Phẩm Thọ Ký Cho Năm Trăm Vị Đệ Tử Thứ Tám

24/05/201012:00 SA(Xem: 12403)
Phẩm Thọ Ký Cho Năm Trăm Vị Đệ Tử Thứ Tám
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

Phẩm Thọ Ký Cho Năm Trăm Vị Đệ Tử Thứ Tám

Phẩm nầy Đức Phật vì năm trăm vị đệ tửthọ ký, thật ra đã thọ ký bao quát ở trong một nghìn hai trăm năm mươi vị đệ tử. Lúc này, Phật khai quyền hiển thật, mở bày một Phật thừa, ngoài hai thừa thì chẳng chân thật. Vì A La Hán, Bích Chi Phật, hàng nhị thừa mà khai thị Bồ Tát đạo, đều thọ ký cho đời vị lai đều sẽ thành Phật. Phàm là người nào nghe được, thọ trì, đều phát tâm đại thừa, tu học theo Bồ Tát đạo, làm đệ tử dự ký trong hội Pháp Hoa ở đời vị lai.

Bấy giờ, Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, từ đức Phật nghe trí huệ phương tiện tùy nghi thuyết pháp, và nghe thọ ký quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho các vị đệ tử lớn, lại nghe việc nhân duyên đời trước, và nghe chư Phật có sức thần thông đại tự tại, được chưa từng có, tâm thanh tịnh hớn hở, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, đầu mặt lễ dưới chân đức Phật, rồi đứng qua một bên, chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật, mắt chẳng tạm rời mà nghĩ như vầy : Đức Thế Tôn rất kỳ đặc, làm những việc ít có, tùy thuận bao nhiêu thứ tánh thế gian, dùng phương tiện tri kiến mà vì họ thuyết pháp, cứu vớt chúng sinh ra khỏi những chỗ tham trước. Chúng con ở nơi công đức của Phật, không lời lẽ nào mà nói cho hết được, chỉ có đức Phật Thế Tôn, mới biết được nguyện xưa trong thâm tâm của chúng con.

Lúc đó, Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, tức là Mãn Từ Tử, nghe đức Phật nói, biết được hóa thành phương tiện trí huệ (phẩm thứ bảy), tùy căn cơ của chúng sinh mà vì họ nói pháp, lại nghe các vị đệ tử lớn, tức một nghìn hai trăm năm mươi người, được Phật thọ ký sẽ thành Phật, lại nghe việc nhân duyên đời trước, tức là Phẩm Hoá Thành Dụ, nói về các vị vương tử thuở xưa, và nói về nhân duyên.
Lại nghe chư Phật có đại trí huệ, tùy duyên tự tại, thông đạt vô ngại, đây là những việc từ trước chưa từng nghe, cho nên trong tâm thanh tịnh hớn hở khác thường. Bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến ở trước đức Phật cuối đầu cung kính lễ dưới chân đức Phật.

Lễ Phật xong, lui về đứng một bên, chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật, mắt chẳng nhấp nháy. Trong tâm nghĩ như vầy : "Đức Thế Tôn rất ít có kỳ đặc, những gì Phật làm càng hy hữu, hay dùng trí huệ quyền xảo phương tiện, để tùy thuận chúng sinh, mà nói đủ thứ Phật pháp phương tiện, khiến cho chúng sinh tiêu trừ tham trước, chẳng còn nhiễm ô cảnh sáu trần. Chúng con trí huệ mỏng manh, căn cơ cạn cợt, cho nên không thể nói hết và tuyên dương công đức của chư Phật, chỉ có Phật, đại giác Thế Tôn, mới biết đại nguyện ở trong thâm tâm của con và chúng sinh".

Bấy giờ, đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo rằng ! Các ông có thấy ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử đây chăng, ta thường khen ông ta là người thuyết pháp giỏi bậc nhất, cũng thường khen ngợi ông ta tu đủ thứ công đức, tinh tấn siêng năng hộ trì, trợ giúp tuyên dương pháp của ta, hay ở trong bốn chúng khai thị giáo hóa, khiến cho mọi người được lợi ích vui mừng, giải thích đầy đủ chánh pháp của Phật, khiến cho bậc đồng phạm hạnh được lợi ích rất lớn. Ngoài đức Như Lai ra, chẳng có ai biện luận bằng ông Phú Lâu Na.

Lúc đó, Phật bảo các vị đại Tỳ Kheo: ‘’Các ông bây giờ có thấy vị Thanh Văn thừa Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử đây chăng ? Ông ta ở trong đời trước, đã từng phát nguyện lớn, muốn trợ giúp Phật hoằng dương Phật pháp. Ta thường khen ngợi ông ta, vì ông ta thuyết pháp giỏi bậc nhất‘’.

Ban đầu Phật chuyển bánh xe diệu pháp, ngoài đức Phật đích thân nói pháp ra, cũng nhờ đồ chúng luân phiên thuyết pháp. Vì khích lệ trí lực biện tài giảng kinh thuyết pháp của đồ chúng, nên đức Phật luôn luôn cho người thuyết pháp bình luận, khiến cho họ "đầu sào trăm trượng tiến thêm một bước". Tại Vạn Phật Thành cũng làm theo đức Phật chế, chuyển bánh xe pháp, thuyết pháp khiến cho người thuyết pháp tùy ý phát huy, thâm nhập sự áo diệu của Phật pháp, song phải hợp với đạo lý ở trong kinh.

Ngài Phú Lâu Na khéo nói pháp vi diệu, do đó trời người, cho đến loài quỷ, súc sinh, đều thích nghe, tức khiến cho loài A tu la háo chiến, cũng lập tức ngưng chiến, mà yên lặng nghe pháp, ngoài ra bậc A la hánBồ Tát, cũng thích nghe Ngài nói pháp. Phật thường khen ngợi Phú Lâu Na trong đời quá khứ, rộng tu cúng dường Tam Bảo, và làm đủ thứ công đức, tinh tấn siêng tu, khéo hộ trì tuyên dương Phật pháp, lại khéo vì bốn chúng khai thị, khiến cho họ được pháp ích lớn.
Ngoại trừ Phật ra, ở trong đại chúng chẳng có ai có biện tài vô ngại như Ngài Phú Lâu Na, ở trong hàng đệ tử của Phật, Ngài là người giỏi thuyết pháp bậc nhất.

Các ông chớ cho rằng, ông Phú Lâu Na chỉ hộ trì tuyên dương pháp của ta thôi, mà trong quá khứ, nơi chín mươi ức chư Phật, cũng hộ trì tuyên dương chánh pháp của chư Phật. Trong hàng người nói pháp, ông Phú Lâu Na cũng là bậc nhất, và nơi pháp không của các đức Phật nói, thấu rõ thông đạt, đắc được bốn trí vô ngại, thường hay suy xét kỹ lưỡng thanh tịnh, thuyết pháp chẳng có nghi hoặc, đầy đủ sức thần thông của Bồ Tát, tùy theo thọ mạng, thường tu phạm hạnh. Người ở đời thuở các đức Phật kia, đều cho rằng ông thật là Thanh Văn, nhưng ông Phú Lâu Na dùng phương tiện đó, lợi ích vô lượng trăm nghìn chúng sinh, và hóa độ số người nhiều vô lượng A tăng kỳ, khiến cho họ trụ nơi quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì tịnh cõi Phật, mà thường làm Phật sự giáo hóa chúng sinh.

Đức Phật Thích Ca nói: ‘’Các ông đừng cho rằng ông Phú Lâu Na chỉ hộ trì trợ giúp tuyên dương pháp của ta nói, mà ông ta sớm ở trong quá khứ trong vô lượng kiếp, đã hộ trì pháp của vô lượng các đức Phật. Ở chỗ các đức Phật, cũng là người nói pháp giỏi bậc nhất‘’.

Ngài còn thông đạt pháp không của các đức Phật nói, đắc được bốn trí vô ngại tức là :
1. Pháp vô ngại biện.
2. Nghĩa vô ngại biện: Từ một nghĩa mà diễn nói thành vô lượng nghĩa, lại từ vô lượng nghĩa mà quy nạp làm một. Một làm vô lượng, vô lượng làm một. Một tức vô lượng, vô lượng tức một, viên dung vô ngại.
3. Từ vô ngại biện : Nguyện nói Phật pháp.
4. Lạc thuyết vô ngại biện : Thích nói pháp, chưa từng giải đãi. Khéo về quán cơ thí giáo, thậm chí thấy heo, chó .v.v., cũng vì chúng thuyết pháp. Nói với heo rằng: ‘’Ngươi đừng quá tham ăn tham ngủ nữa, cũng đừng quá làm biến không tinh tấn, nếu không đời sau cũng sẽ bị đọa làm heo nữa, tức vĩnh viễn khó có ngày thoát khỏi ba đường ác‘’. Khuyên nói với chó rằng: ‘’Ngươi từ nay về sau, đừng có san tham nữa, nên sớm quay đầu, bỏ mê về với giác ngộ.’’
‘’Thường hay suy xét kỹ lưỡng thanh tịnh thuyết pháp, chẳng có nghi hoặc‘’: Thường hay suy xét những pháp nói ra đều thanh tịnh, chẳng có tâm nghi hoặc. Nếu người khởi hoài nghi pháp của mình nói‘’. Pháp của mình vừa mới nói có đúng chăng? Mình khởi nghi thì cũng khiến cho người nghe khởi nghi. ‘’Ông nầy nói tầm bậy, đùng nghe ông ta nói’’.

Tuy Ngài Phú Lâu Na là bậc A La Hán, song đã đầy đủ sức thần thông của Bồ Tát, đó là vì Ngài ở trong đời quá khứ, đã hành Bồ Tát đạo, tùy theo thọ mạng nơi chỗ các đức Phật tu đủ thứ tịnh hạnh. ‘’Người đời ở thuở các Đức Phật kia, đều cho rằng ông ta thật là Thanh Văn‘’. Ngài Phú Lâu Na vốn là Bồ Tát, song Ngài:

‘’Nội bí Bồ Tát hạnh,
Ngoại hiện Thanh Văn thân‘’.

Nghĩa là :

Bên trong bí mật tu hạnh Bồ Tát,
Bên ngoài hiện thân Thanh Văn.

Ẩn thật hiện quyền, thị hiện hình tướng Thanh Văn, nhờ vậy mà phá ‘’thấy dấu vết thì mê gốc‘’ của người thế tục.
Cho nên Ngài Phú Lâu Na dùng pháp quyền xảo phương tiện, ẩn lớn hiện nhỏ, lợi ích vô lượng trăm ngàn chúng sinh. ‘’Lại hóa độ số người nhiều vô lượng A tăng kỳ, khiến cho họ trụ nơi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.’’: Lại giáo hóa vô lượng chúng sinh, khiến cho họ lập chí tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Ngài Phú Lâu Natrang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, cho nên phàm là có việc lợi ích cho Phật giáo, Ngài chưa từng phóng dật, dùng sở đắc của mình, giáo hóa chúng sinh làm trách nhiệm của mình.

Ngài Phú Lâu Na thích nói Phật pháp, Ngài có bốn trí vô ngại. Pháp sư thời nay cũng cần có bốn trí vô ngại, nên đầy đủ bốn trí nầy, bằng không chỉ có một trí ‘’thích nói‘’ Phật pháp, bị cảnh lay chuyển, ví như, vốn muốn độ người nào đó, song định lực chẳng đủ, kết quả ngược lại bị người đó lay chuyển. Lại ví như ‘’người độ chó‘’, nếu thương mến tham luyến, cũng sẽ bị chó độ lại. Xưa kia, có người diễn kịch, rất tinh thông về nghề kịch, diễn rất khéo léo, song anh ta thương một con chó, song con chó đó chẳng phải là ai xa lạ, mà chính là vợ của anh ta ! Vì vợ của anh ta suốt ngày thích mắng chưởi người, bộ dạng như chó sủa, suốt ngày sủa gâu ! Gâu ! Gâu ! Đối với anh diễn kịch. Chẳng có ngày nào yên ổn, không được nghỉ, cũng không thể tu hành. Khi anh ta bực bội đến cực điểm, thì tôi nói với anh ta : ‘’Nếu anh có định lực, thì phiền não tự nhiên sẽ bỏ anh mà đi. Bây giờ anh nên tu nhẫn nhục, nhẫn thọ tất cả sự chưởi mắng. Do đó có câu:

‘’Duyên tụ thì thành, duyên tan thì lìa‘’.

Anh ta nghe rồi, quả nhiên tu pháp môn nhẫn nhục. Ba năm sau, anh ta từ từ đã nhẫn thọ được nghịch cảnh, còn vợ của anh ta trường từ với đời, cuối cùng bỏ anh ta mà ra đi.

Các Tỳ Kheo ! Ông Phú Lâu Na ở nơi bảy đức Phật, cũng là người thuyết pháp bậc nhất. Nay trong hàng đệ tử của ta, cũng là người thuyết pháp bậc nhất. Nơi các đức Phật vị lai trong Hiền kiếp, cũng là người thuyết pháp bậc nhất, đều hộ trì tuyên dương Phật pháp. Đời vị lai, ông Phú Lâu Na cũng hộ trì tuyên dương, pháp của vô lượng vô biên các đức Phật, giáo hóa lợi ích vô lượng chúng sinh, khiến cho họ trụ nơi quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì tịnh cõi Phật, nên thường siêng năng tinh tấn giáo hóa chúng sinh.

Các Tỳ Kheo ! Vị Phú Lâu Na ẩn lớn hiện nhỏ nầy, ở nơi bảy đức Phật và Phật Thích Ca, cũng đều là người thuyết pháp bậc nhất trong hàng đệ tử của Phật.

Bảy Đức Phật là :
1. Phật Tỳ Bà Thi.
2. Phật Thi Khí.
3. Phật Tỳ Xá Phù.
4. Phật Câu Lưu Tôn.
5. Phật Câu Na Hàm Mâu Ni.
6. Phật Ca Diếp.
7. Phật Thích Ca Mâu Ni.

nhân duyên gì, mà Ngài Phú Lâu Na là người thuyết pháp bậc nhất trong bảy Đức Phật ? Ngài Phú Lâu Na ở trong quá khứ vô lượng ức kiếp, chẳng biết thuyết pháp, song đối với Phật pháp Ngài rất khao khát ngưỡng mộ, cho nên mỗi lần nghe có pháp hội giảng kinh, thì Ngài nhất định phải đến tham dự. Dù Ngài có thể không ăn không uống không ngủ, song không thể nào không đến nghe pháp, cho nên lấy pháp làm thức ăn, lấy pháp làm nước, chẳng những như thế, mà vì biểu thị lòng cung kính, chẳng màng là ai thuyết pháp, Ngài cũng đều cung kính, Ngài từng nguyện như vầy: ‘’Tương lai sau khi xuất gia, tôi nguyện sẽ là người thuyết pháp bậc nhất, tại mỗi vị Phật ra đời, đều phải dưới Phật tòa giảng kinh thuyết pháp vào hàng bậc nhất‘’.

Ngài đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện nầy, quả nhiên toại tâm mãn nguyện, vì phát nguyện trồng xuống hạt giống bồ đề, thì sẽ nảy mầm lớn dần. Khi cơ duyên thành thục, thì trí huệ phát sinh biện tài vô ngại.
‘’Nơi các đức Phật vị lai trong Hiền kiếp, cũng là người thuyết pháp bậc nhất‘’. Hiền kiếp tức là thời Thánh hiền ra đời, Phật Câu Lưu Tôn là vị Phật thứ nhất của Hiền kiếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni là thứ hai, Phật Ca Diếp là thứ ba, Phật Thích Ca Mâu Ni là thứ tư của Hiền kiếp.

Vị lai, Ngài Phú Lâu Na cũng là người thuyết pháp bậc nhất. Ngài nghe pháp thì dẹp trừ hết mọi vọng tưởng, dùng tâm chân thành hằng thật, chuyên chú tu hành mới có thành tựu như thế. Do đó, chúng ta khi tu đạo, thì chớ tồn tại tơ hào tâm đố kị chướng ngại, đừng tham cầu danh văn lợi dưỡng, đừng ham đệ nhất, nên thường sinh tâm khen ngợi người khác mới tương ưng, chẳng trở ngại đối với pháp, đắc được pháp cảnh tương dung, lạc thuyết vô ngại, không đệ nhất mà tự nhiên đệ nhất.

Thuở xưa, có vị Phật sống chùa Kim Sơn, đầy đủ thần thông, lại chữa trị được bệnh, song bất cứ ai đang thuyết pháp, Ngài cũng đều cung kính chắp tay ngồi xuống. Phật sống còn trọng pháp như thế, hà huốngphàm phu chúng ta ? Ngài cũng nhiều kiếp khổ tu, mới cảm ứng và đầy đủ thần thông. Một số nhân sĩ ở Thượng Hải, chẳng ai mà không cung kính khâm phục Ngài. Nếu gặp trong chùa chẳng còn gạo ăn, thì Ngài chỉ niệm ‘’Gạo đến, gạo đến’’ ! Thì gạo quả nhiên sẽ đến. Kẻ thấy Ngài, chẳng ai mà không ngạc nhiên kính phục.
Ngài Phú Lâu Na thuyết pháp bậc nhất, song Ngài chẳng ‘’tranh giành‘’ mà tự nhiên có được. Chẳng những trong Hiền kiếp, mà suốt thuở vị lai vô biên chỗ các Đức Phật, Ngài cũng hộ trì diễn nói tuyên dương chánh pháp, giáo hóa lợi lạc quần sinh, khiến cho họ kiến lập thành tựu nhân duyên, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nếu ai tinh tấn siêng năng giáo hoá chúng sinh, thì người đó thanh tịnh cõi Phật. Cho nên hiện tạiVạn Phật Thành ai tuyên dương Phật pháp, khổ tu hành, tức là nhân duyên thù thắng thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật.
Bây giờ, chúng ta trang nghiêm cõi Phật khác, thì ngày nào đó, khi mình thành Phật, thì cõi nước của mình cũng sẽ trang nghiêm. Do đó : ‘’Lấy sự trang nghiêm của Phật, trang nghiêm cho mình‘’. Thanh tịnh cõi Phật khác, tức là thanh tịnh cõi Phật tự tánh. Nếu ai biết mà không thực hành, thì tự tánh của người đó ô uế hơn đời ác năm trược. Các vị chớ thấy mà bỏ qua, hiện tại tôi giảng kinh thuyết pháp được, cũng có thể nói là đã từng thọ qua sự giáo hóa của Ngài Phú Lâu Na. Lúc còn trẻ, tôi ngu dốt hơn một số người, chẳng khéo ăn nói, cũng chẳng dám nói nhiều, nếu chưa từng thọ sự khai thị của Ngài Phú Lâu Na, thì dù chính mình khổ tu, cũng không được như vậy.

Dần dần đầy đủ đạo Bồ Tát, trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp, sẽ ở cõi này đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, hiệu là Pháp Minh Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật đó, dùng ba ngàn đại thiên thế giới, nhiều đồng như số các sông Hằng làm một cõi Phật. Bảy báu làm đất, mặt đất bằng phẳng như bàn tay, chẳng có núi gò khe suối rạch ngòi. Đài quán bảy báu đầy dẫy trong đó. Cung điện của chư Thiên ở gần nơi hư không, trời người giao tiếp nhau, và thấy được nhau.

Ngài Phú Lâu Na dần dần sẽ đầy đủ đạo Bồ Tát, tu thành tựu viên mãn rồi sẽ thành Phật, giác hạnh viên mãn. Ngài tương lai sẽ thành Phậtthế giới Ta Bà nầy, hiệu là Phật Pháp Minh. Đức Phật đó, dùng ba ngàn đại thiên thế giới, nhiều như số cát sông Hằng làm một cõi Phật, làm nơi giáo hóa của Phật. Có : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, pha lê, bảy thứ báu nghiêm sức. Mặt đất bằng phẳng như bàn tay của Phật, tâm của Phật bằng phẳng, nên mặt đất cũng bằng. Mặt đất bằng chẳng có núi, gò, khe, suối, rạch, ngòi .v.v., dụ cho đất chẳng có âm hiểm, bất bình, tham dục. Lại có đài quán dùng bảy báu tạo thành, cung điện của chư Thiên gần nơi hư không. Trời và người nhìn thấy nhau, giao tiếp với nhau.

Chẳng có các đường ác, cũng chẳng có các người nữ. Tất cả chúng sinh đều hóa sinh ra, chẳng có dâm dục, được đại thần thông, thân phóng quang minh, bay đi tự tại, chí niệm vững chắc, tinh tấn trí huệ, thảy đều màu vàng thật, ba mươi hai tướng tự trang nghiêm. Chúng sinh trong nước đó, thường dùng hai thứ ăn uống, một là dùng niềm vui của pháp, thứ hai là dùng niềm vui của thiền định.

Vì ‘’chẳng có các đường ác‘’, cho nên cõi tịnh độ đó chẳng đói khác, chẳng có thống khổ phiền não, cũng chẳng có súc sinh. ‘’Cũng chẳng có người nữ‘’, tại sao chẳng có người nữ ? Con người lại từ đâu đến ? Chúng sinh đồng ở nơi thế giới Ta Bà ác trược ô uế nầy, có bốn đường ác và người nữ. Song trong cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, cho nên chẳng có đường ác và người nữ. Thế giới Lưu Ly ở phương đông và thế giới Cực Lạc phương tây có người nữ, song chẳng có nhân sự, cũng chẳng có tâm dâm dục, tất cả chúng sinh đều là pháp tử, từ pháp hóa sinh, đoạn dục khử ái tu thành pháp thân, cho nên thế giới Lưu Ly cũng gọi là thế giới hoan hỉ.

Chúng sinh trong cõi nước của Phật Pháp Minh, đều là hóa sinh mà chẳng có thai sinh, tự có hóa không, tự không hóa có, biến hóa vô cùng. Có chúng sinh biến hóa ra từ trong hoa sen, biến hóa ra từ trong cây, biến hóa ra từ trong biển, cảnh giới trong nước đó, đều không thể nghĩ bàn.
‘’Chẳng có dâm dục‘’, nếu người muốn tu đạo, thì đừng nên có tơ hào về tham dục, hà huống là tự làm ? Ai đoạn được dâm dục thì có định lực, mới có thể chứng đại thần thông, trí huệ hiển hiện, thân phóng quang minh. Từ thế giới định huệ ba học vô lậu mà sinh ra, bay đi tự tại, tùy ý mà đến. Tâm bồ đề tu tập Phật pháp có tiến chẳng có lùi, vững chắc chẳng động lay, càng ngày càng tiến bộ, vì có chí nguyện tinh tấn nầy mới có đại trí huệ.
Người trong cõi nước đó, vì tu trung đạo thắng hạnh thanh tịnh, cho nên thân thể đều hiện sắc màu vàng thật, tự trang nghiêm cõi nước mà thành tựu ba mươi hai tướng.

Cõi nước đó, có hai thứ ăn uống: Một là dùng niềm vui của pháp làm thức ăn, tâm lìa tham trước. Từ xưa phàm phu đều dùng thực vật làm thức ăn, còn tham trước mùi vị. Nếu không tham ăn mà dùng pháp làm thức ăn, thì pháp hỉ sung mãn (niềm vui tràn đầy), chẳng cảm thấy đói khát.
Hai là dùng niềm vui của thiền định làm thức ăn. Nếu ai ai cũng đều tu tập thiền định, thì hằng ngày chẳng đoạn thực, càng ngồi càng sinh hoan hỉ, chẳng muốn rời khỏi chỗ ngồi, diệu đến cực điểm.
‘’Ăn uống‘’ có nhiều thứ, phàm phu là phần đoạn thực (ăn uống từng phần từng đoạn), chư thiêntư thực, (muốn ăn gì, nghĩ đến liền có), quỷ thầnxúc thực, chúng dùng mũi ngửi, cho nên cũng gọi là khứu thực.

vô lượng A tăng kỳ ngàn vạn ức Na do tha các chúng Bồ Tát, được đại thần thông, bốn trí vô ngại, khéo giáo hóa chúng sinh. Chúng hàng Thanh Văn dù tính toán cũng không biết được số lượng, đều được đầy đủ sáu thần thông, ba minh và tám giải thoát. Cõi nước đức Phật đó, có vô lượng công đức trang nghiêm thành tựu như thế, kiếp tên là Bảo Minh, cõi nước đó tên là Thiện Tịnh, tuổi thọ của đức Phật đó, vô lượng A tăng kỳ kiếp, pháp lưu lại ở đời rất lâu. Sau khi đức Phật diệt độ, tạo dựng tháp bằng bảy báu, đầy khắp cõi nước đó.

vô lượng vô số chúng Bồ Tát đại thừa, được đại thần thông và bốn trí vô ngại (bốn biện tài vô ngại), khéo quán sát căn cơ rồi nói pháp. Chúng Thanh Văn cũng chẳng cách chi tính đếm được, đều đầy đủ sáu thông, ba minh (thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh) và bên trong có sắc tưởng quán ngoại sắc, bên trong chẳng có sắc tưởng quán ngoại sắc .v.v., tám pháp giải thoát.
Phật Pháp Minh ứng hóa ra cõi nước như đã nói ở trên, dùng vô lượng công đức để trang nghiêm. Trong kiếp Bảo Minh, Đức Phật Pháp Minh nơi cõi nước Thiện Tịnh thành Phật, Đức Phật đó sống lâu vô lượng A tăng kỳ kiếp, Phật pháp trụ ở đời rất lâu. Sau khi Phật diệt độ, chúng đệ tử dùng bảy báu tạo tháp cúng dường, đầy khắp cõi nước đó.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:

Các Tỳ Kheo lóng nghe
Đạo của Phật tử hành
Vì khéo học phương tiện
Không thể nghĩ bàn được.
Biết chúng ưa pháp nhỏ
Mà sợ nơi trí lớn
Cho nên các Bồ Tát
Làm Thanh Văn Duyên Giác.
Dùng vô số phương tiện
Độ các loài chúng sinh
Tự nói là Thanh Văn
Cách Phật đạo rất xa.
Độ thoát vô lượng chúng
Thảy đều được thành tựu
Tuy tiểu thừa giải đãi
Dần sẽ khiến thành Phật.
Trong ẩn hạnh Bồ Tát
Ngoài hiện là Thanh Văn
Ít muốn nhàm sinh tử
Thật tự tịnh cõi Phật.
Thị hiệnba độc
Lại hiện tướng tà kiến
Đệ tử ta như thế
Phương tiện độ chúng sinh.
Nếu ta nói đầy đủ
Các thứ việc hóa hiện
Chúng sinh nghe như thế
Tâm bèn sinh nghi hoặc.

Lúc đó, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa ở trên, bèn dùng kệ để nói: Các chúng Tỳ Kheo hãy chú ý nghe, Phật tử Phú Lâu Na hành đạo, khéo học phương tiện huệ, cho nên dùng quyền xảo phương tiện, làm việc không thể nghĩ bàn. Biết chúng sinh ưa thích pháp tiểu thừa, mà sợ đại thừa, cho nên các vị Bồ Tát ẩn lớn hiện nhỏ, hiện thân Thanh Văn, Duyên Giác, dùng vô số phương tiện pháp môn, giáo hóa tất cả chúng sinh.

Tự nói là nhị thừa Thanh Văn, cách Phật đạo rất xa, nhờ phương tiện đó mà độ thoát vô lượng chúng sinh, khiến cho thành tựu đạo xuất thế. Tuy nhiên người tiểu thừa muốn giải đãi, trung đạo tự tận, cũng phải khiến cho họ từ từ hồi tiểu hướng đại, thành tựu Phật đạo.

Bên trong ẩn hạnh Bồ Tát, mà bên ngoài hiện thân Thanh Văn, làm Thanh Văn thực hành pháp thiểu dục, nhàm chán sinh tử, bên trong tâm thật tự du hí thần thông, tự trang nghiêm cõi Phật, song cố ý hiện có ba độc (tham, sân, si) và tướng tà kiến mà chẳng tham hiểm, dùng đủ thứ phương tiện nhân duyên, dẫn dắt kẻ mê hoặc thì dễ thành công. Như Ngài Ca Lưu Đà Di giả hiện tướng cô gái đẹp, song thật thì chẳng phải như thế. Người có trí thì đều biết được đó chẳng phải là sắc đẹp thật, bất quá đó là quyền xảo phương tiện thị hiện tướng đó.
Ngoài ra, đệ tử của Phật như Ngài Xá Lợi Phất thì hiện tướng sân, hoặc tướng tham, hoặc tướng si, cũng không ngoài dùng pháp phương tiện, tùy theo loài mà giáo hoá, do đó mà hiện đủ thứ hình tướng, nay chỉ nói sơ lược, không dám nói hết, vì sợ người nghe tín tâm chưa vững chắc sinh ra nghi hoặc.

Nay Phú Lâu Na đây
Nơi ngàn ức Phật xưa
Siêng tu Bồ Tát đạo
Tuyên dương pháp chư Phật.
Vì cầu huệ vô thượng
Nên nơi chỗ chư Phật
Hiện ở trong đệ tử
Đa văntrí huệ.
Thuyết pháp vô sở úy
Hay khiến chúng hoan hỉ
Chưa từng có mệt nhọc
Để trợ giúp Phật sự.
Đã được đại thần thông
Đủ bốn trí vô ngại
Biết các căn lợi độn
Thường nói pháp thanh tịnh.
Diễn xướng nghĩa như thế
Độ ngàn ức chúng sinh
Khiến trụ pháp đại thừa
Mà tự tịnh cõi Phật.
Vị lai cũng cúng dường
Vô lượng vô số Phật
Trợ giúp tuyên chánh pháp
Cũng tự tịnh cõi Phật.
Thường dùng các phương tiện
Thuyết pháp vô sở úy
Độ chúng không tính được
Thành tựu Nhất thiết trí.

Hiện tại Phú Lâu Na đây, nơi chỗ chư Phật trong quá khứ, siêng tu thanh tịnh Bồ Tát đạo, tuyên dương hộ trì pháp của chư Phật, vì cầu trí huệ vô thượng của Như Lai. Ở chỗ chư Phật bậc nhất về thuyết pháp, hiện ở trong tất cả đệ tử làm bác học đa văn, có đại trí huệ, thuyết pháp được vô sở úy, hay khiến cho người nghe sinh tâm hoan hỉ, chưa từng có tướng mỏi mệt. Trợ giúp làm Phật sự, đắc được đại thần thông.

Vì đủ bốn trí vô ngại, nên biết căn tính lợi hoặc độn của các chúng sinh. Thường nói thanh tịnh vô thượng diệu pháp, lưu thông diễn xướng nghĩa như thế. Giáo hóa vô số ức chúng sinh, khiến cho được an trụ nơi pháp đại thừa, thanh tịnh tự trang nghiêm cõi Phật. Ở vị lai cúng dường chư Phật.
Bên ngoài hiện tướng Thanh Văn, ứng các căn cơ, trợ giúp tuyên dương chánh pháp, bên trong ẩn chân tâm, tự tâm thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật. Thường dùng pháp phương tiện thiện xảo, thuyết pháp vi diệu vô thượng mà tâm vô sở úy, độ vô số chúng sinh, đều khiến cho thành tựu Nhất thiết trí huệ.

Cúng dường các Như Lai
Hộ trì tạng pháp bảo
Sau đó được thành Phật
Hiệu là Phật Pháp Minh.
Nước đó tên Thiện Tịnh
Đất đai bằng bảy báu
Kiếp tên là Bảo Minh
Chúng Bồ Tát rất nhiều.
Có đến vô lượng ức
Đều có đại thần thông
Sức oai đức đầy đủ
Đầy dẫy trong nước đó.
Thanh Văn cũng vô số
Ba minh tám giải thoát
Được bốn trí vô ngại
Dùng họ để làm Tăng.
Các chúng sinh nước đó
Đều đã đoạn dâm dục
Chỉ biến hóa sinh ra
Thân đủ tướng trang nghiêm.
Ăn pháp hỉ thiền duyệt
Càng chẳng có nghĩ ăn
Chẳng có những người nữ
Cũng chẳng có đường ác.
Tỳ Kheo Phú Lâu Na
Công đức đều viên mãn
Sẽ được tịnh độ đó
Chúng hiền Thánh rất đông.
Vô lượng việc như thế
Nay ta chỉ lược nói.

Cúng dường Phậttu phước, nói pháp là tu huệ, phước huệ song tu, đến khi đầy đủ thì thành Phật, hiệu là Pháp Minh, cõi nước đó tên là Thiện Tịnh, đất đai đều do bảy báu hợp thành, kiếp tên là Bảo Minh, trong nước đó có vô số ức Bồ Tát, đều có đại thần thông, đầy đủ sức oai đức. Lại có vô lượng Thanh Văn, đã được ba minh, tám giải thoát và bốn trí vô ngại, dùng hàng tiểu thừa như thế tu công đức vô lậu. Chúng sinh nước đó chẳng có dâm dục. Nếu ai ở thế giới Ta Bà nầy, tu đạo thanh tịnh, giữ gìn giới luật, tâm chẳng nghĩ về dâm dục, thì cũng như sống ở trong nước đó không khác.

Trong cõi nước Thiện Tịnh đã đoạn dâm dục, chúng sinh đều từ hoa sen hóa sinh ra, đủ tướng trang nghiêm, dùng sự nghe kinh, thiền duyệt, pháp hỉ sung mãn làm thức ăn, một khi vui mừng thì được an lạc vô hạng. Có người nói: ‘’Không có người nữ ở trong nước đó thì làm sao có người ?‘’ Bạn chỉ biết có người nữ mà không biết đoạn dục khử ái, tính tịnh thể sáng.

Nước đó chẳng có người nữ, chẳng có đường ác, càng chẳng nghĩ đến sự ăn uống. Ngài Phú Lâu Na viên mãn tất cả công đức, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, sẽ được đồng cư tịnh độ như thế. Bồ Tát Thanh Văn, trời người rất đông không thể biết được số lượng, chỉ lược nói thôi, tránh khiến cho chúng sinh sinh ra nghi hoặc.

Bấy giờ, một nghìn hai trăm vị A la hán, tâm tự tại nghĩ như vầy : Chúng ta vui mừng được chưa từng có. Nếu được đức Thế Tôn đều thọ ký, như các vị đệ tử lớn, thì sung sướng lắm. Đức Phật biết tâm suy nghĩ của các vị đó, bèn nói với ngài Ma Ha Ca Diếp rằng : Một nghìn hai trăm vị A la hán này, nay ta sẽ lần lược thọ ký quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ở trong chúng đây, đệ tử lớn của ta, Tỳ Kheo Kiều Trần Như sẽ cúng dường sáu vạn hai nghìn ức đức Phật, sau đó sẽ được thành Phật, hiệu là Phổ Minh Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.



Lúc đó, một nghìn hai trăm vị A La Hán đều đã chứng vô học, tâm tự tại, đã sạch phiền não. Tại nhân địa tu hành thì làm Tỳ Kheo, đến quả địa là A La Hán.
A
La Hán có ba nghĩa :
1. Ứng Cúng : Xứng đáng thọ trời người và thần cúng dường.
2. Sát tặc : Giết tặc phiền não. Bồ Tát là giết ‘’bất tặc‘’, A La Hán chẳng nhận thức cho là tặc, song Bồ Tát nhận thức cho là tặc mà trừ đi.
3. Vô sinh : Nghĩa là phiền não chẳng sinh. Vì ‘’sinh’’ mới phải diệt, ‘’bất sinh‘’ thì chẳng cần diệt. Không sinh không diệt tức vô minh pháp nhẫn.

A La Hán tự do tự tại, vô câu vô thúc, chẳng quái ngại, chẳng có tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng. Song các vị A La Hán thấy Đức Phật thọ ký cho Ngài Phú Lâu Na, bèn nghĩ như vầy : ‘’Việc Phật thọ ký, trước kia chưa từng có. Nếu được Phật thọ ký riêng cho chúng ta thì sung sướng lắm‘’ ! Đức Phật đều biết, đều thấy tâm của mọi người, cho nên nói với Ngài Ma Ha Ca Diếp rằng : Nói với mọi người đừng hấp tấp, Phật sẽ vì các vị đó lần lược thọ ký.

Ở trong chúng đó, người ta độ trước nhất là Kiều Trần Như, ông ta là vị đệ tử lớn tinh tấn siêng năng tu đạo và chủ trì Phật pháp, sẽ cúng dường sáu vạn hai ngàn ức Đức Phật, sau đó sẽ thành Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai. Ngài Kiều trần Như, tức "giải bổn tế", hiểu rõ bổn lai diện mục. Ngài là người thọ giới cụ túc đầu tiên, cũng là đệ tử ngộ trước nhất, cho nên làm trưởng lão của một nghìn hai trăm vị A La Hán.

N
ăm trăm vị A la hán đó, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ca Lưu Đà Di, Ưu Đà Di, A Nậu Lâu Đà, Ly Bà Đa, Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, Châu Đà, Sa Già Đà .v.v... đều sẽ được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đồng một danh hiệuPhổ Minh. Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :

Năm trăm vị A La Hán đó, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, dịch ra là "giang" hoặc "hà" (sông). Đó là biểu thị tu hành bên bờ sông. Ca Lưu Đà Di, nghĩa là "hắc quang", vì tướng mạo đen thui, Ngài chẳng giữ giới luật, thích đi ban đêm. Một đêm nọ trời tối đen như mực, trong đêm tối càng thấy rõ bộ diện của Ngài phát quang. Ngài đi đến trước của một nhà nọ, thuận tay gõ mấy tiếng, bèn có một phụ nữ mang thai ra mở cửa, bất thình lình cô ta thấy một vật phát quang đứng ở trước cửa, cô ta ngất xỉu, sau một lúc bèn tỉnh dậy. Vì một niệm sợ hãi mà động bào thai, đưa đến đứa bé chào đời, cô ta quở trách vị Tỳ Kheo đó. Đức Phật nghe tin bèn họp đại chúng lại, chế ra luật Tỳ Kheo không được du hành ban đêm. Tuy vị Tỳ Kheo đó từng phạm lỗi lầm, nhưng rất nhân duyên, rất được đồ chúng tôn kínhtín nhiệm, và từng hóa độ rất đông người.
Ngài Ca Lưu Đà Di đó, vì giáo hóa chúng sinh mà giả hiện thái độ không giữ quy cụ, là một sự dạy đạo ‘’phản diện‘’.

Ưu Đà Di là học trò của Ngài A Nan, nghĩa là "xuất hiện", nghiêm thủ giới luật nhất. A Nậu Lâu Đà, đã từng bảy ngày không ngủ, khiến cho cặp mắt bị mù. Một lần nọ, Phật thuyết pháp, song Ngài A Nậu Lâu Đà ngủ gục bị Đức Phật quở. Sau khi Ngài tỉnh dậy, bèn phát nguyện từ đây về sau không giải đãi nữa, chẳng tham ngủ nữa. Kết quả vì Ngài không ngủ, dụng công quá độ, mà cặp mắt bị mù. Phật thương xót Ngài, bèn dạy Ngài tu tam muội kim cang chiếu minh. Chẳng bao lâu, Ngài chứng được thiên nhãn thông, quán chiếu được ba ngàn thế giới, như thấy quả trái cây trong lòng bàn tay.

A Nậu Lâu Đà nghĩa là "không nghèo". Thuở xưa, Ngài từng cúng dường một vị Tỳ Kheo đã chứng quả Thánh. Vị Thánh nhân nầy, khi tu hành tại nhân địa thì chỉ tu huệ mà chẳng tu phước, cho nên đi khất thực luôn luôn ôm bát không về. Do đó, Ngài quyết định mỗi bảy ngày mới hóa duyên một lần, mỗi lần hóa duyên bảy nhà, nếu chẳng có ai cho gì thì không ăn.

Một ngày nọ, Ngài ôm bát không trở về, đi ngang qua đồng ruộng, thì có một nông phu mới làm xong, nghỉ việc chuẩn bị để ăn cơm trưa. Từ xa thấy vị tu hành ôm bát không đi ngang qua. Ngài A Nậu Lâu Đà phát tâm cúng dường phần cơm trưa của mình cho vị tu hành đó. Tuy Ngài A Nậu Lâu Đà rất đói, song vì tâm thành muốn cúng dường cho vị đó. Vị tu hành đó nhận sự cúng dường rồi bèn hồi hướng:

‘’Sở vị bố thí giả,
Tất hoạch kỳ lợi ích
Nhược vị lạc bố thí
Hậu tất đắc an lạc.’’

Nghĩa là:

Những gì mình bố thí
Sẽ đắc được lợi ích
Nếu vui vẻ bố thí
Sau sẽ được an lạc.

Nói xong bỏ đi. Người nông dân lúc đó bất ngờ thấy con thỏ chạy lên vai, song dính ở trên vai, người nông dân kinh dị, bèn lập tức chạy về nhà, nói lại với vợ. Người vợ lấy tay cầm xuống, thì đột nhiên thấy con thỏ đã biến thành vàng. Do đó, bèn chặt hai cái chân đi đổi thành tiền để sinh sống, thì lạ thay chỗ chặt đi lại biến lại như cũ, lại chặt đi, lại biến lại như cũ, dùng không hết, càng ngày càng trở nên giàu có. Cho nên, Ngài đời đời kiếp kiếp không nghèo, trải qua chín mươi mốt kiếp được quả báo giàu có.

Ly Bà Đa dịch ra nghĩa là "Tinh tú". Kiếp Tân Na dịch ra nghĩa là "Phòng tú", vì sao thứ tư ở trong Nhị Thập Bát Tú. Ngài Kiếp Tân Na và Ngài Ly Bà Đa đều thuộc về tinh tú. Tại sao lại như thế ? Vì xưa kia, cha mẹ của các Ngài gần về tuổi già mà chẳng có con, cho nên bèn ở trước bàn thờ Nhị Thập Bát Tú mà cầu con, phát nguyện siêng tu làm việc lành, cúng sường Tam Bảo, kết quả được mãn nguyện, cho nên được tên là Phòng Tú (Kiếp Tân Na).

Bạc Câu La ở trong quá khứ từng giữ giới chẳng sát sinh, cho nên được năm thứ phước báo. Ngài vừa chào đời thì cười hà hà, mẹ của Ngài thấy vậy rất sợ hãi, nghi là yêu quái, mới đem Ngài bỏ vào chảo dầu sôi, muốn dùng dầu sôi thiêu chết Ngài, song chẳng thành công. Kế tiếp, lại đem Ngài bỏ vào nước sôi, muốn nấu chết Ngài, song lại thất bại. Sau đó, đem Ngài bỏ xuống biển sâu, song bị cá nuốt vào bụng, con cá nầy bị người đánh cá câu được, mổ bụng ra, bỗng thấy đứa bé ở trong bụng cá còn sống.

Ngài Bạc Câu La có năm điều không hại Ngài chết được, tức là :

1. Lửa đốt không chết.
2. Nước đun không chết.
3. Rớt xuống biển không chết.
4. Cá ăn không chết.
5. Dao mổ không chết.
Đó là năm thứ quả báo giữ giới không giết hại.

Châu Đà còn gọi là Châu Lợi Bàn Đà Gia là anh của Sa Già Đà, dịch là "Tiểu lộ". Cho nên anh em hai người gọi là "Đại lộ" và "Tiểu lộ". Người anh thông minh hơn người em. Thời xưa phong tục ở Ấn Độ, người nữ đều phải về nhà mẹ sinh sản. Cho nên, bà mẹ của Châu Đà cũng thế, song Châu Đà chẳng đợi bà mẹ trở về đến nhà, thì đã sinh ra giữa đường, cho nên gọi là "Đại lộ". Bà mẹ của Ngài đã trải qua một lần kinh nghiệm, khi mang thai lần thứ hai, thì sớm trở về nhà mẹ để sinh sản, song lần nầy vẫn sinh ra "Tiểu lộ" tại giữa đường. Do đó, hai anh em tên gọi là "Đạo sinh" và "Kế đạo".

Châu Đà căn cơ sâu dày, quán thông Phật lý, đối với kinh điển qua mắt chẳng quên. Song người em căn tánh rất ngu độn, đọc kinh sách chẳng nhớ câu nào, giải đãi chẳng tinh tấn. Do đó, mọi người đều nghị luận về tính cách rất cực đoan của hai anh em.

Nghe vậy Ngài Châu Đà quở trách người em nói: ‘’Chú mày thật là vô dụng, năm trăm vị A La Hán dùng hết sức để dạy chú mày, mà chú mầy vẫn không hiểu, tốt nhất hãy hoàn tục cho rồi‘’. Người em chẳng muốn hoàn tục, song người anh rất kiên quyết, chẳng muốn người em xuất gia nữa. Người em thì chẳng muốn hoàn tục, song không thể không nghe lời anh, nên bèn bỏ đi vì xấu hổ quá. Phật biết câu chuyện nầy, bèn đến trước cản lại, an ủi Sa Già Đà và dạy Ngài niệm :

‘’Chổi quét đất tâm,
Tự tịnh ý mình,
Đất tâm quét sạch,
Tự nhiên sẽ ngộ‘’.

Song, Sa Già Đà trí nhớ rất kém, nhớ được chữ ‘’chổi‘’ thì quên chữ ‘’quét‘’. Song, Phật vẫn nhắc lại cho Ngài. Sa Già Đà đọc đi đọc lại nhiều lần, thời gian sau Ngài khai ngộ !

Tin rằng, những người đang nghe pháp ở đây, thông minh hơn Ngài nhiều, đừng nói chổi quét hai chữ, dù bốn chữ một khi nghe thì nhớ liền. Niệm ‘’A Di Đà Phật‘’ càng dễ hơn nữa, song sao chúng ta vẫn chưa khai ngộ ? Tôn giả tuy nhiên ‘’ngu‘’ hơn chúng ta, song ‘’khai ngộ‘’ mau hơn chúng ta. Đó là vì tôn giảtrong đời quá khứ, đã từng cúng dường ba đời tất cả chư Phật, nuôi lớn căn lành, cho nên căn cơ sâu dày.

Hiện tại, vì ứng cơ giáo hóa chúng sinh, nên cố ý hiện tướng ngu độn, vì chúng sinh làm mô dạng như thế. Chúng sinh thấy Ngài ngu si như thế, mà còn có thể khai ngộ, mình còn thông minh hơn Ngài nhiều, cơ hội khai ngộ chắc chắn rất nhiều, cho nên cố gắng tinh tấn tu hành.

Sa Già Đà trong đời quá khứ, tự cho rằng thông minh, tuy hiểu pháp lý vi diệu, song chẳng muốn vì chúng sinh thuyết pháp, đó là tham lam pháp, chảng bố thí pháp, cho nên đời nầy mắc quả báo ngu si. Chẳng muốn người khác thông minh, thì chính mình càng biến thành không thông minh. Do Ngài đã từng gieo trồng căn lành sâu dày, nên vẫn có một ngày khai mở trí huệ.

Chúng ta học Phật đã lâu, nhưng đã lâu mà vẫn chưa khai ngộ. Vì thuở xưa chưa từng cúng dường Tam Bảo và tất cả chư Phật ba đời. Đây cũng ví như đang vun bồi cây, nếu gốc rễ sâu dày, thì cây sẽ phát triển sum sê. Ngược lạ, nếu ban đầu gốc rễ chẳng vững chắc, thì dần dần cành lá nhất định sẽ khô rụng. Do đó, làm người phải trồng nhiều căn lành, làm nhiều việc thiện, công đức viên mãn, thì tự nhiên sẽ khai ngộ. Ai muốn phước huệ song tu thì một mặt tu hành, một mặt cũng phải làm việc thiện, nên nhớ đừng tham lam pháp, hiểu một câu thì phải nói một câu, phải cung hành thực tiễn, lấy thân làm phép tắc. Do đó, có câu :

‘’Ma Ha Tát bất quản tha,
Di Đà Phật các cố các‘’.

Bồ Tát chẳng để ý đến lỗi lầm mao bệnh của kẻ khác, bất cứ kẻ khác đúng hay sai. Chúng ta đừng cứ giặt quần áo cho kẻ khác, ngược lại quần áo của mình thì dơ bẩn. Cho nên hiểu và thực hành mới là chân tu hành, công đức mới viên mãn.
Tham lam pháp là chướng ngại lớn trong việc tu hành, quả báo chẳng những chỉ ngu si, mà còn bị quả báo câm ngọng, chẳng những chẳng nhớ hai chữ chổi quét, mà cho đến cơ hội nói cũng chẳng có, đó mới là nhiều khổ ! Cơ hội khai ngộ thật là mỏng manh.

Ở trên nói về các vị A La Hán, đều đại biểu cho một nghìn hai trăm vị A La Hán. Các Ngài đều được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đồng một danh hiệuPhổ Minh. Lúc đó, sợ chúng sinh không minh bạch, nên Đức Phật từ bi dùng kệ để thuật lại.

Tỳ Kheo Kiều Trần Như
Sẽ gặp vô lượng Phật
Qua A tăng kỳ kiếp
Mới thành Đẳng chánh giác.
Thường phóng đại quang minh
Đầy đủ các thần thông
Danh đồn khắp mười phương
Tất cả đều cung kính.
Thường nói đạo vô thượng
Nên hiệu là Phổ Minh
Cõi nước đó thanh tịnh
Bồ Tát đều dũng mãnh.
Đều lên lầu các đẹp
Đến các nước mười phương
Dùng đồ cúng vô thượng
Cúng dường các đức Phật.
Cúng dường như thế rồi
Trong tâm rất hoan hỉ
Chốc lát về bổn quốc
thần thông như thế.

Tỳ Kheo Kiều Trần Như ở đời vị lai, sẽ gặp vô lượng các Đức Phật, thừa sự cúng dường, trải qua vô lượng kiếp sau mới thành Phật đạo. Thường phóng quang minh trí huệ, viên mãn đầy đủ các thần thông, danh hiệu Phật vang khắp cõi nước mười phương, là chỗ quy kính của tất cả chúng sinh. Thường nói diệu pháp thâm sâu vô thượng, như trí huệ quang phóng ra, nên hiệu là Phổ Minh.
Ở trong cõi nước thanh tịnh đó, chúng Bồ Tát đều dũng mãnh tinh tấn, đều thăng lên lầu các đẹp đẽ, được đạo phẩm vi diệu nhất, du hành đến cõi nước mười phương, để tu các công đức, dùng đồ cúng bằng bảy báu để cúng dường chư Phật. Làm các sự cúng dường như thế rồi, trong tâm rất vui mừng sung sướng, sinh đại hoan hỉ, trong chốc lát trở về bổn quốc, vì có đủ thứ thần thông nên được như thế.

Phật thọ sáu vạn kiếp
Chánh pháp trụ hơn thọ
Tượng pháp lại hơn chánh
Pháp diệt trời người lo.
Năm trăm Tỳ Kheo này
Lần lượt sẽ thành Phật
Đồng hiệu là Phổ Minh
Lần lượt thọ ký nhau.
Sau khi ta diệt độ
Vị đó sẽ thành Phật
Thế gian Phật đó độ
Cũng như ta ngày nay.
Cõi nước đó nghiêm tịnh
Và các sức thần thông
Chúng Bồ Tát Thanh Văn
Chánh pháptượng pháp.
Kiếp thọ mạng bao nhiêu
Đều đã nói ở trên
Ca Diếp ông đã biết
Năm trăm vị tự tại.
Ngoài các chúng Thanh Văn
Cũng sẽ lại như thế
Ai chẳng có ở đây
Ông nên vì họ nói.

ứng thân của Phật thọ mạng sáu vạn kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi vạn kiếp, còn tượng pháp trụ hai mươi bốn vạn kiếp. Nếu pháp diệt thì trời người đều lo âu. Năm trăm tôn giả thứ tự thọ ký, Phật diệt độ rồi, cùng nhau lần lược sẽ thành Phật, đều hiệu là Phổ Minh Như Lai. Thế gian của vị Phật đó độ, như thế giới Ta Bà hiện tại nầy, song trong cõi nước đó nghiêm tịnh, và đủ thứ sức thần thông biến hóa tự tại. Các chúng Bồ Tát, Thanh Văn, chánh pháptượng pháp, thọ mạng bao nhiêu kiếp, giống như Phổ Minh Như Lai không khác, đều như đã nói ở trên.

Ca Diếp ông đã biết, ta vì năm trăm vị A La Hánthọ ký, tức cũng vì các chúng hàng Thanh Văn khác, một nghìn hai trăm vị mà thọ ký, nếu hôm nay những người nào không có ở đây, ông nên vì họ mà nói.

Bấy giờ, năm trăm vị A La Hán ở trước đức Phật được thọ ký rồi, vui mừng hớn hở, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, đảnh lễ dưới chân đức Phật, hối lỗi tư trách rằng : Đức Thế Tôn ! Chúng con thường nghĩ như vầy : Tự cho rằng đã được diệt độ rốt ráo, nay mới biết là người chẳng có trí huệ. Tại sao ? Vì chúng con đáng được trí huệ của đức Như Lai, mà tự cho rằng trí nhỏ là đủ.
Đức Thế Tôn ! Ví như có người nọ, đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó bạn thân bận việc quan phải đi, bèn lấy hạt châu vô giá, buộc vào trong áo của gã say rồi bỏ đi. Gã đó tỉnh dậy cũng chẳng biết, đi lang thang đến nước khác, vì ăn mặc nên gắng sức tìm cầu rất là khốn khổ, được chút ít bèn cho là đủ.

Năm trăm vị tôn giả, ở trước Phật được thọ ký rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật đảnh lễ dưới chân Phật, sám hối tự trách. Ai có thể biết hối lỗi tự trách, là hành vi của bậc Thánh Hiền, người chẳng biết hối lỗihành vi ngu si. Các vị A La Hán tự trách, được ít cho là đủ, chưa được cứu kính Niết Bàn, mà tự cho đã được. Trên thì chẳng biết có Phật đạo có thể thành, dưới thì chẳng biết có chúng sinh có thể độ. Chỉ biết tự tại an lạc, gì cũng chẳng lo. Bây giờ mới biết xưa kia đều là sai lầm, đều là sở làm của kẻ chẳng có trí huệ.

Nay mới biết chúng con tu hành, đáng chứng được hết thảy công đức trí huệ của Như Lai. Nếu ai tự cho tứ quả tiểu thừa là cứu kính Niết Bàn, thì ví như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm. ‘’Người‘’ ví cho chính mình, ‘’nhà bạn thân‘’ ví cho Đức Phật. Say rượu mà nằm, ‘’say‘’ biểu thị cho rượu năm dục mê hoặc, cho nên hôn mê ngu si, được ít cho là đủ. Lúc đó, Phật độ xong chúng sinhthế giới nầy, thì đến nước khác. Bận ‘’việc quan phải đi‘’. Thấy gã nầy duyên đã hết, nên đến phương khác giáo hóa chúng sinh, dùng thật tướng diệu lý giáo hóa chúng sinh, dùng đại thừa để giáo hóa. Song người đó chẳng có trí huệ, chỉ trầm mê ở trong mộng say ngu si, nằm chẳng dậy, chẳng nghe pháp đại thừa. Khi tỉnh dậy thì biết muốn cầu pháp, do đó bèn đến nước khác, hành pháp tiểu thừa. Vì ăn mặc nên cầu học tiểu thừa, như lạnh đi tìm áo, như đói đi tìm cơm, rất là khốn khổ vô cùng, đi khắp nơi tìm cầu, không thể tự an, ở trong tiểu thừa được ít cảnh giới, thì tự cho là đủ, càng chẳng tinh tấn.

Thời gian sau, người bạn thân gặp lại gã kia bèn nói rằng : Lạ thay anh này ! Sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Trước kia, ta muốn khiến cho anh được an lạc, tha hồ thọ hưởng năm dục. Vào ngày tháng năm đó, ta lấy hạt châu vô giá buộc vào trong áo của anh, mà đến bây giờ anh vẫn không biết, để phải cực khổ lo buồn tìm cầu tự sống, rất là ngu si vậy. Nay ông có thể dùng hạt châu báu đó, đổi lấy những đồ cần dùng, thì sẽ được như ý, chẳng còn thiếu thốn. Phật cũng như thế, khi làm Bồ Tát thì giáo hóa chúng con, khiến cho phát tâm Nhất thiết trí, mà chúng con bỏ quên không hay không biết. Tức được quả A la hán, mà tự cho là đã diệt độ. Khổ nhọc sinh sống được ít cho là đủ. Nguyện Nhất thiết trí vẫn còn chẳng mất.

Hôm nay đức Thế Tôn giác ngộ chúng con, bèn bảo rằng : Này các Tỳ Kheo ! Chỗ các ông được chẳng phải rốt ráo diệt độ. Từ lâu, ta đã khiến cho các ông trồng căn lành của Phật, dùng phương tiện nên thị hiện tướng Niết Bàn, mà các ông cho rằng thật được diệt độ.

Thời gian sau, ‘’Bạn thân‘’ lại gặp gã kia, dụ cho nay trên núi Linh Thứu, Thầy và đệ tử gặp lại, Phật ngạc nhiên bảo : Lạ thay ông này ! Tại sao vì cầu ăn mặc mà phải chịu khốn khổ ? Tại sao lại bần cùng như thế ? Vì các ông được ít cho là đủ, chẳng biết trên cầu quả vị Phật, dưới độ tất cả chúng sinh, chỉ biết làm tự liễu hán thôi. Xưa kia, ta muốn khiến cho các ông được an lạc, tha hồ hưởng thọ năm dục, tức sắc thanh hương vị xúc đều viên mãn, tức cũng là viên mãn năm căn lực, cho nên dùng pháp đại thừa giáo hóa chúng sinh. Chỉ vì các ông không biết ‘’Trong áo có buộc hạt châu báu‘’, chỉ biết cầu tiểu thừa, mà phải bị khổ cực lo buồn, giống như một số người, vì sinh sống mà phải bôn ba khổ sở để cầu sự sống, bèn cho là đủ, đó thật là quá ngu si. Nay ta tu pháp đại thừa, vì các ông ‘’trong áo có châu báu‘’ chưa từng mất đi. Nghĩa là Phật tánh vẫn tồn tại. Nếu tu pháp đại thừa, thì sẽ đắc quả vị, luôn được như ý, chẳng còn bần cùng nữa.
Đức Phật cũng như bạn thân của chúng con, thuở xưa làm Bồ Tát Diệu Quang giáo hóa chúng con, khiến cho chúng con phát tâm nhất thiết trí huệ, song chúng con từ lâu không gần gũi Bồ Tát, chẳng biết chẳng hay, quên mất pháp đại thừa, chỉ biết dụng công phu trên năm dục, quay lưng với giác ngộ mà hợp với sáu trần, còn tự cho rằng đã được vô thượng đạo. Quả vị tiểu thừa A La Hán, như đời sống của gã cùng tử, được một chút thì mãn nguyện.

Thuở xưa, đã từng phát nguyện lớn, nhất thiết trí nguyện vẫn chẳng mất, hôm nay gặp đấng đại giác Thế Tôn, giác ngộ cho chúng con. Nếu ai trong thuở xưa đã từng phát đại nguyện, thì đời nầy nhân duyên được gặp cũng sẽ phát đại nguyện, trồng xuống hạt giống đại thừa. Như các vị A La Hán hiện tại, tuy thuở xưa đã từng phát đại nguyện, song vì thời gian quá lâu, tâm sinh mê hoặc, chẳng biết tiến lùi, tự khốn bên trong, lo rầu không ngui, may gặp lương sư Đại Giác Như Lai, khiến cho họ bỏ mê muội về với giác ngộ, tự biết châu báu của chính mình.

Này các Tỳ Kheo! Hiện tại các ông chứng được quả vô học, chỉ là tiểu thừa, chẳng phải thật diệt độ. Ta từ nhiều kiếp đến nay, khiến cho các ông gieo trồng căn lành của Phật, dùng phương tiện quyền xảo thị hiện tướng hữu dư Niết Bàn, song các ông lầm lẫn cho rằng là rốt ráo diệt độ.

Đức Thế Tôn ! Nay chúng con mới biết thật là Bồ Tát, được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhờ nhân duyên đó, nên chúng con rất vui mừng được chưa từng có.

Bấy giờ, Ngài A Nhã Kiều Trần Như muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :

Chúng con nghe vô thượng
Tiếng thọ ký an ổn
Vui mừng chưa từng có
Lễ vô lượng trí Phật.
Nay ở trước Thế Tôn
T
sám hối lỗi lầm
Nơi vô lượng Phật bảo
Được chút phần Niết Bàn.
Như kẻ ngu vô trí
Bèn tự cho là đủ.

Đức Thế Tôn ! Chúng con hôm nay mới biết vốn là Bồ Tát, được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhờ nhân duyên được Phật thọ ký, nên chúng con vui mừng được chưa từng có. Lúc đó, Ngài Kiều Trần Như nói với Phật: ‘’Chúng con nghe Vô thượng bồ đề, tâm niệm an ổn, tiếng Phật thọ ký, vui mừng tin nhận, được chưa từng có. Nay ở trước Phật sinh tâm sám hối, tự hối lỗi chấp tiểu thừa, mê muội đại thừa. Được ít phần hữu dư Niết Bàn mà tự cho là đủ, giống như người ngu chẳng có trí huệ không khác‘’.

Ví như gã bần cùng
Đi đến nhà bạn thân
Nhà đó rất giàu có
Bày đủ cỗ tiệc ngon.
Lấy châu báu vô giá
Buộc chặc vào trong áo
Yên lặng mà bỏ đi
Gã nằm chẳng hay biết.
Sau gã đó thức dậy
Lang thang đến nước khác
Cầu ăn mặc tự sống
Sinh sống rất khốn khổ.
Được ít cho là đủ
Càng không muốn đồ tốt
Chẳng biết ở trong áo
châu báu vô giá.

‘’Ví như gã bần cùng, đi đến nhà bạn thân‘’ : Gã bần cùng ví như chúng sinh; bạn thân giàu có ví như Đức Phật. Chúng sinh quy y Phật, giống như gã bần cùng đến nhà bạn thân rất giàu có. Nhà đó bày cỗ tiệc rất ngon, ví như món ăn thiền duyệt và món ăn pháp hỉ. Sau đó, người bạn thân vì có việc đi ra ngoài, nên lấy pháp đại thừa vô giá cho gã bần cùng, rồi bỏ đi giáo hoá chúng sinh khác. Song ‘’gã bần cùng‘’ chẳng biết tự cầu tiến tới, chẳng biết đại thừa là báu vô giá, mà ‘’nằm chẳng hay biết gì‘’. Sau khi tỉnh dậy, vì có tri giác bèn phát tâm tu hành nên gọi là ‘‘dậy’’. Song quên mất đại thừa mà tu tiểu thừa, như lang thang đến nước khác. Tiểu thừa quả A La Hán chẳng phải Niết Bàn rốt ráo, như gã bần cùng kia, xin ăn tự sống, đời sống rất là vất vả. Chẳng cầu Phật đạo, được ít cho là đủ, chẳng biết trong tự tánh vốn đã có hạt giống đại thừa.

Bạn thân cho hạt châu
Sau gặp lại gã nghèo
Khổ thiết trách gã rồi
Chỉ cho chỗ buộc châu.
Gã nghèo thấy châu rồi
Trong tâm rất vui mừng
Giàu có các của cải
Tha hồ hưởng năm dục.
Chúng con cũng như thế
Thế Tôn từ thuở xưa
Thường giáo hóa chúng con
Khiến trồng nguyện vô thượng.
Vì chúng con vô trí
Chẳng biết cũng chẳng hay
Được ít phần Niết Bàn
Cho đủ chẳng cầu nữa.
Nay Phật giác ngộ con
Nói chẳng thật diệt độ
Được Phật trí vô thượng
Đó mới là thật diệt.
Nay con nghe từ Phật
Thọ ký việc trang nghiêm
lần lược thọ ký
Khắp thân tâm vui mừng.

Phật vì chúng sinh nói pháp môn đại thừa thâm sâu vô thượng, song chúng sinhcăn cơ ám độn mà chẳng hiểu. Ví như người nọ, vì khiến cho họ khai mở đại trí huệ, mà nói pháp môn thành Phật, song người đó chưa thể hoàn toàn tin, cũng chẳng thấu rõ nghĩa sâu xa, thời gian lâu từ từ quay lưng với đạo mà bỏ đi, bỏ đại thừacầu pháp tiểu thừa, hoặc là đi Ấn độ, hoặc là đi Thái Lan, Miến điện, Tích Lan, tìm đến tìm lui lại càng khốn cùng. Đó là bỏ gốc tìm ngọn, bỏ gần cầu xa. May thay lại gặp thầy tốt, trách cứ gã bần cùng nầy. ‘’Trách‘’ đó là biểu hiện lòng từ bi của Phật Bồ Tát. Mục đích khiến cho họ phát tâm hồi tiểu hướng đại, vào một Phật thừa.
Sau khi Đức Phật ngộ đạo, vốn trước hết muốn nói Kinh Pháp Hoa đại thừa, chỉ vì chúng sinh ngu si ám độn, chẳng thể tiếp thọ, cho nên trước hết nói tam tạng, Kinh Phương Đẳng, tiếp theo nói Bát Nhã, dần dần vào viên đốn giáo, chê tiểu thừa khen đại thừa. Khai quyền hiển thật, vì thật thí quyền, đó tức là ‘’khổ thiết trách gã‘’. ‘’Chỉ cho nơi buộc châu‘’ : Chỉ cho vốn đã có đủ Phật tánh, khiến cho họ biết tu pháp môn đại thừa, như hàng Thanh Văn, thấy được Phật tánh, như nghèo được châu báu, vui mừng tin nhận. Nếu ai thấu rõ và thực hành tu pháp đại thừa, tức là người giàu có, có Phật pháp ở trong tâm. ‘’Giàu có các của cải, tha hồ hưởng năm dục‘’ : Sắc thanh hương vị xúc, đâu chẳng phải là tam muội, tùy duyên ứng dụng, rộng lớn tư tại, được thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Như người muốn sắc thì có sắc, muốn thanh thì có thanh, cho đến hương, vị, xúc, cũng lại như thế, đó chẳng phải là diệu chăng ? ‘’ Tài sắc danh thực thùy‘’: Thảy đều đầy đủ viên mãn, giống như sơ tổ Ma Ha Ca Diếp nhập định ở trong núi Kê Túc, đó chẳng phải là ‘’ngủ lâu dài‘’ chăng ? Ngủ một ngàn năm cũng chẳng kể là lâu dài, mấy vạn năm cũng chỉ trôi qua nột nháy mắt. ‘’Thực‘’, trong pháp giớithực vật là ngon hơn hết. ‘’Danh‘’, được danh mà người không thể được. Muốn ‘’tài‘’ thì chỉ cần tùy ý dũi tay một cái thì có được.
Chúng con cũng như gã bần cùng không khác, quay lưng với sự giác ngộ mà hợp với trần lao. Đức Thế Tôn thấy vậy thương xót, luôn giáo hóa khiến cho chúng con gieo trồng nguyện vô thượng bồ đề rộng lớn. Song chúng con chẳng có trí huệ, chẳng biết thuở xưa đã từng phát nguyện, cũng chẳng biết vốn có Phật tánh, được chút ít sự vui không sinh không diệt mà tự cho là đủ, chẳng cầu pháp môn đại thừa. Bây giờ nghe Đức Phật nói, mới giác ngộ đây chẳng phải là cứu kính, chỉ là ‘’hoá thành‘’ ở giữa đường, chẳng phải thật diệt độ. Chỉ khi nào đắc được trí huệ của Phật, mới là rốt ráo diệt độ. Phật thọ ký cho chúng con sẽ thành Phật rồi, mới biết đại thừavô thượng chánh biến tri giác, cõi nước đó trang nghiêm thù thắng, và lần lược thọ ký, khiến cho khắp thân tâm của chúng con vui mừng vô kể.

Người cầu Phật pháp phải đầy đủ tâm nhẫn nhục, chẳng sợ gian nan khốn khổ mới có hy vọng thành tựu.
Có người nói ‘’tha hồ hưởng thọ năm dục‘’ thật là quá vi diệu, vậy chúng ta vì muốn được cảnh giới nầy mà phát tâm. Bạn sai lầm rồi ! Nếu ai vì năm dụcphát tâm, thì không lâu về sau sẽ đọa vào địa ngục. Đó là dụng tâm sai lầm, ai cầu năm dục thì tâm người đó bất chánh, tất rơi vào đường ma, làm quyến thuộc của ma vương, pháp đại thừa mới là xả bỏ dục, đoạn dục, vô dục, mà phát bồ đề tâm.

Ở trên nói về ‘’tha hồ hưởng năm dục‘’, chỉ bất quá là ví dụ, hình dung biểu hiện sức thần thông tự tại của đại quyền Bồ Tát. Phàm là Bồ đề tát đỏacăn tánh đại thừa, không thể nào ít có sự ‘’an lạc‘’, không chấp cảnh giới nầy, thì gọi là cảnh giới lành, nếu chấp cảnh giới nầy, thì tức là cảnh giới ma. Bồ Tát chẳng trụ tâm vào bất cứ chỗ nào. Nếu ai muốn thành tựu Phật đạo, thì trước phải dứt trừ lòng dâm dục, dục là gốc của khổ, bằng không thì tướng chúng sinh điên đảo.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58719)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.