Hoa Mơ Đâu Dễ Ngát Mùi Hương Của Tổ Hoàng Bá Hy Vận

01/03/20225:46 SA(Xem: 5531)
Hoa Mơ Đâu Dễ Ngát Mùi Hương Của Tổ Hoàng Bá Hy Vận

HOA MƠ ĐÂU DỄ NGÁT MÙI HƯƠNG
CỦA TỔ HOÀNG BÁ HY VẬN 
Tỳ Kheo Thích Thiện Trí

 

Tổ Hoàng Bá Hy Vận (黃蘖希運) là một vị Thiền Sư lỗi lạc đã liễu đạo vào đời nhà Đường. Không biết Ngài sinh năm nào và mất năm nào, nhưng có sách cho rằng Ngài sinh khoảng năm 766-783 vào thời Vua Đường Đại Tông và tịch vào khoảng năm 847-859 thời Vua Đường Tuyên Tông tại vị. Ngài sinh tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, xuất gia và có duyên trụ tại núi Hoàng Bá thuộc huyện Phúc Thanh, Tỉnh Phúc Kiến ngày nay với pháp danhHy Vận. Về sau đi tham học với Tổ Bách Trượng được liễu đạo. Ngài là một trong những đệ tử xuất sắc nhứt của Tổ Bách Trượng Hoài Hải và là thầy truyền pháp của Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền, người sáng lập ra tông Lâm Tế, vang danh cho đến ngày nay.

 

Dòng Lâm Tế là một trong vài dòng Thiền được truyền vào Việt Nam, đặc biệt vào thời nhà Minh, nhà Thanh, tức vào thời Chúa Nguyễn Hoàng ở Việt Nam. Vì thế đa số tăng niViệt Nam đều mang dòng thiền Lâm Tế, ngoại trừ một số ít tông Tào Động và những dòng thiền khác. Thật ra những dòng thiền như thiền phái Vô Ngôn Thông và thiền phái Thảo Đường, hay Lâm TếTào Động cũng đều bắc nguồn từ dòng Thiền Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng. Như Thiền Sư Vô Ngôn Thông (Tổ sư của dòng thiền phái Vô Ngôn ThôngViệt Nam) cũng là môn đệ của Tổ Bách Trượng Hoài Hải, và là đời thứ tư của Tào Khê Lục Tổ Huệ Năng. Thiền Sư Thảo Đường (Tổ sư dòng thiền phái Thảo ĐườngViệt Nam) là đệ tử của Thiền Sư Tuyết Đậu. Ngài thuộc thế hệ thứ chín của Tào Khê Lục Tổ Huệ Năng.

 

Sau khi liễu đạo, Tổ Hoàng Bá về chân núi Thứu Phong, huyện Cao An, tỉnh Hồng Châu (nay thuộc Tỉnh Giang Tây) để ẩn tu và hoằng hóa. Vì mến núi Hoàng Bá, nơi Ngài đã từng xuất gia lúc còn trẻ tại tỉnh Phúc Kiến, nên Ngài đã đặc tên cho ngôi chùa là Hoàng Bá, và núi Thứu Phong cũng được mọi người đương thời biết đến là núi Hoàng Bá. Sau này có cư sĩ Bùi Hưu, một vị quan thời bấy giờ được cử về Hồng Châu để làm việc, nên thường lui tới, thỉnh mời, và học hỏi với Tổ. Sau khi Tổ Hoàng Bá thị tịch vài năm, cư sĩ Bùi Hưu đã viết lại những gì chính ông được nghe và học với Tổ thành hai tập sách, một gọi là “Truyền Tâm Pháp Yếu” và hai là “Uyển Đăng Lục.” Nhờ vậy ngày hôm nay chúng ta mới biết được những lời dạy thâm thúy của Tổ Hoàng Bá.

 

Ngoài hai quyển sách “Truyền Tâm Pháp Yếu”“Uyển Đăng Lục” ra, Tổ Hoàng Bá còn để lại cho hậu thế một bài kệ thất ngôn tứ tuyệt rất nổi tiếng để sách tấn đồ chúng trên con đường tu giải thoát. Ngài khuyên chúng ta muốn vượt thoát sanh tử trần lao thì cần phải có sự quyết tâm, ý chí thống thiết, và sức công phu tham thiền miên mật. Ví như “mai hoa” (hoa mơ) nếu không trải một thời gian giá lạnh của mùa đông thì sẽ không thể trổ hoa thơm ngát được. Mặt dù ý chính của Tổ Hoàng Bá nói bài kệ này không phải để khuyến khích mọi người cố gắng vượt qua những chông gai thử thách trong cuộc đờiđứng dậy sau những lần vấp ngã, nhưng người đời vẫn thích hiểu theo cái nghĩa như vậy. Có lẽ vì bài kệ rất thâm thúy, trứ danh, chạm vào lòng người, và đặc biệtdễ hiểu và dễ áp dụng cho người đời vào cuộc sống hằng ngày của họ hơn, theo ý nghĩa giản dị đơn thuần đó. Do vậy mà đời thường trích dẫn bài kệ này để khuyên nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời.

 

Mặt dù đây là một bài kệ trứ danh, nhưng lại vô danh. Có thể vì đây không phải là một bài thơ được sáng tác bởi một nhà thi sĩ thích làm văn thơ nên không cần phải có tựa đề gì cả. Đây là bài kệ của một vị chân tu giác ngộ dùng để khuyến tấn môn đồ của Ngài trực thẳng chân Tâm, vượt thoát sinh tử trần lao, đến bờ giác ngộ giải thoát. Tuy không phải là một bài thơ, cũng không có ý làm một bài thơ, nhưng bài kệ này vẫn theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt một cách rõ rệt và tuyệt vời!

 

Vốn chỉ là bài kệ vô danh, nhưng bút giả tạm mượn câu cuối của bài kệ “Hoa Mơ Đâu Dễ Ngát Mùi Hương” để làm tựa đề cho bài kệ này. Sau đây là toàn bài kệ bằng chữ Hán, Hán-Việt, và Việt:

 

Hán:

塵勞迥脫事非常,

緊把繩頭做一場;

不是一番寒徹骨,

爭得梅花撲鼻香?

 

Hán-Việt:

“Trần lao quýnh thoát sự phi thường,

Khẩn bả thằng đầu tố nhất trường;

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương?”

 

Việt dịch:

“Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,

Nắm chặt đầu dây thẳng một đường;

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,

Hoa mơ đâu dễ ngát mùi hương?”

 

Trần lao là tên khác của phiền não. Trần nghĩa là bụi ô nhiễm, lao nghĩa là phiền nhọc. Nghĩa là những ý niệm, những tình thức, những tự ngôn tự ngữ được khởi lên từ cõi lòng, làm cho tâm chúng ta bị nhiễm ô, nhiễu loạn, và làm khổ sở, khiến cho chúng ta trôi lăn mệt nhọc trong đường sinh tử. Vì vậy muốn vượt thoát tình thức, rời khỏi trần lao, thì thật là việc phi thường vậy! Nên có câu “Tu là đi ngược dòng đời.” Dòng đời nghĩa là dòng tâm thức luôn vận hành, cuồn cuộn, tuôn chảy không ngừng như một dòng nước chảy xiết. Muốn bơi ngược dòng nước chảy xiết để đến tận đầu nguồn là một việc rất khó. Nói một cách khác, muốn tu giác ngộ giải thoát không phải là một việc dễ dàng. Nên Tổ Hoàng Bá nói “Vượt thoát trần lao việc chẳng thường” là vậy. Vì đây là “việc lớn sinh tử” (sinh tử sự đại) nên đòi hỏi chúng ta phải có một ý chí kiên định, sự quyết tâm tu hành, nắm rõ pháp tu, và sức công phu tu hành miên mật (giữ nghi tình). Một khi công phu tham thiền đã được miên mật (nghi tình thành khối) thì dù cho có một ngàn con trâu to lớn và khỏe mạnh cũng khó có thể khéo chúng ta đi ngược lại được. Có như vậy chúng ta mới có thể bơi ngược dòng đời, vượt thoát trần lao, rời bờ mê về bến giác, và làm xong việc lớn sinh tử.

 

Hai chữ “khẩn bả” là nắm chặt hoặc giữ chặt và “thằng đầu” là đầu dây. Chữ “tố” là làm và “nhất trường” là một lần, một trận (đấu) hay một cuộc (thi). Ý Tổ muốn khuyên chúng ta muốn thoát trần lao thì phải nắm chặt dây cương ngựa mà quyết liều một phen, đấu một trận sinh tử, đi thẳng một lần cho tới đích, đừng quanh co vô ích. Bút giả tạm dịch là “Nắm chặt đầu dây thẳng một đường” vì muốn chỉ một nghĩa đó, tức nếu đã biết cách tham thiền rồi, thì phải liều một phen, theo đó mà tu, mà tham cứu, mà đi thẳng, cho đến chỗ rốt ráo (giác ngộ), đừng quanh co nhiều lối rẽ vô ích. Đó cũng là ý chung của các vị Thiền Sư đi trước. Từ xưa đến nay, các vị Tổ Sư liễu đạo đều dạy chúng ta phải đi thẳng một đường. Bởi đi sai một ly thì xa ngàn dậm vậy. Vì thế, trong Tín Tâm Minh, Tứ Tổ Tăng Xán dạy: “Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách.” (Hễ còn mảy may tình thức phân biệt, thì cũng như đất trời xa cách nhau vậy).

 

Thời xưa bên Trung Quốc thường hay có những cuộc thi đua ngựa trong một quảng trường rộng lớn. Người đua ngựa với cái tâm mãnh liệt muốn chạy nhanh tới đích trước để dành thắng lợi thì khi lên yên ngựa phải nắm chặt dây cương, giữ bình tĩnh và có sự tập trung cao độ, đem hết sức lực và tài năng, điều khiển con ngựa của mình chạy thẳng một mạch đến đích. Cùng nghĩa đó, muốn vượt thoát trần lao, rời bờ mê về bến giác thì người tu chúng ta cần phải có đủ nghị lực, quyết tâm, hiểu đúng pháp tu (tham thiền), và dốc hết sức lực bình sinh của mình để hạ thủ công phu cho đúng (tham cứu thẩm thấu đến cùng tận câu thoại đầu).

 

Tổ Hoàng Bá dùng hình ảnh và danh từ của người cưỡi và đua ngựa để chỉ rõ cái ý của Tổ muốn cảnh giác, sách tấn, và khích lệ người tu giải thoát. Tâm ý của chúng ta như ngựa hoan, dấy khởi thay đổi không ngừng, nên chúng ta phải nắm chặt dây cương để hướng cái tâm vươn ý mã của chúng ta đi thẳng một đường về một mối, đến vô thủy vô minh, tức thoại đầu, hay đầu sào trăm trượng, chứ không cho nó quanh co, la cà chạy vào lúa mạ của người. Do vậy nói “Nắm chặt đầu dây thẳng một đường”. Phải nhất môn thâm nhập, đừng nản chí thối lui hay đi vòng quanh đường khác.

 

Đây là trận đấu quyết liệt để vượt qua dòng sông sinh tử cuồn cuồn, chảy xiết của tình thức, vì thế phải quyết tâm hạ thủ công phu, nắm chặt đầu dây mà làm một trận cho xong việc (việc lớn sinh tử), tức phải thắng chính mình hay vượt thoát tình thức (vọng tâm sinh diệt), để giác ngộgiải thoát. Nếu suy nghĩ kỷ thì quả thật chúng ta đâu còn sự lựa chọn nào khác, đâu còn cơ hội nào khác! Vì cuộc đời vô thường ngắn ngủi, thân người mong manh tạm bợ, không đấu cũng bị dòng nước tình thức kéo trôi và nhận chìm, thà quyết đấu một phen để vượt thoát. Và cũng không còn cơ hội nào khác để đợi chờ bởi vì sinh tử vô thường không đợi chờ một ai. Nên Tổ Quy Sơn dạy: “Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ.” (Vô thường già bệnh không hẹn một ai). Do vậy mỗi người chúng ta phải hạ quyết tâm, dõng mãnh tinh tấn mà đi trên đường Đạo, bơi ngược dòng đời, để vượt thoát trần lao. Đừng chần chờ gì nữa! Đó là lời khuyên hết sức chí lý, từ bi, chân thành, và tha thiết của Tổ Hoàng Bá Hy Vận đến hậu thế qua hai câu trên.

 

Hai câu cuối:

 

“Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,

Hoa mơ đâu dễ ngát mùi hương?”

 

Từ xưa đến nay hầu như rất nhiều người đã lầm chữ “Mai Hoa” trong bài kệ này là hoa mai vàng (danh pháp khoa học: Ochna integerrima) của Việt Nam dùng để trang trí cho những ngày Tết Nguyên Đán. Nhưng thật ra không phải vậy, mà nó là loài hoa mơ với tên pháp danh khoa học là Prunus mume. Hoa mơ là một loài thuộc chi mận mơ (Prunus), họ hàng gần với mơ tây (Apricot - Prunus armeniaca) và đào (Prunus persica), có nguồn gốc xung quanh vùng sông Dương Tử ở phía nam Trung Quốc, sau này lan sang Nhật Bản, Triều TiênViệt Nam. Loài cây hoa mơ này ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, thông thường là cuối tháng giêng đến cuối tháng hai khi đã trải qua một thời gian giá lạnh. Do vậy, hoa mơ được tôn vinh là biểu tượng của mùa đông, và báo hiệu của mùa xuân sắp đến. Chúng có nhiều màu khác nhau như trắng, hồng, và đỏ. Chính vì nhờ trải qua một thời gian và lượng lạnh nhất định hoa mơ mới rực nở và ngát hương. Còn cây hoa mai vàng ở miền nam Việt Nam thì sống trong khí hậu khá ấm áp hơn và không cần phải trải qua một thời kỳ lạnh giá mới trổ bông. Do vậy “mai hoa” trong bài kệ của Tổ Hoàng Bá không phải là mai vàng ở miền nam Việt Nam, mà là hoa mơ ở Trung Quốc, vùng khí hậu ôn đới và lạnh, đặc biệt là ở lưu vực sông Dương Tử. Vì thế, Tổ Hoàng Bá, sống ở Hồng Châu (tức Tỉnh Giang Tây) một tỉnh thuộc lưu vực sông Dương Tử, nơi có nhiều cây hoa mơ, đã dùng hoa mơ để diễn tả và ví dụ cho sự quyết tâm tu hành tinh tấn, vượt thoát tình thức mê lầm, đến bờ giác ngộ chơn Tâm, như cây mơ phải trải qua một thời kỳ lạnh buốt mới nở hoa tươi thắm và tỏa ngát hương thơm.

 

Ngoài Tổ Hoàng Bá ra, còn có rất nhiều nhà văn, nhà thơ trứ danh như Tề Kỷ ở thời nhà Đường, Thiền Sư Mãn Giác thời Lý (Việt Nam), và thi hào Nguyễn Du thời nhà Nguyễn (Việt Nam) cũng đã dùng cây hoa mơ trong bài thơ, kệ của mình. Điển hình là Ngài Tề Kỷ, một nhà thơ và nhà sư thời Vãn Đường đã dùng hoa mơ để diễn tả mùa xuân sắp về trong bài thơ Tảo Mai (Mơ nở sớm) như sau:

 

Hán:

早梅 

萬木凍欲折,

孤根暖獨迴。

前村深雪裏,

昨夜一枝開。

風遞幽香出,

禽窺素艷來。

明年如應律,

先發望春臺。

 

Hán-Việt:

Tảo Mai

“Vạn mộc đống dục chiết,

Cô căn noãn độc hồi.

Tiền thôn thâm tuyết lý,

Tạc dạ nhất chi khai.

Phong đệ u hương xuất,

Cầm khuy tố diễm lai.

Minh niên như ưng luật,

Tiên phát Vọng Xuân đài.”

 

Việt dịch (Lâm Trung Phú):

Mơ Nở Sớm

“Băng đóng cây gần chết,

Ấm lên, một gốc hay.

Trong thôn tuyết rét đậm,

Đêm trước nở cành mai!

Gió thoảng hương thầm ngát,

Chim về, diễm đẹp thay.

Năm sau trời đúng tiết,

Nở trước, Vọng Xuân đài!”

 

Nhà thơ Tề Kỷ cũng đã miêu tả hoa mơ được nở rộ khi tuyết vẫn còn phủ đầy trong trong những ngày cuối đông. Như chúng ta đã biết, khác với mai vàng miền nam Việt Nam, hoa mơ sống ở vùng có khí hậu ôn đới và lạnh như Bắc ViệtTrung Quốc vì nó cần phải trải qua một thời kỳ giá lạnh mới nở hoa. Ngoài Bắc Việt, Thiền Sư Mãn Giác thời Lý cũng dùng hoa mơ trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” như sau:

 

Hán:

告疾示眾 

春去百花落,

春到百花開。

事逐眼前過,

老從頭上來。

莫謂春殘花落盡,

庭前昨夜一枝梅。

 

Hán-Việt:

Cáo Tật Thị Chúng

“Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

 

Việt Dịch Nghĩa:

Báo Bệnh Với Mọi Người

“Xuân đi, trăm hoa rụng,

Xuân đến, trăm hoa nở.

Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,

Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.

Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,

Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.”

 

Không những “mai hoa” của Tổ Hoàng Bá không phải là mai vàng Việt Nam, mà chính “nhất chi mai” (một cành mai) của Thiền Sư Mãn Giác cũng không phải là mai vàng Việt Nam, mà là hoa mơ đó vậy. Lương Y Đinh Công Bảy đã xác nhậnkết luận trong bài “Tìm hiểu cành Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư” rằng nhất chi mai trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” của Thiền Sư Mãn Giác chính là cây hoa mơ.

 

Đại thi hào Nguyễn Du vào thời nhà Nguyễn cũng đã dùng hoa mơ để diễn tả vẽ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân một cách tài tình trong Truyện Kiều qua bốn câu thơ lục bát rất quen thuộc như sau:

 

“Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.”

 

Những bài thơ và kệ của những nhà văn, thơ giỏi và những thiền sư liễu đạo ở trên đều dùng hoa mơ trong bài thơ, kệ của mình. Đó là vì hoa mơ là một loài hoa được khá phổ biếnưa chuộng tại Trung Quốc từa xưa đến nay. Nó được liệt vào một trong Tứ Quân Tử (mơ, lan, cúc, và trúc) từ thời nhà Tống. Nó mang một vẻ đẹp thanh tao, trong sắc trắng phớt thêm sắc hồng nhẹ nhàng, là biểu tượng của sự cao quý. Đặc biệt hoa mơ còn mang ý nghĩa tự tin và cứng cáp vượt qua mọi khó khăn vì nó có thể khoe sắc giữa thời tiết giá lạnh. Chính vì vậy, hoa mơ được tôn vinh và biểu dương ở vùng Đông Á và một vài đất nước ở vùng Đông Nam Á qua nhiều thế kỷ. Điển hình là trong các bài thơ, tranh vẽ, hàng dệt may, và ẩm thực ở các vùng đó đều có hoa mơ. Cho thấy hoa mơ có sức ảnh hưởng rất lớn và vô cùng quan trọng trong nền văn học, truyền thống, và văn hóa Trung Quốc, cũng như những nước khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, và Mông Cổ.

 

Tóm lại, qua bài kệ trên, Tổ Hoàng Bá Hy Vận muốn khích lệ người tu hành đời sau cần phải thể hiện ý chí, nghị lực, và quyết tâm tu hành vượt qua mọi khó khăn và thử thách để đến bờ giác ngộ giải thoát, đừng bỏ cuộc nữa chừng, và cũng đừng đi quanh co nhiều lối rẽ vô ích. Bởi muốn vượt thoát tình thức, giải quyết cho xong việc lớn sinh tử là một việc khó. Những không phải vì thấy khó mà chúng ta nản chí bỏ cuộc. Một khi đã lên yên ngựa thì phải nắm chặt đầu dây mà liều một phen chạy cho đến đích và thắng trận mới thôi. Nếu khôngý chí, nghị lực, quyết tâm, đường hướng và cách tu tập đúng thì khó mà vượt thoát trần lao được.

 

Mặt dù đây là câu nói chỉ dạy và khuyến tấn người tham thiền phải quyết tâm thống thiết sanh tử, ra sức công phu tu tập, mới có ngày triệt ngộ bản Tâm, nhưng người đời cũng hay dùng câu kệ này để khuyến khích mọi người cố gắng vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc đời để vươn lên mà sống, đứng dậy sau những lần vấp ngã. Cũng giống như hoa mơ, phải trải qua cái lạnh buốt của mùa đông mới có thể nở hoa thơm ngát. Đó là thái độ đúng đắnmọi người nên áp dụng khi đối mặt với mọi khó khăn trở ngại. Và đó cũng là nét đặc sắc về nội dung của bài kệ. Đây cũng là lý do chính tại sao bài thơ, kệ này rất nổi tiếngthường xuyên được trích dẫn cho cả tăng lẫn tục trong nhiều thế kỷ qua.

 

Chính vì sự phổ biếnảnh hưởng của bài kệ này đến khắp mọi người ở nhiều nước trên thế giới và trải dài qua bao thế kỷ và thời đại nên càng chứng thực cho sự thành công của nó qua việc lưu truyền và sự tiếp nhận rộng rãi của mọi người. Vì tác giả là một vị thiền sư đã giác ngộ nên nói ra lời nào cũng vô cùng thâm thúy và nó có sức ảnh hưởngtác động sâu sắc đến lòng người, điển hình là bài kệ “Hoa Mơ Đâu Dễ Ngát Mùi Hương”. Không những thế, Tổ Hoàng Bá Hy Vận đã biết cách dùng thơ Đường luật để truyền đạt lời của mình cho mọi người một cách khéo léo và tài tình. Ngài đã biết chọn những từ ngữ, hình ảnh, và biểu tượng gần gũi, dễ hiểu, và thích hợp với văn hóa, triều đại, và con người đương thời như hoa mơ và hình ảnh cởi ngựa, đua ngựa.

 

Tổ Hoàng Bá đã dùng hình ảnh cởi ngựa qua câu “nắm chặt đầu dây thẳng một đường” đã nói lên phong cách cứng rắn, mạnh mẽ, quyết đoán, kiên quyết, tự tin, và hào hùng của một vị anh hùng có bản lĩnh hay trong Phật giáo gọi là một bậc “đại trượng phu”. Nếu không phải là một người có bản lĩnh, là một đại trượng phu, thì khó vượt qua trần lao sinh tử. Tổ đã làm được điều này và khuyến tấn môn đồ và hậu nhân cũng nên có một phong cách như vậy. Ngoài dùng hình ảnh cứng rắn mạnh mẽ như việc cởi ngựa ra, Ngài còn biết dung hòa với hình ảnh hoa mơ mảnh mai mềm diệu. Tuy bề ngoài hoa mơ trong rất mảnh mai mềm diệu, nhưng lại cứng cáp và tự tin vì nó vẫn có thể nở rực và tỏa ngát hương thơm giữa bầu trời lạnh giá. Hình ảnh mạnh mẽ của việc cởi ngựa và mảnh mai của hoa mơ trong tuyết đã thể hiệc được hai đức tính đặc sắc, không thể tách rời, của đạo PhậtTừ BiTrí Tuệ. Nói rộng hơn là Bi, Trí, Dũng. Nó cũng thể hiện được hai chữ Nghiêm Từ, của một đấng đạo sư, một bậc thầy khả kính, bên ngoài thì nghiêm nghị cứng rắn, nhưng bên trong lại vô cùng từ bi, hiền lành, và mềm mại cũng y như hoa mơ vậy. Bài kệ, bài thơ xuất sắc này đã nói lên những đức tính và phong cách cao đẹp và đầy bản lĩnh của Tổ Hoàng Bá Hy Vận, một vị thiền sư và một vị thầy mô phạm quá tuyệt vời, đáng cho hàng hậu học kính nể, thán phục, và noi theo.

 

Nguyện cho những ai đọc được bài kệ của Tổ Hoàng Bá Hy Vận và bài viết này đều tỏ đường đi, cùng kết pháp duyên, làm Bồ Đề quyến thuộc của nhau, dìu dắt nhau trên bước đường tu giác ngộ giải thoát.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Tỳ Kheo Thích Thiện Trí

Cuối Đông, Đầu Xuân 2022

Princeton Meditation Center

Tu Viện Quy Nguyên

 

Bản PDF:
HOA MƠ CỦA TỔ HOÀNG BÁ HY VẬN

 

Vài Hình Ảnh Hoa Mơ Trong Tuyết

Picture1Photo by: Sing H. Lin

Picture2Photo by: Sing H. Lin

Picture3Photo by: Sing H. Lin


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Coceano, Josh. “Prunus Mume.” The Scott Arboretum of Swarthmore College,

Swarthmore College, 6 Mar. 2012, www.scottarboretum.org/prunus-mume.

  1. Buswell, R. and Kim, S. A Bird in Flight Leaves No Trace: The Zen

Teaching of Huangbo with a Modern Commentary. Wisdom Publications. 2019. terebess.hu. https://terebess.hu/zen//mesterek/Bird.pdf. PDF file.

  1. Đinh, Công Bảy. “Tìm Hiểu Cành Mai Trong Bài Kệ Của Mãn Giác Thiền Sư.”

Giacngoonline, giacngo.vn, 29 Jan. 2009, https://giacngo.vn/tim-hieu-canh-mai-trong-bai-ke-cua-man-giac-thien-su-post2702.html.

  1. “Hoàng Bá Hi Vận.” Wikipedia, Wikimedia Foundation, 13 Dec. 2021,

https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Bá_Hi_Vận.

  1. Lâm, Trung Phú. “Lâm Trung Phú.” Thi Viện, thivien.net, 19 Dec. 2011,

www.thivien.net/translator/Lâm+trung+Phú?Page=10.

  1. Lin, Sing H. “Prunus Mume Blossoms (梅 花) Are Blooming in Snow in Early

Spring.” Travelogue of Sing H. Lin, Ph.D., shltrip.com, www.shltrip.com/Prunus_Mume_are_Blooming_in_Snow.html. Accessed 13 Feb. 2022.

  1.  “Mai vàng.” Wikipedia, Wikimedia Foundation, 5 Feb. 2022,

https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_vàng.

  1. Mai, Thọ Truyền. Truyền Tâm Pháp Yếu. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội,
    1. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/images/file/mGS9I7Wo0QgQALIA/truyen-tam-phap-yeu-chanh-tri.pdf. PDF file.
  1. “Mơ (cây).” Wikipedia, Wikimedia Foundation, 18 Oct. 2021,

https://vi.wikipedia.org/wiki/Mơ_(cây).

  1. 10.  Nguyễn, Du. “Truyện Kiều.” Docsach24, docsach24.co, docsach24.co/doc-

sach/truyen-kieu/phan-1-21831.html. Accessed 14 Feb. 2022.

  1. 11.  Sasaki, Ruth Fuller. The Record of Linji. University of Hawai’i Press,
    1. Internet Archive. https://ia902906.us.archive.org/15/items/recordoflinjitranslationcommentaryofruthfullersasakithomasyuhokirchner_212_n/Record%20of%20Linji%20Translation%20%26%20Commentary%20of%20Ruth%20Fuller%20Sasaki%20Thomas%20Yuho%20Kirchner.pdf. PDF file.
  1. 12.  Shi, Ting, et al. “Association between Blooming Time and Climatic Adaptation

in Prunus Mume.” Ecology and Evolution, vol. 10, no. 1, 2020, pp. 292–306. PMC, https://doi.org/10.1002/ece3.5894.

  1. 13.  Tề, Kỷ. “Tảo Mai 早梅 • Mai Nở Sớm.” Thi Viện, thivien.net,

www.thivien.net/Tề-Kỷ/Tảo-mai/poem-c42Fo3ZSG5A6O9_dwtyy2A. Accessed 14 Feb. 2022.

  1. 14.  Thích, Mãn Giác. “Cáo Tật Thị Chúng 告疾示眾 • Có Bệnh Bảo Mọi

Người.” Thi Viện, thivien.net, www.thivien.net/Mãn-Giác-thiền-sư/Cáo-tật-thị-chúng/poem-6bWbNmO7lol7pdNguEXQvQ#REPLY61. Accessed 14 Feb. 2022.

  1. 15.  Thích, Duy Lực. “Hoàng Bá Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu.” Thư Viện Hoa

Sen, thuvienhoasen.org, 10 Sept. 2010, thuvienhoasen.org/a16773/hoang-ba-thien-su-truyen-tam-phap-yeu.

  1. 16.  Thích, Thiện Trí. “Bài Văn Tín Tâm.” Thư Viện Hoa Sen, thuvienhoasen.org,

17 Nov. 2016, thuvienhoasen.org/a26710/bai-van-tin-tam.

  1. 17.  Thích, Thiện Trí. “Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách Văn –

Bài Văn Cảnh Sách Của Đại Viên Thiền Sư Ở Núi Quy.” Thư Viện Hoa Sen, thuvienhoasen.org, 20 Jan. 2019, thuvienhoasen.org/a31161/quy-son-dai-vien-thien-su-canh-sach-van.

  1. 18.  Trần, Tuấn Mẫn. “Thiền Tông Việt Nam.” Thư Viện Hoa Sen,

thuvienhoasen.org, 6 July 2017, thuvienhoasen.org/a28060/thien-tong-viet-nam.

  1. 19.  Wright, Dale S. The Huang-po Literature. Oxford University Press,
    1. terebess.hu. https://terebess.hu/zen/Wright-Huangbo.pdf. PDF file.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
19/01/2014(Xem: 11670)
13/12/2014(Xem: 7792)
07/02/2024(Xem: 907)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.