Những Giọt Huyết Ngà

14/01/201212:00 SA(Xem: 6783)
Những Giọt Huyết Ngà


Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu 


NHỮNG GIỌT HUYẾT NGÀ

Ba Me tôi hạ sinh được mười bốn người con, vừa tròn một câu lục bát:
"Trang Diễm Duyên Hồng Hợp Hiền
Hậu Thuần Hiếu Hảo Hữu Yên Khuê Bình"

Thật đúng là... thơ! Mười bốn chữ của câu thơ ngắn gọn nhưng lại to lớn hơn cả mọi công trình xây dựng trên thế gian này, đến hôm nay vẫn còn đầy đủ nguyên vẹn, từ chữ đầu năm nay đã được sáu mươi ba tuổi, cho đến chữ cuối cùng đã ba mươi chín tuổi, tất cả đều nên người, đều ít nhiều biết làm thơ, biết vẽ tranh, viết văn, đàn ca hát xướng, và tất cả đều thường quen gọi người mẹ vĩ đại của mình bằng một tiếng nhẹ nhàng nhưng đầy tôn kính và thân thương: Me.

Me tôi năm nay đã tám mươi tư tuổi, thật hạnh phúc cho anh chị em chúng tôi là Me vẫn còn hiện hữu trên trần gian này với một vóc dáng mình hạc xương mai nhưng lại là một cái bóng lồng lộng che ngang giữa bầu trời mà anh chị em chúng tôi hàng ngày hàng đêm ngước cổ lên ngắm nhìn bằng sự chiêm bái. Lặng lẽ thờ chồng nuôi con, lặng lẽ làm thơ và kinh kệ khuya sớm, và lặng lẽ lo lắng cho từng đứa con đang ở xa cũng như ở gần, cho dù đứa con nào của Me cũng đều đã "già đầu" khôn lớn... Sự lo lắng, quan tâm đến con cháu của Me được trải đều, nhưng tùy hoàn cảnh của mỗi đứa con mà Me xử sự.

Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn hàng ngày lo nghĩ đến chị Cả tôi, không biết công việc viết sách và giảng dạy tại trường đại học ở Thái Lan của chị ấy có được thông suốt hay không? Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn lo lắng cho chị Hai tôi đang ở Sài Gòn, nghe chị ấy vừa nghỉ hưu phải xa rời bục giảng học đường, cuộc sống chắc sẽ buồn lắm, nhiều thay đổi lo toan lắm. Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn lo ngay ngáy trông tin tức của anh Ba tôi, nghe dạo này anh ấy đau lưng đứng đi khó khăn nặng nhọc, mà phải hì hục cắm cúi chạy đây chạy đó để trình bày minh họa cho vài tờ tạp chí.

Tám mươi tư tuổi, Me vẫn trầm ngâm nghĩ ngợi vừa mừng vừa phập phồng cho duyên mới của chị Tư tôi, cầu Trời cầu Phật cho con thuyền tình duyên muộn màng của chị ấy cập được một bến bờ an vui ấm áp. Tám mươi tư tuổi, Me hàng ngày ngồi ngóng thư từ tin tức của chị Năm tôi đang lưu lạc bất định rày đây mai đó với đứa con trai duy nhất, không biết hai mẹ con đã có chỗ nương náu ổn định hay chưa? Tám mươi tư tuổi, Me vẫn hàng tuần đi xích-lô đến thăm hỏi vợ chồng anh Sáu tôi, khi thì ngó chừng thùng gạo, lúc thì hỏi thăm túi tiền, rồi khẽ khàng dúi vào tay anh ấy mấy tờ giấy bạc mà Me dành dụm được trong tháng qua.

Me còn phải lo nghĩ đến gia đình anh Bảy tôi, nợ nần không hiểu đã trả được hết chưa, có buôn bán được không, và mấy đứa cháu nội đi làm có gặp gì khó khăn hay không? Rồi còn chị Tám tôi đang làm tại tòa soạn báo ở Sài Gòn, công việc căng thẳng, thân thể ngày càng xanh xao xương xẩu, không rõ chị ấy có chịu ăn uống bồi bổ nhiều vào như lời Me dặn trong thư hay không? Me đang lo nghĩ đến anh Chín tôi mới vừa chân ướt chân ráo sang ở nước Mỹ xa xăm, chưa có việc làm, phải bù đầu mà học tiếng Anh, học lái xe, thì lấy gì mà sống cho no đủ? Rồi còn anh Mười tôi đang ở cách xa nửa vòng trái đất, hết nghề chọn lại chọn theo nghiệp viết văn làm thơ của Ba Me, vừa làm thợ sắp chữ nhà in thức đêm thức hôm hụt hao sinh lực.

Tám mươi tư tuổi, Me còn lo lắng cho thằng Mười Dư là tôi - không rõ mùa báo Tết vừa rồi nó có được đăng bài nhiều hay không, để có tiền mà lo cho vợ con, trang trải nợ nần. Me còn phải lo lắng cho ngay cả con Mười Hai mặc dù chính nó đang ngày đêm kề cạnh để hầu hạ chăm sóc cho Me, cứ nơm nớp sợ nó bệnh, hay sợ nó gặp chuyện gì đó buồn phiền nên không chịu cười cho Me nhìn thấy. Me lại phải nhăn trán nhíu mày để lo nghĩ đến con Mười Ba lao đao lận đận, buôn bán lúc nắng lúc mưa, tiền lời kiếm được bao nhiêu trong ngày đều phải dốc hết ra mà lo cho hai đứa con gái đi học.


Và còn thằng Út nữa, Me cũng lo lắng nhiều, mất ngủ nhiều đêm, trăn trở lắm buổi khi nó vừa quyết định bước qua ngưỡng cửa hôn nhân đại sự ở cái tuổi sắp tứ tuần với một người con gái ở phương trời xa lắc... Ai đã yên bề gia thất thì Me mừng, ai có cuộc sống ấm no dư dả thì Me vui, ai đang gặp chuyện trắc trở thì Me khuyên lơn động viên an ủi, ai đang lâm cảnh khó khăn túng bấn thì Me âm thầm chia sẻ san sớt... Dường như niềm vui của Me lúc tuổi đã bóng xế chiều tà là vẫn còn lo lắng được, vẫn còn khuyên dạy được, vẫn còn chu cấp vật chất lẫn tinh thần được cho con cháu của mình. Cứ như vậy, bao nhiêu năm qua với cái dáng thẳng lưng nhẹ bước thong dong thư thả, Me vẫn cận kề một bên hết thảy con cháu của mình để tỏa hơi ấm tình thương mà người đời thường ca tụngbao la như biển Thái Bình.

Mười bốn chữ trong câu lục bát tuyệt tác của Ba Me - hỏi ai không một lần ngâm nga nghiền ngẫm thi phẩm "Những giọt huyết ngà" của những năm 40 - 50 mà lúc sinh tiền nhà thơ Quách Tấn đã từng ca tụng trên báo tỉnh nhà là "một trong những bài thơ bất hủ trên đất Khánh Hòa":

Đây dòng sữa Me nấu bằng hơi thở
Truyền từ nguồn huyết thống, suối thương yêu
Huyết Me khô cho phần sữa thêm nhiều
Me vâng lĩnh ý trời, ban con đó!
Con uốn hai vành môi son thắm đỏ
Dòng huyết ngà tuôn theo nhịp vành môi
Huyết thân Me, nhưng phép lạ tay trời
Pha dịu ngọt trong đôi dòng sữa ấm
Mỗi tia sữa là mỗi luồng điện sống,
Bú đi con! Hứng nhận cả lòng say...
Con nghĩ gì trong bộ óc thơ ngây,
mơn trớn như nâng vàng hứng ngọc?
Me yêu quá, giọng cười và tiếng khóc
Ai bày con tôi nói tiếng chim đây?
Dễ thương chưa? Da sữa thắm hây hây
Ai ướp cả muôn hương vào thớ thịt?
Thương chẳng có chỗ cùng, thương tuyệt đích
Me thương con thắm thiết lắm, con ơi!
Cao như non? Cao sánh vút chân trời,
Rộng như biển? Rộng lan trùm trái đất
Con là tất cả ý niềm vui sống!

Bài thơ này của nữ sĩ Trinh Tiên, về sau làm thơ Đạo - nữ thi sĩ của Phật giáo - lấy bút hiệu là Tâm Tấn (cũng là pháp danh), chính là Me của tôi đó! Anh chị em chúng tôi thật diễm phúc khi được hưởng những giọt huyết ngà của Me mà khôn lớn nên người. Cho dù cuộc đời có lắm trái ngang, hay có lắm khổ buồn, thì những đứa con của Me vẫn đứng thẳng lên được để mà đi nhờ đã tiếp nhận vào tận máu xương, tận tâm hồn mình cái nguồn suối "thương chẳng có chỗ cùng, thương tuyệt đích" mà Me đã ban cho.

Me sống thật thâm trầm. Me không thích được ai nói về mình, không thích được ca tụng, không thích được khen ngợi hay tôn vinh gì hết, mặc dù bạn văn chương thi phú thâm giao của Me và của Ba toàn là những tên tuổi vang lừng trên văn thi đàn nước nhà... Khi biết tôi có ý định viết một bài ngắn về Me để gởi đăng trên một tờ nội san của một chùa hoặc một tờ báo chuyên đề về phụ nữ nào đó nhân mùa Vu lan đến, Me có vẻ như không đồng tình, rồi làm thinh. Me càng phản đối hơn khi nghe tôi định gởi một ảnh của Me kèm theo bài viết. Không dám làm phật ý Me, tôi đành cất tấm ảnh chân dung của Me vào lại album với lòng đầy tiếc nuối. Đó là bức ảnh của Me mà tất cả "mười bốn chữ trong câu lục bát" đều được Me trao tặng. Trong ảnh, Me thật là đẹp, đẹp như tiên. Và ngoài đời, đối với anh chị em chúng tôi, Me bao giờ cũng đẹp, cái đẹp vĩnh cửu vĩnh hằng không một tuyệt đỉnh nghệ thuật nào diễn tả nổi!

Viết về Me, có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ, có viết dài lê thê thậm thượt cách mấy cũng trở thành ngắn ngủn sơ sài. Nếu hết thảy mười bốn anh chị em chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để cùng viết mấy pho sách về Me cũng không thể viết hết chuyện, không thể kể hết lời, không thể diễn tả hết những gì Me - cũng như Ba - đã để lại cho con cái. Nhưng tôi chắc chắn một điều: những giọt huyết ngà của Me vẫn luôn chảy miên man, tuôn tươm bất tận vô cùng vào trong huyết quản, trong từng mạch máu, trong từng hơi thở và thấm đẫm trong tâm tưởng anh chị em chúng tôi cho dù một ngày nào đó - theo lẽ vô thường sinh trụ hoại diệt mà Me từng bình thản giảng dạy cho con cái nghe - bóng dáng mảnh mailồng lộng của Me khuất hẳn khỏi cõi trần gian bụi bặm như một vầng trăng tròn vằng vặc chìm sau dãy núi xa xa...

Đã đăng trên Báo Giác Ngộ 238
(Số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu PL: 2548 ra ngày 26-8-2004)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.