PHẬT HỌC VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI:
XÂY DỰNG CHUYÊN NGÀNH QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI PHẬT GIÁO[1]
Thích Thanh Tâm[2]
Tóm tắt:
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, - với sự tham gia của 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, các cao tăng thuộc nhiều trường phái Phật giáo truyền thống trên toàn thế giới - đã gợi nên định hướng giáo dục cấp Đại học Phật giáo trong thời đại mới, phù hợp với hướng nghiên cứu và đào tạo phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Ngày nay, triết lý vận hành ngầm của nền giáo dục tập trung đào tạo con người công cụ cần phải chuyển sang đào tạo những con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống. Vì thế, giáo dục cần hướng đến rèn luyện năng lực con người trên cả ba khía cạnh: kiến thức và kỹ năng cơ bản, kỹ năng tư duy khoa học, kỹ năng sống và nhân cách đạo đức mới có thể đối mặt và thành công trong thời đại mới. Cho nên, bài viết này đề cập đến đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo cấp đại học Quan hệ đối ngoại Phật giáo nhằm tạo nên lực lượng nhân sự ngoại giao, đáp ứng nhu cầu hiện tại, trang bị kiến thức chuyên ngành đẩy mạnh nghiên cứu phát triển Phật giáo mang tính quốc tế, hướng đến trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Từ khóa: Giáo dục Phật giáo thời hiện đại, hội nhập quốc tế, chính sách thay đổi tư duy tôn giáo, quan hệ đối ngoại Phật giáo.
A/Mở đầu:
Phật giáo Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trên trường quốc tế khi tổ chức thành công Vesak Liên hợp quốc 2019, đồng thời ra Tuyên bố Hà Nam nêu lên thông điệp hòa bình, xây dựng xã hội bền vững dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp. Vì thế, khái niệm “Phật giáo nhập thế” ngày nay là nêu cao cam kết đảm nhận vai trò tích cực nhằm chia sẻ trách nhiệm, ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển bền vững hướng đến các hoạt động toàn cầu, tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Nhằm hiện thực hóa vấn đề, cần nhìn lại để thấy tính cấp thiết nguồn nhân lực đối ngoại Phật giáo có thể tham gia thật sự vào vai trò này phải có chuyên môn, trình độ và sự hiểu thấu vấn đề quốc tế. Do vậy, đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo cấp đại học Quan hệ đối ngoại Phật giáo tại bốn học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và Cần Thơ là để cung ứng nguồn nhân lực đối ngoại cho Ban Phật giáo quốc tế trung ương, Ban Phật giáo quốc tế các tỉnh thành phố, Ban đối ngoại, hợp tác quốc tế của các Học viện Phật giáo trong việc ký kết hợp tác, trao đổi học thuật và trao đổi sinh viên và chương trình đào tạo v.v.
B/Nội dung
1. Chính sách đổi mới tư duy tôn giáo trong bối cảnh hội nhập
Việt Nam là một trong những quốc gia ở Châu Á có sự phục hồi tôn giáo mạnh mẽ, đặc biệt là sau giai đoạn đổi mới đường lối chính sách tôn giáo từ cuối năm 1990. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Phật giáo Việt Nam có sự chuyển mình về các phương diện như: gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở tự viện và cơ sở đào tạo; gia tăng các hoạt động hoằng dương đạo pháp; và đặc biệt là gia tăng các hoạt động đối ngoại.
Những năm gần đây, hoạt động đối ngoại của Phật giáo Việt Nam thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước với Giáo hội. Điều này nằm trong sự đổi mới về nhận thức, đường lối và chính sách tôn giáo, những nỗ lực về phương diện luật pháp tôn giáo trong khung cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khoá VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức. Nghị quyết này có hai luận điểm đáng chú ý là “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới.”[3]
Hai luận điểm trên đã tạo nên sự đột phá nhận thức; không thể nhìn tôn giáo qua mệnh đề của Mác đã bị cắt xén và phiến diện “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, mà phải nhìn nhận tôn giáo như một “thực tại xã hội” và là nhu cầu của một bộ phận quần chúng. Riêng luận điểm văn hóa tôn giáo đã khơi dậy những suy nghĩ, hành động tích cực của quần chúng, bởi khi các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo được đặt trong khuôn khổ văn hóa dân tộc, một mặt thừa nhận sự đa dạng của văn hóa, mặt khác tạo ra thêm một con đường đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Khai thác tốt các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo thuận lợi hơn trong quá trình tìm về dân tộc.
“Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương – giáo và các tôn giáo khác. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.[4]
Như vậy, đổi mới tư duy về tôn giáo là thừa nhận tôn giáo như một thực tại xã hội, đồng hành với dân tộc và “phải tạo cho tôn giáo khả năng và quyền hạn pháp lý nhân sự tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước thỏa mãn nhu cầu của đời sống tôn giáo.”[5] Vì thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, mọi tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành “tôn giáo xã hội”, thích ứng và hội nhập xã hội ngày càng cao và đang có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên mọi phương diện. Do đó, cần khắc phục lối nhìn tôn giáo “kiểu thế kỷ XIX đầu XX” trong đó thường đồng nhất tôn giáo và chính trị, mà tư duy về tôn giáo hiện nay mở rộng hơn, hướng đến những phương diện nhân văn, văn hóa và tâm linh của con người như một sự trở lại của tâm thức tôn giáo.
2. Mục tiêu đối ngoại và vị trí Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy hội nhập quốc tế
Như vậy, trên nền tảng chính sách đổi mới tư duy tôn giáo trên, Phật giáo Việt Nam – như một thực thể xã hội - đã đề ra mục tiêu đối ngoại: “Mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về các truyền thống văn hoá, hoằng pháp, giáo dục, tu tập tâm linh, v.v... giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước trên thế giới. Đồng thời, tạo mối quan hệ thân hữu giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước, giữa các Phật tử trong và ngoài nước. Tham dự các diễn đàn, hội thảo, hội nghị Phật giáo trên thế giới, đón các phái đoàn Phật giáo thế giới viếng thăm Phật giáo Việt Nam. Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo các chuyên đề Phật giáo, trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức, truyền thống văn hóa Phật giáo của các nước trên thế giới và cập nhật hóa tình hình thực tế nhằm đem đến hiệu qủa thiết thực trong công tác hoạt động ngoại giao.”[6]
Cho nên, trước bối cảnh toàn cầu hóa, từ mục tiêu đối ngoại trên, ngay từ khi mới thành lập, Phật giáo Việt Nam đã phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, hội nhập môi trường quốc tế. Tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhằm mục đích đoàn kết, hữu nghị hợp tác với cộng đồng Phật giáo các nước trong khu vực và quốc tế vì hòa bình, tham gia các hoạt động hướng tới lợi ích mang tính toàn cầu.
Là thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo thế giới[7] từ năm 1950 tại thủ đô Columbo, Srilanka, Phật giáo Việt Nam đã chủ động tăng cường mở rộng mối quan hệ, liên kết thân hữu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm tu tập với các truyền thống hệ phái Phật giáo và Tăng, ni, Phật tử các nước trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Phật giáo Việt Nam đã đón tiếp các Giáo hội, các hệ phái và tổ chức Phật giáo quốc tế đến thăm Việt Nam như: Phái đoàn giáo hội tăng già đại chúng vua sãi Tép Vong của Campuchia, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Liên minh Phật giáo Lào, phái đoàn Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới World Buddhist Summit Nhật Bản, phái đoàn Hội quán đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn tăng thống Phật giáo Myanmar, Phật giáo Bhutan, phái đoàn Phật giáo Kim cang thừa Ấn Độ, v.v.
Tiếp đón các phái đoàn Bộ trưởng Bộ lễ nghi, tôn giáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia, phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, phái đoàn Viện nghiên cứu tôn giáo toàn cầu Hoa Kỳ, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hilary Clinton, Ủy ban nhân quyền hạ viện Mỹ, các phái đoàn, các đại sứ quán và tổ chức ngoại giao tại Hà Nội, v.v. Cũng như cử các đoàn đại diện Giáo hội đi thăm hữu nghị, tham dự hội thảo quốc tế và lễ hội văn hóa Phật giáo tại các nước, vùng lãnh thổ: Thái Lan, Trung Quốc, Mông Cổ, Liên bang Nga, Đức, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ý, Canada, Srilanka, Hà Lan, Đài Loan, Hàn Quốc,…
Trong những năm qua Tăng Ni Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập nghiên cứu tại: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ, Srilanka, Thái Lan,… đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về nước đảm đương các công tác Phật sự. Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc,[8] được tổ chức tại Việt Nam năm 2008, 2014 và 2019 thành công, thể hiện năng lực hội nhập, đối ngoại tích cực của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam cũng là thành viên tích cực của diễn đàn hội nghị đối thoại tôn giáo thế giới, đối thoại tôn giáo Á-Âu tổ chức tại Liên hợp quốc, Mỹ, Indonesia, Philipine, Singapore, Trung Quốc, Hà Lan, Úc, Tây ban nha; thăm gia diễn đàn Phật giáo Châu Á vì hòa bình tại Mông Cổ[9]; tham gia vào các khóa đào tạo quốc tế tại Indonesia về đối thoại tôn giáo nhằm tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị, an ninh xã hội và hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, trong những năm qua Phật giáo Việt Nam cũng chú trọng việc chăm lo tới đời sống tâm linh, văn hóa của bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động ở các nước. Đã tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp thăm viếng, thuyết giảng Phật pháp cho đồng bào Việt kiều, thành lập các Hội Phật tử Việt Nam, Hội những người yêu đạo Phật Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Séc, Ukraina, Liên bang Nga, Hungary, Ba Lan, Đức,… nơi có nhiều đồng bào Việt Nam sinh sống nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ con cháu sinh ra tại các nước và hướng lòng yêu nước của bà con Việt kiều về quê hương, cũng như giới thiệu với bạn bè thế giới về văn hóa, truyền thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Như vậy, với nhận thức đúng đắn, tư duy hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị với các nước về việc hoằng dương chánh pháp, nghiên cứu thẩm thấu giáo lý Đức Phật khế hợp với thời đại phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay của Phật giáo Việt Nam phù hợp với thời đại mở cửa giao lưu văn hóa của Việt Nam. Cho nên, từ chính sách đổi mới tư duy tôn giáo đến mục tiêu đối ngoại và vị trí của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi xây dựng chuyên ngành đào tạo mới để có được nguồn nhân lực phục vụ sứ mệnh đối ngoại Phật giáo trong thời hiện đại. Một lực lượng nhân sự có tâm, có tầm, có kỹ năng, kiến thức lẫn ngôn ngữ để đẩy mạnh hơn nữa vai trò đối ngoại Phật giáo thực hiện sứ mệnh lợi sanh.
3. Đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo Quan hệ đối ngoại Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới
3.1 Ngành Quan hệ đối ngoại Phật giáo là gì?
3.1.1 Thế nào là quan hệ đối ngoại?
Quan hệ đối ngoại là mối quan hệ nhằm hiện thực hóa chính sách đối ngoại của một quốc gia. Đó là “tập hợp các chiến lược mà quốc gia sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên cách lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau phù hợp với lợi ích của quốc gia. Chính sách đối ngoại thường được coi là cánh tay nối dài của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia nói chung, thông qua các con đường như hợp tác, cạnh tranh, xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh.”[10]
Như vậy, vai trò của quan hệ đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi không quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập và sự giao lưu, hợp tác ngày càng được chú trọng. Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều vấn đề đối nội đang có tác động lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia, các chính sách đối nội vì vậy cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đối ngoại và quan hệ ngoại giao của quốc gia này đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như các chính sách về kinh tế, đầu tư, nhập cư, v.v.
3.1.2 Quan hệ đối ngoại Phật giáo là gì?
Phật giáo là một thực thể tôn giáo xã hội nên quan hệ đối ngoại Phật giáo là một ngành nghiên cứu về ngoại giao, về các vấn đề đối ngoại của Phật giáo Việt Nam; quan hệ, hợp tác với các quốc gia, các tổ chức Phật giáo trên thế giới, cũng như quan hệ hợp tác cùng các tổ chức phi chính phủ về những đóng góp của Phật giáo đối với việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại Phật giáo còn quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế bền vững, trao đổi học thuật, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, vấn đề tâm linh, tín ngưỡng trong giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, vấn đề dân chủ, nhân quyền v.v.
3.2 Nội dung đào tạo chuyên ngành Quan hệ đối ngoại Phật giáo
Quan hệ đối ngoại Phật giáo sẽ là ngành học ở cả bậc cử nhân và sau đại học tại các Học viện Phật giáo Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu sau:
Thứ nhất, về mục tiêu nghiên cứu, chuyên ngành nghiên cứu về mối quan hệ đối ngoại của Phật giáo trên các phương diện mang tính quốc tế.
Thứ hai, về mục tiêu đào tạo, chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực hợp tác quan hệ đối ngoại. Đào tạo những người nghiên cứu các vấn đề quan hệ đối ngoại Phật giáo, làm việc trong các Ban ngành của Giáo hội, và các học viện Phật giáo có liên quan đến đối ngoại; làm việc trong các dự án, hội nghị hợp tác với Phật giáo các nước, với các trường Đại học Phật giáo, và cả vai trò nhiệm vụ của một vị trú trì ngày nay, v.v. Cho nên, Tăng Ni sinh viên các Học viện Phật giáo sẽ có thêm cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với mong muốn của bản thân và phù hợp với nhu cầu xã hội trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, về yêu cầu khả năng, người làm trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại Phật giáo cần có khả năng thiết lập các mối quan hệ xã giao, đàm phán, hợp tác quốc tế. Chính vì vậy ngành này yêu cầu các Tăng Ni sinh viên phải có niềm đam mê ngoại ngữ, khả năng hiểu biết liên quan đến văn hóa, xã hội, chính trị, tín ngưỡng, v.v.
Thứ bốn, về kiến thức được cung cấp, Tăng Ni sinh viên theo học sẽ được cung cấp kiến thức, ngoài các môn Phật học chính yếu về cả lý thuyết, thực hành và lý luận, sẽ học thêm các môn như Nhập môn quan hệ đối ngoại Phật giáo, Lịch sử Phật giáo thế giới, Lịch sử quan hệ đối ngoại Phật giáo Việt Nam, Chính sách đối ngoại Phật giáo Việt nam, Tinh thần Phật giáo nhập thế, Phật giáo khu vực học, Văn bản hành chánh, Tổ chức sự kiện, Văn hóa trong quan hệ quốc tế, Các vấn đề toàn cầu, Các tổ chức Phật giáo trên thế giới, các tôn giáo trên thế giới, v.v. Bên cạnh đó, cũng được giới thiệu về những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ đối ngoại; nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam; hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới; kiến thức nền tảng về văn hóa-tôn giáo thế giới; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, kỹ năng và ngoại ngữ luôn được chú trọng, Tăng Ni sinh viên sẽ được trau dồi kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại, thu thập, xử lý thông tin, tổ chức sự kiện; v.v Đồng thời, còn được giao lưu với các tổ chức Phật giáo quốc tế qua các chương trình trao đổi học thuật, qua đó Tăng Ni sinh viên sẽ được mở rộng kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh trong quá trình theo học.
3.3 Chuẩn đầu ra
3.3.1 Kiến thức
Thứ nhất, Tăng Ni Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, lý thuyết chuyên sâu, nắm vững kỹ thuật để giải quyết các công việc; tích luỹ kiến thức nền về các nguyên lý cơ bản trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn, v.v.
Thứ hai, nắm vững nền tảng kiến thức cơ bản về quan hệ đối ngoại Phật giáo, về phương pháp nghiên cứu khoa học để tiếp cận với khối kiến thức chuyên sâu. Nắm kiến thức cơ sở về Việt Nam, về thế giới quan Phật giáo và góc nhìn đối với các vấn đề quốc tế. Hiểu và vận dụng cách quản lý một dự án trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo quốc tế và phát triển.
3.3.2 Kỹ năng
Thứ nhất, có kỹ năng hoàn thành công việc đòi hỏi vận dụng lý thuyết và thực tiễn của ngành trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin; tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng thành tựu về khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề; dẫn dắt chuyên môn để xử lý. Biết xác định vấn đề, sự kiện, hiện tượng cần nghiên cứu; đưa ra câu hỏi, đặt giả thuyết; dựng khung lý thuyết, xác định và vận dụng các phương pháp nghiên cứu; xây dựng đề cương, xử lý và phân tích dữ liệu; kiểm định giả thuyết, trả lời câu hỏi và trình bày kết quả.
Thứ hai, có khả năng tổ chức quản lí công tác đối ngoại; tư duy theo hệ thống; xác định vấn đề ưu tiên trong công tác; biết phân tích, lựa chọn và tìm ra phương án; biết xây dựng các giải pháp, khuyến nghị để giải quyết vấn đề. Chủ động tham gia nhóm học tập, nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động xã hội; biết cách phát huy vai trò của nhóm trong các hoạt động của cộng đồng; nắm vững phương pháp giảng dạy và thuyết trình các vấn đề khoa học; tổ chức xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo ở các cấp độ khác nhau liên quan đến ngành, chuyên ngành.
Thứ ba, biết cách thuyết trình; giao tiếp liên cá nhân trực tiếp, xử lý các mối quan hệ trong một nhóm hoặc nhiều nhóm cộng tác công việc; có kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành đủ để học tập và nghiên cứu chuyên ngành. Biết cách xử lý các văn bản thông qua việc nắm vững và giải quyết được nhiệm vụ của các loại hình văn bản; biết cách sử dụng các thiết bị văn phòng và một số thiết bị kỹ thuật công nghệ khác.
3.3.3 Phẩm chất đạo đức
Thứ nhất, xác định rõ con đường lý tưởng phụng sự, lấy Giới luật, giáo Pháp làm kim chỉ nam, làm nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Học tập, nghiên cứu, noi theo chư Tổ. Giữ niềm tin bất hoại đối với Tam Bảo, phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng hoằng Pháp lợi sanh, báo Phật ân đức. Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nâng cao ý thức trách nhiệm của Tăng Ni sinh viên trước những trọng trách đối với tăng đoàn, nhiệm vụ của một công dân đối với đất nước.
Thứ hai, có phong cách và lối sống hướng thượng, dám dấn thân vì Phật sự chung; nêu cao tinh thần tập thể, hy sinh cho lý tưởng cao cả, hiên ngang trước bạo quyền, giữ gìn khí tiết trượng phu của người xuất gia, không quỳ gối trước những hư dối của bả lợi danh. Có tinh thần yêu nước, giữ gìn văn hóa tâm linh, bảo vệ Đạo Pháp và Dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiệp như nước với sữa.
Thứ ba, tự tin, linh hoạt, dám đương đầu với ma quân, tà đạo; tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức; nhiệt tình, say mê sáng tạo; có tinh thần tự tôn, hiểu biết văn hóa; có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh và điều kiện, môi trường làm việc, can đảm, quyết tâm hành động bất chấp hoàn cảnh không thuận lợi; luôn có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực và có khát vọng vươn lên. Tác phong chuyên nghiệp, chủ động, đúng dắn của người Tăng sĩ; có chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội; sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước.
3.3.4 Những công việc sau khi tốt nghiệp
Nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề đối ngoại tại các Học viện Phật giáo, giảng viên thỉnh giảng chuyên đề cho các Trường, khoa và các viện; làm công tác đối ngoại tại các Ban viện Phật giáo ở trung ương và địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí Phật giáo; làm việc trong các tổ chức Phật giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, và Tăng Ni sinh viên có thể tham gia học tập bậc sau đại học đúng chuyên ngành Quan hệ đối ngoại Phật giáo hoặc các ngành gần tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
C/ Kết luận
Như vậy, một nền giáo dục toàn diện tạo nên chất lượng giáo dục đáp ứng được nhu cầu phát triển cần tư duy và cách làm giáo dục phải theo kịp thời đại. Do sự phát triển của khoa học và công nghệ nên sứ mạng giáo dục phải trang bị đầy kiến thức để Tăng Ni sinh viên có đủ khả năng làm việc, vận dụng những kiến thức để giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Vì thế, chất lượng giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu đào tạo con người và nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại mới. Sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin làm cho thế giới ngày một “phẳng ra”, con người có điều kiện hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Cho nên, hội nhập quốc tế đang diễn ra trên nhiều lãnh vực, Phật giáo Việt Nam cần có chuyên ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập theo sự phát triển. Vì vậy, ngành này sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quan hệ đối ngoại Phật giáo; cung cấp cho sinh viên bức tranh tổng quát về Phật giáo thế giới và các vấn đề về các tổ chức Phật giáo quốc tế trên nền tảng các kiến thức cơ sở về Phật giáo Việt Nam. Với kiến thức đa và liên ngành, Tăng Ni sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội cống hiến cho các Ban ngành đối ngoại Phật giáo từ trung ương đến địa phương hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.
Thiển nghĩ, đây là một lối đi mới theo nhu cầu thực tế của Giáo hội trong các công tác đối ngoại, cũng như theo nhịp tiến về học thuật của thế giới đòi hỏi nền giáo dục Phật giáo cần trang bị để trao đổi học thuật mang tầm quốc tế mà chúng ta không bị thiếu thốn nhân lực khi tham gia vào môi trường quốc tế này. Việc này cần thiết và nghiêm túc thực hiện hay không, tùy thuộc vào tầm nhìn cũng như định hướng lãnh đạo của chư Tôn túc có thẩm quyền./.
Thiệu Long Tam bảo, Vesak 5/2019
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thanh Bình, Đỗ Thanh Hải chủ biên (2012), Tôn giáo và quan hệ quốc tế, nhà xuất bản Chính trị quốc gia
2. Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM.
3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2014), Quan hệ công chúng Lý luận và Thực tiễn, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội
4. Hoàng Khắc Nam (2017), Hợp tác và hội nhập quốc tế: Lý luận và Thực tiễn, Nhà xuất bản Thế giới.
5. Thích Thanh Tâm (2019), “Hoằng Pháp hải ngoại: kênh ngoại giao văn hóa Tâm linh”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Hoằng Pháp hải ngoại “Sứ mệnh hoằng Pháp trong xu hướng toàn cầu hóa”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tr.104-108.
6. Thích Thanh Tâm (2019), Ngoại giao văn hóa qua đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam, bản thảo.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội.
8. Quách Đình Liên, Cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay để có giải pháp phù hợp cho đổi mới căn bản và toàn diện cho nền giáo dục nước nhà, http://pou.edu.vn/phongkh-htdn/news/can-danh-gia-dung-thuc-trang-hien-nay-de-co-giai-phap-thich-hop-cho-doi-moi-can-ban-va-toan-dien-nen-giao-duc-nuoc-nha.256
9. Thích Thiện Nhơn, Brahmapundit, Thích Đức Thiện (2019), Toàn văn Tuyên bố Hà Nam 2019, https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiao vietnam/2019/05/14/5AF4C9/
10. Bộ ngoại giao Việt Nam, Tín ngưỡng tôn giáo, https://web.archive.org/web/20181112092328/http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/tt_vietnam/nr050324092159/
11. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Phật giáo quốc tế trung ương, http://vinhnghiem.de/news/index.php?nv=news&op=Dieu-le/Noi-qui-Ban-Phat-giao-quoc-te-Trung-uong-227
12. Đỗ Quang Hưng, Từ sự đổi mới nhận thức đến sự đổi mới về Chính sách Tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1081/Tu_su_ doi_moi_nhan_thuc_den_su_doi_moi_ve_Chinh_sach_Ton_giao
13. Phạm Gia Khiêm, Ngoại giao Việt Nam hiện đại: 64 năm hình thành và phát triển, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-viet-nam-hien-dai-64-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-1833.html
14. Thái Văn Long, Truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/ quoc-te/item/2382-truyen-thong-va-hien-dai-dan-toc-va-quoc-te-trong-duong-loi-doi-ngoai-thoi-ky-doi-moi.html
15. Thu Thảo, Vesak 2019: Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế - Vì hòa bình bền vững, https://vov.vn/xa-hoi/vesak-2019-phat-giao-viet-nam-trong-hoi-nhap-quoc-te-vi-hoa-binh-ben-vung-908218.vov
16. Bách Thiện, Hoạt động hội nhập Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/243/0/3089/Hoat_dong_ hoi_nhap_Quoc_te_cua_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam
[1] Tham luận được trình bày tại Hội thảo học thuật kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo tại tp. HCM, ngày 7/12/2019
[2] Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Ủy viên Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN
[3] Đỗ Quang Hưng, Từ sự đổi mới nhận thức đến sự đổi mới về Chính sách Tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1081/Tu_su_doi_moi_nhan_thuc_den_su_doi_moi_ve_Chinh_sach_Ton_giao
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội.
[5] Đỗ Quang Hưng, Từ sự đổi mới nhận thức đến sự đổi mới về Chính sách Tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1081/Tu_su_doi_moi_nhan_thuc_den_su_doi_moi_ve_Chinh_sach_Ton_giao
[6] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Phật giáo quốc tế trung ương, http://vinhnghiem.de/news/index.php?nv=news&op=Dieu-le/Noi-qui-Ban-Phat-giao-quoc-te-Trung-uong-227
[7] Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists, WFB) được thành lập và hội nghị lần đầu tiên tổ chức vào ngày 25/5/1950 vào dịp Phật Đản tại chùa Xá lợi Răng Phật, thành phố Kandy Sri Lanka. Gồm 129 đại biểu đại diện cho 29 quốc gia, trong đó có Hòa thượng Thích Tố Liên - trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam.
WFB với 5 chủ trương như sau: 1. Khuyến khích hội viên học và tu theo lời Phật dạy; 2. Siết chặt tình hữu nghị, đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia Phật giáo; 3. Đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý mầu nhiệm của đức Phật; 4. Tổ chức và đưa các hoạt động phật sự vào các lĩnh vực như xã hội, giáo dục, văn hóa; 5. Mang lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc đến hành tinh này và sẵn sàng liên kết với những tổ chức khác có cùng đường hướng.
Năm 1952, Hòa thượng Thích Tố Liên được bầu làm phó Chủ tịch WFB. Năm 1970, WFB được UNESCO thừa nhận là tổ chức phi chính phủ. Từ đó Hội là thành viên thường trực trong ban cố vấn cho UNESCO trong vấn đề giáo dục, văn hóa, xã hội theo quan điểm của Phật giáo.
[8] Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự, ngày 15/12/1999 đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc, tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật.
[9] Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình được thành lập ngày 14/7/1969 tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ. Phật giáo Việt Nam với sự dẫn đầu của cố HT.Thích Tâm Anh và cố HT.Thích Danh Hảo - là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này. Diễn đàn là một trong số ít các tổ chức tôn giáo đã đăng ký với Liên Hiệp Quốc về các hoạt động kinh tế và xã hội của tổ chức này.
[10] Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM.