Đón Tết

03/02/201412:00 SA(Xem: 3536)
Đón Tết

CHUYỆN CỬA THIỀN
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Nghệ
chuyencuathien1

Đón tết


Suốt mấy tháng bão bùng mưa gió, cả chùa gác tất cả công việc bên ngoài, thì giờ chỉ để dành cho các chú ôn tập kinh điển, giáo lý, học chữ Hán, Pa±l…i, Anh văn, đọc sách truyện và hành thiền. Tiết tháng chạp trời đã tạnh ráo, các chú bắt đầu thêm phân cho bí, bầu, các loại su, bắp cải và rau xanh.v.v… Công việc thì bề bộn, nhưng không khí sống động, vui tươi. Các chú vừa cuốc đất, vừa trồng tỉa, vừa luận đạo, vừa làm thơ… mà quên hẳn năm mới kề bên lưng.

- Làm sao chuẩn bị ăn Tết chứ các con! Mình cũng ăn Tết cho vui chứ?

Nhà sư chợt hỏi các chú trong giờ nghỉ ngơi. Các chú reo lên, hí hửng bàn bạc. Chỉ một thoáng là dường như các chú đã hội ý xong. Liễu Minh nói:

- Bánh tét, bánh chưng, xôi, chè, mứt, món… gì gì chúng con cũng làm được tất… chỉ xin thầy tiền thôi!

Nhà sư mỉm cười:

- Có tiền thì nói làm gì? Có tiền thì ai chuẩn bị Tết mà không được! Các con tự xoay xở một cái Tết cho thầy xem khả năng và bản lãnh của các con; nhưng có điều cấm, là không được về xin gia đình và không được gợi ý cho chư Phật tử gần xa!

Thật là bài toán đố hóc hiểm! Phải từ hai bàn tay trắng mà làm ra! Nhà sư lại nói:

- Chỉ còn nửa tháng thôi, thầy cho phép các con nghỉ học và cố tìm cho ra lời giải.

Nhà sư đi rồi, Bất Đạt nói với Liễu Minh:

- Tôi có hai phương án kiếm tiền. Thứ nhất, thuê một đò máy vào tận Hói Mít, Hói Dừa để lấy củi khô. Mùa hè vừa rồi trong đó có cháy mấy đám rừng. Chỉ cần đi ba ngày là anh em ta dư sức tổ chức cả hai cái Tết! Thứ hai, hồi đi lấy phong lan, chúng ta đã phát hiện ra cả một rừng “sâm nam”, chú có nhớ không? Chúng ta cũng thuê đò máy đi hai ngày, chở về, chế biến, sao vàng, khử thổ rồi cùng nhau mang đi Huế, Đà Nẵng bán. Số tiền kiếm được, có khả năng tổ chức ba cái Tết là khác!

Liễu Minh nói:

- Chú thế là giỏi! Còn tôi cũng có hai phương án. Hôm lên sơn động, tôi phát hiện ra cả một rừng măng giang, có điều tôi không rành măng giang mùa này có không? Nhưng mộc nhĩ (nấm meo) mùa này thì tha hồ, chỉ cần đi vài ngày là đáp ứng một cái Tết ra trò!

Bất Ác góp lời:

- Em cũng có hai phương án đem ra cùng góp bàn với các chú. Hôm ra mõm rùa bên kia núi, có một dãy đá chạy dọc ven biển, em phát hiện vô số tảo biển bám đầy trên đá, phải cái là sợ lạnh thôi. Tảo biển thì người ta mua đắt như tôm tươi! Các chú còn nhớ em có mang về nấu một bữa tuyệt cú mèo không? Phương án thứ hai là đi đào củ mài. Em phát hiện trên núi cả một triền đồi củ mài. Củ mài đắt tiền, chỉ có cái là đào vất vả. Có lần suốt cả buổi em chỉ đào được mấy củ thôi, có củ sâu cả sáu bảy tấc, có củ nằm lì lợm giữa kẹt đá!

Bất Đạt sau một hồi đắn đo, cân nhắc, nói:

- Nấm mèo, tảo biển, măng giang chưa chắc có. Củ mài có tiền nhưng đào vất vả lắm, sâm nam thì chắc gì có thị trường tiêu thụ hết. Củi khô thì Tết nhứt ai cũng phải dùng. Củi gốc và củi lớn, ta bán cho các lò bánh; củi nhỏ ta bán cho các đại lý bên kia chợ.

Ý kiến Bất Đạt được các chú tán thành. Thế là ngày hôm sau, các chú chuẩn bị hành trang lên đường với đầy đủ dụng cụ, chăn màn, rựa cúp và đồ ăn uống…

Bốn ngày sau, các chú hốc hác, tiều tụy trở về, nhưng khuôn mặt thì rạng rỡ, vui tươi. Các chú còn mang về thêm ba giò lan Nghinh Xuân nở hoa lấm tấm rất đẹp. Liễu Minh còn vác trên vai một gốc củi khô khá to, có nhiều hang lỗ như đục chạm trông chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật…

Nhà sư đón các chú, lấp lánh nụ cười:

- Thế là các con đã thành công rồi!

Bất Ác hấp tấp nói:

- Bạch thầy. Dạ… chưa…

Nhà sư khoát tay:

- Thầy không cần biết là củi bán được hay chưa bán được, và tiền bán được có đủ sắm sửa một cái Tết hay không! Tiền bạc rất cần thiết, nhưng đối với chúng ta, nó không quan trọng bằng ý chí, nghị lực, chịu thương, chịu khó! Thầy mừng vì các con đã có được bản lãnh ấy!

Đêm ba mươi, nhà sư cho chạy máy nổ để thắp sáng điện đó đây, núi rừng quang rạng hẳn lên. Mọi người ai cũng bận rộn công việc để chuẩn bị đón giao thừa và đón năm mới.

Liễu Minh le te từ sau thất chạy ra:

- Bạch thầy, con có một câu đối nhờ thầy nhuận sắc!

Nhà sư đang lụi cụi trên bàn viết, ngẩng đầu lên:

- Ừ! Đọc thử mọi người nghe coi!

- Dạ: “Đổi mồ hôi, lấy nghị lực, tháng dài năm rộng, đường xa Cõi Pháp bước thong dong

Xua phiền não, rước bồ đề, sớm hỷ chiều an, canh vắng Giấc Thiền vui tự tại”.

Bất Ác vỗ tay:

- Hay quá! Mỗi câu mười bảy chữ, đối chan chát. Em phục sát đất rồi đó!

Bất Đạt hững hờ nói:

- Chỉ là khá thôi! Mà đối chỉ mười bảy chữ thì lấy gì làm siêu?

- Rứa chú làm được không?

- Sao lại không được, mà ngon lành nữa là khác!

Nhà sư mỉm cười:

- Vậy thì con đọc đi, để thầy chấm cho!

Bất Đạt lôi trong túi ra một mảnh giấy, gạch xóa lung tung. Té ra chú ấy cũng đã chuẩn bị đâu đó rồi.

Bất Đạt nguýt Bất Ác :

- Đúng ra, giao thừa mới tiết lộ bí mật, ai dè chú em nói khích làm tôi hỏng mất kế hoạch!

Bất Đạt phân trần với Liễu Minh:

- Tôi nói trạng rứa thôi, chứ cặp đối của chú đạo vị hơn. Tôi thì cốt ý vui xuân, thú thật là cái tâm của tôi không bằng chú vậy.

Rồi chú nói:

- Bạch thầy, con đọc đây:

“Tết đến rồi ư? Cụ bị đầy vai, lỉnh kỉnh rựa rìu; vật thực, chăn màn, đốn củi, tìm lan, vui quá!

Xuân về đấy nhỉ! Trở xoay rối óc, leng keng chữ nghĩa; giấy tờ, bút mực, làm thơ, tập đối, thích ghê!”

Bất Ác vỗ tay chan chát:

- Không ngờ chú đầy cả một bụng văn chương! Té ra ni lâu chú dấu em! Đúng là người tám lạng, kẻ nửa cân! Cho đỗ Bảng Nhãn, Thám Hoa hết!

Liễu Minh phát biểu thật lòng:

- Chú quả là đại tài! Chuyện thực, việc thực mà đem được hết vào trong đối mới đáng phục chứ! Dễ chừng trên hai mươi chữ một câu!

Bất Đạt nói:

- Hai mươi hai chữ!

Nhà sư cười :

- Bất Ác nhận xét đúng đấy. Liễu Minh đạo vị, Bất Đạt tài hoa! Đáng thưởng! Đáng thưởng!

Liễu Minh nói:

- Xin thầy sửa hộ cho!

Nhà sư nói:

- Không cần thiết! Trường hợp quá lủng củng hoặc ý tứ không dính vào đâu, còn hai con làm thế là khá rồi.

Bất Đạt chợt nói:

- Còn Bất Ác đâu?

Bất Ác vò đầu:

- Em cũng có chứ!

Rồi chú tất cả chạy ra sau liêu, mang ra hai cuộn giấy đỏ, kẹp bốn thanh tre, đã viết đâu đó xong xuôi, móc lên cột tiền đường.

Mọi người reo lên:

- A! Chữ của thầy! Đúng là rồng bay phượng múa, đẹp, thanh thoáttự nhiên quá!

- Kiểu này chắc có thầy “gà” cho rồi!

Nhà sư tủm tỉm cười, không nói gì.

Bất Ác tằng hắng giọng, nói to:

- Nghe đây các chú, tiễn năm Heo, đón năm Chuột, hôm kia chư Thiên Hộ Pháp Tinh Quân đã “gà” cho em làm một cặp đối vô tiền khoáng hậu như sau:

“Làm thơ chẳng được, chữ nghĩa leo teo; đã mấy Tết Heo, mổ óc nhét đầy hoa Trí Giác.

Học đạo chưa thông, kệ kinh chút chít; còn bao xuân Chuột, mài răng cắn đứt sợi Tình Mê!”

Bất Đạt lắc đầu:

- Câu của tôi đã ghê gớm rồi mà câu của chú em còn siêu việt hơn. Đáng mặt Trạng Nguyên!

Liễu Minh gật đầu:

- Tôi thì dong cả hai tay đầu hàng! Đã chở được ý đạo mà còn vui tươi, nhí nhảnh, khiêm tốn, tượng thanh, tượng hình, vận lưng… gì gì đủ cả. Bái phục, thật bái phục!

Nhà sư nói:

- Cái ý ngộ nghĩnh kia là của Bất Ác, thầy chỉ sắp xếp lại cho nó chỉnh thôi. Nói tóm lại là ai cũng có tứ, có cái riêng cả. Thầy rất vui! Thôi bây giờ lấy giấy bút, thầy viết cho.

Thế là một lát sau, cả ba câu đối được treo lên. Tiền đường sáng hẳn. Chừng hơn mười giò lan nở hoa cũng được mang ra trang hoàng cho thêm phần hương sắc, thanh nhãvui tươi.

Đâu đó xong xuôi, mọi người quây quần lại xung quanh chiếc bàn nhỏ kê ở tiền đường. Họ ăn mứt gừng, uống trà và đàm đạo.

Nhà sư nói:

- Năm qua các con đã tỏ ra nhiều kiên nhẫn, chịu đựng, vừa học hành tu niệm, vừa gian khổ lao tác. Việc nào cũng gặt hái được ít nhiều thành quả. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều đáng để hãnh diện, tự hào. Bây giờ các con hãy tự nhận xét về mình để thầy nghe xem nào!

Chú này ngó chú kia. Lát sau, Bất Đạt nói:

- Bạch thầy, con chưa được cái chi cả. Con còn nhiều nóng nảycẩu thả, đôi khi lại còn cãi cọ lôi thôi với huynh đệ. Nói tóm là con chưa làm chủ được mình, chưa thật sự chánh niệm và tỉnh giác.

Liễu Minh nói:

- Con cũng vậy, ham ăn mê ngủ là cái bệnh của con!

- Con mới là người tệ nhất! Ham ăn mê ngủ cũng có, lười biếng cẩu thả cũng có. Học hành thì tâm trí để đâu đâu. Làm việc thì cố làm cho xong để đi chơi, để mà treo võng nằm làm thơ, nghe chim hót, ngắm nhìn cây lá trời mây… Bạch thầy, không biết đến kiếp nào con mới bằng được hai chú!

Nhà sư cười hiền lành:

- Không sao! Các con ai cũng nhìn ra được mình, thấy được mình, vậy là quý rồi. Bây giờ các con tự phê bình lẫn nhau, thầy làm chủ tọa:

Bất Ác nhanh nhẩu:

- Bạch thầy, cho con bình trước, phê sau.

- Được rồi – nhà sư gật – con cứ bình phê một cách thẳng thắn, nhưng phải ôn hòaxây dựng.

Bất Ác “dạ” lớn tiếng rồi nhìn chú Liễu Minh, nói:

- Chú Liễu Minh thiệt tốt, bao giờ chú ấy cũng làm hết việc chứ không làm hết giờ. Việc gì nặng nhọc là chú tình nguyện làm mà không bao giờ càu nhàu, gắt gỏng. Con học hành có chỗ nào không biết, chú ấy sẵn sàng chỉ vẽ một cách hoan hỷ và rất kiên nhẫn. Chú không dám phá ổ mối, không dám đốt đống rác khi thấy có nhiều côn trùng, sâu kiến vì lòng dạ của chú ấy từ bi. Chú ấy lại tìm cách bênh vực con khi bị chú Bất Đạt áp chế…

Bất Đạt nói móc:

- Vậy cho nên chú mới nói thương, mới nói tốt!

Bất Ác nói:

- Không phải vậy, em chỉ nói sự thật. Còn đây là tính xấu của chú Liễu Minh, em cứ nói ra mà không sợ chú ấy giận đâu! Này nhé, áo quần chú ấy bao giờ cũng giặt rất sạch sẽ, là ủi rất thẳng thớm. Lại nữa, chú rửa mặt mất mười lăm phút! Chú ấy rửa tay mất đúng năm phút hai giây! Chú ấy cắt giũa móng tay, móng chân mất hết y chang mười phút mười lăm giây! Giường chiếu, mùng mền của chú ấy ai đụng đến, xô lệch, nhàu nát đi là chú ấy không nói gì nhưng lẳng lặng sắp xếp, đôi khi mang đi giặt, ủi lại! Thế đấy, sạch sẽ ngăn nắp vừa thôi chứ, tinh tươm quá ai mà chịu cho thấu.

Nhà sư tủm tỉm cười hỏi Liễu Minh :

- Con có sạch sẽ, sửa soạn nhiều quá như vậy không con?

Liễu Minh cúi đầu đáp:

- Dạ có! Nhưng Bất Ác làm sao mà tính chính xác cả phút, cả giây?

Bất Ác nói:

- Em “canh” đồng hồ! Có nhiều lần em tính rồi em ghi vào sổ hẳn hòi!

Bất Đạt góp ý:

- Cái tốt cái xấu của chú Liễu Minh, đồng ý là Bất Ác nhận xét rất chính xác. Bây giờ đến tôi, mong chú em cố gắng khách quan cho.

Bất Ác cười hề hề:

- Chú ấy à? Tôi nói cái xấu của chú trước, đồng ý không?

- Đồng ý!

- Này nhé! Thứ nhất, chú vun một đống rác vừa khô vừa tươi, chú đốt rồi hô: “ Nam mô vô ý chúng sanh hóa kiếp cho mau, Bồ-tát Ma Ha Tát” – có hay không?

- Có!

- Thứ hai, chú phá một ổ mối rồi chú tụng: “Sabbe sattā không ra thì chết”, có đúng như vậy không?

- Không chối được!

- Ngoài ra, làm cái gì là chú làm ào ào, cúp, cuốc, rựa gãy đều do một tay chú cả. Em bẫy tảng đá rất nặng, chú đã không giúp một tay, lại còn nói: “Gắng làm cho có công đức, công đức ai nấy hưởng, tôi xen vào làm gì”, có không?

- Đúng ngay bon!

- Phiên chú nấu cơm, mọt nhiều quá, chú đã không lượm, không vút, lại còn hô: “ Nam mô tế độ siêu sanh mối mọt Bồ-tát ơi là Bồ-tát”, có không?

Bất Đạt phì cười:

- Đâu mà chú nhớ dai vậy?

- Sao không nhớ được! Nấu cơm, gạo chú không vo, nói để vậy cho có chất bổ, vi-ta-min gì đó! Lặt rau muống, rau má, chú rửa đại khái, lại còn nói: “Rồi cũng đất nước lửa gió cả chú em ơi! Tuệ Bát Nhã là bất cấu, bất tịnh mà”, có không?

Bất Đạt cười hì hì:

- Tính xấu nhiều quá hè!

Bất Ác nói:

- Hôm nay, tôi phải “tố” chú, rồi tôi sẵn sàng để cho chú “tố” tôi sau. Bữa đi củi, khi dừng bên suối, chú bắt lên mấy con cá thiệt to, chú nói: “Làm một bữa canh hết sảy”! Chú bỏ mấy con cá trong bịch ni-lông, đổ vô chút nước rồi để bên hốc đá. Đến trưa, sực nhớ lại, chú vội vàng xuống thả cá ra, nhưng có hai con đã ngất ngư, có phải vậy không?

Bất Đạt xuội lơ:

- Giỡn chơi vậy mà, vô ý quên thôi! Vô ý là không có tội!

- Tâm chú muốn ăn, vô ý gì!

Liễu Minh ngăn lại:

- Thôi chú em, hãy nói những ưu điểm đi. Chú Bất Đạt nhiều ưu điểm lắm đấy!

Bất Ác nói:

- Ưu điểm của chú ấy thì em không nói, em ưa nói cái xấu của chú ấy thôi!

- Vậy tôi nói nhé!

- Chú nói đi! Em còn muốn “tố” chú ấy một hồi nữa!

Liễu Minh nhìn Bất Ác rồi cất giọng nghiêm trang:

- Tất cả công việc chùa, từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, nếu không có tay chú Bất Đạt thì không xong đâu. Chú ấy mau mắn, nhặm lẹ, lời nói và hành động là một. Trí chú ấy lại sáng nữa, nên bao giờ góp bàn công chuyện cũng biến được việc nặng trở thành nhẹ, việc làm lâu trở thành mau. Còn học giáo pháp, bao giờ chú ấy cũng đưa ra được những câu hỏi bất ngờ, những kiến giải bất ngờ làm cho chúng ta thấy được bề sâu, bề rộng, bao quát vấn đề hơn. Nóng nảy, cẩu thả là cái bệnh thâm căn cố đế của chú ấy, nhưng chú ấy chưa làm gì hại mình, hại người. Chưa nghe chú ấy mắng chửi, đốp chát tay đôi với ai. Cái cẩu thả của chú ấy cũng chưa hề làm hư một công việc nào. Chữ viết của chú ấy xấu nhưng văn cú, câu kéo, chấm phẩy luôn luôn nghiêm túc, đàng hoàng, biểu hiện một cốt cách chững chạc, biết tự trọng và biết rõ sức học, sức tài của mình. Ngoài ra, mọi công việc ngoại giao khó khăn bên ngoài, như liên hệ chính quyền, thôn xóm, việc tiếp khách, ma chay, việc mua, việc bán… cái gì chúng ta cũng phải cậy nhờ chú ấy. Chú ấy biết cách nói, biết cách cười, biết xử sự, biết tấn thối, biết nói dịu dàng, biết nói cứng rắn .v..v… Quả là một tu sĩ khó kiếm, trong chúng ta không ai bằng chú ấy!

Nghỉ hơi một lát, Liễu Minh tiếp:

- Bạch thầy! Chú Bất Đạt xứng đáng làm huynh trưởng của chúng con, đấy là con nói thật lòng. Đức mà không có trí là ngụy đức. Trí mà không có đức là tà trí. Cả đức cả trí chú ấy đều có đủ hơn chúng con.

Liễu Minh trình bày những ưu điểm sâu xa của Bất Đạt làm cho Bất Ác cũng lặng ngắt. Quả vậy, tầm vóc của Bất Đạt, Bất Ác chưa nhìn ra được.

Nhà sư chậm rãi nói:

- Hồi nãy giờ các con chưa hề nói quá lời. Những phát biểu của các con khá toàn diện và sâu sắc. À, còn Bất Ác thì sao nhỉ?

Bất Ác lại mau mắn:

- Con thì nói làm gì! Điều xấu thì con nói rồi, còn điều tốt thì các chú ấy dành cả. Con còn bé dại, có lỗi lầm nào xin thầy và chư huynh hỷ xả bỏ qua cho. Con đang còn học ăn, học nói, học gói, học đùm mà!

Nói thế xong chú cười toe toét. Nhà sư cũng cười:

- Thôi, vậy là đủ. Bất Ác thế chứ biết nghe lời. Ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng cũng không phải là kẻ cứng đầu. Tốt thì chưa thấy gì tốt, nhưng có nhiều cái khá, khá hơn những năm trước nhiều.

Bất Ác nở mũi:

- Chớ sao! Có tu thì có hơn chứ! Chỉ cần năm bảy kiếp nữa là em theo kịp mấy chú đấy! Đừng xem thường nghe!

Bất Đạt nhún vai:

- Không dám! Rùa chạy đua hơn thỏ là chuyện có thật rồi đấy!

Đốt hương, xông trầm, đánh ba hồi chuông gia trì thì văng vẳng từ xóm làng bên dưới, tiếng pháo nổ đưa lên nghe rõ mồn một. Cả bốn thầy trò tụng kinh trong khung cảnh vắng lặng, thiêng liêng…

Lát sau họ cùng ngồi quây quần trở lại, bây giờ là dưới tượng Phật. Nhà sư ngồi kiết già yên tĩnh. Các chú lần lượt đảnh lễ chúc thọ, chúc sức khỏe, chúc năm mới. Nhà sư cất giọng từ hòa:

- Thôi, chúc văn vẻ khách sáo như vậy mà làm gì. Thế gian họ chúc nhau như vậy quá nhiều rồi. Tài sắc lợi danh mọi người họ cần, còn chúng ta không cần. Phúc lộc thọ cuộc đời này họ mơ ước, còn chúng ta xem chúng như đốm hoa, như bọt nước,… vậy thôi! Là tu sĩ, chúng ta sẽ chúc nhau như thế nào cho hợp với Đạo, cho hợp với giáo pháp, các con, ai biết?

Bất Đạt nói:

- Con thì chúc mau thoát khỏi khổ thôi!

Liễu Minh tiếp:

- Con thì cầu chúc sao cho khỏi rơi vào bốn ác cảnh.

Bất Ác góp ý mình:

- Con thì cầu chúc được làm người có phước hữu lậu vừa phải, có chánh kiếntrí tuệ để tu tập thêm nữa.

Nhà sư gật đầu:

- Rứa là đúng! Thầy hài lòng vì các con đã không thốt lên những lời nguyện to lớn, những câu chúc rỗng không chữ nghĩa. Thoát khổ không đã vĩ đại rồi; khỏi rơi vào bốn ác đạo là nhập vào dòng Thánh rồi, làm người có trí tuệ là đã thấy Pháp rồi. Phát nguyện nhỏ dễ thực hiện, mà được cái nhỏ là đã hàm tàng cái lớn. Ví dụ trong năm qua, chúng ta đã trải qua vô vàn khó khăn, nghịch cảnh, cả tinh thần lẫn vật chất, nên đêm giao thừa, thầy đã tặng cho các con mỗi người một chữ “nhẫn” mà thôi. Trong chữ “nhẫn”, nó đầy đủ nhiều đức hạnh khác, năng sanh những thiện pháp khác,… các con còn nhớ không?

- Dạ, chúng con nhớ – cả ba cùng đáp – và năm qua chúng con đã lấy Nhẫn làm đầu!

Nhà sư đứng dậy, bước tới bước lui rồi nói:

- Năm qua, thầy không biết các con đã dụng tâm về chữ “nhẫn” đó như thế nào, nhưng quả các con đã Nhẫn hơn mẫy năm trước. Thầy lưu ý các con một điều, Nhẫn, nhưng bên trong phải vắng lặng, phải tịnh định, hoặc là bên trong phải có từ, phải có xả. Thiếu định, từ, xả các con sẽ bị xung đột bởi tham và sân. Các con có biết không?

- Xin thầy cho ví dụ.

Nhà sư nghĩ ngợi một lúc:

- À, các con có khi nào để ý con thằn lằn nằm lặng lẽ để rình chụp mồi không? Nó nằm yên, rất kiên nhẫn, rất nhẫn nại. Các con có để ý con mèo nằm thu lu trong bóng tối từ giờ này sang giờ khác để chờ bắt chuột không? Nhẫn của con thằn lằn, của con mèo là để chờ đợi món ăn của chúng ở trước mặt. Vậy, ví dụ như Liễu Minh, tâm niệm nhẫn nại là để mong cầu một an vui phía trước, một phần thưởng nào đó trong tương lai, thì coi chừng Nhẫn ấy là do sự điều động của tâm tham, là Nhẫn của mèo, của thằn lằn, liệu chừng đấy!

Liễu Minh không nóng mà toát mồ hôi, vì đúng cái Nhẫn ấy là Nhẫn của chú!

Nhà sư lại quay qua Bất Đạt:

- Con à, một người yếu đuối nọ đánh không lại kẻ sỉ nhục mình, anh ta cúi đầu lặng thinh, nhẫn chịu. Bà hàng thịt chửi mắng không lại bà hàng cá, nên bầm gan tím ruột nuốt hận vào lòng. Kẻ yếu đuối kia có cơ hội sẽ rủ đồng bọn trả thù. Bà hàng thịt kia có cơ hội sẽ nói xóc, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói cay chua đối với bà hàng cá. Nhẫn của hai bà đó là do tâm sân: Nhẫn mà cố dằn lại cái tức khí, nuốt cái nhục vào lòng. Nhẫn ấy có lúc sẽ bùng vỡ. Bất Đạt con! Năm qua con có Nhẫn như vậy không?

Bất Đạt ngồi chết trân, đáp lí nhí:

- Dạ, có ạ!

Nhà sư cười nhẹ:

- Thầy nói rộng thêm một chút nữa. Nhẫn mà chấp tướng, Nhẫn mà thấy mình còn Nhẫn – ấy là Nhẫn của hữu vi, của nhân quả, của bản ngã. Các loại Nhẫn này thường bị điều động bởi tham hoặc sân. Vậy tốt nhất, đúng nhất, là khi Nhẫn, bên trong phải có định, có từ, có xả nhằm để hóa giải nó. Rốt ráo là phải Nhẫn với tâm Vô Ngã. Chẳng hay các con đã thấy chưa?

Bất Ác la lên:

- Thật kinh khiếp! Đúng với tâm con hết trơn! Con thấy rồi!

Liễu Minh và Bất Đạt thì lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, cả hai đều không ngờ cái bản ngã nó ngụy trang, nó núp bóng sâu kín như vậy!

Như đọc được ý nghĩ của Liễu Minh và Bất Đạt, nhà sư nói tiếp:

- Không phải chỉ có nhẫn nhục là ngụy trang của bản ngã, mà các pháp môn tu khác cũng y như thế.

Có kẻ bố thí mà như đầu tư một số tiền để mai sau nhận được món lãi hậu hĩ. Có kẻ giữ giới như đánh đổi một khổ hạnh để tương lai hưởng phước vật chất vô tậncõi trời. Có kẻ tham thiền là vì cõi người không thỏa mãn được dục vọng của họ. Với các kiểu tu ấy, với các tâm niệm ấy, đằng sau đều có ẩn bóng dáng ma quỉ, đều do tham, sân, si xúi giục. Như vậy, ngay sự tu hành mà cũng có kẻ do tham, sân, si mà tu, chớ không phải ai tu cũng tầm cầu xả ly, giải thoát cả đâu!

Nhà sư lại nhỏ giọng:

- Các con ạ! Tu hành là chuyện rất khó! Hãy thường trực nhìn ngắm tâm niệm của mình. Một chút sơ suất, một chút thiếu chính trực, tỉnh giácma vươngtrà trộn vào ngay; nó sẽ biện minh, biện hộ, khua môi múa mép rất tài tình. Nó mang những nhãn hiệu, những nhân danh, những chữ nghĩa rất là tôn quý, rất là cao đẹp, rất là thánh thiện. Nào là hạnh nguyện, nào là lợi ích chúng sanh, nào là xả kỷ vị tha.v..v… Đấy là con dao hai lưỡi, là tâm địa hai mặt, là cà-sa với áo giấy lẫn lộn, là đi trên lưỡi dao cạo, là thiên đườngđịa ngục, là khác chỗ về nhưng chung một đường… Giữa biển lửa ấy, thỉnh thoảng cũng có một đóa hoa sen trồi lên, nhưng dễ bị sóng đánh dạt trôi đi. Vậy tốt nhất là hãy bước ra khỏi chúng, các con cứ thầm lặng thiên lý độc hành, không để lại dấu chân, không men theo những lối mòn có sẵn, không trương những bảng hiệu, không đội trên đầu những vương miện thế gian… Sáng suốt và định tĩnh từng bước một, hai chân phải dò dẫm từng tí, nhờ vậy, cái gai nào đâm là các con biết ngay, rồi từ từ mà gỡ. Lối đi ấy an toàn hơn các con ạ! Thầy kinh nghiệm gai đâm chảy máu nhiều rồi! Các con hãy xem đây là những lời chúc của Pháp nhân dịp đầu năm mới này!

Nhà sư im lặng đã lâu.

Bất Đạt cảm thán thốt lên như thơ:

- Ngọn gió hư vô đi ngang, cả trái đất đều lạnh buốt, thầy à!

Liễu Minh nói:

- Giữa thế gian hữu vi, thật khó nhìn ra chân tướng.

Bất Ác nói:

- Bây giờ con mới hiểu “Phật nhất xích, ma nhất trượng” (Phật một thước, Ma một trượng)

Bất Đạt lại nói:

- Năm nay thầy chưa lì xì Pháp.

Nhà sư nói:

- Năm nay không cần! Thầy nhắc là các con nhớ thôi. Liễu Minh “tham” nhiều hơn “sân” nên lưu ý chuyện ăn, ngủ và cả việc sửa soạn quá nhiều cho cái thân! Bất Đạt “sân” nhiều hơn “tham”, vậy nên coi chừng lửa đốt; phải tăng cường đội quân thiện pháp để canh gác thường xuyên, ấy là chánh niệm, tỉnh giác, tâm từ, tâm xả!

Hai chú đáp:

- Chúng con sẽ cố gắng!

Bất Ác nhõng nhẽo:

- Hồi hôm đến giờ, thầy dạy hai chú ấy thôi, thầy không dạy gì cho con cả.

Nhà sư cười:

- Sao lại không dạy? Tự con phải biết chứ! Chú thì tham nhiều, chú thì sân nhiều, còn con thì tham, sân, si đều nhiều cả, bằng cả hai chú ấy cọng lại! Có phải chính con đã từng thú nhận như vậy không?

Bất Ác phụng phịu:

- Nhưng con chỉ muốn thầy dạy riêng cho con một câu thôi!

- Được rồi – nhà sư nói – vậy nghe cho kỹ đây: “Hãy quán tham, sân, si như thực tướng!”

- Chết chưa? Bất Đạt nói – Thầy dạy chú cao siêu hơn chúng tôi đấy!

Bất Ác le lưỡi:

- Khó cũng ráng mà nuốt, nuốt nhưng mà có định, có từ, có xả – chứ không như ai kia là con thằn lằn, ai nọ như bà bán thịt!

Mọi người cùng cười vui.

Trà, mứt, kẹo đã hầu tàn. Ngoài trời đã ửng sáng.

Liễu Minh chợt hỏi:

- Bạch thầy, những người bố thí, giữ giới mong hưởng phước các cảnh trời không được sao?

- Được, nhưng phước hữu vi quá nhiều dễ bị mê đắm, dễ quên đường về!

- Còn tham thiền, mong đắc định không được sao?

- Được, nhưng vào được định dễ sinh chấp thủ, khó bước ra. Lại nữa, đắc định thường phát sanh thêm những năng lực thần thông, phép lạ, nên dễ sa ngã bởi danh và lợi lúc nào chẳng hay. Đề-Bà-Đạt-Đa đắc định, đắc ngũ thông nhưng ô nhiễm chưa tận trừ nên phàm tâm nổi lên, đã một thời phá hoại giáo hội, bị quả địa ngục rút, con không nhớ sao?

Bất Đạt nói:

- Phải hướng đến vô tham, vô sân, vô si, giác ngộ, giải thoát mới khỏi rơi vào tà đạo.

Nhà sư gật đầu:

- Đúng vậy, các con đã thông suốt mọi lẽ.

Những nghi nan đã được giải đáp. Con đường trước mặt đã phong quang, rộng rãi thênh thang. Ba chú chợt như bắt gặp một mùa xuân vĩnh cửu vừa chào đời!

Huyền Không, Hải Vân – Lăng Cô – 1977

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/07/2014(Xem: 11968)
04/05/2015(Xem: 10707)
11/06/2014(Xem: 9583)
08/05/2013(Xem: 6193)
17/06/2013(Xem: 7213)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.