THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā
Tuệ Sỹ dịch và giảng
PHẦN HAI
PHIÊN DỊCH
KINH VĂN
勝 鬘 師 子 吼 一 乘 大 方 便 方 廣 經
THẮNG MAN SƯ TỬ
HỐNG NHẤT THỪA ĐẠI PHƯƠNG TIỆN
PHƯƠNG QUẢNG
KINH
ŚRĪMĀLĀ-SIṂHANĀDA-SŪTRA
宋 中 印 度 三 藏 求 那 跋 陀 羅 譯
TỐNG TRUNG ẤN ĐỘ
TAM TẠNG CẦU-NA-BẠT-ĐÀ-LA Hán dịch
TUỆ SỸ Việt dịch
& Chú thích
CHƯƠNG MƯỜI BA:
TỰ TÁNH THANH
TỊNH
[637]
«Bạch Thế Tôn, sinh tử y trên Như Lai tạng,[638] và do Như Lai tạng mà nói rằng không thể biết được bản tế.[639] Bạch Thế Tôn, có Như Lai tạng cho nên có sinh tử, đó gọi là khéo nói.»
«Bạch Thế Tôn, sinh tử; sinh tử là các thọ căn rụng xuống,[640] và căn không cảm thọ[641] thứ tự tiếp nối,[642] khởi lên, đó gọi là sinh tử.»
«Bạch Thế Tôn, sinh và tử, hai pháp này tức là Như Lai tạng. Do ngôn thuyết của thế gian nên nói là có sinh có tử. Tử là căn hủy hoại,[643] sinh là các căn mới khởi lên, chứ không phải rằng Như Lai tạng có sinh có tử.[644] Như Lai tạng vốn lìa ngoài tướng hữu vi. Như Lai tạng vốn thường trụ, không hủy hoại. Cho nên, Như Lai tạng là sở y, là khả năng duy trì, là khả năng kiến lập.[645] Bạch Thế Tôn, là Phật pháp vốn không xuất ly, không thoát, không đoạn trừ, không thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn, làm sở y, duy trì, thiết lập các pháp hữu vi bên ngoài vốn có tính cần được đoạn, được giải thoát, có biến dị, chính là Như Lai tạng.»
«Bạch Thế Tôn, nếu không có Như Lai tạng thì không thể có sự nhàm chán khổ lạc và mong cầu Niết-bàn. Vì sao? Đối với sáu thức và tâm pháp trí,[646] bảy pháp này không đình trụ trong từng sát-na, không gieo trồng các khổ,[647] cho nên không thể nhàm chán khổ mà mong cầu Niết-bàn.»[648]
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không có giới hạn nguyên thủy,[649] là pháp không sinh khởi, không hoại diệt, có gieo trồng các khổ nên có nhàm chán khổ mà mong cầu Niết-bàn.»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là ngã, không phải là chúng sinh, không phải mạng, không phải nhân cách.»[650]
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là cảnh giới cho những chúng sinh rơi vào thân kiến,[651] chúng sinh điên đảo, chúng sanh loạn ý chấp không.»[652]
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng là pháp giới tạng, là Pháp thân tạng, là tạng xuất thế gian thượng thượng, là tạng tự tánh thanh tịnh.[653] Như Lai tạng với tự tánh thanh tịnh này tuy bị ô nhiễm bởi phiền não khách trần[654] và phiền não hiện khởi,[655] nhưng vẫn là cảnh giới bất tư nghị của Như Lai. Vì sao? Thiện tâm sát-na[656] không phải là bị nhiễm ô bởi phiền não.[657] Bất thiện tâm sát-na cũng không phải là bị nhiễm ô bởi phiền não. Phiền não không xúc tâm; tâm không xúc phiền não,[658] vậy đâu có thể pháp không xúc[659] mà có thể nhiễm ô tâm được.»
«Bạch Thế Tôn, nhưng có phiền não, có tâm bị phiền não nhiễm ô. Tự tánh thanh tịnh mà có ô nhiễm, thật là khó thấu triệt.[660] Duy chỉ Phật Thế Tôn, là con mắt của sự thật, là trí tuệ chân thật, là căn bản của Pháp, là bậc thấu suốt pháp, là nơi nương tựa của chánh pháp,[661] mới có thể biết và thấy như thật.»
Thắng Man sau khi diễn thuyết pháp khó hiểu này, và thưa hỏi Phật. Phật tùy hỷ nói rằng:
«Thật như vậy! Thật như vậy, tự tánh thanh tịnh tâm mà có nhiễm ô; thật sự khó thấu triệt. Có hai pháp khó thấu triệt, đó là tự tánh thanh tịnh khó thấu triệt, và tâm ấy bị phiền não nhiễm ô cũng khó thấu triệt. Hai pháp này, chỉ con và các Bồ tát ma-ha-tát, những người đã thành tựu đại pháp, mới có thể nghe và chấp nhận. Còn các Thanh văn khác duy chỉ tin lời Phật nói.»