Tùy bút: "Nói chuyện Phước Sương, sang đàng lạm bàn chuyện Công Đức"

27/09/20207:48 CH(Xem: 2419)
Tùy bút: "Nói chuyện Phước Sương, sang đàng lạm bàn chuyện Công Đức"

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, bàn và trong nhà
Tùy bút


NÓI CHUYỆN PHƯỚC SƯƠNG, SANG ĐÀNG LẠM BÀN CHUYỆN CÔNG ĐỨC



         Trong một lần tôi đi lễ Phật bái tăng một lượt các chùa ở miền quê xa xôi, tình cờ tôi gặp được một "Phước Sương" rất đặc biệt, độc đáo mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng được nhìn thấy.

        Sang đàng một tí đây. "Phước Sương", tại sao tôi lại gọi trổng trổng thiếu thiếu như vậy? Vì chữ "Sương" tiếng Hán (ít dùng) có nghĩa là cái "thùng", hoặc "hòm" theo tiếng Bắc Việt, nên tôi chỉ nói gọn là "Phước Sương", thùng đựng Phước chứa Phước, không thừa dư một chữ nào. Phước Sương chỉ là một cái thùng chứa đựng Phước, còn Phước Điền là cả một thửa ruộng để gieo sạ trồng trọt Phước, vì vậy khi ta cung kính thả một tờ giấy bạc cúng dường vào Phước Sương, tức là ta cũng đang gieo hạt giống tốt lành trên Phước Điền rồi đó!

Hình ảnh có thể có: trong nhà

       Sang đàng thêm một chút nữa. "Hòm" của miền Bắc khi vào đến miền Trung và Nam Việt thì lại thành nghĩa khác, sẽ là "rương" hoặc "quan tài"... Khổ vậy, lắc léo hại não ghê nếu ai đó là người ngoại quốc muốn học tiếng Việt cho rành giỏi!

      Trở lại với "Phước Sương" độc đáo lạ lẫm mà lần đầu tiên tôi thấy được. Thùng đựng Phước này nằm trên chánh điện của một ngôi chùa ở ngoại ô vùng duyên hải, xin được miễn nêu tên vì lý do tế nhị, mà chùa này là chùa từng bị "đạo chích nhập nha" viếng thăm nhiều lần. Trộm đạo vùng thanh vắng này đã táo gan trổ cả nóc một gian tịnh thất để định thỉnh, ồ không, để bưng bê một pho tượng một vị Tổ Sư Dòng Thiền màu đen bóng. Nhưng rồi, khi tự tay sờ sẫm bưng bê được pho tượng lên rồi, tay trộm mới biết đó là tượng bằng gỗ phết sơn, chứ không phải bằng đồng như lâu nay mình "nghía" trước mà tưởng bở. Tượng bị chê ít giá trị, được đặt lại dưới đất, vẫn còn cái duyên gắn bó với nhà chùa. Trộm lộng hành ngang nhiên cỡ đó, nên Phước Sương trên chánh điện của ngôi chùa này cũng phải tùy duyên ứng biến, chắc cũng đã từng bị móc khoèo hay phá khóa hốt tịnh tài trong thùng đó vài lần rồi, nên thay vì dùng thùng gỗ ván như bao tự viện khác, nhà chùa đã "đề phòng cẩn mật, bảo đảm an toàn" cho Phước Sương, nơi chứa đựng tiền cúng dường của thập phương bá tánh thiện tín, bằng một chiếc... két sắt. Cánh cửa tủ két đương nhiên cũng là sắt thép, lại dầy, nên đã được thợ hàn thợ sắt giúp cho việc rạch khoét cho một đường, trở thành khe hở để phật-tử bỏ giấy bạc vô Thùng Phước cúng dường Tam Bảo. Nhìn ngắm Phước Sương kiên cố trước mắt mình, tôi không khỏi kinh ngạc và... xót xa, chứ không hề cười nổi. Tội nghiệp cho nhà chùa, phải ứng phó với ma quân phá phách bằng cách này mới tạm ổn, tạm an tâm.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
Không có mô tả ảnh.

         Sang đàng chuyện "Hòm Công Đức", xin nói ngay là từ ngữ "Công Đức" lâu nay đã bị lạm dụng, dùng sai, đúng ra chỉ dùng chữ "Phước Đức" thôi. Chúng ta sẽ thấy rằng “vật thể” Hòm Công Đức càng bị lạm dụng nhiều hơn "từ ngữ", vì đền chùa miếu đình am miễu lớn nhỏ ở phố quê, miền xuôi miền ngược, miền núi miền biển... đâu đâu cũng thấy đặt "Hòm Công Đức". Tôi nhớ mang máng, hình như ở các tang lễ cũng có đặt "Hòm Công Đức" do các Dịch vụ Mai Táng mang đến đặt nơi bàn hương linh người mới quá vãng, vì không chụp ảnh lưu làm bằng chứng, nên vụ này tôi không dám nói chắc lắm. Đàn na tín thí do không hiểu sự khác nhau giữa "Phước Đức" và "Công Đức", chắc nghĩ cũng là một thôi, nên cúng dường cứ là cúng dường, thấy thùng thấy hòm nằm đó thì mình cứ thả tiền qua khe thôi, có Công hay Phước đức là tốt rồi, ổn rồi, an tâm mà về nhà với lòng râm ran niềm hoan hỷ. Thiên hạ còn thường tán thán, tán dương nhau "Công Đức Vô Lượng!" để cỗ vũ, khích lệ, ngợi khen người này kẻ kia vừa mới làm một việc Thiện, việc Tốt, việc Lành. Xin thưa ngay và luôn, "Phước Đức" thì mới đúng. Còn vô lượng hay hữu lượng thì còn tùy ở... số lượng, và quan trọng nhất là "tâm lượng"!

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và trong nhà
Hình ảnh có thể có: trong nhà

        Khi mình cúng dường, đóng góp tịnh vật, tịnh tài để đúc chuông, tạo tượng, hay ấn tống kinh sách... thì đó chỉ là những việc làm tạo phước "bên ngoài" (ngoại thân ngoại tâm), có mang lại lợi lạc cho tha nhân, cho mọi người, cho cộng đồng xã hội nên gọi là Phước Đức. Chính nhờ Phước Đức này mà mình được giảm thiểu nghiệp chướng, quả báo thay vì sẽ ập đến đòi nợ mình liền bị hóa giải tiêu tan... Nói chung là "chuyển nghiệp" của mình trên bước đường đời, cũng như trên nẻo đạo, chứ Phước Đức không có công năng giúp mình vượt thoát khỏi sinh tử luân hồi, giác ngộ giải thoát.

          Còn muốn có "Công Đức" thì mình phải có tu tập "Giới Định Tuệ" và cả "Văn Tư Tu". Vậy nghĩa là Công Đức có được từ "bên trong" (nội thân nội tâm), hoàn toàn khác biệt với Phước Đức. Năng lực của Công Đức giúp người tu tập vượt qua bể khổ, chuyển hóa tâm tánh của con người từ tục tử phàm phu trở thành HiềnThánh Tăng, A La Hán, cao hơn nữa là Bồ Tát, cao ngất trời là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật, Thế Tôn!

         Tuy nhiên, nếu như mình cúng dường, bố thítâm không mong cầu bất cứ thứ gì, thi ân bất cầu báo, giỏi hơn nữa thì không hề để tâm gì đến người cho-vật cho-người được cho, người cúng-vật cúng-nơi nhận cúng, hoàn toàn không tính toán suy nghĩ gì thêm ngoài sự "cúng dường, bố thí", thì những việc làm đó vừa ích lợi cho người, vừa ích lợi cho mình, có thế, vâng, tôi chỉ dám dùng từ "có thể" thôi, mình sẽ vừa được Phước Đức vừa được Công Đức. Hi vọng chút vậy để sống tiếp mà tinh tấn tu tập.

        Sang đàng và lạm bàn ngẫu hứng, nên tôi khó tránh khỏi thất thố, nếu có sai sót, thiếu sót lẫn thừa dư, xin thành tâm gập mình sám hối và ngưỡng mong chư vị từ bi hoan hỷ lượng thứ, và ban cho lời chỉ giáo, sẽ rất là... Phước Đức Vô Lượng!

       Nam mô Công Đức Lâm Bò Tát ma ha tát!

Tâm Không Vĩnh Hữu

Hình ảnh có thể có: trong nhà

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.