Vài Suy Nghĩ Về Con Đường Hoằng Pháp Của Tăng Già Việt Nam Tại Mỹ - Thích Thông Hải

16/12/201212:00 SA(Xem: 7905)
Vài Suy Nghĩ Về Con Đường Hoằng Pháp Của Tăng Già Việt Nam Tại Mỹ - Thích Thông Hải

VÀI SUY NGHĨ VỀ
CON ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP CỦA TĂNG GIÀ VIỆT NAM TẠI MỸ
Thích Thông Hải
(Bài tham luận trình bày trong “Hội Luận 2012 - Phật giáo Việt Nam tại Mỹ -
Nhìn về Tương Lai, Cơ hội và Thách thức” của Hội Phật học Đuốc Tuệ tại California, ngày 16/12/2012)


I. Nhu Cầu Cần Thiết Để Tổ Chức Khóa Tu Dưỡng Giảng Sư

Nhu cầu cần thiết để tổ chức khóa tu dưỡng giảng sư là để tạo điều kiện cho Tăng Nitrụ trì các Tự Viện có đủ năng lực phục vụ Đạo Pháp, mở ra và định hướng cho thế hệ trẻ tương lai, đem Đạo Phật vào tận các nơi xa không có hình bóng chư tăng hoằng pháp.

Chư Tôn Đức giảng sư là những người kế thừa tinh thần hoằng pháp của Chư Tôn Thiền Đức quá khứ, còn có một hướng nhắm là hòa hợp, hội thông, liên kết qua hai chiều. Chiều dọc từ các bậc Tôn Đức Tăng Già tiền bối trưởng thượng, đến thế hệ trưởng thành hiện tại, các thế hệ mầm non và tương lai xa hơn. Chiều ngang gồm các Tăng Sĩ của các hệ phái Phật Giáo Việt Nam có mặt nơi các nước Tây Phương, những vị ấy có thể là Tăng Ni sinh trẻ, là Trụ Trì các Tự Viện. Các Thượng Tọa đã từng có mặt trong các công tác hoằng pháp, giáo dục, dịch thuật. Các vị ấy có thể đang tu tập những pháp môn khác biệt, sinh trưởng và cư trú trên các địa vực trong và ngoài đất nước Hoa Kỳ.

II. Bản Hoài của người Tăng Sĩ

 Bản hoài của người Tăng Sĩ Việt Nam nơi hải ngoại là mang tuệ giác của Đạo Phật thâm nhập thật sự vào xã hộivăn hóa Tây Phương, để Đạo Phật tồn tại và phát triển.

 Quá khứ lịch sử đã từng chứng minh sự hội nhập của Đạo Phật vào các vùng văn hóa xa lạ, kỳ thị, đối kháng. Các bậc Thánh Tăng đã mất nhiều công sức, qua các thế hệ, trải qua nhiều thế kỷ để làm cho Phật Giáo có mặt thật sự ở các nước phương Đông. Hiện tại và tương lai mục đích của hàng tăng sĩ nơi Hải Ngoại là cố gắng làm công việc mà lịch sử đã vô tình giao phó như các bậc tiền bối đã từng làm: Mang tinh hoa giáo lý từ bi giải thoáttuệ giác vô ngã của Đức Thế Tôn hiến tặng được cho con ngườixã hội mình đang sống, hầu xứng đáng với bản hoài của Trưởng Tử Như Lai. “Hoằng pháp vi gia vụ lợi sanh vi sự nghiệp” và “chỗ nào chúng sanh cần con đến, chỗ nào Đạo Pháp cần con đi, không quản gian lao không nề khó nhọc” như những bậc Thầy quá khứ đã từng thể hiện.

III. Nền Tảng Căn Bản

Một Tăng Sĩ của Đạo Phật trưởng thành từ nền tảng căn bản của Tam Vô Lậu Học vững chắc thì tự thân đã là một “Sứ Giả Như Lai”. Tuy nhiên, tùy theo văn hóa từng địa vực khác biệt, hoàn cảnh sống và trình độ tri thức của con người trong xã hội từng thời mà yêu cầu cho một Sứ Giả Như Lai được biểu hiện cụ thể qua ba yếu tố có mặt ở tự thân thật vững chãi. Ấy là pháp học, pháp hànhphương tiện hoằng pháp. Có được ba yếu tố nầy và được trui rèn vững chắc mới có thể làm cho Đạo Phật có mặt ở chiều rộng và chiều sâu trong xã hội mình đang sống. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho chính tự thân mỗi vị Sứ Giả Như Lai rất nặng. Vị ấy ngoài khả năng nội điển thâm sâu, tri thức thế gian khá rộng, phẩm chất đạo hạnh ưu tú, còn phải bén nhạy để cập nhật hóa phương pháp truyền đạt nhịp nhàng với bước phát triển xã hội Tây Phương. Tất nhiên vai trò nặng hơn vẫn thuộc về ban giảng huấn. Bằng tất cả tấm lòng của các bậc Thầy lớn đã trải nghiệm tu học, Quý Thầy sẽ truyền trao tất cả kinh nghiệm tu họchành đạo của mình đến các vị Sứ Giả Như Lai.

IV. Chương Trình Tu HọcHoằng Pháp.

 a. Tu Học -

 Nội điểntrọng tâm của chương trình đào tạo một vị Giảng Sư, do vậy một vị giảng sư cần phải am tường những kinh điển của hai hệ Tam Tạng Thánh Điển Nam và Bắc truyền. Ngoài ra, còn được nâng cao tri thức bằng các môn lịch sử Phật Giáo, tâm lý xã hội, nghệ thuật thuyết giảng, phương pháp sư phạm nghi lễ, hành chánh cộng với những buổi sinh hoạt ngoại khoá, thỉnh giảng ... Song song đó Anh Ngữ được đặc biệt quan tâm vị giảng sư cần phải sử dụng lưu loát hai ngôn ngữ Anh và Việt.

 Dù rằng trong học đã có tu, pháp hành được triển khaitruyền đạt cùng thời với pháp học. Tuy nhiên, phẩm chất của vị Như Lai Sứ Giả không chỉ biểu hiện ở khả năng thuyết giảng, mà phải nằm sâu hơn, nền tảng vững chắc hơn ở chỗ tâm hành và thân giáo. Vì vậy, những tuần lễ thu xếp hết các Phật Sự, sách Kinh để tỉnh tu được đặt ra, hầu chư tăng ni có cơ hội củng cố định lực.

 b. Hoằng Pháp -

 Chương trình hoằng pháp của một vị tăng sĩ rộng, hẹp, cạn, sâu tùy theo mức độ tu họchành trì tu học của từng cá nhân của mỗi vị tăng sĩ, cộng thêm vào đó nhu cầu học Phật của Phật Tử ở các trú xứ. Có thể mở ra các hướng thuyết giảng được thỉnh mời như sau:

- Giảng dạy tại các trú xứ, trung tâm, chùa, viện, tịnh xá….

- Mở những khóa tu cho các em thanh thiếu niên.

- Mở khóa tu gieo duyên.

- Mở những khóa tu định kỳ.

- Những ngày quán niệm tập trung lớn, hoặc nhỏ.

Đáp ứng nhu cầu thỉnh giảng tại các nơi khác.

- Tổ chức các buổi pháp thoại công cộng.

- Tổ chức các chương trình trao đổi, tiếp xúc thảo luận với sinh hoạt học đường để tiếp cận và thâm nhập vào môi trường giáo dục nhân gian.

 Ngoài ra chương trình hoằng pháp còn có thể mở vào các hướng văn học, nghệ thuật … truyền hình, truyền thanh, mạng internet … hầu đáp ứng nhu cầu tu học ngày một rộng của nhiều tầng lớp người trong xã hội.

 V. Bổn Phận và Trách Nhiệm của Sứ Giả Như Lai.

 a. Vai trò giáo dục của Sứ Giả Như Lai - Định hướng gần là xây dựng một phần cho nền tảng giáo dục nhân bản của xã hội hiện tại. Định hướng xa là thành tựu giải thoát cho mỗi con người. Chắc hẳn sự phát triển của xã hội hôm nay và con người còn giữ gìn được ít nhiều di sản văn hóa của tiền nhân để lại đều nhờ sự có mặt của nền giáo dụcTuy nhiên ở góc độ nào đó giáo dục xã hội đã không đóng được vai trò định hướng nhân bản cho loài người, nên có lúc thiên tai dịch họa không đáng sợ bằng nhân họa. Tính chất bạo hành hủy diệt của con người làm cho cả hành tinh run sợ. Đã đến lúc nhân loại tiến bộ đang tìm cách thúc đẩy nền văn minh đi vào hướng nhân bản. Trong định hướng nầy công tác truyền giáo của Đạo Phật sẽ đóng vai trò quan trọng nhất cho xã hội. Bằng vào giáo lý duyên sinh vô ngã Đạo Phật có khả năng gỡ bỏ niềm tin mù quáng của con người, loại trừ tính chất độc tôn giáo điều, độc tôn chân lý của tôn giáo. Hóa giải bạo hành bằng từ bi, dẹp nhân họa bằng trí tuệPháp hành Phật dạy nâng phẩm chất hạnh phúc con người vượt khỏi thú vui ngũ dục phù du, làm cho đời sống có chiều cao và chiều sâu. Cuối cùng Đạo Phật trao cho con người cơ hội chứng nghiệm trọn vẹn giác ngộ tự tâm. Đây chính là nền giáo dục nhân bản nhất đang có mặt trên hành tinh này. Dĩ nhiên những công trình ấy tùy thuộc vào cơ chế tổ chức và phẩm chất, nội dung của sự truyền đạt, để hình thành định hướng nhân bản tất yếu cho xã hội. Trong quá khứ vai trò giáo dục từng đặt nền tảng cho sự phát triển tôn giáo, xã hội. Các tôn giáo đã đi qua con đường nầy để mở rộng thế lực củng cố quyền uyTuy nhiên khi có mặt uy quyềnthế lực hoạt động tôn giáo dễ bị thế tục hóa và rơi dần vào thế tự hủy diệt bản chất tôn giáo của mình. Tự thân nền tảng giáo lý vô ngã của Đạo Phật, xóa mất con đường thế tục hóa khi Tăng Già đi vào lĩnh vực giáo dục. Giáo chế của Đức Phật, pháp qui của Tăng Đoàn quá khứ cho đến tổ chức Tăng Già hiện tại chưa hề có mặt tính chất áp đặt và pháp quyền. Đây là niềm tự hào lớn nhất của Đạo PhậtLịch sử từng chứng minh tính chất trong sáng trên con đường truyền giáo của các bậc Thánh Tăng.

 b. Gánh lấy trách nhiệm trước lịch sử - Đạo Phật đã theo chân những đợt người di dân từ Á Châu đi vào các nước Phương Tây rất sớm. Các bậc Đạo Sư lớn phương Đông từng đặt chân du hóa các nơi này, các Ngài đã từng vỡ đất gieo hạt mầm Phật Pháp trong lòng người bản địa. Và không phải ngẫu nhiên có mặt hai triệu người Việt bỏ nước ra đi để hình thành một cộng đồng Phật Tử lớn làm chân đế cho chư Tăng Ni thiết kế công trình vật chất ngắn hạn tầm thường. Lịch sử nghiệt ngã bắt người Việt rãi nhiều xương trắng máu đào trên quê hương, trên con đường vượt trùng dương sinh tử, thì người Việt có quyền đòi lịch sử trả lại mình quà tặng cao quí hơn. Nếu con đường tơ lụa mở ra cho thượng giới thì con đường ấy cũng mở ra cho Đông Tây văn hóa giao lưu và các bậc Thánh Tăng mang Đạo Phật thâm nhập vào Trung Thổ. Con đường đỏ xâm lăng vào đất Tạng thì con đường khác tức khắc mở ra để Mật Thừa - vốn được bảo trì cẩn mật - chảy vào các quốc gia phương Tây. Trong khi Phật Giáo tại chính quốc gia Ấn Độ bị bức hại từ thế kỷ thứ 13 thì Đạo Phật Đại Thừa đã phát triển rực rỡ trên các quốc gia lân cận. Vận hội lịch sử nào cũng trao cho người con Phật những cơ may để truyền đạo. Điều quan trọng còn lại là các trưởng tử Như Lai có chịu nghiêng vai nhận lấy sứ mệnh lịch sử giao phó cho mình không.

 Quá khứ Đạo Phật đã thấm vào các vùng văn hóa đa dạng, đặc thù phương Đông như nước thấm vào lòng đất. Đạo Phật đến để dâng tặng tuệ giác, nâng cao phẩm chất văn hóa bản địa mà chưa hề hủy diệt, bôi xóa hay gây thương tổn gì cho bất cứ nền văn minh của dân tộc nào trên hành tinh này. Con đường truyền giáo tự ngàn xưa nhiều bậc Thầy đã mở ra và các thế hệ Tăng Già đều kế thừa để hình thành một dòng chảy chưa bao giờ tắt. Thế hệ Tăng Ni trẻ có mặt hôm nay trên các đất nước Phương Tây này, đương nhiên là những người gánh lấy sứ mệnh lịch sử trao cho nối liền dòng chảy tuệ giác vượt vạn dặm trùng dương thấm vào vùng đất mới. Có như vậy, mới xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của cộng đồng người Việt đã đặt chân trên quê hương thứ hai này.

 c. Công trình của tập thể - Muốn chuyển hóanâng cao tâm thức một con người đạt được chân thiện mỹ, không đơn giản như quy hoạch xây dựng một thành phố lớn trên đất Mỹ. Huống chi gieo hạt mầm trí huệ chuyển hóa tâm thức một xã hội; hẳn tâm nguyện công sức đầu tư phải to lớn. Công trình tổ chức và hoạt động của Phật Giáo không phải là công trình cá nhânThế giới chưa hề có công trình vật chất, tinh thần nào do một cá nhân làm nên cả. Các bậc Thầy lớn trên con đường hoằng pháp cũng chưa bao giờ thành đạt được bằng tư cách cá nhân. Tất nhiên một cá nhân hoàn thiệnyếu tố tiên quyết để hình thành những thuận duyên hỗ trợ. Tuy nhiên phải trùng trùng thuận duyên, nghịch duyên hỗ trợ để hình thành các Bậc Đạo Sư, các vị Thiền Sư lỗi lạc ở trong quá khứ và đương thời.

 d. Xây dựng nền tảng Đạo Phật cho thế hệ tương lai - Tương lai không ở phía xa mà được biểu hiện ngay trong hiện tại. Nhìn tổ chức sinh hoạt của các già lam tự viện chỉ thấy thuần các bậc “cổ lai hy” thì ước đoán được sự tàn lụi của Đạo Phật trong vài thập kỷ tới. Quá khứ đã có nhiều cộng đồng Phật Tử, Tăng lữ Đông phuơng đến Hawaii - hoặc các tiểu bang khác trên đất Mỹ - xây dựng tự viện nguy nga từ hơn 100 năm nay, nhưng sự suy tàn đã đến vào thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của những người di dân. Và hầu hết các sinh hoạt Phật Giáo từ truyền thống Á Châu có mặt trên đất Mỹ đang đi trên vết xe này. Dường như đối với số đông người Tây Phương theo Đạo Phật vẫn còn là một chậu bonsai đẹp dùng làm món trang trí mà thôi. Tất nhiên đem một Tôn Giáo xa lạ nhiều hình thái tín ngưỡngnghi lễ nặng nề thâm nhập vào vùng đất văn minh, có nền tảng tín lý đối nghịch lại mình là việc làm cực khó. Và khó khăn được gia cố với nhiều yếu tố tiêu cực khác như kiến trúc lòe loẹt cung đình, văn hóa đa thù phức tạp, giáo lý trừu tượng siêu hình, tâm thức nặng cảm tính, gây nên phản ứng nghịch ban đầu khi người Mỹ tiếp xúc Đạo PhậtĐặc biệtcộng đồng Tăng lữ không thể truyền đạt, triển khai, phổ biến giáo lý Đức Thích Tôn trực tiếp bằng Anh Ngữ. Từ các điều kiện bảo thủ ấy, vô tình đã làm nên sự tàn lụi của Đạo Phậtcộng đồng Phật tử Á Châu đã đầu tư rất nhiều công sức xây dựng.

 Do đó, chúng ta cần phải có những sự thay đổi những chương trình hoằng pháp cho được thích nghi với nền văn hóa tại bản địa như là:

1. Chuyển toàn bộ nghi lễ, tụng tán, pháp chế, pháp quy, Bố Tát, giảng dạy, pháp thoại, sinh hoạt trại, đoàn, gia đình Phật Tử … và các công tác giáo dục thanh thiếu niên bằng Anh Ngữ.

2. Nghiên cứu, khảo sát và chiêm nghiệm hoàn cảnh, xã hội, nhu yếu tâm thức con người hôm nay trên đất nước này; rồi chỉnh lý, bổ sung, cắt giảm những gì không cần thiết trong hình thái và nội dung sinh hoạt của Đạo Phật, hầu làm cho Đạo Phật tươi mát, trẻ trung có nội dung sống động thật sự. Trong quá khứ, Đạo Phật từ Ấn vào Hoa Hạ đã trở thành Phật Giáo Trung Hoa. Từ Hoa, Phật Giáo vào Nhật đã trở thành Phật Giáo Nhật BảnViệt Nam tiếp nhận hai nguồn Nam Bắc truyền, Phật Giáo đã hình thành Phật Giáo Việt Nam. Đến bất cứ nơi nào Đạo Phật phải chuyển mình để hội nhập, tồn tại và phát triển. Bao giờ Đạo Phật trở thành Đạo Phật Mỹ. Tăng sĩ trở thành Tăng sĩ Mỹ thì Đạo Phật mới thật sự sống, có mặt và bước tới tương lai.

3. Hình thành những trung tâm tu tậpđào tạo Tăng tài là nhu yếu tồn tại cho tự thân Đạo Phật; củng cố những già lam tự viện có đủ điều kiện tu học cho Phật tử là nhu yếu gìn giữ phẩm chất và phát triển của Đạo PhậtHiện tại chùa viện đang đi dần vào con đường tư hữu, và có lắm chùa thiếu không gian sinh hoạt, pháp lý chưa ổn định, không biểu lộ được tính cách một ngôi chùa. Trong quá khứ chùa viện là biểu tượng của nét văn hóa xã hội. Một danh lam thắngcảnh có không gian thanh bình, và một cộng đồng Tăng Lữ hòa hợp tu tập tỏa sáng năng lượng thanh thoát an lạc. Ấy cũng là nơi đào tạo giáo dục phẩm chất cho con người từ cạn đến thâm sâu hơn. Vì vậyhồi phục lại những gì đã từng có trong Đạo Phậtviệc làm cần thiết để xây dựng nền tảng phát triển cho các thế hệ tương lai.

e. Thành tựu bản hoàitâm nguyện - Chắc hẳn đệ tử đức Điều Ngự không quan niệm “xử thế nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh” (1), mà coi nhân gianđạo tràng hoằng pháp. Các bậc Thầy quá khứ cũng từng coi mình là kẻ nợ phải nhả hết tơ mềm đền ơn những chiếc lá dâu. Mang hạnh nguyện Bồ Tát vào đời với bản hoài độ sinh, nhưng chưa thành tựu đạo hạnh tự thân là một tai họa cho chính Đạo Phật và cuộc đời. Những kẻ thiếu năng lực trí tuệlãnh đạo quốc gia với nhiệt tình cuồn cuộn là những kẻ sát nhân, đưa cả dân tộc vào lầm than, đói nghèo, tụt hậu. Ở lĩnh vực giáo dục tùy mức độ dốt nát của con người làm công tác truyền đạt mà mức độ hủy hoại tâm thức nhân sinh một thế hệ hay nhiều thế hệ. Do vậy, hành trang của một vị Tăng Sĩ phải được định nghĩa trước tiên là đủ năng lực trí tuệ với bản hoài thành tựu giác ngộ tự thân, mang hạnh phúcan lạc đến cho con người bằng chánh pháp.

Quá khứ từng có nhiều chi nhánh tu trong truyền thống Phật Giáo hoặc thiên trọng pháp học, hoặc thiên trọng pháp hành, hoặc chỉ biết con đường hoằng phápDĩ nhiên đã gây ra nhiều khó khăn cho riêng tự thân và chung cho dòng chảy Đạo Phật. Vì thế, pháp học, pháp hànhphương tiện hoằng pháp là kim chỉ nam cần phải có trên con đường hoàn thiện phẩm chất giác ngộ tự thân mới thành tựu bản hoàihạnh nguyện.

Các bậc Bồ Tát đăng địa thường “lưu hoặc nhuận sanh” (2), xuống lên trong thế trần hằng sa kiếp để giáo hóa con người, thệ rằng chưa chứng quả giác ngộ viên mãn chưa rời bản hoàihạnh nguyện độ sinh. Trong tứ chúng đệ tử của Như Lai là những người được sinh ra từ giáo pháp Đức Thích Tôn, ở nhà đấng Pháp Vương, thừa tự sự nghiệp tu học, hoằng pháp của các vị Bồ Tát, nên nguyện “mang an lạchạnh phúc đến cho chư thiên và loài người” là việc làm tất yếu.

Thích Thông Hải

______________________________________________________________________________

Chú thích: 

(1) Câu nói của Lý Bạch trong bài “Tương Tiếu Tửu” ý nói rằng: Cuộc đời như giấc mộng, làm gì cho nhọc mệt tấm thân.

(2) Lưu hoặc nhuận sanh: Giữ lại một chút mê lầm để sinh trở lại nhân gian.

 


thichthonghaiHòa thượng Thích Thông Hải sinh năm 1951 tại Bến Tre, Việt NamXuất gia năm 11 tuổi với Hòa Thượng Thích Thanh Từ, viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm, Đà Lạt. Thọ Cụ Túc giới năm 1976. 
  • Tốt nghiệp Cử nhân Tôn Giáo Tỷ Giảo năm 1989 và Cao học Public Health năm 1997 tại Hawaii University, Hoa Kỳ.
  • Tốt nghiệp Cử nhân Acupuncture tại Oriental Medical University, Hawaii, Hoa Kỳ, năm 1993.
  • Thành lập bệnh viện dưỡng lão Paradise Nursing Home tại Honolulu, Hawaii, từ năm 1997 đến năm 2004.
  • Viện trưởng Thiền Viện Chân Không – Honolulu, Hawaii, Tu Viện An Lạc – Ventura, California, Thiền Viện Chân Không – Chatsworth, California.
  • Hiện là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội của GHPGVNTN Hoa Kỳ.
  • Tác phẩm dịch thuật đã xuất bản: Thiền và Sự Thể Nghiệm Tâm Linh, Học ThuậtTư Tưởng Thiền, Thiền Tại Phật Học Trung Quốc; Truyện tranh màu song ngữ Việt Anh dành cho thiếu nhi: Truyện Cổ Tích Phật Thích Ca, Truyện Cổ Tích Chàng Vô Não Angulimala.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/12/2020(Xem: 8919)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.