthipadopama Sutta (Tiểu kinh dụ dấu chân voi); M.31, Cūḷagosiṅga Sutta (Tiểu kinh rừng sừng bò); M.53, Sekha Sutta (Kinh Hữu học); M.89, Dhammacetiya Sutta (Kinh Pháp trang nghiêm); M.91, Brahmāyu Sutta (Kinh Brahmāyu); M.132, Ānandabhaddekaratta Sutta (Kinh Ānanda nhất dạ hiền giả).

Kinh Tương ưng bộ (S.4.17-I.113), (S.8.6-I.190); (S.16.1-II.215); (S.47.10-V.155).

 Kinh Tăng chi bộ (A.3.91-I.237); (A.4.48-II.51); (A.6.56-III.380); (A.7.53-IV.64) (A.8.12-IV.180); (A.8.62-IV.296); (A.8.69-IV.308); (A.8.78-IV.329); (A.10.67-V.123).

 Kinh Tiểu bộ (Ud 7.1); (Ud.8.1).

Ở đây, sandasseti nghĩa là giải thích, chỉ bày; samādapeti nghĩa là khuyến khích, gây ra [việc gì đó], đánh thức; samuttejeti nghĩa là cổ vũ, tán dương, làm cho phấn chấn; sampahaṃseti nghĩa là làm cho hoan hỷ.

Tùy theo cách thức tiếp cận và quan điểm riêng của từng cá nhân mà mỗi nhà phiên dịch có những cách hiểu khác nhau, lựa chọn những trường nghĩa khác nhau của định thức này. Đơn cử như, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là: thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ[1]. Tỳ-kheo Bodhi dịch là: Hướng dẫn, khuyến khích, làm thức tỉnh và khiến cho hoan hỷ (instructed, urged, roused, and gladdened)[2]. Tỳ-kheo Sujato dịch là: Giáo dục, cổ vũ, khuyến khích và truyền cảm hứng (educated, encouraged, fired up, and inspired)[3]. Tỳ-kheo Ānandajoti dịch là: Hướng dẫn, làm thức tỉnh, tán dương và khiến cho hoan hỷ (instructing, rousing, enthusing, and cheering)[4].

Có thể thấy, định thức chỉ có một nhưng dịch ngữ thì không giống nhau, thế nên để chuyển nghĩa trọn vẹn định thức này là điều không hề đơn giản.

3.   Trong các bộ kinh, luật, luận và những dịch giả khả tín

Trong những dịch phẩm của ngài Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (Kumārajīva, 334-413), định thức Thị, giáo, lợi, hỷ (,,利,喜) được ngài sử dụng xuất hiện trong các kinh như: Tiểu phẩm bát-nhã-ba-la-mật kinh 小品般若波羅蜜經 (T.08. 0227.4. 0552a07); Diệu pháp liên hoa kinh 妙法蓮華經 (T.09. 0262.3. 0025b09).

 Ngoài ra, còn có rất nhiều dịch giả khả tín chọn định thức Thị, giáo, lợi, hỷ trong dịch phẩm của mình như: ngài Đàm-vô-sấm 曇無讖 (Dharmakṣema - धर्मक्षेम, 385-43) trong Bi hoa kinh 悲華經 (T.03. 0157.2. 0175a16); ngài Xà-na-quật-đa 闍那崛多 trong Phật bổn hạnh tập 佛本行集經 (T.03. 0190.42. 0851b28); ngài Thi Hộ 施護 trong Phật thuyết Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 佛說佛母出生三法藏般若波羅蜜多經 (T.08. 0228.8. 0614c17); ngài Bồ-đề-lưu-chí 菩提流志 trong Đại Bảo Tích kinh 大寶積經 (T.11. 0310.19. 0104b16)…

Về luật tạng, các dịch giả có thẩm quyền về luật tạng cũng sử dụng định thức Thị, giáo, lợi, hỷ như ngài Phật-đà-thập và Trúc Đạo Sanh 佛陀什共竺道生[3] trong Di-sa-tắc-hòa-ê Ngũ phần luật 彌沙塞部和醯五分律 (T.22. 1421.1. 0001a18); ngài Phật-đà-bạt-đà-la và Pháp Hiển 佛陀跋陀羅共法顯 trong Ma-ha-tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.3. 0242c24); ngài Phất-nhã-đa-la 弗若多羅 trong Thập tụng luật 十誦律 (T.23. 1435.3. 0015a03); ngài Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713) trong Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 根本說一切有部毘奈耶 (T.23. 1442.5. 0651b02)[5]. Đáng chú ý, có một tác phẩm giải thích về Luật tạng, được các nhà nghiên cứu cho rằng của Tuyết Sơn bộ (雪山部, Haimavata - हैमवत), không rõ người dịch, tên là Tỳ-ni mẫu kinh (Vinaya mātṛka śāstra) 毘尼母經 (T.24. 1463.1. 0804a24) cũng sử dụng định thức này[6].

Về Luận tạng, các dịch giả của nhiều bộ luận quan trọng cũng sử dụng định thức Thị, giáo, lợi, hỷ như ngài Cưu-ma-la-thập trong Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.54. 0443a29), trong Thập trụ tỳ-bà-sa luận 十住毘婆沙論 (T.26. 1521.1. 0023c15), trong Phát Bồ-đề tâm kinh luận 發菩提心經論 (T.32. 1659.1. 0508c27); ngài Cầu-na-bạt-ma 求那跋摩 trong Bồ-tát thiện giới kinh 菩薩善戒經 (T.30. 1582.3. 0978c09); ngài Chân Đế 真諦 (Paramārtha- परमार्थ) trong Đại thừa khởi tín luận 大乘起信論 (T.32. 1666.1. 0578c14).

Như vậy, đã có nhiều dịch giả khả tín đã sử dụng định thức Thị, giáo, lợi, hỷ trong dịch phẩm của mình. Vậy thực chất ý nghĩa của định thức này là gì?

Về điều này, Đại trí độ luận[7] đã giải thích:

Thị nghĩa là nêu bày cho người những điều như tốt xấu, thiện hay bất thiện, việc nên làm hay không nên làm; sanh tửxấu xa, Niết-bàn an ổntốt đẹp, phân biệt ba thừa, phân biệt sáu ba-la-mật, những điều như vậy gọi là Thị.

Giáo nghĩa là chỉ dạy cho người bỏ ác làm lành, đó gọi là giáo.

Lợi nghĩa là [người] chưa đạt được pháp vị tốt đẹp nên tâm [dễ bị] thoái lui; vì họ mà thuyết pháp, dẫn dắt khiến họ vượt lên. [Bảo rằng]: Chớ mong chờ vào quả khi còn ở nơi nhân. Hiện tại, tuy ông nhọc nhằn vất vả nhưng khi phước quả hiện bày thì ông sẽ có được lợi ích lớn. [Việc đó] khiến cho tâm của người kia hăng hái nên gọi là Lợi.

Hỷ nghĩa là tùy theo việc họ làm mà tán thán, khiến cho tâm người kia hoan hỷ. Nếu người vui với việc bố thítán thán bố thí thì sẽ [khiến họ] hoan hỷ nên gọi là Hỷ.

Tương tự như giải thích của luận Đại trí độ (大智度論) do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, ngài Huyền Trang 玄奘 (602-664), trong hầu hết tác phẩm của mình đã chuyển dịch định thức này bằng mệnh đề đăng đối: Thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ (示現,教導,,慶喜), xuất hiện trong nhiều bản kinh, luận như: Đại bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.78. 0438c23); Thuyết vô cấu xưng kinh 說無垢稱經 (T.14. 0476.2. 0563b23); Bổn sự kinh 本事經 (T.17. 0765.4 0682c19); A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.1. 0367a20); A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận 阿毘達磨大毘婆沙論 (T.27. 1545.40. 0209b14); Du-già-sư-địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.27. 0433a24); Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 大乘阿毘達磨雜集論 (T.31. 1606.15. 0767c20).

4.   Nhận địnhđề xuất

Qua những nguồn thư tịch khả tín cũng như thông qua dịch ngữ của các nhà phiên dịchthẩm quyền nêu trên, đã dẫn đến vài nhận định ban đầu:

Về Hán ngữ, cấu trúc định thức Thị, giáo, lợi, hỷ (,,利,喜) được kinh Trường A-hàm, Tạp A-hàm và nhiều bộ kinh, luật, luận khả tín nêu ra, được Luận Đại trí độ chú giải, tương tự như cách dịch Thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ (示現,教導,,慶喜) trong những dịch phẩm của ngài Huyền Trang.

Về kinh điển Pāli, định thức sandasseti samādapeti samuttejeti sampahaṃseti được sử dụng thống nhất trong cả Năm bộ Nikāya, được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là: Thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ; được Tỳ-kheo Bodhi dịch là: Hướng dẫn, khuyến khích, làm thức tỉnh và khiến cho hoan hỷ (instructed, urged, roused, and gladdened) là hai dịch ngữ vừa gần với văn từ, vừa thuận theo nghĩa lý.

Từ những đối khảo giữa kinh điển Hán tạng và Pāli nêu trên, đặc biệtdựa vào sự giải thích tường tận của Luận Đại trí độ, chúng tôi kính cẩn đề xuất định thức giáo hóa mang tính thống nhất của Đức Phật là: Mở bày - Dạy bảo - Khích lệ - Khiến cho hoan hỷ.



[1] Theo Kinh tăng chi bộ (A.8.62-IV.296). Tuy nhiên, ở D.04, Soṇadaṇḍa Sutta (Kinh Chủng Đức) và D.05, Kūṭadanta Sutta (Kinh Cứu-la-đàn-đầu); thì Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là giảng dạy, khích lệ, kích thích và làm cho…hoan hỷ; ở D.16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn) thì ngài dịch là giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Xem tại https://suttacentral.net/

[2] Xem bản dịch M.27, Cūḷahatthipadopama Sutta (Tiểu kinh dụ dấu chân voi) của Tỳ-kheo Bodhi tại https://suttacentral.net/

[3] Xem bản dịch D.16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn) của Tỳ-kheo Sujato tại https://suttacentral.net/

[4] Xem bản dịch Kinh Tiểu bộ (Ud 7.1) của Tỳ-kheo Ānandajoti tại https://suttacentral.net/

[5] Với ngài Nghĩa Tịnh, ngoài cách dùng Thị, giáo, lợi, hỷ ngài còn sử dụng định thức Khai thị, khuyến đạo, tán lệ, khánh hỷ (開示,勸導,,慶喜) trong tác phẩm Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 根本說一切有部毘奈耶雜事 (T.24. 1451.14. 0266c24); (T.24. 1451.18. 0289a28). Cách dịch này gần giống với dịch ngữ Thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ (示現,教導,,慶喜) của ngài Huyền Trang.

[6] Tác phẩm này, gọi chính xácTỳ-ni-mẫu luận (論, Vinaya mātṛka śāstra), được ghi nhận trong một số tác phẩm như Di-sa-tắc yết-ma bổn 彌沙塞羯磨本 (T.22. 1424.1. 0223c10); Pháp Hoa văn cú 法華文句記 (T.34. 1719.1. 0157b09); Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương 大乘法苑義林章 (T.45. 1861.3. 0305a16)…

[7] 大智度論 (T.25. 1509.54. 0445a21-0445a28): 示人好醜善不善,應行不應行, 生死為醜涅槃安隱為好, 分別三乘, 分別六波羅蜜, 如是等名示.教者, 教言汝捨惡行善是名教.利者, 未得善法味故心則退沒, 為說法引導令出, 汝莫於因時求果, 汝今雖勤苦果報出時大得利益, 令其心利故名利. 喜者, 隨其所行而讚歎之, 令其心喜, 若樂布施者讚布施則喜故名喜.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/05/2021(Xem: 8735)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.