Tìm vùng trời bình an cho tuổi nhỏ

20/01/201910:13 SA(Xem: 5302)
Tìm vùng trời bình an cho tuổi nhỏ

TÌM VÙNG TRỜI BÌNH AN CHO TUỔI NHỎ

Nguyên Cẩn

 

231 cai tat taiNỗi đau và vết sẹo của nền giáo dục

Chưa bao giờ trong lịch sử, ngành giáo dục lại xảy ra nhiều chuyện buồn và đau lòng như hiện nay dù đã hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước. Sau những lùm xùm năm ngoái hay đầu năm nay về chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ, hay cô giáo bắt học sinh uống nước lau bảng, liếm ghế, thì năm nay lại xuất hiện những cái tát. Không phải một mà hàng trăm, (có thể hàng ngàn?) cái tát.

 

Câu chuyện vỡ lở từ Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) khi cô N.T.P.T bắt học sinh tát bạn mình đến 231 cái chỉ vì em chửi thề. Sự việc đang ồn ào chưa xử xong thì lại đến Trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội khi một cô giáo xử phạt học sinh bằng cách cho bạn cùng lớp tát 50 cái. Sau khi bị tát 20 cái, em P. khóc lên vì quá đau thì cô giáo chủ nhiệm mới cho dừng. Phụ huynh của em học sinh bị tát cho biết: “Về nhà, cháu đã tỏ ra vô cùng sợ hãi khi kể lại sự việc. Cháu còn nói sẽ không đi học nữa. Tôi không thể chấp nhận được việc này, cô giáo không được phép phạt học sinh như vậy”. Hiệu trưởng trường Duy Ninh thì giải thích rằng vì sức ép thi đua nên cô giáo làm quá tay và thậm chí còn tiến hành một cuộc tra vấn học sinh bằng 19 câu hỏi để khẳng định trường không sai (!).

 

Cùng lúc hai vụ việc khác cũng gây chấn động không kém là việc một gã bảo vệ hiếp dâm một (hay nhiều) nữ học sinh cấp 1 suốt hai năm tại Dak-Nông. Rồi đến hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại tình dục nhiều nam sinh.

 

Khung trời giáo dục hoa mộng ngày nào trong sách vở bỗng dưng hiện ra nhếch nhác, nhơ nhuốc đến thảm hại. Vì ở đó đã xuất hiện bóng dáng bạo lực, khi để học sinh “tát” nhau, chả khác nào đấu tố; đã có tội ác ghê tởm do những kẻ “khả kính” khoác áo lương sư thực hiện với các em. Đặc biệt là những hành vi này vẫn diễn ra dù Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em vào năm 2016 với những quy định về xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ mặc trẻ em, cũng như những hành vi bị nghiêm cấm.

 

Phương pháp nào dạy trẻ nên người?

 

Bỏ qua một bên chuyện “ấu dâm” vì nó thuộc lãnh vực tội hình sự, chỉ nói riêng về việc dùng nhục hình để phạt. Theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam, tác giả của bộ sách Dạy con trong hoang mang, thì “… Bạo hành trẻ em trong nhà trường chắc chắn có một phần xuất phát từ nhận thức ảnh hưởng bởi văn hóa của người Việt Nam. Tập quán giáo dục với hình ảnh ông đồ có chiếc roi mây dài trong lớp đã ăn sâu vào tâm thức của học sinh nhiều thế hệ từ xưa đến nay. ‘Thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi’ hay ‘Đòn đau, nhớ lâu’ là những câu trẻ em Việt Nam nghe từ cha mẹ lẫn thầy cô. Một số cha mẹ thậm chí còn khuyến khích thầy cô đánh con mình để dạy chúng nên người”.

 

Theo định nghĩa của Giáo sư Murray Straus, Đại học New Hampshire, Mỹ, “nhục hình” (corporal punishment) là việc áp dụngchủ đích loại hình phạt gây ra những đau đớn cho thể xác như một phương pháp để thay đổi hành vi. Trong môi trường học đường, người lớn gồm ban giám hiệu, giáo viên, hay giám thị sử dụng hình phạt thể xác như đánh đập học sinh; bắt các em phải giữ nguyên vị trí trong thời gian dài như quỳ gối; hay bắt trẻ không được thực hiện nhu cầu tự nhiên của thể xác như nhịn tiểu.

 

Một báo cáo của Elizabeth T. Gershoff , Đại học Texas và Sarah A. Font, Đại học Pennsylvania cho biết, ở Mỹ còn 19 tiểu bang (chủ yếu ở miền Nam, Tây nam và Trung nam) tiếp tục duy trì nhục hình với học sinh, từ nhà trẻ đến lớp 12, tại trường công. Vì tính chất tự trị và tản quyền của hệ thống giáo dục Mỹ, việc sử dụng nhục hình trong kỷ luật đáng tiếc vẫn được xem là hợp pháp khi cha mẹ và các nhà giáo dục tại một địa phương chấp nhậncho phép bằng lá phiếu của mình. Tuy nhiên, bà cũng công bố kết quả cho thấy nhục hình chỉ làm cho trẻ chấm dứt hành động mà người lớn không muốn ngay lúc đó. Không những chẳng đạt được mục đích, “… nhục hình trong kỷ luật còn làm tăng sự hiếu chiến, hành vi phản xã hội, thậm chí một số chứng rối loạn tâm thần của trẻ”1 .

 

Tiến sĩ Murray Straus cho biết nhục hình là trải nghiệm mang tính chấn thương tâm lý của trẻ và trong nhiều trường hợp sẽ làm chúng mất một lượng nhỏ chất xám. Điều này cũng được phát hiện qua nhiều nghiên cứu khác cho thấy trẻ thường xuyên bị đánh sẽ bị giảm chỉ số thông minh (IQ), kể cả thui chột nhiều chức năng trí tuệ khác như khả năng lập kế hoạch hay tư duy trừu tượng.

 

Tuy vậy hệ thống giáo dục Mỹ từ lâu đã nghiên cứu và vận dụng nhiều phương pháp kỷ luật tích cực trong học đường. Theo các chuyên gia tại Đại học Duke thì phương pháp kỷ luật tích cực có thể chia ra ba loại:

 

1. Phương pháp cải thiện văn hóa toàn trường, chủ yếu tập trung việc tập huấn gia tăng kỹ năng chuyên môn của giáo viên và nhân viên nhà trường trong việc phối hợp những phương pháp sư phạm và can thiệp hành vi tích cực, sử dụng chương trình Trường học An toànCảm thông (Safe and Responsive Schools - SRS), một chương trình thay đổi văn hóa ứng xử của mọi thành viên trong học đường.

 

2. Áp dụng những chương trình hướng dẫn giáo viên về kỹ năng quản lý hành vi và kỷ luật học sinh tích cực; chẳng hạn chương trình “Bạn giáo viên của tôi” (My Teaching Partner), nhằm giúp giáo viên nâng cao kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi thiếu niên và những phương pháp ứng xử tương tác hữu hiệu giữa giáo viên và học sinh.

 

3. Hướng tiếp cận thứ ba gồm các chương trình thay đổi cách ứng phó của giáo viên và nhà trường với hành vi kỷ luật của học sinh và đôi khi vận dụng sự hỗ trợ của toàn cộng đồng, đặc biệt chương trình Công chính Phục hồi (Restorative Justice).

 

Theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, “… Chương trình Công chính Phục hồiphương pháp kỷ luật đáng được tham khảoáp dụng tại Việt Nam trong những ca xung đột, xuất phát từ mâu thuẫn giữa học sinh với nhau. Mục đích của chương trình này nhằm giúp những em phạm lỗi chịu trách nhiệm về hành vi của mình, học hỏi từ sai lầm của mình, xin lỗibồi thường cho kẻ bị hại, nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng để thay đổi hành vi, và phục hồi lại mối quan hệ bị tổn thươnghành vi phạm lỗi của trẻ. Có nhiều kỹ thuật sử dụng trong chương trình này, chẳng hạn việc sử dụng hội đồng bồi thẩm đồng đẳng (peer jury), bao gồm một tập thể các học sinh đã trưởng thành về nhân cách và được tập huấn những kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi để quyết định các biện pháp sửa đổi hành vi của người vi phạm”2 .

 

Bước khởi đầu cần thiết cho việc giải quyết vấn đề kỷ luật học sinh phải là một thái độ cảm thônghiểu biết, xem những hành động của học sinh như biểu hiện của sự chưa trưởng thành về mặt tâm sinh lý cần được giải quyết chứ không phải để trừng phạt kẻ phạm lỗi. Về phương diện này, nhà giáo dục Makarenko nổi tiếng của Nga đã từng yêu cầu nhà sư phạm phải có cái nhìn khác với anh công an vì một bên nhìn ai, kể cả người có bề ngoài lương thiện, cũng có thể là kẻ thủ ác; còn một bên nhìn kẻ gây tội cũng vẫn thấy khả năng cải tạo thành người lương thiện nên không có lý do gì mà lại dùng hình phạt “đau đớn” để cải tạo con người vì ai cũng biết lắng nghe và có khả năng thay đổi hướng thiện.

 

Cần một vùng trời bình yên cho tuổi nhỏ

 

Trong một bài viết trước, chúng tôi có đề cập đến “nỗi sợ” trong hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta. Học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ quan chức giáo dục… Mọi người sợ lẫn nhau. Cụ thể hơn, giáo viên sợ mất điểm thi đua của lớp; hiệu trưởng sợ trường không đạt chuẩn… Những nỗi sợ vô hình ấy tạo áp lực khiến con người cuốn vào trong vòng xoáy và cứ thế, nỗi bất ansợ hãi nuôi dưỡng sự tức giận và người ta cảm thấy bình thường khi hành hạ vùi dập những kẻ gây trở ngại, cản bước thi đua, làm mất danh tiếng (dù hão huyền) của nhà trường!.

 

Khi các chủ thể “người lớn” đều không có tự do trong tư duy và hành động vì họ chỉ quan tâm đến những chỉ tiêu, những con số lạnh lùng, vô cảm và con người trở nên tàn nhẫn thì làm sao chúng ta có thể hành động như những con người “làm chủ” quá trình dạy và học mà cứu cánh là dạy trẻ nên người, khi còn đó quá nhiều ràng buộc từ quy chế, quy trình, quy định… Maria Montessori, nhà giáo dục người Ý, đã tuyên bố cách đây 80 năm rằng: “… Ta không nên xem đứa trẻ là một sinh vật yếu đuối và bất lực mà nhu cầu duy nhất là được che chở và giúp đỡ, mà nó còn là một phôi thai tinh thần, có một đời sống tâm thần sống động từ ngày nó mới sinh ra và được hướng dẫn bởi những bản năng tinh tế cho phép nó chủ động xây nên nhân cách con người. Và bởi vì đây là đứa trẻ sẽ trở thành một người lớn, chúng ta phải xem trẻ là người xây dựng đích thực của nhân loạicông nhận nó là cha mẹ của chúng ta… Theo nghĩa này trẻ thơ là thầy của chúng ta.

 

Vì xem đứa trẻ là một tabula rasa hay trang giấy trắng thụ động, không có phương hướng nội tại, người lớn trên thực tế đã cưỡng ép trẻ phải uốn mình theo ý chí của các vị niên trưởng và thích nghi với các điều kiện của thế giới người lớn… Đứa trẻ ngày nay là ‘công dân bị bỏ quên’. Xã hội nay phải chuyển sự chú ý đến đứa trẻ và tạo ra một môi trường thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu cho sự sống của nó và cổ vũ giải phóng tinh thần cho nó.

 

Một sứ mệnh xã hội lớn lao sẽ đảm bảo được nền công lý, sự hòa hợptình thương cho trẻ vẫn phải hoàn thànhnhiệm vụ lớn lao này là công trình của giáo dục, bởi vì đây là phương thức duy nhất để kiến tạo một thế giới mới và mang lại hòa bình”3 .

 

Chúng ta chợt nhớ lời thơ của thi hào Anh William Wordworth “The child is father to the Man” (Rainbow).

 

Trẻ thơ chính là mầm sinh trưởng nên người nên cha ông xưa dạy rằng “Dạy con từ thưở còn thơ” là vậy.

 

Hãy hình dung học sinh như những đứa con của mình. Khi con chúng ta hành xử không thích hợp, thay vì tức giận và hành động lỗ mãng, cộc cằn, chúng ta nên dừng lại và suy ngẫm về những cảm xúc mà con trẻ đang trải qua dẫn đến hành xử không thích hợp đó.

 

Chúng ta cần uốn nắn, điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ của các em chứ bảo các bạn tát con mình là hành vi “gieo mầm cho cái ác”, chỉ gây căm phẫn hận thù giữa các em với nhau và khiến chúng nó nhìn thế giới người lớn như một thế giới độc tài và độc ác!

 

Ngoài ra, nếu xem học sinh như con mình, bạn có muốn làm nó đau không? Ai tát con bạn như thế bạn chịu được không? Ai xâm hại con mình như thế bạn chịu được không? Hỏi tức là trả lờichúng tôi tin cô T. hay gã thầy “biến thái” họ Đinh gì đấy sẽ không để ai chạm vào con của họ!

 

Yêu con, chúng ta không hề muốn chúng đau khổ, và chúng ta luôn muốn trẻ có hạnh phúc. Chúng ta sẽ tìm ra những yếu tố khiến chúng hạnh phúc và sẽ hiểu nguyên nhân những hành xử không đúng mực của trẻ, thấu hiểu nhu cầu để có thể giúp đỡ chúng tốt nhất.

 

Tác giả C.L. Claridge trong tác phẩm Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật (Buddha Heart Parenting) nhắc lại lời Đức Phật đã dạy “Gia đình là nơi tâm trí này sống với tâm trí khác. Nếu chúng yêu thương nhau thì ngôi nhà sẽ đẹp như một vườn hoa. Ngược lại nếu chúng bất hòa thì sẽ như cơn bão tàn phá khu vườn”. Bà cho rằng có rất nhiều sách dạy con nhưng không có cuốn nào dựa trên nguyên lý Phật giáo. Phật giáo suy cho cùng là nhắc chúng ta về quy luật nhân quả. Nếu chúng ta làm điều thiện, kết quả mang lại sẽ tốt đẹp. Đó là một triết lý lạc quan trong đó chúng ta có thể loại trừ hoàn toàn được sự vô minh (thiếu hiểu biết) và từ đó là toàn bộ khổ đau nữa…

 

Khi viết cuốn sách này, bà hiểu rằng cha mẹ ngày nay gặp phải nhiều thách thức mà trước đây họ chưa từng biết tới. Thầy cô hôm nay cũng vậy khi thời đại internet này tưởng rằng khiến mọi người dễ liên lạc với nhau hơn thì ngược lại mối quan hệ tương tác lại thiếu và yếu dần khi người lớn và trẻ nhỏ ai nấy đều chúi mũi trong thế giới “mạng” của riêng mình. Chúng ta ngày càng ít hiểu con mình, cũng như thầy cô thiếu sự thông cảm với học trò; vì con cái hay thế hệ trẻ đang sống trong xã hội thúc đẩy chúng ham muốn ngày càng nhiều và thiếu hẳn sự chia sẻ với cha anh thầy cô, điều này đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm đến mức đáng báo động, nói theo nhà Phật là ô nhiễm cả trong xúc thực lẫn thức thực.

 

Nhưng C.L. Claridge tin rằng khi phát triển lòng từ bi trong mình, chúng ta có thể tạo ra một bầu không khí bình yên, trước hết là trong gia đình, sau đó là cộng đồngcuối cùng là cả thế giới4 (Bà có lạc quan quá không?).

 

Thôi thì cứ tạo ra bầu không khí bình yên trong gia đình và sau đó là học đường giúp con trẻ tìm thấy niềm an lạc nội tại thông qua việc tăng trưởng lòng từ bi và vị tha thì chúng ta sẽ thấy công năng giáo dục vô cùng lớn.

 

Chúng tôi cũng đã từng đề cập đến triết lý nhân quả này trên VHPG, nên chỉ xin nhắc lại đoạn kết bài đã viết “Nếu hôm nay chúng ta gieo những mầm bất thiện thì đừng trách mai kia cuộc sống thiếu vắng những tâm hồnxã hội bỗng hóa khô cằn như hoang mạc với những trái tim đầy toan tính đến lạnh lùng”.

 

Và để cho mầm ấy nảy nở tốt tươi, chúng ta cần những khu vườn được chăm bón và những khung trời bình yên, không bão tố. n Chú thích: 1. Elizabeth T. Gershoff và Sarah A. Font; 2015; Corporal Punishment in U.S. Public Schools: Prevalence, Disparities in Use, and Status in State and Federal Policy. 2. Tóm tắt theo Lê Nguyên Phương; Bạo hành học sinh và những bất an, sợ hãi trong môi trường giáo dục; www.zing.vn, 7-12-2018. 3. Maria Montessori; 1937; Diễn văn khai mạc Hội nghị Montessori lần thứ sáu tại Copenhagen - Giáo dục và Hòa bình; bản Việt dịch Nghiêm Phương Mai; NXB Đà Nẵng; 2018. 4. Dr. C.L. Claridge; 2018; Nuôi dạy con bằng trái tim một vị Phật; Thảo Triều dịch; Nxb Thái Hà

 

Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 312 ngày 1-1-2019

Thư Viện Hoa Sen

Bài đọc thêm:
Cái tát vào nền giáo dục (HT. Thích Giác Toàn)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/01/2015(Xem: 13275)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.