duc phatNam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch đức Thế Tôn!

Từ một kiếp xa xưa, đức Thế Tôn đã phát khởi năm trăm đại nguyện, thực hành bồ tát đạo hóa độ chúng sanh[1]; và Ngài cũng đã đến nơi thế giới này với tám ngàn lần[2] để thực hành đại nguyện ấy, qua nhiều hình thức khác nhau, khi thì Ngài thị hiện với hình thức Tiểu quốc vương, Đại quốc vương, Chuyển luân Thánh vương, khi thì Ngài hiện thân Đế thích, khi thì hiện thân Phạm vương, khi thì Ngài thị hiện thân của một Trưởng giả, một Cư sĩ, một Tể tướng, khi thì Ngài hiện thân tướng của một Tỷ kheo với nếp sống Phạm hạnh, khi thì Ngài thị hiện làm vị Độc giác, bậc quán chiếu tự thân duyên khởi, khi thì thị hiện thân của các vị Bồ tát ở trong hàng Thập địa, để giáo hóa chúng sanh, với nhiều hình thức thuận nghịch để đem lại lợi ích cho đa số, an lạc cho thế giới trời người và muôn loài chúng sanh.

Và thân cuối cùng của chặng đường thực hành bồ tát đạo, từ cung trời Đâu-suất, Ngài đã ứng thân thị hiện ở nước Ca-tỳ-la-vệ, trong dòng dõi Sát-đế-lợi, phụ vương là Tịnh-phạn, mẫu hậu là Ma-da với phong thái của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ, đi bảy bước trên bảy hoa sentuyên bố: “ Thân này là thân sau cùng, không còn thân nào nữa ở trong sinh tử và sẽ thành bậc Vô thượng giác, ngay trong đời này”.[3]

Sau khi đản sanh, đức Thế Tôn đã xuất gia tu tập, thành bậc Vô thượng giác, chuyển vận Pháp luân và đã thị hiện Niết bàn cách đây 26 thế kỷ.

Nhưng, những di ngôn pháp bảo của đức Thế Tôn trải qua bốn mươi chín năm[4] hoằng pháp lợi sanh đã được chư Tổ kết tập, biên tập, chú giải, qua các thời kỳ, tập thành Tam tạng Thánh điển, gồm Kinh, Luật và Luận.

Trong những di ngôn Pháp bảo ấy, đức Thế Tôn đã khẳng định sự có mặt của Ngài là: “Đem lại lợi ích cho đa số, đem lại an lạc cho thế giới trời người”.[5]

Và Chư Phật-Thế Tôn xuất hiện giữa cuộc đời là để: “Hàn gắn lại những gì thế gian đã bị đổ vỡ; dựng đứng lại những gì thế gian đã bị xiêu vẹo; bật ngọn đèn cho mọi người thấy; chỉ đường cho mọi người đi”.[6]

Sự thật của thế giannhân duyên tương tục vô thường, nhưng do chúng sanh chấp thủ vào quan điểm thường kiến, nên tạo ra những đổ vỡ cho thế gian; tạo ra những xiêu vẹo cho thế gian; tạo ra những bóng đêm cho thế gian và dẫn chúng sanh trong thế gian đi mãi ở trong đêm dài tăm tối khổ đau;

Sự thật của thế giannhân duyên tương tục vô thường, nhưng do chúng sanh chấp thủ vào quan điểm đoạn kiến, nên tạo ra những đổ vỡ cho thế gian; tạo ra những xiêu vẹo cho thế gian; tạo ra những bóng đêm cho thế gian và dẫn chúng sanh trong thế gian đi mãi ở trong đêm dài tăm tối tử sanh.

Buông bỏ hai chấp thủ này, thì mọi đổ vỡ của thế gian có thể hàn gắn lại được; những gì xiêu vẹo ở trong thế gian có thể dựng đứng lại được; đêm tối của thế gian có thể xóa tan đi được và mọi người có thể thấy được con đường để đi tới an lạchạnh phúc trong những điều kiện nhân duyên mà chính họ đang có thể.

Sự thật của thế gian là tương quan duyên khởi vô ngã, nhưng do chúng sanh chấp thủ ngã, khát ái ngã dưới nhiều góc độ sâu cạn khác nhau, nên tạo ra những đổ vỡ cho thế gian; tạo ra những xiêu vẹo cho thế gian; tạo ra những bóng đêm cho thế gian và dẫn chúng sanh trong thế gian đi mãi ở trong đêm dài tăm tối của sanh tử khổ đau.

Quán chiếu sâu xa giáo lý duyên khởi của đức Thế Tôn đã từng dạy, suốt bốn mươi chín năm, bằng nhiều phong thái và ngôn ngữ sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, cho từng cấp độ tu học khác nhau của các hàng đệ tử ở trong các chúng hội, nhưng không ra ngoài lời khuyên dạy hàng tứ chúng đệ tử hãy sống nếp sống trung đạo, ít tham muốn, biết vừa đủbuông bỏ tâm chấp thủ ngã, để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, bằng tất cả tâm hạnh từ bilòng biết ơn vô hạn.

Hễ mọi người biết buông bỏ tâm chấp thủ ngã bao nhiêu, thì mọi đổ vỡ của thế gian có thể hàn gắn lại được bấy nhiêu; những gì xiêu vẹo ở trong thế gian bao nhiêu thì có thể dựng đứng lại được bấy nhiêu; đêm tối của thế gian có thể xóa tan và mọi người có thể thấy được con đường để đi tới an lạchạnh phúc trong những điều kiện nhân duyên mà chính họ đang có thể.

Và hễ mọi người thực hành tâm hạnh từ bi bao nhiêu, thì giải tỏa oán kết nội thù giữa con người với con người và giữa con người với muôn loài chúng sanh được bấy nhiêu; mọi người thực hiện lòng biết ơn và  báo ơn bao nhiêu, thì phước đức nơi tự thân của chính họ lớn lên bấy nhiêu. Phước báo hữu lậu, vô lậu không mong cầu mà tự kết thành hoa trái; tai họa không cần xua đuổi mà tự tan biến thành hư vô.

Vậy, Phật đản, Phật lịch 2567, lại trở về với hành tinh trái đất của chúng ta, chúng ta là hàng Tứ chúng đệ tử của đức Thế Tôn, nguyện từ bỏ hai cực đoan chấp đoạn, chấp thường; tránh xa đời sống buông lung trong các dục; nguyện sống nếp sống thiểu dục tri túc; nguyện thực hành trung đạo; nguyện buông bỏ sự chấp thủ ngã, để có thể thực hành lợi ích bằng tất cả tâm từ bi, cùng với lòng biết ơn và bàn tay mở rộng, nhằm có thể hàn gắn lại những gì đã bị đổ vỡ, dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo, bật ngọn đèn cho mọi người thấy và chỉ đường cho mọi người đi, để dâng lên cúng dường đức Thế Tôn, nhân ngày thị hiện đản sanh của Ngài.

Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tác Đại Chứng Minh.

Nhất Tâm Kính Lễ Ngài
Đệ tử: Tỷ kheo Thích Thái Hòa


[1] Bi Hoa Kinh, 6, 7, Đại Chính 3; Đại Thừa Bi Phân Đà Lợi Kinh 5, Đại Chính 3.
[2] Phạm Võng Giới Kinh, Đại Chính 24.
[3] Phật Bản Hạnh Tập Kinh 7, tr687a, Đại Chính 3.
[4] Tư liệu Phật giáo Nam truyền 45 năm.
[5] Tạp A Hàm Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh.
[6] Mahāpadāna-Suttanta – Đại Bản Kinh, Trường Bộ Kinh III.