Phẩm Tùy Hỷ Công Đức Thứ Mười Tám

24/05/201012:00 SA(Xem: 11761)
Phẩm Tùy Hỷ Công Đức Thứ Mười Tám
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

Phẩm tùy hỷ công đức thứ mười tám

Tùy hỷ là gì ? Tùy là tùy thuận. Tùy sự, tùy lý, tùy quyền, tùy thật. Hỷ là hỷ khánh, khánh nhân, khánh quả, khánh hạnh, phụng hành Phật pháp, hoằng dương Phật pháp. Nói một cách rõ hơn, tùy sự tức là tùy thuận sự tướng; tùy lý là tùy thuận lý tánh. Lý tức là lý thể thực tướng, bổn tánh của pháp giới. Bổn tánh pháp giới chẳng ngoài một tâm niệm hiện tiền. Một tâm niệm hiện tiền, bao quát tánh pháp giớithể pháp giới. Một tâm niệm hiện tiền, tùy công đức của pháp giới, cho nên nói tuỳ hỷ công đức.
Bổn thể của Phật tức là lý, lý của Phật cũng tức là pháp thân. Phật xuất hiện ra đời để giáo hóa tất cả chúng sinh trong mười phương, đó là sự. Do lý mà tùy sự, do sự mà tùy lý, đây gọi là lý sự không hai. Sự chẳng lìa lý, lý chẳng rời sự. Nhìn lại là hai, song kỳ thật là một, nhìn lại là một, nhưng lại có thể phân làm hai. Cho nên nói hai chẳng phải hai, chẳng phải hai mà hai. Hai mà chẳng phải hai, chẳng phải hai mà hai, tức là lý trung đạo.
Tùy quyền tùy thật công đức, tức là công đức tùy hỷ của Phật nói về quyền, công đức tùy hỷ của Phật nói về thật. Mình có nhân lành thì mới nghe được diệu pháp, đây là nhân của sự hỷ khánh mà gặp được diệu pháp này. Sau khi gặp được diệu phápchuyên tâm tu trì, thì tương lai sẽ đắc được quả bồ đề.

Bấy giờ, đại Bồ Tát Di Lặc bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, nghe Kinh Pháp Hoa này mà tùy hỷ, thì đắc được bao nhiêu phước đức ? Bèn nói bài kệ rằng :

Sau khi nói xong Phẩm Phân Biệt Công Đức, thì lúc đó đại Bồ Tát Di Lặc bèn bạch với Đức Phật Thích Ca rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Nếu như có người thiện nam, người thiện nữ, giữ năm giới hành thập thiện, nghe được Kinh Pháp Hoatùy hỷ công đức, thì họ đắc được bao nhiêu phước đức ? ‘’Đại Bồ Tát Di Lặc lại nói ra bài kệ.

Sau khi Phật diệt độ
Có người nghe kinh này
Mà sinh tâm tùy hỷ
Được bao nhiêu công đức ?

Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, tương lai có người nghe được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà sinh một tâm niệm tùy hỷ, thì người đó đắc được bao nhiêu phước đức ? Xin Thế Tôn từ bi khai thị.

Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc : A Dật Đa ! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và những người có trí khác, hoặc già, hoặc trẻ, nghe kinh này mà tùy hỷ. Từ pháp hội ra đi đến nơi khác.

Lúc đó Đức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc rằng : ‘’A Dật Đa ! Sau khi Như Lai vào Niết Bàn rồi, ngoài các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, bốn chúng này ra, như có những người trí huệ, bất cứ là già hoặc trẻ, từ trong pháp hội nghe Kinh Pháp Hoatùy hỷ rồi, từ trong pháp hội ra đi đến những nơi khác, vì người khác giải nói nghĩa lý của kinh này, thì sẽ đắc được phước đức không thể nghĩ bàn.’’

Hoặc tại nhà của chư Tăng ở, hoặc tại chỗ vắng vẻ, hoặc tại thành ấp đường xá, xóm làng ruộng nương, đem sự nghe của mình mà vì cha mẹ, người thân, bạn bè, tri thức, tùy sức mà diễn nói, khiến cho họ nghe rồi mà tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác, người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác nữa, cứ như thế cho đến người thứ năm mươi.

Hoặc tại chỗ chư Tăng ở, hoặc ở tại chỗ vắng vẻ trong thâm sơn cùng cốc, hoặc tại thành ấp, đường xá, xóm làng, ruộng nương .v.v... Đem Phật pháp mà mình nghe được ở tại pháp hội, vì cha mẹ, người thân, bạn bè, tri thức, tùy sức hiểu biết của mình, mà vì họ giải nói nghĩa lý của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khiến cho họ gieo trồng căn lành, đắc được lợi ích công đức tùy hỷ.
Những người tùy hỷ kinh điển đó, nghe rồi lại đi giáo hóa người khác, vì họ giải nói nghĩa lý trong kinh, khiến cho họ nghe rồi lại tùy hỷ, cứ như thế cho đến người thứ năm mươi, người đó đắc được phước đức nhiều không thể nói đặng.

A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ, thứ năm mươi đó, tùy hỷ công đức, nay ta nói ra ông nên lắng nghe.

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ, thứ năm mươi đó, tùy hỷ công đức, bây giờ ta vì ông mà nói ra. Ông nên tập trung chú ý nghe.’’

Nếu bốn loài sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới, loài sinh bằng trứng, loài sinh bằng thai, loài sinh bằng ẩm ướt, loài biến hóa sinh ra, hoặc loài có hình, loài không có hình, loài có nghĩ tưởng, loài không có nghĩ tưởng, loài chẳng có nghĩ tưởng chẳng phải không có nghĩ tưởng, loài không chân, hai chân, loài bốn chân, nhiều chân, như vậy hết thảy loài chúng sinh. Có người cầu phước, tùy theo sự ưa muốn của họ, mà cung cấp cho đầy đủ.

Nếu như có bốn loài sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới. Bốn loài là loài sinh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm ướt, bằng biến hóa sinh ra. Sáu đường chúng sinh là trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷđịa ngục. Loài sinh bằng trứng thì trứng do tưởng mà sinh ra, loại sinh bằng thai thì thai do tình mà có, loài sinh bằng ẩm ướt thì nhờ ẩm ướt mà hợp cảm, loài biến hóa thì nhờ hóa mà ly ứng. Tóm lại, loài sinh bằng trứng, thai, ẩm ướt, biến hóa, đều là nghiệp quả sở cảm; tình tưởng ly hợp, đều là nghiệp nhân năng cảm.
Loài sinh bằng thai : Do ái tình mà sinh ra. Loài sinh bằng trứng : Chỉ nhờ loạn tưởng mà sinh ra. Loài sinh bằng ẩm thấp : Ngửi hương tham vị phối hợp mà cảm. Loài sinh bằng biến hóa : Chán cũ vui mới, nhờ đó mà ứng. Đây là chúng sinh của dục giới. Chúng sinh có hình thuộc về sắc giới; chúng sinh vô hình thuộc về cõi vô sắc, chúng sinh không thức nhị biên xứ. Vô tưởngchúng sinh vô sở hữu xứ. Phi hữu tưởng phi vô tưởngchúng sinh phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là tên gọi của chín loài chúng sinh.
Loài không chân là loài giun .v.v... Loài hai chân là chó, gà, chim .v.v... Loài bốn chân là cọp, sư tử .v.v... Loài nhiều chân là rết, cuốn chiếu .v.v... Hết thảy các loài chúng sinh. Có người vì cầu phước mà tùy thuận sự ưa muốn của họ, đều cung cấp cho họ đầy đủ, chẳng thiếu món gì.

Mỗi mỗi chúng sinh đều cấp cho đầy cõi Diêm Phù Đề : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ mã não, san hô, hổ phách các thứ châu báu, và voi ngựa xe cộ, cung điện lầu các làm bằng bảy báu .v.v...

Hết thảy chúng sinh đều bố thí đầy Diêm Phù Đề : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách hết thảy các thứ châu báu đá quý và voi, ngựa, xe cộ, cung điện, lầu các, làm bằng bảy báu .v.v... Phàm là những gì chúng sinh cần, thì vị đại thí chủ đó đều bố thí tất cả, tuyệt đối không có tâm san tham.

Đại thí chủ đó, bố thí như vậy, mãn tám mươi năm rồi, bèn nghĩ như vầy : Ta đã bố thí cho chúng sinh những đồ vui thích, tùy ý sự ưa muốn của họ, nhưng những chúng sinh này đều đã già nua, tuổi đã quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, sự chết chẳng còn bao lâu. Ta nên dùng Phật pháp để giáo hóa họ.

Vị đại thí chủ đó, lại bố thí bảy báu, bố thí xe cộ, bố thí cung điện cho chúng sinh. Người nhân gian đi du hành phải đi bằng xe, thuyền; người trên trời đi du hành bằng cung điện. Tóm lại, người ở trên trời ngồi ở trong cung điện, thì có thể đi du hành khắp nơi, tốc độ còn nhanh hơn hỏa tiễn hiện đại. Có người khởi vọng tưởng : ‘’Cung điện làm sao di động được ?‘’ Cảnh giới này, đợi khi nào bạn chứng được ngũ nhãn lục thông, thì tự nhiên sẽ biết. Đây chẳng phải là việc bí mật, mà là việc bình thường, chỉ cần dụng công tu hành, nỗ lực tham thiền thì sớm sẽ hiện thực.
Bố thí như thế trải qua tám mươi năm. Vị đại thí chủ đó bèn nghĩ như vầy : ‘’Ta đã bố thí cho chúng sinh những đồ vui thích, đều tùy thuận tâm ý của họ. Họ muốn gì thì ta bố thí cái đó. Song, những chúng sinh đó đã già nua, tuổi tác đã hơn tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, cái chết chẳng còn bao lâu. Ta nên dùng Phật pháp để dạy họ, khiến cho họ kịp thời tu hành, thoát khỏi biển khổ sinh về Tịnh Độ.’’

Bèn triệu tập những chúng sinh đó, truyền bá Phật pháp giáo hóa, khiến cho họ được lợi ích sinh tâm hoan hỷ. Nhất thời đều đắc được đạo Tu Đà Hoàn, đạo Tư Đà Hàm, đạo A Na Hàm, đạo A La Hán, sạch các hữu lậu, nơi thiền định thâm sâu, đều đắc được tự tại, đủ tám giải thoát. Ý của ông thế nào ? Vị đại thí chủ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?

Vị đại thí chủ đó nghĩ rồi, bèn lập tức triệu tập hết thảy chúng sinh lại, tuyên bố Phật pháp, chỉ dạy giáo hóa họ, khiến cho họ đắc được lợi ích Phật pháp, sinh tâm hoan hỷ. Những chúng sinh đó, sớm đắc được quả vị A La Hán.
T
hời gian chẳng bao lâu, có người chứng được đạo quả Tu Đà Hoàn (sơ quả), dịch là "dự lưu", vào dòng Thánh nhân pháp tánh, ngược dòng phàm phu lục trần, chẳng cùng dòng hợp ô, thân tâm thanh tịnh, chẳng bị cảnh giới chuyển. Đã đoạn sạch dục giới tám mươi tám phẩm kiến hoặc. Còn bảy lần sinh tử, mới chứng được tứ quả vô học vị. Có người chứng được đạo quả Tư Đà Hàm (nhị quả), dịch là "nhất lai vãng", còn một lần thọ sinh lên trời và sinh xuống nhân gian, đã đoạn dục giới tư hoặc sáu phẩm trước. Tại tam giớicửu địa, mỗi địa có chín phẩm tư hoặc, cộng thành tám mươi mốt phẩm tư hoặc. Có người chứng được đạo quả A Na Hàm (tam quả), dịch là "bất lai", chẳng đến dục giới thọ sinh tử nữa. Đã đoạn sạch dục giới (ngũ thú tạp cư địa) tư hoặc ba phẩm sau, còn sắc giớivô sắc giới bảy mươi hai phẩm tư tưởng chưa đoạn. Có người chứng được đạo quả A La Hán (tứ quả), dịch là "sát tặc", tức là giết tặc phiền não. Lại dịch là "ứng Cúng", tức là xứng đáng thọ nhận trời người cúng dường. Còn có nghĩa nữa là "vô sinh", tức là chẳng thọ quả báo sinh tử.

Cảnh giới của A La Hán đã đoạn sạch tất cả hữu lậu ba cõi, do đó : ‘’Chư lậu đã tận, phạm hạnh đã lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.’’ (Các lậu đã sạch, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân sau nữa). Ở trong thiền định thâm diệu đều được tự tại.

Lại có đủ tám giải thoát. Tức là xả bỏ tham ái ba cõi, giải thoát khỏi tám thứ thiền định trói buộc:
1). Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
2). Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
3). Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ.
4). Không vô biên xứ giải thoát.
5). Thức vô biên xứ giải thoát.
6). Vô sở hữu xứ giải thoát.
7). Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
8). Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trụ.

Phật nói với Bồ Tát Di Lặc : ‘’Ý của ông như thế nào ? Vị đại thí chủ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?‘’
Có người hỏi : ‘’Cửu địa là gì ? ‘’Đáp : Tại dục giớinhất địa, gọi là ngũ thú tạp cư địa, tức là trời, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, thế giới của năm loài chúng sinh ở lộn lạo. Tại sắc giới có tứ địa.
1). Sắc giới trời sơ thiền, gọi là Ly sinh hỷ lạc địa, vì lìa khỏi dục giới thọ sinh, cho nên trong tâm cảm thấy vừa hoan hỷ vừa khoái lạc.
2). Sắc giới trời nhị thiền, gọi là Định sinh hỷ lạc địa. Vì từ trong đînh, sinh ra một thứ hoan hỷ, chẳng gì sánh bằng, mà được cảnh giới khoái lạc.
3). Sắc giới trời tam thiền, gọi là Ly hỷ diệu lạc địa. Đã lìa khỏi hoan hỷ thô, đắc được khoái lạc vi diệu.
4). Sắc giới trời tứ thiền, gọi là Xả niệm thanh tịnh địa. Xả bỏ diệu lạc niệm đầu của tam thiền, thân tâm thanh tịnh, một bụi trần không nhiễm. Tại vô sắc giới có tứ địa
1). Không vô biên xứ địa. Tuy cảm giác chẳng có thân, nhưng có tâm thức tác dụng.
2). Thức vô biên xứ địa, sáu thức trước hoàn toàn diệt tận, chỉ có hai thức sau tồn tại.
3). Vô sở hữu xứ địa. Chế phục được thức thứ bảy, chỉ còn thức thứ tám tồn tại.
4). Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa. Định lực khống chế thức thứ tám, không thể hoạt độngphi tưởng. Định lực chẳng đủ, thức thứ tám lại hoạt động là phi phi tưởng. Bất động tức chẳng có sinh tử, có động thì có sinh tử. Tóm lại, đem ba cõi vẽ thành cửu địa, làm tiêu chuẩn tiến lên của người tu hành, dụng công tu hành thành tựu, thì thăng lên một giai đoạn. Vượt quá phạm vi cửu địa, thì chứng được tứ quả A La Hán, hoặc sơ trụ Bồ Tát, chấm dứt phân đoạn sinh tử, chưa đoạn được biến dịch sinh tử. Tu đến Đẳng giác Bồ Tát vị, thì vẫn còn một phần sinh tướng vô minh chưa đoạn. Nếu đoạn sạch thì lập tức đến Diệu giác quả vị (quả vị Phật). Song, Bồ Tát chẳng muốn đoạn một phần vô minh cuối cùng. Vì Bồ Tát phát tâm đảo giá từ thuyền, phổ độ chúng sinh, do đó:

‘’Chúng sinh độ hết, mới chứng bồ đề.’’

Bồ Tát Di Lặc bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Công đức của người đó rất nhiều, vô lượng vô biên. Nếu vị thí chủ đó, chỉ bố thí tất cả đồ vui thích, thì công đức đã vô lượng, hà huống khiến cho họ đắc được quả A La Hán.

Bồ Tát Di Lặc nói với Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Công đức của vị thí chủ đó rất nhiều. Vì vị đó chẳng những bố thí tất cả đồ vui thích, mà còn khiến cho tất cả chúng sinh chứng được tứ quả A La Hán, cho nên nói công đức vô lượng vô biên.’’

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Nay ta phân tích rõ cho ông nghe, người đó đem tất cả đồ vui thích, bố thí cho sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới. Lại khiến cho họ đắc quả A La Hán, công đức của người đó, chẳng bằng người thứ năm mươi, nghe một bài kệ Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỷ công đức, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cũng chẳng bằng một phần, cho đến tính đếm thí dụ, cũng không thể biết được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc : ‘’Bây giờ ta phân tích rõ ràng đạo lý này cho ông rõ. Vđại thí chủ đó, đem tất cả đồ vui thích, bố thí cho sáu đường chúng sinh, trong trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới, lại khiến cho những chúng sinh đó, đều chứng được quả vị A La Hán, công đức của người đó đắc được, chẳng bằng người thứ năm mươi, nghe một bài kệ Kinh Pháp Hoa, công đức tùy hỷ trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cũng chẳng bằng một phần, cho đến tính toán, ví dụ, để hình dung, cũng chẳng cách chi biết được cứu kính có bao nhiêu ?‘’

A Dật Đa ! Như người thứ năm mươi đó, lần lượt được nghe Kinh Pháp Hoatùy hỷ, công đức còn vô lượng vô biên A tăng kỳ, hà huống là người đầu tiên, ở trong pháp hội nghe Kinh Pháp Hoatùy hỷ. Phước người này, còn hơn phước người thứ năm mươi, vô lượng vô biên A tăng kỳ, không thể sánh được.

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Như người thứ năm mươi đó, lần lượt nghe được Kinh Pháp Hoa, mà phát tâm tùy hỷ, còn đắc được công đức vô lượng vô biên A tăng kỳ. Hà huống là người đầu tiên, trực tiếp nghe Kinh Pháp Hoa ở trong pháp hội, mà phát tâm tùy hỷ, công đức của người này, đương nhiên phải thù thắng hơn công đức của người gián tiếp nghe Kinh Pháp Hoa (người thứ năm mươi vô lượng vô biên A tăng kỳ, cũng không thể so sánh được).’’ Tóm lại, ở trong đạo tràng nghe Kinh Pháp Hoatùy hỷ, thì công đức không thể nói, không thể nói, tức là dù nói, cũng nói không ra cứu kính có bao nhiêu.


Lại nữa, A Dật Đa ! Nếu có người vì kinh này, mà đi đến phòng Tăng, hoặc ngồi, hoặc đứng, nghe trong giây lát, thì nhờ công đức đó, mà tái sinh đời sau, được voi ngựa, xe cộ, châu báu, kiệu cáng, đồ thượng hạng và cung điện.

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Nếu như có người, vì ngưỡng mộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà đến chỗ chư Tăng ở, hoặc là ngồi, hoặc là đứng, để nghe Kinh Pháp Hoa trong chốc lát. Do công đức đó, mà tái sinh đời sau, được sinh vào nhà vua, có đủ voi ngựa, xe cộ, châu báu, kiệu cáng, hoặc được sinh về cõi trời có cung điện bảy báu.’’

Nếu lại có người, ngồi ở nơi giảng pháp, có người đến mà khuyên bảo, khiến cho họ ngồi nghe pháp, hoặc phân chia chỗ cho họ ngồi, thì công đức của người đó, khi chuyển thân khác, sẽ được chỗ ngồi của trời Đế Thích, hoặc chỗ ngồi của Phạm Vương, hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển luân thánh vương.

Nếu lại có người, ngồi ở nơi giảng pháp nghe Kinh Pháp Hoa, sau đó lại có người đến bèn khuyên họ ngồi xuống nghe kinh, hoặc phân chia nửa chỗ của mình cho họ ngồi, hai người cùng ngồi một chỗ, hoặc nhường chỗ ngồi cho họ ngồi, thì công đức của người đó, khi tái sinh đời sau, sẽ được chỗ ngồi của trời Đế Thích, hoặc chỗ ngồi của Phạm Thiên Vương hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển Luân Thánh Vương.

Các vị ! Nếu như có người đến Phật Giáo Giảng Đường nghe kinh, phải chiêu đãi giúp tìm chỗ ngồi. Nếu có người không có chỗ ngồi, thì hãy chia nửa chỗ ngồi của mình cho họ ngồi, hoặc là nhường chỗ ngồi của mình cho họ ngồi, thì tương lai chắc chắn sẽ có phước báu. Tóm lại, phàm là người đến nghe kinh thì phải chiêu đãi, đừng giống như người gỗ, chẳng đếm xỉa gì đến họ, khiến cho họ sinh sợ, lần sau họ chẳng dám đến nữa. Phải biết chiêu đãi khách, là lễ phép chứ chẳng phải phan duyên, điểm này phải chú ý.

A Dật Đa ! Nếu lại có người, nói với người khác rằng : Có kinh tên là Pháp Hoa, chúng ta có thể cùng nhau đến nghe, người đó nghe lời, bèn đến nghe trong chốc lát. Công đức của người đó chuyển thân sau, được sinh cùng một chỗ với Bồ Tát Đà La Ni, có lợi căn trí huệ.

Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Nếu như lại có người, nói với người khác rằng : Hiện nay có đạo tràng giảng Kinh Pháp Hoa, chúng ta có thể cùng nhau đi đến nghe. Người đó nghe lời khuyên, đi đến nghe Kinh Pháp Hoa trong chốc lát. Người khuyên và người nghe kinh đó, đắc được công đức, khi sinh thân sau sẽ cùng sinh một chỗ với Bồ Tát Đà La Ni, được trí huệ sáu căn thông lợi.’’
Hiện tại Phật Giáo Giảng Đường đang giảng Kinh Pháp Hoa. Các vị có thể khuyên các người thân bạn bè, khiến cho họ đến nghe kinh. Chẳng những các vị có công đức, mà người thân bạn bè của quý vị, cũng được công đức, trồng xuống căn lành, phước báu tương lai không thể hạn lượng.

Trong trăm nghìn vạn đời, chẳng bao giờ bị câm, hơi miệng chẳng hôi thối, lưỡi thường chẳng có bệnh tật, miệng cũng chẳng có bệnh tật, răng chẳng dơ, chẳng đen, chẳng vàng, chẳng thưa, cũng chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng cong. Môi chẳng thòng xuống, cũng chẳng co rút lại, chẳng thô rít, chẳng ung nhọt, cũng chẳng khuyết xấu, cũng chẳng cong vẹo, chẳng dày chẳng lớn, cũng chẳng đen xạm, chẳng có các sự đáng chê.

Trong trăm nghìn vạn đời chẳng mắc bệnh câm. Trong miệng chẳng có mùi hôi, thân chẳng tỏa ra mùi hôi. Người tu hành mà chẳng giảng kinh thuyết pháp, thì sẽ mắc bệnh câm; người tu hành chẳng giữ gìn giới luật, thì sẽ tỏa ra mùi hôi thối. Nếu khuyên người khác nghe kinh, thì được công đức lưỡi chẳng bị bệnh tật, miệng chẳng bị bệnh tật, răng chẳng dơ, chẳng đen, chẳng vàng, chẳng thưa, chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng cong, rất ngay thẳng và trắng sạch.
Môi rất đẹp, chẳng thòng xuống, cũng chẳng co rút lại, cũng chẳng thô rít, cũng chẳng bị nhọt, cũng chẳng khuyết xấu, cũng chẳng cong vẹo, cũng chẳng dày lớn, cũng chẳng đen xạm, chẳng có chỗ khiến cho người nhàm chán. Có người môi thì trời bao đất (môi trên thì dài môi dưới thì ngắn), hoặc đất bao trời (môi trên thì ngắn môi dưới thì dài), đó là do tiền kiếp thích nói chuyện thị phi mà bị quả báo.

Mũi chẳng dẹp, cũng chẳng cong. Sắc mặt chẳng đen, cũng chẳng dài hẹp, cũng chẳng cong trũng, chẳng có những tướng khiến cho người thấy chẳng vui.

Mũi ngay thẳng, cũng chẳng dẹp, cũng chẳng cong. Sắc mặt chẳng đen cũng chẳng dài hẹp, cũng chẳng trũng ngắn. Chẳng có những tướng khiến cho người thấy chẳng vui. Muốn khiến cho sáu căn trang nghiêm, thì hãy làm nhiều công đức lành, đừng làm việc tội ác. Phàm là người có ngũ quan đoan chánh, thì không cần hỏi mà vẫn biết, nhờ công đức vậy.

Môi lưỡi răng thảy đều tốt đẹp trang nghiêm, mũi thì cao thẳng. Mặt mày tròn đầy, mi cao mà dài, trán rộng bằng phẳng, nhân tướng đây đủ. Đời đời sinh ra đều gặp Phật, nghe pháp tin nhận lời của Phật dạy.

Đây là người khuyên người khác đi nghe kinh, và người nghe lời khuyên đi nghe kinh, đều được môi lưỡi răng tốt đẹp trang nghiêm. Mũi thì cao thẳng, mặt mày tròn đầy, mi cao mà dài, trán rộng bằng phẳng, tướng tốt đầy đủ, đời đời sinh ra nơi nào cũng được thấy Phật, nghe pháp, sinh niềm tin, tiếp nhận lời Phật dạy, tức là y giáo phụng hành.

A Dật Đa ! Ông xem đó, khuyên một người khiến cho họ đến nghe pháp, mà được công đức như thế, hà huống là một lòng nghe giảng, đọc tụng, rồi ở trong đại chúng, vì mọi người phân biệt giải nói pháp tu hành.

Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Ông hãy xem, chỉ khuyên một người đến đạo tràng nghe pháp, mà được công đức nhiều như thế. Hà huốngchuyên tâm nghe giảng, đọc tụng, ở trong đại chúng lại hay phân biệt vì người giải thích pháp tu hành, công đức đó càng rộng lớn.’’

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:

Lúc đó, Đức Phật muốn thuật lại nghĩa lý trường hàng ở trên, bằng kệ dưới đây.

Nếu người trong pháp hội
Được nghe kinh điển này
Cho đến một bài kệ
Tùy hỷ với người nói.
Như vậy lần lượt dạy
Đến người thứ năm mươi
Người cuối cùng được phước
Nay sẽ phân biệt nói.

Nếu như có người, ở trong pháp hội được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cho đến một bài kệ, mà có sở tâm đắc, tùy hỷ đối với người khác giảng nói nghĩa lý bài kệ đó. Cứ như thế truyền dạy đến người thứ năm mươi, thì người đó đắc được phước báu như thế nào ? Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói, mong rằng các ông hãy lắng nghe.

Như có đại thí chủ
Bố thí vô lượng chúng
Tròn đủ tám mươi năm
Tùy ý muốn của họ.
Thấy họ tướng già nua
Tóc bạc và mặt nhăn
Răng rụng hình khô gầy
Nghĩ họ chết sắp đến.

Lần lượt nói ra, như có vị đại thí chủ, dùng đủ thứ của cải vật chất, để bố thí cho vô lượng vô số chúng sinh đã hơn tám mươi năm, tùy ý muốn cần dùng của họ, đều khiến cho họ mãn nguyện.
Vị đại thí chủ đó, thấy những chúng sinh đó đã già nua, tóc bạc mặt nhăn, răng rụng, hình hài khô gầy. Lại biết họ sống chẳng còn bao lâu, bèn khởi tâm thương xót, khiến cho họ thoát khỏi biển khổ sinh tử, đến được bờ Niết Bàn bốn đức : Thường, lạc, ngã, tịnh.

Nay ta nên dạy họ
Khiến cho được đạo quả
Bèn dùng phương tiện nói
Pháp Niết Bàn chân thật.
Đời đều chẳng lâu bền
Như bọt nước ngọn lửa
Các ông phải nên biết
Sớm sinh tâm nhàm lìa.

Bây giờ ta phải dạy họ pháp môn tu ra khỏi thế gian, khiến cho họ đều đắc được đạo quả A La Hán. Lập tức dùng phương tiện, vì họ nói từ sinh tử bờ bên này, vượt qua dòng phiền não, đạt đến bờ Niết Bàn bên kia.
Tất cả sự tướng thế gian đều chẳng vững bền, đều hư vọng huyễn hóa chẳng thật. Giống như bọt nước ngọn lửa đều vô thường. Các ông nên biết đều là không, đừng tham luyến hồng trần, hãy mau nhàm lìa thế giới Ta Bà, trở về ngôi nhà tự có sẵn; cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

Mọi người nghe pháp đó
Đều đắc A La Hán
Đầy đủ sáu thần thông
Ba minh tám giải thoát.
Người năm mươi cuối cùng
Nghe bài kệ tùy hỷ
Người này phước hơn kia
Không thể ví dụ được.

Những chúng sinh đó, nghe pháp của vị đại thí chủ đó rồi, bèn phát tâm tu hành, sau đó hết thảy đều đắc được quả A La Hán.

Họ có đủ sáu thần thông, sáu thần thông là gì ?
1). Thiên nhãn thông : Nhìn thấy được cảnh giới khoái lạc của trời người, lại thấy được tình hình thọ khổ dưới địa ngục, rõ ràng như xem truyền hình.
2). Thiên nhĩ thông : Chẳng những thấy được hành động của trời người, mà còn nghe được trời người nói chuyện, giống như nghe máy thu băng.
3). Tha tâm thông : Biết được trong tâm kẻ khác nghĩ việc gì.
4). Túc mạng thông : Quán sát được nhân duyên quá khứ, và nhân quả tương lai của chính mình và người khác.
5). Thần túc thông : Có thể hành động ở trong định, hoặc đi đứng ở trong hư không, đến đi tự tại, nhậm vận tự tại, chẳng bị điều kiện hạn chế nào.
6). Lậu tận thông : Tức là quét trừ tất cả phiền não, chẳng có mọi vọng tưởng. Các lậu đã sạch, chẳng thọ thân sau nữa. Ngoại đạo chỉ có năm thần thông, mà chẳng có lậu tận thông.

Lại có đủ ba minh và tám giải thoát. Ba minh :
1). Túc mạng minh.
2). Thiên nhãn minh.
3). Lậu tận minh.

Tức cũng là biết tướng sinh tử đời quá khứ của mình, và của người khác; lại biết tướng sinh tử vị lai của mình, và của kẻ khác; lại biết tướng khổ hiện tại, trí huệ đoạn sạch tất cả phiền não. Ba minh ở tại Phật là ba đạt, ở tại A La Hán là ba minh. Trí biết pháp hiển rõ là ba minh. Tám giải thoát đã giải thích ở trước rồi, chẳng cần nói nữa.
Lần lượt đến người thứ năm mươi, họ chỉ nghe được một bài kệ Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỷ công đức, thì đắc được phước báu, lớn hơn so với vị đại thí chủ gấp trăm lần. Phước báu đó chẳng cách chi nói hết được, dù dùng ví dụ để hình dung, cũng chẳng nói được bờ mé của nó.

Lần lượt nghe như vậy
Phước đức còn vô lượng
Hà huống trong pháp hội
Người đầu nghe tùy hỷ.

Lần lượt nghe kinh như thế, còn được vô lượng phước báo, hà huống là người đầu tiên ở trong pháp hội nghe, mà tùy hỷ công đức, công đức của người đó càng lớn hơn. Các vị chú ý ! Phàm là nơi nào có giảng kinh thuyết pháp, mà tùy hỷ tham gia, thì nhất địnhphước đức không thể nghĩ bàn.

Nếu khuyên được một người
Dẫn họ nghe Pháp Hoa
Nói
kinh này thâm diệu
Ngàn vạn ức khó gặp.
Bèn nghe lời đến nghe
Cho dù nghe chốc lát
Phước báu của người đó
Nay sẽ phân biệt nói.

Nếu như có người dẫn họ đến đạo tràng (chùa) nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và nói với họ : ‘’Kinh Pháp Hoa là kinh thâm áo vi diệu nhất, trong trăm nghìn vạn kiếp khó gặp được.’’ Tóm lại, chẳng dễ gì gặp được cơ hội có người giảng Kinh Pháp Hoa. Cho nên, tôi khuyên các vị phải tùy hỷ nghe kinh, bất cứ người nào giảng kinh gì, ở trong phạm vi có khả năng, thì phải tham gia pháp hội, được phước báo chẳng nhỏ. Có cơm có thể không ăn, nhưng kinh thì không thể không nghe, có tư tưởng như thế, thì mới là tiêu chuẩn của Phật giáo đồ. Nên nhớ, không thể một bên thì nghe kinh, một bên thì khởi vọng tưởng, hoặc là ngủ gục, do đó có câu: ‘’Tâm chẳng chú ý, thì thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe.’’ Pháp sư giảng giải nghĩa kinh mà chẳng hiểu biết. Tại sao như vậy ? Vì chẳng lọt vào tai.

Người đó nghe lời bèn đến đạo tràng nghe Kinh Pháp Hoa, dù trong thời gian rất ngắn, mà chuyên tâm nghe giảng, thì người đó đắc được phước báu, nay ta (Đức Phật) sẽ phân biệt nói cho ông (Bồ Tát Di Lặc) nghe.

Đời đời miệng chẳng bệnh
Răng chẳng thưa vàng đen
Môi chẳng dày co thiếu
Chẳng có tướng đáng chê.
Lưỡi chẳng khô đen ngắn
Mũi vừa cao lại thẳng
Trán rộng và bằng phẳng
Mặt mày rất đoan nghiêm.
Khiến người hoan hỷ thấy
Hơi miệng chẳng hôi thối
Thơm như hoa ưu bát
Thường từ trong miệng ra.

Người tùy hỷ nghe Kinh Pháp Hoa, đắc được phước báu đời đời miệng chẳng có bệnh, răng chẳng thưa, chẳng vàng, chẳng đen, rất ngay thẳng, đều trắng sạch. Bậc Thánh nhân có bốn mươi cái răng, phàm phu có ba mươi hai cái, Phật có bốn mươi cái răng. Bồ Tát Hoa Nghiêm (Đường Chứng Quán Quốc Sư) có bốn mươi cái răng. Có gì chứng minh Bồ Tát Hoa Nghiêm là Chứng Quán Sư, còn gọi là Thanh Lương Quốc Sư, Ngài là thầy của bảy vị vua nhà Đường. Tướng của Ngài rất trang nghiêm, chẳng những có bốn mươi cái răng, mà con mắt sáng như sao, ban đêm phóng quang, hai tay dài quá đầu gối, mắt nhìn một lần mười hàng, thiên sinh dị bẩm (trời sinh khác thường). Sau khi Ngài viên tịch, thì ở Ấn Độ có vị Tăng đã chứng đắc A La Hán, đến Trung Quốc hoằng dương Phật pháp, tục Phật huệ mạng, đi ngang qua Thông Lĩnh, đột nhiên thấy có hai đồng tử đằng vân đi qua, vị Tăng đó dùng thần thông chận hai vị đồng tử lại, mới hỏi họ đang đi đâu ? Và có việc gì ? Hai vị đồng tử đáp : ‘’Chúng tôi đến Trung Quốc thỉnh răng của Bồ Tát Hoa Nghiêm về an trí tại Điện Văn ThùẤn Độ để cúng dường.’’ Vị Tăng hỏi : ‘’Ai là hóa thân của Bồ Tát Hoa Nghiêm ?‘’ Hai vị đồng tử đáp : ‘’Chứng Quán Quốc Sư.’’ Nói xong hai vị đồng tử đằng vân mà đi.

Vị A La Hán đó đến Trường An, đem việc đó tấu rõ cho vua nghe, cho phép mở quan tài của Ngài Chứng Quán Quốc Sư, quả nhiên phát hiện thiếu hai cái răng cửa. Do đó, mọi người đủ biết Ngài Chứng Quán Pháp Sư là hóa thân của Bồ Tát Hoa Nghiêm, thừa nguyện đến để giáo hóa chúng sinh.

Người tùy hỷ Kinh Pháp Hoa thì môi chẳng dày, cũng chẳng mỏng, vừa đẹp. Lại chẳng co chẳng thiếu, rất đoan chánh, chẳng có tướng đáng chê. Lưỡi chẳng khô khan, chẳng đen xạm, chẳng ngắn nhỏ. Mũi vừa cao vừa thẳng, chẳng cong gãy. Trán thì rộng bằng phẳng. Mặt như trăng rằm, mắt màu xanh biếc, hoàn toàn trang nghiêm. Ngũ quan của người đó đoan chánh, ai ai cũng hoan hỷ thấy họ. Trong miệng của người đó, chẳng có hơi hôi thối, thường tỏa ra hương vị thơm của hoa ưu bát, vì thường đọc tụng Kinh Pháp Hoa.

Nếu đi đến nhà Tăng
Mu
ốn nghe Kinh Pháp Hoa
Hoan
hỷ nghe chốc lát
Nay sẽ nói phước đó.
Sau sinh trong trời người
Được voi ngựa xe báu
Châu báu và kiệu cáng
Và ngồi cung điện trời.

Nếu như có người muốn nghe Kinh Pháp Hoa, mà đến chỗ của chư Tăng ở, dù nghe kinh này trong thời gian chốc lát, mà sinh tâm tùy hỷ, y giáo phụng hành, nay ta sẽ vì ông nói ra phước báu của họ đắc được. Sau khi người đó chết đi, chẳng sinh về cõi trời, thì sinh vào cõi người, được voi ngựa xe báu. Ở cõi trời thì được ở cung điện trời, đắc được phước báu như thế.

Nếu ở nơi giảng pháp
Khuyên người ngồi nghe kinh
Nhờ phước đó nên được
Tòa Thích Phạm chuyển luân.
Hà huống một lòng nghe
Giải nói nghĩa lý kinh
Như lời nói tu hành
Phước đó chẳng hạn lượng.

Nếu như ở chỗ giảng kinh thuyết pháp, mà khuyên họ ngồi xuống nghe kinh, do nhân duyên đó nên được phước báo, tương lai có thể ngồi ở chỗ ngồi của trời Đế Thích, hoặc chỗ ngồi của Đại Phạm Thiên Vương, hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển Luân Thánh Vương. Hà huống tự mình chuyên tâm nghe kinh, giải nói được nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa, y theo pháp nói trong Kinh Pháp Hoatu hành, thì được phước báu không thể hạn lượng.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57408)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.