- 1 Dẫn Nhập
- 2. Nền Giáo Dục Phệ-đà
- 3 Giáo Dục Và Văn Hóa
- 4 Chí Tôn Ca (bhagavad Gītā) Và Giáo Dục
- 5 Nền Giáo Dục Sau Thời Kỳ Phệ-đà (1000 Ttl.—200 Ttl.)
- 6 Giáo Dục Và Áo Nghĩa Thư (upaniṣad)
- 7 Nền Giáo Dục Trong Đạo Bà-la-môn
- 8 Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Đạo Phật
- 9 Hệ Thống Giáo Dục Phật Giáo
- 10 Trung Đạo (middle Way) Và Giáo Dục Phật Giáo
- 11 Lý Tưởng Của Người Ấn Độ Trong Giáo Dục
- 12 Người Thầy Lý Tưởng
- 13 Ngôi Trường Lý Tưởng
- 14 Các Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Quan Trọng Trong Thời Cổ Đại
- 15 Hệ Thống Giáo Dục Và Văn Học
NỀN GIÁO DỤC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Education in Ancient India
THÍCH NHUẬN CHÂU
dịch 2021
Thư Viện Hoa Sen
8
Ý NGHĨA GIÁO DỤC
trong
ĐẠO PHẬT
Ý niệm về cái đẹp là trọng tâm của triết học Phật giáo và đạo Phật.
Thiền định trí tuệ sanh,
Bỏ thiền trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã,
Đưa đến thành và hoại.
Hãy tự mình nỗ lực,
Để trí tuệ tăng trưởng. [1]
Pháp cú 282[2]
Lịch sử đạo Phật là lịch sử phát triển tư tưởng các tôn giáo ở Ấn Độ khởi nguyên từ thế kỷ thứ VI và VII ttl. Kỷ nguyên nầy nổi bật là ứng dụng lý trí con người vào trong sự hóa giải những vấn đề lớn như sống và chết, về bản chất và đối tượng của vũ trụ và sự tìm kiếm nguyên nhân tối hậu để giải thích điều bí ẩn của cuộc sống.
Đạo Phật vốn được nhận thức và truyền đạt như nguyên lý đạo đức cho sự tịnh hóa tâm thức. Đạo Phật và Cơ-đốc giáo sinh khởi như là một phong trào cải cách, nhắm vào khuất phục chủ nghĩa hình thức của Ấn Độ giáo (Hinduism) và Do thái giáo (Judaism). Cả hai đều chống lại tính giả tạo khoa trương quyền lực, dù trong hàng Bà-la-môn hay các Giáo sĩ Do thái giáo (Scribe),[3] những người giữ vai trò độc quyền như trạm thu thuế trên đường dẫn đến Thần linh. Giáo lý của Đức Phật ắt phải được hiểu là chống lại nền tảng nầy.
Đức Phật Gautama đã sinh hoạt, giáo hóa, và sự hiện hữu của ngài trong xã hội Ấn Độ đã phát hiện ra nhiều điều còn thiếu. ‘Như là hệ quả, Đức Phật thể nghiệm cuộc sống từ chính ngài để đưa con người trở lại với tuệ quán (insight) uyên nguyên của Ấn Độ giáo từ Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Thế nên có sự đồng nhất cơ bản được lý giải cả hai giữa khái niệm thần linh trong Ấn Độ giáo và đạo Phật, cùng với thực tế đạo Phật như là trào lưu cải cách phát khởi từ truyền thống Ấn Độ giáo.’[4] Đạo Phật ra đời trong thời kỳ đó như là– trí tuệ hoá (buddhi fication) các thể chế, ý tưởng hay cảm thức vốn đơn thuần là tư tưởng Ấn Độ. ‘Đạo Phật chính là Phật hóa (Buddhized) các phạm trù tư tưởng của Ấn Độ giáo đương thời.’[5] Đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Giác ngộ (Bodhi).[6] Người ta không thể nào suy tư để có phương thức thể nhập thực tại mà chỉ có cách sống trong thực tại.
Giáo sư Max Müller, Paul Deussen, và Bà Giáo sư Rhys Davids chủ trương rằng đạo Phật là phát triển tự nhiên của tâm thức Ấn Độ trong nhiều thể hiện phong phú, gồm tôn giáo, triết học, xã hội và chính trị. Triết học hay tôn giáo, đặc biệt ở Ấn Độ, luôn luôn là để sống chứ không phải để suy gẫm, và thế nên nó luôn luôn phát huy khía cạnh ngoại tại phù hợp sát sao với nội tại. Hai yếu tố phát triển nầy luôn luôn phải đi song song với nhau trong sự hài hòa sống động. ‘Khác xa với ý tưởng từ bỏ và xả ly đời sống của đạo Bà-la-môn, đạo Phật có nhận thức trọn vẹn về ý tưởng nầy từ đạo Bà-la-môn. Xã hội Phật giáo đáp ứng nhiều hơn là khước từ giấc mơ và phác họa cổ xưa của các nhà làm luật Bà-la-môn.’[7]
Đạo Phật trong hình thái nguyên thủy và cổ xưa, được bắt rễ rất sâu trong hệ thống tư tưởng và sinh hoạt trước cả Ấn Độ giáo hiện thời, đã có tầm quan trọng trong sự phát triển tư tưởng giáo dục ở phương Đông. ‘Thực tế chúng ta không bao giờ quên rằng Đức Phật Gotama được sinh ra, trưởng thành, sống và nhập diệt như một người Ấn Độ. Không có những công trình trí huệ của các bậc cổ đức, thì công trình của riêng ngài, dù có độc đáo cũng không thể nào có giá trị. Ngài là người Ấn Độ vĩ đại thông tuệ và cao quý nhất. Toàn bộ sự nghiệp của ngài là một đặc trưng Ấn Độ.’[8]
Do đạo Phật là sự chuyển dịch tự nhiên từ triết học sang đời sống thực tiễn của người Ấn Độ, nên chúng ta tin rằng trong mỗi khả tính, đều có sự pha trộn phương thức sống của Ấn Độ với ý niệm đạo Phật. Để hình thành mái nhà tâm linh của châu Á, triết lý giáo dục phương Đông không thể thiếu tiềm năng to lớn từ mối liên hợp có ý nghĩa như vậy qua thời gian.
Chúng ta sẽ không khảo sát mô hình đặc biệt của đời sống về đạo Phật qua ý nghĩa phát triển các tổ chức giáo dục và xã hội vì sự thăng tiến và truyền bá chân lý đặc thù, về lý tưởng triết lý và đời sống mà đạo Phật đại biểu. Đức Phật không hiển bày những suy đoán của mỗi trường phái tư tưởng thịnh hành trong thời đại của ngài và đi đến kết luận, mà ngài đã thể hiện ngay trong giáo lý của mình. ‘Đó là giáo lý dành cho những người có ít lòng tham, không dành cho những ai có lòng tham muốn nhiều.’[9]
Cách lý giải sai lạc quan niệm của Đức Phật về phương thức sống dường như không thể tránh được trong một thế giới nơi mà những tham muốn quá nhiều, nơi mà sự tự khẳng định (self-expression) và sự truy cầu vật chất đến vô tận vẫn tiếp tục không giảm sút chút nào. Giáo lý Đức Phật về tự thanh lọc (self-naughting) mà bất kỳ người nào muốn được tự do ắt phải khước từ những ham muốn của chính họ, đó không phải là chuyện dễ trong thế giới hiện đại.
Mục đích chính trong sứ mệnh của Đức Phật là tìm ra giải pháp làm dịu đi nỗi khổ của con người. Có nghĩa là, cái ác đã làm hư hoại tất cả sinh loại trong tiến trình sinh thành, kết hợp để tồn tại và biến dị, nguy cơ khổ đau, bệnh tật, chết chóc, liên hệ đến các sinh loại ấy. Tất cả những tiến trình đó điều có nguyên nhân, và sự dừng bặt nguyên nhân ấy là khả hữu nếu chúng ta đi trên con đường của Phạm (Brahma). Thế nên, vắn tắt, nêu ra bốn Sự thật thiêng liêng về Duyên sinh (Truths of Causal origination)–‘Do cái nầy hiện hữu nên cái kia đang hình thành; Nếu cái nầy không hiện hữu, thì cái kia không được hình thành,’ chính là định thức tôn giáo đơn giản được phát biểu từ Đức Phật. ‘Từ một trở thành nhiều, từ nhiều trở thành một.’[10]
Trong vòng luân hồi sinh tử (bhava-cakka, samsara), tính chất vô thường và hữu hạn là không thể tránh khỏi của bất luận cái gì có sự khởi đầu. Đời sống hay ‘sự hiện hữu–becoming/bhāva’ là tác dụng của tri giác, của tham muốn và vô minh. (avijja)... Mọi hiện tượng đều đang trở thành, mọi vật đều trôi chảy như một dòng sông; không có điều gì để có thể nói rằng nó là vậy (các hiện tượng đều là vô thường).[11] Tất cả các hiện tượng đã hình thành đều phải hoại diệt; thế nên để khỏi bị diệt vong, điều cần thiết là phải dừng bặt sự ‘trở thành (bhāva)’ đó.
Điều nầy quan hệ rất mật thiết với chính chúng ta; khía cạnh nguy hiểm nhất của vô minh–tội tổ tông[12]– chính là điều đã khiến chúng ta gim chặt niềm tin của mình rằng chúng ta, bạn, và tôi–là lý do nầy hay nguyên cớ kia để chúng ta có thể tồn tại từ lúc nầy đến lúc khác, ngày nầy đến ngày kia hay đời nầy sang đời sau, như là một sự đồng nhất.[13]
Chúng ta thường nghe Đức Phật dạy các pháp đều Vô ngã (no Self). ‘Điều thực sự chối bỏ, thực tế một cái Ta thường biến đổi hay một cá thể gồm ‘tinh thần và thể xác.’ Này các tỷ-khưu, ta chính là kết quả của các việc làm của mình, là kẻ thừa tự các nghiệp của chính mình. Bất luận các điều chúng ta đã tạo, dù thiện hay ác, ta đều là kẻ thừa tự của chúng.’ (Tăng chi bộ kinh, Aṅguttara-Nikāya III. 74-5).
Quả thực, con người chịu trách nhiệm và sẽ thừa kế mọi hệ quả từ các việc làm của mình, ví chừng nào anh ta còn nghĩ rằng ‘hắn ta’ là tác nhân; và không có ai đáng chê trách hơn kẻ cho rằng ‘tôi không phải là người tạo tác,’ trong khi thực sự anh ta vẫn dính líu đến mọi hành vi... Vấn đề hiện hữu thực sự của con người tạo tác là điều không thể được trả lời đơn giản bằng định thức ‘có’ hay ‘không ’, mà chỉ bằng cách theo ý nghĩa Duyên khởi của Trung đạo (Middle Way)... Thực thể Duyên sanh đều ‘không phải là Tự ngã’; trong ý nghĩa tuyệt đối, con người không phải là tác nhân. Con người chỉ là kẻ tạo tác khi nào điều nầy được thực chứng và minh xác con người có thể thôi từ chối hành động của chính mình; mãi đến lúc đó, mới có những điều mà họ phải làm và những điều mà họ không phải làm.’
‘Chính họ là người biết thực tính là thực tính. Họ tiếp tục trong thực tính. Thực tính của thiện, của quán chiếu, của trí tuệ, và thực tính giải thoát.
"But they who know essence as essence, They go on to essence—The essence of moral habit, Contemplation, Wisdom, and the essence of Freedom."
(Dhammapada II. 12)
Giáo lý nhân quả của nghiệp trong đạo Phật nói chung nhất trí với đức tin của Ấn Độ giáo và Cơ-đốc giáo trong hệ quả mang tính liên tục của các sự kiện. ‘Thời gian hàm ý sự biến dịch và sự tồn tại liên quan đến sự biến hoại hay trở thành. Tự ngã (ego) là không thực vì tính chất không bền vững của nó. Cái ngã nầy luôn luôn tự khẳng định và chỉ khi nào bản chất thực của cái ngã không kiên định nầy được nhận ra thì người ta mới có một nhiệt tâm muốn vượt qua chính kẻ thù tệ hại của mình và khiến nó thành một người đầy tớ và kẻ liên minh.’[14]
Chính trong ý nghĩa nầy mà St. Thomas Aquinas nói rằng, ‘Con người không có lòng nhân đức, vì nó phải yêu mình hơn yêu những người khác, yêu mình hơn yêu người láng giềng.’(Sum. Theol. 11. ii. 26.4). Bổn phận con người là thoát khỏi sự nô lệ của chính mình–thoát khỏi chính hắn ta.
Đức Phật khoáng trương ba dạng tự tại–Tự tại trong pháp giới, tự tại đối với các pháp (Dhamma; Truth) và tự tại đối với tự thân. ‘Một người đạt được tự tại trong thế gian, xả ly mọi sai lầm; thành tựu chân chính; người đó hộ trì cái Ngã thanh tịnh.’
Cái Ta, nầy các ông, biết điều gì của ông là đúng hay sai,... những người tìm chân lý thấy kẻ ngu đi lảo đảo trên thế gian; vì vậy, hãy để cho 'bậc thầy của chính mình’ bước đi trong hồi ức. Thế nên! ‘bậc thầy của thế gian’ chăm chú tâm, chiêm nghiệm, ‘bậc thầy của giáo pháp" không nghĩ đến mục tiêu. "
(Tăng chi bộ kinh, Aṅguttara-Nikāya i. 147-50)
Niết-bàn là một từ khóa trong đạo Phật; ‘Nỗ lực cho niết-bàn, nghị lực đến với ta.’ ‘(Niết-bàn) là điều phải thể nghiệm để nhận biết ngay. Do vậy, niết-bàn phải là một yếu tố thẩm mỹ tương tục của kinh nghiệm trực tiếp; và vì niết-bàn không phải là yếu tố tri giác hay nội quán nhất định, không có gì lưu giữ lại, nhưng đối với niết-bàn tính thẩm mỹ tương tục là vô phân biệt hay không xác định được.’[15]
Đức Phật hoàn toàn ‘không lưu lại gì cả, ngài truyền dạy cho môn đệ hãy xem Pháp là thẩm quyền tuyệt đối. Người nhiệt tâm được yêu cầu phải tin vào Đạo do ngài giảng dạy cho đến khi anh ta chứng ngộ, đến chừng nào niềm tin được thay thế bằng trí huệ. ‘Niềm tin là điều có lợi nhất cho trí huệ.’ (Tương ưng bộ kinh, Samyutta-Nikāya IV. 298). Thẩm quyền của Đức Phật nằm ngay trong chính kinh nghiệm trực tiếp của ngài. Ngài không bao giờ dạy cho môn đệ những gì ngài chưa thấy hoặc chưa minh xác, và các môn đệ cũng có thể thấy hoặc minh chứng chân lý chỉ khi nào họ tu theo Đức Phật, đồng nhất ngài với ‘Pháp’ Lex Aeterna, đồng nghĩa với Chân lý (Truth). ‘Người nào thấy Pháp, người ấy thấy được Như Lai, và người nào thấy được Như Lai, người ấy thấy Pháp.’ (Tương ưng bộ kinh, Samyutta-Nikāya III. 120).
Pháp cú (Dhammapada) hay là Dấu chân của Pháp (Footprints of the Law), chính là sự hướng dẫn cho những ai đi trên con đường Pháp, hay trên con đường Phạm hạnh (Brahma). Vậy thì, phải chăng điều kỳ diệu, hướng dẫn nầy của đạo Phật chính là xương sống của hệ thống giáo dục Phật giáo?
‘Đức Phật không chỉ là nguyên lý siêu việt–Chân lý và Luật tắc vĩnh cửu’[16]–mà còn là ý niệm nội tại phổ quát (universally immanent) như ‘Con người trong chính con người nầy.’ ‘Bất kỳ người nào muốn chăm sóc tôi, hãy để họ chăm sóc người bệnh.’[17] (Vinaya-Pitaka I. 302), vang vọng lời của Jesus Christ ‘Chừng nào ngươi làm điều ấy cho ít nhất một trong số huynh đệ nầy của ta, đó là ngươi đã làm cho ta.’ Con người hoàn hảo được mô tả là ‘khiến cho trở thành Chính mình.’ Điều ‘khiến cho trở thành’ Chính mình là một phần không thể thiếu của Tiến trình tu học đạo Phật, và điều quan trọng tương đương là vấn đề đối nghịch, chấm dứt mọi sự ‘trở thành’và ‘tạo lập sự hiện hữu mà chúng ta đang là.’ Yếu tố ‘trở thành’ nầy là vấn đề quan trọng cho triết lý giáo dục. Sự ‘trở thành’ chỉ là một tiến trình ngẫu nhiên của sự phát triển mang tính cơ học, hoàn toàn khác với ‘khiến cho trở thành’ vốn hàm ý hướng dẫn và định hướng các hành vi.
Tuy nhiên, theo quan niệm sống của đạo Phật, Giáo dục phải nên thiết lập liên hệ với sự gieo trồng (cultivation) có chọn lọc. Con người tự tại là người không có gì để trở thành. Chỉ trở thành một học giả hay một tu sĩ không phải là mục đích tối hậu. Đối với con người, có thể là một thành tựu vĩ đại khi phải thăm dò không gian ngoài trái đất, nhưng đó không phải là mục tiêu tối thượng và ý nguyện bình sinh của họ. Thông điệp của Đức Phật là nỗ lực có ý nghĩa của con người phải hướng đến tìm cầu Chân lý và thực hành đạo đức, điều đó có một ý nghĩa to lớn cho giáo dục ngày hôm nay.
Sự khác biệt giữa cái Ngã đích thực (real Self) và cái tôi (ego) khiến nẩy sinh sự căng thẳng, đó là ý thức của chúng ta. Nói cách khác, Socratic Daimon[18] chỉ chú ý đến chân lý. Đạo Phật nhấn mạnh nhu cầu thanh tịnh hóa, sự thanh tịnh đó siêu việt niềm tin và tri thức, và còn nhấn mạnh nhiều lần việc rèn luyện đạo đức là không thể thiếu, nhưng không phải chính nó bao hàm luôn cả sự hoàn hảo. Chân lý của Đức Phật là Chân lý của Tình thương, Hiếu thảo, Tế nhị, và Vô tư. Annie Besant cho rằng, ‘đó phải là tôn giáo của tình thương …, và đó không thể là tôn giáo của cái gì khác hơn hòa bình và tình thương trong tương lai.’[19] Một tình thương bao trùm khắp tất cả mọi sinh linh thấm nhuần giáo lý Đức Phật.
‘Tâm giải thoát có nghĩa là nghĩa là tình thương, sẽ dẫn đến sự thân thiện, lời nói dịu dàng, và việc làm tốt đẹp; đối xử với như nhau bình đẳng vì mỗi người đều xứng đáng.’ (Dhammapada iii. 152).
Bình đẳng là trạng thái không chấp trước và kiên nhẫn, nó có cùng ý nghĩa với từ bất hại (ahimsa). Chỉ nhờ đó mà con người mới có thể đạt được tự tại, đó là yếu tính tự do. Thể thức chính là đạo lý, dựa trên nền tảng thừa nhận rằng sự rèn luyện ý chí là giá trị tối cao, đặt trước tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể hay trí khôn. Trên nền tảng nầy đã kiến lập triết lý giáo dục Phật giáo. Cứu cánh và phương tiện của nền giáo dục phương Tây đã rút ra từ cội nguồn nầy tiềm lực lớn nhất của họ.
[1] Nyanatiloka Thero, The Word of the Buddha, Bradbury, Agnew, London, 1914.
[2]*Hán: 由瑜伽生智,無瑜伽慧滅。了知此二道,及其得與失,當自努力行,增長於智慧。
[3]* Từ trong Thánh kinh (Bibble) nhà luật học và thần học Do thái; người Do thái giữ công văn giấy tờ.
[4] F.S.C. Northrop, The Meeting of East and West, p. 380.
[5] De La Valleé Poussin, Buddhism, O.U.P., 1937, p. 162.
[6]* thuật ngữ tiếng Phạn có từ gốc √ budh, có nghĩa là "biết" hoặc "tỉnh thức." Nghĩa rộng là trí tuệ và năng lực của tâm để hiểu biết, phân tích, phân biệt và quyết định. e: Enlightenment; Hán phiên âm: Bồ-đề, Trí, Giác, Đạo.
[7] R.K. Mookerji, Buddhist Education. Part II, Macmillan, London, 1947, p. 376
[8] Rhys Davids, American Lectures, pp. 116-17.
[9] The Living Thoughts of Gotama the Buddha, presented by Ananda K. Coomaraswamy and LB. Horner, Jaico, p. 22.
[10]* 'From being one he becomes many, from being many he becomes one. (Dhammapada 1. 212). Tra cứu trong các bản Pháp cú đang lưu hành, không thấy nội dung nầy với số ký hiệu (1. 212) tương đương.
[11] P: Sabbe samkhara anicca; Hán: 諸行無常Chư hành vô thường.
[11] Nguyên văn: e: The original sin.
[12] (a) AR.S. Copleston, Buddhism Primitive and Present in Magadha and Ceylon, Longmans, 1908. (b) Rene Guenon, Man and His Becoming, Luzac, 1945. (c) Ananda K. Coomaraswamy and I. B. Horner, Gotama the Buddha, Jaico, pp. 24-6.
[14] Ananda K. Coomaraswamy and LB. Horner, Gotama the Buddha, Jaico,
p. 29.
[15] F.S.C. Northrop, The Meeting of East and West, p. 350.
[16] Transcendent principle-Eternal Law and Truth.
[17] Ibid, p.39
[18]* Giác quan đặc biệt của Socrates, nguyên là daimonion, cảnh báo và ngăn ông làm điều gì đó sai trái hoặc có hại cho bản thân. Đây đôi khi còn được gọi là dấu hiệu của Socrates, còn gọi là daimon hoặc daemon. Từ daimonion nổi tiếng là khó định nghĩa. Trong tiếng Anh, thông thường có thể dịch là 'linh hồn' hoặc 'siêu nhiên. Cicero đơn giản dịch là divinum aliquid - một 'cái gì đó thần thánh.
[19] Annie Besant, Buddhist Popular Lectures, 1907, p. 8.