Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

16/05/201412:00 SA(Xem: 32523)
Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

blank
BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

Thích Tâm Hạnh

thichtamhanh_01234561I. BA CÁCH CÚNG DƯỜNG.

Hôm nay, nhân mùa Phật Đản, quý phật tử đạo tràng Trúc Lâm Sen Trắng Đà Nẵng trở về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tu tập hai ngày một đêm. Đêm rồi quý vị đã được tụng kinh, ngồi thiền. Khuya nay quý vị cũng đã ngồi thiền rồi và mới tụng kinh Lễ Phật Đản xong. Bây giờ đến thời sinh hoạt đạo lý. Ngày lễ Phật Đản, chúng ta cúng dường Đức Phật theo mấy cách? Kỷ niệm mừng ngày Đức Phật giáng sanh, chúng ta có rất nhiều cách để cúng dường lên Ngài. Cụ thể, trong Kinh dạy chúng ta có ba cách cúng dường.

1/ Cách thứ nhất là lợi cúng dường: Tức là tứ sự, những gì có được mình dâng lên cúng dường, đó gọi là lợi cúng dường.

2/ Thứ hai là kính cúng dường: Tức là chúng ta kính trọng hướng về ngài.

3/ Và thứ ba là tu cúng dường: Lâu nay chúng ta thường quen lợi và kính cúng dường mà hay bỏ quên phần tu cúng dường. Tức là có hoa, có quả, có gạo, có tiền... đem dâng cúng, hoặc tôn thờ, lễ lạy ngài, nhưng thường quên để ý đến phần thực hành công phu. Tu tập cúng dườngchúng ta phải nhắm thẳng đến phần thực hành công phu, đó là một cách cúng dường.

Cũng như ở nhà, mình là người làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà. Đến ngày sinh nhật, con cháu thể hiện nhiều cách để chúc thọ mình. Đứa thì mua quà tặng, đứa thì tỏ tình cảm tôn kính mình, có đứa lo chăm sóc sức khỏe của mình một cách chu đáo, có đứa thì ngoan ngoãn nghe lời chỉ bảo của mình để được thành đạt trong cuộc sống... Theo cái nhìn và khả năng của mỗi người con mà có cách thể hiện khác nhau. Cách nào cũng tốt, miễn nó ngoan ngoãn và có lòng là mình vui rồi. Hôm nay trong mùa Phật Đản, quý vị trở về đây tu tập hai ngày một đêm, đó là hành động của một người con ngoan ngoãn đã biết cúng dường lên đức Từ phụ của mình. Người xưa nói “Cung kính bất như phụng mệnh”. Nghĩa là tôn trọng, cung kính không bằng chúng ta vâng lời, làm theo. Có nhiều đứa con trước mặt mình thì tỏ ra có vẻ ngoan ngoãncung kính lắm. Nhưng khi ra đường, ra xã hội thì sống khác đi. Một người con như vậy không thể gọi là có hiếu được. Cho nên hôm nay trở về Thiền viện tu tập, đó là quý vị đang vâng theo lời đức Phật chỉ dạy, nghĩa là chúng ta đang cúng dường đức Phật một cách thiết thực nhất.

Nhưng muốn nghe theo, muốn tu tập theo, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ cuộc đời đức Phật thì mới phụng mệnh, mới tu theo được. Cho nên hôm nay quý Thầy sẽ nói một vài bài học từ cuộc đời của đức Phật ở cấp độ bình dị, gần gũi, nhưng rất cần thiết với tất cả chúng ta, trong khả năng mỗi người có thể làm được để qúy vị học theo, mang lại lợi ích thiết thực cho mình và mọi người.

II. BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT.

Cuộc đời của đức Phật rất vĩ đại, vô vàn những điều hay, chúng ta không tài nào học hết được. Lý do đầu tiên là mình không thể biết hết để học. Chưa có ai dám tự nhận mình là người biết hết những điều hay của đức Phật. Chúng ta chỉ nhận biết được phần nào thôi cho nên khó học hết. Một lý do nữa là những điều được nghe, được học, được hiểu, nhưng chúng ta không dễ hiểu hết thâm ý đức Phật muốn chỉ trong đó. Và điều thứ ba, thí dụ như quý vị đang ở Đà Nẵng, làm công việc ồn ào, chưa bao giờ ra cảnh núi rừng thanh vắng như thế này thì chúng ta không thể nào hình dung ra hay cảm nhận được cảm giác thanh tịnh giống như mấy hôm mình đã ở lại đây. Chỉ có ai ra đến đây rồi thì mới cảm nhận hết được. Cũng thế, nếu chưa ở trong cảnh giới của Phật thì chúng ta sẽ không thể thấy hết để học theo. Chỉ có Phật mới biết đến cảnh giới Phật. Nếu chưa như thế thì không dễ hiểu thấu hết thâm ý của Phật, cho nên khó học hết những điều hay từ đức Phật. Chừng nào chưa thành Phật, ngày đó chúng ta chưa thể học hết những bài học từ cuộc đời đức Phật muốn dạy mình. Mới biết, bài học từ cuộc đời đức Phật rất lớn lao. Cho nên hôm nay trong phạm vi hạn hẹp, chúng ta chỉ học những bài học gần gũi, bình dị, vừa sức chúng ta có thể hiểu biết, cảm nhận và ứng dụng được.

1. Duy ngã độc tôn.

Có lẽ phần đông quý vị có hiểu biết về lịch sử cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho nên quý Thầy không nhắc lại. Chỉ ôn sơ qua một vài điểm để chúng ta học theo thôi. Ngài là một vị thái tử tên Tất-đạt-đa, hay còn gọi là Sĩ-đạt-ta, có nghĩa là “người được toại nguyện”. Vì qua bao nhiêu mong mỏi, vua Tịnh Phạn mới có được một vị thái tử duy nhất, Vua rất quý cho nên nhân đó đặt tên. Vừa mới ra đời, Thái tử đi trên bảy hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói:

Thiên thượng, thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử.

Nghĩa là “Trên trời, dưới trời, chỉ ta là hơn hết. Tất cả thế gian đều bị chi phối bởi sanh, già, bệnh và chết”. “Chỉ ta hơn hết”, chữ TA không phải là cái ngã thể sanh diệt, không phải là cái thân tứ đại này, mà chữ TA ở đây là trí giác, là Phật tâm, là sự giác ngộ. Khi vừa ra đời, điều đầu tiên Ngài tuyên bố cho mọi người biết, trên trời, dưới trời, chỉ có con người giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ là trên hết. Ngoài ra, tất cả những thứ khác chỉ thuộc về sanh, già, bệnh, chết, tức là chỉ thuộc về vô thường, biến hoại, không thật, không có gì đáng trân quý. Cụ thể hơn, lìa sự giác ngộ thì làm gì cũng rơi vào vô thường, biến hoại, huyễn hóa.

Có lần, quý Thầy gặp một anh nọ bảo rằng: “Sanh ra trên đời, ai cũng có một lý tưởng riêng và lý tưởng nào cũng tốt.” Tất cả chúng ta đều có lý tưởng riêng và mỗi lý tưởng đều có mặt tốt của nó. Nhưng nếu nói tất cả đều tốt thì có vẻ chung chung nên quý Thầy chưa hài lòng lắm. Chúng ta cần phải trắc nghiệm, kiểm tra lại lý tưởng sống của mình để không bị nhầm. Cụ thể mỗi một chúng ta đều có quyền chọn cho mình một lý tưởng sống và hằng ngày chúng ta đang sống với lý tưởng đó. Nhưng lý tưởng đó nó có đủ lớn để bảo kê cho cuộc đời mình hay không? Điều này quý vị có thể kiểm nghiệm qua ba trường hợp:

1/ Khi gặp một điều vui, trong lòng quý vị có được vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra hay không? Nếu vẫn bình thường thì lý tưởng sống nó mới đủ lớn để bảo kê cho mình được. Bởi lẽ khi vui quá là không bình thường, là động tâm. Mà tâm động thì chúng ta sẽ yếu. Tâm yếu thì dễ bị chi phối, không tự chủ, đưa đến khổ đau. Còn đưa đến khổ đau thì lý tưởng ấy chưa bảo vệ cho mình được.

Ví dụ chúng ta đang hào hứng, hăng say với một công việc nào đó mình cho là quan trọng, là hay. Bỗng dưng có ai đó phản bác, chặn lại, làm ngược đi với những ý tưởng của mình, chúng ta sẽ bất mãn, bực bội, bỏ cuộc. Ngược lại, cũng một công việc đó, nhưng mình làm trong an tỉnh. Nhỡ có ai đó chặn lại, chúng ta sẽ bình tỉnh, tìm cách thuyết phục, vượt qua, phương án ấy sẽ được khả thi, đưa đến thành công tốt đẹp. Như vậy, hào hứng, hăng say nó chỉ được một chiều. Nhưng vì là tướng động nên làm cho mình yếu, không đủ sức để vượt qua chướng ngại. An tỉnh mới đủ sức vượt qua những thử thách rào cản trong cuộc sống. Cũng thế, gặp cảnh vui mà chúng ta vui được thì đó là động tâm. Lâu ngày tâm động này thành thói quen, thành sức mạnh cho nên khi gặp cảnh khổ chúng ta cũng không tự chủ được và cũng sẽ khổ não. Bởi vậy khi gặp cảnh vui mà chúng ta động tâm vui được thì khi buồn chúng ta cũng sẽ động tâm và buồn được, các khổ từ đó có ra. Nếu người sống với một lý tưởng nào đó mà khi gặp chuyện vui họ vẫn bình thường, vui một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ, tâm mình không động. Chính năng lực không động này cho ta một sức giác rất lớn, các khổ não không còn giá trị, chúng ta luôn được an vui. Chính lý tưởng giác ngộ đó sẽ đủ tư cách chuẩn xác, bảo kê cho đời mình không bị khổ.

2/ Thứ hai, lý tưởng chúng ta sống làm sao phải đủ sức, khi gặp cảnh khổ, chúng ta vẫn bình thường không khổ, hay ít khổ, không khổ nhiều đến nỗi quá sức chịu đựng. Được vậy, lý tưởng ấy mới có lợi ích, mới đủ tư cách bảo kê cho mình được.

Ví dụ sáng sớm thức dậy gặp chuyện không như ý. Lên công sở thì gặp việc bực bội. Một lúc sau lại gặp chuyện không vui, rồi những chuyện vớ vẩn đâu đâu nó lại ùa đến làm mình khó chịu. Một lúc mình bị đụng một chút, cho đến chiều thì chúng ta sẽ bị căng thẳng, bức rức, yếu mỏi vô cùng. Khi mỏi mệt thì tâm mình càng trở nên suy yếu, càng gia tăng sự căng thẳngbực bội. Càng căng thẳng, bực bội thì lại tâm mình lại càng bị suy yếu đi. Cứ như thế nỗi bực bội mỗi lúc một lớn và đưa đến khổ đau. Nếu vừa có một niệm khó chịu, chúng ta chấn chỉnh ngay thì tâm mình sẽ trở lại trạng thái an ổn ban đầu, điều khó chịu thứ hai, thứ ba không có chỗ tiếp nối, chúng ta được an tịnh. Như vậy không ai, không điều gì có thể làm cho mình khổ đau được. Ngay một niệm đầu đó chúng ta soi lại, hóa giải thì tâm mình trở nên an tĩnh, sức giác từ đó có ra. Theo thời gian sức giác ngộ này lớn mạnh, các khổ tự nhiên được tiêu trừ, chúng ta được an vui mãi mãi. Cho thấy, chính sức giác ngộ này là một lý tưởng đủ lớn để bảo vệ cho mình an vui miên viễn được.

3/ Và tiêu chí cuối cùnglý tưởng sống suốt cả đời đó làm sao để khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, mình cảm thấy bình thường, ổn định, không có gì xao xuyến, lo âu, hoang mang hay sợ hãi... Nói như thế không phải sống để chờ chết, để phục vụ cho cái chết. Nhưng vì chết là một điều ai cũng cảm thấy lớn lao và sợ sệt, cho nên đem nó ra để đo lường với lý tưởng của mình xem, lý tưởng ấy đã đủ lớn để làm chủ được sự sống chết hay chưa. Với sự giác ngộ, chư Phật, chư vị Tổ sư, các vị tiền bối đã minh chứng hùng hồn cho một sự ra đi an nhiên, tự tại. Mới thấy, sức giác ngộ lớn lao đến dường nào!

Nếu một lý tưởng ổn định, đủ lớn để bảo kê được ba tiêu chí trên thì quý vị đã chọn được cho mình một lý tưởng đúng, chuẩn xác. Ngược lại, nếu chọn một lối sống mà khi gặp ba sự việc trên, chúng ta còn bị nó chi phối thì lý tưởng kia không bảo kê được cho mình. Đó là chúng ta đã chọn một lối sống không thiết thực có lợi, là một lý tưởng chưa được xác đáng.

Khi người con muốn xin một điều gì đó ở bố mẹ, chúng thường nhìn nét mặt, ánh mắt bố mẹ hôm đó được vui không. Nếu đang vui thì biết lòng đang an ổn, sẽ sẵn sàng cho. Một buổi sáng thức dậy với một tâm thái an ổn, nhẹ nhàng thì mọi việc hanh thông. Sự việc có đến như thế nào mình cũng cảm thấy bình thườnggiải quyết rất trôi chảy. Ngược lại, bằng một tâm thái không ổn định, bấn loạn, bực bội thì gặp điều gì cũng dễ bực, làm gì hỏng đấy. Mới thấy tâm thái lặng lẽ ấy cần thiết cho cuộc sống của chúng ta như thế nào.

Giác ngộ là tâm thái tự lắng sáng một cách tuyệt đối. Người luôn sống bằng tâm giác sáng, lặng lẽ, không động đó là người giác ngộ. Người ấy sẽ có một nguồn an lạc vô biên. Sống bằng tâm giác đó thì nó đủ lớn để tất cả cảnh trở nên bình thường, không còn đủ sức chi phối con người giác ngộ ấy. Mới thấy, sự giác ngộ là trên hết. Đó là tinh thần đức Phật đã nói: “Duy ngã độc tôn.”

1/ Với cảnh vui: Nếu hằng ngày, ở mọi hành động quý vị luôn luôn sống bằng tâm phẳng lặng, giác sáng, không manh động quá. Lâu ngày tập thành thói quen, tự nó sẽ tạo thành một nguồn năng lượng vô hình, tạo nên sức mạnh cần thiết. Khi gặp cảnh vui, chúng ta cũng không dễ động. Ngay khi không động thì người mình vững vàng, sáng suốt, tỉnh tại, lạc an, tươi vui. Từ đó nhìn cái gì cũng tươi mát, tâm mình rộng hơn, nhìn ai cũng bằng tâm cởi mở, dễ cho ra hơn... Điều đó đã minh chứng được một lý tưởng sống đã phục vụ tốt cho mình và người, là một lý tưởng đúng nghĩa.

2/ Với cảnh khổ: Cũng sống bằng tâm phẳng lặng, giác sáng, an lạc vô biên đó. Khi gặp cảnh khổ, cảnh trái ý nghịch lòng, tất cả cảnh ấy không đủ lớn để làm cho chúng ta khổ được. Vậy là sự giác ngộ đã bảo kê được cho mình rồi.

3/ Với cái chết: Trong bất cứ trường hợp nào, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta luôn luôn sống bằng tâm lặng lẽ, giác sáng, an vui suốt cả một đời như vậy. Cho đến khi sắp nhắm mắt lìa đời, sức sống ấy rất lớn, bỗng dưng chúng ta cảm thấy chuyện sống chết rất bình thường, cái chết không còn đủ sức chi phối chúng ta nữa. Thật sự an nhiên, tĩnh tại. Nếu sức huân hằng ngày còn ít, chưa đủ mức để được như thế thì lực ấy cũng khiến chúng ta cảm thấy tỉnh sáng, an ổn. Thấy thân này không phải thật là mình, cảnh này không phải cố định của mình, cuộc sống chỉ là một khoảng gá mượn để thực hành việc giác ngộ... Khi đó tâm mình tự lặng an, sáng suốt, biết hướng đi. Mới thấy, chính sự giác ngộ đã bảo kê cho chúng ta được an ổn khi sắp lìa đời.

Đảm bảo được ba điều kiện đó thì mới đúng nghĩa một lý tưởng, một điều mà ai trong đời cũng thấy cần phải hướng đến. Sống được như vậy là sức sống của một người giác ngộ. Sức sống giác ngộ ấy có giá trị vô biên cho mình và mọi người cho nên sự giác ngộ là trên hết. Đức Phật đã nói, trên trời, dưới trời, cả cõi nước này, đối với tất cả mọi thứ, chỉ có sự giác ngộ là trên hết. Ngoài ra, không giác ngộ, rời tâm giác mà sống, mà làm thì tất cả chỉ là rơi vào sanh diệt, vô thường, không đưa đến một cuộc sống chắc chắn an lạc, an toàn, an vui tuyệt đối. Đó là điều rất trọng yếu, khi vừa ra đời đức Phật đã tuyên bố, đã nói cho chúng ta nhận biết trước để hướng đến. Đó là cái chính yếu, cái gốc. Nếu học được, nắm bắt và sống được ngay cái gốc này thì mọi việc đã được hoàn thành. Nếu chưa như thế thì đức Phật chỉ từng bước cho chúng ta nhận thấy.

Khi lớn lên, ngài là người văn võ song toàn. Những lúc ra khỏi hoàng thành, chứng kiến bốn cảnh sanh, già, bệnh, chết, thái tử ý thức sâu sắc về lẽ vô thường, về nỗi khổ kiếp người nên đã phát chí hướng thượng, phát tâm xuất gia.

2. Sự sống là khổ.

Một lần đi xem lễ hạ điền, thái tử ngồi dưới tán cây nhìn các nông dân cày ruộng. Khi cày đất lên, côn trùng bò lúc nhúc, chim chóc sà xuống gắp ăn. Thấy vậy, thái tử tư duy, thấm nghiệm, cảm nhận, thấy ra được một sự thật. Con này sống từ sự chết chóc đau đớn của con kia. Con này được một miếng ngon thì con kia phải mất mạng, phải đau đớn vô kể. Sự sống con này là cái chết của con kia, cho nên Ngài thấy sự sống quá là đau khổ.

Cùng trước cảnh ấy, nếu chúng ta lăng xăng, lộn xộn, tâm thái đang loạn động thì khó thấy ra, khó thấm nghiệm và giác ngộ được như Ngài. Huống chi với một tâm quá thô tháo, không được hiền thiện, chính mình làm những việc ăn sống uống tươi thì làm sao, biết bao giờ mới có được cảm nhận đó! Bằng tâm tĩnh lặng, với tâm từ bi nên ngài thấy rõ và thương cho những con bị chết lẫn con sống. Ngài ý thức rằng, sự sống là khổ cho nên nói sanh là khổ.

Ngày xưa, quan niệm ăn chay chưa có. Nhưng khi thấy cảnh con này ăn con kia thì thái tử đã thấy thương tâm, đã thấy là tạo khổ đau cho nhau rồi. Bây giờ tinh thần ăn chay đã được mọi người biết đến rất rộng rãi, nhiều người thích ăn chay. Thế nhưng vẫn có không ít người không chấp nhận việc ăn chay. Có người vẫn nói “vật dưỡng nhân”, con vật sanh ra để phục vụ mình, cho mình ăn chứ việc gì phải ăn chay. Cái nhìn như thế là chưa đồng cảm với mọi loài, là trái chiều với cái nhìn của thái tử xưa kia. Khi thấy con chim ăn côn trùng là thái đã thương tâm rồi. Chúng ta đi ăn tươi nuốt sống những con vật mà không hề biết đến sự đau đớn của nó, còn nói động vật dưỡng nhân, vậy là chúng ta khá ích kỷ, từ tâm của mình còn bị khuất lấp. Nếu thực sự con vật sinh ra để nuôi dưỡng chúng ta thì con gà, con heo... nó sẽ tự nguyện đến mời chúng ta làm thịt nó để ăn. Nhưng trên thực tế có con gà, con heo nào tự nguyện chạy tới nói, tôi sinh ra để phụng dưỡng con người, quý vị cứ giết tôi mà ăn đi, có con nào đến nói với chúng ta như vậy không? Hay quý vị bắt để làm thịt thì nó la thất thanh? Chúng ta rượt bắt thì nó hoảng sợ và chạy trốn? Sợ tức là sợ đau. Nó không sẵn sàng cho mình làm thịt, nhưng mình lại cưỡng bức giết nó để mình được ăn. Vậy là chúng ta bức ép nó chứ có con vật nào tự nguyện cho chúng ta giết đâu mà bảo là nó sinh ra để nuôi dưỡng mình! Nếu nói vật dưỡng nhân là đúng thì quý Thầy sẽ nói “nhân dưỡng hổ”, tức là con người sinh ra để con cọp nó ăn. Vậy có quý vị nào tình nguyện đến trước miệng hổ để nó có một bữa ngon miệng no nê không? Hay nghe nói đã sợ, thấy con cọp sổng chuồng đã lo chạy trốn bán mạng? Gặp cọp chúng ta hoảng sợ bỏ chạy như thế nào thì con gà, con heo, con vịt thấy chúng ta cầm cái dao, nó cũng hoảng sợ và bỏ chạy như thế. Tỉnh táo một chút, sáng suốt một chút, mạnh mẽ một chút để nhìn lại cho trung thực thì sẽ thấy, khi bị đâm mổ, mình bị đớn đau, sợ hãi như thế nào thì con vật nó cũng bị đớn đau, hốt hoảng như thế ấy. Chúng ta không nỡ vì mình mà để cho nó phải khổ đau, cho nên không nỡ giết nó. Nghĩ được như vậy thì lòng từ bi của mình được phát triển, cho nên ăn chay để tăng trưởng lòng từ bi là vậy. Ngoài ra, không giết chóc thì không mắc nợ mạng sống, không bị bệnh hiểm nghèo, chết yểu hay đớn đau.

Ngày trước chưa biết ăn chay, quý vị có thể giết heo, mổ trâu, làm gà, làm vịt... Đủ duyên đi chùa, ăn chay, sống đời hiền thiện, tu tập. Thời gian sau tình cờ thấy ai đó mổ gà thì mình cảm thấy khó chịu, không nhìn được. Nghe kể những chuyện đâm trâu giết bò, chúng ta cảm thấy ghê tởm, kinh khủng, khó chịu... Quý thầy khuyên không nên đập muỗi, giết kiến... như thế sẽ mắc nợ thân mạng sống của nó, bị quả báo không tốt. Tập lâu thành quen, một thời gian sau nhỡ có muỗi cắn, quý vị thấy thương nó, tội cho nó và không nỡ đập nó. Tương tự, nhỡ đạp một con kiến mình cũng cảm thấy bất nhẫn quá. Ngày trước còn ở Trúc Lâm Đà Lạt, khi đi làm công tác chung, quý Thầy kéo chiếc xe bò (xe cộ) vô tình cán vào cây thông con bên lề đường. Hòa Thượng Tôn sư nói “Sao mà mấy chú bất nhẫn như vậy. Cây thông đang sống như vậy mà không tránh ra, lại nhẫn tâm cán lên cho nó chết”. Hòa Thượng tôn sư thì thương đến cả cây thông con. Còn chúng ta có khi con người với nhau vẫn còn thương nhau không nổi. Như thế, lòng từ bi của mình lớn được bao nhiêu? Chỉ có tỉnh táo, soi xét lại thì chúng ta mới học hết hạnh giác ngộ của các Ngài. Đến một cây thông con Hòa thượng tôn sư cũng thấy tội nghiệp, không nở làm tổn thương nó. Ngày xưa có khi mình cũng giết gà, giết vịt. Nhưng tu tập thời gian thì chúng ta cảm thấy thương cho chúng sanh, không nỡ đập muỗi hay đụng đến con kiến. Mới thấy, khi yên tĩnh, ăn chay, tu tập thiện tâm lâu ngày thành quen rồi thì tự nhiên chúng ta không làm được những việc xấu ác. Đó là dấu hiệu cho thấy thiện căn của chúng ta đã được tăng trưởng. Thiện căn tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được đi trên con đường an lành, an ổn. Nếu không khéo tu tập thì ác pháp tăng trưởng, đưa đến con đường xấu ác và phải bị khổ não thôi. Nếu biết soi xét lại mình, khéo léo sửa đổi từ những hành vi nhỏ nhặt của mình, sự tu tập sẽ có hiệu quả rõ rệt.

Một sự chiêm nghiệm nữa cũng dễ thấy lắm. Xưa kia mới lớn lên, chưa được học đạo, chưa biết ăn chay, chúng ta ăn mặn, có khi ăn cả những món máu me tươi sống. Nhưng khi biết học đạo, ăn chay lâu ngày rồi, hôm nào ai đó dọn cái chén ăn mặn mà rửa không sạch, chúng ta nghe mùi tanh thấy không dễ chịu chút nào. Lịch sự nín hơi để ăn cho hết bữa, nhưng và cơm vào miệng là tự nó muốn ói ra ngoài. Nghe giết súc vật, tự nhiên mình cảm thấy khó chịu. Nghe đến đồ mặn là đã cảm thấy rùng rợn. Nhưng nếu hồi còn ăn mặn, máu tanh tươi sống chúng ta cũng uống được nữa. Mới thấy, ăn chay sẽ làm cho tâm từ và căn lành của chúng ta tăng trưởng một cách rõ ràng. Tâm từ tăng trưởng, thiện pháp tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được an ổn. Sống được an ổn, vui tươi thì chết cũng sẽ được an vui. Đó là điều nghiễm nhiên, chắc chắn, thấy được, không nhọc ai phải cầu nguyện cho mình nữa. Rất rõ ràng!

Mặt khác, có nhiều người cho rằng ăn chay sẽ suy dinh dưỡng, không thông minh. Ở Nhật, người ta nuôi hai con chó để thí nghiệm. Một con cho ăn chay từ nhỏ và con kia thì ăn mặn. Khi trưởng thành, người ta thả cho hai con đấu nhau. Ban đầu con ăn mặn rất hùng hổ. Nó vồ vập, dữ tợn. Ngược lại con ăn chay thì có vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng. Khi cắn nhau một đỗi, con ăn mặn có vẻ đuối sức, gục ngã. Còn con ăn chay thì rất dẻo dai, bền bĩ và nó chiến thắng. Như vậy, khi chúng ta ăn chay, nhìn thấy người hiền từ, nhẹ nhàng thì người khác ngỡ là yếu đuối, nhưng thật chất rất bền bĩ. Còn ăn mặn thì thấy như là mạnh bạo, nhưng chỉ là thoáng chớp rồi vụt tắt thôi chứ không thực sự mạnh mẽ. Có lúc vì cái chất tanh hôi đó nó làm cho mình nổi hung khí, cảm thấy anh hùng lắm, dám cầm dao, cầm gậy, chửi mắng, đấu tranh,... Nhưng tới khi gặp chuyện buồn chút xíu thì xìu như cọng bún thiu, sống không nỗi. Như vậy gọi là anh hùng được sao! Dám mạnh mẽ với chiến thắng thì cũng phải dám mạnh mẽ trước những thất bại, dám mạnh mẽ chấp nhận những điều mình không ưa, dám mạnh mẽ đối diện với những nỗi buồn của lòng mình nữa thì mới xứng đáng được gọi là anh hùng chứ. Đằng này khi làm ăn lời được năm bảy chục triệu thì vênh váo, anh hùng, đắc thắng, như là mạnh mẽ lắm. Khi thất trận không còn đồng xu nào thì đi đâu cũng thở ra thở vô như muốn chết cho rồi, sống không nổi. Vậy mà gọi là anh hùng được sao! Có được một số tài sản kha khá thì thích sống theo kiểu đẳng cấp. Nhưng biểu vô bếp nấu cơm hoặc đi lau chùi nhà vệ sinh thì phản ứng, ngán ngẫm, bực bội, không làm được. Một sự việc nhỏ nhoi như vậy cũng đủ cản bước của chân của mình được thì chí khí anh hùng nằm ở chỗ nào? Mới thấy, sự vồ vập, động đậy, háo thắng, hung hãn không phải là cái mạnh. Có những người là người mẹ, là chị trong gia đình lúc nào cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, khoan thai, vui vẻ, sẵn sàng sẻ chia, xem ra như là mềm yếu. Nhưng khi anh chàng con trai anh hùng cái thế bị thất trận, buồn bã trở về nhà thì lại tìm đến mẹ mình, chị mình để tâm sự, cần mẹ và chị vỗ về, sẻ chia. Mới thấy, sự điềm đạm, nhẹ nhàng là cái dẻo dai, cái chịu đựng tốt, chỗ an toàn, vững chãi để người khác nương về chứ không phải yếu đuối. Một người mạnh mẽ thực sự là khi gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, lúc chiến thắng hay thất bại họ đều bình thảng, nhẹ nhàng, tươi tỉnh. Như một con chó ăn chay, tuy nhẹ nhàng nhưng nó lại được chiến thắng. Mặc khác cũng cho chúng ta thấy ra một điều nữa, sức khỏe của người ăn chay không phải thô tháo, vồ vập nhưng rất bền bĩ, dẻo dai. Kế nữa, nếu nói người ăn chay không được thông minh bằng người ăn mặn, vậy thì quý vị nhìn lại thấy quý Thầy ở đây có ai ngu dại không. Có thể quý thầy không thông minh hơn ai, nhưng hiện tại mình thông minh hơn mình lúc chưa biết tu, lúc còn ăn cá thịt. Chúng ta không nên nghe theo một chiều lý thuyết suy luận chưa được kiểm chứng mà phải nhìn vào kết quả thực tiễn.

Khi thấy con này ăn con kia, con này giết chết con kia để được sống, bằng tâm tĩnh lặng, tâm từ, thái tử thấy sự sống là đau khổ. Như vậy, con chết bị đau đớn, mất mạng nên khổ đã đành, nhưng con còn sống, con được ăn nó vẫn không thoát khỏi các khổ đau. Bởi lẽ khi bị cắn giết, con chết nó chưa sẵn sàng chết cho con kia ăn. Trong cơn đớn đau mất mạng, nó rất oán hận. Ôm lòng đớn đau, căm phẩn, oán hận mà chết thì kiếp sau nó sẽ tìm cách báo thù lại. Con được ăn kia rồi cũng sẽ phải đau khổ, chứ không phải thiếu suy nghĩ, chỉ biết được ngon miệng rồi cho là an ổn đâu! Nếu không biết trông xa hiểu rộng, chỉ nhìn cái thiển cận trước mắt mà sống ẩu, làm càng rồi cho là an ổn, cuối cùng phải chịu lấy khổ đau.

Chịu nhìn lại chung quanh một chút, chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều người than vãn vì sao tôi quá khổ. Không biết rằng, khổ đó là do mình đã lỡ tạo nhiều điều không tốt từ quá khứ, hôm nay đủ duyên thành quả khổ và mình phải gánh chịu. Có người than, không biết vì sao tôi sinh con ra giống như sinh quỷ, không chịu nghe lời, phá phách đủ thứ... làm tôi khổ não, sống không nỗi với con. Thế gian có quá nhiều điều khổ đau, không thể kể hết.

Đây là mẫu chuyện có thật tại Việt Nam. Có người vào chùa bạch với một vị Hòa Thượng, không biết vì sao thằng con trai của con nó phá phách quá, không nghe lời bố mẹ, quậy phá lung tung từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Đến khi lớn lên một chút thì nó còn đòi cầm dao đâm ba nó. Hằng ngày nó rất thích giết ba nó nhưng không biết vì sao như vậy. Hòa thượng bảo, quý vị nghiệm kỹ, nhớ lại coi, trước đó có tạo duyên gì nghịch không? Nếu lỡ tạo thì nên thành tâm sám hối rồi sẽ qua khỏi. Về nhà quý vị chiêm nghiệm lại một hồi, liên kết tư tưởng lại mới nhớ ra, lúc bà mẹ mang thai, trong nhà có giết chết một con chó. Có lẽ con chó này hận quá cho nên mới đầu thai lên để trả thù lại. Giống như một người đã bị giết, vì bực quá nên họ muốn trả thù, phá trở lại và lớn lên đòi giết ông già mình. Nghe lời Hòa thượng, cả nhà thành tâm sám hối, tu tập, làm các việc thiện, khởi tâm từ, không oán trách bực bội nữa. Thời gian sau, thằng con bỗng nhiên hiền hậu trở lại rồi nó bị bệnh và qua đời. Nó ra đời chỉ vì lòng uất hận muốn đòi lại cái nợ này thôi. Nhưng thấy gia đình này tu giỏi, tâm giận nó được chuyển hóa, hỷ xả, không còn uất hận, không đòi nợ nữa và nó ra đi. Cho thấy rằng, con chó bị giết chết thì nó khổ đã đành. Chúng ta là người chủ động giết nó cũng bị khổ luôn. Cứ ngỡ giết hại súc vật được một bữa ngon miệng là sung sướng, nhưng không ngờ khi bị nó đầu thai lên phá lại rồi cũng bị khổ nhiều hơn như thế nữa. Cho nên khi con này giết con kia để ăn thì con bị giết đã khổ, con được ăn đó cũng sẽ khổ về sau. Thế gian vẫn thường nói, kiến ăn cá thì cá sẽ ăn kiến. Vua Trần Thái Tông cũng dạy, hắn ăn mày, mày ăn hắn, kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau, mãi không có ngày thôi dứt. Đâu cần đợi đến kiếp sau. Trong hiện đời, quý thầy đã chứng kiến và nghe kể lại nhiều người cả đời hành nghề mổ trâu, giết bò, mổ heo... Đến khi cuối đời đau đớn dữ dội, la ó như con trâu bò hoặc heo đang bị thọc huyết, nằm treo hai chân lên cửa sổ mà không chết được. Có người tư vấn, một người trong nhà đặt cái chậu bên dưới và đặt con dao ngang cổ người bệnh để tượng trưng như đang cắt cổ hứng máu thì người kia mới chết được. Báo ứng, nổi khổ ai cũng trông thấy rõ ràng, tại sao vì sự sống của mình để cho kẻ khác phải chết như vậy mà không hay biết. Sống như thế sẽ đưa đến khổ đau cho cả hai. Cho nên trước cảnh đó, thái tử đã thấm nghiệm và thấy rõ rằng, sự sống là khổ. Khi đã thấm sâu điều đó, Ngài không còn yên lòng để sống một cuộc đời thụ hưởng trong cung thành nữa và bắt đầu nhen nhúm ý chí muốn phát tâm xuất trần. Ở đây chúng ta đã học được bài học, sự sống là khổ. Trước mọi hoàn cảnh, nếu bình tâm, tỉnh trí, quán xét thì chúng ta sẽ thấy ra được nhiều điều.

3. Già là khổ.

Cảnh thứ hai, một lần đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già khô gầy, dung nhan tiều tụy, khí lực yếu ớt, mọi thứ không còn gì cả, chỉ còn một nỗi khổ đau chồng chất. Thái tử quán xét và ý thức sâu sắc, rồi đây mình cũng sẽ già nua, yếu ớt và tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm, càng thấm thía sâu sắc, ngài không còn tâm trạng an ổn để sống trong hoàng cung nữa, nuôi chí xuất trần, cứu khổ.

Hằng ngày chung quanh mình, không thiếu những người già nua yếu đuối như thế. Nhưng phần đông chúng ta ít ai nghĩ đến có ngày mình cũng sẽ già, hoặc thấy đó như một sự nghiễm nhiên nên ý chí xuất trần còn yếu hoặc chưa có. Không chỉ như vậy, có khi thấy người già rù rờ chậm chạp, bỏ trước quên sau, ăn nói không chuẩn, đau ốm không yên..., chúng ta không có sự cảm thông, kính mến, còn cảm thấy chán ngán, bực bội, chê bai đủ thứ, mất hết tính người. Cho nên quý cụ già mới có bài thơ tự than vãn mình:

Rù rờ đổ vỡ thiệt là hư
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư.
Người thân gặp lại chừng quên hết
Bỏ trước, quên sau kiếm mệt đừ.
Ai ngỡ ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

Thấy người già mà không biết soi xét lại để biết mình rồi cũng sẽ già, để có sự thâm cảm mà còn khinh thường, chê bai, đó là chúng ta chưa có được cái nhìn như Phật. Thấy người khác già thì biết rằng, rồi mình cũng sẽ già, từ đó có sự cảm thông sâu sắc với người già yếu, tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ. Đồng thời quyết tâm sống và tu tập để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già. Đó là cái nhìn của người tỉnh giác, có trí tuệ. Ngược lại, hằng ngày chung quanh mình luôn gặp những người già, nhưng thấy như là việc của người khác, còn mình thì không nhớ là sẽ già, cho nên không có sự thông cảm, thương yêu, kính trọng mà còn bực bội, chê bai. Đó là cái nhìn hời hợt, không tỉnh táo, sáng suốt, là người mê. Nhưng mà giác hay mê là do chúng ta. Chỉ cần tỉnh táo để đủ sáng thấy lại, từ đó có sự cảm thông, rồi yêu thương, kính trọngquyết tâm tu tập để có đủ định lực, thoát khỏi sự chi phối của các khổ về già. Mỗi người chúng ta đều có quyền nhìn nhận, suy nghĩthực hành được điều đó. Đó là chúng ta đã biết học theo hạnh giác ngộ của đức Phật.

Chúng ta còn có một bài học thứ hai về cảnh già nữa. Có những người lớn tuổi già yếu rồi, nhưng khi ngồi với nhau nói toàn những chuyện anh hùng của thuở trước mà không hề nhớ mình đã già yếu. Thời trẻ tôi vác một lúc hai bao xi măng lên núi, đánh một lần mười thằng lực sĩ phải gục ngã... Kể say sưa một hồi hào khí nổi dậy mạnh mẽ như mình đang còn thanh niên vậy. Chút xíu tê chân đứng dậy không nổi. Cố gắng một đỗi mới đứng lên được thì đi run run gần té, mới biết mình đã già. Đang già mà vẫn không chịu biết mình già, vậy là chưa học được bài học giác ngộ như Phật. Nếu khéo nhìn lại, thấy mình đã già yếu. Cả đời hy sinh cho gia đìnhxã hội như thế là đã đủ. Bây giờ có muốn làm thêm cũng không được. Tốt nhất là nên lo chuyện tu tập của mình là vừa rồi. Chuyện nhà cửa, sự nghiệp công danh, chuyện lo con cháu giao lại cho lớp trẻ. Mỗi người sinh ra đời đều có nhân duyên phước đức riêng. Con cháu nó mạnh mẽ, thông minh hơn mình ngày xưa nhiều, không cần phải lo nghĩ nữa. Bây giờ chỉ dốc tâm tu tập, kiếm chút ít tư lương, tích tạo phước đức để ngày ra đi được an ổn. Nhìn thẳng vào sự thật và nghĩ được như vậy sẽ có lợi hơn. Làm được như vậy là chúng ta đã biết học theo hạnh giác ngộ của đức Phật. Lúc còn trai tráng, thái tử đang là một người có đầy đủ tất cả quyền uy, thế lực, văn võ song toàn. Vậy mà khi thấy người già thì liền biết mình rồi cũng sẽ già nua và yếu ốm như người kia. Thấy rõ cuộc đời không có gì đáng để gọi là vui cho nên Ngài quyết chí xuất trần. Nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu tột được như vậy là chúng ta đã biết học theo cái nhìn của bậc giác ngộ.

4. Bệnh là khổ.

Lần khác thấy một người bệnh đang rên đau, thái tử nghĩ, hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy! Cùng là thân người như nhau, nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc mình cũng phải bị bệnh như mọi người. Là bệnh thì đớn đau, không có gì vui hết. Từ đó thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong thái tử được nung nấu mạnh mẽ hơn. Thấy được như vậy thì chúng ta không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh đau chi phối. Làm được như vậy là chúng ta đã học được bài học từ đức Phật.

Có nhiều vị làm bác sĩ trị bệnh hoặc có lúc chúng ta chăm nuôi bệnh nhân. Nếu chỉ chữa trị căn bệnh, chỉ chăm sóc căn bệnh thôi thì chưa đủ trách nhiệm, chưa đúng nghĩa y đức. Bởi lẽ công việc chỉ mới dừng lại ở mức hành nghề y để kiếm sống, trách nhiệm được phân công bổn phận nuôi bệnh vậy thôi. Ngoài cách trị căn bệnh và chăm căn bệnh, chúng ta còn trị liệu người bệnh, chăm sóc người bệnh thì nghĩa y đức mới đầy đủ trọn vẹn. Cụ thể, cần đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh để cảm thông, hiểu được nỗi đau đớn, khó chịu của họ. Từ đó chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng con người với nhau, không thờ ơ hay xem thường họ. Làm được như thế thì ngoài việc điều trị căn bệnh, chúng ta còn chữa trị được người bệnh, ngoài việc điều dưỡng căn bệnh, chúng ta còn chăm sóc được người bệnh nữa. Thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, cũng có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ vậy thôi. Hôm nay may mắn còn được khỏe mạnh, chữa trị chăm sóc được cho người bệnh, đó là phước đức lớn của mình. Bằng tâm đó để chữa bệnh, chăm sóc bệnh thì người bệnh sẽ cảm nhận được tấm lòng mình, họ sẽ nhận được sự an ủi rất lớn, cảm thấy an ổn, không lo sợ. Bằng tâm đó để làm việc thì chúng ta sẽ nhận thấy mình được làm chứ không phải bị làm công việc. Từ đó, tâm thái làm việc của mình tự nhiên cảm thấy thỏa mái, nhẹ nhàng, an vui chứ không phải là cảm giác của một gánh nặng bị ai đó đè lên vai buộc mình phải làm. Bằng cách nghĩ đó, tâm thái đó để làm việc, đó là chúng ta đang sống bằng thiện tâm, từ đó thiện pháp được tăng trưởng. Sống bằng tâm thiện, pháp lành tăng trưởng, đó là cái phao an toàn cứu chúng ta bớt khổ, được an vui trong hiện tạimai sau.

Thấy người khác bệnh, biết mình rồi cũng sẽ bệnh. Từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật, từ đó không bám chấp. Khi không bám chấp thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não, rắc rối khác sẽ không có ra. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh, từ đó thiện căn được tăng trưởng. Căn lành tăng trưởng thì chúng ta sẽ được an ổn và nhiều lợi lạc. Nếu đủ duyên tiến sâu hơn thì chuyên tu thiền định. Khi trí lực đủ lớn thì chúng ta không còn bị các bệnh não chi phối, được tự do tự tại, cứu giúp mọi người, mọi loài. Thấy, nhìn, ứng dụngtu tập được như vậy là chúng ta đã biết học theo hạnh của đức Phật.

5. Chết là khổ.

Khi đi ra bốn cửa thành, cảnh thứ tư thái tử thấy được đó là một người chết. Thấy vậy, thái tử liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi đến lúc mình cũng sẽ chết. Càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần của thái tử càng nung nấu mãnh liệt hơn.

Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn một tấm thân tái xanh, khô teo, bất động, ai làm gì cũng không biết. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc, đúng sai, phải trái... tất cả đều bị cuốn đi theo tấm thân tro bụi, trở thành con số không. Tận mắt chứng kiến và bình tâm nhìn lại cho thật kỹ mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm. Thấm sâu được lẽ thật này thì chúng ta sẽ dứt được những mê lầm và các phiền phức trong đời.

Hôm qua trên đường ra Thiền viện tu tập, quý vị có nghe tin một thiền sinh trong đạo tràng mình đau yếu, bệnh nặng. Khi ra đến đây thì nghe tin vị ấy qua đời rồi. Sự việc ấy là một chấn động, đánh thức chúng ta giác tỉnh mạnh mẽ, tu tập miên mật hơn. Một người bạn cùng tu, ngày nào cùng nghe pháp, cùng tụng kinh, cùng tọa thiền, bây giờ phải nhắm mắt chia tay rồi. Và rồi một ngày nào đó không biết sớm hay muộn, mỗi một chúng ta cũng sẽ có ngày lần lượt chia tay nhau. Đó là con đường người người đều chung chịu, không ai tránh khỏi. Thấm sâu được như vậy tự khắc chúng ta sẽ có động lực như ai nhắc thức, đánh bật dậy tinh thần tinh tấn tu tập mãnh liệt để thoát khỏi sự chi phối của cái chết. Đó là chúng ta đã học được cách nhìn của đức Thế tôn.

Khổ nỗi cố tật muôn đời của chúng ta vẫn là hay quên nên tu hành khó tiến bộ. Hôm nay nghe người huynh đệ mình vừa qua đời thì phát tâm dữ dội, tu hành chí tử. Về nhà được thời gian sau, do bận rộn với việc làm ăn nên cái tin đó cũng bị quên đi, buổi nghe pháp hôm nay cũng không còn, ngày tu tập rồi cũng qua đi, tâm tu yếu ớt, giác thì ít mà mê thì nhiều cho nên gặp cảnh liền sanh phiền não, cãi lộn ầm ầm. Như vậy là chúng ta đã quên giác ngộ, không học được điều đức Phật đã hành, vừa thấy là giác tỉnh, không bao giờ quên. Nếu giác ngộ sâu sắc và luôn giác tỉnh để tu hành thì quý vị sẽ luôn thấy rõ sự sống của mình và mọi người thật mong manh. Chỉ cần thấy được một phần nhỏ như vậy thôi thì khi nhỡ gặp ai đó phỉ báng, chúng ta cũng sẽ thấy rõ cuộc sống giả tạm mong manh, từ đó thương được người hại mình và không tranh cãi với họ. Sẽ thấy, nếu cãi lộn lại với họ, sanh ra giận dữ, tức tối, rồi đây nhỡ họ qua đời, mình đi thăm đám mắc cỡ lắm. Khi nào là khi chửi nhau giận dữ, khi nào là lúc đến chia buồn, khóc lóc cho sự ra đi của một người? Nếu thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình, không tạo nghiệp, không khổ đau. Luôn luôn thấm sâu như vậy là chúng ta đã khéo biết học theo hạnh của đức Phật, hạnh của bậc giác ngộ rồi. Học theo hạnh giác là chúng ta được giác ngộ, giải thoát hết mọi khổ não, mãi mãi an vui.

6. Xuất gia.

Thái tử trình bày tâm nguyện xuất gia, vua cha không cho, gia đình không bằng lòng. Một hôm, sau bữa tiệc linh đình trong triều, mọi người đã ăn uống say sưa, không còn biết gì. Nửa khuya, thái tử nhìn thấy cung nữ nằm la liệt. Đằng sau của vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành là một cái thây nằm thừ ra như xác ma, chân một nơi, tay một ngã, tóc rối bù xù, nước miếng nhuể nhoại. Khi ăn tiệc ngon chừng nào thì bây giờ lộ vẻ mê man, gớm ghiết chừng ấy. Sự thật của cuộc đời đang diễn ra rất rõ trước mắt, lòng nung nấu tìm đường thoát khổ càng dâng cao, nửa đêm thái tử quyết định vượt thành đi xuất gia.

Một vị thái tử ở trong cung vua, có đầy đủ tất cả những thứ mà mọi người mơ ước, có nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang có, nhưng một khi nhận ra bản chất thật của kiếp ngườigiả dối, tạm bợ, mong manh, thái tử liền bỏ lại mọi thứ để đi tầm đạo và tu tập được. Chúng ta hiện nay nhìn đi nhìn lại chỉ có ba bốn người, của cải giỏi lắm là vừa đủ ăn, có dư chăng thì cũng chút ít chứ không thể bằng vua được, nhưng lại bị nó chi phối và khổ sở quá chừng! Cũng vì những thứ đó mà ngày này buồn, ngày kia vui, ngày nọ khổ, xộc xệch đủ thứ hết. Đó là vì chưa giác ngộ được sự thật của kiếp người, chưa giác ngộ được bản chất thật của những thứ tạm bợ chung quanh cuộc sống chúng ta.

Nếm trải trường đời, con người đã có được vài kết luận, tuy khôi hài, nhưng lại phản ánh đúng sự thật đang xảy ra: “Khi chưa cưới thì chồng nói vợ nghe. Cưới nhau rồi thì vợ nói chồng nghe. Sống với nhau một thời gian rồi thì vợ chồng nói nhau mà cả xóm làng người ta đều nghe inh ỏi.” Có nhiều người ban đầu khổ sơ sơ thì còn mắc cỡ, giấu giếm. Nhưng đến lúc khổ quá, không giấu nổi nữa nên phải thưa thiệt để xin quý thầy giúp đỡ. Quý thầy vẫn thường khuyên. Qúy vị phải nhìn thật kỹ để thấy rõ bản chất thật của cuộc sống, có vậy mới không bị nó lừa. Thử một lần tìm không gian yên tĩnh, bình tâm tỉnh trí để nhìn về cha mẹ, ông bà của mình. Xưa kia quý vị cũng có một thời trẻ trung như mình, cũng mơ mộng, thêu dệt đủ thứ... Nhưng khi về sống với nhau thành gia đình, có con, có cháu rồi thì cũng chỉ lo làm, lo ăn để duy trì cuộc sống chứ có rảnh đâu để ngồi đó mà tơ tưởng như thời trẻ con nữa. Qua rồi thời tơ tưởng ảo vọng, mới nhận ra sự thật của đời sống gia đình trong cuộc đời này chỉ là một sự nương nhau để sống mà thôi. Đã có ông bà bố mẹ trải qua cho ta học lấy kinh nghiệm, nhìn đúng sự thật để sống đúng, không bị tơ tưởng sai lầm của tuổi trẻ thì sẽ bớt đi được những nỗi khổ đau không đáng có.

Sinh ra trong đời, không phải nhất thiết ai cũng phải có đôi bạn, phải có gia đình mới sống được. Có những người đầy đủ nghị lực, không cần sự nương tựa nào bên ngoài, một mình họ cũng có thể tự sống ổn định và tốt đẹp được thì họ sẽ không cần phải có đôi bạn hay lập gia đình. Nếu có người chưa đủ điều kiện, chưa thể sống một mình thì họ cần có một người thứ hai để cùng chung gồng gánh, lo cho nhau để ổn định cuộc sống, thế thôi. Sự thật của nó không có gì huyền ảo xa xôi như mình tơ tưởng. Cứ nhìn vào cuộc đời đã được sống trải của cha mẹ, ông bà mình thì sẽ thấy ra rất rõ. Thực tế cuộc sống của quý vị chỉ là một sự nương vào nhau để xây dựng cuộc sống. Người này đi buôn thì người kia đi xe thồ. Người này lãnh đạo thì người kia nấu ăn... Rành rành một sự thật là nương vào nhau để xây dựng cuộc sống. Mọi thứ tơ tưởng, dệt mộng lớn lao của thời non trẻ đều không có thật. Biết vậy thì quý vị trẻ nên bình tâm để thấy ra và luôn ghi nhớ rằng, trong cuộc sống, quý vị không thể sống một mình thì có đôi bạn cũng chỉ để nương vào nhau xây dựng sự sống thế thôi, không có gì giống những ảo tưởng xa xôi như mình nghĩ. Nếu không thấy rõ như thế, suốt ngày cứ thêu dệt tơ tưởng nhiều quá thì sẽ bị nó lừa gạt mình, chính nó sẽ đưa mình đi đến khổ đau. Bởi khi ảo tưởng, dệt tơ tưởng là đánh mất đi cái thấy biết sự thật về cuộc đời này, đánh mất mình, yếu đuối, bị cuộc sống lừa gạt, đưa đến các khổ đau. Còn nếu quý vị thấy rõ sự thật cuộc sống rồi thì đừng tơ tưởng, cứ bình thường mà sắp xếp mọi việc, cứ bình dị, ổn định mà sống thì tâm mình sẽ được ổn định, không dao động. Do bình tĩnh, không dao động nên có nghị lực. Hôm nào đó lỡ mất lòng nhau thì mình cũng cảm thấy bình thường. Mọi người có niềm nỡ, vui vẻ thì chúng ta cũng cảm thấy bình thường. Ở hoàn cảnh nào, gặp cái gì chúng ta cũng bình thường hết. Từ đó, các cái khổ sẽ không đến được với mình nữa. Nếu không như thế, chúng ta sẽ bị đau khổ dài dài. Một điều nữa cần phải nhớ, chúng ta có sống hết lòng, có ham muốn và dốc hết sức, có hoàn hảo 100%, nhưng khi nhắm mắt, những thứ đó mình không mang theo được. Mới biết, mọi thứ trên đời này nó chỉ có một giá trị nhất định nào đó thôi. Nhưng nếu chúng ta vắt kiệt sức, đem trọn cả cuộc sống này để theo đuổi những thứ mà mình không đem theo được, nó sẽ không còn giá trị khi mình nhắm mắt, như thế thì lãng phí quá. Đó là chúng ta đã đốt thiêu sự sống, thiêu rụi một giá trị lớn lao cả đời mình để đuổi theo một thứ tạm bợ, mong manh.

Để ý một chút sẽ thấy, những người nào cùng trang lứa với mình, nhưng họ điềm đạm, nhẹ nhàng, tỉnh táo, luôn tươi vui, chan hòa mà vẫn định tĩnh. Khi gặp nghịch cảnh, người đó không dễ khổ, và ai khổ sẽ tìm tới họ để sẻ chia. Ngược lại, nếu người tơ tưởng, bồng bột, lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, dễ học đòi theo những thứ bên ngoài xã hội thì như người mất đà, đùng một chút việc là yếu xìu liền, sống không muốn nổi. Nếu thấy rõ như vậy thì chúng ta sẽ định tĩnh, ổn định được cuộc đời mình, không để những thứ tơ tưởng, vẻ vời lừa gạt để rồi phải chịu khổ đau một cách đáng thương vô ích.

Cùng một sự việc xảy ra, nếu lòng ta an tĩnh thì thấy rất bình thường, không có gì đáng cả, mọi chuyện vẫn nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhưng nếu gặp lúc lòng mình bận rộn thì mọi thứ rắc rối có ra, sự thể trở nên phức tạp, rối rắm, khổ đau. Một thoáng tâm an, chúng ta đã cảm nhận được giá trị đặc biệt như thế. Huống nữa chân trời giác ngộ trọn vẹn, giá trị đó lớn lao biết dường nào! Nếu ai đó đã có lần kinh nghiệm giá trị của sự an tĩnh tuyệt đối, thể nghiệm được chân trời giác ngộ thì sẽ cảm nhận được giá trị lớn lao kia, sẽ thấy rõ cuộc sống của chúng ta được sinh ra đây chỉ là một khoảng để mình hoàn thành sự giác ngộ, làm một khoảng giác ngộ trên chặng đường giác ngộ lâu dài của mình. Đó là việc chính, mọi thứ còn lại chỉ để ổn định cuộc sống tạm thời thôi, không có gì lớn lao cả.

Khi thái tử còn ở trong cung điện, có đầy đủ những thứ mà người đời ham muốn, nhưng Ngài lại cảm thấy không có gì đáng để vui cả. Ngài quyết định giã từ mọi thứ, vượt thành xuất gia tầm đạo. Nếu chưa đủ duyên từ giã mọi thứ để đi xuất gia, còn sống trong đời thì nên nhìn nhận cho rõ bản chất thật của mọi thứ và định tĩnh trở lại để bớt đi sự dính mắc, sự chi phối của cuộc đời, cuộc sống sẽ bớt đau khổ. Đó là quý vị đã khéo léo vận dụng để học theo phần nào công hạnh của đức từ phụ chúng ta.

7. Học đạo.

Thái tử đã trải qua quá trình tầm đạo và học đạo với nhiều vị tiên nhơn. Những gì các vị tiên nhơn chứng được thì Ngài đều chứng đạt được. Dù vậy, Ngài nhận thấy những sở chứng đó vẫn chưa phải là chỗ rốt ráo, chưa xứng ý những gì Ngài mong mỏi. Vì thế Ngài đã từ giã và tìm đến cội Bồ đề để thiền định. Cuối cùng đạt được đạo quả. Sự quyết tâm của ngài đã cho chúng ta bài học, một khi đã học đạo, tu hành thì phải tìm đúng đường, học hiểu rồi phải tư duythực hành đến nơi đến chốn chứ không phải học cho có, làm nửa vời. Có khi do hời hợt, thiếu tính tư duy chính chắn nên quá dễ dàng tin tưởng. Nghe quảng cáo là tin liền, đụng cái gì mình cũng tin được hết. Nghe nhiều người đồn đãi điều gì đó hay hay là tin ngay mà thiếu đi sự cân nhắc, suy xét cho tới nơi tới chốn. Dễ tin thì cũng dễ quên và thực hành cũng thiếu sự mạnh mẽ, dứt khoát nên không đi đến đâu cả. Khi nghe một điều gì đó, chúng ta phải tư duy coi có đúng chánh lý không, điều đó có mang lại niềm an lạc cho mình và mọi người hay không, có đưa đến sự giác ngộ giải thoát hay không, rồi sau đó mới tin và ứng dụng, thực hành. Đừng gấp gáp, vội vàng, dễ tin. Nếu nghe rồi tin và thực hành liền thì thường là chỉ được một thời gian thôi, sau đó sẽ cảm thấy chán mỏi, bỏ cuộc, không làm nữa và đi tìm cái khác mới lạ hơn. Cuối cùng cả đời không được gì cả, chưa nói đến việc lầm đường lạc lối. Đó là do thiếu tư duy đưa đến niềm tin không vững, dẫn đến chí nguyện của mình không dứt khoát, không kiên quyết nên không đưa đến kết quả nào cả. Được như vậy là quý vị đã biết học theo cách lập chí tầm đạo và tu tập của đức Phật. Khi đi học đạo thì phải tìm cho đúng con đường. Khi tìm ra con đường đúng chân lý rốt ráo rồi thì phải gan dạ, kiên quyết thực hành cho đến nơi đến chốn. Cụ thể Ngài đã học qua và thấy rõ những sở chứng Ngài đã đạt được đó chưa phải rốt ráo, chưa đáp ứng đúng như những gì Ngài đang khắc khoải trong lòng nên đã từ giã, quyết tâm đến cội bồ đề tọa thiền. Ngài nói rằng, nếu như không chứng đạo thì thà bỏ thân xác ngay cội bồ đề chứ không đứng dậy. Đó là một sự quyết tâm mạnh mẽ và dứt khoát. Nhờ vậy, đến đêm thứ bốn mươi chín, khi sao mai vừa mọc thì Ngài đã chứng được đạo quả bồ đề viên mãn. Nếu có được tâm kiên quyết, mạnh mẽ, dứt khoát như vậy thì chắc chắn rằng, chúng ta cũng sẽ có những bước tiến đáng kể trong công phu tu tập của mình.

8. Thành đạo.

Lúc vừa thành đạo, Ngài vẫn ngồi yên dưới cội bồ đề suốt bảy ngày để khám phá sự sâu mầu trong thiền định mà Ngài đã chứng được. Có nhiều người không hiểu Ngài ngồi làm gì, nhưng khi chúng ta đã ngồi thiền, đã tu tậptiến bộ rồi thì rất dễ thâm hiểu điều này. Đây là điểm mà chúng ta cần phải lưu tâm học tập. Nhiều lúc mình ngồi thiền thấy an lạc một chút là vội mừng quá, xả thiền ra đi khoe lung tung cho là đã chứng đạt cái gì đó rồi. Trong khi đó đức Phật đã thành Phật, đã thành tựu quả vị viên mãn mà Ngài vẫn ngồi yên lại để khám phá cho tột cùng sự sâu mầu trong đó. Bởi vì cái tâm sâu mầu đó rất vi diệu, cao siêu và rộng lớn vô vàn. Nếu không chính chắn thì không thể nào thể nghiệm thấu đáo suốt thông hết được. Có nhiều vị Thiền sư trước sau ngộ đến mười mấy lần mà vẫn còn dụng công miên mật. Khi chưa thành Phật thì việc giác ngộ ấy chưa xong. Cho nên khi tu tập thiền định, có thể nhận bản tâm rồi thì cũng cần phải lặng lẽ tiếp tục miên mật công phu. Nương theo đà tiến đó, ngay chỗ cảm nhận đó, sống thẳng bằng sự thể nghiệm đó để chúng ta tu tiến thêm, như vậy sẽ vững vàng tiến mãi. Nếu mới được một chút thì lo đi khoe, đi nói rồi cho là đã chứng đắc thì sẽ làm chướng ngại con đường tiến đạo và sanh nhiều bệnh hoạn. Như là cho mình đã chứng đạo rồi nên không cần tinh tấn công phu nữa. Nhưng không biết rằng, nói chứng đạo theo kiểu đó là bào chữa cho cái cố tật lười tu hành của mình rồi làm biếng không chịu công phu để được tiến bộ hơn nữa. Vi tế hơn, khi vừa thấy có sở chứng thì liền thành chướng ngại cản trở bước tiến đạo của mình. Một điều quan trọng không kém là khi chúng ta đi nói ra mình đã chứng đắc như thế thì có chỗ khởi tâm. Đó là điều kiện để chướng duyên ùa tới khiến cho mình bị chướng ngại, khó công phu để được tiến hơn. Cho nên cần nhớ rằng, khi đã viên thành đạo quả, đã thành Phật rồi, nhưng một tuần lễ đầu đức Phật vẫn ngồi yên để tiếp tục khám phá sự sâu mầu, cái ảo diệu mênh mông, sâu xa trong đạo cả Ngài đã chứng đạt được. Ai từng đến trong đó rồi mới thấy rõ được đây quả là một điều rất tâm đắc, không thể thiếu khi chúng ta đã có công phu, có bước tiến, có chỗ sống đặc biệt. Trên đường học đạotu tập, chúng ta cần lưu tâm học theo điều đức Phật đã ứng dụng thực hành. Phải thận trọng, điềm đạm để dụng công tu tập cho tới nơi tới chốn. Không nên mới được chút ít mà cho là đã đạt được đủ rồi, như thế sẽ ngăn cản bước tiến của mình, thật rất lãng phí, đáng tiếc!

Tuần thứ hai, Ngài đi ra ngồi ngay vị trí ngôi tháp bên trái bây giờ và nhìn về cội bồ đề một tuần lễ không chớp mắt để tỏ lòng biết ơn cội cây đã che chở cho mình thành đạo. Đức Phật không quên một ơn nhỏ dù đó chỉ là người một lúc xâu chỉ qua kim dùm. Nhưng vì sao Ngài lại đặc biệt biết ơn cây bồ đề tới một tuần lễ ngồi nhìn như vậy? Bởi vì cội bồ đề là nơi che mát, che chở cho Ngài tọa thiền để thành được đạo quả. Vì sao nơi giúp cho mình thành đạo quả lại được đặc biệt biết ơn nhiều như vậy? Nếu ai đã dụng công tu tập một cách rốt ráo, có kết quả, quý vị sẽ thấy rõ điều này. Ví dụ chư tăng ni đệ tử ai cũng kính quý Hòa Thượng tôn sư, ai cũng biết ơn Hòa Thượng đã dạy dỗ, chỉ cho con đường tu tập để thoát khổ, ai cũng nói rằng, nếu không gặp Hòa Thượng thì không biết cuộc đời mình ra sao, sẽ trôi dạt như thế nào... Nhưng đối với những vị nhập thấttiến bộ đáng kể đến trình bạch lên Hòa Thượng, chưa nói nên lời là đã bậc khóc, hoặc có vị thì cười òa bởi sự cảm nhận đạo lý chân thật hòa cùng lòng biết ơn sâu xa, vô hạn không nói nên lời. Cảm nhận ân đức có mức độ thì còn nói được, nhưng nếu sâu sắc hơn thì chưa thốt nên lời đã phá cười, bậc khóc. Khi chúng ta ứng dụng lời dạy của Hòa Thượng để tu tập một cách triệt để, có sự tiến bộ đáng kể thì sẽ cảm nhận được sâu sắc lòng từ của Ngài đã dạy dỗ, đã ban cho mình, mới cảm nhận sâu sắc con đường Ngài đã chỉ dạy cho mình là như thế nào. Và càng tiến sâu thì sự cảm nhận đó càng sâu kín, càng mạnh mẽ trong nội tâm khiến cho chư Tăng Ni phải bậc khóc hoặc bậc cười. Chỉ có khi đã giác ngộ mới cảm nhận sâu sắc và hết được ý vị của đạo lý chân thật, cảm niệm sâu xa đến nơi đã giúp chúng ta thành nên đạo cả ấy. Cho nên sau khi thành đạo, đức Phật đã ngồi nhìn cội bồ đề một tuần không chớp mắt. Không phải biết ơn bình thường mà Ngài cảm nhận sâu sắc nơi Ngài ngồi được thành đạo. Chính sự thành đạo này nên Ngài mới có sự cảm nhận và biết ơn sâu sắc đó.

Ngài Trích Thủy nói có ba hạng đệ tử. Hạng bậc thượng là nương theo lời dạy của thầytiến bộ, vươn lên. Hạng bậc trung là khen ngợi lòng từ bi của Thầy mình. Hạng bậc hạ thì lợi dụng uy tín của thầy mình. Người nương theo lời dạy của thầy để tu tiến, để giác ngộ thì ngài Trích Thủy nói đó là hạng đệ tử bậc thượng. Chỉ khi nào nương theo lời dạy của Thầy mình để công phu tu tập, chúng ta mới thể nhận sâu xa sự giác ngộ. Có tu tiến được như thế thì chúng ta mới cảm độngbiết ơn sâu xa được. Đó mới xứng đáng là người đệ tử đúng nghĩa của thầy mình. Ở đây chúng ta học được một điều trọng yếu, muốn biết ơn một cách sâu xa đối với đức Phật, với chư Tổ, với Hòa Thượng tôn sư thì chúng ta phải khéo vận dụng lời dạy của quý ngài để dụng công, để tu hành một cách triệt để. Như thế chúng ta mới có được một sự tiến bộ thực sự từ nội tâm, mới cảm nhận sâu sắc cái ơn lớn vòi vọi của quý ngài đối với mình. Càng tu tiến, chúng ta càng thông cảm, càng từ bi với mọi người, muốn giúp cho người khác cũng được tiến bộ như mình. Khi tu hành tiến bộ đáng kể, tâm mình trở nên quảng đại, cảm nhận được một niềm an lạc nhẹ nhàng, tinh tế, sâu xa thì chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ và biết từng cái ơn nhỏ không thiếu sót. Đó là chúng ta đã học được hạnh biết ơnđền ơn từ một tâm thể giác ngộ như quý Ngài.

9. Niết bàn.

Lúc sắp thị tịch, đức Phật vào rừng sala, dưới cây song thọ và thị tịch. Vùng đó là một nơi rất nghèo của đất nước Ấn Độ. Vì sao đức Phật lại chọn một nơi nghèo như vậy để thị tịch? Song song với nhiều lý do trong kinh diễn tả, có một lý do chúng ta cần lưu tâm. Bởi đó là nơi khó khăn, nghèo khổ, lạc hậu cho nên đức Phật chọn nơi ấy thị tịch để gieo duyên cho vùng đất đó. Khi mọi người đến chiêm bái Ngài, người dân nơi đó được hưởng phước hoặc sanh tín tâm, thiện căn tăng trưởng, dần dần đi đến giác ngộ. Nếu ngược lại, ngài chọn đến trung tâm một thành phố lớn để thị tịch cho nhiều người đến viếng mình để mình được nổi tiếng, lo đám cho mình được lớn lao, đầy đủ... Vậy là Ngài đã vì mình, đã chọn cho mình rồi. Còn đằng này đức Phật đã chọn nơi nghèo khó nhất để thị tịch, để mang lại lợi lạc cho dân chúng khó khăn. Đó là Ngài nghĩ đến người khác mà chọn cho mọi người, là một sự quên mình mà nghĩ đến cho chúng sanh, là một sự dấn thân thực sự. Hiện nay phần đông chúng ta được phân công đi đâu đó để làm việc thì thích chọn chỗ giàu sang, tiện nghi để cưng chìu tự ngã, phục vụ cho tấm thân tứ đại này được êm ấm. Ngược lại, nếu người có tâm thương người, vì người khác khó khổ để làm từ thiện thực sự thì sẽ muốn đi vào vùng nào đó thật khó khăn, nghèo thiếu. Dù nơi đó dân còn thiếu văn hóa, không biết cách xử sự tốt, không biết mang ơn mình, đời sống còn dơ dáy, bẩn thỉu, còn mất vệ sinh, cơ sở vật chất tồi tệ, không được tiện nghi, đi đến đó sẽ vất vả cho mình, nhưng chúng ta vẫn rất thích đi đến nơi ấy. Đó là chúng ta đã vì người thực sự chứ không nghĩ về mình, không thích quan trọng mình mà chỉ nghĩ về người khác khổ, người đang cần mình giúp. Vậy là đã biết quên mình để phụng sự, để dấn thân, để cho ra một cách thực sự. Đó là chúng ta đang học theo hạnh Phật. Còn nghĩ về mình nhiều quá thì trái với hạnh Phật, là không được niềm vui như đức Phật đã đạt được.

Nói gì đến chuyện xa xôi, chỉ cần lên xe là chọn chỗ tốt nhất cho mình, còn người khác thì mặc kệ. Vào nơi công sở thì chọn việc dễ dàng, nhẹ nhàng nhất, còn việc khó khăn nặng nhọc thì để đó, ai làm thì làm... Xét lại sẽ thấy, mỗi một ý niệm hay hành động nhỏ, con người thường nghĩ về mình, vì mình nhiều hơn là nghĩ đến người khác hay tập thể. Vì thế chúng ta khó có được niềm vui trong cuộc sống. Những việc này rất gần, quý vị chiêm nghiệm lại sẽ thấy học theo không khó. Thí dụ chiều nay quý vị rời thiền viện về lại thành phố Đà Nẵng, về nhà mình. Thế là xuống phà mình tranh thủ chọn chỗ mát nhất để ngồi, ai làm gì mặc kệ, như vậy là nghĩ cho mình, là chưa học được công hạnh của Phật, không có được niềm vui cao thượng. Ngược lại, chúng ta nghĩ rằng, chỗ đó ai cũng thích hết. Mình ngồi lên đó cảm thấy mát mẻ thích thú như thế nào thì người khác ngồi vào đó cũng sẽ cảm nhận thích thú như vậy. Người khác ngồi vào đó họ được vui là mình cảm thấy vui cho nên chỗ mát, chỗ yên đó mình mời quý vị lớn tuổi ngồi, riêng mình còn khỏe mạnh thì đứng ngồi vào đâu cũng được. Vậy là đã biết học hạnh không nghĩ cho mình mà chỉ nghĩ cho người khác và dễ có được niềm vui cao thượng. Tương tự, lên xe, tranh thủ chọn cái ghế nào tốt và êm để ngồi trước, đó là nghĩ cho mình, là chúng ta chưa học được hạnh từ bi của đức Phật. Nếu chúng ta từ tốn, nhẹ nhàng, biết rằng chỗ mình thích thì người khác cũng thích. Nhường chỗ đó cho người khác được ngồi, họ cảm thấy vui là mình vui, còn mình thì ngồi chỗ nào cũng được. Đó là chúng ta đã thể hiện đạo lý ngay đời sống rồi. Khi không tỉnh giác, soi xét để nhận ra được điều này thì chúng ta thường coi trọng mình quá. Vì thế lòng mình trở nên nhỏ hẹp, đời sống ích kỷ, nhỏ nhoi, từ đó cuộc sống dễ sanh phiền phức, bực bội, khổ não. Nếu không coi trọng mình quá thì tự chúng ta cảm thấy không có gì quan trọng, cần thiết. Từ đó lòng tự mở rộng, thường ban cho người khác những gì tốt nhất, với mình thì bình thường, như thế nào cũng được. Khi ban được cho người khác những điều tốt thì chúng ta cảm thấy rất vui. Niềm vui này rộng lớn, cao thượng.

Có lần một vị giáo sư đến hỏi quý thầy:

- Thưa Thầy, khi mình giúp cho người khác một điều tốt thì đó là việc thiện. Đúng rồi. Nhưng đó chỉ là quan niệm thiện thôi chứ đâu có gì để trắc nghiệm được nó là thiện. Hoặc có người làm một việc không tốt thì đó là ác. Thì cũng là một quan niệm thôi. Nếu khôngquan niệm đó thì đâu phải thực là ác? Như vậy thì dựa vào đâu để biết việc đó là thiện hay ác?

Câu hỏi rất hay, giáo sư cho rằng tất cả hành động thiện ác trên đời chỉ là một quan niệm. Nếu khôngquan niệm thì thiện ác đâu có? Nếu khôngquan niệm, không có căn cứ thì thiện ác lẫn lộn. Cuối cùng con người làm thiện và làm ác giống nhau sao? Nếu vậy thì hỗn loạn làm sao?

Quý thầy nói:

- Nếu giáo sư chỉ nhìn theo hiện tượng bên ngoài thì đúng như giáo sư nói, thiện ác chỉ là quan niệm thôi. Nếu muốn trắc nghiệm thiện và ác thì giáo sư phải nhìn lại nội tâm, căn cứ vào đó thì sẽ thấy rành rẽ được. Cụ thể, khi làm một việc gì đó mà khi tỉnh táo lại, bình tâm lại, chúng ta tự cảm thấy trong lòng mình xao xuyến, khó chịu, không xứng đáng, không an ổn, cảm giác thấy sao mà mình làm một việc ghê gớm quá vậy, thấy mình thấp hèn, dễ sợ... Tất cả cảm giác đó cho chúng ta nhận biết việc làm trước đó là ác, không được thiện. Tương tự, làm một việc gì đó mà khi tỉnh táo lại, bình tâm lại mà chúng ta tự cảm thấy rằng việc làm đó rất xứng đáng, cảm thấy vui nhè nhẹ trong lòng, không xao xuyến khó chịu, thấy cuộc sống có ý vị, không cảm thấy trái với lòng mình, không hề thấy xấu hổ với mọi người... Tất cả những biểu hiện đó cho chúng ta biết việc làm trước đó là hiền thiện. Sự cảm nhận đó, cái tâm đó không ai có thể chối cãi hay trốn tránh đi đâu được. Hôm nào giết người về là thấy trong lòng run, khó chịu liền, làm sao chạy trốn đi đâu được với tâm trạng đó! Chính cái tâm ấy cho chúng ta biết đó là việc làm ác rồi. Chính tâm đó cho chúng ta biết được việc làm của mình là ác hay thiện. Thí dụ mình đi ăn trộm của ai được cái gì đó cảm thấy trong lòng vui rộn, hớn hở. Tới khi xài hết rồi, không còn gì nữa, cứ tưởng mọi chuyện êm xuôi không có gì. Cho đến khi lớn tuổi làm ông làm bà trong nhà, nằm yên tĩnh nhớ lại thì trong lòng cảm thấy, sao thuở nhỏ mình hèn hạ như vậy, sao lại đi ăn cắp của người ta để người ta phải khổ dữ vậy, không phải của mình mà đi lấy trộm, mình là người không xứng đáng... Càng yên tĩnh, càng hay ra, càng thấy rõ và càng cảm thấy xốn xang trong lòng. Chính tâm trạng đó cho chúng ta biết được việc làm đó là ác. Còn nếu quý vị lên xe nhường chỗ ngồi cho những người lớn tuổi. Xuống đò, những người nào yếu thì mình dìu họ đi. Hoặc gặp ai khó khăn, nếu trong khả năng có được thì giúp đỡ người khác... Về già ngồi gẫm nhớ lại những việc đó tự nhiên trong lòng thấy phấn chấn, vui vẻ thì biết được đó là việc làm thiện rồi. Tâm thái an tĩnh đó sẽ cho chúng ta biết được việc làm kia là thiện hay ác. Nhưng đợi làm rồi mới biết, già rồi mới hay ra thì đã quá muộn màn, không còn cơ hội sửa sai. Muốn sống tốt, chúng ta phải biết kịp thời việc làm đó là thiện hay ác ngay khi mình suy nghĩ, hành động. Muốn thế, phải có một tâm tỉnh giác thường trực mới cho chúng ta khả năng biết được kịp thời. Và giác biết thường trực, không mê lầm, đó là tu Phật. Chúng ta đã nhận biết như thế rồi thì hằng ngày nên bình tâm tỉnh trí để kiểm lại nội tâm của mình. Nếu cảm thấy điều gì đó chưa xứng đáng, biết việc làm đó chưa ổn thì nên sửa đổi. Điều gì xứng đáng rồi thì biết đó là việc tốt, chúng ta nên phát huy cho được tốt hơn. Ngay việc chọn nơi thị tịch của đức Phật chúng ta đã học được công hạnh dấn thân, cho ra thực sự. Khi quên mình để dấn thân, cho ra thì sẽ cảm nhận được niềm an vui, biết đó là việc làm cao thượng. Khi cõi lòng được an vui thanh thoát như vậy thì biết chúng ta đã học đúng theo thiện pháp, theo hạnh giác ngộđức Phật đã chỉ dạy, sẽ đưa đến một đời sống an ổn, tươi vui.

III. CẦN BIẾT CÁCH HỌC.

Đức Phật dạy, ví như người ăn xoài, phải biết bỏ đi vỏ và hột mà chỉ ăn phần cơm của nó. Nếu thấy xoài ngon rồi ăn luôn cả vỏ lẫn hột, đó là người không biết ăn xoài. Tương tự, khi học một điều gì đó thì phải biết chọn lựa học những kinh nghiệm được đúc kết lại, đã đưa đến thành tựu rồi chứ không nhất thiết phải tuần tự đi theo hết tất cả những gì người đó đã trải qua. Cũng vậy, chúng ta học theo cuộc đời đức Phật là học theo những kinh nghiệm Ngài đã trải qua, đã đúc kết thành tựu được trí giác tròn đủ. Hôm nay mình học theo để được giác ngộ, ngay trọng tâm trí giác để học, để tu, để đạt được như ngài. Không phải rập khuôn theo kiểu 100%. Theo kiểu thấy rằng trước khi thành Phật, Ngài là vị thái tửgia đình rồi mới đi tu, bây giờ học theo Phật, mình cũng lập gia đình rồi mới đi tu. Không phải như vậy mà quý vị nào thấy đủ duyên thì có quyền đi tu sớm chứ không nhất thiết phải có gia đình rồi mới đi tu được. Không phải thấy đức Phật trước khi thành đạo ngài đã đi tu tiên rồi chúng ta bắt buột phải học theo, bây giờ mình cũng phải tìm mấy vị tiên để tu trước rồi mới tu Phật sau. Không nhất thiết phải như thế. Học theo kiểu đó là chúng ta không biết ăn xoài nên ăn luôn cả vỏ lẫn hột. Học theo cuộc đời đức Phậtchúng ta học những kinh nghiệm Ngài đã thị hiện trải qua, đúc kết lại cho mình thấy rõ kết quả, mặt nào nên tránh, điều gì nên học theo. Chúng ta phải biết tư duy học theo những kinh nghiệm của Ngài để ứng dụng tu tập đạt được kết quả như Ngài chứ không phải rập khuôn 100%. Cho nên thiền sư Quảng TríViệt Nam có nói bài kệ:

...Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Nghĩa là, làm trai có chí xông trời thẳm, đừng có bước theo bước Như Lai đã đi qua. Cũng như con ngỗng chúa nó chỉ uống sữa và chừa nước lại. “Đừng theo” ở đây không có nghĩa là mình bỏ Phật mà Ngài khuyên chúng ta phải biết học Phật. Không nhất thiết phải rập khuôn 100% mà chỉ học lấy chất liệu giác ngộđức thế tôn đã trải qua kinh nghiệm và chỉ lại cho chúng ta. Học được như vậy là chúng ta biết cách học theo cuộc đời giác ngộ của đức từ phụ chúng ta.

IV. KẾT LUẬN.

Một hôm, đức Phật cầm một nắm lá trong tay, hỏi ngài A-nan và đại chúng “Các vị thấy nắm lá trên tay đức Thế Tôn so với lá ngoài rừng là nhiều hay ít?”. Ngài A nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, nắm lá trên tay đức Thế Tôn là quá ít so với lá ngoài rừng.” Đức Phật bảo, cũng thế, những gì Ngài nói ra chỉ như nắm lá ở trong tay, còn những gì Ngài biết, Ngài cảm nhận được thì như lá ngoài rừng. Một số điểm quý Thầy vừa nêu qua, đó chỉ là một ít công hạnh bình dị, gần gũi để quý vị có thể dễ dàng học theo được thôi. Cuộc đời đức Phật còn vô vàn điều hay, chúng ta chưa đủ sức để học hỏi và làm theo hết được. Bài học từ cuộc đời đức Phật quá rộng lớn, sâu xa, chúng ta khó học hết. Chỉ đến khi nào thành Phật thì chúng ta mới cảm nhận hết được cảnh giới Phật, mới học xong bài học cuộc đời đức Phật. Cho nên, trong khả năng của mình, học một phần nào đó mà cảm nhận và thực hành được, đó là quý vị đã tu tiến. Tuy bài học cuộc đời đức Phật có dài, có nhiều, nhưng nếu chúng ta nhận chân, thể nghiệm, sống được bằng tâm giác ngộ, khi tâm giác tròn đủ là chúng ta đã học xong bài học của Ngài rồi.

Ngày Phật Đản, mùa Phật Đản chúng ta cảm niệm đến Ngài, tôn kính Ngài, cúng dường Ngài không gì hơn là cần phải biết học hỏi, tu tập theo công hạnh của Ngài để mình được giác ngộ phần nào. Đó là kết quả thiết thực nhất để chúng ta dâng lên cúng dường Ngài trong mùa Phật Đản.

Thích Tâm Hạnh
(Trụ Trì Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/05/2017(Xem: 13651)
28/04/2017(Xem: 9116)
10/06/2016(Xem: 11079)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.