Bồ-tát ở quanh ta

16/10/20164:01 SA(Xem: 11775)
Bồ-tát ở quanh ta

BỒ-TÁT Ở QUANH TA
Nguyễn Xuân Chiến

 

Bất cứ khi nào gặp nhau, các người bạn lớn tuổi thường phàn nàn:

- Thời buổi này thật khủng khiếp, thật dễ sợ, không thể  tưởng tượng được!

Ngay lúc ấy, tôi tỏ ra ngạc nhiên như chưa từng bỡ ngỡ:

- Anh định nói cái gì?

- Thì chuyện thời sự đó. Ông cứ lật báo hoặc mở mạng Internet ra mà xem. Thôi, đủ thứ chuyện, đến nỗi con giết cha, cô dâu đánh vỡ đầu mẹ chồng… rồi quan tham bày trò đủ món để hại dân. Ngao ngán quá!

Tôi lắc đầu:

- Chuyện gì chứ những chuyện ấy là chuyện muôn đời của chúng sanh! Có chi mà thắc mắc!

- À, nếu không thắc mắc thì thắc mắc cái gì?

Tôi chậm rãi, nhắp chút trà ngon rồi nói:

- Thưa anh! Cũng một bức tranh cuộc đời như thế thôi, nhưng mỗi người nhìn thấy khác nhau. Kẻ không có chánh kiến thì sẽ nhìn một chiều nên chỉ phát hiện những thứ bi quan, xấu xa… Còn người Phật tử chúng ta chỉ thấy những điều khả dĩ chấp nhận được! Thật ra, chuyện thế gian, tức là chuyện chúng sanh – lúc nào mà chẳng vậy? xưa và nay, đều không có chi thay đổi.

- Ông nói vậy mà nghe được à? Thời trước đâu có những sự kiện như vậy?

- Thời trước là thời đại nào?

- Ờ… thì cách đây chừng vài chục năm! Hồi tụi mình còn nhỏ!

- Thì cách đây dù trăm năm, ngàn năm thì cũng rứa mà thôi! Thế giới này là thế giới của “tục đế” nên tương đối, khi nào cũng xuất hiện 2 mặt tốt và xấu cùng luôn luôn hiện hữu. Thời nào con người cũng thế, lòng người cũng vẫn vậy, nên biểu hiện ra bên ngoài xã hội có chi khác nhau? Nhưng, nếu ta tìm kiếm những cái tốt đẹp thì xã hội này vẫn không thiếu!…

cheo đò qua sôngTôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện thần kỳ như cổ tích, mà các nhân vật té ra… có thật, còn sống nhăn răng như chúng ta đây.

Một người bình thường chẳng khác chi chúng ta, thuộc loại khá nghèo, đông con, tên là Trần văn Bảy (sanh năm 1947) tục danh Bảy Ưu là một nhân vật đang sống trong cuộc đời như chúng ta, đang ăn đang ngủ đang thở - một nhân vật có thiệt đang cư ngụ tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chúng ta có thể tìm gặp ông ta, chào hỏi vui vẻ, tay bắt tay và lắng nghe ông ta kể chuyện. Chuyện như thế này:

Gắn bó với con người và vùng đất này đã từ lâu, sau khi vượt qua cảnh nghèo đói, gia đình Bảy Ưu cảm thấy mở mặt mở mày với bà con làng xóm. Miếng ăn manh áo tạm gọi là ổn. Năm trong bảy đứa con đã thành gia thất, tuy chưa giàu sang như người “mới lên đời” nhưng không bao giờ bị đẩy ra bên ngoài xã hội, có công việc làm ăn đàng hoàng và nhà cửa tươm tất.

Đã đến lúc Bảy Ưu thầm ước nguyện rằng, mình phải làm một công việc gì có lợi ích cho bà con, làng xóm – chứ không lẽ cứ chăm lo bản thângia đình mình thì quá ích kỷ, uổng phí một kiếp làm người!

Vừa khi ấy, những cảnh tượng oái ăm, tội nghiệp khiến ông động lòng: Nhà ông ở bên bờ kênh, hàng ngày cứ thấy bà con muốn sang bờ bên kia phải cởi áo quần để bơi qua. Còn các trẻ em học sinh đi học phải nhờ đò, gọi là quá giang, nhưng khi thì sẵn chuyến nên họ chở giúp, khi thì không, phải ôm sách vở về nhà. Thấy hoài những cảnh ấy mà trong lòng khó chịu làm sao! Ông rắp tâm muốn lập một bến đò miễn phí để đưa mọi người qua kênh. Nhưng ông biết trước rằng, những người không hiểu sẽ cười bảo: Ăn cơm nhà đi vác ngà voi! Chuyện này rất hệ trọng, phải thưa với vợ mới được. Ông bèn thưa thiệt với bà nhà, nếu bả không chấp thuận thì… cũng kẹt.

May mắn làm sao, Trời Phật thương tình, bả vừa nghe qua gật đầu cái rụp, và nói: Ông làm việc phước đức như vậy thì tốt chứ sao, miễn là giữ gìn sức khỏe à nghen!

Thế là từ hôm ấy, ông bắt đầu làm từ thiện trong suốt thời gian đó cho đến nay. Gần 30 năm không có hở sót một ngày nào.

Báo Dân Trí VNExpress cho chúng ta biết như thế này:

Bất cứ ai cần qua kênh là ông phục vụ tận tình mà không hề lấy tiền. Bà con là những ai? Họ là những người dân hai bên bờ, cán bộ, công chức trên tỉnh, trên huyện đi công tác, rồi các em học sinh cắp sách đến trường... Những ngày đầu tiên phục vụ, chỉ có chiếc xuồng ba lá nhỏ nhoi, chèo qua chèo lại, đến nay ông đã thay đến chiếc thứ 6.

Biết ông làm việc thiện, cứ thấy chiếc đò ông đang sử dụng sắp hỏng, là một số Mạnh Thường Quân trong vùng lại đóng mới và tặng ông chiếc khác. Hiện tại, ông có 2 chiếc để thay đổi. Chiếc phà nhỏ là của bà Bé Em, người bà con của ông sống tại thị xã Cao Lãnh tặng. Chiếc thuyền tam bản là của ông Út Thư, người bạn thân của ông ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang gửi. Còn bến đò thì được gia đình ông Hai Cấu ở ấp 4 cho đất, làm mái che và giữ xe miễn phí cho khách qua lại.

Mỗi ngày, ông Bảy Ưu đón và đưa gần 300 lượt khách và xe gắn máy. Ông làm từ sáng sớm đến tận chiều tối ít có lúc nào được nghỉ ngơi. Cứ có ai gọi thì dù đang ngủ, trời đang mưa, đang gió, ông cũng vui vẻ thức dậy để đón họ mà không hề phàn nàn một lời. Những buổi trưa mùa hè nóng nực, nhiều em nhỏ trong xóm sang bên kia bờ kênh mua nước đá về uống, ông luôn đón đưa sốt sắng nhất vì: "Để lâu nước đá tan tội nghiệp sắp nhỏ".

Có người hỏi chở đò miễn phí suốt thời gian dài như thế, lấy gì để sống, rồi vợ conphàn nàn gì không, ông cười vui vẻ: "Gia đình tui có 6 công ruộng, lúa làm ra đủ để gia đình ăn quanh năm. 5 đứa con lớn của tui đã ra ở riêng, chúng cũng hay gởi tiền về phụ giúp gia đình. Hơn nữa, riêng tui ăn chay trường hơn chục năm nay nên chẳng túng thiếu gì mấy. Bà con đi chợ hằng ngày, khi thì cho tui mớ rau, lúc thì cho tui chai nước tương hoặc hũ chao... vậy là tui dư sức qua cầu, lấy tiền của bà con làm chi, họ còn rất nghèo. Còn mấy đứa con tui hả, chúng chẳng phàn nàn gì. Lúc nào rảnh rỗi công việc đồng áng, chúng lại ra đây phụ tui đưa đón khách”.

Ông bảo sẽ đưa đò miễn phí đến hết đời, còn sức là còn phục vụ bà con.

Các bạn nghĩ xem: một con người gần 30 năm chỉ thực hiện những việc vô vụ lợi như vậy, có xứng đáng là một vị Bồ-tát không? Ông Bảy Ưu làm như vậy chỉ vì… không thể không làm, vì ông ta “cảm thấy xót xa trước cảnh đời tội nghiệp” của những người dân trong vùng. Nói văn hoa, chữ nghĩa một chút, thì ông ta làm vì tình thương giữa người và người, thế thôi! Ngôn ngữ xưa thì bảo: Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả. Chúng ta là những Phật tử thì có thể nói: Bồ-tát hành động bởi vì tâm đại bi đang dấy khởi!

Việc làm ấy dù lớn hay nhỏ đều phải do người có tâm Bồ-tát mới làm được. Kẻ xốc nổi, nhất thời làm cho vui, làm để được khen chốc lát, thì họ chỉ làm một thời gian ngắn ngủi rồi bỏ đó cho thế sự vô thường, chứ không dễ gì bền chí, cầm cự dài lâu như vậy!

Tôi gọi Bảy Ưu là Bồ-tát chân chính.

Mà thật ra, những người như Bảy Ưu thì xung quanh chúng ta vốn có rất nhiều. Tại ta ưa bới móc những chuyện xấu xa của xã hội nên chỉ thấy những điều không vừa ý, và không bao giờ thấy rất nhiều ông Bảy Ưu đang nghiễm nhiên tồn tại trong đời sống, đang thầm lặng chèo đò, đưa người qua, đưa học sinh qua kênh, đưa xe gắn máy qua dòng kênh dù cho con nước đang lớn đến đâu cũng mặc.

mauhoanglanbanhmih2_mxvwNhưng, chưa hết. Trên mạng Internet còn có những chuyện như sau, đang lôi kéo chúng ta từ miền quê Đồng Tháp lên thành phố hoa lệ, ghé tủ bánh mì của bà Xuân Lan chủ một thẩm mỹ viện trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Bà Xuân Lan mở ‘tiệm bánh mì nhân ái’ đầu tiên ở Sài Gòn. Bà  là một phụ nữ đang ở tuổi 50. Hơn nửa đời xuôi ngược, bà Lan chỉ coi “tiệm bánh mì” của mình là một việc rất nhỏ để giúp đỡ và chia sẻ với mọi người.

Với bà Xuân Lan, “đã là từ thiện thì ai cũng có thể được xin một ổ bánh mì” và dù là tủ bánh mì 1 người 1 ổ nhưng chiếc tủ kính trong suốt, sạch sẽ đầy ắp bánh mì bên trong ấy luôn mở rộng sẻ chia, để ai đó lấy thêm cho người thân của họ ở nhà, lấy hộ cho người đồng nghiệp chưa kịp ăn sáng, hay lấy cho những người chưa biết về tủ bánh nhân ái này.

"Những ngày đầu bà chủ đặt 100 ổ nhưng do nhu cầu ngày một tăng, bà đã tăng lên con số 150.   Từ tờ mờ sáng, sau khi lò bánh mì đưa 150 ổ đến, nhân viên cho vào từng bao đặt lên tủ ngay trước cửa tiệm.

Buổi sáng hàng ngày có rất nhiều bà con nghèo xung quanh, người lao động nghèo ghé lấy ăn lót dạ".  Trong thời gian tới, chủ tiệm dự định tăng số lượng lên 200 ổ mỗi ngày nếu vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Niềm vui của những người nhận nhanh chóng lan tỏa khi mỗi ngày trôi qua lại có thêm những cô cậu sinh viên, những người lao động, người bán vé số, chị buôn ve chai, bác xe ôm,… đến nhận ổ bánh mì lót dạ.

Saigon còn có gì lạ nữa? Nhiều lắm chứ!

Người Saigon cũng biết bất bình trước nạn “đinh tặc” nên âm thầm đi nhặt đinh để người đi đường khỏi cán nhằm. Có khi họ cùng rủ nhau lên tới 17 người, dàn hàng ngang trên gần lề quốc lộ chỉ để… nhặt từng cái đinh. Không phải những người này được ăn yên ngủ yên mà làm cái việc “vác ngà voi” như vậy! Có nhiều khi, lắm lần họ phải trả giá bằng tính mạng của họ. Nhưng, họ đã can đảm làm những việc vì sự bình yên của người khác, thì phải dũng cảm đối đầu với bao bất trắc, hiểm nguy, vì bọn xấu không bao giờ từ bỏ con đường tối tăm của chúng. Không những chúng đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, mà chúng còn biểu lộ bằng những hành động côn đồ, hung dữ nữa.

Ở xã Tam Phước, Thành phố Biên Hòa, có ông Lê Vĩnh Dũng (41 tuổi) hàng ngày vẫn âm thầm miệt mài nhặt nhạnh từng chiếc đinh trên quốc lộ 51 (đoạn qua xã An Phước, huyện Long Thành và xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) để xe gắn máy của người đi đường không cán phải.

Nhà chức trách vẫn biết, nhưng vì lắm việc nên cán bộ không làm sao giải quyết nổi. Tình hình rải đinh trên đường vẫn chưa dễ dàng xử lý dứt điểm được. Những dịp đông người đi trên đường, như những ngày cuối tuần hay dịp lễ lớn, tụi nó lại rải đinh đầy đường khiến những người nhặt đinh phải bận rộn hơn.

Bên cạnh những người cặm cụi nhặt đinh, Sài Gòn cũng có người hơn 20 năm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật. Đây này:

anh-luong-va-tiem-va-xe-mien-phiChú Phạm Văn Lương, 49 tuổi dù ngày ế khách hay vắng khách đều không lấy một đồng của người khó khăn. 

Bức hình ghi lại một bảng hiệu báo địa điểm bơm vá, sửa xe được đặt trên vỉa hè Sài Gòn với dòng chữ: “Người khuyết tật - bơm vá miễn phí” thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ. Mặc dù kẻ xấu rất nhiều, nhưng người Saigon tốt bụng, luôn nghĩ đến tha nhân thì cũng không ít.

Nếu các bạn đi xa được, thì cùng chúng tôi bay ra Hà Nội chơi một chuyến. Những người đã từng đi qua đoạn đường từ chợ Hôm xuống phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều không xa lạ với hàng nước chè của bà Sen (65 tuổi). Hàng ngày, bà dọn một góc vỉa hè, mang bếp lò, ấm nước, cốc chén và lá chè tươi ra bán nước.

Điều đặc biệt hơn cả là bà thường bán thì ít, mà cho thì nhiều. Ai đi ngang qua bà cũng mời uống thử cốc nước chè xanh mát. Những khách hàng tới quán của bà, ai muốn uống bao nhiêu tùy thích, thậm chí có thể mang cả chai đến lấy về. Những khách hảo tâm thường trả giá mỗi cốc chè cao hơn bình thường, bà cũng không nhận. Người nghèo, người đánh giày, bán hàng rong đi qua, khát nước quá xin uống, bà đều không lấy tiền.

Giữa lúc xã hội đang dấy lên những dư luận xấu về sự xuống cấp của đạo đức, ông Tâm xuất hiện cùng tấm bảng sửa xe ấm áp tình người.

Ông Tâm treo tấm bảng đen trước tiệm sửa xe đạp với nội dung: "Các cháu học cấp 1, cấp 2 đi học qua đây, nếu bị hỏng xe ông sửa, ông không lấy tiền. Ông chưa sửa kịp thì ông sẽ dùng xe để đưa đến trường cho đúng giờ học".

Ở các thành phố lớn tại VN hay trên thế giới, người ta sống rất vị kỷ, họ quen thói chỉ biết cá nhân riêng mình, quen thói thờ ơ, lãnh đạm với những “chuyện tử tế”, nhưng cũng còn có nhiều người rộng lượng, biết sống có lý tưởng, ham chăm lo cho người khác như bản thân mình. Ai cũng tưởng rằng, lòng tốt tưởng chừng đã bị "tuyệt chủng" trong xã hội hiện đại. Ai bảo vậy?

Còn Đà Nẵng thì sao?

Báo Dân Trí cho biết:

Gần 4 tháng nay, trước số nhà 548 đường Tôn Đức Thắng (gần trường Đại học Sư phạm), quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có một bình trà đá miễn phí cho người đi đường.

Chủ nhân của bình trà đá từ thiện trên là chị Nguyễn Hồng Ân, chủ một quán cà phê nhỏ tại số 458 Tôn Đức Thắng. Bình trà đá phục vụ người đi đường từ 6h - 18h hàng ngày. Chị Ân cho biết, mỗi ngày cũng có ngót 100 người đi đường ghé qua uống nước, chủ yếu là người lao động nghèo: bán vé số dạo, ve chai và sinh viên…

“Những ngày nắng nóng nhìn người đi đường, đặc biệt những người bán vé số dạo, ve chai, xích lô, xe  thồ đi lại, làm việc vất vả, tôi muốn làm một điều gì nho nhỏ góp phần giúp đỡ họ, dù chỉ là một cốc trà đá. Nghĩ làm được chút gì cho ai thì mình vui chừng ấy”, chị Ân chia sẻ.

Còn Huế thì noái răng bây chừ?

Theo VNExpress cho biết:

quaqn cơm xã hộiỞ Huế, còn có quán cơm chay Huế Thương trên đường Bà Triệu, dành cho học sinh, sinh viên với mỗi suất giá 5.000 đồng. Trẻ em, người dân lao động có thể tới ăn miễn phí. Một vị tỳ-kheo ở chùa Từ Hiếu đã vận động người Huế ở khắp nơi góp tiền, góp sức làm cơm chay phục vụ mọi người. Để có được 300-350 suất cơm giá rẻ mỗi ngày, các tình nguyện viên phải thức dậy sớm đi chợ đầu mối mua thức ăn. Cứ 2-3 tháng, Huế Thương còn trích quỹ để tặng gạo, quần áo cho các hộ khó khăn ở hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.

Các bạn sinh viên nghèo ở Huế còn có thêm địa chỉ nữa là quán cơm Xã Hội giá 5.000 đồng ở Đào Tấn. Quán phục vụ hơn 200 suất cơm vào buổi trưa và tối hàng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. Sinh viên đến quán đưa thẻ sinh viên và 5.000 đồng để mua phiếu ăn, rồi nhận cơm ở bếp gần đó.

Chị Lê Thị Ẩn gắn bó với quán Xã Hội từ ngày đầu mới thành lập. "Mỗi ngày, tôi đều cảm thấy vui vì được nấu ăn cùng các bạn sinh viên, thấy đông người đến ăn cơm. Được đóng góp công sức cho quán là niềm hạnh phúc của tôi", chị Ẩn tâm sự.

Vì trang giấy eo hẹp, nên chúng tôi không thể kể hết mọi chuyện. Cuộc đời này không thiếu gì những người tốt và những chuyện tử tế - thế thì tại sao chúng ta lại quan tâm tới những chuyện xấu xa và những con người “không mấy tử tế” làm chi?

Quanh đây, vô số những người sống đẹp, biết thương yêu con người và sẵn sàng làm bất cứ mọi việc để thế gian tươi đẹp hơn, bởi vì bên cạnh chúng ta luôn luôn hiện diện những vị Bồ-tát ẩn danh mà sẵn sàng có mặt…

 

NGUYỄN XUÂN CHIẾN

(Nhất Tâm QUYẾT VÃNG SANH)


Bài đọc thêm:

Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara)

quantheambotatĐược coi như vị Bồ-tát đầy tình thương, luôn luôn sẵn sàng cứu độ, giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi chúng sinh khi cần thiết.

Bồ-tát Quán Thế Âm đã được tượng trưng trong truyền thống Phật giáo bằng hình ảnh một người nữ có ngàn con mắt để thấu hiểu và ngàn cách tay để giúp đỡ chúng sinh.

Bồ-tát Quán Thế Âm trong chân nghĩa thực sự, không phải là "một vị” Bồ-tát, mà là một lực lượng (force) vĩ đại của tình thương, có mặt khắp nơi, vô sở bất tại (omnipresent). Bạn là một người bình thường, nhưng trước một tình huống thương tâm, bạn bỗng quên mình lao người ra giúp đỡ kẻ bị nạn. Ngay chính lúc đó, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thị hiện trong bạn, hay nói cách khác bạn đã là sự thị hiên của Bồ-tát Quán Thế Âm trong thế giới này.

Bồ tát Quan Thế Âm là một người có khả năng lắng nghe. Lắng nghe tiếng kêu bi thương của con người để tìm tới mà cứu độ. Hạnh của ngài là hạnh lắng nghe với tâm từ bi. Trong khi trì tụng danh hiệu của đức Quan Thế Âm Bồ tát Avalokitesvara thì chúng ta tiếp xúc được với năng lượng của tình thương trong trái tim của chúng ta. Chúng ta tiếp xúc được với năng lượng tình thương lớn của đức Bồ tát. Khi trì tụng như vậy chúng ta chế tác được năng lượng hùng hậu, năng lượng tập thể của tăng đoàn. Chúng ta mở lòng ra tiếp nhận năng lượng đó để những đau nhức, căng thẳng trong thân và trong tâm của chúng ta được ôm ấp và chuyển hóa. Vì vậy, nếu quý vị có những căng thẳng, những đau nhức trong thân thể thì quý vị mở lòng ra để cho năng lượng của tăng đoàn, năng lượng của đức Bồ tát thấm vào trong cơ thể và nó sẽ ôm ấp, chuyển hóa những căng thẳng, những đau nhức đó. Chúng ta chỉ cần trở về với giây phút hiện tại đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng lo lắng cho tương lai. Có mặt thật sự trong giây phút này, mở lòng ra thì năng lượng của đức Quan Âm sẽ đi vào trong cơ thể của mình và sẽ chuyển hóa những căng thẳng những đau nhức đó. Nếu chúng ta có những lo âu, sợ hãi buồn khổ thì chúng ta cũng nên mở trái tim ra để cho năng lượng đó của ngài và của tăng thân đi vào để ôm ấp, chuyển hóa.

Thực trong vòng năm mười phút, thân và tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chỉ cần đem tâm trở về với hơi thở, lắng nghe buông thư để cho năng lượng của đức Bồ tát có cơ hội đi vào thân và tâm, đừng lo lắng, đừng suy nghĩ chuyện này chuyện khác. Nếu chúng ta có một người thân ở nhà đang bị bệnh hoặc đang có khó khăn trong lòng, chúng ta cũng có thể gởi năng lượng này về, truyền năng lượng này về được bằng cách nghĩ tới người đó, hoặc gọi tên người đó một cách thầm lặng, năng lượng của đại chúng và của đức Bồ tát có thể được truyền về ngay trong giây phút hiện tại cho người đó và người đó sẽ cảm thấy bớt căng thẳng, bớt đau nhức, bớt khổ đau ngay trong giây phút hiện tại.

http://thuvienhoasen.org/p67a5921/bo-tat-quan-the-am 















Tạo bài viết
27/01/2015(Xem: 26541)
11/04/2023(Xem: 3333)
01/08/2016(Xem: 11775)
14/04/2020(Xem: 4811)
27/08/2017(Xem: 10029)
26/07/2022(Xem: 4323)
28/02/2017(Xem: 26032)
15/01/2019(Xem: 7343)
29/01/2015(Xem: 10665)
01/01/2021(Xem: 4127)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…