HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO
HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI SUỐT ĐỜI KIẾM TÌM TỰ DO
LÀNG DUNG NGUYỄN VĂN HÒA
Phiên bản PDF:
Phần I: |Phần II: | Phần III: | Phụ Lục:
(IN PROGRESS)
Duyên khởi viết lên hồi ký này là từ những lời tâm huyết của một nhà sử học* khuyến khích mọi người Việt nên viết hồi ký cá nhân vì ông cho rằng lịch sử thu nhỏ là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gôm chung sẽ là lịch sử của một đất nước, của nhân loại. Và việc viết lên lịch sử của một đất nước là trách nhiệm chung của mỗi người trong việc giữ gìn và làm sáng tỏ lịch sử, vì lịch sử thường được viết ra bởi những người chiến thắng. Ví dụ như nhà Tần bên Trung Hoa, khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, ông cho đốt sạch sách và tại Việt Nam, khi miền Bắc chiếm được miền Nam, chính quyền mới cũng cho lệnh càn quét sách vở miền Nam cho đốt hết hay như gần đây nhất, vào ngày 15 tháng 5 năm 2005, tại đảo Galang, Indonesia, một tấm biển bằng đá cẩm thạch bề ngang 3 mét và chiều cao 1 mét có ghi những dòng tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mình trong hành trình tìm tự do đã bị chính quyền sở tại đục bỏ theo yêu cầu của chính quyền Hà Nội vì trên tấm biển có hai chữ “tự do”. Bên chiến thắng không muốn lịch sử mới do họ viết có dấu vết không tốt về họ.
****
Tập hồi ký này được dựa trên một bản nháp viết tay ghi lại một vài sự kiện và cảm xúc trên con đường vượt thoát cộng sản trong biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày miền Nam Việt Nam thất thủ trước Bắc quân. Vì sách được viết theo dạng hồi ký nên các địa danh, nhân vật và thời gian được giữ nguyên để tôn trọng sự thật và để nhiều thế hệ về sau này có thể truy tìm nguồn gốc.
Theo vận nước nổi trôi, tập hồi ký là một câu chuyện nhà lồng trong khung cảnh lịch sử đen tối của một dân tộc trong khoảng thời gian từ năm 1945 - 1975, lúc đó toàn khu vực Đông Dương bị tàn phá bởi một trong những cuộc chiến tranh dài nhất và cay đắng nhất của thế kỷ XX. Riêng cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã lôi kéo sự tham chiến của hàng triệu người Việt Nam và quân nhân Pháp, Mỹ, Úc, Thái, Anh và Hàn, gây chết chóc, tàn phá; ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Số người tử vong của các bên tham chiến mà đa số là người Việt, cộng lại lên tới hơn ba triệu người. Và có thể nói, đó là một cuộc chiến dai dẳng nhất. Một cuộc chiến được cho là nội chiến do ảnh hưởng ý thức hệ tư bản và cộng sản, đồng thời cũng được xem như là nơi thí nghiệm tất cả các vũ khí, học thuyết và chiến lược chiến tranh mà Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ thử nghiệm tại Việt Nam.
Tôi ra đời vào mùa Thu năm 1943 trong bối cảnh như vậy. Năm tôi lên 11 tuổi theo cha mẹ di cư vào miền Nam tìm tự do vào năm 1954. Hai mươi năm sau đó khi tôi 32 tuổi, cùng người bạn thân rời bỏ gia đình thân yêu tìm đường vượt thoát cộng sản một lần nữa khi Bắc quân tấn chiếm miền Nam. Khoảng thời gian giữa hai biến cố đó là 20 năm, đất nước tôi chỉ có được 6 năm ngưng nghỉ chiến tranh, người dân được sống an lành.
Hai lần vượt thoát cộng sản là hai biến cố lớn trong đời tôi cũng như trong lịch sử cận đại của nước Việt Nam với hai cuộc di cư vĩ đại, vào năm 1954 và 1975. Cuộc di cư năm 1954 kéo dài 300 ngày, từ ngày 15 tháng 8, 1954, một tháng sau ngày ký kết khi Hiệp Định Geneva chia cắt Việt Nam thành hai miền Bắc, Nam, tới ngày 15 tháng 5, 1955, ngày chiếc tầu chở dân di cư cuối cùng rời khỏi Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vào Nam. Cuộc di tản năm 1975, kéo dài từ những ngày cuối tháng 4, 1975 cho tới năm 1988, là năm Liên Hợp Quốc quyết định đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Đến nay tôi đã bước vào tuổi 80, 10 năm sống ở miền Bắc, 20 năm sống ở miền Nam và thời gian còn lại gần nửa thế kỷ sống ở nước ngoài. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi tự hỏi có phải vì lý tưởng tự do mà hơn một triệu người Bắc bỏ làng mạc ruộng vườn di cư vào miền Nam năm 1954 và hàng triệu người Việt bỏ xứ ra đi năm 1975? Đâu là muc tiêu đích thực. Đâu là tự do đích thực mà tôi kiếm tìm?
Nguyễn Văn Hòa (Làng Dung)
__________________
(*) Tiến sĩ Alex Thái Đình Võ
MỤC LỤC