NGHĨ VỀ MỘT XÃ HỘI DÂN CHỦ VÀ HƯỚNG THIỆN
Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực. Ước vọng muôn đời Tự do dân chủ luôn là một ước vọng từ nghìn xưa của bao dân tộc, bao thể chế, xã hội. Có người cho rằng ở phương Tây, ngay trong thời Aristote đã có khái niệm về một xã hội công dân (Civil society). Bao thế kỷ sau, con người vẫn luôn đau đáu ước mơ ấy dù sống trong thời quân chủ phong kiến. Chẳng thế mà phát sinh ra Phong trào Khai sáng (Enlightenment Movement) ở châu Âu đầu thế kỷ XVIII, kêu gọi xây dựng xã hội trên cơ sở bình đẳng, công lý và những nguyên tắc bắt nguồn từ quyền lợi con người. Các luận điểm lớn của phong trào này bao gồm: - Đẩy lùi bóng tối là những điều huyền hoặc, giáo điều, mê tín, bất công, lạc hậu, ngăn cản sự phát triển của con người. - Ánh sáng là lý trí, tiến bộ và tự do. - Con người tự bản chất luôn hướng về chân, thiện, mỹ. - Mọi người đều bất khả xâm phạm, bình đẳng trước luật pháp và tự do cá nhân. Xã hội càng văn minh, nhu cầu tự do dân chủ của con người càng tăng lên và có nhiều điều kiện thực thi hơn. Đất nước chúng ta cũng không thoát ngoài quy luật ấy. Chúng ta đang xây dựng những thể chế nhằm phát huy tiếng nói người dân, mở rộng phản biện xã hội, nhưng cũng phải thấy rằng còn đó những lực cản, xuất phát từ tư duy của “một bộ phận" những nhà quản lý xã hội, những công chức nặng tính giáo điều, xem nặng cái riêng của mình hơn cái chung của cộng đồng, sợ hãi và phủ nhận tự do cá nhân. Vết xe đổ của những nước Đông Âu thập niên 80 thế kỷ trước được một số nhà lý luận nhận định: “Những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa thời gian qua có một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ chỗ coi tự do dân chủ là cái để ban phát, để mở rộng cũng được mà muốn khép lại lúc nào cũng được, thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được, phủ nhận hoàn toàn những thành tựu mà các nền dân chủ trước đã đạt được, phủ nhận yếu tố nhân loại trong các giá trị dân chủ.” (1) Nếu xem dân chủ là biện pháp duy nhất tạo ra sự phát triển và hạnh phúc cho con người, thì chúng ta mới đảm bảo được mọi giá trị cuối cùng của sự phát triển được phân phối công bằng đến từng con người, lúc đó phát triển không chỉ là vấn đề chung của xã hội hay quốc gia mà còn là vấn đề riêng của từng cá nhân con người tạo nên tập hợp đó. “Tự do không chỉ là linh hồn của sự phát triển mà chính là sự phát triển”(2) Nhân mùa Phật đản, chúng ta hãy đọc lại, xem từ ngàn xưa Phật đã dạy chúng ta những gì? Giáo lý Phật dạy về dân chủ Ngay từ ngày Phật còn tại thế, Người đã khuyên các vị quốc vương như Ba Tư Nặc và Tần Bà Sa La trị nước và giữ nước bằng đạo đức nhiều hơn bằng hình phạt. Hình ảnh quốc vương cũng đồng thời là một vị Bồ-tát hộ pháp đã được tiếp tục xây dựng qua nhiều thế hệ. Vua A Dục là một người như thế sau khi chinh phục được toàn Ấn Độ, thấy được thảm cảnh bao sinh linh bị tàn sát, vua đã phát tâm quy y, hỗ trợ tự viện, Tăng đoàn, kết tập, đại hội Phật giáo, đã dựng trụ đá ca ngợi Phật và khuyến khích dân chúng tu học và làm lành. Hình tượng mẫu mực cho những vị quốc vương khác noi theo, đó là hình ảnh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartirājan), được mô tả như sau: “Đó là một vị vua thống suất quân ngũ, công minh (tiếng Phạn: dhārmika), một vị vua theo Chánh pháp, có đủ bảy báu: chiến xa, voi, ngựa, châu báu, cung phi, bách quan và tướng soái. Vua có một trăm con trai, đều là những thanh niên anh hùng và đẹp đẽ, có thể chiến thắng được quân đội của bất cứ kẻ thù nào. Vua chinh phục đất đai rộng rãi cho tới bờ đại dương, rồi tháo bỏ tất cả những nguyên nhân gốc rễ đưa tới nghèo đói và bạo hành. Vua trị nước mà không cần trừng phạt, không sử dụng gươm đao mà chỉ sử dụng đạo đức, Chánh pháp và phủ dụ. Tu tập Chánh pháp cho tự thân, vua dạy cho hoàng hậu, cung phi và các vương tử cùng thực tập theo. Vua lại khuyên các đại thần bách quan tu tập theo Chánh pháp, và khuyên dân chúng nên thực tập theo Chánh pháp. Vua thường tới lui thăm hỏi các vị Sa-môn và Bà-la-môn để tham vấn và học hỏi. Nếu trong vương quốc có những vị Sa-môn đắc đạo, tu hành thanh tịnh, có tinh tiến, có nhẫn nhục, không kiêu mạn thì vua phải tới tham vấn về các vấn đề thiện và ác, tôn trọng và vi phạm, nên gần gũi ai, nên không gần gũi ai, nên làm gì, nên không làm gì, thực tập theo những pháp môn nào mà có được hạnh phúc lâu dài. Vua biết chu cấp cho cô nhi, quả phụ, tôn trọng luật pháp cổ truyền .v.v…".(3) Các vị cao tăng trong nước có bổn phận nhắc nhở các vị quốc vương hành xử theo Chánh pháp, và các vị quốc vương biết rằng nếu được quần chúng Phật giáo yểm trợ thì việc cai trị sẽ dễ dàng hơn, cho nên các vị quốc vương ấy cố gắng đi theo con đường đức trị hơn là pháp trị. Vua Jayavarman VII của Campuchia cũng tin mình là một vị vua Phật, đã tạc tượng mẹ của mình dưới hình thức Bát-nhã Ba-la-mật, bởi vì theo Phật giáo, Bát-nhã Ba-la-mật là mẹ của chư Phật. Vào thế kỷ thứ XX mà ở Thái Lan vẫn có vị vua tự gọi mình là Thánh Sư Phật (Phra Phutticchao). Ở Việt Nam, vào đời Lý-Trần, các vua đều tu học, đều muốn noi theo con đường đức trị, và vai trò của các thiền sư hết sức quan trọng trong công cuộc hộ quốc an dân như Sư Vạn Hạnh hay đến vị vua thường được gọi là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy dân theo Chánh pháp, lấy bản thân mình làm tấm gương cho mọi người: thoái vị, xuất gia, tinh tấn giới đức. Trước khi Đức Thế Tôn rời thành Magadha (Vương-xá) đến Kusinārā (Câu-thi-la) nhập diệt, vua Ajātasattu (A Xà Thế ) sai vị đại thần Vassakāra (Võ Xá) đến thăm dò ý kiến của Đức Phật về mưu định của nhà vua muốn thôn tính nước Vajji(4). Đức Phật đã phân tích tính chất và thực trạng xã hội của quốc gia nhỏ bé sắp bị xâm lăng này: - "Này Ananda, người có nghe rằng những người Vajji thường hội họp với số lượng đông đảo không?(5) - Dân Vajji có đoàn kết khi hội họp, đoàn kết khi giải tán và đoàn kết khi làm việc không? - Dân Vajji có sống đúng với truyền thống của dân tộc, và tôn trọng những luật pháp đã được ban hành từ thời xưa không? - Dân Vajji có tôn kính những bậc trưởng lão trong nước và nghe theo lời dạy của những vị này không? - Dân Vajji có cưỡng ép những thiếu nữ và phụ nữ bắt họ phải sống chung với mình không? - Dân Vajji có thường xuyên dâng lễ ở các nơi thờ tự không? - Dân Vajji có bảo vệ và tôn kính các bậc A-la-hán khiến các vị ấy tìm đến ở trong xứ để xứ sở được an lạc không?” “Bạch Thế Tôn! Họ đi họp rất đều. Trong khi tụ tập, họ tụ tập rất đoàn kết và khi giải tán, họ giải tán rất hoan hỷ”, ngài Ananda đáp. “Tốt, Ananda, chừng nào người Vajjian thường hội họp với số lượng đông đảo, lúc ấy sự thịnh vượng của họ tăng thêm mà không suy giảm. Này Ananda, chừng nào người Vajji hội họp với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ quyết định và làm việc với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ giữ trọn luật lệ mà không có sự xáo trộn trật tự, chừng nào họ kính trọng và lễ bái những bậc trưởng thượng và vâng lời những bậc ấy; chừng nào phụ nữ và thiếu nữ của họ đi ra ngoài mà không bị sự hiếp bức, chừng nào họ tôn kính và lễ bái đền chùa của họ, chừng nào họ còn gìn giữ mà không khinh bỏ phong tục, chừng nào họ còn bảo vệ tôn kính và ủng hộ các bậc tu hành đạo đức, thì lúc ấy sự thịnh vượng của người Vajji tăng thêm mà không suy giảm”. Chính những lời dạy này đã làm cho vua Ajatasattu bỏ ý định chinh phục nước này vì sợ không thể thắng được một nước mà toàn dân sống tự do, đoàn kết dưới chế độ dân chủ. Chúng tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta nếu muốn thịnh vượng cũng không thể làm gì khác hơn là áp dụng những nguyên tắc dân chủ trên.“Bảy pháp bất thối” này có thể tóm tắt bằng những danh từ thời đại: 1. Sinh hoạt dân chủ, 2. Tình đoàn kết dân tộc, 3. Nguyên tắc pháp trị, 4. Sự hòa hợp các thế hệ, 5. Tôn trọng phụ nữ, 6. Tôn kính các tín ngưỡng, và 7. Ưu đãi các bậc minh triết. Đây là những yếu tố hình thành trọng lực quốc gia, nguyên tắc quy tụ lòng người, hợp quần sức mạnh mà dân Vajji đã có được. Cho dù quân xâm lược hùng mạnh có thôn tính được đất nước họ đi chăng nữa, cũng không sao thủ tiêu được bản sắc dân tộc và ý chí yêu nước của họ. Sau khi nghe bảy điều kiện của một quốc gia cường thịnh mà dân chúng nước Vajji đã hội đủ, đại thần Vassakāra xin cáo từ Đức Phật; biết vua xứ Magadha không thể nào chiến thắng được quốc gia Vajji, nên cuộc chiến không xảy ra. Hiện thực hóa ước mơ ấy Chúng ta hơn lúc nào hết cần phải hiện thực hóa ước vọng dân chủ ấy vì đó là tiền đề nền tảng xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường cộng lực (synergy) của đất nước trước những hiểm họa của thời đại. Chúng ta phải cảnh giác trong thế giới đầy vọng tưởng và bạo động như hiện nay, chiến tranh khu vực diễn ra dù trên bình diện hẹp ở Ukraine và một vài quốc gia châu Phi đem đến đói khát, tật bệnh, những cuộc di tản của dân chúng sang châu Âu đầy hiểm nguy, liều lĩnh. Cuộc chiến tranh giữa dòng Sunni và Shiite trong đạo Hồi; giữa đạo Hồi và Cơ Đốc; “chiến tranh lạnh” giữa Nga và NATO đang diễn biến xấu, tham vọng chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc gây nên nỗi bất an vì lòng tham của những kẻ bá quyền mơ “giấc mơ Đại Hán”, đang đẩy nhân loại đến bờ vực diệt vong. Còn trong nước, tình trạng hành xử bạo lực giữa người với người, trong gia đình hay ngoài xã hội đã trở nên đáng báo động, không ngày nào không có án mạng (!) vì những lý do từ nghiêm trọng đến vô lý, như “đi nhầm phòng karaoke, xỏ nhầm dép , va quẹt xe…". Xưa Phật đã dạy: “Này các Tỷ-kheo, do dục vọng làm duyên, nên vua tranh chấp với vua, Sát-đế-lỵ tranh chấp với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ, cha mẹ, anh em, bè bạn tranh chấp lẫn nhau. Khi chúng đã dấn thân vào sự tranh chấp, chúng đánh nhau bằng tay, ném nhau bằng đá,đập nhau bằng gậy và chém nhau bằng gươm. Do đó, chúng bị tử thương, hoặc ngắc ngư quằn quại.”(5) Sự tranh chấp sở dĩ xảy ra, nếu không do lòng dục thúc đẩy, thì cũng do sự cuồng tín cố chấp gây nên, “Ác nghiệp chưa chín muồi, Kẻ ngu tưởng đường mật. Ác nghiệp khi chín thật, Kẻ ngu chuốc khổ đau”. (Pháp Cú, 69) Trước tình hình ấy, ôn chuyện cũ mà lo chuyện nay, đọc lại lời dạy của Đức Phật hơn hai ngàn năm qua, chúng ta thấy Người đã có cái nhìn thấu thị từ ngàn xưa, về quy luật vận hành của thế gian và con người, về tư tưởng dân chủ và hướng thiện mà xã hội cần xây dựng trên nền tảng nhân bản và quanh trọng tâm ấy. Chúng ta hiểu nguyên lý tương sinh, tương tức và cộng nghiệp. Chỉ có dân chủ mới đem lại giá trị cho con người và sức mạnh cho cộng đồng, mở rộng ra là đất nước. Sử gia Ấn Độ Ramesh Chandra Majumdar gọi Đức Phật là vị Tổ của nền dân chủ bởi vì chính Người đã dựa trên cái gọi là truyền thống dân chủ trong nền chính trị Ấn Độ cổ xưa. Trong đó người ta được tranh luận cho điều phóng khoáng hơn là tuân theo sự phân loại chính trị theo những thể chế hẹp hòi. Tinh thần dân chủ thấm đẫm trong giáo lý nhà Phật thể hiện trong tư duy, trong sinh hoạt, trong phương pháp hành trì tu học, trong quan điểm nhân duyên và nghiệp lực khi mà xã hội thế giới này đẹp hay xấu, vui hay buồn, hòa bình hay chiến tranh là do con người với tư cách là chủ thể từ ba nghiệp - thân, khẩu, ý mà ra… Những nhà lãnh đạo, nhất là giới chức cầm quyền, đều phải ý thức về điều này trong quá trình xây dựng tổ chức xã hội…Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực. Phải khơi mạch dân chủ để mọi nguồn nước tuôn chảy vào dòng sông hạnh phúc và biển tự do. Được như thế, sức mạnh dân tộc nhân lên gấp bội! Nguyên Cẩn ______________ (1) Vũ Duy Phú (chủ biên), Xã hội dân sự, NXB.Tri Thức 2013. (2) Amartya Sen-Development as Fredom - Oxford University Press -2001. (3) Kinh (Divyāvadāna) (4) Vajji (tức Vrijji): một bộ tộc theo thể chế Cộng hoà (Solas Mahajanapadas; republics), nơi giao thương giữa 16 Đại Vương quốc (Mahājanapadas: Great kingdoms), rất tiến bộ và thịnh vượng, thuộc miền Bắc lưu vực sông Hằng, một phần của miền Nam và Tây Nam Ấn Độ châu lục. Theo Anguttara Nikāya I, P.213; IV, PP.252, 256, 261: Phật giáo phát triển rất thịnh hành tại đây vào thời Phật tại thế. (5) Anguttara Nikāya IV. |