Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh Thứ Hai Mươi

24/05/201012:00 SA(Xem: 12514)
Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh Thứ Hai Mươi
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh thứ hai mươi

Sao lại gọi là ‘’Thường Bất Khinh‘’? Kỳ thật ‘’Thường Bất Khinh‘’ là tên của một vị Bồ Tát, có phải là danh từ thông dụng của Bồ Tát ? Chẳng phải. Chỉ bất quá là một biệt danh, tức là một ngoại hiệu. Vì vị Bồ Tát này, một khi thấy người thì cúi đầu đảnh lễ. Do đó, có những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni gán cho Ngài một cái tên gọi là ‘’Thường Bất Khinh.’’ Đó là trong đời quá khứ của Đức Phật Thích Ca khi hành đạo Bồ Tát, gặp người thì năm thể sát đất đảnh lễ họ, song một số Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni dùng ‘’Thường Bất Khinh‘’ để gọi Ngài, chứ chẳng phải là danh hiệu vốn có của Bồ Tát đó. Vì khi Đức Phật hành Bồ Tát đạo, thì thấy người bèn nói : ‘’Tôi không dám khinh các vị, vì các vị đều sẽ thành Phật.’’ cho nên được tên là ‘’Thường Bất Khinh,‘’ thường chẳng khinh khi người khác vậy.

‘’Thường Bất Khinh‘’ lại có thể phân làm bốn thứ giải nói :
1). Bao hàm ý niệm chẳng khinh mạn.
2). Tự đầy đủ trí huệ chẳng khinh địch.
3). Ngoài thân hành hạnh môn cung kính tất cả.
4). Đối với tất cả cảnh giới đều tất cung tất kính, chẳng có tâm phóng dật, cho nên nói :

‘’Tất cả là khảo nghiệm,
Xem thử bạn thế nào,
Trước mắt mà chẳng ngộ,
Phải luyện lại từ đầu.’’

Bồ Tát Thường Bất Khinh nhận thức được đủ thứ cảnh giới và sự khảo nghiệm, nên thực hành hạnh môn Thường Bất Khinh, đây là thuộc về thế giới tất đàn (bố thí khắp). Thân của Ngài thực hành hạnh bất khinh, cung hành thực tiễn, đây gọi là vị nhân tất đàn. Miệng của Ngài nói giáo lý bất khinh, những gì nói ra, đều là pháp môn giáo hóa chẳng khinh người khác, đây gọi là đối trị tất đàn. Ngài có một pháp nhìn chẳng khinh mạn đối với người khác, đây gọi là đệ nhất nghĩa tất đàn. Do đó ‘’Thường Bất Khinh‘’ lại bao quát bốn thứ tất đàn này.

Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Đắc Đại Thế ! Ông nay nên biết, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, thọ trì Kinh Pháp Hoa, nếu có người ác khẩu mắng chưởi phỉ báng, thì sẽ mắc tội báo lớn, như trước đã nói. Người trì Kinh Pháp Hoa được công đức, cũng như ở trước đã nói, mắt tai mũi lưỡi đều thanh tịnh.

Đắc Đại Thế ! Vào thuở xa xưa, đã trải qua vô lượng vô biên số kiếp A tăng kỳ, không thể nghĩ bàn, có vị Phật hiệu là Uy Âm Vương Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Kiếp đó tên là Ly Suy, nước đó tên là Đại Thành.

Khi Đức Phật nói xong Phẩm Pháp Sư Công Đức, thì bắt đầu nói Phẩm Thường Bất Khinh. Trước hết, Phật bảo đại Bồ Tát Đắc Đại Thế, tức cũng là Bồ Tát Đại Thế Chí. Vị Bồ Tát này chỉ cần cất chân lên một bước, thì mặt đất có sáu thứ chấn động, biểu thị uy thế lực mạnh của vị Bồ Tát này. Đức Phật nói : ‘’Đại Thế Chí ! Bây giờ ông nên biết, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đọc tụng, biên chép Kinh Pháp Hoa, nếu như có người ác khẩu đến mắng chưởi, hoặc phỉ báng họ, thì những người này mắc tội báo lớn như núi Tu Di, như kinh văn đã nói ở trên. Còn công đức của người trì Kinh Pháp Hoa, cũng như đã nói ở trong Phẩm Pháp Sư Công Đức ở trên, đắc được công đức mắt tai mũi lưỡi thân ý thanh tịnh.

Bồ Tát Đại Thế Chí ! Vào thuở xa xưa, đã trải qua vô lượng vô biên số kiếp A tăng kỳ không thể nghĩ bàn, có một vị Phật hiệu là Uy Âm Vương Như Lai. Vì vị Phật đó đủ đại uy đức, thậm chí âm thanh của Ngài cũng khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới chấn động, đại chúng đều cung kính lắng nghe vị Phật đó nói pháp. Mỗi vị Phật đều đầy đủ mười hiệu là Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’’

Như Lai : Thừa đạo như thật, lai thành chánh giác.
Ứng Cúng : Xứng đáng thọ trời người cúng dường.
Chánh Biến Tri : Chẳng những chánh tri (biết chân chánh) mà còn biến tri (biết khắp hết thảy), chẳng có gì mà chẳng biết, chẳng có gì mà chẳng thấu.
Minh Hạnh Túc : Trí huệ cũng sung túc, tu hành cũng viên mãn.
Thiện Thệ : Ở nơi tốt lành nhất.
Thế Gian Giải : Băc hiểu rõ thế gian nhất.
Vô thượng Sĩ : Là người có học vấn nhất, có đạo đức nhất trên thế gian.
Điều Ngự Trượng Phu : Điều ngự ba cõi, là đại trượng phu của tất cả chúng sinh.
Thiên Nhân Sư : Thầy dẫn đường của trời, người.
Phật : Là ba giác tròn, vạn đức đầy.
Thế Tôn : Bậc tôn kính của thế và xuất thế.

Khi Đức Phật Uy Âm Vương Như Lai còn ở đời, thì kiếp đó tên là Ly Suy, tức là lìa khỏi mọi tướng suy, nước tên là Đại Thành.

Đức Phật Uy Âm Vương ở trong cõi nước đó, vì các hàng trời, người, A tu la mà nói pháp. Vì người cầu Thanh Văn nói pháp tứ diệu đế, độ thoát sinh già bệnh chết, đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Vì người cầu Bích Chi Phật nói pháp mười hai nhân duyên. Vì các Bồ Tát cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nói pháp sáu Ba la mật, đạt đến trí huệ cứu kính của Phật.

Vào kiếp Ly Suy, trong nước Đại Thành, vị Phật Uy Âm Vương đó, vì trời, người, A tu la nói pháp siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si. Vì A tu la chẳng tu giới, chẳng tu định, cũng chẳng tu huệ, mà chỉ biết tham, sân, si. Vì tham, sân, si, nên có ngu si mới đọa vào đường A tu la. Nổi giận là bản lãnh của chúng, vì chúng mất đi giới định huệ. A tu la là tiếng Phạn, dịch là "chẳng đoan chánh", mặt mũi rất là xấu xí, đây là quả báo của tâm sân hận.

Đức Phật đó, lại vì người cầu quả vị Thanh Văn nói pháp tứ diệu đế. Tứ diệu đế là : Khổ, tập, diệt, đạo. Thanh Văn là người nhị thừa, thuộc về tiểu thừa, vì họ được ít mà cho là đủ, chẳng nghĩ tiến tới cầu đại thừa, cho rằng những gì làm đã làm xong, lầm rằng trên chẳng có Phật đạo để thành, dưới chẳng có chúng sinh để độ. Do đó, Phật vì họ nói chân lý tứ diệu đế.

A. Khổ đế : Khổ có vô lượng sự khổ, ba sự khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ), tám thứ khổ (khổ về sinh già bệnh chết, khổ về ái biệt ly, khổ về oán tắng hội, khổ về cầu bất đắc, khổ về ngũ ấm sí thạnh). Nay lược giải như sau :

Ba thứ khổ :
1). Khổ khổ : Ví như người nghèo đến cực điểm, lại thêm vào chẳng có nhà ở, chẳng có quần áo mặc, hoàn cảnh như thế gọi là khổ trong sự khổ.
2). Hoại khổ : Ví như có người rất giàu có, nhưng bị nạn lửa thiêu sạch tài sản nhà cửa, đó gọi là hoại khổ về giàu có.
3). Hành khổ : Từ nhỏ đến lớn rồi già nua, rồi chết đi, niệm niệm thay đổi như sóng sau đẩy sóng trước, chẳng khi nào ngừng, nên gọi là hành khổ.

Tám thứ khổ :
1). Khổ về sinh : Khi sinh như rùa lột mai. Cho nên khi đứa bé mới sinh ra, chỉ kêu khổ ‘’oa oa.‘’
2). Khổ về già : Khi già thì mắt tai mũi lưỡi thân và ý sáu căn, đều chẳng còn linh mẫn.
3). Khổ về bệnh : Thân tâm đều chẳng được khoẻ, ngồi đứng không yên.
4). Khổ về chết : Chết giống như bò sống lột da, tứ đại phân tán.
5). Khổ vì thương yêu mà phải xa lìa : Những người mình thương yêu đành phải phân ly, không được đoàn tụ.
6). Khổ vì người mình ghét mà gặp mặt : Người thù địch mà bạn ghét nhất lại gặp nhau.
7). Khổ về cầu chẳng được : Trong tâm muốn đắc được mà chẳng đắc được.
8). Khổ về năm ấm : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm ấm, như lửa dữ thiêu đốt con người, khiến cho điên đảo.

B. Tập đế : Tức chiêu cảm.
C. Đạo đế : Tức là tu vô thượng đạo.
D. Diệt đế : Tức là chứng được sự vui tịch diệt Niết Bàn. Đó là lược nói về pháp tứ diệu đế. Phật dạy hàng Thanh Văn dùng pháp tứ đếđộ sinh già bệnh chết, đắc được diệu đức Niết Bàn thường lạc ngã tịnh.

Lại vì người tu Bích Chi Phật nói pháp mười hai nhân duyên. Bích Chi Phật gọi là Duyên Giác. Duyên Giác có hai :
1). Lúc có Phật ra đời, tu pháp mười hai nhân duyênngộ đạo, nên gọi là Duyên Giác.
2). Lúc chẳng có Phật ra đời, tu ở trong thâm sơn cùng cốc, mùa xuân quán hoa nở, mùa thu quán lá vàng rơi mà ngộ đạo, nên gọi là Độc Giác.

Mười hai nhân duyên là : Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não.

Phật vì các Bồ Tát tu Bồ Tát hạnh, đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên vì các Bồ Tát nói pháp môn sáu Ba la mật. Sáu Ba la mật là pháp của Bồ Tát tự độ độ tha, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha. Ba la mật là tiếng Phạn, dịch là "Đến bờ kia". Nếu tu sáu Ba la mật, thì từ sinh tử bên này qua dòng phiền não, đạt đến bờ bên kia cứu kính Niết Bàn.

Đắc Đại Thế ! Đức Phật Uy Âm Vương đó, thọ bốn mươi vạn ức Na do tha Hằng hà sa số kiếp. Chánh pháp lưu lại ở đời, kiếp số như hạt bụi của cõi Diêm Phù Đề, tượng pháp lưu lại ở đời, kiếp số như hạt bụi của bốn thiên hạ. Đức Phật đó, lợi ích chúng sinh rồi, sau đó mới diệt độ.

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’Đại Thế Chí ! (Đắc Đại Thế tức là Đại Thế Chí) Vị Phật Uy Âm Vương đó, thọ đến bốn mươi vạn ức Na do tha Hằng hà sa số kiếp. Chánh pháp ở đời, số kiếp như số hạt bụi của cõi Diêm Phù Đề. Tượng pháp ở đời, kiếp số như hạt bụi của bốn thiên hạ. Đức Phật đó, sau khi lợi ích phổ độ giáo hóa hết thảy chúng sinh, rồi mới vào Niết Bàn.

Sau khi chánh pháptượng pháp diệt rồi, ở cõi nước đó, lại có Phật ra đời cũng hiệu là Uy Âm Vương Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như thế lần lượt có hai vạn ức đức Phật, cũng đều cùng một danh hiệu. Sau khi đức Phật Uy Âm Vương đầu tiên diệt độ rồi, chánh pháp cũng diệt rồi, thì trong thời tượng pháp, hàng Tỳ Kheo tăng thượng mạnthế lực lớn. Bấy giờ, có một Bồ Tát Tỳ Kheo tên là Thường Bất Khinh.

Đắc Đại Thế ! Do nhân duyên gì mà tên là Thường Bất Khinh ? Vì vị Tỳ Kheo đó, bất cứ gặp ai, hoặc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng : Ta rất kính các vị, chẳng dám khinh khi. Tại sao ? Vì các vị đều hành Bồ Tát đạo, đều sẽ thành Phật. Mà vị Tỳ Kheo đó, chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ lễ lạy, cho đến ở xa thấy bốn chúng, cũng đều cố đến gần, lễ lạy khen ngợi mà nói rằng : Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật.

Sau khi chánh pháptượng pháp của Phật Uy Âm Vương diệt rồi, ở trong cõi nước Đại Thành đó, lại có Phật ra đời, danh hiệu cũng là Uy Âm Vương Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như thế có hai vạn ức vị Phật, lần lượt xuất hiện ở trong nước Đại Thành. Những vị Phật đó, danh hiệu đều là Phật Uy Âm Vương. Sau khi Đức Phật Uy Âm Vương đầu tiên vào Niết Bàn, kế tiếp chánh pháp cũng diệt luôn, ở trong thời tượng pháp, hàng Tỳ Kheo cống cao ngã mạn, tranh danh đoạt lợi có thế lực lớn, coi ai cũng chẳng ra gì. Lúc đó, có một vị Bồ Tát Tỳ Kheo tên là Thường Bất Khinh.

Phật lại gọi một tiếng : Đại Thế Chí ! Bởi nhân duyên gì, mà vị Tỳ Kheo đó có tên là Thường Bất Khinh ? Vì bất cứ Ngài gặp Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đều đảnh lễ, khen ngợi, vì Ngài muốn hành Bồ Tát đạo, học Bồ Tát quán chúng sinh, ta, người, đồng một thể, chẳng thấy có tướng ta, chẳng thấy có tướng người, chẳng thấy có tướng chúng sinh, chẳng thấy có tướng thọ mạng. Nếu Ngài chấp trước tướng ta, thì chẳng thể nào hướng về người khác cúi đầu đảnh lễ. Ngài luôn nói rằng: ‘’Tôi rất cung kính các vị ! Tôi tuyệt đối không dám khinh mạn các vị. Vì các vị đều hành Bồ Tát đạo, các vị sớm sẽ thành Phật.’’ Mà vị Thường Bất Khinh Tỳ Kheo đó, chẳng chuyên tâm đọc tụng tất cả kinh điển, mà vẫn hành Bồ Tát đạo, tức là mỗi ngày đều hướng về bốn chúng đệ tử cúi đầu đảnh lễ, cho dù Ngài đến nơi khác mà thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cách xa họ rất xa, Ngài đều đi đến gần họ để lễ lạy khen ngợi nói : ‘’Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật.’’

Ở trong bốn chúng, có người sinh tâm sân hận chẳng thanh tịnh, ác khẩu mắng chưởi nói : Vị Tỳ Kheo vô trí này, từ đâu đến, mà tự nói là tôi chẳng khinh các vị, mà thọ ký cho chúng ta sẽ được thành Phật. Chúng ta chẳng nhận lời thọ ký hư vọng như thế. Trải qua nhiều năm như thế, thường bị mắng chửi mà chẳng sinh tâm sân hận. Thường nói như vầy : Các vị sẽ thành Phật. Khi nói lời đó, thì mọi người đều dùng gậy ngói đá đánh ném. Ngài bèn chạy trốn thật xa, mà vẫn lớn tiếng nói : Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Bởi thường nói lời như thế, cho nên hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tăng thượng mạn gọi Ngài là Thường Bất Khinh. Khi vị Tỳ Kheo đó sắp lâm chung, thì ở trong hư không, nghe đủ hai mươi ngàn vạn ức bài kệ Kinh Pháp Hoa, của đức Phật Uy Âm Vương nói trước kia. Ngài nghe rồi thọ trì, bèn được căn mắt thanh tịnh, căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đều thanh tịnh như đã nói ở trên. Được sáu căn thanh tịnh rồi, thì càng tăng tuổi thọ đến hai trăm vạn ức Na do tha tuổi, rộng vì người nói Kinh Pháp Hoa này.


Ở trong bốn chúng có hàng Tỳ Kheo tăng thượng mạn, đối với Bồ Tát Thường Bất Khinh sinh tâm sân hận. Khi Tỳ Kheo Thường Bất Khinh hướng về họ lễ lạy, thì họ dùng chân đá đầu của Ngài, đó là vì họ ác tâm chẳng tịnh, tích tụ tham sân si ba độc, cố ý ác khẩu chửi mắng Tỳ Kheo Thường Bất Khinh. Họ nói : ‘’Ông Tỳ Kheo này thật là quá ngu si ! Ông từ đâu đến ? Ông chẳng dám khinh chúng ta, lại thọ ký cho chúng ta, nói chúng ta sẽ thành Phật. Chúng ta chẳng cần ông thọ ký láo khoét như thế. Ông thật là người hồ đồ.’’

Vị Tỳ Kheo Thường Bất Khinh tu pháp môn nhẫn nhục lễ lạy, khen ngợi bốn chúng như thế trải qua rất nhiều năm. Tuy Ngài thường bị họ đánh đập chửi mắng, nhưng Ngài chẳng bao giờ sinh tâm sân hận, Ngài thường nói : ‘’Các vị sẽ thành Phật.’’ Khi nói những lời đó, thì nhiều người dùng gậy, ngói, đá, đánh ném vào thân thể Ngài. Ngài bèn chạy mau đến chỗ xa, lại lớn tiếng nói : ‘’Tôi chẳng dám khinh các vị ! Các vị đều sẽ thành Phật !‘’ Bởi Ngài thường nói câu đó, cho nên hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tăng thượng mạn bèn gọi Ngài là Thường Bất Khinh.

Vị Bồ Tát Tỳ Kheo Thường Bất Khinh đó, lúc Ngài sắp viên tịch, thì ở trong hư không, nghe được hai mươi ngàn vạn ức bài kệ Kinh Pháp Hoa, của Phật Uy Âm Vương nói trước kia. Ngài chẳng những nghe rồi mà còn thọ trì, bèn được căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu căn thanh tịnh như đã nói ở trên. Ngài đắc được sáu căn thanh tịnh rồi, chẳng những chẳng mệnh chung, mà ngược lại càng tăng thêm tuổi thọ, đến hai trăm vạn ức Na do tha tuổi, thường thường vì người diễn nói Kinh Pháp Hoa.

Bấy giờ, hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tăng thượng mạn khinh khi vị đó, đặt tên là Thường Bất Khinh, thấy vị đó đắc được sức đại thần thông, sức nhạo thuyết biện tài, tâm lương thiện. Nghe vị đó nói pháp, đều tin thọ đi theo. Vị Bồ Tát đó, lại giáo hóa hàng ngàn vạn ức chúng, khiến cho họ trụ nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sau khi mạng chung, được gặp hai ngàn ức vị Phật, đều hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Ở trong pháp đó thường nói Kinh Pháp Hoa này. Bởi nhân duyên đó, lại được gặp hai ngàn ức vị Phật, đồng hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương. Ở trong pháp của các đức Phật đó, đều thọ trì đọc tụng, vì bốn chúng nói kinh điển này, cho nên được mắt thường thanh tịnh, tai mũi lưỡi thân ý các căn đều thanh tịnh. Ở trong bốn chúng nói pháp tâm chẳng sợ hãi.
Đắc Đại Thế ! Đại Bồ Tát Thường Bất Khinh đó, cúng dường hết thảy các vị Phật như thế, cung kính tôn trọng khen ngợi, trồng các căn lành. Về sau, lại gặp ngàn vạn ức đức Phật, cũng ở trong pháp của các vị Phật đó, diễn nói kinh này, công đức thành tựu sẽ được thành Phật.

Khi Bồ Tát Thường Bất Khinh đắc được sáu căn thanh tịnh, thì thường vì người diễn nói Kinh Pháp Hoa. Trước kia, hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tăng thượng mạn, lại có những người đánh đập mắng chưởi khinh khi Ngài, đặt cho Ngài cái tên là Thường Bất Khinh. Họ thấy Bồ Tát Thường Bất Khinh có thần thông lớn, lại đọc tụng làu Kinh Pháp Hoa, còn vì người mà nói Kinh Pháp Hoa, được biện tài vô ngại, lại được thân tâm lương thiện, chẳng sinh tâm sân hận, có sức nhẫn nhục và sức trí huệ Bát Nhã. Khi họ nghe vị Bồ Tát Thường Bất Khinh nói Kinh Pháp Hoa, thì họ đều im lặng tin nhận, đi theo Bồ Tát Thường Bất Khinh cùng nhau tu đạo.

Vị Bồ Tát Thường Bất Khinh giáo hóa hàng ngàn vạn ức chúng sinh, đều khiến cho họ trụ nơi Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau khi đời thứ nhất mạng chung rồi, thì có hai ngàn ức vị Phật xuất hiện ra đời, đều hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật. Ở trong pháp của hai ngàn ức vị Phật đó, Bồ Tát Thường Bất Khinh vẫn nói bộ Kinh Pháp Hoa này. Nhờ nhân duyên đó, lại gặp hai ngàn ức vị Phật xuất hiện ra đời, đều đồng hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương Phật. Ở trong pháp của hai ngàn ức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, và hai ngàn ức Phật Vân Tự Tại Đăng Vương, Bồ Tát Thường Bất Khinh đời đời kiếp kiếp, đều thọ trì đọc tụng và vì bốn chúng đệ tử rộng nói bộ Kinh Pháp Hoa này, đắc được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các căn thường thanh tịnh chẳng nhiễm. Ở trong bốn chúng nói pháp tâm chẳng sợ hãi.

Phật lại gọi một tiếng : ‘’Đắc Đại Thế ! Vị Bồ Tát Thường Bất Khinh đó, đã từng cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi chư Phật như đã nói ở trên, và ở trước chư Phật gieo trồng các căn lành. Sau đó, lại có ngàn vạn ức vị Phật ra đời. Ngài cũng ở trong pháp của chư Phật diễn nói bộ Kinh Pháp Hoa này. Nhờ công đức Ngài diễn nói bộ kinh này thành tựu, cho nên Ngài được thành Phật.’’

Đắc Đại Thế ! Ý ông thế nào ? Bồ Tát Thường Bất Khinh thuở đó là người nào vậy ? Chính là thân ta. Nếu trong đời quá khứ, ta chẳng thọ trì đọc tụng kinh này, chẳng vì người khác diễn nói, thì không thể sớm được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì trước kia, ta ở chỗ các đức Phật thọ trì đọc tụng kinh này, vì người diễn nói, nên sớm được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đắc Đại Thế ! Lúc đó bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, dùng tâm sân hận khinh tiện ta, cho nên trải qua hai trăm ức kiếp thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe Pháp, chẳng thấy Tăng. Ngàn kiếp ở trong địa ngục A Tỳ, thọ đại khổ não, hết tội đó rồi, lại gặp Bồ Tát Thường Bất Khinh, giáo hóa cho họ đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đắc Đại Thế ! Ý ông thế nào ? Bốn chúng thường khinh khi Bồ Tát Thường Bất Khinh, đâu phải là ai khác, nay ở trong hội này, đó là Bạt Đà Bà La cả thảy năm trăm vị Bồ Tát, Sư Tử Nguyệt cả thảy năm trăm vị Tỳ Kheo, Ni Tư Phật cả thảy năm trăm vị cư sĩ nam, đều chẳng thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đắc Đại Thế ! Nên biết Kinh Pháp Hoa này, lợi ích rất lớn cho các đại Bồ Tát, khiến cho đạt đến quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bởi thế, các đại Bồ Tát sau khi Như Lai diệt độ, thường hay thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, kinh này.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’Đắc Đại Thế ! Theo ý của ông thấy thì thế nào ? Vị Bồ Tát Thường Bất Khinh là người nào vậy ? Ông ta chính là tiền thân của ta (Phật Thích Ca Mâu Ni). Nếu như thuở xưa, ta chẳng thọ trìđọc tụng Kinh Pháp Hoa này, hoặc chẳng vì người khác giải nói kinh này, thì ta không thể nào, sớm được thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bởi vì ta thuở xưa ở chỗ các Đức Phật, hay thọ trì đọc tụng bộ kinh này, và vì người khác giải nói, cho nên ta sớm được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

‘’Đắc Đại Thế ! Những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, bốn chúng đệ tử, dùng tâm sân hận và khinh khi ta là vô trí, cho nên ở trong hai trăm ức kiếp thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe được Phật pháp, cũng chẳng thấy được Tăng. Ngàn kiếp ở trong địa ngục A Tỳ, chịu hành hình khổ não, sau khi thọ xong tội báo, thì lại đầu thai làm người, gặp Bồ Tát Thường Bất Khinh để giáo hóa họ, khiến cho họ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

‘’Đắc Đại Thế ! Theo ý của ông thế nào ? Bốn chúng thường khinh khi Bồ Tát Thường Bất Khinh thuở đó là ai vậy ? Chính là Bạt Đà Bà La cả thảy năm trăm vị Bồ Tát, Sư Tử Nguyệt cả thảy năm trăm vị Tỳ Kheo, Ni Tư Phật cả thảy năm trăm vị cư sĩ nam, đều đang ở trong pháp hội này. Họ đã đắc được cảnh giới không thối chuyển đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

‘’Đắc Đại Thế ! Ông nên biết bộ Kinh Pháp Hoa này, lợi ích hết thảy tất cả các đại Bồ Tát, hay khiến cho các Ngài đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho nên các đại Bồ Tát, sau khi Như Lai diệt độ, luôn luôn thọ trì đọc tụng giải nói biên chép bộ Kinh Pháp Hoa này. Lúc ấy, Đức Phật muốn tường thuật lại, bèn dùng kệ để nói.’’

Quá khứ có Phật
Hiệu Uy Âm Vương
Th
ần trí vô lượng
Dẫn dắt tất cả.
Trời người rồng thần
Cùng đến cúng dường
Phật đó diệt rồi
Lúc pháp sắp diệt.
Có một Bồ Tát
Tên Thường Bất Khinh
Khi đó bốn chúng
Chấp trước nơi pháp.
Bồ Tát Bất Khinh
Đi đến chỗ họ
Bèn nói lời rằng:
Tôi chẳng khinh Ngài.
Các Ngài hành đạo
Đều sẽ thành Phật
Mọi người nghe rồi
Khinh khi mắng chưởi.
Bồ Tát Bất Khinh
Chịu đựng nhẫn nhục
Tội nghiệp hết rồi
Khi sắp lâm chung.
Nghe được kinh này
Sáu căn thanh tịnh
Nhờ sức thần thông
Tăng thêm tuổi thọ.
Lại vì mọi người
Rộng nói kinh này
Những người chấp pháp
Đều nhờ Bồ Tát.
Giáo hóa thành tựu
Khiến trụ Phật đạo
Bất Khinh mạng chung
Gặp vô số Phật.
Nhờ nói kinh này
Được vô lượng phước
Dần đủ công đức
Sớm thành Phật đạo.
Bất Khinh thuở đó
Tức là thân ta.

Đức Phật nói : ‘’Vô lượng đời trong quá khứ, có một vị Phật ra đời hiệu là Phật Uy Âm Vương. Thần thông của vị Phật đó vô lượng, trí huệ cũng vô lượng. Ngài tiếp dẫn tất cả chúng sinh, làm lãnh tụ tất cả chúng sinh, để dẫn dắt họ sớm thành Phật đạo. Lúc đó, tất cả các trời người và các rồng thần, cùng đến cúng dường vị Phật đó. Vị Phật đó hoằng dương Phật pháp, trải qua thời gian lâu dài mới vào Niết Bàn. Sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, khi tượng pháp sắp diệt, thì có một vị Bồ Tát xuất hiện ra đời tên là ‘’Thường Bất Khinh,’’ tức là luôn luôn chẳng khinh khi bất cứ ai. Ngài đối với tất cả chúng sinh như cung kính đối với Phật. Vào lúc pháp sắp diệt hết, thì có nhiều bốn chúng đệ tử nghiệp chướng thêm nặng, thân tuy xuất gia mà chẳng tu đạo. Vì họ đều sinh tâm cống cao ngã mạn, tâm tăng thượng mạn, xem người khác chẳng ra gì. Bởi Phật pháp sắp muốn diệt tận, cho nên tất cả Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đều dụng công phu ngoài da, chấp trước nơi pháp, cho nên sinh tâm tăng thượng mạn.

Lúc đó, Bồ Tát Thường Bất Khinh đến chỗ bốn chúng tăng thượng mạn nói rằng : ‘’Tôi chẳng dám khinh mạn các vị, vì các vị hiện đang thực hành Bồ Tát đạo, cho nên tương lai đều sẽ thành Phật‘’. Hàng bốn chúng tăng thượng mạn nghe những lời đó rồi, thì khinh khi phỉ báng mắng chưởi Ngài. Tuy Bồ Tát Thường Bất Khinh chịu đựng sự đánh đập mắng chửi, cho đến dùng gậy, ngói, đá, đánh đập Ngài, song Ngài cũng chẳng sinh tâm sân hận, nhẫn thọ mọi sự thử thách, luôn cúi đầu đảnh lễ. Sau khi vị Bồ Tát Thường Bất Khinh trả hết nghiệp cũ, khi lâm chung, thì nghe được đạo lý Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn, đắc được sáu căn thanh tịnh, sáu căn hổ tương dụng với nhau. Bởi đắc được đại thần thông, đại trí huệ, đại thế đại lực, cho nên tuổi thọ lại tăng lên rất nhiều. Sau đó, Ngài lại vì hết thảy mọi người rộng nói bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này.

Ở trên nói về chúng sinh chấp trước pháp, và tăng thượng mạn, thọ hết quả báo trong địa ngục rồi, lại được đầu thai làm người, được gặp Bồ Tát Thường Bất Khinh, có đại oai thần lực như thế, nên đều nhờ Bồ Tát giáo hóa thành tựu, khiến cho họ trụ nơi Phật đạo. Sau khi Bồ Tát Thường Bất Khinh mạng chung, lại có vô số chư Phật xuất hiện ra đời, mà Bồ Tát Thường Bất Khinh trong đời đời kiếp kiếp, vẫn diễn nói bộ Kinh Pháp Hoa này, cho nên Ngài đắc được vô lượng phước báu trang nghiêm, dần dần đầy đủ công đức Phật đạo, sớm được thành Phật. Ta nói Bồ Tát Thường Bất Khinh thuở đó là ai ? Chính là ta (Phật Thích Ca).

Bốn bộ chúng đó
Những người chấp pháp
Nghe Bất Khinh nói
Ông sẽ thành Phật.
Bởi nhân duyên đó
Gặp vô số Phật
Bồ Tát hội này
Chúng năm trăm người.
bốn bộ chúng
Thiện nam tín nữ
Nay ở trước ta
Nghe kinh pháp này.
Ta ở đời trước
Khuyên những người đó
Nghe thọ kinh này
Là pháp bậc nhất.
Khai thị dạy người
Khiến trụ Niết Bàn
Đời đời thọ trì
Kinh điển như thế.
ức ức vạn kiếp
Không thể nghĩ bàn
Nên mới được nghe
Kinh Pháp Hoa này.
ức ức vạn kiếp
Không thể nghĩ bàn
Chư Phật Thế Tôn
Di
ễn nói kinh này.
Bởi thế hành giả
Sau Phật diệt độ
Nghe được kinh này
Chớ sinh nghi hoặc.
Hãy nên một lòng
Rộng nói kinh này
Đời đời gặp Phật
Sớm thành Phật đạo.

Bốn chúng phỉ báng chưởi mắng Bồ Tát Thường Bất Khinh, một số người chấp trước pháp mà sinh tâm tăng thượng mạn, nghe thấy Bồ Tát Thường Bất Khinh nói họ sẽ thành Phật. Bởi nhờ nhân duyên đó, được thấy vô lượng vô số chư Phật. Hiện tại Bạt Đà Bà La năm trăm vị Bồ Tát ở trong pháp hội này, tức là một trong bốn chúng khinh khi phỉ báng Bồ Tát Thường Bất Khinh thuở đó, hiện tại các vị đó đã chứng được bất thối chuyển, khéo giữ giới luật. Và có những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, thuở xưa tăng thượng mạn, hiện nay họ đều ở trước ta phát tâm đại bồ đề, vì ta thuở xưa khiến cho họ gieo trồng xuống hạt giống bồ đề, cho nên hiện tại đến nghe ta nói pháp.

Kiếp trước ta khuyên hết thảy mọi người, khiến cho họ phát bồ đề tâm, tu vô thượng đạo. Ta đời đời kiếp kiếp đều giảng bộ Kinh Pháp Hoa này, mà họ đều đã nghe qua. Kinh Pháp Hoabộ kinh diệu bậc nhất, ta khai thị giáo hóa mọi người, khiến cho họ trụ ở Niết Bàn an vui, chứng được diệu quả thường lạc ngã tịnh. Ta lại giáo hóa tất cả chúng sinh, đời đời kiếp kiếp, thọ trì bộ Kinh Pháp Hoa này. Ta cũng đời đời kiếp kiếp, thọ trì bộ Kinh Pháp Hoa này, thời gian ức ức vạn kiếp chẳng có số lượng, cho đến thời gian không thể nghĩ bàn, mới nghe được bộ Kinh Pháp Hoa này. Cho đến ức ức vạn kiếp, và thời gian không thể nghĩ bàn, mười phương ba đời tất cả chư Phật Thế Tôn, đều luôn luôn nói bộ Kinh Pháp Hoa này. Bởi thế, các vị những người tu đạo Bồ Tát, sau khi ta diệt độ, nghe được Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn này, thì ngàn vạn đừng sinh tâm nghi hoặc. Các vị phải chuyên tâm vì tất cả chúng sinh rộng nói bộ kinh này. Các vị đời đời kiếp kiếp, đều có thể gặp được tất cả chư Phật, sớm thành tựu Phật đạo, thành tựu bồ đề.

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58789)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :