Phật Giáo Và Sự Nghiệp Giáo Dục Và Đào Tạo
Phạm Tất Dong
Nền giáo dục của chúng ta có nhiệm vụ giúp cho học sinh, sinh viên nắm được những giá trị cốt lõi để làm người. Ở thời đại chúng ta, đó là những giá trị về đạo đức của con người đang tiến đến một kỷ nguyên mới: Con người lao động sáng tạo cho một xã hội tri thức, phát triển một nền kinh tế tri thức trong một thế giới hòa bình, dân chủ và hội nhập quốc tế . Cái thế giới hiện đại ấy lại phù hợp với những giá trị của giáo lý Phật giáo.
Phật giáo là tôn giáo đầu tiên vào nước ta từ cuối thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ thứ III. Trong suốt gần 2000 năm qua, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong từng bước đường lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, phát triển văn hóa, truyền bá những giá trị cao đẹp của giáo lý Phật cho cư dân tại các địa bàn sinh sống. Giao Châu là khu vực phát triển đạo Phật mạnh mẽ, trở thành một trung tâm Phật giáo ở Việt Nam.
Khi nhà nước Vạn Xuân được thành lập, mối quan hệ giữa Nhà nước phong kiến với Phật giáo ngày càng chặt chẽ. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chống ánh đô hộ phương Bắc, đạo Phật đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp này.
Từ thế kỷ thứ X, nhất là từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội ngày nay), đạo Phật rất hưng thịnh. Dưới các triều phong kiến như nhà Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009), Lý (1009 - 1225), Trần (1226 - 1400), ...., đạo Phật trở thành trụ cột tinh thần chủ yếu của chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Nhiều vị cao tăng đã trở thành quốc sư và là cố vấn của nhà vua về nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Trước hết, trong thời kỳ “Đế cùng Tăng chung sức cai quản đất nước”, nhiều vị cao tăng đã nêu cao tinh thần yêu nước như một gương sáng để nhân dân noi theo. Thời Đinh, có Ngô Chân Lưu (Quý Tị 933 - Tân Hợi 1011) một Thiền sư, quê ở Cát Lợi (Thường Lạc), huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đinh Tiên Hoàng rất trọng vọng ông, ban cho hiệu là Khuông Việt đại sư, phong chức Tăng thống. Đời Tiền Lê, ông tham dự triều đình, đã cùng Đỗ Pháp Thuận (Bính Tý 916 - Tân Mão 991) tiếp sứ nhà Tống là Lý Giác. Đỗ Pháp Thuận cũng là một Thiền sư, được Lê Đại Hành trọng vọng không kém Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu.
Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, thời nào cũng có những cao tăng, những thiền sư được nhà vua mến mộ và trọng vọng như những tri thức lớn, những người yêu nước, có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức và lòng yêu nước trước nhân dân. Ta có thể kể ra rất nhiều vị, ví dụ như Uy Li nh Lang (Canh Tuất 1250 - Bính Tuất 1286), con trai Trần Thánh Tông, người chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, đã tham gia kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Ông đã lãnh đạo một đạo quân mà chủ yếu là các nhà sư với tên gọi “Thiền tử quân”, đã đóng góp nhiều vào các trận đánh lớn để diệt giặc, cứu nước.
Trong những nhà tu hành tham gia chống giặc xâm lược phải kể đến Trần Cao Vân (Bính Dần 1868 - Bính Thìn 1916), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Thuở còn đi học chữ Hán, ông lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, biệt hiệu là Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ. Lúc hoạt động chống Pháp mới đổi tên là Trần Cao Vân.
Trần Cao Vân vào tu tại chùa Cổ Lâm (1886), mở trường dạy học nhằm thu thập chiến hữu. Năm 1892, ông hoạt động ở Bình Định, cố vấn cho Võ Trứ trong cuộc khởi nghĩa. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo bị thất bại, ông bị bắt bỏ ngục ở Phú Yên. Nhờ Võ Trứ nhận hết tội về mình nên Trần Cao Vân được ra tù. Sau đấy, ông còn hai lần bị thực dân Pháp bắt: một lần bị khép tội xúi dục nhân dân nổi loại, bị giam ở Quảng Nam, đến năm 1907 mới được trả tự do; sau đó (1908), ông tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo, đến năm 1914 mới được phóng thích.
Năm 1915, Trần Cao Vân cùng một số đồng chí lập Hội Việt Nam Quang Phục, cùng với Thái Phiên liên lạc với vua Duy Tân làm cuộc khởi nghĩa.
Ngày 03 - 05 - 1916, kế hoạch khởi nghĩa bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đầy ở Châu Phi, còn Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị chém tại pháp trường An Hòa (Huế).
Tinh thần chống thực dân, nêu cao ý chí khẳng khái, dám hy sinh thể hiện ở Nguyễn Văn Khiết (nguyên tên là Lâm Văn Tuất), tức Hòa thượng Thích Quảng Đức (Đinh Dậu 1897 - Quý Mão 1963). Thích Quảng Đức là Bồ Tát Quảng Đức, đi tu từ năm 7 tuổi, năm 15 tuổi thọ Sadi, năm 20 thọ Tì kheo, có pháp danh là Thị Thủy, Pháp tự là Hành Pháp.
Thích Quảng Đức hoạt động Phật giáo tại nhiều nơi như Khánh Hòa, Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Định Tường, Hà Tiên, có công xây dựng và trùng tu nhiều chùa. Năm 1953, ông giữ chức Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt.
Ngày 11 - 6 - 1963 (20 - 4 Âm lịch nhuận), trong cuộc tuần hành của trên 1000 vị tăng sĩ và giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo miền Nam chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, ông phát nguyện tự thiêu, đòi bình đẳng tôn giáo và dân sinh, dân chủ.
Cuộc tự thiêu diễn ra 15 phút, sau đó, thân thể ông được hỏa táng ở An Dương địa Phú Lâm. Qua hai lần hỏa thiêu bằng điện, trái tim ông vẫn còn nguyên vẹn.
Vũ Hoàng Chương có bài thơ Lửa từ bi để truy niệm ông:
Lửa! lửa cháy ngất tòa sen,
Tám chín phương nhục thể tràn tâm.
Hiện thành thơ quỳ cả xuống,
Chỗ Người ngồi: một thiên thu tuyệt tác,
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Trong những Danh tăng, còn phải kể đến nhiều vị như Nguyễn Văn Kính, tức Hòa thượng Thích Trí Thủ (Kỷ Dậu 1909 - Giáp Tý 1984), vào chùa từ 9 tuổi, năm 17 tuổi đầu sư với Hòa thượng Viên Thành (tại chùa Tra Am - Huế), tu học tại các chùa và Phật học đường tại Huế, Đà Nẵng, Bình Định rồi hóa đạo khắp miền Trung và miền Nam.
Năm 1951, ông giữ chức Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Trung phần kiêm giảng sư tại các Phật học đường Bảo Quốc (Huế), Hải Đức (Nha Trang), Phổ Thiên (Đã Nẵng), Quảng Hương Già Lam (Gia Định).
Năm 1964, ông làm Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh) rồi Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1968, ông được tấn phong Hòa thượng.
Năm 1977, ông làm Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Ngày 02 - 4 - 1984, ông mất, thọ 76 tuổi đời, 53 tuổi đạo.
Hòa thượng Thích Trí Thủ có bài thơ gửi cho môn đệ:
Xuân về Mậu Ngọ tuổi lai hi,
Chẳng dám khoe chi, chẳng muốn chi.
Bảo ở thì ừ, hoan hỉ ở,
Kêu đi âu cứ tự nhiên đi.
Cành khô lá úa mai nhung nụ,
Mây cuốn sương tan đá vẫn lì.
Không tận không lời vô tận ý,
Thị chưa từng bận ngại gì phi.
Nguyễn Văn Kỉnh tức Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (Tân Mão 1890 - Quý Sửu 1973) là một cao tăng, Danh tăng hiện đại, gần như cùng thời với Thích Trí Thủ. 15 tuổi, ông xuất gia, tu tại chùa Tường Văn (Huế); năm 1916, trụ trì chùa Phước Huệ (Huế), đến năm 1938 làm chứng minh đạo sư sáng lập An Nam Phật học hội (Hội Phật học Trung Kỳ), năm 1940 làm Giám đốc trường Cao đẳng Phật học mở tại chùa Tường Vân và Bảo quốc.
Năm 1947, ông được suy tôn Tòng lâm pháp chủ Trung Việt và Đàn đầu hòa thượng đại giới đàn tại Huế, sau đó giữa chức vụ Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1963, ông được Giáo hội Phật giáo suy tôn chức Tăng thống. Chí sĩ Phan Bội Châu trọng vọng ông và thường đàm đạo với ông. Cụ Phan đã có thơ tặng ông:
Thân trước vốn người tự cõi tiên,
Sau vì tri giác đến rừng thiền.
Sắc màu đông tuyết còn thua lắm,
Hương chất hoang mai lại kém duyên.
Dáng vẻ hoàng vương, trời ái mộ,
Thường nga trang tử nguyệt ưu phiền.
Phật duyên từ ấy mà tương cảm,
Cành ngọc lan trao tới cựu hiền.
Cùng với các Danh tăng nói trên còn có một cao tăng thời hiện đại Lê Kim Ba, tức Hòa thượng Thích Trí Độ (Giáp Ngọ 894 - Kỷ Mùi 1979), là một người uyên thâm Nho học và Phật học, sau trở thành một thiền gia.
Năm 1920, ông làm Giảng sư tại chùa Thập Tháp, Nguyên Thiều (Bình Định), rồi ra Huế làm Đốc giáo tại Phật học đường Bảo Quốc, cùng cư sĩ Lê Đình Thám xuất bản Tạp chí Từ bi âm, Viên âm.
Năm 1945, ông giảng dạy tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), rồi tham gia các công tác xã hội tại Thanh Hóa trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông trở về Hà Nội, trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1958, ông được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Hòa thượng Thích Trí Độ đã từng là Ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Chúng ta điểm qua một số ít những người con ưu tú của đạo Phật và thấy rõ rằng, các vị đó là những gương sáng về lòng yêu nước, về tư tưởng từ bi, bác ái mà việc giáo dục con người, xây dựng nhân cách trong nền giáo dục dân chủ và nhà trường xã hội chủ nghĩa cần phải đề cao.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), một phần vì phải dồn sức đào tạo cán bộ, chiến sĩ phục vụ kháng chiến chống xâm lược Pháp, phần thì chuẩn bị cho sau kháng chiến, nền giáo dục cách mạng vừa thực hiện những nhiệm vụ nặng nề, vừa phải khắc phục những khó khăn quá lớn về điều kiện vật chất - kỹ thuật cho đào tạo, chúng ta ít quan tâm đến những giá trị trong giáo lý Phật pháp khi giáo dục thế hệ trẻ. Mặt khác, cũng do ấu trĩ, không ít người, nhất là cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo đã đánh đồng tín ngưỡng tôn giáo với mê tín dị đoan. Việc phá bỏ đình, chùa hoặc nơi thờ tự, làm hư hỏng cảnh quan các di tích cũng nhiều khi xuất phát từ nhận thức đó. Sau này, chúng ta mới thấy hết được nhiều giá trị giáo dục của Phật giáo rất cần được nghiên cứu áp dụng vào nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Trên thực tế, những tư tưởng từ bi, bác ái, những quan điểm về dân tộc, về hòa bình, bình đẳng, v.v... của đạo Phật có nhiều điểm tương đồng, hòa với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, với quan điểm và đường lối của Đảng và của học thuyết Mác - Lênin. Xuất phát từ tư tưởng từ bi, đạo Phật chủ trương cứu dân độ thế, đề cao chữ Thiện.
Nhà Phật cho rằng, một ngày sống từ bi và tự ngẫm nghĩ sâu sắc tốt hơn là sống một trăm năm xấu xa và bê tha. Để sống tốt, đừng cho dục vọng lọt vào trí tuệ. Hành vi con người tuân theo dục vọng sẽ mang lại sự ác độc. Người ta hỏi Phật: ―Bắt đầu mỗi hành vi từ đâu?‖. Phật trả lời:
―Từ bản thân cái tất yếu vì mỗi khoảnh khắc đều có tính tất yếu của mình, và điều đó được gọi là hành vi chính đáng.
Đọc được tư tưởng này, ta lại nhớ đến F.Rabelais, một nhà tư tưởng người Pháp. ông nói:
“Science sans conscience n‟est que ruine de l‟âme” (Tri thức mà không có lương tri thì chỉ là sự tàn hoại của tâm hồn). Rabelais không phải là người theo Đạo Phật, nhưng ông cũng nhìn thấy cái chân lý mà nhà Phật nêu lên.
Vấn đề là phải làm điều Thiện, làm điều Thiện hàng ngày, hàng giờ mới giải thoát cho đồng loại và cho chính mình.
Hồ Chí Minh luôn đề cao cái Đức trong nhân cách và quan niệm rằng, làm điều Thiện tức là thể hiện cái Đức của mình. Người nói:
Việc thiện thì nhỏ mấy cùng làm
Việc ác thì nhỏ mấy cùng tránh
Trong sách Minh tâm bảo giám cũng có câu:
Nhất sinh hành thiện, thiện do bất túc
Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư.
(Cả đời làm điều thiện mà điều thiện chưa đủ
Một ngày làm điều ác thì điều ác đã thừa).
(1961)
Trong nhà trường ngày nay, điều Thiện làm chưa nhiều, điều ác vẫn xảy ra. Thầy dạy thêm, trò nghèo phải đóng tiền trong khi cha mẹ nó phải chạy vạy cho con theo buổi học thêm, miếng cơm của nó phải ít đi. Chắc không ai đồng tình với thầy trong trường hợp này. Tại nhà trường của chúng ta không thiếu hiện tượng bạo lực trong lớp học, trò lười biếng, không biết thương cha mẹ đang ngày đêm lo cho nó ăn học. Chuyện đánh nhau, lấy cắp của nhau, trấn lột nhau...cũng không thiếu trong nhà trường. Điều này nói lên rằng, không khí đạo đức trong nhà trường đang thiếu chữ Thiện.
Đạo Phật và cách mạng xã hội chủ nghĩa gặp nhau ở tư tưởng giải thoát cho con người khỏi những khổ đau trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, giữa tư tưởng giải phóng con người của Phật và tư tưởng giải phóng con người của cách mạng có sự khác biệt. Theo Phật, sự giải phóng triệt để đối với con người là dẫn họ đến một thế giới cực lạc, tránh rơi vào vòng luân hồi , tức là Niết Bàn. Còn tiếp tục quay về với sự sống này thì không thể hết khổ. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chủ trương xây dựng “thiên đường” ngay trong thế giới thực tại, chứ không phải thế giới sau cái chết. Thiên đường này có một xã hội loài người mà trong đó, con người cần đối với người khác như một CON NGƯỜI, tức là trong quan hệ bình đẳng, bác ái, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau sống một cuộc đời lao động sáng tạo để những thế hệ sau sẽ sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tư tưởng nhân đạo và nhân văn của cách mạng tạo nên cho con người một thiên đường trong thế giới hiện thực và tư tưởng từ bi của Phật tạo ra một thế giới cực lạc đều mang trong đó cùng một bản chất: một cuộc giải phóng vĩ đại. Và chắc là vô cùng hạnh phúc với ai được sống trong thiên đường thực tại và sau cuộc sống lại được nhập vào Niết Bàn.
Trên con đường đi tìm chân lý một cách khổ hạnh, một lần ngồi thiền dưới gốc Bồ đề, Thích Ca Mâu Ni nhìn thấy ngôi sao Mai, ánh sáng ngôi sao giúp cho ông thấy toàn bộ thế giới hiện ra khác với những gì mà trước đây ông đã từng thấy. Đó là sự giác ngộ quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Người nhận ra rằng, có cái không là đất, nước, lửa, không khí.... thế giới này, thế giới khác, mặt trăng, mặt trời. Đó không phải là cái đến, không phải l à cái đi... Nó không có chỗ dựa, không có sự bắt đầu, không có căn cứ; đó chính là sự kết thúc những nỗi đau khổ. Đó là Niết Bàn. Ngộ được điều đó, Phật trở nên mạnh mẽ vô cùng, hiểu biết mọi thứ, quẳng bỏ mọi thứ, hoàn toàn không có ham muốn, và từ đó đạt tới thế giới khoan khoái, hoàn toàn tránh được sự trói buộc vào bánh xe của vòng luân hồi.
Còn trong cuộc cách mạng của chúng ta, cần phải làm cho con người, trước hết là thế hệ trẻ, giác ngộ được mục tiêu xóa bỏ sự bóc lột, xóa bỏ lòng tham và độc ác, đo àn kết thành sức mạnh tháo hết xiềng xích cho nô lệ, mang lại cơm áo cho người nghèo, loại trừ chiến tranh ra khỏi các quốc gia, hướng tới một thế giới minh triết. Trên con đường đấu tranh này, những giá trị của tư tưởng giải thoát cho con người nơi Phật đ ều có thể tham khảo và ứng dụng.
Ngày 15-2-486 trước Công nguyên, trước khi nhập Niết Bàn, Thích Ca Mâu Ni dặn dò đệ tử: ―Tất cả những gì đã sinh ra đều có ngày chết đi. Để giải thoát chính mình, cần không ngừng nỗ lực.
Trước khi qua đời, Hồ Chí Minh cũng có lời di huấn rằng, phải nỗ lực giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để chúng ta xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, tạo điều kiện để dân tộc chúng ta mãi mãi không bị làm nô lệ, mãi mãi phát triển sánh vai với các cường quốc.
Vấn đề giải phóng con người là vấn đề không ngừng nỗ lực.
Phật có 14 điều dạy chúng sinh : Nội dung của 14 điều này đều có giá trị lớn trong thời đại ngày nay.
Điều dạy đầu tiên, vô cùng quan trọng: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Ý nghĩa sâu xa của điều này là , nếu trong cuộc sống mà con người không vượt lên được chính mình thì những gì xấu xa trong con người sẽ giết chết nhân cách của họ, họ sẽ mất đi bản chất Thiện của con người.
Kẻ thù đó là gì ? đó là Tham, sân, si và dục.
Tham là việc vơ vào mình những gì mình muốn, bất chấp đó là lợi ích của ai, hạnh phúc của ai, niềm vui của ai. Người tham chỉ biết mình, chỉ sống để kéo về cho mình những gì mình muốn. Tham sẽ kéo theo cái chết: chết danh dự, chết nhân cách, chết uy tín, chết tình cảm.... và chết thể xác. Vơ vét cho nhiều, ăn cắp cho nhiều, cướp giật cho nhiều... sẽ có ngày được cuộc sống phán xử.
Sân là sự giận dữ, là lòng hận thù, là sự ganh ghét, đố kỵ... giận dữ sẽ mất khôn, sẽ dễ dấn đến hành vi tội ác, dấn đến sự trả thù, phá hoại, hãm hại người khác.
Si là si mê, mê muội, cuồng mê, chìm đắm vào tình trạng mất hết tỉnh táo.
Dục là sự ham muốn như hám danh, hiếu sắc, tham ăn, có những nhu cầu thấp hèn.
Phật yêu cầu chúng sinh muốn sống tốt phải tránh tham, sân, si, dục bởi đó là nguyên nhân của mọi đau khổ. Phật nói rằng, mọi sự sống đều kéo theo sự đau khổ, nhưng có thể cải thiện cuộc sống nếu luôn nói thật, hướng Thiện, không trộm cắp, không căm giận và thù ghét ai. Con người cần phải được giải phóng khỏi sự háo danh; khát vọng làm giàu vô hạn, vô nguyên tắc, vô điều kiện; hưởng khoái lạc. Khi đó, mỗi người giàu và nghèo, vua và kẻ ăn mày... đều được giải thoát, nghĩa là không phải sinh đi sinh lại trên trái đất này.
Do kẻ thủ lớn nhất trong đời người là chính mình nên con người phải biết vượt lên chính mình, khắc phục được những gì xấu xa trong bản thân mình. Vì thế Phật mới dạy rằng: ―Nếu có ái đó một nghìn lần chiến thắng một nghìn người, còn một người khác chỉ là chiến thắng một mình bản thân, thì chính người khác này là người chiến thắng vĩ đại.
Người đời biết tu dưỡng hằng ngày, biết tránh những điều mình đã làm sai, biết ăn năn vì làm điều ác, đó là biết làm theo đạo người. Muối hiểu được Phật và học theo đạo Phật, trước hết phải học đạo người . Theo Hòa thượng Đạo Thanh, muốn tu đạo Phật, đạo Tiên thì nên tu đạo người trước. Đạo người mà không tu được thì đạo Phật, đạo Tiên còn xa lắm .
Học đạo người là quá trình tu dưỡng bản thân, thực chất của tu dưỡng là biết tự đấu tranh với những sai lầm, những thiếu sót, những tội lỗi... do mình gây ra, hằng ngày phải làm những điều tốt, điều thiện để từ đó thành người tử tế. Không phải là người tử tế thì không thể đến với của Phật được.
Để đấu tranh với những sai lầm của bản thân, con người phải có sức mạnh nội tâm. Trong triết học phương Đông có câu: “Đánh thắng lũ giặc trên núi dễ hơn đánh thắng kẻ thù trong tâm”. Vấn đề là ở chỗ có tự thấy mình sai lầm không, và sau đó, có tự giác sửa những sai lầm đó không.
Về điều này, ta thấy triết lý sống của Khổng Tử là tuyệt vời. Ông nói: ―Có lỗi mà biết sửa thì sẽ không có lỗi. Có lỗi mà không sửa, thì đúng là có lỗi vậy.
Đạo Phật động viên con người biết sửa lỗi. Dù đã từng làm việc ác mà sau biết ăn năn sửa đổi, thì lâu ngày cũng được tốt lành, đó gọi là chuyển họa thành phước vậy. Như thế có nghĩa là, để trở nên thánh thiện, phải tự mình, không ai có thể giúp ta tốt lên nếu ta không muốn làm người tốt. Một khi tự mình tìm ra chân lý thì con người sẽ mạnh nhất. Thánh Gandhi chiêm nghiệm điều này, và ông tuyên bố: “Ngoài ta ra, không ai có thể thắng được ta”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc chúng ta rằng, trong hoạt động, không ai không mắc khuyết điểm. Vấn đề là có khuyết điểm thì phải sửa, sửa các thiếu sót của mình thì sẽ tiến bộ, và quan trọng là ta sẽ vượt qua chính mình.
Phật lại dạy: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Điều này có nghĩa là, lúc đó con người chỉ là cái bóng của kẻ khác, nhân cách sẽ mờ nhạt và không còn cá tính. Trong đời thường, kẻ đánh mất mình là dạng người luồn cúi những ai có quyền thế, nịnh hót cấp trên, hống hách với cấp dưới, coi rẻ dân đen. Nhiều cán bộ, đảng viên vào sống ra chết trên trận tuyến chống quân thù, đi đầu trong đấu tranh, can trường trước gian nguy. Song khi đã thắng lợi rồi lại tỏ ra tham lam, lợi dụng chức quyền do công lao đóng góp cho cách mạng mà có để trục lợi. Không ít người trong số họ đã rơi vào cảnh ăn chơi trụy lạc, dần dần biến chất, trở thành xa lạ với bạn bè, đồng chí và nhân dân.
Kẻ đánh mất mình thực chất là kẻ làm nô lệ: nô lệ trước kẻ mạnh, nô lệ trước đồng tiền, nô lệ trước sắc đẹp. V.I. Lênin, có lần bàn về nhân cách con người, đã đưa ra một đánh giá rất chính xác. Ông nói: “Kẻ làm nô lệ dám chống lại kẻ bóc lột mình thì là người cách mạng. Kẻ làm nô lệ cam chịu thân phận của mình, không dám đấu tranh, thì đúng là một nô lệ. Kẻ làm nô lệ mà ca ngợi ông chủ của mình thì đúng là hạng ti tiện”.
Kẻ đánh mất mình luôn luôn luồn lọt, bợ đỡ người có thế lực để hòng ngoi lên một địa vị, để có được một chức danh nào đó. Cái địa vị, chức danh ấy là của đi xin, là cái vay mượn. Thường thường, để đạt được cái mình cần, họ phải trả bằng tiền hoặc phải trả bằng bán rẻ nhân cách, bán rẻ lương tâm. Nhận được công danh, họ tự đắc, đó là điều nguy hiểm nhất, bởi họ không còn chút liêm sỉ nào nữa.
Thầy Khổng Tử cũng đã từng nói: ―Luồn cúi để mà giàu sang chẳ ng bằng nghèo hèn mà khi khái‖. Thiên hạ chẳng ai khen và ca ngợi kẻ cúi luồn để có địa vị và gọi hắn là kẻ tiểu nhân, kẻ bất tài, kẻ cơ hội. Ích Trí Thư có câu: “Ngọc trắng dù rớt xuống bùn nhơ cũng không bị thấm màu sắc xấu. Quân tử ở đất ô trọc lòng cũng không nhiễm loạn. Cho nên tùng bách có thể chịu được tuyết sương, trí tuệ sáng suốt có thể vượt qua được gian nguy”. Người quân tử luôn luôn là chính họ, luôn luôn giữ vững cái Tôi của mình. Trong Kinh Thánh cũng có câu “I am I am” (Ta là Ta). Con người luôn là chính họ ấy mới là người được tin cậy.
Đạo Phật chủ trương sống nghĩa tình và hướng thiện.Nghĩa tình thể hiện tập trung ở chữ Hiếu. Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu” . Làm người, phải hiếu với cha mẹ, với tổ tiên trước đã. Cái gốc của chữ hiếu là lòng biết ơn. Trong gia đình mà không biết ơn công sinh thành của cha mẹ, trong dòng tộc mà không biết ơn Tổ tiên thì ra ngoài xã hội sẽ không biết ơn dân tộc đã sinh ra gia đình và họ mạc của mình.
Với người làm cách mạng giải phóng dân tộc, nội dung chữ hiếu được mở rộng: Hiếu với nhân dân. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, phải Trung với nước, Hiếu với dân.
Chữ hiếu là động lực để người cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hiếu là một giá trị đạo đức được dân Việt Nam coi trọng. Dân ta lên án những kẻ vô ơn với người có công đức, bất hiếu với cha mẹ, vô trách nhiệm trước nhân dân. Nhiều vụ việc đã xảy ra trong xã hội như con cái không phụng dưỡng cha mẹ già yếu, lảng tránh nghĩa vụ làm con trong gia đình, thiếu tình thương với ông bà…, đó là tội bất hiếu.
Tội bất hiếu lớn nhất trong xã hội ta hiện nay là xa rời dân, vô cảm với người dân nghèo khổ, móc túi người dân để làm giàu, ăn cắp của công, lấn chiếm đất đai, ức hiếp người dân vì quyền lợi ích kỷ của mình. Trong khi có cả triệu người dân chưa kiếm nổi c ho mình một đô la trong ngày, có cả triệu nông dân chỉ sống nhờ vào một mét vuông đất trồng trọt để sống mỗi ngày thì không ít “ông quan cách mạng” có nhiều biệt thự, có tiền trăm nghìn tỷ gửi ngân hàng, có hàng hecta đất làm trang trại. Những ông quan này có nói xót thương người dân nghèo khổ bằng những từ hoa mỹ thì dân ta vẫn liệt họ vào tội bất hiếu.
Phật lại dạy rằng, “Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết”. Hiểu biết để thực hành được đạo làm người và hiểu được lẽ trời mà sống cho đúng đắn. Sống trong xã hội, mỗi người có rất nhiều mối quan hệ và mỗi quan hệ lại đòi hỏi con phải hiểu biết rõ mình phải ứng xử như thế nào. Sinh ra trong gia đình, con người phải nắm được đạo làm con. Lớn lên, theo học thầy giáo phải biết đạo làm trò. Lập gia đình, con người phải thực hiện đạo vợ chồng. Đối với nhà nước, con người phải biết tuân thủ đạo làm dân. Nắm được các quan hệ xã hội, các quy luật của trời đất, con người mới sống tự do.
Phật dạy rằng, người đào kênh dẫn nước vào ruộng, người bắn cung làm chủ cái tên, người thợ mộc làm chủ tấm gỗ , người khôn ngoan quy phục bản thân mình. Trước hết, con người phải hiểu bản thân mình, cai quản bản thân mình, không cho bản thân mình làm điều ác, điều xấu. Đã là người thông thái thì phải biết điều khiển sự s uy nghĩ. Người bắn cung không làm chủ được cây cung thì mũi tên không bao giờ trúng đích. Người không điều khiển được bản thân thì những hành vi, hành động của anh ta khó mang lại điều tốt lành. Vì vậy, Phật khuyên chúng sinh phải làm điều hay, còn nếu chỉ nói hay mà không làm theo điều mình nói thì hoàn toàn vô bổ, thì chẳng khác gì bó hoa đẹp mà không có hương thơm.
Đi trong thiên hạ, nếu không gặp được người tốt hơn mình thì hãy tự bồi dưỡng lấy mình, chứ đừng kết bạn với kẻ ngu xuẩn. Từ quan niệm này, Phật nói rằng ―Tôi gọi người khôn ngoan (thông thái) không phải vì hiểu biết, vì truyền thuyết, vì uyên bác; tôi gọi người khôn ngoan là người sống không buồn chán, không bị ràng buộc vào khát vọng, tự khép mình lại trong sự suy nghĩ cô tịch‖ . Đã là người hiểu biết thì đừng bao giờ phóng đại tội lỗi của người khác, còn giấu tội của mình đi thì giống như kẻ cờ bạc chơi gian lận vậy.
Phật cho rằng, “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ” . Con người phải biết quý tài sản đó - sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần (trí tuệ). Chỉ có kẻ kém hiểu biết, kẻ ngu xuẩn mới làm mất cái tài sản quý giá đó.
Phật cho rằng, có trí tuệ thì dục vọng không thể lọt vào được. Một khi trí tuệ kém phát triển, dục vọng sẽ làm cho con người có những hành động xấu, giống như mưa rơi vào nhà có mái thủng. Một kẻ nào đó thấy việc thiện mà không vội làm thì trí tuệ của hắn sẽ tìm thấy sự thỏa mãn trong cái ác. Cái ác có thể từng ngày, từng giờ đến với con người. Giống như một bình nước, cứ từng giọt, từng giọt đổ vào, đến một lúc bình sẽ tràn nước, kẻ ngu xuẩn từng ngày, từng giờ làm những việc ác nhỏ, sẽ có ngày nó làm cái ác lớn. Do vậy, người có trí tuệ là người sống từ bi và tự biết ngẫm nghĩ sâu sắc về những việc thiện phải làm.
Theo quan điểm triết học của nhà Phật, cái tất yếu trong đời sống là cái đẹp, cái thiện. Làm điều ác là không đúng quy luật của lẽ trời. Làm theo lẽ trời là hướng vào cái đẹp.
Một hôm, Ananda - môn đệ của Phật - nói với Phật rằng: “Thưa thầy, con hiểu rằng, sự tìm kiếm cái đẹp, sự hướng tới cái đẹp, sự hòa làm một với cái đẹp tạo thành một nửa đời sống tinh thần của chúng ta”.
Phật đáp: “Ananda đừng nói như vậy. Đó không phải là một nửa, mà là toàn đời sống tinh thần của chúng ta”.
Theo quan điểm của Phật, sinh ra trên đời này, sống với những người khác, và nếu lấy lượng từ bi mà ứng xử, thì suốt đời chúng ta cảm thấy mình mắc nợ. Do vậy, Phật dạy rằng, “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”. Bản chất sâu xa của món nợ cuộc đời chính là phải thể hiện với người này lòng biết ơn, với người kia là sự yêu thương, với người khác là sự kính trọng, với người khác nữa là mối thiện cảm… Tình yêu cha mẹ, tình thương con cháu, tình nghĩa vợ chồng, sự xót thương người nghèo khổ, sự đau đớn trước những bất hạnh của người thân, lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu dân tộc và nhân loại… là những gì con người phải có hành động để đáp lại, để sẻ chia, để nhớ mãi… Để trả nợ cuộc đời, con người phải luôn nỗ lực không ngừng khi thực hiện những vai trò khác nhau từng ngày, từng năm, cho đến hết cuộc đời.
Phật yêu cầu con người khi sống không được dối trá mà phải nói rõ sự thật, không được giận dữ mà phải điềm tĩnh, không được tham lam để sống vô tư, sống trong sạch với tâm trí sáng suốt. Làm như vậy thì từng bước sẽ tiến gần tới Thượng đế.
Để sống trong sạch và lương thiện, cần xóa bỏ dục vọng bởi dù trời có đổ cơn mưa vàng cực kỳ mạnh mẽ thì cũng không thể thỏa mãn con khát vàng của kẻ tham; cần xóa bỏ hận thù bởi chưa bao giờ chấm dứt được hận thù này bằng hận thù khác, chỉ vắng bóng sự hận thù thì mới xóa hết hận thù. Đó là pháp ngàn đời.
Nền giáo dục của chúng ta có nhiệm vụ giúp cho học sinh, sinh viên nắm được những giá trị cốt lõi để làm người. Ở thời đại chúng ta, đó là những giá trị về đạo đức của con người đang tiến đến một kỷ nguyên mới: Con người lao động sáng tạo cho một xã hội tri thức, phát triển một nền kinh tế tri thức trong một thế giới hòa bình, dân chủ và hội nhập quốc tế . Cái thế giới hiện đại ấy lại phù hợp với những giá trị của giáo lý Phật giáo. Đó là:
- Yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do, bình đẳng, bác ái, chống chiến tranh; xây dựng một thế giới chung sống thân thiện, hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững; tôn trọng tính đa dạng của loài người, tính đa dạng của nền văn hóa trên hành tinh xanh của chúng ta.
- Yêu thương con người, con người đối với con người trong tình đồng loại, khoan dung và thông cảm. Chống mọi hành vi và hành động cường quyền, bóc lột. Cứu giúp những người nghèo khổ, tàn tật, ốm đau, rủi ro trong cuộc sống. Lên án những kẻ khủng bố, bạo lực, phá hoại đời sống yên bình của nhân dân.
- Bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng của thế giới động vật và thực vật, xây dựng ý thức bảo vệ sự cân bằng sinh thái, cùng nhau phát triển những tài nguyên thiên nhiên, chống mọi hành động khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất và trong đại dương.
- Mỗi con người phải có ý thức học tập, vươn lên đạt tới trình độ phát triển trí tuệ để làm chủ bản thân mình, xây dựng cho mình một kho tàng tri thức phong phú, mỗi người phải hướng tới sự thông tuệ để dân tộc mình là dân tộc thông thái, để thế giới có được một xã hội minh triết trong tương lai.
“Tự mình hãy là ngọn đèn của mình”
(Thích Ca Mâu Ni)
Khai bút ngày mồng Một Tết Nhâm Thìn