“BUÔNG”
ĐỖ HỒNG NGỌC
Kính tặng Thầy Thanh Từ, 99 tuổi
Tôi thỉnh thoảng có được những buổi trực tiếp gặp gỡ với riêng Thầy. Được gặp Thầy một mình như vậy, được trò chuyện trực tiếp với Thầy như vậy, tôi không chỉ học được những kiến giải sâu sắc của Thầy mà quan trọng hơn, còn học được cái “thân giáo”: ân cần, niềm nở, hết sức từ tốn, chân thành... của một bậc chân tu.
Một lần gặp Thầy ở Vũng Tàu, Thiền viện Chơn Không. Trưa hôm đó, thầy Thích Thông Thiền đưa tôi đến thăm Thầy, thầy đang bị đau khớp gối. Vì có buổi Pháp thoại với Phật tử ngay sau buổi nghỉ trưa nên tôi rút lui sớm. Một lần khác đến thăm Thầy ở Bệnh viện 115. Bệnh viện không cho ai vào thăm nhưng tôi trong ngành nên được cho phép vào. Thầy vui, ân cần nắm lấy tay tôi.
Lần khác nữa, gặp Thầy cũng ở Chơn Không thì lần này Thầy đã ngồi xe lăn, còn nhận ra và nói ít tiếng. Tôi vẫn theo dõi tình hình sức khỏe Thầy qua các Thầy ở Thiền viện Thường Chiếu, đặc biệt với Thầy Thích Thông Hạnh, Ni sư Hạnh Chiếu...
Nhưng lần thăm Thầy ấn tượng nhất với tôi là gặp Thầy tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, cách đây đã 17 năm, vào khoảng tháng chạp, trời hơi lạnh và có chút mưa. Tôi có hội thảo gì đó bên Y tế. Thầy vừa đi Hà Nội về, húng hắng ho, cảm lạnh.
Khi tôi đến Thiền viện thì cơn mưa vừa tạnh. Nắng vàng tỏa rực trên mặt Hồ Tuyền Lâm. Tôi không hẹn trước, chỉ đi cầu may. Có duyên thì gặp, không thì vô duyên vậy. Vị thị giả mở cổng tịnh xá nho nhỏ như một cái cốc, kiểu nhà sàn thấp, có một hòn đá rất lớn trước sân ghi 4 chữ: Chơn Tâm Vô Niệm. Một con chó trắng to đang nằm thiu thỉu ở bậc tam cấp.
Chú thị giả nói chó hiền lắm. Tôi bước vào, chắp tay chào Thầy. Trông thấy thầy khỏe, sắc mặt tươi vui. Thầy choàng thêm áo khoác và nói vừa ở Hà Nội về, ngoài đó lạnh quá. Tôi hỏi thăm Thầy về sức khỏe, về chuyện ăn ngủ các thứ... rồi quan sát chung quanh: góc phòng có cặp tạ nhỏ, nặng khoảng 1ký, Thầy nói để tập tay; một đôi dép cỏ cỡ lớn, Thầy nói ngày ngày đi bộ một vòng quanh núi.
Dịp này, tôi đang viết Gươm báu trao tay (về Kinh Kim Cang) nên được dịp hỏi Thầy cho rõ thêm vài chỗ như nghĩa của cụm từ “Như như bất động” và chuyện “dĩ sắc, dĩ âm thanh” để thấy Như Lai có phải là... hành tà đạo?
Tôi hỏi tảng đá to trước sân của Thầy thấy viết “Chơn Tâm Vô Niệm”, trong khi Lục tổ Huệ Năng chỉ nói “Vô Niệm” là đủ? Thầy cười, Ổng là Tổ, nói tắt vậy, còn mình phải nói rõ chớ. Thầy rất cởi mở, vui vẻ, hỏi đâu đáp đó nhanh nhẹn dù Thầy lúc đó cũng đã ngoài 80. Tôi lại hỏi về các tác phẩm xưa của thầy như “Lục diệu pháp môn” và “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”... Thầy nói “Lục diệu pháp môn” dịch hồi còn trẻ (xưa rồi!). Tôi đề nghị thầy nên cho tái bản cuốn Ba Vấn Đề... vì rất cần cho giới trẻ hôm nay. Thầy có vẻ rất quan tâm.
Đã gần cả tiếng đồng hồ ngồi bên Thầy, tôi đứng dậy xá Thầy và nói: Nãy giờ học với Thầy nhiều quá rồi, giờ xin Thầy cho một chữ thôi trước khi ra về, Thầy cười: “BUÔNG”!
***
Tôi còn có được một bài học khác từ một bài thơ rất ngắn của Thầy: MỘNG. Bài thơ này thầy viết năm 1980, thấy dán trên cột Thiền viện Chơn Không ở Vũng Tàu:
Mộng
Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng. (Thiền viện Chơn Không, tháng 7/1980)
Gá là gán, là gắn, là ghép... tạm bợ vậy thôi. Thân là ngũ uẩn, năm thành tố với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Gắn gán ghép tạm bợ mấy thứ đó vào đâu? Vào mộng. Gá Thân Mộng. Mộng là ảo, là không thực. Đã gán, ghép tạm bợ, lại đặt vào chỗ không thực nữa thì tội nghiệp quá! Nhưng để làm gì? Để múa may quay cuồng, tự tạo bao cảnh khổ đau... cho đáng kiếp! Chịu không chịu cũng phải chịu. “Nó vậy đó”!
Như một đứa bé lắp ghép trò chơi puzzle với mấy mảnh carton tạo ra người này người nọ, con thú này thú kia, phố xá, xe cộ, lâu đài, rồi xóa đi, rồi lắp ghép lại ra trăm ngàn thứ đồ chơi... trong chớp mắt. Thân đã vậy rồi lại Dạo trong cảnh mộng nữa thì thật đáng tức cười.
Cảnh là thanh, hương, vị, xúc, pháp, những cái tưởng ở bên ngoài kia thực ra cũng là mộng. Nó không có thực. Nó do tâm tạo ra. Không dễ mà ý thức được điều đó. Đấu đá tranh giành hơn thua vinh nhục trong cảnh mộng đó mà nào có biết. Khi giật mình tỉnh dậy thì nồi kê chưa chín.
Mộng tan rồi. Đành cười thôi.
Cười vỡ mộng. Cười một mình. Nụ cười tủm tỉm của Phật chính bởi sự thấy biết đó.
Khi Phật giơ cành hoa sen lên, ai nấy đều trầm tư suy nghĩ, chỉ có lão Ca Diếp tủm tỉm cười, Phật bèn truyền ngay “Chánh pháp nhãn tạng” cho ông. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, rồi tủm tỉm cười một mình thôi sao? Không. Đó là lý do vì sao Phật rời khỏi cội Bồ đề, lang thang xuống núi. Và vì thế bài thơ có phần thứ hai:
Ghi lời mộng. Nhưng Ghi lời mộng mà không khéo thì người ta lại tưởng thiệt, bám vào câu chữ, vào lý thuyết suông. Nên phải Nhắn khách mộng. Nhắn là chỉ vẽ, là khuyến khích thực hành, phải trải nghiệm tự thân. Có vậy mới mong Biết mà Tỉnh ra.
Biết được mộng. Tỉnh cơn mộng. Tỉnh cơn mộng chính là BUÔNG đó vậy!
Tôi thấy ở đây rất rõ tấm lòng của một vị Bồ tát, thực hiện theo con đường Hạnh nguyện Phổ Hiền
(Trích từ: https://thuvienhoasen.org/a21580/tap-chi-tu-quang 41 )
- Từ khóa :
- buong
- ,
- Đỗ Hồng Ngọc