Trên Đường Du Hóa

03/02/201412:00 SA(Xem: 3363)
Trên Đường Du Hóa

CHUYỆN CỬA THIỀN
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Nghệ
chuyencuathien1

Trên đường du hóa

 

Gần nửa đêm, Bất Ác không ngủ được, chú trằn trọc, thao thức mãi vì mấy con cá quẫy lộn trong thùng. Giường bên kia, nhà sư đang đọc sách với ngọn đèn dầu tù mù. Nhà sư hỏi nho nhỏ:

- Sao mà con trăn trở hoài vậy?

Bất Ác thở dài thườn thượt:

- Bạch thầy! Độ ai chứ độ gia đình thật là quá khó! Đối với mọi người thì con vẫn là đứa bé ngỗ nghịch, ham chơi. Con thật không thể lớn trong mắt họ, nhất là mẹ con, thứ đến là anh chị trong nhà, con mãi là “thằng út hỉ mũi chưa sạch, mỏ ác chưa hết cứt trâu”.

Nhà sư cười khẽ:

- Thì con cũng đã lớn với ai đâu? Con vẫn là chú điệu bé tí hon trong mắt thầy đó mà!

Giây lâu, nhà sư ngồi dậy nói tiếp:

- Như vậy là con phải lớn mãi, lớn hoài! Lớn với giới đức, trí đức, minh đức của mình. Lớn với vô tham, vô sânvô si của mình! Chuyện cứu độ gia đình, con hãy ít nói năng, chỉ nên thể hiện nơi hành động, nơi đời sống. Con phải sống tri túc, dễ nuôi, hòa nhã, vui vẻ và giản dị. Phải biết kính trọng, lễ độ, thương yêuthông cảm với mọi người. Sống hòa với mọi người nhưng đừng đánh mất mình bởi mọi người. Do vậy, khi mềm, khi cứng phải rất linh hoạt. Lắm lúc cũng cần một vài thái độ cương quyết, dứt khoát về một số việc nào đó, như việc ác, hủ tục mê tín dị đoan… của người khác! Con làm được vậy, sống được vậy thì ai dám chê con là nhỏ bé nữa?

Bất Ác nhũn nhặn đáp:

- Con sẽ nghe lời thầy dạy. Hành động tạo sức mạnh cho lời nói. Lời nói có được sức mạnh là do đời sống có giới, có trí. Con hiểu rồi, con sẽ cố gắng.

- Ừ! Tất cả hành động phải biết dựa theo trí tuệtừ bi. Bao giờ cũng với tâm thái bén nhạy, trong sáng và định tĩnh để nhìn ngắm vấn đềgiải quyết vấn đề.

Bất Ác chợt ngồi dậy:

- Bây giờ con hiểu là con phải làm gì với mấy con cá rồi…

Nhà sư cười khẽ:

- Đúng vậy! Thấy việc gì hợp với từ bi vô ngã, trí tuệ vô ngã là làm ngay, không do dự, không phân vân, lưỡng lự.

Bờ sông rất xa nhà, Bất Ác âm thầm làm việc trong đêm. Khi nghe được tiếng cá quẫy đuôi giữa dòng sông rộng, chú mới nở được nụ cười hồn nhiênsung sướng.

Nhà sư chờ Bất Ác ở đầu ngõ, thấy chú với những bước dài xăng xái thì đã hiểu chuyện gì, bèn nói:

- Từ lâu, con mới chỉ không làm điều ác – bất ác – bây giờ con đã biết làm thêm việc thiện. Con đã biết bổ túc cái thiếu sót cho công hạnh của mình.

Đêm mùa hè, trời rất mau sáng. Nhà sư vừa mới ngồi thiền một lát thì gà đồng quê đã đua nhau gáy vang rân. Tiếng người giục trâu ra đồng, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng chó sủa, tiếng heo kêu… từ chỗ này, nơi kia vọng lại tạo nên một âm thanh yên ả, thanh bình.

Nhà sư vừa mở mắt, thò chân xuống giường tìm đôi dép thì Bất Ác đã mang chậu nước và khăn sạch đứng một bên.

- Vì con mà thầy phải một đêm thức trắng.

- Không có gì đâu con, sức khỏe thầy còn tốt. Vả lại, đôi khi nghĩ đến sức khỏe của mình thái quá dễ sinh những thói hư tật xấu; sinh ra mê đắm cái thân…

- Dạ, con hiểu!

Lát sau, nhà sư mặc y, ôm bát… chào mọi người trong gia đình xin từ giã. Người mẹ nói với Bất Ác:

- Út, má đã chuẩn bị món ăn sáng. Con hãy dâng thầy điểm tâm rồi hẳn lên đường.

Bất Ác nói với giọng ẩn ức trong lòng :

- Thưa má, thầy con dùng no rồi.

Người mẹ ngạc nhiên :

- Dùng rồi ? Dùng bao giờ?

Bất Ác có vẻ hờn mát :

- Thưa má, thầy con đã ăn no cái đau khổ của chúng sanh, đã ăn no cái tâm địa si mê độc ác của con người. Suốt đêm, thầy con đã ăn no những thứ đó !

Người mẹ hạ thấp giọng, hai mắt mở lớn :

- Út! Con nói cái gì kỳ lạ vậy, má không hiểu.

Bất Ác chợt nghẹn ngào, sa nước mắt :

- Má không cần hiểu đấy chứ! Vì một miếng ăn ngon, vì một chút khoái lạc của khẩu dục mà đang tâm đày đọa kẻ khác, giam giữ kẻ khác, moi ruột, chặt đầu, uống máu kẻ khác. Má bảo má không thấy sao ?

Người mẹ đã hiểu :

- À… thì ra là vậy. Con Bảy đó con à! Con Bảy nó mua nó nhốt đó. Con Bảy nói hôm qua ngày rằm nó không sát sanh. Nó ăn chay tháng bốn kỳ. Còn má thì má hiểu chứ. Từ lâu má có sát sanh hại vật, ăn gian, nói dối ai đâu! Má không biết tụng kinh, niệm Phật, không biết ăn chay, nhưng má ăn hiền ở lành lắm con à! Cả làng, cả xóm má chẳng dám làm mất lòng ai, kể cả một đứa con nít!

Cảm động, Bất Ác chạy lại ôm mẹ, khóc nức nở:

- Tội con đáng chết! Xin mẹ hãy hỉ xả tha thứ cho đứa con ngu dại, bất hiếu!

Người mẹ già đỏ lệ lưng tròng, đưa tay vuốt ve đứa con út mà bà không ngờ nó lớn khôn đến vậy.

Lát sau, Bất Ác quay lưng đi, bịn rịn:

- Má à! Mỗi lần anh chị Bảy móc gan mổ ruột một con cá, má cứ nói với anh chị là coi như đang móc gan, mổ ruột thằng Út đó. Mỗi lần anh chị Bảy thọc huyết, chặt đầu con vịt, con gà thì coi như đang thọc huyết, chặt đầu thằng Út đó. Má hãy nói như vậy nghe má!

Hai thầy trò đứng đợi xe “lam” bên đường. Một người ăn xin tàn tật đi qua: áo quần tả tơi, hôi hám, mình mẩy ghẻ lở, da bọc xương; mũi và miệng chỉ còn một, trông như con quái vật. Bất Ác rụt rè nói với nhà sư:

- Bạch thầy, con thấy ghê ghê nhưng mà tội nghiệp quá. Muốn giúp người ta một cái gì, nhưng…, nhưng…

Nhà sư hiểu:

- Con muốn cho mà sợ không còn tiền đi xe phải không? Còn nghĩ về cái tiện nghi, cái an toàn cho mình thì dễ sinh ra vị kỷ, ích kỷ. Nếu con muốn cho thì cứ đem cho rất là thanh thản. Hết tiền xe thì chúng ta xin “quá giang” chứ có vấn đề gì đâu!

Lời khích lệ của nhà sư như một tác động mãnh liệt; chẳng còn lưỡng lự nữa, chú lấy số tiền ít ỏi trao tặng hết cho người ăn xin khốn khổ.

Nhà sư cười nhẹ:

- Thấy không! Tâm con bây giờ nhẹ như một mảnh lông hồng. Ấy chính là hỷ tâm, là lạc tâm, là phước báu hiện tiền, nó trả quả ngay, không đợi ở đâu xa. Cái phước này tương đương với cõi trời Dục giới, hiện tại thì có công năng làm mát mẻ và lắng dịu tâm hồn.

Bất Ác thấy mình lâng lâng, thật hạnh phúc.

Nắng bắt đầu lên. Những chuyến xe qua tung bụi mù mịt. Chẳng ai cho hai người quá giang. Bất Ác lại trở nên nóng nảy:

- Giờ phải làm sao hở thầy?

- Thầy có muốn làm sao đâu!

- Người ta không cho đi?

- Thì mình hãy đợi!

Mồ hôi đã rịn trên vầng trán hai người. Ở đó không một bóng cây. Bất Ác len lén đưa mắt nhìn: sắc mặt nhà sư vẫn bình thản, an nhiên như có một nụ cười lặng lẽ ở trong tâm!

- Bạch thầy – Bất Ác đã cảm thấy khô cổ – đợi hoài như thế này thì biết đến bao giờ?

Nhà sư chậm rãi quay lại, ân cần nói:

- Bây giờ con hãy đứng thẳng, nhắm mắt lại, thư thái, buông xả. Xong rồi, con hãy bỏ tất cả chuyện hiện tại, quá khứ, tương lai. Bỏ quá khứ là bỏ tất cả các hoài niệm, bỏ những gì xảy ra dù chỉ cách đây một, hai phút. Bỏ hiện tạibỏ quên chuyện nắng nôi, bụi cát, đón xe và đợi xe. Bỏ tương lai là bỏ mọi dự định đến đâu và sẽ đi đâu. Trong tâm thái như vậy, con hãy lắng nghe, nghe được gì hãy nói cho thầy biết.

Bất Ác làm theo, một lúc sau, chú mở mắt ra:

- Con không thấy gì cả. Không nghe gì cả!

Nhà sư thản nhiên:

- Phải! Nếu nhiếp tâm đúng thì sẽ không thấy gì cả, không nghe gì cả.

Bất Ác ngạc nhiên:

- Con vẫn không hiểu.

- Có gì đâu mà không hiểu! Khi với tâm thái như vậy con có nóng nảybất an không?

- Dạ không!

- Con có lưỡng lự, băn khoăn và lo lắng gì chăng?

- Dạ không!

- Vậy thì thầy đã làm như vậy. Thầy đợi chờ mà như là không đợi chờ gì cả. Nói cách khác, nhờ thầy trú tâm rỗng không nên thầy được an nhiêntự tại. Con đợi chờ mà có cái đợi chờ trước mặt, thế là con bị tương lai tưởng vọng! Con đợi chờ mà bị chi phối bởi nóng nôi và bụi cát, thế là con bị hiện tại cuốn trôi! Do đó, con sinh ra nóng nảy, bất an và phiền não! Thật là giản dị, thật là dễ hiểu!

Bất Ác la lên:

- Ồ! Con đã hiểu!

Nhà sư cười nhẹ:

- Vấn đề là “thấy” và “biết” chứ không phải là “hiểu”. Nếu hiểu thì con sẽ bất an trở lại.

Đúng như nhà sư nói, một lúc không lâu lắm, Bất Ác lại nói:

- Không biết trưa nay mình sẽ dùng cơm ở đâu? Đợi cái kiểu này thì có lẽ đến chiều tối cũng chưa chắc có xe!

Nhà sư mỉm cười:

- Đấy, thấy không? Con có thật thấy, thật biết đâu! Con vẫn bồn chồn vì một cái gì đó ở trước mặt. Con vẫn mong muốn rằng sẽ như thế này hoặc như thế kia. Con còn sinh ra sợ hãi vì không biết ăn trưa ở đâu, nghỉ trưa ở đâu. Tất cả những ước vọng này đều phát sinh bởi Vô MinhÁi Dục. Dường như có lần thầy đã dạy các con rằng: nghệ thuật sống Đạo, sống Thiền là sống không chuẩn bị, không lưỡng lự, không chờ đợi cái gì hết, luôn luôn với tâm thái trong sáng, tự tại và an nhiên! Nghệ thuật ấy con đã không nắm được.

- Con có hiểu được một phần, nhưng bạch thầy, như trong trường hợp này, nếu mình cứ đứng mãi nơi đây thì làm sao đến?

- Nếu con muốn đến, cũng có đến được đâu? Vậy sao con không coi chỗ này như là chỗ đến của con? Muốn đi thì cái đi ấy cũng là chỗ đến của mình. Hãy coi mục đích là cái bây giờ. Phương tiệncứu cánh đều đầy đủ trong sát-na hiện tại này. Nguyên nhân chính là kết quả. Vậy lúc nào, bao giờ, tâm chúng ta cũng phải an trú nơi chỗ không có thời gian, không có không gian ấy. Bao giờ và lúc nào tâm ta cũng phải tỉnh giácchánh niệm trong cái hiện tại luôn luôn trôi chảy, mới mẻ, phong phúsinh động này. Ôi, chỉ có như vậy mà sao tâm con cứ đòi rắc rối!

Im lặng một lúc cho người đệ tử thẩm thấu ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm nhưng giản dị trong lời nói vừa rồi, nhà sư chậm rãi tiếp:

- Cuộc nhân sinh nầy thật là lắm hệ lụy và nhiều khổ đau, vì con người cứ mong chạy đuổi, rượt tìm mục đích trước mắt. Con người luôn luôn mơ tưởng cái phía trước, không bao giờ bằng lòng với cái bây giờ! Họ đã dùng mọi phương tiện, toan tính, mưu mô xảo quyệt, lọc lừa không từ nan cả những cách thế phi luân, vô đạo để đạt cho kỳ được mục đích hẳn thôi! Nhưng mục đích nào có đạt được? Vì sao? Vì tâm tham dục vốn là một hố thẳm không đáy, chẳng bao giờ lấp đầy, nên dẫu có hụt hơi kiếm tìm họ vẫn không thỏa mãn, không vừa lòng. Họ tìm kiếm nữa, khát khao nữa… Họ chạy đuổi đến sức cùng lực kiệt và chung cuộc, chỗ họ gặp chính là nấm mồ! Có kẻ đến tuổi già tóc trắng vẫn chưa thỏa mãn được ước vọng, nhưng một sớm mai kia, Tử thần đến gõ cửa rồi mang họ ra đi, đến nơi chốn y như tội lỗi, như ác nghiệp mà họ đã bôn ba tạo tác ở trong đời…!

Bất Ác lắng nghe những lời, những chữ như len thấm vào tận xương tủy:

- Con đã hiểu!

- Con ạ! Chỉ có mong cầu một mục đích phía trước thôi mà thế gian này đã xảy ra muôn vạn nhân duyên chằng chịt của khổ đau như thế. Xã hội nào, tôn giáo nào, con người nào, chủ nghĩa nào, triết thuyết nào cũng đẻ ra một lý tưởng, một mục đích cao cả ở phía trước mặt rồi đổ dồn mọi hành động về cho lý tưởngmục đích ấy. Và rồi chuyện gì xẩy ra? Đấy chính là chiến tranh, là xung đột, là đố kỵ, là ganh ghét… xẩy ra tràn lan trên thế giới. Vì sao vậy? Vì mục đích đồng nghĩa với dục vọng, đồng nghĩa với quyền lợi lẫn quyền lực. Vậy, khi mà các mục đích va chạm nhau thì đấy là bi kịch máu xương kinh khiếp nhất mà con người vừa là diễn viên, vừa là khán giả trên sân khấu cuộc đời.

Bất Ác cúi đầu:

- Con không ngờ bài học hôm nay lại sâu rộng đến thế!

- Do đó! Ngay từ bây giờ, con phải biết đợi chờ như không đợi chờ gì hết! Ở đâu cũng là mục đích cả, chứ đừng lầm lẫn nguy hại phương tiệnmục đích khác nhau. Có người lại bảo phương tiện hy sinh biện minh cho cứu cánh! Thật là khiếp! Thật là si mê! Thật là ác độc! Chúng ta là con nhà Phật, phương tiệnmục đích nó hòa tan trong cái bây giờ. Ở đây cũng vậy, lên xe cũng vậy, đến chỗ nào đó cũng vậy. Nhân, quả viên dung! Bờ này, bờ kia viên mãn! Như thế thì những cái gọi là hỗn loạn, giật giành, nóng nảy, bất an, thống khổ làm sao tồn tại? Ta luôn luôn sống trong giây khắc hồn nhiên, thiên thu, rỗng không và tự tại này. Con nên nhớ rằng, chỉ một khởi niệm vọng cầu là ta đã góp thêm năng lực xung đột, rối loan cho cuộc đời này rồi! Hãy nhớ lấy nghe con.

- Bạch thầy, con sẽ khắc sâu trong tâm khảm.

Giọng Bất Ác run run chứng tỏ chú đang xúc động mãnh liệt.

Nhà sư gật đầu hài lòng.

- Thầy cũng không hy vọng là con đã hoàn toàn thấy rõ. Nhưng mà con cứ nghe, tất cả rồi sẽ ẩn tiềm trong vô thức, một lúc nào đó tự con sẽ giác ngộ điều ấy.

Khoảng mười giờ trưa, Bất Ác nói:

- Bạch thầy, con muốn đi bộ!

- Ừ, như vậy đấy! Muốn đợi, thì cứ đợi như không đợi gì cả. Muốn đi thì cứ đi như không đi gì cả. Con ạ! Nghệ thuật sống Đạo là đừng bao giờ phân vân giữa hai vấn đề. Đừng lưỡng lự trong việc chọn lựa, bằng cách dứt khoát chọn ngay một cái! Đừng ở núi này mà trông núi kia! Đừng vừa bên này, đừng vừa bên kia. Nếu lơ lửng thì cứ là lơ lửng. Đừng bỏ chân một lúc cả hai bên mà không bước đi được. Không bước đi được là dừng lại. Dừng lại là bị đẩy lùi, là bị chìm, là khổ đau!

Bất Ác nói:

- Xin thầy cho ví dụ để dễ hiểu.

- Thì đây, con muốn đợi: thì cứ đợi! Con muốn đi: thì cứ đi! Nếu vừa muốn đợi vừa muốn đi thì chắc chắn tâm con sẽ bất an.

- Thầy cho một ví dụ nữa.

- Ví như chuyện người ăn xin hồi nãy! Muốn cho thì cứ cho, không cho thì thôi. Nếu lưỡng lự giữa hai đàng sẽ phát sinh bứt rứt, khó chịu ở trong lòng.

- Con xin một ví dụ nữa.

- Bao nhiêu ví dụ cũng được cả. Như chuyện thả cá hồi sáng nhé. Muốn thả thì ra sông thả ngay. Muốn đợi sáng cho mọi người hay, thì hãy đợi sáng. Bởi con đã không nhất quyết, dứt khoát chọn lựa cái nào nên suốt đêm con đã trằn trọc thao thức đó, con không nhớ sao?

- Bây giờ thì rõ ràng quá rồi, con không còn hoài nghi gì nữa.

Hai thầy trò nhà sư vừa đi vừa trò chuyện trên đoạn đường dài nắng đổ lửa. Nhựa đường chảy loang loáng, lổ chổ. Không một ngọn gió giữa bầu trời nóng nắng như thiêu người. Cả hai, đầu trần, chân đất; một hình ảnh kỳ quái, lạ đời trong mắt của mọi người.

Nhà sư trực thức ngay điều đó, nói:

- Này Bất Ác con! Muốn dập tắt tâm ngã mạn, con hãy coi chúng ta không là cái gì hết, chẳng ai thèm để ý đến chúng ta hết. Chúng ta là người ăn xin tầm thường nhất trên thế gian này! Tâm niệm được như vậy, bản ngã sẽ không có cơ hội tăng trưởng!

Bất Ác phải chịu là đúng, nhưng lát sau lại xẩy ra vấn đề khác:

- Nóng quá thầy à, chân con như muốn phỏng!

Nhà sư vẫn thản nhiên:

- Nóng thì phỏng chân chứ có gì lạ đâu con? Nó rất hợp với tự nhiên mà!

Bất Ác nói:

- Đúng thì đúng, nhưng bây giờ phải làm sao?

- Thầy có muốn làm sao đâu?

- Nhưng nóng chân quá, con không chịu nổi!

Nhà sư mỉm cười:

- Vậy thì dễ dàng thôi. Một là con bỏ cuộc, đầu hàng, tìm một bóng cây mà ngồi. Hai là cứ tỉnh bơ ra đi, chấp nhận nó một cách hoàn toàn, không có điều kiện.

- Con chấp nhận nó!

- Vậy thì cứ an tĩnh mà bước đi. Bởi sợ nóng nên nóng nó sẽ tấn công con. Nếu con trọn vẹn nhìn ngắm sự nóng ấy, mỉm cười với nó, xem nhẹ nó là nó sẽ bỏ đi. Nó sẽ hổ thẹn và bỏ đi!

Chịu đựng một lúc, Bất Ác lại la lên:

- Vẫn nóng quá thầy à!

- Thầy sẽ cho con thêm khí giới mới, nghị lực mới. Hãy coi thường thân xác, khinh bỉ thân xác. Một chút nóng ở ngoài da đâu bằng lửa địa ngục. Không chịu nổi một chút nóng, thì làm sao đeo đuổi được con đường gian nan, thiên vạn lý, để đạt đạo quả vô thượng bồ đề, hở con?

Một chốc, Bất Ác vẫn nhăn mặt, nhà sư gắt:

- Không thể dừng lại được nữa. Hãy đi! Phải coi đây là cuộc chiến đấu sống còn. Nếu con đi qua đoạn đường này với tâm vô ngã, mát mẻvắng lặng là con đã kề bên niết-bàn!

Lời khích lệ cuối cùng như một tác động tâm lý cực mạnh, làm cho Bất Ác mỉm được nụ cười thản nhiên, mặc dầu lòng bàn chân đã rát bỏng.

Đến đoạn đường hai bên có cỏ mọc, Bất Ác reo lên:

- Thế là con đã “gần đạt đạo”.

Nhà sư nghiêm mặt:

- Đừng tự đắc, tự mãn. Làm thế nào đạt đạo được với bản ngã to lớn hiện giờ ở trong con?

Bất Ác le lưỡi.

Họ dừng chân nơi một miếu hoang. Bất Ác xoa chân xong rồi nằm dài ra thở, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhà sư ngồi lặng, mỉm cười tự nhủ:

- “Nếu được gọi là khổ hạnh, thì đấy là một khổ hạnh cần thiết cho những kẻ bản chất mềm yếu, thiếu nghị lực như Bất Ác. Phải tập cho nó cứng và mạnh. Phải tập cho nó có ý chí hơn, kiên định hơn, dõng lực hơn…”

Đưa mắt nhìn xóm nhà ven đường, nhà sư ôm bát đứng dậy. Khi ấy một người đàn ông đi ngang qua cũng vừa dừng xe lại.

- Bạch thầy! Thầy đi đâu giữa đường nắng nôi như thế?

Ngước lên, thấy một đệ tử, là một thiện nam, học thức, nhiều tín tâm; nhà sư mỉm cười:

- À con đấy à! Thầy đang chuẩn bị đi bát đây!

Người Phật tử dựng xe, chấp tay xá thật sâu, cười sung sướng:

- Vậy là may mắn cho con! Sắp đúng ngọ rồi, xin thỉnh thầy về nhà con, cũng gần đây thôi, để chúng con có dịp cúng dường một bữa.

Nhà sư im lặng nhận lời.

Bất Ác thở ra một hơi dài nhẹ nhõm!

Độ ngọ xong, cả nhà quây quần dưới giàn dưa tây mát mẻ, nhà sư nói về Tam QuyNgũ Giới, tóm tắt như sau:

- Từ lâu, chư Phật Tử đã có nơi nương tựa. Quý vị nương tựa nơi Tam Bảo, nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng. Nhưng quý vị còn nương tựa ở đâu nữa? Quý vị còn phải nương tựa nơi sự giác ngộ giải thoát, nương tựa nơi sự sáng suốt, nương tựa nơi cái bồ đề tâm, nương tựa nơi khả năng thành Phật của chính mình. Đấy là nghĩa thứ hai của quy y Phật.

Quý vị quy y Pháp, còn có nghĩa là nương tựa chân lý, nương tựa sự thật, nương tựa vào cái như thật trong lòng mình. Đấy là nghĩa thứ hai của quy y Pháp.

Quý vị quy y Tăng, còn có nghĩa là nương tựa vào những đức tính cao cả của Tăng sẵn có trong quý vị, ấy chính là chơn chánh, chánh hạnh, hiền thiện, thanh tịnh, trực hạnh… Đấy là nghĩa thứ hai của quy y Tăng.

Nghĩa thứ hai của quy y Tam Bảo này có công năng khai mở trí tuệ, thấy rõ đám mây mù của Vô MinhÁi Dục, để xô vẹt, đoạn lìa vô lượng phiền nãonghiệp chướng, trả lại khung trời bình yên và chân phúc cho tất cả chúng ta.

Những lời giảng về quy y Tam Bảo này có vẻ mới lạ nên cả nhà lắng nghe một cách chăm chú, thật chăm chú. Biết vậy, nhà sư nói thêm về Ngũ Giới:

- Chư Phật tử! Quý vị đã biết rằng Ngũ Giới không phải là điều luật bắt buộc; nó là hàng rào ngăn giữ những vọng động của thân, khẩu, ý. Giữ được một giới là ngăn được một điều ác, giữ được năm giới là ngăn được năm điều xấu. Giữ Ngũ Giới là ngăn chặn những vọng động do tham, sân và si – là các nguyên nhân đưa đến đau khổ trong tương lai.

Đến ngang đây thì một người nói :

- Thưa thầy! Giữ Ngũ Giới quả thật là khó!

Nhà sư đáp:

- Đúng thế, ngay thời đức Phật mà các hàng cận sự nam nữ cũng ta thán với Ngài như vậy. Nhưng phải hiểu rằng, ngay chính nơi tâm thái chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vừa rồi, quý vị đã thọ trì trọn vẹn Ngũ Giới!

Thấy mọi người có vẻ ngơ ngác, nhà sư tiếp:

- Khi chăm chú và trầm lặng lắng nghe, thì chư vị đang mở rộng tâm hồn; ở trong chư vị chan hòa một cảm giao, cảm ứng mênh mông. Khi ấy những cái gọi là hung dữ, độc ác, hiềm thù, ganh ghét… những thuộc tính của tâm sân ấy có tồn tại trong tâm quý vị không? Ngay khi ấy quý vị có móng khởi giết hại? Quý vị có tác ý tiêu diệt sự sống, sát hại sanh mạng?

- Dạ không!

- Lại nữa, khi chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vậy, tâm của chư vị sẽ công bằngchánh trực; quý vị không hề khởi niệm chiếm đoạt tài sản, của cải vật chất của người. Quý vị đâu có tham lam, xan thamphạm giới trộm cắp, có phải thế không?

- Quả đúng vậy.

- Cũng từ tâm thái chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vậy, quý vị có sanh tâm tà dâm hoặc tà hạnh?

- Dạ không!

- Quý vị có nói dối? Rộng và đầy đủ hơn nữa, quý vị có nói lời điêu ngoa, xảo trá, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói trườn uốn như con lươn, nói ngọt như đường, nói trơn như mỡ, nói thêu dệt, nói hoa ngôn xảo ngữ? Nói như vậy để làm gì phải không? Biện hộ cái chi, bảo vệ điều gì, có phải thế không?

- Phải rồi! Không thể vọng ngữ được.

- Và thế nào là không uống rượu, các chất say? Chỉ ở trong tâm thái chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe như kể trên, là quý vị sẽ không còn uống rượu, các chất say nữa. Vì sao vậy? Vì chư vị sẽ không còn muốn chạy trốn cái “bây giờ”, quý vị sẽ không còn tìm quên, núp bóng trong những thỏa mãn nhất thời của cảm giác, của ảo giác. Chí đến những nhu cầu khoái lạc cho tri thức, quý vị cũng không cần nữa. Vì quý vị đã đầy đủ tất cả: niềm bình an vô lượng và sự tĩnh lặng phi thường. Như thế quý vị đã có được “chất rượu vĩnh cửu” rồi, quý vị còn cần gì nữa chất say tầm thường trên thế gian?

Nói tóm lại, ở cả hai phương diện tiêu cựctích cực, Ngũ Giớicông năng khai phóng và đem con người ra khỏi mọi ám ảnh tội lỗi, sợ hãi, là giải thoát tâm; chuẩn bị cho giải thoát trí, là con đường tối hậu của chư Phật ba đời.

Nhà sư nói xong, không gian im lặng. Hai vợ chồng giáo sư già cùng vợ chồng con cái, cháu chắt, dâu rể gồm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, bộ đội, công nhân, sinh viên, mấy người giúp việc… cả thảy gần hai mươi người bỗng đâm ra trầm mặc, không ai nói gì, không ai hỏi gì.

Chị Tư lặng lẽ đứng dậy, dâng cho nhà sư ly chanh đá. Chị nói:

- Thầy nói Ngũ Giới mà cao siêu quá, con không hiểu gì hết. Xin thầy giảng cho bình dân tí nữa, vì con không thể như ông bà, thầy cô trí thức ở đây được.

Nhà sư cười:

- Khi con kính thành đem dâng cho thầy ly nước, trong tâm thái ấy, con đã giữ tròn Ngũ Giới mà con không biết sao?

Mọi người chợt cười ồ. Chị Tư bẽn lẽn đi lẫn vào phía sau, nói lí nhí:

- Bạch thầy, con không hiểu.

- Phải rồi, con không hiểu là phải. Vì khi dâng ly nước, tâm con chỉ còn là sự kính thành vắng lặng, chứ không có ý nghĩ gì khác có phải vậy chăng?

- Dạ…

- Khi ấy con có khởi niệm sân hận, độc ác, hung dữ, giết người, giết vật?

- Dạ không…

- Khi ấy con có khởi niệm tham lam chiếm đoạt của người, cướp bóc của người?

- Dạ không…

- Khi ấy con có khởi niệm tà tâm, tà vạy, tà hạnh, bất chánh?

- Dạ không…

- Khi ấy con có chạy trốn sự thật mà sinh ra nói dối, nói trườn uốn và những cách nói hư vọng khác?

- Dạ không…

- Khi ấy con có muốn tìm quên cái hiện tại, chìm đắm trong những ảo giác, cảm giác… như là dùng các chất say?

- Dạ không…

Nhà sư cười khẽ:

- Như vậy đấy. Khi con kính thành, thương yêu ông bà, các thầy, các cô, các em… cùng tất cả mọi người xung quanh, là con đã giữ tròn Ngũ Giới một cách rốt ráo. Bằng ngược lại là con đã phá giới, tâm con đã phá giới.

Chị Tư có vẻ chăm chú lắng nghe. Chị thưa:

- Con chỉ hiểu được một tí, nhưng xin thầy giảng thêm.

Nhà sư quay sang phía chị:

- Con hãy thử nói lên một công việc gì mà con thường làm trong ngày cho thầy nghe xem nào.

- Bạch thầy, như rửa chén bát, nồi niêu, xoong chảo…

Mọi người cười vui, nhà sư cũng mỉm cười:

- Phải rồi, như rửa chén bát vậy. Nếu con rửa không sạch, thì sâu xa, con đã phá giới.

Mọi người yên lặng lắng nghe, nhà sư nói tiếp:

- Rửa chén bát không sạch, là vì lúc ấy tâm con đang bồn chồn, nóng nảy, muốn làm cho mau xong. Con có biết tất cả những cái gọi là bồn chồn, nóng nảy, muốn làm cho mau xong… ấy, nó phát sanh từ đâu? Gốc của nó chính là tâm sân, con có biết không?

Có người la lên:

- Đúng thế! Thật là khủng khiếp!

Người khác lại nói:

- Trông thì bình thường nhưng khi phân tích ra mới thấy rõ được cái gốc phát sanh tội.

Nhà sư tiếp lời:

- Sát sanh phát sanh bởi tâm sân hận, còn trộm cắp sinh ra từ tâm tham lam.

Chị Tư thưa:

- Xin thầy cho ví dụ.

- Được rồi, nghe nhé! Con làm việc trong ngày, ông bà sẽ trả cho con một số tiền tương đương với khối lượng công việc mà con phải làm. Vì mong việc chóng thành, con đã làm cẩu thả, làm cho có lệ. Như vậy, việc gì cũng làm, nhưng việc gì cũng không tới nơi tới chốn. Suy nghĩ cho sâu xa, là con đã đánh cắp thời gian, tiền bạc của ông bà một cách khéo léo. Vậy khi rửa chén bát không sạch là tâm con đã vi phạm giới thứ hai này một cách thật tinh vi, khó có người biết được!

Có tiếng “a” có vẻ ngạc nhiên. Nhà sư vẫn đều đều cất giọng:

- Thấy không, do tham, do sân, chúng ta đã nuôi dưỡng tâm sát, tâm trộm cắp. Cũng do tham do sân, chúng ta còn nuôi dưỡng thêm tà niệm, tà vạy, rồi dung dưỡng cả những cách nói thiếu chân thật. Tại sao lại phạm luôn giới ẩm tửu? Vì rằng, kẻ dùng những chất say là kẻ tự đánh lừa mình bằng những ảo giác, những hưng phấn giả tạo. Ở đây, ngay khi rửa chén bát không sạch, làm công việc cho mau qua, mau xong là chúng ta cũng muốn tìm thụ hưởng bằng sự nhàn rỗi, nghỉ ngơi… Thỏa mãn, thụ hưởng, nhàn rỗi, nghỉ ngơi… là chúng ta đã dùng các chất say dưới hình thức khác, không hơn không kém.

Cuối cùng, nhà sư kết luận:

- Vì tham, vì sân, chúng sanh phạm sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Vì tham, vì sân mà chúng sanh trầm luân mãi giữa biển đời sinh tử khổ đau. Ngũ giới nhằm xa lìa những ác nghiệp tiền căn và cắt đứt mọi trói buộc do những vọng tâm sai sử. Như vậy, kẻ giữ Ngũ Giới đúng nghĩa là phải đoạn tuyệt tham sân, đúng như Pháp Cú kinh, Phật thuyết: “Như bông lài buông rơi những cánh hoa tàn úa, cùng thế ấy, này chư Tỳ kheo, hãy buông bỏ tham sân”. Kẻ nào sát sanh, lấy của người mà không được cho, lân la vợ người, nói lời hư vọng và dễ duôi dùng chất say, kẻ ấy đã tự đào lỗ chôn mình.

Vậy nầy chư Phật tử! Hãy bảo trọng Tam QuyNgũ Giới như bảo trọng con ngươi của mắt mình, như chim bảo vệ cặp cánh, như người mẹ bảo vệ đứa con ruột… Chớ quên! Chớ dễ duôi! Chớ quên! Chớ phóng dật!

Rời gia đình người Phật tử, hai thầy trò lại lên đường. Lúc ấy khoảng ba giờ chiều.

Bất Ác nói:

- Sao thầy không chấp thuận lời mời, để trời mát hãy đi cho khỏe!

Nhà sư nói:

- Bất Ác! Con có thấy rằng, trong lời nói của con vừa rồi ẩn chứa một kiếm tìm nghỉ ngơi nào đó? Một thỏa mãn hoặc một tiện nghi an toàn nào đó? Tất cả đấy là những trá hình của dục vọng, của bản ngã? Tất cả đấy là những cách thế trốn chạy thực tại mà người học Đạo, học sự Giác Ngộ có bổn phận phải thấy, phải biết?

Bất Ác le lưỡi:

- Thầy nói đúng y chang! Con đã thấy rồi!

Bước chân của hai người dẫn đến một khu phố náo nhiệt, có một số người ăn xin nằm, ngồi, đứng vất vơ bên đường. Nghĩ đến bài học hồi sáng, Bất Ác đem cho hết mấy chiếc khăn mặt, cùng với số tiền mà gia đình kia đã cúng dường. Thấy trên khuôn mặt Bất Ác lóe sáng niềm vui, đến một khoảng đường vắng, nhà sư mới nói:

- Con ạ! Chính những điều thầy đã dạy, con cũng đừng nên coi đó là những mẫu mực, những quy tắc. Đấy không phải là những công thức cố định nhằm áp dụng cho tất thảy mọi tình huống phức tạp và đa dạng của cuộc đời. Đấy chỉ là sự gợi ý, mở phơi để cho con tự học lấy bài học Giác Ngộ. Bởi vậy, con phải biết vượt qua lời thầy bằng sự sáng tạo linh động từng lúc ở nội tâm con, bằng tuệ-minh-sát thường trực ở trong con. Nếu thấy “sự cho” vừa rồi là nhằm “thỏa mãn” một cái gì đó ở trong con, thì sự “thỏa mãn” ấy cũng phải được nhìn ngắm: nó là hỷ tâm? Là an lạc? Là dục vọng? Hay bản ngã? Hãy cho với tâm của hư không vắng lặng. Tâm xả. Đừng trụ tướng. Hãy trôi! Hãy chảy!…

Bất Ác nhíu mày suy nghĩ.

Nhà sư vỗ về:

- Thầy biết đấy là những bài học quá sức con. Con có thể “hiểu” nhưng chưa “biết”! Con có thể “biết” nhưng chưa “thấy”! Thầy muốn dẫn con đi lên, đi lên mãi cho đến chỗ không còn gì để lên. Chỉ có sự đi lên toàn triệt và tối thượng ấy, chúng ta mới đến được chỗ giải thoát. Con ạ! Bất cứ ai trên lộ trình ấy cũng ít nhiều va vấp, dính mắc, chấp trước, dừng lại… chứ không phải chỉ riêng con đâu. Đừng lo ngại, đừng sợ hãi, đừng bận tâm. Bên con còn có huynh đệ, chư sư thúc, thầy, sư bá… và cả sư tổ Vô Tướng đại sư nữa. Nhiều lắm! Con đường ấy không phải chỉ có một mình con đi!

Căn nhà khá khang trang được hiện ra sau bờ tường thấp, cổng mở, hai thầy trò bước vào. Một con chó lớn chồm lên sủa inh ỏi, hung tợn. Hai thầy trò giữ tâm xả, lặng yên. Không thấy một năng lực xung đột, kháng cự nào, con chó lùi dần. Một người làm vườn đứng tuổi, lễ độ bước ra chào hỏi:

- Thưa thầy, chẳng hay…

Nhà sư mỉm cười:

- Bần Tăng là bạn vong niên của chủ nhà!

- Dạ, vâng ạ, để con dẫn lối.

- Cảm ơn. Phải chăng, chủ nhà vẫn hay tham thiền ở sau thiền thất vào mỗi buổi chiều?

- Vâng ạ!

- Vậy thì không dám phiền, để chúng tôi tự đi.

Lối đi lót sỏi trắng. Vườn hoa, non bộ, cây cảnh được chăm sóc, tỉa tót một cách công phu, có nghệ thuật. Bất Ác tấm tắc khen ngợi.

Nhà sư nói với chú:

- Con ạ! Lối đi lên của mỗi người tu Phật cũng cần được lót sỏi trắng. Con đường ấy cần phải phong quang, sáng sủa, đẹp, thanh cao; ấy là Bát Chánh Đạo. Tâm viên của mỗi người cũng cần phảicông phu và nghệ thuật như thế này. Những lau lách, gai góc và cỏ dại cần đốn bỏ, làm sạch tận gốc, nhất là những bụi tham, khóm sân, cây si. Các thiện pháp cần được vun quén, chăm sóc tỉa tót, nâng niu. Và như vậy thì những đóa hoa vô ưu, vô phiền sẽ nở; những cành lá tươi tắn sẽ nẩy lộc, đâm chồi…

Bất Ác đang cúi đầu suy nghĩ về những lời dạy bảo ấy thì một người hiện ra:

- Chào đại sư!

- Chào thượng nhân! Hai thầy trò chúng tôi hôm nay sẽ làm mất thì giờ của thượng nhân rồi đây!

- Dạ, không dám! Mấy khi chúng tôi có được hân hạnh thế này.

Chủ nhà tuổi trung niên, người gầy cao, ốm xanh, vận đồ bà ba trắng dẫn lối hai thầy trò. Vào phía trong, dưới mái hiên xanh, một bộ ghế mây đặt trên vuông đất lót đá hoa, xung quanh mấy bụi hoa lài, hoa sói, tường vi thoảng mùi thơm thanh khiết, dịu dàng.

Sau khi pha trà, châm trà, cạn vài chung đậm đà, chủ nhân dẫn chuyện.

- Mấy năm gần đây, tâm tôi chán nản thế gian thật sự. Tôi đã thấy rõ đây là cõi tạm trú chứ không phải quê hương đích thực của mình. Quả thực là có một cảnh giới thanh cao hơn, tinh khiết hơn, vi diệu hơn mà tôi đã gặp luôn, đã thấy luôn trong những cơn xuất thần ngây ngất của thiền định…

Nhà sư chăm chú lắng nghe, chủ nhà tiếp:

- Đôi khi lạc vào một cảnh giới, trở về, xung quanh tôi còn thơm ngát những mùi hoa kỳ diệungôn ngữ thế gian không diễn tả nổi. Tôi chìm ngập, đắm say, hỷ hoan, lạc phúc; và rồi cảm nhận ra được cái tục lụy, bất tịnh, ô nhiễm của thế gian này. Nếu không còn bổn phận với gia đình thì tôi đã ra đi, ra đi hẳn, không thèm trở về đây nữa…

Chủ nhà ngưng nói, nhà sư thấy cần phải tỉnh thức người đối diện:

- Quả vậy! Quả thật là có cảnh giới ấy, có lạc phúc, có hương thơm vi diệu ấy. Và, thượng nhân, đến một lúc nào đó sẽ bỏ thế gian bất tịnh, xấu xa này để ra đi, ra đi mãi và không có chỗ trở về! Thượng nhân sẽ ra đi mãi để chạy tìm, săn đuổi những thỏa mãn của cảm giác: những hình thức từng lúc từng tinh vi và xảo trá hơn của ma vương, của dục lạc! Thượng nhân thấy cái ô nhiễm, cái tục lụy của trái đất, vì cái đó không làm thỏa mãn được bầu dục vọng, hố si mê trong thượng nhân! Trái đất này và những hoa trái của nó không làm vừa lòng thượng nhân, nên thượng nhân muốn đi tìm những hạnh phúc khác. Nhưng đấy có phải là hạnh phúc chân thực chăng? Hạnh phúc chân thực không phải là sản phẩm của ý thức, của tâm trí, cũng không phải là sản phẩm của cảm giác. Thượng nhân phải coi chừnglưu ý, kẻo đến một lúc nào đó, ma vươngdục vọng sẽ lôi kéo thượng nhân ra đi mà không thể cưỡng lại được nữa! Hãy dừng lại, bậc thượng trí! Hãy dừng lại, người bạn vong niên! Hãy dừng lại, ngắm nhìn nó và xem nó là cái gì?!

Giọng nói hùng hồn và lý nghĩa đanh thép của nhà sư như một gáo nước lạnh hắt tạt vào mặt người đối diện. Chủ nhà chợt dựng thẳng lưng, bàng hoàng, kinh ngạc. Nhà sư nghĩ thầm là phải đánh phá triệt để, phải đập cho ông ta tỉnh dậy, không thể nương tay được nữa:

- Thượng nhân bạc nhược và yếu đuối, thượng nhân đang tối đen và đang si mê. Thượng nhân chưa học được giáo pháp cơ bản, chưa phân biệt đâu chánh, đâu tà; huống hồ là tinh yếu của giáo pháp, huống hồ là trang bị cho mình trí tuệ để tự soi! Thượng nhân có thấy rằng, vì bất lực, bất an, bất mãn cái hiện tại nên muốn đi tìm một cái khác cao thượng hơn? Thượng nhân có thấy rằng vì chán nản, xung đột tự bên trong nên thượng nhân muốn đi tìm một cái “ở ngoài mình”, cái khác với “cái bây giờ”? Thượng nhân có biết rằng, cái cảnh giới kia chính là ý niệm dự phóng của thượng nhân; và cái “ở ngoài mình”, “cái khác với cái bây giờ”, là “hướng ngoại cầu huyền” và vọng tưởng đó chăng?

Thấy chủ nhân đang ôm đầu suy nghĩ, nhà sư cất giọng như thác đập vào ghềnh đá:

- Này thượng nhân! Thượng nhân có biết rằng chân lý, niết-bàn nó ở ngay chính nơi ­­cái hiện tiền đang trôi chảy này không? Chỉ có cái hiện tiền đang trôi chảy ấy là “thực”! Nó “thực” với chẳng sinh chẳng diệt, chẳng hữu chẳng vô, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng khứ chẳng lai, chẳng nhất chẳng dị, chẳng tịnh chẳng cấu, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng khổ chẳng vui, chẳng bờ này chẳng bờ kia không? Vậy thượng nhân phải biết quay trở lại với hiện tiền này, trọn vẹn con người mình đây với ngoại giới; nơi ấy chính là sự sống, là vận hành thiên thu của sự sống. Khổ đau và phiền não là ở đây. Vô phiền, vô khổ cũng ở đây. Chẳng có một quê hương nào khác. Chẳng có một vĩnh cửu nào khác. Hãy lấy chính quả đất hoạn nạnđau thương này làm chỗ sở yhiện quán, hãy giải thoát sinh tử trầm luân. Đừng chấp nhận một vài an vui dễ dãi, tạm thời. Hãy lên đường! Hãy “hồi đầu thị ngạn”!

Uống cạn thêm mấy chung trà trong dáng dấp trầm tư, sầu não; chủ nhà chậm rãi nói:

- Đại sư đã cho tôi uống những chén thuốc đắng, quá đắng. Đại sư đã quẳng tôi vào một hư vô bát ngát. Tôi đang không thấy gì, không biết gì, chẳng rõ mình là ai, rồi phải làm gì? Tôi đang thất vọng, đang tuyệt vọng. Hãy cứu tôi!

Nhà sư đứng dậy:

- Vì hoài niệm quá khứ, đeo níu quá khứ nên bị bít bùng, đoanh vây trong ma ảnh, ảo ảnh; những dám mây đen không thực có, những xác chết đã chôn lấp lâu rồi! Vì vọng tưởng, vọng móng, mơ về tương lai chưa đến nên bị vong thân, ly tính; bị chập chùng trong những dự cảm, dự thức của dục vọngbản ngã. Vì dính mắc trong hiện tại nên bị đắm, bị chìm, bị rối loạn và đánh mất sự quân bình tâm hồn.

Hỡi kẻ thượng trí! Hỡi bậc thượng nhân! Hãy nghe lời của đức Phật: “Hãy gỡ mình ra khỏi quá khứ, hãy gỡ mình ra khỏi tương lai, hãy gỡ mình ra khỏi hiện tại để đến bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh sinh tử nữa”.

Chủ nhà ngơ ngác ngước đầu lên hỏi:

- Làm sao gỡ mình ra khỏi hiện tại?

- Thượng nhân phải biết trầm lặng, định tĩnh tâm hồn để lắng nghe. Phải biết lắng nghe với tâm thái trong sáng trong từng giây khắc một. Lắng nghe tất cả các pháp đến và đi, không thủ, không xả, hoàn toàn vắng lặngviên minh. Chỉ có thế thôi! Rồi Thượng nhân sẽ thấy gỡ mình ra khỏi hiện tại nó như thế nào! Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa nơi chính mình, là hòn đảo của mình, đừng tìm nơi nương nhờ nào khác!

Bần Tăng đã khuấy sóng mặt hồ bình yên giả tạm của Thượng nhân và để lại đấy những xáo trộn, những bất an. Vậy hãy thử lắng nghe cái xáo trộn, cái bất an ấy? Thượng nhân là cái ấy, hay không là cái ấy?

- Tôi vẫn chưa hiểu.

- Vấn đề không phải là hiểu. Là biết. Phải thấy. Vấn đề là phải thấy.

- Tôi vẫn chưa thấy.

- Đừng lặp lại một cách máy móc, một cách vô thức! Cũng đừng nỗ lực vận dụng tâm trí, vì nếu vậy, thượng nhân sẽ rơi vào cái bẫy dịu dàngêm ái của ý dục và trí dục- là phạm trù của hiểu và biết.

- Tôi lại càng rối loạn.

- Hãy lắng nghe chính cái rối loạn ấy. Nó là ta hay không phải là ta?

- Tôi đang không biết gì hết.

- Kể cả cái “không biết gì hết” ấy. Nó là ta hay không phải là ta?

- …!?!?!?

- Kể cả cái “khoảng trống” mà thượng nhân đang im lặng đó nữa, nó là ta hay không phải là ta?

Để cho kẻ đối diện trầm tư, nhà sư quay lưng, từ giã:

- Chúng tôi xin chào và ra đi, xin gởi đến thượng nhân một lời cuối cùng: “Bây giờ thượng nhân đang cố vận dụng tâm trí nhằm thỏa mãn sự hiểu biết, tìm ra một lời giải, một đáp số nào đó, cũng như thượng nhân đã từng dụng công thiền định để thỏa mãn tham vọng tâm linh của mình. Lòng sở cầu của thượng nhân sẽ đạt đượcbần Tăng tin như vậy – nhưng cuối đường tìm kiếm của tham vọng, của thỏa mãn ấy là cái gì? Là thực tại ư? Là chân lý ư? Là Thượng đế ư?

Đi bên cạnh nhà sư mà Bất Ác còn như nghe văng vẳng bên tai những đoạn đối thoại kỳ lạ vừa rồi. Chú không hiểu gì hết. Té ra tri thức của con người còn quá cao vời, sâu thẳm hơn là chú tưởng. Nhưng tri thức, hiểu biết dường như không phải trí tuệ? Ôi! Thật là biển học mênh mông, không bến, không bờ!

- Con vừa thở dài, hiện con đang bị bấn loạn bởi điều gì?

- Dạ, quả thật như vậy!

- Và rồi hiện giờ, cũng như cư sĩ kia, tâm trí con không còn biết bám víu vào đâu, có phải vậy chăng?

- Dạ, đúng thế!

Nhà sư cất lời an ủi:

- Con ạ! Rồi một lúc nào đó con sẽ thấy thôi. Đừng nóng nảy. Trái cây chưa chín vì chưa đủ thời gian, vậy đừng mong nó sẽ chín vội; chín vội nó sẽ đắng, sẽ chát. Cũng vậy, hãy lặng lẽ đi theo lộ trình, đi theo dấu chân của chính mình, bằng toàn bộ con người mình, thường trực tỉnh giácthường trực lắng nghe. Và như vậy, sáng suốt và định tĩnh sẽ luôn luôn có mặt ở nơi con. Lối đi ấy là chánh đạo. Mà chánh đạo thì đến bến bờ, không chóng thì chầy thôi!

Trời đã tối hẳn, hai thầy trò xin vào trú ngụ nơi một ngôi chùa vắng ở ngoại ô. Vị sư già người khô gầy, quắc thước, dáng dấp nhanh nhẹn, diện mạo nghiêm trang; tiếp nhà sư bằng nụ cười cởi mở, thân thiện:

- Nghe tiếng nhà sư đã lâu nay mới hân hạnh được gặp mặt, thật là nhân duyên lớn. Xin nhà sư cạn chung trà cho ấm lòng.

Hai người cùng chấp tay tương kính. Những nụ cười đầm ấm, dịu dàng. Bất Ác đứng khép nép bên sau nhà sư mà cảm nghe tâm hồn thật là yên ả, thanh bình.

Vị sư già lim dim mắt một lúc rồi nói:

- Đời sống của một vị du tăng hành cước như nhà sư quả thật là nhẹ nhàng, thanh thoát. “Dã hạc vô lương, thiên địa khoan” (Hạc nội không có lương thực mà đất trời rộng rãi). Quả vậy, chỉ có tam y, bình bát, chiếc mỏ, cặp cánh mà thong dong biển rộng sông dài, gác ngoài tai muôn hệ lụy nhân sinh.

Nhà sư vẫn im lặng, vị sư già tiếp:

- Đời sống của nhà sư quả là giải thoát. Vậy chẳng hay nhà sưsứ mạng gì để làm nữa? Mục đích nào để đạt tới? Bổn phận và trách nhiệm nào phải hoàn thành? Hay nhà sư đã hoàn toàn rảnh việc, đã hoàn toàn buông bỏ mọi gánh năng trên vai?

- Cám ơn sự tán thán của ngài, quả thật bần tăng chưa dám là như vậy.

Vị sư già mở mắt ra, nụ cười xởi lởi:

- Quý hóa thay! Quả đúng nhà sư là một người cao thượng, có một đời sống rất cao thượng vậy!

Nhà sư cất giọng điềm đạm:

- Trước khi trả lời, bần tăng xin hỏi ngài về ý nghĩa của hai chữ “cao thượng”? Thế nào là cao thượng? Phải chăng cao thượng là vì thấy mình thành tựu những giá trị to lớn? Đã thấy mình đủ giới và trí? Đã thấy mình trong sạchvắng lặng giữa thế gian bất tịnh và huyên náo nầy?

- Phải vậy!

- Thế thì bần tăng chẳng có cốt cách gì cao thượng như Ngài đã nghĩ. Bần Tăng sống đời bình thường của một tỳ khưu xin ăn bình thường.

Vị Sư già ngạc nhiên:

- Sao thế được! Không cao thượng sao được khi cuộc đời này nhà sư không còn dính líu dù chỉ cái gót chân? Nhà sư đã xa lìa bụi bặm cuộc đời, sống hạnh khước từ, tri túc, tri chỉ; giới luật tinh nghiêm, lục căn thu thúc, thiền quán tinh cần; sống đời vô trú rày đây mai đó, tùy duyên hóa đạo như mây trắng ngàn phương, thong dong tự tại… Đời sống như vậy mà không cao thượng thì trên thế gian này còn gì gọi là cao thượng nữa?

Nhà sư mỉm cười:

- Ngài nói hơi quá! Tuy nhiên, nếu sống mà tốt đẹp được như thế thì tôi cũng không dám nghĩ rằng sống vậy là để mà hơn người, hơn đời, hay để cho mình được cao thượng hơn.

Vị sư già nhíu mày:

- Vậy sống như thế để làm gì?

- Thưa ngài, là để mà học bài học Giác Ngộ!

Vị Sư già ngẫm ngợi hồi lâu:

- Dẫu thế nào nhà sư cũng quá khiêm nhường!

Nhà sư đáp:

- Chẳng phải thế!

Vị Sư già ngạc nhiên hỏi:

- Tạo sao?

- Vì bần Tăng biết và thấy. Bần Tăng biết và thấy rằng, khiêm nhường là ngã mạn, khiêm nhường là thấy mình ở trên cao phải hạ thấp xuống, khiêm nhường là để được an toàn bản ngã, để được người ta kính trọng, nể vì. Trên tất cả, khiêm nhường thường ẩn chứa bóng tối của dối tráhư ngụy. Bởi vậy, bần Tăng như thế nào thì xin được là như thế ấy. Bần Tăng là người ăn xin đúng nghĩa, cho nên cao thượng không có trong bần Tăng mà khiêm nhường cũng không có trong bần Tăng!

Vị Sư già lưng thẳng dậy:

- Thật là lạ lùng. Quả là tôi mới nghe lần đầu. Nhưng xin nhà sư cho tôi được hỏi tiếp: tại sao cao thượng là không mà khiêm nhường cũng bảo là không?

- Thưa, tất thảy chúng là vận hành của bản ngã, nói rõ hơn, là chiếc bẫy vô hình của Vô MinhÁi Dục.

- Khiếp!

Nhà sư tiếp lời chậm rãi:

- Chúng ta nên sống với tri như thực, kiến như thực; đừng sống với những quy ước, những tầng bậc giá trị của thế gian. Chúng ta là kẻ tu hành, vậy thì hãy bước ra ngoài mọi hào quang của chân lý ước lệ và hào quang của những ngôn ngữ sáo mòn. Sự sống đích thực không cần chúng. Chân trời giác ngộ, giải thoátrộng rãi, khoáng đãng, mênh môngvô lượng hơn nhiều.

Vị sư già nắm chặt hai tay nhà sư, cất giọng xúc động:

- Thật là tri ân, nhà sư đã mở mắt cho tôi, nhờ vậy tôi mới biết rằng, từ lâu, tôi đã sống trong các giá trị hữu vi, tôi sống với sự vận hành của bản ngã.

Nhà sư cũng cảm động:

- Đấy là lời chân thật tự đáy lòng, bần Tăng rất hoan hỷ.

Vị sư già cúi đầu hồi lâu:

- Nhà sư có thể giảng giải rộng những điều vừa nói cho tôi thông suốt vấn đề, được chăng?

- Xin vâng! Nhà sư nói – Ngài là một vị chân tu, đứng đắn, đàng hoàng, đạo đức nhưng vì thiếu trí tuệ nên kết quả tu hành của ngài chỉ gặt hái được phước hữu lậu nhân thiên mà thôi.

Vị sư già nói:

- Đúng vậy, nhưng tôi còn có hành thiền định.

- Tại sao ngài lại công phu thiền định?

- Là để đối trị với xáo trộn, bất an, phóng dật, lo âu, sợ hãi…

- Đồng ý thế rồi, và ngài đã tìm được hạnh phúc?

- Thú thật là có, hai ba giờ hoặc một hai ngày, tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhập định.

Nhà sư mỉm cười:

- Có khi nào ngài nghĩ rằng vì bực tức, bất mãn không hài lòng những cái diễn ra nơi nội tâm, nên ngài mong muốn nhập định để tìm cái hạnh phúcan lạc khác. Bực tức, bất mãn, không bằng lòng là do sân, và thoải mái trong hạnh phúc thiền định là do tham, ngài có thấy không?

- Quả thật tôi chưa hề nghĩ đến.

- Như vậy là vì bất an, bất mãn cái hiện tại nên ngài muốn chạy trốn cái hiện tại ấy. Ngài mong một cái gì khác để khỏa lấp chúng đi! Tất cả đấy chứng tỏ rằng, ngài đang muốn thành tựu cho một bản ngã, khuếch đại bản ngã bằng tham vọng vi tế hơn đó là sở đắc thiền định vậy!

Vị sư già ngạc nhiên:

- Vậy thì các vị Thánh nhân A-la-hán, chư Phật không có hành, không có đắc, không cao thượng gì hết sao?

- Dĩ nhiên các ngài có hành, có đắc, có cao thượng.

- Tôi nghe dường như mâu thuẫn.

- Không có mâu thuẫn đâu – Nhà sư ôn tồn đáp – các ngài hành, đắc, cao thượng, để mà giác ngộ “cái tôi”, các ngài vô ngã, còn đắc định như vừa rồi là hữu ngã.

Vị sư già gật đầu nhưng lại hỏi:

- Vậy làm thế nào để được vô ngã?

- Vô ngã không phải là làm như thế này hoặc làm như thế kia. Vô ngã cũng không phải là cái để mà hành, mà đắc hoặc là để hiểu và biết. Vô ngã thuộc phạm trù của “cái thấy”, của tuệ giác. Ngài nên nhớ rằng, đừng mong cầu để được vô ngã, tại sao vậy? Vì khi ngài mong cầu vô ngã, rồi quyết định thành tựu cái vô ngã ấy, thì cuối cùng ngài sẽ đạt được một cái ngã vô ngã!

Vừng trán vị sư già cau lại, nhà sư nghĩ rằng đã buông lời là buông luôn, không còn giữ lại:

- Ngài như thế nào thì ngài thấy như thế ấy, như thế ấy với khuôn mặt như thực của mình, không thêm, không bớt, không thủ, không xả. Và đấy mới bước qua phạm trù của quán chiếu bát-nhã, của tuệ giác. Tuệ giácthường trực trú nơi “vô ngã”. Tôi nói “trú” một cách cố ý, vì rằng, ngài phải thường trực trú nơi cái hiện tiền trôi chảy của tâm niệm, của tư tưởng. Bất kể tâm niệm, tư tưởng ấy là gì, là tốt, là xấu, là đục, là trong cũng đều được ghi nhận một cách rõ ràng, chân xác! Nói cách khác, ngài phải thường trực chánh niệm, tinh tấntỉnh giác trước các pháp đến và đi qua tâm thức. Thường trực lắng nghe chính mình một cách khách quan, đừng đồng lõa với cái gì, mà cũng đừng chấp nhận, phản ứng hoặc biện hộ cho cái gì. Tuệ minh sát phải trong sáng, sắc bén, không thiên vịhoàn toàn trung chính. Đừng bất mãn cái gì, đừng mong muốn cái gì, vì bất mãn là sân, mong muốn là tham! Vậy chỉ có một việc duy nhất là chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe. Chỉ có lắng nghe như vậy ngài mới cắt đứt được tham sân và thấy rõ vô ngã là gì!

Nhà sư ngừng nói hồi lâu, vị Sư già mới góp lời:

- Bấy lâu, tôi thấy tôi thành tựu được nhiều, nhà sư đã lột trần tôi ra và tôi thấy mình chẳng còn gì nữa cả!

- Đúng vậy! Lời thổ lộ ấy của ngài mới thật là cao quý: Lời của ý-thức-vô-ngã! Như vậy, thưa ngài, cao thượng đúng nghĩa là khi mình toàn triệt vứt bỏ được “cái tôi”. Vứt bỏ cũng chỉ là cách nói, chứ thật ra, khi thấy thì tất cả Pháp đều là vô ngã. Các Pháp là vô ngã thì lấy gì để sở đắc, thành tựu? Hoàn toàn không! Rốt ráo không! Tuy nhiên, cái không ấy không phải là hư vô mà nó là chìa khóa để mở cửa niết-bàn!

Trên đường về chùa, Bất Ác nói với nhà sư:

- Một ngày hai đêm đi với thầy con học được một vài điều.

- Con hãy nói xem nào.

- Thứ nhất, thấy việc thiện là làm ngay, cương quyếtdứt khoát.

- Giỏi lắm!

- Thứ hai, chỉ có việc chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe, còn hiện tại, quá khứ, vị lai đều dẹp qua một bên.

- Khá lắm!

- Thứ ba, kham nhẫn hoàn cảnh và chịu đứng gian khổ.

- Rất đúng! Còn gì nữa không con?

Bất Ác lắc đầu:

- Chỉ chừng đó thôi, còn câu chuyện thiền địnhvô ngã gì gì đó thì con mù tịt!

Nhà sư trầm ngâm một lúc lâu:

- Thật ra, con học được như thế cũng đã khá nhiều. Vậy từ bài học ấy, từ nay, con đã biết cách đối trị với cái tâm thụ động, tiêu cực, đôi khi lại còn biếng nhác, dễ duôi nữa. Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác con cũng còn thiếu, có phải thế không? Nhưng còn điều quan trọng hơn, là thầy chỉ muốn đánh thức ở nơi con một điều gì đó, để con tự tỉnh dậy và tự bước đi, bằng hai bàn chân của mình, trên lộ trình của chính mình.

 

Huyền Không, Hải Vân – Lăng Cô – 1977

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/07/2014(Xem: 11968)
04/05/2015(Xem: 10705)
11/06/2014(Xem: 9583)
08/05/2013(Xem: 6193)
17/06/2013(Xem: 7213)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.