Đã mười năm, mười năm lầm lủi một thân một bóng tần tảo nuôi con ăn học khôn lớn kể từ ngày sinh mệnh cha tôi bị căn bệnh ung thư hiểm nghèo tước mất đi, mẹ chưa hề một lần than rên kể lể, và cũng chưa một lần được hưởng những giờ phút nghỉ ngơi thanh thản. Mẹ chỉ đòi hỏi nơi tôi hai điều: Học hành tấn tới và trao dồi đức hạnh. Tôi đã không phụ lòng người mẹ tuyệt vời của mình, từ năm học lớp 4 đến hết cấp 3 tôi là học sinh giỏi liên tiếp và thi đỗ đến hai trường đại học với thứ hạng cao. Tôi biết mẹ rất vui mừng, tự hào vì đứa con gái ngoan giỏi. Nhưng mẹ chưa thỏa nguyện. Mẹ còn mong muốn nhiều hơn, cao hơn. Mẹ còn đòi hỏi tôi phải tốt nghiệp đại học, trở thành một nhân tài kiệt xuất để cống hiến tâm sức trong công cuộc xây dựng làm giàu đất nước.
Khi tôi học qua được năm thứ nhất đại học kinh tế, tôi mới hiểu ra được rằng sự đòi hỏi của mẹ không phải là đòi hỏi của riêng ai. Chính tôi khát khao ôm ấp hoài bão tiến lên phía trước để gặt hái những quả ngọt trái thơm. Chính tôi đòi hỏi nơi tôi điều ấy. Học, học, và học. Tôi biết tôi học cho mình, cho chính tôi trước tiên, nên tôi tìm được niềm say mê thích thú khi cắm đầu vào đèn sách bút mực. Đang lúc tôi lao đi với tốc độ mạnh mẽ và tự tin trên đại lộ học vấn thì mẹ đã làm cho tôi phân tâm, chao đảo, và giảm vơi sự hứng khởi đang dạt dào.
Mẹ đang yêu thương một người đàn ông tầm thường. Một tình yêu đâm nụ nẩy chồi trong trái tim héo hon lạnh buốt của mẹ tôi khi bà đang ở vào tuổi trên bốn mươi. Người đàn ông đã nhảy vào ngồi xổm ngay nơi trống vắng mà cha tôi để lại suốt mười năm qua chính là bác Hưng, một người phu khuân vác, đẩy xe ba gác ngoài khu chợ mà mẹ tôi bao năm dầm sương dãi nắng buôn bán kiếm tiền nuôi tôi ăn học.
Bác Hưng là một người lầm lì, cục mịch. Với cái tướng to tê như hộ pháp, vai u thịt bắp, bác Hưng càng trở nên đáng sợ, rất ít ai dám gần gũi thân thiết. Nghe đâu trước kia bác từng là lính trinh sát vào sinh ra tử, bị thương cận ngày miền được hoàn toàn giải phóng. Không nhà cửa, không còn gia đình thân quyến, một mình lưu lạc tứ xứ, sống qua những ngày tháng gian khổ cam go ở nhiều vùng kinh tế mới, bác Hưng trôi dạt về lại thành phố, đem sức lao động đánh đổi miếng cơm mạnh áo nơi chốn chợ búa xô bồ mấy năm qua…
Khi tôi còn học lớp 11, mẹ chuyển từ buôn thúng bán mẹt sang buôn sạp bán quầy, mỗi sáng phải chở những bao hàng quần áo ra chợ, đến chạng vạng phải thu dọn chở về nhà, công việc nặng nhọc khiến mẹ vất vả nên rất cần đến sự trợ giúp của ai đó. Tôi bận học, có muốn giúp mẹ một tay cũng không được vì mẹ không cho. Mẹ thuê người khác làm. Bác Hưng bấy giờ là tổ trưởng tổ bốc xếp hàng hóa tại chợ, nhận lấy công việc chuyên chở hàng cho mẹ tôi từ nhà ra chợ, và ngược lại, với tiền thù lao rất nhẹ nhàng.
Từ dạo ấy, bác Hưng lãnh tiền lương tháng từ mẹ tôi, trở thành một trợ thủ đắc lực giúp cho người đàn bà góa bụa chân yếu tay mềm được thuận chèo mát mái trong việc buôn bán. Bác Hưng đã trở thành người quen của hai mẹ con tôi, và của cái hàng xóm vốn tò mò tọc mạch quanh nhà tôi nữa. Không chỉ vận chuyển hàng, thu dọn sạp cho mẹ tôi, thỉnh thoảng bác Hưng còn tự nguyện làm giúp những việc lặt vặt trong nhà tôi, khi thì bắc lại điện nước, khi thì đóng ghế sửa giường, khi thì lợp lại mái nhà, trang trí lại nội thất…với gương mặt luôn trầm ngâm và lạnh băng.
Ngày tháng qua dần, mẹ tôi buôn may bán đắt một phần nhờ sự trợ giúp tận tụy của người đàn ông lực lưỡng có gương mặt khắc khổ lạnh lùng chẳng ai ưa. Chính tôi cũng được thuận buồm xuôi gió trong việc học hành thi cử, vào đại học kinh tế ở ngay thành phố để khỏi đi xa nhà, xa mẹ, ấy cũng nhờ một phần công sức của bác Hưng. Tôi biết ơn lắm. Nhưng, tôi không thích bác Hưng trở nên gần gũi thân thiện với mẹ mình. Trong mắt tôi, bác Hưng không xứng đôi với mẹ chút nào. Mẹ tôi đẹp, đằm thắm và tươi vui. Còn người đàn ông kia thì xấu xí, lầm lì và thô kệch như một pho tượng đất biết cử động. Hơn nữa, tôi không hề muốn ai thay thế cha tôi để sống với mẹ trong căn nhà đầy kỷ niệm đầm ấm và đau thương của mẹ con tôi. Tôi lại không được quyền lên tiếng. Chỉ còn biết tỏ thái độ phản đối với bác Hưng từ khi thấy đươc mối nhân duyên của hai người lớn đã và đang nở rộ, hàn kết cho hai số phận lẻ loi gắn bó lại khăng khít với nhau. Tôi không thể nở được nụ cười khi ở trong nhà đang có sự hiện diện của người đàn ông cục mịch khô khan. Tôi không thể ăn ngon miệng vào những bữa ăn có đến ba người, và nhiều lần tìm cách tránh né để ăn sau, hoặc ăn vội vàng trước để chạy ù đến trường với bạn bè cho quên đi sự bực bội khó chịu.
Thời gian qua, có lẽ hai người lớn đã thấy và hiểu thái độ của tôi, nên bác Hưng ít thấy ra vào nhà tôi, trừ những lúc đến chở hàng ra chợ, rồi chở hàng về. Bác đã không còn bắt chuyện hỏi han tôi nhiều như trước kia, chỉ đưa mắt nhìn tôi mỗi khi đụng mặt. Đã mấy lần bác Hưng hỏi tôi về chuyện học tập, tôi ầm ừ, trả lời cộc lốc, không như trước kia rất hào hứng trôi chảy. Đã mấy lần từ trường về nhà, tôi bắt gặp mẹ và người đàn ông cục mịch ấy ngồi bên nhau tâm sự rất thân tình, tôi vùng vằng thắp cả bó nhang trước linh vị của cha, cho khói hương nghi ngút cả bàn thờ. Tôi biết, tất cả những cử chỉ, hành động, lời nói chẳng hay ho gì của mình đều rất đáng trách, nhưng tôi vẫn cứ sẵn sàng cho chúng tiếp diễn để dành riêng cho người muốn làm cha kế của tôi.
Vậy cả mẹ lẫn bác Hưng chưa một lần tỏ ý phàn nàn, giận dỗi tôi. Hai người đều im lặng trước sự phản đối có phần vô văn hóa của một cô sinh viên đại học, cử nhân tương lai… Sự im lặng đáng sợ ấy làm cho tôi càng thêm bực tức, hoang mang. Bao nhiêu điều muốn nói phải dồn nén theo tháng ngày không được dịp tuôn trào ra cho nhẹ nhõm. Tôi càng bị dồn nén, hai người lớn dường như ngày càng thêm khăng khít. Một thông điệp bất lập văn tự đã gửi đến tôi, tôi phải tự hiểu lấy rằng không có gì có thể chia cắt hai người đang yêu, bắt họ phải rời xa nhau. Tôi kềm chế lòng mình đến mức tối đa để không phải có sự phản ứng quá lố dẫn đến phạm tội bất hiếu, hỗn xược. Cứ thế, tôi bị phân tâm khi đến trường, chán chường trở về, đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ vớ vẩn chuyện hai người lớn yêu nhau, chuyện mẹ muốn tái giá vào tuổi trên bốn mươi…
Oooo
Cháy chợ, cháy ngay khu bán hàng quần áo may mặc sẵn.
May mà cháy vào ban ngày, giữa trưa, nên xoay trở cứu kịp thời. Tám gian hàng bị cháy rụi. Gian hàng của mẹ tôi cũng ra tro, nhưng hàng hóa đã được bác Hưng chuyển kịp ra ngoài, không hao mất món nào. Đến chiều, từ trường về nhà, tôi nghe tin, vội chạy ra chợ tò mò nghe ngóng. Tôi nghe rằng cháy chợ do một người bất cẩn thắp nhang cúng ông Địa. Tôi còn nghe rằng một chủ hàng hoảng hốt bỏ chạy khi nghe báo động cháy, đã trợt chân té vào một nồi chè sôi nước nóng hổi. Tôi nghe rằng có một cháu bé ngủ quên, bị kẹt lại trong khu vực cháy, ông bố bà mẹ lại đang đi ăn trưa ở khu hàng ăn, may có người xông vào lửa bế cháu đem ra ngoài an toàn trước sự cảm phục của mọi người. Người cứu cháu bé bị cháy xém cả mặt mày, tóc tai, phỏng cả cánh tay trái. Và, người ấy chính là bác Hưng.
Tôi nghe rằng chỉ có bác Hưng mới dám xăm mình xông vào lửa lúc ấy để cứu người. Những người khác dường như chỉ lo cứu hàng, cứu của cải. Những gì tôi nghe được từ đám đông hiếu kỳ ngoài chợ đã làm cho tôi bàng hoàng xúc động. Tôi đi về nhà với tâm trạng thật khó tả, vui có buồn có, đau xót và sung sướng…
Bữa cơm tối ấy, thật hiếm hoi có đủ ba người. Mẹ tôi huyên thiên kể về vụ cháy chợ ban trưa. Bác Hưng không nói một lời.Tôi lén nhìn, cánh tay trái của bác Hưng đã được bôi kem chống phỏng trông bầy nhầy gớm guốc. Gương mặt bác cháy xém, nhất là mái tóc nham nhở trông vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Không hiểu sao tôi lại ăn ngon miệng vào bữa cơm tối ấy. Tôi vui vẻ, kiếm những câu hỏi để đặt ra buộc bác Hưng phải tự trả lời, tự tường thuật cho tôi nghe. Vậy thôi. Chuyện anh hùng lúc cháy chợ rồi cũng lắng đi. Tôi không còn thấy người anh hùng ấy xuất hiện thường xuyên nữa, mà lại thấy quái vật dữ tợn trong những chiêm bao của mình vào những ngày sau này…
Tôi thấy con quái thú to lớn. Đầu là đầu của bác Hưng. Thân là thân của loài kỳ đà hoang dã, hai cánh tay dài ngoằng đầy ghẻ chốc trông như hai con khủng long dị hình chồm tới mà táp mọi thứ… Con quái vật ấy cứ xuất hiện trong giấc ngủ của tôi đều đặn, làm cho tôi phải mất ngủ, thức dậy giữa khuya khoắt với mình mẩy ướt đẫm mồ hôi… Tôi ngã bệnh. Một cú ngã thật đau, bất thần, làm cho tôi mê man, bải hoải đến mức không gượng ngồi dậy được. Con sốt cao đã bắt tôi phải thấy ác mộng khủng khiếp hơn, toàn là quỷ dữ với ma tà, quái nhân với dị thú, tất cả những loài gớm guốc ấy đều có mang dáng dấp, diện mạo của người đàn ông đang muốn kết duyên phu phụ với mẹ tôi…
Mở mắt.Tỉnh dậy, tôi đưa mắt mệt nhọc nhìn quanh, biết mình đang nằm ở bệnh viện. Ngồi cạnh giường tôi đang nằm là một người đàn ông mang dung nhan buồn cười. Nhưng người ấy không hề cười, mà đang buồn mênh mang, hai hàng nước mắt cứ tuôn chảy. Ông ta đang nắm lấy bàn tay tôi mà bóp nắn, như muốn truyền qua cho tôi nguồn sinh lực để hồi phục sức khỏe. Không nói một lời, người đàn ông ấy chỉ nhìn chăm chăm vào mắt tôi bằng cái nhìn thật trìu mến. Tôi bỗng dưng cảm thấy khỏe khoắn, phấn chấn tinh thần, lòng trào dâng một niềm xúc động hân hoan, để rồi buộc miệng kêu lên những tiếng mà từ lâu nay tôi không hề muốn kêu:
“Ba … Ba ơi!”
Rồi tôi nghẹn ngào, bóp chặt lấy bàn tay sần sùi to bè bè thật ấm áp của người đàn ông sẽ thay thế cha mình chung sống với mẹ suốt quãng đời còn lại vốn hữu hạn, ngắn ngủi. Bác Hưng gục đầu xuống, khóc khục khục nghe khô khốc, nhưng tôi biết đó chính là tiếng khóc mừng vui khi hạnh phúc đã rầm rập ào đến ngay giữa khung cảnh lặng lẽ ưu buồn hăng hắc mùi ê- te…
Con quái thú đã biến mất trong những giấc chiêm bao dài thậm thượt của tôi. Nó đã bước ra ngoài đời thường, hóa thành một vị anh hùng cho tôi nương dựa trên bước đường tìm đến tương lai còn dài đăng đẳng…
Mãn Đường Hồng
- Từ khóa :
- Mãn Đường Hồng