Vấn Đề Thượng ĐếSáng Tạo

11/08/201312:00 SA(Xem: 10845)
Vấn Đề Thượng Đế Và Sáng Tạo

VẤN ĐỀ « THƯỢNG ĐẾSÁNG TẠO »
Nguyễn Thùy & Trần Minh Xuân

Lời nói đầu : Gần đây, trên đôi Diễn Đàn, xảy ra những tranh cãi giữa người Phật giáo và Ki-Tô giáo. Những vấn đề ‘Mẹ Maria đồng trinh hay không’, ‘Đức Phật sinh ra từ nách mẹ’,.. được đem ra làm đề tài tranh cãi. Những đề tài nầy, dù tranh luận đến mấy cũng không thể đưa đến một đồng thuận mà còn đưa đến ‘khích bac’ nhau. Người viết nghĩ rằng phải đặt mình vào thời đại của Phật, của Môi-Se (Moise), của Chúa, thời dại mà dân trí còn bị chi phối bỡi ‘thần thoại, huyền thoại’ thì những điều trên chỉ nhằm ‘huyền hóa’ và tôn vinh các giáo chủ. Chúa, Phật có bao giờ nói đến sự việc các Ngài được sinh ra thế nào đâu. Một điều cần để ý là tại sao Phật, Chúa chỉ nói mà không viết và qua Kinh điển, lời hai Ngài nhiều lúc mâu thuẫn nhau. Điều quan trọng, theo người viết, là tìm hiểu ‘thông điệp’ mà hai Ngài trao gởi cho thế gian hơn là những sự việc có tính cách huyền hoặc trên.

Bài dưới đây được trích trong tác phẩm ‘Lẽ Đạo và Tiến Hóa’ đang hoàn thành nhằm tìm hiểugiải thích lại tất cả các chủ đề căn bản của hai Tôn giáo. Bài khá dài nhung xin rút ngắn để dễ được phổ biến trên Diễn Đàn.

Hy vọng bài nầy cũng như một số bài tìm hiểu lại các chủ đề của Phật giáo và Ki-Tô giáo, nếu được lên các Diễn Đàn, có thể góp phần nào tránh bớt các tranh cãi giữa hai Tôn giáo …. 

 

I.- Hiểu thế nào về Thượng Đế ?

  Vấn dề ‘Nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc Sự Sống, nguồn gốc con người và mọi thứ’ đã được đặt ra từ xa xưa. Nói đến Nguồn Gốc hay Khởi Nguyên là mặc nhiên đề cập đến cái ‘Nguyên nhân sơ thủy’ nào đã tạo dựng nên vũ trụ cùng mọi thứ trong vũ trụ nầy., để từ đó nêu ra vấn đề ‘Sáng Tạo’ đưa đến một xác định hay giả định có một thứ gì đó từ nguyên sơ đã sinh thành mọi thứ. Cái ‘nguyên sơ’ sinh thành vạn hữu đó đã được Đạo học, Thần học, Tôn giáo, Triết lý nêu ra và gọi bằng nhiều danh xưng tùy theo từng quan điểm, từng trường phái. Công nhận có một yếu tố nguyên sơ mang tinh thần linh, vô hình tạo nên vũ trụ là thuộc quan điểm Hữu Thần, không quan niệm như thê, ta thường gọí là thuộc quan điểm Vô Thần.

 Công nhận có một uyên nguyên sinh thành vũ trụ, ngoài các Tôn giáo độc thần, nhiều người trước nay đều đồng ý như Parménide, Héraclitre, Platon, Aristote, E. Kant, Hégel, cả K. Jaspers, M. Heidegger,…dù gọi tên cái Khởi nguyên đó khác nhau. Bên Đông Phương, Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử cũng đã nói đến nguyên nhân đầu tiên đó. Ngay cả Voltaire được xem là ‘vô thần’ cũng hầu như thừa nhận vị Thượng Đế hóa công được ông xem là ‘Đại Kiến trúc sư’ chẳng khác sự vận hành tinh tế của chiếc đồng hồ do một thợ đồng hồ điêu luyện tạo nên. Và cũng chính Voltaire đã bảo : ‘’Nêu Thượng Đế không có thì cần phải tạo nên một Thượng Đế’’ (Si Dieu n’existait pas, il faudrait l’inventer). Khoa học ngày nay, khi nghiên cứu về cấu trúc và sự xuất hiện cùng thời gian tồn tại của các vi tử, nhận ra tính cách phức hợp (complexité) của cấu trúc cũng như của vận hành của vũ trụ nên không tin vào một ‘trật tự tự nhiên’ có sẵn do một đấng Hóa Công mà do từ sự tiến hóa theo những qui luật sinh-vật-lý mà Khoa học luôn nghiên cứu, tìm tòi. Người viết không mấy biết về Khoa học nên xin không nói thêm.

 Một điều Khoa Học thường nêu ra là vấn đề Thời gian.. Cặp phạm trù ‘Không gian - Thời gian’ vô cùng rắc rối ; mọi giải thích lâu nay từ Triết lý đến Khoa học vẫn chưa xác định rõ ràng. Không gianThời gian cùng xuất hiện một lần hay cái nào trước, cái nào sau và tương quan với nhau như thế nào ? Thật khó quan niệm sự Sáng Tạo của Thượng Đế lúc chưa có thời gian. Trong tác phẩm ‘Le Dictionnaire amoureux du Ciel et des Etoiles’ (nxb Plon/Fayard, Paris, 2009), nhà Khoa học Trịnh Xuân Thuận đã nêu ra thắc mắc đó và bảo : ‘’Câu ‘Và Thượng Đế tạo nên vũ trụ’ (Et Dieu créa l’univers) có nghĩa gì nếu thời gian chưa có và lúc thời gian cùng có với vũ trụ ? Hành động sáng tạo chỉ có thể xảy ra trong thời gian ! Thật lố bịch (ridicule)  nghĩ rằng Thượng Đế hiện hữu trước vũ trụ cũng như không thể hỏi cái gì xảy ra ‘trước’ vụ nổ Big-Bang. Câu hỏi ‘Trước’ Big-Bang là cái gì ? chẳng có nghĩa gì cả vì thời gian lúc bấy giờ chưa xuất hiện’’ (trang 224).

 Người viết chúng tôi, trong chương nói về ‘Sự Số́ng’ , có ‘định nghĩa sơ qua về ‘Không gian, Thời gian’, qua đó , quan niệm rằng ‘sáng tạo nên Sự Sống nên Thượng Đế đã tạo nên Không gian, Thời gian rồi chính Không gian, Thời gian tương tác nhau tạo nên vũ trụ hiện tượng’. Theo người viết, Không gian định ra Thời gianThời gian làm biến đổi Không gian. Mọi biến đổi trong vũ trụ vô thường nầy chỉ là ‘những biến đổi của Không gian qua quá trình Thời gian’. Do đó có Không gian, Thời gian bên ngoài và Không gian, Thời gian bên trong mỗi hiện thể vật và người. Và cũng chính do đó, cuộc sống mỗi người cũng như cuộc đời chung của nhân loạihành trình liên tiếp đi tìm từng Không gian mới qua quá trình thời gian, (xin chưa nêu nơi đây cũng không nêu dẫn chứng để tránh dài dòng.) . Hành trình liên tiếp đi tìm từng Không gian mới qua quá trình thời gian chính là lịch sử cuộc sống mỗi người và cũng là lịch sử diễn tiến sinh hóa của nhân sinh nói chung từ lúc xuất hiện trên mặt địa cầu đến nay và còn tiếp diễn.

 Thượng Đế, theo chúng tôi, không ở trong Không gian, Thời gian vì trước khi tạo nên hai phạm trù nầy, Thượng Đế hiện hữu -nếu muốn nói thế- trong trạng thái ‘phi hiện tượng’. được xem là ‘môi trường không trở trường (milieu non résistant). Từ trạng thái ‘phi hiện tượng’, Thượng Đế tự tác động chính mình để đi vào cõi hiện tượng, từ đó tạo ra Không gian, Thời gian. rồi Không gian, Thời gian tương tác nhau tạo nên cõi Sắc giới tức vũ trụ hiện tượng tức ‘môi trường có trở trường’ (milieu réistant), môi trường có tương liên, tương tác, tương dung, tương xung, tương khắc giữa mọi thứ để ‘cái nầy sinh, sinh ra cái kia’ theo qui luật ‘nhân duyên sanh’ của nhà Phật.

 Phật giáo, qua các luận giảng trước nay, cơ sở nơi qui luật ‘Nhân Duyên hòa hợp’ cho rằng vũ trụ tự nó có, chứ không do môṭ Đấng Hóa Công hay một Nguyên nhân đầu tiên nào tạo nên. Thầy Phụng Sơn (không rõ phẩm vị) trong tác phẩm ‘Đạo Phật qua nhận thức Khoa học’ (Tu viện Kim Sơn ấn, hành, Phật lịch 2534, không ghi năm dương lịch) viết : ‘’Sự hiện hữu của vũ trụ không có bắt đầu, không có tận cùng (mà kinh Phật gọi là vô thủy vô chung), tất cả mọi vật đều bị luật vô thường, vô ngã, nhân quả hay nhân duyên hòa hợp, vạn vật duyên khởi, trùng trùng duyên khởi chi phối’’ (trang 23). Phụng Sơn trích lời nhà vũ trụ học S.Hawkings để chứng minh : ‘’Tinh trạng biên cương của vũ trụ là không có biên giới. Vũ trụ hoàn toàn tự nó đầy đủ và không có cái gì ngoài vũ trụ ảnh hưởng đến nó. Vũ trụ không do ai tạo ra và hủy diệt được nó. Vũ trụ tự hiện hữu như thế thôi’’ (Phụng Sơn trích nơi nguyên tác ‘A brief history of time’ trang 8). Giải thích như thế, chúng tôi nghĩ không đúng theo lời Đức Thích Ca, trái với quan điểm ‘Chân Như duyên khởi’, nơi Phật giáo. Đức Thích Ca cũng công nhận có một yếu tố uyên nguyên sinh thành vũ trụ, đấy là cái ‘Chân Không’, cái ‘Như Lai Thể’ được quan niệm là một ‘Bản Lai Vô Ngã’ đã tạo nên cõi Sắc giới, cõi Diệu Hữu nầy. Những Chương ‘Không - Sắc’, ‘Thể-Tướng-Dụng’ nói rõ điều nầy.

 Thượng Đế, trước nay thường được quan niệm‘Vị Thần toàn quyền, toàn năng, đơn nhất, độc nhất (Dieu est unique), Thượng ĐếTâm Linh, Linh trí (Dieu est Esprit), Thượng ĐếTự Do, không lệ thuộc bất cứ gì, không thể xác định ra sao (Dieu est indéterminé), Thượng Đế hằng sống (Dieu vivant) luôn hiện diện và tự thể hiện qua hiện hữu của vũ trụtác động đến vũ trụ do Ngài tạo ra, Thượng Đế là siêu nghiệm, siêu việt (Dieu transcendant) , có nghĩa con ngưuời không thể nhận ra tư tưởng, ý chí của Ngài) , Ngài ở trên và ở ngoài mọi thứ nhưng luôn luôn hiện diệntác động vào để thể hiện lòng yêu thương và ân điển của Ngài ; Thượng Đế mặc khải cho con người về sự hiện hũu thường trực của Ngài để gây Đức Tin vào Ngài (Đức Tin là điều cần thiết do được Thượng Đế mặc khải, do ‘ơn gọi’ và có tính cách bắt buộc và truyền thống nơi những ai đã được ban cấp. Do đó Tín ngưỡng trở thành Tôn giáo với tổ chức Giáo Hội, với hàng ngũ tu sĩ truyền giảng Đức Tin, với những tín điều, tín lý cùng nghi lễ thờ phụngtính cách khắt khe, bắt buộc. Vì là ‘ơn gọi’, được mặc khải, được ban cấp nên không thể lý luận về Đức Tin.).

 .Ki-Tô giáo thuộc quan điểm Hữu Thần Hữu Ngã hay Hữu Thần Tôn Giáo (Théisme) nhưng lại ‘nhân ảnh hóa’ Thượng Đế mang cái phần Tự Ngã sắc tướng, biến Thượng Đế thành vị thần hữu ngã, (Dieu personnel) độc đoán, ích kỷ, đố kỵ, giận dữ, ghét ghen, độc ác, sẵn sàng trừng phạt những ai không tuân thủ ý Ngài. Qua Cựu Ước, ta thấy Thượng Đế Jéhovah (Dieu Jéhovah) luôn luôn là vị Thượng Đế của quyền lực độc đoán, can dự vào việc trần thế bằng quyền uy, phép lạ, mệnh lệnh . Do đó, chủ trương vô thần cùng các nhà Khoa học, kể cả người theo Phật giáo không thể công nhận Thượng Đế là vị Hóa Công tạo nên vũ trụ. [Hữu Thần Hữu Ngã hay Hữu Thần Tôn Giáo có khác với Hữu Thần Vô Ngã hay Hữu Thần không Tôn giáo (Déisme) chủ trương cũng có một Hữu Thể Tối Cao (Être suprême) nhưng không minh danh , không thể nhận diện, hình dung thể thái, cách thức nào. Đức Tin, theo Hữu Thần Vô Ngã là do một trực giác xác tín với riêng mình, không cho là một ‘mặc khải’, một ‘ơn gọi’ và không có tính cách truyền thống, bắt buộc. Quan điểm Hữu Thần Vô Ngã nầy không có Thánh Kinh như Ki-Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo mà chỉ được nói đến qua trước tác của số nhà tư tưởng như Parménide, Héraclite,,..Voltaire, J.J. Rousseau, E. Kant, Hégel,…]

 Jésus, 13 thế kỷ sau Moise, đã cải sửa quan điển ‘Thượng Đế hữu ngã và độc đoán’ đo, quan niệm Thượng Đế là đấng ‘trọn vẹn’ rất mực nhân từcông bằng. Thượng Đế không trực tiế́p đến với thế gian mà qua con của Ngài (Jésus) ‘’không phải để người ta hầu việc, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người’’ (Ma : 20-28). Jésus không gọi Thượng Đế bằng danh xưng nào mà chỉ gọi là ‘Đức Chúa Trời’ qua hình ảnh ‘Người Cha’ (Cha ta ở trên trời) không phải để ‘hữu ngã hóa’ Thượng Đế mà chỉ để mượn hình ảnh ‘người Cha’ vừa dễ hiểu vừa vô cùng thân mật, lại vừa nói lên trách nhiệm của Thượng Đế đối với nhân sinh

 Sở dĩ Ki-Tô giáo ‘hữu ngã hóa Thượng Đế’ (personnaliser Dieu) ́, theo người viết, là do hiểu lệch lời Moise. Trong Sáng Thế ký, có hai đoạn viết về sự việc Thượng Đế tạo nên con người như sau : ́’Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta…Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời’’ (STK 1 :26, 27). Đoạn sau lại viết : ‘’Song có hơi nước dưới đất bay lên trời khắp cùng mặt đất. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi dất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lổ mũi ; thì người trở nên một loài sinh linh’’ (STK : 2 : 6, 7).. Có lẽ chỉ chú ý đoạn đầu nên Ki-To giáo cho rằng Thượng Đế cũng cùng hình dung, tướng mạo thân xác giống con người nên đã ‘nhân ảnh hóa, hữu ngã hóa ‘ Thượng Đế. Nhưng, theo đoạn sau, ta thấy Thượng Đế không tạo nên con người bằng một lời ‘phán’ hay phép lạ nào mà do Thượng Đế đã kết hợp ba dạng vô cơ ‘đất, nước, khí’ mới tạo nên hình người rồi hà sinh khí vào lổ mũi để con người trở nên một sinh linh. Theo đoạn nầy thì con người cũng như mọi loại sinh vật khác cũng từ các dạng vô cơ qua quá trình kết tập lâu dài mà hình thành, phần nào cùng quan điểm với Khoa học, tất cả đều do các vi tử kết thành nguyên tử rồi phân tử, đại phân tử rồi sang tế bào để hình thành sự sống và các vật sống. Thêm nữa, trước khi tạo nên con người, Thượng Đế đã tạo nên Ánh sáng, Trời (khoảng không), Đất, Nước tức những dạng vô cơ rồi mới tạo nên các dạng sinh vật : cây cỏ, súc vật để làm thức ăn cho loài người rồi mới tạo nên con người. Lúc đuổi loài người ra khỏi vườn Eden, Thượng Đế phan rằng : ‘’Ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về với đất là nơi có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi’’ (STK 3 : 19). Như thế, quá trình hình thành con người là do sự kết tập từ các dạng vô cơ sang các dạng hữu cơ theo như khoa học.

 Cái ‘hơi’ mà Thượng Đế hà vào lổ mũi Adam chính là cái ‘thần khí, linh khí, linh lực, linh năng’ tức cái Thể tính̉ (l’essence) của Thượng Đế trao cho con người tạo phần sống Tâm linh mà Ki-Tô giáo gọi là Linh hồn, hay Thánh Linh (l’esprit de Dieu, le Saint Esprit) và là Ngôi Ba Thiên Chúa (Đức Thánh Thần hay Thánh Linh). Rồi, lúc hái ăn Trái Tri Thức (fruit de la Connaissance) nơi Cây Sự Sống (arbre de vie), con người thụ hưởng được cái Biết, cái tri thức phân biệt. Do đó, khi tạo nên con người, Thượng Đế đã phú cho con người ba Cái Sống : cái sống thân xác (do kết tập của các dạng vô cơ, vie corporelle), cái Sống của Tri thức (do ăn trái Tri thức nơi Cây Sự Sống, vie intellectuelle), cái Sống của Tâm linh (do nguồn linh khí của Thượng Đế phổ vào, vie spiriruelle, vie inconsciente). Xin chưa đề cập đến Ba Cái Sống nầy nơi đây.

 Phật giáo, qua Kinh điển và các luận giảng lâu nay, phũ nhận Đấng Sáng Tạo, thực ra, không đúng theo lời Phật. Đức Thích Ca luôn đề cập đến cái ‘Chân Không’, cái ‘Thể Tính Chân Như’, được xem là cái Bản Lai Vô Ngã đã sinh thành vạn hữu. Đấy là cái ‘uyên nguyên sơ thủy’ dù không mệnh danh là Thượng Đế, đã tạo dựng cõi hiện tượng nầy. Người Tây phương thường cho rằng ‘Đạo Phật là một Tôn giáo không Thượng Đế’ (religion sans Dieu) ; người viết nghĩ rằng ‘Phật giáo là Tôn giáo không Thượng Đế hữu ngã’ (religion sans Dieu personnel), có lẽ đúng hơn vì chính cái Chân Không, cái Thể Tính Chân Như là uyên nguyên tạo dựng vũ trụ nầy. Sở dĩ Đức Thích Ca gọi cái uyên nguyên đó là ‘Bản Lai Vô Ngã’ là để bài bác quan điểm Bà-La-Môn giáo đã ‘hữu ngã hoá’, đã ‘thần linh hóa’ cái Tuyệt Đối Thể (l’Absolu) được gọi là Brahman, từ đó đưa đến chế độ đẵng cấp cùng bao mê tín dị đoan nơi quần chúng.

 Khoa học ngày nay nói đến ‘khoảng Không lượng tử’ (le vide quantique) , một Khoảng Không không có vi tử, không có ‘trường vật chất’ (champ de matière) nhưng có một chút năng lượng (gọi là ‘năng lượng của Không’, énergie du Vide) ở mức độ vô cùng bé và chính ‘năng lượng khoảng không’ nầy đã ‘vật chất hóa’ thành một số vi tử. Nhà Thiên-thể Vật-lý học Trinh Xuân Thuận đã viết : Vũ trụ được sinh ra do ơn huệ của một xao động lượng tử từ một khoảng không vô cùng bé’ (L’Univers est né par la grâce d’une fluctuation quantique à partir d’un vide infinitésimalement petit – TXT : ‘Le Chaos et l’harmonie’, Lib. Arthème Fayard, Paris 1998, trang 343).

 Như thế, hầu như đa số các Tôn giáo, Thần học, Đạo học và Khoa học đều công nhận có một uyên nguyên sinh thành hay ‘sáng tạo’ nên vũ trụ hiện tượng nầy. Cái uyên nguyên đó được xem là ‘nguyên nhân đầu tiên, sơ khởi’ được mệnh danh khác nhau : Thượng Đế, Chân Không, cái Vô hay Đạo (theo Lão Tử), Đạo Thể (Être), Vật chất, Năng lương, Khoảng không lượng tử hay Siêu lực (super force), Siêu Sợi (Super Corde, theo thuyết Sợi Trời, théorie des Cordes),.

 Tóm lại, Thượng Đế là danh xưng con người gán cho cái Nguyên nhân đầu tiên, cái yếu tố tiên khởi, cái Một khởi nguyên sinh thành vũ trụ bao gồm tất cả mọi dạng Tồn tại vô cơ, hữu cơ, có hay không có cấu trúc hình thể cùng mọi tương tác giữa các dạng Tồn Tại đó (để sinh ra Thời gian). Thượng Đế vốn vô hình, vô sắc, vô tướng, vô thanh, không từ đâu đấn, không đi về đâu. Thượng Đế tự hữu và hằng hữu trong trạng thái ‘phi hiện tượng’ hay ‘hư không’.

 

 II.- Sự Sáng Tạo của Thượng Đế : tạo nên vũ trụ hiện tượng

 Câu hỏi đặt ra : ‘’Thượng Đế trong trạng thái ‘phi hiện tượng’ sao có thể sáng tạo nên vũ trụ hiện tượng ?’. Cũng thế, theo Phật giáo, cái Chân Không, cái Thể Chân Như vốn là ‘Bản Lai Vô Ngã’ sao có thể tạo nên cõi Diệu Hữu tức vạn pháp vốn hữu ngã nơi cõi thế gian ? Không công nhân có một uyên nguyên sinh thành vạn hữu thì không có vấn đề sáng tạo. Nhưng từ xa xưa, qua các thần thpoại, huyền thoại đến Đạo giáo, Tôn giáo, Triết học và cả Khoa học đều nói đến sự hình thành vũ trụ do đâu, do lý do nào nên vấn đề ‘Sáng tạo’ được nêu ra. Nơi đây, người viết hiểu Sáng Tạo dựa theo các Tôn giáo độc thần, kể cả Phật giáo.

 A.- Thế nào là Sáng Tạo ? Thế nào là Tự Hữu, Hằng Hữu ?

 ‘Sáng Tạo’. Từ ‘Sáng Tạo’ (tiếng Pháp là Créer, Création) có nghĩa ‘’làm cho một thứ gì từ cái ‘Không gì cả’ (le rien) hay từ ‘Hư Không’ (le Néant) trở thành hiện hữu’’ . Rousseau bảo rằng : ‘’Y ́ niệm sáng tạoý niệm theo đó, người ta quan niệm do một hành động đơn giản của Ý chí, cái ‘Không’ trở thành một thứ gì hiện hữu’’ (dict. Le Petit Robert).. Như thế, ‘Sáng Tạo được xem là ngẫu phát từ Hư Không’ (ex-nihilo=en partant de rien)..Hiểu nhu thế, vũ trụ cùng mọi thứ đều do từ cái ‘Không’ mà có. Điều nầy trở thành thắc mắc của Leibniz : ‘’Tai sao có thứ nầy thứ nọ mà không là không gì cà ?’’ (pourquoi y-a-t-il quelque chose plutot que rien ?). Hỏi như thế là dặt vấn đề Nguồn gốc vũ trụ. Khoa học chưa trả lời dứt khoát. Câu trả lời nằm nơi Tôn giáo, Đạo học ,Hữu-Thể học, Thần học, Triết lý. Có thể mượn lời Liệt Tử : ‘’Cai đầu tiên sinh ra mọi thứ khác thì không có cái gì sinh ra nó’’ (xem ‘Liệt Tử, Dương Tử’ của Nguyễn Hiến Lế, nxb Lá Bối, Sa-Gon 1973). Cái ‘Hư Không’ đó vốn ‘phi hiên tượng’, ‘phi sắc tướng’, ‘phi vật chất’, ‘phi hiện thực’, vốn là trừu tượng. Có thể mượn lời đôi nhà khoa học để hiểu rõ hơn :

 -‘Vật chất là cái phi-vật-chất đang chuyển động’’ (‘Matter is non-matter in motion’- Karl Pearson, trích dẫn bỡi Gaston Bachelard trong ‘Le Nouvel Esprit scizntifique’),

 -‘Cái hiện thực bàng bạc trên một căn bản phi hiện thực : cái hạ tầng cơ sở của vũ trụ mênh mông chỉ là một hiện hữu ‘quỉ mị’, cái thực của nó tan biến vào trong một vùng bóng mờ ảo nhạt’-(‘le réel repose sur un fond d’irréalité : l’infrastructure du monde macrophysique n’a qu’une existence ‘fantomatique’, sa réalité se dissout dans la pénombre’- theo Jordan, trích dẫn bỡi Robert Blanché trong ‘La Science acrtuelle et le Rationalisme’, PUF, Paris 1967).

 -‘Cái cụ thể chính là cái trừu tượng đã trở thành quen thuộc do thực dụng hàng ngày’ (‘Le concret, c’est de l’abstrait rendu familier par l’usage’- Paul Langevin, trích dẫn bỡi Robert Blanché, sđd trên).

 Các Tôn giáo độc thần quan niệm có một đấng Hóa Công gọi là Thượng Đế đã sáng tạo nên tất cả. Thượng Đế là cách gọi chỉ trạng thái của cái ‘Không’ nguyên thủy đã tự thân tác động mình để ‘hiện hữu hóa’ chính mình để từ ‘Không đi vào Có’ làm sinh thành mọi thứ rồi cư lưu nơi từng ‘cái có’ đó. Phần cư lưu của Thượng Đế nơi từng hiện thể (vật và người) được gọi là Thánh Linh hay Linh Hồn, Phật giáo gọi đấy là cái Tánh Không, cái Tâm Không, Tâm Như, cái Phật Tính, Phật Tâm hay cái Pháp Thân Phât (thường gọi ngắn gọn là cái Thể hay cái Tâm) tức cái Tự Tánh, Pháp Tánh, cái Thần khí, Linh khí, Linh năng, Linh lực ẩn chứa nơi từng Hiện thể. Bên Đông phương, Lão Tử cũng quan niệm như vậy khi bảo ‘Hữu sinh ư Vô’ (cái Hữu (hiện hữu) sinh từ cái Vô (cái Không), có nghĩa cái Vô ‘sáng tạo’ nên cái Hữu rồi thì ‘Hữu Vô tương sinh’ (Hữu và Vô cùng sinh) nghĩa là tác động nhau để sinh sinh hóa hóa liên tục. Phật giáo cũng cùng nói như thế. Theo quan điểm ‘Chân Như duyên khởi’, căn cứ nơi cặp phạm trù ‘Không - Sắc’, ‘Chân Không - Diệu hữu’ thì mọi hiện hữu cũng từ cái Không mà có. Chân Không đã tự mình ‘sắc tướng hóa, tự biểu thị mình ra hiện tượng để sinh thành mọi thứ hiện hữu qua cái Tướng và cái Dụng của mỗi thứ. Cái ‘Không’ hay cái Thể đó, Triết học Tây phương gọi là Être, người viết dịch là Đạo Thể.

 Hiểu như thế, Sáng tạođặc quyền của Thượng Đế, của cái Không, của Đạo Thể và hành động Sáng tạo chỉ xảy ra một lần duy nhất.  Bằng cớ, lúc tạo nên trận hồng thủy để trừng trị mọi loài sinh vật, Thượng Đế đã bảo Noé chọn mỗi thứ một cặp để chúng tiếp tục sinh sôi, nảy nở chứ không hủy diệt hoàn toàn chúng để sáng tạo lại chúng lần thứ hai.

 Không một thứ gì, không một ai đã hiện hữu rồi lại có thể sáng tạo ra gì. Con người, dù về mặt nào, Khoa học, Triết học, Chính trị, Kinh tế, Kỹ thuật, Văn học, Nghệ thuật,…cũng không thể sáng tạo mà chỉ nghiên cứu, tìm tòi, khám phá để phát hiện, phát minh, sáng chế, tạo tác thứ nầy, thứ nọ khác với những cái có trước hay trước đấy chưa có, chưa ai nghĩ ra. Công trình của bất cứ ai, của bất cứ nghành học nào cũng không là ‘sáng tạo’ mà chỉ là những phát kiến, phát minh có ‘tính sáng tạo’(créativité) chứ không là ‘sáng tạo’(création) , nói theo tiếng Pháp là từ ‘chercheur’ tiến đến ‘trouveur’ do cái Biết theo lối ‘tìm cầu’, cái Biết tính toán, quy hoạch, cái Biết hạch toán (pensée calculante). Cả đức Thích Ca, Chúa Jésus cũng không sáng tạo ; giáo lý của hai Ngài, do cái Biết bằng thể nghiệm, mặc nghiệm, chiêm nghiệm (pensée méditante, pensée contemplative) mà hai Ngài ‘ngộ’ ra được Tư tưởng giải thoát, cứu rỗi chúng sanh cùng Lẽ Tiến hóa của vạn hữu.

 Đã hiện hữu rồi thì không có Sáng tạo nữa vì không có cái gì có thể sinh khởi từ cái Không. Sinh sản vô tính theo khoa clonage, dù trước đấy chưa có, nhưng không là ‘sáng tạo’ vì không khởi đi từ cái Không mà phải sử dụng một cái gì đã Hữu ((lấy một tế bào nam cấy vào noãn sào người nữ). Trong Văn học, Nghệ thuật, ta thường nói đến ‘ Sáng tạo nghệ thuật’ như tạo ra một hình thức mới, một văn phong mới hay một nội dung mới có khác với trước nay, thật ra, đấy không là ‘sáng tạo’ mà chỉ có tính cách mang ‘tính sáng tạo’ (créativité) vì không do từ cái Không mà do từ những gì đã hữu.. Cũng thế, Thượng Đế lúc sáng tạo ra cõi hiện tượng thì không còn sáng tạo ra gì nữa. Đã vào hiện tượng rồi thì mọi mọi tạo tác đềụ phải qua một hiện tượng nào đó. Do đó, Thượng Đế phải mượn qua hiện tượng thân xác mẹ Maria để sinh ra Jésus ; Bồ Tát Hộ Minh đã phải mượn qua hiên tượng thân xác Hoàng hậu Maya để sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. (Không nên hiểu Thượng Đế hay Bồ Tát Hộ Minh đẫ cấy tinh trùng của mình vào noãn sào của Mẹ Maria hay Hoàng Hậu Maya vì Thượng Đế có hình thù thân xác gì đâu và Bồ Tát Hộ Minh ở trạng thái Bồ Tát đâu còn cái dục vọng ăn nằm với người nữ. Có thể xem đấy là luồng sinh khí, linh năng, linh lực của Thượng Đế hay Bồ Tát Hộ Minh thôi, chẳng khác ta ngửi được một hương thơm nào đó, tự nhiên ta thấy người ta khoan khoái, lâng lâng, thanh thoát). Điều nầy được nói nơi Phúc Âm St Jean : ‘’Ngôi Lời trở nên xác thịt’’(le Verbe se fait chair), có nghĩa Thượng Đế đã mượn qua nhục thân Chúa Jésus để đến với thế gian, rao giảng Tin Lành ; cũng như Như Lai Thể nơi Bồ Tát Hộ Minh đã mượn qua nhục thể đức Thích Ca để rao truyền Lẽ Đạo cho chúng sanh.

 Vì Sáng Tạo là khởi đi từ cái Không nên Thượng Đế đã trả lời cho Moise nơi đồi Sinai là ‘Ta Tự hữu, Hằng hữu’ (Je suis celui qui suis). Thượng Đế không nói tên mình (vì Thượng Đế vô danh, vô tướng, vô sắc,,…) mà chỉ nói trạng thái hiện hữu của mình thôi.

 Tự Hữu có nghĩa ‘tự mình hiện hữu, tự mình có cho chính mình, bỡi mình’, không do một nguyên nhân, một sự kiện, một động cơ, một sự vụ, một tác động nào gây ra. Hằng Hữu là lúc nào cũng có, luôn luôn có, trường cửu, không một lý do, sự kiện nào có thể làm mai một, hủy diệt. Hằng Hữu ‘có như đã có, đương có, luôn luôn hiện diện nguyên sơ với chính mình’, không thay đổi, không biến chất, biến tính vì bất cứ lý do gì. Vì Tự Hữu nên không thể hỏi : ‘Ai hoặc cái gì sinh ra Thượng Đế ?, Thượng Đế hình dung, tướng mạo, sắc thái, tính tình ra sao ?’. Những câu hỏi đó không thể trả lời, có thể dùng lời Liệt Tử trích trên. Con người sau nầy định danh cho Thượng Đế là YHVH, Jéhovah, Allah,…là do cần thiết của ngôn ngữcần thiết của luận lý vì trong cõi hiện hữu, không thể nhận biết một thứ gì mà không định danh, định hình, định tính cho thứ đó.

 B.- Hành động Sáng Tạo của Thượng Đế : từ Tự Hữu sang Hiện Hữu.

 Từ ‘môi trường không trở trường’ (milieu non résistant) tức từ trạng thái ‘phi hiện tượng’, trong trạng thái Tự Hữu đơn độc, Thượng Đế hay cái ‘Không’, cái Đạo Thể , tự tác động chính mình để chuyển mình sang trạng thái Hiện Hữu, có nghĩa Thượng Đế tự ‘sắc tướng hóa’, tự ‘khách thể hóa’, tự ‘đối tượng hóa’, tự ‘vật chất hóa’, tự ‘vong thân’, tự ‘phóng thể’ (s’aliéner), tự ‘phân thân’ (se diviver) để tạo nên ‘môi trường có trở trường’ (milieu résistant), làm phát sinh (sáng tạo) vũ trụ hiện tượng bao gồm tất cả mọi dạng Tồn Tại tương tác nhau, do đó tạo nên Sự Sống. Thượng Đế đã giả từ trạng thái ‘phi hiện tượng’ để đi vào trạng thái ‘hiện tượng hóa’ chính mình. Nhà Thần học Do Thái Marc-Alain Ouaknin, đồng thờiGiáo sĩ và Giáo sư Đại học, xem sự Sáng Tạo của Thượng Đế để sinh thành vũ trụ hiện tượng‘’Thượng Đế, cái Vô Hạn, tự ‘thu mình lại’ để nhường chỗ cho thế giới hữu hạn của chúng ta, nghĩa là một thứ gì khác với Thượng Đế. Sự việc giống như người mẹ đã nhường chỗ cho đứa con. Do đó, nguời ta có thể gọi ‘một Thượng Đế mẫu hạ’’ (Dieu, l’Infini, s’est ‘contracté’ en Lui-même pour faire une place à notre monde fini, donc à une autre chose que Lui. Il fait place comme une mère ouvre une place à son enfant. C’est pourquoi on a pu parler d’un ‘Dieu matriciel’ – xem ‘La plus belle histoire de Dieu’, édts du Seuil, Paris 1997, trang 66).

 a) Tiến trình từ Être sang Avoir, từ To Be sang To Have :

 Theo người viết, dựa vào hai động từ căn bản của tiếng Pháp, tiếng Anh : ‘être, avoir – to be, to have’, có thể nói sự việc Thượng Đế từ ‘Tự Hữu’ chuyển mình sang ‘Hiện Hữu’ tức từ ‘Không’ đi vào ‘Có’, là quá trình từ ‘être’ sang ‘avoir’ hay từ ‘to be’ sang ‘to have’.

 Động từ ‘être’, ‘to be’ dùng mình nó (không có tính từ hay quá khứ phân từ của động từ khác kèm theo) nói lên tính cách ‘tự hữu’ của sự vật : Il est, , il était une fois, nous sommes dans la cour, c’est une rose, We are men, She is on the car, that is, here is my ticket, … Động từ ‘Avoir, to have’ thường dùng có một danh từ theo sau, chỉ sự Có, sự Sở hữu (possession). : J’ai deux maisons, Il a de l’argent, I have many friends, We have no foods,.. Động từ ‘être, to be’ khi có một ‘hình dung từ’ (épithète) theo sau, chỉ một tính chất, môt ‘trạng thái hiện hữu’ : je suis malade, elle est riche, vous êtes intelligents, le train est en gare, she is young, the river is long,.., vì thế ‘être, to be’ không cần có một ‘túc từ’ (complément) nào. Trong lúc đó, ‘avoir, to have’ chỉ sự ‘sở hữu’ nên không đứng một mình mà luôn có một túc từ theo sau : ils ont beaucoup d’enfants, la France a beucoup de sites historiques, We have many bills this mouth, ..

 Cả hai ‘être, avoir’, ‘to be, to have’ đều chỉ ‘sự hữu’ nhưng ‘être, to be’ chỉ sự hữu của chính mình trong lúc ‘avoir, to have’ chỉ sự hữu thuộc về mình. Chẳng hạn khi bảo ‘Tôi là cái nhà’ thì chính tôi là cái nhà ; nhưng khi bảo ‘Tôi có cái nhà’ thì cái nhà không là tôi mà là của cải thuộc về tôi. Hiểu như thế, người viết nghĩ rằng hai động từ đó nói lên mối tương quan giữa ‘chủ thể’ và ‘đối tượng’. Chủ thể ‘tự hữu’ với chính nó, ‘đối tượng’ là hiện hữu quy thuộc về chủ thể. Có thể hiểu về mặt triết lý, ‘être, to be’ ám chỉ Triết lý Hữu Thể, hay Bản Thể luận (philosophie de l’être, Ontologie) và ‘avoir, to have’ thuộc về Triết lý của Sự Có, của Biến dịch (philosophie de l’avoir, du deênir). Sự việc Thượng Đế từ ‘Tự Hữu’ chuyển sang ‘Hiện hữu’, từ cảnh giới ‘phi hiện tượng’ sang cảnh giới ‘hiện tượng’ hay dùng từ nhà Phật, từ ‘Vô Sở Trụ’ sang ‘Sở Trụ’, phần nào có thể hiểu là từ ‘être’ sang ‘avoir’, từ ‘to be’ sang ‘to have’. ‘Người viết không rành về tiếng Pháp, tiếng Anh nên chỉ xin trình bày đại khái như trên.

 b) Thượng Đế tự tác động mình để sinh thành cõi Hiện tượng :

 Cõi hiện tượng được ‘sáng tạo’ do Thượng Đế tự thân tác động chính mình. Cái tác động tự thân đó được xem là một huyền nhiệm nơi Thượng Đế.

 Theo E. Kant, hành động ‘tự tác động mình’ hay tự ‘đối tượng hóa’, tự ‘vật chất hóa’ của Thượng Đế để sinh thành cõi hiện thượng là do ‘nguyên nhân bỡi Tự do’ (Cause par Liberté), một thứ Tự do siêu nghiệm, có tính cách vũ trụ luận (Liberté transcendantale et cosmologique) tức một tác động đột khởi, một hoạt động tự động tuyệt đối (auto activité absolue), đấy là cái năng lực ‘tự phát hiện’ để phát sinh một trạng thái, một sự kiện mà tất cả những sự việc về sau giúp soi sáng sự việc tự động tiên khởi đó.(J’entends par liberté au sens cosmologique le pouvoir de commencer par soi-même un état, (une liberté) dont (deren) la causalité n’est pas subordonnée à son tour, suivant la loi de la nature, à une autre cause qui la détermine quant au temps. La liberté est, dans ce sens, une idée transcendantale pure - trích dẫn bỡi M. Heidegger trong ‘De l’essence de la liberté humaine, Introduction à la Philosophie’, nrf, étts Gallimard, Paris 1987, trang 32). Chúng tôi xin đổi ‘Nguyên nhân bỡi Tự do’ (Cause par liberté) thành ‘Tự do phát khởi nguyên nhân’ (liberté causale) vì ‘nguyên nhân’ thường do một sự việc, một tác động nào đó tạo nên nhưng trong môi trường ‘không trở trưởng’, Thượng Đế hay cái Không nguyên thủy không nhận chịu một tác động nào từ bên ngoài. Thượng Đế tự tác động Thượng Đế để làm phát sinh cõi hiện tượng tức môi trường ‘có trở trường’ với Không gian, Thời gian. Hành động nầy chỉ có thể xem là do bỡi yếu tính tự do nơi Thượng Đế. Dựa theo M. Heidegger : ‘’Tinh nguyên nhân cơ sở nơi Tự do. Vấn đề về Nguyên nhân tính là một vấn đề của Tự do chứ không ngược lại’’ ( La Causalité se fonde sur la liberté. Le problème de la causalité est un problème de liberté, non pas l’inverse – De l’essence de la liberté huamaine, sđd trên, trang 277). . Tự do, theo nghĩa đạo học có khác với Tự do theo ta hiểu lâu nay. Tự do, theo nghĩa Đạo học, là cái ‘khả năng tự động định ra khởi đầu một trạng thái’ (pouvoir d’autocommencement d’un état) hay ‘khả năng tự quyết định, tự xác định chính mình’ (pouvoir de se déterminer soi-même). Có thể xem sự việc Thượng Đế tự tác động mình để sinh thành vạn hữu là một‘hành động ‘không nguyên nhân’ (acausal).

 Hành động sáng tạo của Thượng Đế có thể, nói theo M. Heidegger, đấy là ‘’sự trào vọt của Cội Nguồn. Nhưng cái gần gũi nhất với cái Trào vọt đó, cái trước tiên Nó là, là cái đã do từ Nó trào vọt ra. Cội Nguồn đã để sự việc đó xảy ra từ chính mình, đến nỗi Nó không tự biểu hiện như chính Nó trong cái Trào vọt đó. Vi đằng sau phần hiện bày ra, Nó tự che giấu, Nó tự rút lui’’(L’Origine se montre d’abord dans son Jaillissement. Mais ce qui est plus près du Jaillissement, ce qu’il est d’abord, est ce qui en est jailli. L’Origine a laissé cela sortir d’elle-même, et de telle facon qu’elle ne se montre plus elle-même dans cette Jaillissure. Car derrière son apparaître, elle se cache, elle se retire – Was Heibt Denken - bản dịch tiếng Pháp ‘Qu’appelle-t-on penser ?’ của Aloys Becker và Gérard Granel, PUF, 1939, trang 7). Cũng trong ‘Qu’appelle-t-on penser ?’, M. Heidegger viết : ‘Tín ngưỡng (hay Đức Tin) không bao giờ bị hủy hoại bỡi luận lý mà luôn luôn duy nhất bỡi sự việc Thượng Đế tự rút lui’ (Le religieux n’est jamais détruit par la logique, mais toujours uniquement par le fait que le Dieu se retire – trang 29). Xin chú ý : M. Heidegger không gọi cái Không nguyên thủy sinh thành vũ trụThượng Đế mà gọi là Đạo Thể (Être), là Cội Nguồn (Origine), và thơ mộng hơn, ông gọi là Tổ Quốc trong ẩn dụ : ‘Tổ quốc hay Quê hương, Kiều địa hay khách địa (đất khách, quê người) và Cố Hương hay Cố quận’ (Patrie – Colonie – Sol natal)..

 Chính sự việc Thượng Đế hiện bày ra rồi tự che giấu, tự rút lui, luôn ‘thoái tàng, phơi mở’ (retrait-ouvert, theo M. Heidegger), qua cái Thánh linh hay cái Tâm nơi ta mà Thượng Đế và ta luôn luôn liên hệ qua tính cách ‘Cận lập - Viễn ly’(la proximité du lointai). Thượng Đế luôn kề cận (proche) ta nhưng cũng như luôn luôn xa cách (lointain) ta ;. Xin lấy một thí dụ dễ hiểu : Đối với người Việt tỵ nạn Cộng sản nơi các nước tự do, Tổ quốc, Quê hương VN giờ đây xa tít mù (viễn ly) nhưng hình ảnh quê hương luôn sống trong tâm thức (cận lập) để lúc nào ta cũng cũng hướng về quê hương, luôn sống với quê hương. Chính tính cách ‘thoái tàng, phơi mở’, ‘cận lập viễn ly’ nầy của Thượng Đế đối với ta mà qua mọi hành động và kết quả hành động tạo nghiệp của ta, ta hiểu ra tại sao ta thường bảo ‘tâm tịnh, tâm thiện, tâm lành, tâm an’ hay ‘tâm động, tâm loạn, tâm mê’.. Điều nầy, Thần học Ki-Tô giáo cùng những luận giảng về Phật giáo trước nay chưa đề cập. Phái Vô thần và cả các nhà Khoa học cũng chưa ̀ nghĩ tới hay hiểu được. Giải thích tính cách ‘thoái tàng – phơi mở’, tính cách ‘cận lập - viễn ly’ của Thượng Đế, của cái Thánh Linh, cái Tâm nơi ta’ không mấy khó khăn nhưng khá dài dòng, xin chưa nêu ra nơi đây. Cũng do tính cách ‘thoái tàng – phơi mở’ thường trực đó của Thượng Đế nơi ta nên M. Heidegger gọi con người‘hữu thể viễn ly’ (être du lointain).

 Tóm lại, Thượng Đế  hay Thể Chân Như, Chân Không, Đạo Thể, Cội Nguồn, Tổ quốc) tức cái Không nguyên thủy, ở trạng thái Tự Hữu trong môi trường ‘không trở trường’ (môi trường phi hiện tượng) đã tự ‘Sắc tướng hóa’, ‘đối tượng hóa’, ‘vong thân hóa’, ‘vật chất hóa’ chính mình qua một tác động tự thân để phát sinh (sáng tạo) nên cõi Hiện hữu tức môi trường ‘có trở trường’ với Không gian, Thời gian rồi tồn thân khuất lấp nơi từng hiện thể (qua phần Thánh linh hay Tâm không, Tâm như, Tánh Không) , mượn qua hiện hữu của hiện thể mà thể hiện, mở phơi ; nhưng một khi đã thể hiện, mở phơi phần nào lại âm thầm, kín nhiệm thoái tàng, giật lùi về phía trước để hiện hữu luôn luôn với bắt. Do đó mà có biến hóa, sinh hóa, tiến hóa nơi cõi hiện tượng.

 c) Sáng tạo cõi hiện tượng xong rồi, Thượng Đế đi đâu ?, ở đâu ?

 Câu hỏi đặt ra : ‘Thượng Đế tự phân thân từ Vô hạn đi vào Hữu hạn để sáng tạo nên Sự Sống và cõi Hiện tượng, vậy Thượng Đếtồn tại trong trạng thái ‘Tự Hữu, Hằng Hữu’ như trước nữa không ?’. Xin thưa ngay : Thượng Đế vẫn tồn tại trong trạng thái nguyên sơ Tự hữu và Hằng hữu, đồng thời vừa tồn tại nơi từng sự vật qua caí Thánh Linh, cái Tâm tức phần sống Vô ThứcThượng Đế đã phổ vào cho cõi hiện tượng. Vì thế, Thần học, Đạo học, Tôn giáo cho rằng ‘Thượng Đế hiện diện khắp mọi nơi trong cùng mọi lúc’. Tôn sư Eckhart nói rõ : ‘’Thượng Đế chu lưu không hề biến tính suốt dòng đổi thay (của cõi hiện tượng)  để tự kết thúc (có nghĩa tự hoàn thành, tự phục hồitrong đơn nhất tính thể’’ (Dieu parcourt le changement sans altération et se clôt en unité d’essence – xem Œuvres de Maitre Eckhart, bản dịch tiếng Pháp của Paul Petit, Gallimard, Paris 1942, trang 144). 

 Thượng Đế luôn luôn là ‘đầu và cuối’, ‘anpha và oméga’ (sách Khải Huyền, phần Kết luận). Anpha là thời điểm khởi nguyên lúc Thượng Đế tạo nên vũ trụ hiện tượngloài người. Ôméga là thời điểm cuối củả diễn trình sinh hóa của cõi hiện tượng để trở về với trạng thái ‘vô sở trụ’ như Ngài. Dòng dịch chuyển (chỉ dịch chuyển chứ không biến đổi) từ Alpha đến Oméga là hành trình của Thượng Đế để định ra và hướng dẫn dòng Tiến hóa của vạn hữu qua cái Thánh linh mà Ngài đã phổ vào cho mỗi thứ. Do đó, sáng tạo xong cõi hiện tượng, Thượng Đế vẫn trong trạng thái ‘phi hiện tượng’ nhưng chuyển dịch về Tương lai, để đón đợi thời điểm Thánh linh (phần Tính thể của Ngài đã trao cho vạn hữu) cùng mọi thứ mà Ngài đã sáng tạo lần lượt theo từng chủng loại, qua diễn trình sinh hóa, tất cả đều trở lại với Ngài trong trạng thái ‘phi hiện tượng’ nguyên sơ. ; Không gian, Thời gian lúc đó đều là ‘vô sở trụ’, tất cả không còn bị chi phối bỡi qui luật ‘nhân quả’, bỡi lẽ ‘Nhân Duyên sanh’, không còn lẩn quẩn trong vòng ‘sinh tử luân hồi’ mà đạt được sự sống đời đời. Cảm nhận điều đó nên M. Heidegger, theo người viết, đã bảo : ‘’Qua ́ khứ của bình minh trong ngày tới của tương lai’’ (le jadis de l’aurore dans le futur de l’avenir - trích dẫn bỡi Francoise d’Astur trong tác phẩm ‘Heidegger et la question du Temps’, PUF, Paris 1990, trang 116)) để nói về dòng chuyển dịch của Đạo Thể từ Anpha đến Oméga. Điều nầy, Đạo học Đông phương đã nói đến từ lâu. Đạo học Đông phương quan niệm ‘Vạn vật đồng nhất thể’ ‘Tất cả khởi đi từ Một để trở về trong Một’. Phật giáo cũng cùng quan niệm nầy khi đức Thích Ca bảo ‘Vạn hữu bản lai đồng’ ‘Một trong tất cả, tất cả trong một’ (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất) cùng cái ‘Bờ bên kia’ đón đợi loài người ‘đáo bỉ ngạn’.  .  

 C.- Chủ đích hay Mục đíchÝ Nghĩa của Sáng Tạo :

 Sự việc Thượng Đế tự ‘hiện hữu hóa’ mình qua một tác động tự thân để sáng tạo nên vũ trụ hiện tượng, mang ý nghĩa gì và nhằm mục đích gì ? Kinh Thánh (Cựu Ước) và Thần học Ki-Tô giáo không nói. Tuy là huyền nhiệm nhưng óc luận lý không ngớt tra vấn, tìm hiểu. Qua Kinh Thánh và lời Chúa Jésus, người viết nghĩ rằng Thượng Đế tạo dựng nên vũ trụcon người là có định ý vạch ra một Chương trình vừa cho Ngài vừa cho vạn hữu. Chương trình đó ứng vào cho Ngài là đưa phần Thánh linh mà Ngài đã phóng thể vào cho mọi thứ được trở về nguyên thể với Ngài. Chương trình đó ứng dụng cho vạn hữu là định ra dòng diễn biến sinh hóa của muôn vật, trước tiên của nhân sinh, hội nhập vào trạng thái ‘phi hiện tượng’ của Ngài. Theo đôi quan điểm triết học, Thượng Đế từ trạng thái ‘phi hiện tượng’ đã tự tác động mình phát sinh cõi hiện tượng là đã ‘đối tượng hóa’ (s’objectiver) chính mình nhằm mục đích ‘phản quang hồi chiếu lại mình’ (người viết nhớ mang máng lời của Hégel) để Ý thức về mình’ và để ‘hồi phục lại mình’.

 1) Ý Thức về Mình : Hành động ‘tự đối tượng hóa’ mình để sinh thành vạn hữu là hành động ‘tự xuất tính, tự lộ liễu, tự phơi mình ra với bên ngoài để qua cái bên ngoài (đối tượng) nhận ra chân tính của mình’. Vì trong trạng thái Không, trạng thái Tự Hữu trong ‘môi trường không trở trường’, Thượng Đế đơn độc không ý thức được mình ra sao. Cũng như mỗi chúng ta không biết rõ mình thế nào nếu không có những đối tượng bên ngoài ta liên hệ với ta, tác động vào ta. Thường ngày, mỗi chúng ta, có lúc ‘tự đối tượng hóa’, ‘tự khách thể hóa’ ta để có thể hiểu chính ta về mặt nầy, mặt nọ. Ta dùng ‘cái ta bên ngoài’, cái ‘ta khách thể’ đó để hiểu cái ‘ta bên trong’, cái ‘ta chủ thể’, cái ‘ta tự nội’ của ta. Hành động đó có thể xem là cách ‘nhị trùng hóa bản ngã’ của ta để hiểu được chính mình. Thượng Đế tự ‘đối tượng hóa’ mình để sinh thành vũ trụ, có thể cũng trong tình trạng tượng tự. [Điều nầy có thể ứng dụng trong tiếp xúc, tương giao giữa người và người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Cũng có thể ứng dụng vào phạm vi chính trị của một quốc gia : Chính quyền hay Nhà nước khi đưa ra một biện pháp, một chủ trương, chính sách nào, nên ‘tự đối tượng hóa’ mình thành quần chúng, có nghĩa nên ‘hoán vị mình’ vào vị trí, hoàn cảnh người dân để xem chính sách, chủ trương có đáp ứng được thực tế đời sống cùng nguyện vọng nhân dân, gây ra hệ quả nào cho nhân dân, từ đó cải sửa chính sách, chủ trương phù hợp với thực trạng sinh hoạt của nhân dân và đất nước].

 Thượng Đế ý thức về mình như thế nào và bằng cách nào ? Ý thức về mình là nhìn ra giá trị cùng năng lực, khả năng tác động, kết quả của hành động mình. Tạo nên cõ hiện tượngThượng Đế đã tự tác động mình cùng tác động vào mọi thứ mà Ngài đã sáng tạo cùng nhận ra tác động của bên ngoài (đối tượng) đối với mình.

 Thượng Đế tác động vào mọi sự mọi vật hiện hữu qua cái Thánh linhThượng Đế đã trao gởi vào mỗi thứ. Chính do tác động của Thánh linh, phần sống vô thức nơi mỗi thứ hiện hữu vào hai phần sống Thân xác và Ý thức mỗi hiện thể mà Thượng Đế ý thức được khả năng và ý hướng của mình về công trình sáng tạo của Ngài. Thánh linh (hay cái Tâm, phần tồn thân của Thượng Đế hay của Thể Chân Như nơi mỗi hiện thể) , phần sống Vô thức hay Siêu thức tác động vào hai phần sống Thân xác và Ý thức để mọi hành động ‘thân, khẩu, ý’ tác động lại bản thân mỗi người và tác động vào môi trường bên ngoài (thiên nhiênđồng loại) mà đưa đến những kết quả ‘tốt, xấu, thiện, ác’ cho cuộc sống cá thể và cho cuộc đời (cuộc sống chung của xã hội, của chủng loại) Do kết quả của hành động từ hai cái Sống Thân xác và Ý thức mà ta thường bảo là ‘tâm tịnh, tâm an, tâm lành, tâm động, tâm loạn, tâm mê,…’ như được nói trên.

 Cũng do ý thức về hành động của mình mà Thượng Đế đã tự trách đã dựng nên loài người chuyên sống theo xác thịt, đầy dẫy sự hung ác, và buồn rầu trong lòng khi bảo : ‘’Ta sẽ hủy diệt trên mặt đất loài người mà ta dựng nên, từ loài người đến loài côn trùng, loài chim trời, vì ta tự trách đã dựng nên những loài đó’’ (STK : 6-7). Lời nầy cho thấy chính cõi hiện tượng đã ‘tác động’ lại Thượng Đế ̃ (tương quan ‘chủ thể-đối tượng’). để Ngài nhận ra tính cách thiếu hoàn hảo trong hành động sáng tạo của Ngài. Do đó, Ngài tạo ra cơn Hồng thủy nhưng vì hành động sáng tạo chỉ một lần duy nhất, nên bảo Noé chọn mỗi loài một cặp đem vào thuyền. Mỗi loài một cặp được cứu sống đó lại sinh sôi, phát triển và tiếp tục phạm tội. Liệu Thượng Đế có thêm một lần hối hận, tự trách để hủy diệt mọi loài một lần nữa không ? Qua Kinh Thánh, Thượng Đế quả có hối hận nhưng không thể sáng tạo lần thứ hai nên đã báo trước sẽ cho con Ngài (Jésus) xuống thế gian, thay Ngài chịu chết hầu chuộc hết tội lỗi thế gian, đồng thời, theo người viết, cũng để ‘chuộc’ lại lỡ lầm của Thượng Đế.Nhưng thế gian vẫn tiếp tục phạm tội, gây đau khổ, tội lỗi cho nhau nên, qua lời Jésus, Thượng Đế qua con Ngài là Jésus lại ‘tái thế’ để tái tạo lại sự Sáng tạo bằng cách ‘làm mới lại hết thảy muôn vật’ (Khải Huyền : đoạn kết luận) và lúc bấy giờ, loài người ‘’Phước thay cho những kẻ giặt áo mình (có nghĩa rửa sạch mọi tội lỗi, sống không còn phạm tội, tâm hồn thánh thiện) đặng có phép đến nơi Cây Sự Sống và bỡi các cửa mà vào trong thành’’(Khải Huyền : 22-14 )

 Chúa Jésus đã báo trước thời điểm sau rốt của dòng tiến hóa của nhân sinh tức thời điểm ‘muôn vật đổi mới’ (Ma : 19-28). Đấy là lúc trái Tri thức trở về nguyên sơ với Cây Sự Sống, không còn phân biệt Thiện, Ác và sẽ được sự sống đời đời : ‘’Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt, chúng sẽ không có sự chết, không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa ; vì những sự thứ nhất đã qua rồi’’ (Khải Huyền 21-4 – ‘những sự thứ nhất’, ý nói những gì đã xảy ra trong kỷ nguyên sinh hóa trước).

 2) Hồi phục lại mình :

 Mục đích của hành động Sáng tạo của Thượng Đế, ngoài việc ý thức về mình, còn để Thượng Đế hồi phục lại mình. Thượng Đế hồi phục lại mình có nghĩa Thượng Đế đưa phần đã vong thân để cư ngụ nơi mỗi hiện thể vật và người (phần Thánh linh hay cái Tâm)  trở về với Thượng Đế cùng tất cả những gì Thượng Đế đã sáng tạo tuần tự theo dòng Tiến hóa mà hội nhập vào Ngài, có nghĩa trở về trong trạng thái ‘phi hiện tượng’ như buổi ban đầu mà Ngài đã ‘nghịch ngợm’ tự làm cuộc phân thân chính mình. Giống như người con mang một phần máu mủ, tình ý của cha mẹ, ra đi lập nghiệp hay trôi giạt phương xa, nay trở về cùng sống với cha mẹ trong ngôi nhà êm ấm trước đây. Đấy là thời điểm Omega, loài nguời cùng Thượng Đế vui huởng sự Sống đời đời.

 Chính dòng dịch chuyển của Thượng Đế từ Khởi nguyên (anpha) đến điểm cuối của hành trình (Omega) đã định ra dòng Tiến hóa của vạn hữu tuần tự qua từ̀ng chủng loại, trước tiên là chủng loại người để cuối dòng Tiến hóa lại ‘hội nhập’ vào trạng thái ‘phi hiện tượng’ hay ‘Chân Không’ của Thượng Đế, của Thể Chân Như, của Đạo Thể. Vì thề, sau khi sáng tạo nên cõi hiện tượng, Thượng Đế không ở vị trí bất động, cố định mà chuyển dịch về Tương lai để cuối dòng chuyển dịch nầy, hồi phục lại mình và hồi phục mọi thứ đã sáng tạo trở lại với nguyên thể tức trạng thái hiện hữu ‘phi hiện tượng’, không còn tội lỗi, đau khổ, không còn Thiện, Ác, không còn sống, chết, không còn bị chi phối bỡi Không gian, thời gian ; cảnh giới đó là nước Thiên Đàng hay cảnh giới ‘Đại Viên cảnh’ theo nhà Phật.

 D.- Thượng Đế tự lưu đày mình - Cuộc Liều và Cuộc Chơi của Thượng Đế :

 Có thể xem ‘Sự việc Thượng Đế tự phân thân từ Vô Hạn đi vào Hữu Hạn để tạo nên vạn hữu rồi tồn thân nơi vạn hữu là ‘Thượng Đế đã ’tự lưu đày’ mình vào cõi thế để cuối đường lưu đày lại trở về với chính mình lúc ban đầutrạng thái hoàn hảo hơn trước’’. Dùng ẩn dụ của M. Heidegger, có thể nói : ‘’Thượng Đế đã rời bỏ Tổ Quốc (Quê hương ban đầu) , phiêu lưu vào miền Kiều địa (cõi thế gian tức cõi hiện tượng) để sau hành trình trôi nơi nơi miền Kiều địa lại trở về với Cố hương và làm đẹp cái Quê hương ban đầu vạn lần hơn trước do từ hành trang thu thập suốt thời gian tha phương nơi miền Kiều địa’’(Phải chăng, đây là hình ảnh sứ mạng nơi tâm thức người Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại hiện nay). Kết quả cuộc hành trình ‘tự lưu đày’ vào cõi thế thương đau là Thượng Đế được trở về với chính mình cùng đưa dẫn mọi thứ nơi miền Kiều địa cùng trở về với mình trong trạng thái đầy đủ, cao sâu, phong phú hơn trước, trạng thái Cây Sự Sống,, trạng thái cảnh giới Thiên Đàng. Cảnh giới Thiên Đàng không riêng của Thượng Đế mà chung cho cả vạn hữu tuần tự qua từng chủng loại sau quá trình Tiến hóa do hành trình ‘tự lưu đày’ của Thượng Đế, vì bỡi bấy giờ, tất cả đều như là ‘thiên sứ trên Trời’. Đấy là ý nghĩamục đích của Sáng tạo và cũng là ý nghĩa cùng cứu cánh của diễn trình Tiến hóa của nhân sinh.

 Sự việc Thượng Đế sáng tạo nên Sự Sống nơi cõi hiện tượng, tồn thân nơi mỗi thứ Ngài đã sáng tạo, sống cùng vũ trụ hiện tượng (qua phần Thánh linh) để đưa vũ trụ hiện tượng về lại với Ngài, được đôi nhà Triết học và nhà Thơ xem là một ‘cuộc Liều’, một ‘trò chơi’ của Thượng Đế, lôi kéo con người vào bao hiểm họa không rõ ra sao.

 Héraclite xem đấy là trò chơi nghịch ngợm của Thượng Đế giống như con trẻ : ‘’ Đứa Trẻ chơi Cuộc Chơi của thế giới ?.Nó chơi vì nó chơi. Cái ‘bỡi vì’ tan biến trong cuộc Chơi. Cuộc chơi không có nguyên nhân tại sao. Nó chơi trong lúc nó chơi. Chỉ duy nhất cuộc Chơi tồn tại ; cuộc chơi là Cái cao tột nhất và sâu thẳm nhất. Nhưng cái ‘duy nhất’ đó là tất cả. Đấy là cái Một, cái Độc Nhất’’ (l’Enfant qui joue le Jeu du monde ? Il joue parce qu’il joue. Le ‘parce que’ disparaît dans le Jeu. Le Jeu est sans ‘pourquoi’ . Il joue cependant qu’il joue. Le Jeu seul demeure : il est Ce qu’il y a de plus haut et de plus profond. Mais ce ‘seul’ est tout. C’est l’Un, l’Unique’’ – Xem M. Heidegger trong ‘Principe de Raison’, tel/Gallimard, Paris 1989, trang 243)

 Chúng ta không hiểu rõ được lý do nào, nguyên nhân nào về cuộc Chơi đó của đứa Trẻ tức Thượng Đế. Không hiểu nhưng tất cả chúng ta đều nằm trong cuộc Chơi đó ; tất cả đều vào trong Cuộc Chơi và đều đang Chơi cuộc Chơi đó của đứa Trẻ. Do đó, mọi hoạt động của con người trong cõi hiện tượng -từng người hay cả nhân loại nói chung- về bất cứ phương diện nào, từ sự việc thông thường : ăn, mặc, ở, đi đứng, làm tình, du hí,…đến những hoạt động cao cấp hơn : suy nghĩ, tư duy, yêu thương, tình ái, sáng chế, phát minh, triết học, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, chính trị, kinh tế,…, nói cách dí dỏm và văn chương, đều là một trò chơi của thế giới trong thế giới của Cuộc Chơi’ (un jeu du monde dans le monde du Jeu).

 Chúng ta, tất cả đang nhào lộn trong cuộc Chơi do Thượng Đế bày ra. Chúng ta với Ngài cùng chơi cuộc Chơi đó, và Ngài chỉ cho ta cách Chơi thế nào cho đẹp, cho hữu ích cho mình và cho đời, cả cho Ngài, chơi cho đúng cách Ngài đã chỉ dẫn chúng ta.

 Bà Huyện Thanh Quan, có lẽ trong cảm nghĩ đó, nên bảo : ‘’Tao hóa gây chi cuộc hí trường !’. Và Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, trong ‘Cung Oán Ngâm Khúc’ đã bảo : ‘’Tre ̉ Tạo hóa đành hanh quá ngán, Chết đuối người trên cạn mà chơi !’’.

 Cuộc Chơi đó, cái hí trường đó diễn tiến ra sao và dẫn về đâu ? Đấy là chương trình của Thượng Đế đã định ra cho cõi hiện tượng nầy.

 (Trên đây là những ý kiến chúng tôi cảm nhận qua Kinh Thánh và lời Chúa Jésus. Chúng tôi quan niệm ‘hiểu Tôn giáo không chỉ riêng bằng Đức Tin mà còn bằng cả tri thức luận ly’́. Nền Thần học , theo chúng tôi nên là ‘nền Thần học Tri thức luận’ (théologie épistémologique).

Ngày 30/09/2010
 NT&TMX


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.